Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Friday, 13 April 2012


Andalusia, một cái tên lừng danh ở Châu Âu bởi quá khứ đầy biến động của nó. Đây là điểm gặp nhau giữa Thiên Chúa giáo và đạo Hồi, nơi của những thù địch nhưng cũng là nơi của sự kết hợp hài hòa. Tôi chỉ thực sự biết đến vùng này khi trải qua khóa học về lịch sử tôn giáo và đặc biệt là giai đoạn lịch sử Reconquista , khi mà quân đội hoàng gia Tây Ban Nha theo đạo Thiên Chúa giáo dần chiếm thế thượng phong và thôn tính toàn bộ các vương quốc đạo Hồi ở miền nam, nay là vùng Andalusia. Hai tuần phiêu du trên vùng đất nóng hơn 40 độ mùa hè đã giúp tôi hiểu được nhiều điều thú vị tại một trong những cái nôi của nền văn hóa Tây Ban Nha hiện đại. Chẳng phải điệu flamencosinh ra ở đấy đó sao ? Chẳng phải những chiến dĩ đấu bò tót corrida huyền thoại cũng sinh ra ở đây đó sao ? Và cũng tại đây, tôi được nghe danh đến dòng nghệ thuật kiến trúc mudejar, một sự kết hợp tuyệt hảo giữa dòng gô-tích Thiên Chúa giáo và các họa tiết đạo Hồi

Một chút lịch sử
Cái tên Andalusia bắt nguồn từ Vandalusia, « vùng đất của người Vandal », một trong số rất nhiều dân tộc xuất hiện vào thế kỷ thứ V sau khi đế chế La Mã sụp đổ. Người Vandal cũng không sống được ở miền nam Tây Ban Nha lâu dài vì ngay vào thế kỷ VIII, người ảrập từ Trung Đông xa xôi tiến hành một cuộc chinh phạt chưa từng thấy trong lịch sử. Họ đi từ Ai Cập, xâm chiếm tất cả các quốc gia Bắc Phi rồi tiến lên miền nam Tây Ban Nha và làm mưa làm gió tại quốc gia này trong vòng vài trăm năm. Phải đợi đến thế kỷ XI, với sự bảo hộ của các quốc gia Châu Âu khác (Pháp, Ý, Đức), người Tây Ban Nha dần dần hùng mạnh và tiến hành một cuộc trinh phạt nhằm đòi lại những vùng đất bị người ảrập chiếm. Cuộc trinh phạt đó kéo dài hơn 300 năm đến tận thế kỷ XV và được gán cái tên là Reconquista, trong tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là « xâm chiếm lại ». Các tiểu vương quốc ảrập tại Tây Ban Nha thất thủ và bị thôn tính từng vùng một, duy nhất chỉ có vương quốc Hồi giáo ở vùng Andalusia là cứng đầu hơn cả. Họ chiến đấu rất kiên cường và nhiều khi khiến quân đội Tây Ban Nha chùn chân. Chiến tranh diễn ra kiểu vòng vo tam quốc và phải đợi đến năm 1492 thì toàn bộ người ảrập mới bị đuổi khỏi lãnh thổ Tây Ban Nha. 

Trận đại chiến năm 1492 đánh dấu chấm hết cho sự tồn tại của người Hồi giáo trên đất Tây Ban Nha trong vòng hơn 700 năm
 Tất nhiên, người ảrập bị đuổi nhưng những công trình kiến trúc Hồi giáo vẫn còn đó và nhiều người dân vẫn còn theo phong tục tập quán đạo Hồi. Hoàng gia Tây Ban Nha đã tiến hành công cuộc « diệt cỏ tận gốc ». Họ cho phá hủy rất nhiều di sản Hồi giáo và bắt người dân chuyển sang đạo Thiên chúa. Nhưng người Tây Ban Nha rất khôn, họ tiếp thu những tinh hoa của nghệ thuật Hồi giáo và quyết định chiêu nạp những nghệ nhân tinh tú nhất thời bấy giờ để chế biến ra dòng kiến trúc mới gọi là Mudejar

