Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Sunday, 15 April 2012

Không phổ biến như cầu sắt, cầu đá hay cầu gỗ thông thường, cầu ngói là một dạng kiến trúc độc đáo và hiếm thấy nhất ở Việt Nam.

Những cây cầu uốn cong như cầu vồng, có tuổi đời mấy trăm năm, lợp mái ngói cổ kính, nằm soi mình bên dòng nước trong xanh đã mang đến cho phong cảnh làng quê Việt một vẻ đẹp thật đặc biệt, khó quên.

Cầu ngói Phát Diệm, Ninh Bình

Cùng với công trình Nhà thờ đá, cầu ngói Phát Diệm là một công trình kiến trúc dân gian đặc sắc ở vùng công giáo Kim Sơn. Đây là cây cầu vừa mang chức năng giao thông, vừa là mái đình làng cổ kính, thân thuộc đối với người dân nơi đây.

Cầu bắc qua sông Ân, nằm ở trung tâm thị trấn Phát Diệm, cách trung tâm thành phố Ninh Bình khoảng 30km. Cầu ngói là chiếc cầu vồng bằng gỗ 3 nhịp, mỗi nhịp có 4 gian, với tổng chiều dài 36m, chiều rộng 3m. Hai bên thân cầu có hai dãy lan can và cột đều bằng gỗ lim, trên cầu có mái che lợp ngói đỏ cổ truyền, hai bên đầu cầu có bậc tam cấp nối xuống đường và bước xuống sông.

Từ một vùng đất sình lầy ven biển, đỏ nặng phù sa, năm 1829, huyện Kim Sơn được ghi vào bản đồ Việt Nam. Cùng với việc lập làng, Nguyễn Công Trứ cho tiến hành xây dựng các công trình thuỷ lợi. Trước hết là việc đào con sông Ân nối sông Vạc với sông Càn để lấy nước ngọt. Việc đào kênh mương được tiến hành song song với việc làm đường, quật thổ, bồi cư, phân chia địa giới. Công trình cầu ngói ra đời trong hoàn cảnh đó.

Từ năm 1876, cầu ngói được xây dựng với toàn bằng gỗ và ngói. Sàn cầu lúc ấy là những tấm gỗ ván dài đến 10m được đóng vào dàn khung dầm cầu bằng những cây đinh đóng thuyền; cột chân cầu bằng gỗ, những cây gỗ lớn cỡ hai vòng tay người ôm mới xuể, nó liên tục được gia cường tu bổ để phục vụ nhu cầu đi lại, đây cũng là con đường chính để người dân tiến ra lấn biển... Trải qua thời gian, mưa nắng, sàn gỗ của cây cầu đã được thay thế, con sông và hai bên đường được bê tông hóa khá kiên cố nhưng cây cầu với mái ngói cổ kính, trầm mặc vẫn mãi là niềm tự hào của những người dân vùng đất mở Kim Sơn.

Cầu ngói chùa Lương, Nam Định

Cầu ngói chùa Lương ở xã Hải Anh, Hải Hậu, Nam Định được xây dựng cách đây chừng 300 - 400 năm vào thời