Dòng kiến trúc Mudejar đặc trưng với nghệ thuật điêu khắc rất tỉ mỉ trên bề mặt các bức tường và cột. Người ta có cảm giác như nghệ nhân đẽo gọt bằng kéo trên từng milimét đá
Từ này trong tiếng Tây Ban Nha ám chỉ những nghệ nhân vốn dĩ theo đạo Hồi nhưng được hoàng gia trọng dụng nên chuyển sang đạo Thiên Chúa và phục vụ tận tình cho triều đình.

Di sản kiến trúc Âu-Hồi
Dưới thời các vương quốc ảrập, vùng Andalusia hoàn toàn mang đậm phong cách sống Trung Đông. Các vị vua chúa cho xây lên các công trình kiến trúc tráng lệ và vẫn còn tồn tại đến ngày nay để rồi trở thành những địa danh thu hút hàng triệu du khách năm châu. 

 Cung điện Alhambra của Granada là biểu tượng của sự kết hợp hài hòa giữa Thiên chúa giáo và Hồi giáo trong lối kiến trúc. Đây là minh chứng hùng hồn nhất cho cho sự tồn tại của người ảrập trên đất Tây Ban Nha trong vòng hơn 700 năm. 

 Nhưng cuối cùng, họ cũng phải cuốn gói ra đi khi thành Granada thất thủ trước quân đội hoàng gia Tây Ban Nha vào năm 1492. Rất nhiều công trình kiến trúc Hồi giáo bị phá hủy nhưng Alhambra đã tồn tại một cách phi thường 

 Sevilla, nổi bật với quảng trường Plaza de Espana, khánh thành nhân dịp triển lãm quốc tế năm 1929. 

Văn hóa phương đông có nhiều ảnh hưởng đến nét kiến trúc vùng Andalusia. Ở đây là việc sử dụng chất liệu sành sứ, và quê hương của nó đến từ Trung Quốc. Vào thế kỷ XVI, Tây Ban Nha là một đế chế toàn cầu và có nhiều trao đổi thương mại với nhà Minh thời bấy giờ và không khó để hiểu ra rằng hoàng gia Tây Ban Nha ưa chuộng lối hoa văn sặc sỡ trên các tấm bình phong.
 Tháp Giralda, biểu tượng của mối quan hệ phức tạp của hai đạo láng giềng Thiên chúa và Hồi. Dưới sự ngự trị của người ảrập, Giralda là tháp chuông của một nhà thờ Hồi giáo. Nhưng khi toàn bộ vùng Andalusia rơi vào tay người Tây Ban Nha, tháp bị chuyển thành tháp chuông của nhà thờ Thiên chúa giáo. Người Tây Ban Nha muốn rằng tôn giáo của họ phải áp đảo Hồi giáo nên cho xây rất nhiều công trình kiến trúc ngay trên nền móng của nhiều công trình Hồi giáo như một sự trả thù ngọt ngào.

 Nhà thờ Cordoba là biểu tượng chiến thắng của Thiên chúa giáo trước người ả rập. Dưới thời các tiểu vương quốc hồi giáo, đây là nhà thờ hồi giáo lớn nhất Châu Âu. Nhưng khi người Tây Ban Nha xâm chiếm lại vùng Andalusia, một phần công trình kiến trúc bị thay đổi để rồi bị chuyển hóa thành một nhà thờ thiên chúa giáo. 

 Người Tây Ban Nha vẫn thường gọi nhà thờ Cordoba với cái tên trìu mến là Mezquita. Tuy rằng có vai trò là một nhà thờ thiên chúa giáo, công trình kiến trúc này vẫn giữ nguyên vẻ bề ngoài đậm chất ảrập. Ví dụ như bức tường này là đặc trưng của kiểu kiến trúc hồi giáo. Tường hầu như kín bít không có mấy cửa vào. Người xem bị ấn tượng ngay bởi các họa tiết cực kỳ chi li trên từng bề mặt đá. 

Cổng vào có dáng hình vó ngựa là nét kiến trúc đặc trưng của người ả rập. Có thể tìm thấy những cánh cửa như thế này tại các quốc gia hồi giáo như Marốc, Syria hay Ai Cập
 Các « pueblos blancos»
Vùng Andalusia nổi tiếng là một vùng có khí hậu rất khắc nghiệt bởi sự hiện diện của nhiều dải núi như Sierra Nevada và Sierra Morena. Xưa kia, những dải núi này la biên giới tự nhiên giữa hai chiến tuyến : một bên sườn núi là các vương quốc Hồi giáo và bên kia là quân đội hoàng gia Tây Ban Nha theo Thiên Chúa giáo. 

 Nhằm tránh sự tác động của chiến tranh, người dân địa phương đã di tản và sinh sống ở sườn núi, một địa thế khá hiểm trở. Các ngôi nhà được xây dọc theo sườn đồi và sơn màu trắng muốt để tránh cái nóng khủng khiếp mùa hè, vì thế người ta mới gọi là pueblos blancos, trong tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là « ngôi làng trắng ». 

 Arcos de la Frontera là một trong những pueblos blancos nổi tiếng nhất vùng Andalusia. Cũng giống như phần lớn các ngôi làng cùng kiểu, đây vốn dĩ là vùng đất của người Hồi giáo trong vòng vài trăm năm và có cái tên ảrập là Medina Arkosch. Khi thất thủ trước người Tây Ban Nha, ngôi làng được chuyển tên Arcos de la Frontera.

 Ngôi làng trông từ xa thì có vẻ nhỏ nhưng khi tiếp cận, ta có cảm giác như lạc vào mê cung các nẻo đường nhỏ ngoằn ngoèo với những bức tường sơn trắng muốt. Mục đính xây các nẻo đường như vậy là để quân xâm lược bị lạc đường và nhờ đó người dân có thêm thời gian để tìm chỗ ẩn náu. 


Zahara de la Sierra là ví dụ điển hình nhất cho cuộc sống làng mạc vùng Andalusia trong thời chiến Âu-Hồi. Với mục đích bảo vệ lãnh thổ, các vị vua Hồi giáo cho xây dựng một loạt các pháo đài kiên cố dọc biên giới. Để có được sự chuẩn bị tốt về mặt hậu cần, làng mạc mọc lên xung quanh pháo đài để tiếp tế lương thực. 

  Cũng được xây trên một địa thế hiểm trở nhưng Ronda hơi khác một chút so với các làng mạc khác. Thay vì xây trên sườn đồi, làng Ronda được xây trên đỉnh một mỏm núi. Trước kia, để đến được ngôi làng là phải thả dây xuống và lên từng người một chứ không có cầu đường gì hết. Thế nên trong vòng vài trăm năm, Ronda chưa bao giờ bị quân đội Tây Ban Nha động đến. 



Thursday, 12 April 2012

Bất cứ ai có dịp lên Tây Bắc và thưởng thức những món ăn của người Thái chắc hẳn sẽ không bao giờ quên loại gia vị lạ, thơm thơm, ngai ngái mùi núi rừng của hạt dổi.

Người dân tộc vùng cao Tây Bắc ai cũng có những cảm nhận gần gũi về cây dổi. Cây dổi trồng 7 năm mới bắt đầu được thu hoạch quả. Loại cây rất hợp với đất Mường nên cứ trồng là sống tốt, đơm hoa kết trái.

Cây lặng lẽ chắn gió bão, mưa dông cho từng ngôi nhà, làng bản: loại cây vừa cho bóng mát, cho hạt thơm để làm gia vị chế biến các món ăn, lại còn vị thuốc quý và là cây có hiệu quả kinh tế, là mặt hàng làm giàu cho rất nhiều hộ nông dân nơi đây.

Có hai loại hạt dổi: một loại cho vị hắc không thơm và loại không hắc, dậy mùi thơm. Hạt dổi tươi có màu đỏ, đem phơi thì săn lại đổi thành màu đen sậm. Cứ 3kg hạt dổi tươi phơi được 1kg hạt dổi khô. Những quả của cây ít tuổi thường hắc và thiếu vị thơm.

Những cây dổi trên hàng chục năm mới thật sự quý hiếm. Hạt của nó quý đến nỗi người dân phải căng bạt dưới gốc cây để thu hoạch, không bỏ sót quả nào. Khi trồng, người Mường thường ví cây dổi như của gia bảo để đời con, đời cháu được hưởng. Và những người dân vùng cao cũng coi nó là loại cây lành, cây quý của đất Mường.

Người dân tộc Mường (Hòa Bình) thường lấy hạt dổi làm gia vị để chấm ăn cùng thịt lợn nướng, thịt luộc hoặc làm gia vị tẩm ướp. Khi chế biến, hạt dổi sẽ được nướng trên than lửa cho thơm, sau đó đem giã nhỏ như hạt tiêu vì thế hạt dổi cũng được coi như hạt tiêu rừng Tây Bắc.

Hạt dổi có đặc điểm là khi đã rang hoặc nướng chín không để được lâu như hạt tiêu nên khi dùng mới đem nướng để giữ được mùi thơm. Hạt dổi cho mùi thơm ngậy đặc trưng nên nhiều người vẫn nói "khéo bị nghiện hạt dổi", không thể thiếu nó trong mỗi bữa cơm. Nhiều món ăn Tây Bắc như thịt gác bếp, thịt lợn rừng, thịt nướng, tiết canh… nhờ có hương vị hạt dổi mà thêm phần hấp dẫn.

Hạt dổi cũng là gia vị không thể thiếu để tẩm ướp thịt lợn rừng và các món nướng như gà nướng, thịt ba chỉ nướng, sườn nướng. Thông thường hạt dổi được giã nhỏ trộn với muối chanh, ớt thành một thứ nước chấm cay cay, chua chua, thơm ngậy, dùng để chấm thịt gà, thịt luộc thì không một thứ nước chấm nào có thể sánh được hay đơn giản nhất, chấm xôi trắng với muối rang hạt dổi thôi cũng đã đủ thơm ngon.

Hạt dổi cũng rất thích hợp với các món ăn được chế biến từ măng chua, nổi tiếng như thịt gà nấu măng chua với hạt dổi. Nếu bát tiết canh được rắc thêm một ít hạt dổi thì hương vị càng thêm đậm đà, tiết sẽ đông giòn hơn.

Vừa gần gũi và mang lại hiệu quả kinh tế cao, có thể nói hạt dổi là loại gia vị độc đáo mà núi rừng Tây Bắc đã ban tặng cho người dân nơi đây.

Trên thị trường hạt dổi được bán với mức giá khá cao, từ 50.000-100.000 đồng/gam. Hạt dổi không chỉ dùng làm gia vị mà còn là vị thuốc quý chữa đau bụng. Người miền xuôi thường ngâm hạt dổi với rượu làm thuốc xoa bóp trị các chứng bong gân, sai khớp. Để bảo quản hạt dổi được lâu có thể đem rang, giã dập rồi đem ngâm ngập trong nước mắm.

Mùi hạt dổi rất thơm, hăng nhẹ, rất đặc trưng, không giống với bất cứ thứ gia vị nào. Hạt dổi  được người dân tộc Mường - Hòa Bình dùng để ngâm ớt, ngâm măng, ngâm các loại củ quả muối. Ngày xưa món ớt giấm măng chua với hạt dổi  là món ngon được đem tiến vua.

Du lịch, GO! - Theo TTO, internet
(Tiếp theo)
Cồn Dã Viên - Cầu Bạch Hổ.

Lâu nay bận công việc nhà nên mình đã để cho mọi người dừng lại ở chùa Thiên Mụ hơi lâu, bây giờ chúng ta lại tiếp tục xuôi dòng sông Hương nhé. Nếu đi dọc sông Hương, qua khỏi chùa Thiên Mụ, các bạn sẽ đi qua một quãng sông Hương êm đềm của làng Kim Long, hai bên bờ là những hàng ngô non xanh mơn mởn trên dải đất phù sa ven sông. Kim Long là nơi các chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan chọn làm đất đóng đô từ năm 1636, tuy nhiên vùng đất này “trời hành cái lụt mỗi năm”, do đó đến đời chúa Nghĩa Nguyễn Phúc Thái lại dời Phủ chúa về làng Phú Xuân.
Cũng chính vì vậy mà làng Kim Long hiện nay vẫn còn rất nhiều nhà vườn và các Phủ đệ ven sông của các ông Hoàng trong gia tộc Nhà Nguyễn (hiện nay có khu nhà vườn Phú Mộng _ Kim Long là nơi thu hút khách du lịch rất nhiều). Con gái Kim Long ngày xưa nổi tiếng là khéo và đẹp, đến nỗi nhà vua cũng phải đích thân vi hành...

“Kim Long có gái mỹ miều
Trẫm thương, Trẫm nhớ, Trẫm liều, Trẫm đi”.

Quãng sông Kim Long này cũng từng diễn ra các cuộc thao diễn lực lượng thủy binh hùng hậu của nhà Nguyễn, mà lễ hội Festival Huế 2010 đã tái hiện lại một cách hoành tráng.
Trước khi vào trung tâm thành phố Huế, dòng sông Hương trở nên chậm rãi, tại đây phù sa bồi lắng đã tạo thành một cồn đất hình thoi nổi lên giữa sông Hương, nằm ở phía Tây nam kinh thành, gọi là Cồn Dã Viên và được xem như Bạch Hổ chầu bên phải kinh thành.

< Một tấm bia làm bằng đá Thanh cao 70 cm, rộng 40 cm, dày 11 cm, khắc 3 chữ đại tự "Dữ Dã Viên" và lạc khoản cho biết bia được dựng vào tháng 5 năm Tự Đức thứ 21, tức là tháng 7-1868.

Nơi định đô gắn với việc thịnh suy của một triều đại, do đó việc chọn địa điểm xây dựng kinh thành rất được coi trọng. Từ khi Nguyễn Hoàng vào trấn thủ đất Thuận Hóa, đã có tám lần các chúa Nguyễn di dời thủ phủ rồi cuối cùng trở về lại Phú Xuân.

< Cây đa hơn 200 năm tuổi và gò đất cao - nơi vua ngồi để xem hổ giao chiến với voi tại cồn Dã Viên.

Ngày Quý Mùi tháng 4 năm Ất Sửu, năm Gia Long thứ 4 (tức 30.4.1805), Kinh thành Huế được khởi công xây dựng. Tuân thủ theo những nguyên tắc Dịch lý và Phong thủy, nhà Nguyễn đã chọn xây kinh thành vê hướng Đông Nam (thuộc phương Nam) vì Kinh dịch viết: “Thánh nhân nam diện nhi thính thiên hạ” nghĩa là bậc đế vương xây mặt về hướng Nam để nghe (cai trị) thiên hạ; lấy núi Ngự Bình làm bình phong che chắn cho kinh thành; lấy sông Hương làm yếu tố minh đường, dòng sông nằm dài giữa hai cồn đất cong như một cánh cung mang lại sinh khí cho Kinh thành; hai bên có Cồn Hến và Cồn Dã Viên tạo thế Tả Thanh Long, Hữu Bạch Hổ chầu về trọng địa kinh thành. Đó là thế rồng chầu hổ phục bảo vệ cho vương triều.

Khi mới bắt đầu xây dựng kinh thành thì cồn đất này chưa có tên, cái tên chính thức của cái cồn ấy thì phải đến thời Tự Đức mới được đặt.

Vua Tự Đức đã nhận ra vẻ đẹp lý tưởng của nó trên dòng sông thơ mộng và đã cho biến cái cồn này thành một vườn ngự.

Chính nhà vua đã đặt tên là Dữ Dã Viên (vườn Dữ Dã), lấy ý nghĩa của  địa danh Dữ Dã được gợi hứng từ một câu chuyện trong lịch sử được ghi chép ở sách Luận ngữ. Tuy nhiên lâu ngày, để cho tiện, dân gian bớt đi một chữ còn: Dã Viên, nên tên cồn mới trở thành cồn Dã Viên.
Cồn Dã Viên được nhắc đến nhiều trong các văn tự thời Nguyễn, đó là nơi các chúa Nguyễn đã từng tổ chức các trận đấu giữa voi (tượng trưng cho vua) và hổ (tượng trưng cho cái ác).

Một chứng nhân phương Tây có mặt tại Thủ phủ Phú Xuân bấy giờ là Pierre Poivre thuật lại rằng vào năm 1750, vị chúa Nguyễn ấy và các quan trong triều đã đi trên 12 chiếc thuyền, đến đậu gần bờ bắc của cồn để xem cho đến khi 40 con voi quật chết 18 con cọp mới thôi. Tuy nhiên có lần một con hổ quá mạnh đã tát con voi gục xuống và nhảy ra phía khán giả, làm vua quan một phen khiếp sợ. Vua Minh Mạng sau đó đã xây trường đấu Hổ Quyền. Lầu ngự của vua nghe nói tồn tại đến năm 1900, còn từ 1925 thì bỏ mặc cho mưa nắng.

Cồn Dã Viên còn gắn với một công trình khác: cầu Bạch Hổ.  Đó chính là cây cầu mà nếu bạn đến Huế bằng đường sắt thì trước khi vào ga Huế bán sẽ đi qua đó. Cầu được xây dựng vào năm 1908, cùng lúc với tuyến đường sắt Huế - Quảng Trị.  Cầu gồm hai phần: phần phía Bắc cồn, dài 302,10m, rộng 4,05m và cao 4,35m ( bắc ngang từ bờ bắc sông Hương đến cồn Dã Viên) và phần phía Nam, dài 102,70m, rộng 4,10m và cao 4,40m (bắc ngang từ Cồn Dã Viên qua bờ Nam sông Hương).

Ngày xưa kia cầu vẫn làm bằng sắt nhưng mặt cầu lát gỗ. Mấy thanh gỗ mục nát hết nên người qua cầu lúc nào cũng có cảm giác như chân mình sắp lọt tõm xuống cầu qua cái lỗ hổng rộng ngoác. Chiếc cầu hồi ấy được ngăn ba phần, ở giữa dành cho xe lửa còn hai bên dành chỉ cho khách bộ hành và xe đạp. Sau một thời gian, hư hỏng xuống cấp, cầu được trùng tu, sửa chữa, lúc này phần dành cho khách bộ hành hai bên cầu được xích lại gần nhau hơn nằm một bên của cầu và có một rào chắn ở giữa phân tách hai luồng giao thông.

Từ xưa đến nay, người Huế vẫn thường quen gọi cây cầu đường sắt bắc qua sông Hương này là cầu Bạch Hổ (hay Bạch Thổ), biển tên cầu cũng ghi rõ là cầu Bạch Hổ. Thế nhưng ít ai biết rằng, cây cầu cầu mang tên Bạch Hổ từ xưa lại không phải là cây cầu này, cũng không phải bắc qua sông Hương (thời các chúa Nguyễn chưa đủ sức làm cầu qua sông Hương), mà đó là cây cầu bắc qua sông Kẻ Vạn – con sông đào nối Sông Hương với sông An Hòa, tạo nên nhánh phía tây của tuyến thủy lộ gọi là Hộ Thành Hà. Cầu vốn được dựng bằng gỗ khoảng năm Mậu Thìn 1808, đời vua Gia Long. Tương truyền, khi cầu Bạch Hổ (lúc đó chưa được đặt tên) đang được xây cất, có một con hổ trắng đến ngồi ở giữa cầu khiến mọi người đều hoảng hốt bỏ chạy. Cũng chính vì thế mà cây cầu này được gọi là cầu Bạch Hổ.

< Cầu Bạch Hổ - Cầu Lợi tế xưa và cũng là cầu Kim Long hiện nay.

Tới đời vua Minh Mạng, vào năm 1839 cầu được đổi tên là cầu Lợi Tế. Hiện nay tấm bia Lợi Tế kiều bằng đá thanh, cao 98cm kể cả phần đế, hiện còn nguyên trạng nơi đầu cầu, có khắc dòng lạc khoản: Minh Mạng nhị thập niên Kỷ Hợi ngũ nguyệt cát nhật tạo. (Nghĩa là tạo dựng vào một ngày tốt tháng 5 năm Kỷ Hợi, niên hiệu Minh Mạng XX, tức tháng 6-1839).
Năm 1990, cầu Bạch Hổ bị sập vì quá tải, nên được xây mới bằng bê tông cốt thép. Rộng 6,8m, dài 24,7m, cầu hiện nằm ngay đầu đường Kim Long – trục lộ men tả ngạn Sông Hương, xuyên qua phường Kim Long, dẫn tới chùa Thiên Mụ, nên đang được gắn biển đề cầu Kim Long.

Bản thân tôi vẫn còn nhớ rất rõ thời điểm này bởi nó gắn liền với một kỷ niệm dại dột thời trẻ mà sau này mỗi lần nghĩ lại bỗng thấy rùng mình. Năm 1990, hai chúng tôi rủ nhau lên làng Hương Hồ chơi, nơi mà năm trước tôi đã đến thực tập tốt nghiệp. Lúc đi qua Kim Long, mặt sông Hương vẫn đang còn bình lặng. Mưa rất to, nhưng vì sự đón tiếp nồng hậu chúng tôi đã nán lại khá lâu. Ba tiếng đồng hồ sau, khi trở về quáng sông Hương qua Kim Long đã tràn ngập tất cả, con đường nhựa đã nằm sấu dưới1 mét nước.

Hai chúng tôi gắng gượng lội theo dòng nước qua khỏi khu vực ngập lụt, tưởng chừng như thoát thì con sông Kẻ Vạn chắn ngang trước mặt, cây cầu Bạch hổ đã sập, cây cầu tạm giờ cũng đã chìm dưới mặt nước. Phương tiện liên lạc hồi ấy không có mà không thể không về nhà, vậy là phải chạy quanh năn nỉ mãi mới có một chiếc thuyền chịu chấp nhận đưa chúng tôi qua dòng nướcđang chảy siết. Con thuyền nương theo dòng nước, dưới trời mưa tầm tả, không có một phương tiện cứu hộ nào, phải chịu trôi một khoảng mấy trăm mét, chúng tôi mới sang được bờ bên kia. Sau này mỗi lần nghĩ lại, nếu một cơn gió mạnh đánh lật thuyền chắc có lẽ tôi không còn ở đây mà gõ những dòng chữ này nữa.

< Mô hình cầu đang xây dựng qua sông Hương song song cầu đường sắt Bạch Hổ, trên cầu có những vọng lâu để ngắm cảnh.

Hiện nay, một cây cầu mới song song, đang được xây dựng sát cạnh với cầu Dã Viên (Bạch Hổ). Cầu dài 542,5m; bề rộng cầu (4 làn xe) 24,5m, có tổng mức đầu tư là 673,042 tỷ đồng, thời hoàn thành trong 3 năm. Cầu có các vọng lâu dọc thân cầu để ngắm cảnh sông Hương, phù hợp với không gian kiến trúc của Cố đô Huế và hệ thống đèn chiếu sáng nghệ thuật cho cầu.

Nếu bạn đến Huế bằng đường sắt, từ phía Bắc vào thế nào bạn cũng qua Cồn Dã Viên trước khi vào thành phố, bởi lẽ đường sắt có một quãng chạy qua giữa Cồn Dã Viên (nằm giữa hai cây cầu). Cahức hẳn bạn sẽ cảm thấy thú vị khi nhìm ngắm quang cảnh xung quanh và cố mường tượng so sánh với những gì tôi đã kể cho các bạn trong bài viết này nhé.

Bến đò Thừa Phủ dĩ vãng một thời

Qua khỏi cầu Bạch Hổ, bạn sẽ đi vào quãng sông thơ mộng nhất của sông Hương, chảy qua thành phố, hai bên bờ sông là những công trình cổ kính soi bóng : Bia Quốc Học, Bến Phu Vân Lâu, Kinh thành Huế, Nghinh Lương Đình, Đình Thương bạc và xa xưa kia còn là những bến đò một thời đã đi vào ký ức của nhiều thế hệ như bến đò Vân Lâu, bến đò Thừa Phủ, bến đò Tòa Khâm, bến đò Đập Đá,… thế nhưng bến đò lãng mạn nhất đến bây giờ vẫn lưu giữ trong ký ức những người yêu Huế, nhất là những ai đã từng trải qua một quảng đời áo trắng: bến đò Thừa Phủ với hình ảnh tà áo dài tím thướt tha của nữ sinh Đồng Khánh hàng ngày trên bến đò ngang.

Bến nằm ở bờ Nam sông Hương, bên cây đa cổ thụ trước mặt Phủ Doãn Phủ Thừa Thiên (bây giờ là UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế), bến bờ Bắc nằm gần Nghinh Lương Đình. Sỡ đĩ bến đò này có tên là Thừa Phủ vì bến này nằm trước dinh Thừa Thiên Phủ doãn, tức là nơi quan đầu tỉnh Thừa Thiên làm việc. Thừa Thiên Phủ doãn gọi tắt là Thừa Phủ. Lúc đầu (1899), Bến đò Thừa Phủ phục vụ cho nhu cầu đi lại của viên chức, lính tráng và nhân dân từ bờ bắc sang bờ Nam làm việc và quan hệ, giao tiếp. Về sau, bến đò càng phát triển khi trường Quốc Học, Nhà Thương Huế, rồi trường Đồng Khánh được xây dựng. Mãi đến khi cầu Phú Xuân, hay còn gọi là cầu Mới, được xây dựng năm 1973 thì bến đò này mới đi vào dĩ vãng. Gần 70 năm có mặt (1899-1972), không tính hết bao nhiêu chuyến đò đã cập bến rồi đi mỗi ngày trên dòng Hương thơ

Ngày nay, dù không còn các bến đò nữa, nhưng hoài niệm về bến cũ, đò xưa vẫn lưu giữ trong ký ức những người yêu Huế, nhất là những người Huế lớn tuổi. Tái hiện lại Bến đò Thừa Phủ là tìm về nét đẹp của thời xưa yêu dấu, với những nét văn hóa riêng của cố đô mà chẳng nơi nào có được. Tại Festival Huế 2004, Bến đò Thừa phủ đã được tái hiện lần đầu tiên. Sau đó, đến Festival 2006, Bến đò Thừa phủ mới được tái hiện một cách sống động, nhộn nhịp, trở về đúng với ngày xưa của nó, với những gánh hàng rong trên bến, phục vụ nhu cầu "ẩm thực" của thực khách trong lúc chờ đò...".

Còn tiếp

B1 - Xuôi dòng Hương Giang
B2 - Xuôi dòng Hương Giang
B3 - Xuôi dòng Hương Giang
B4 - Xuôi dòng Hương Giang

Du lịch, GO! - Theo web Huế Thương

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống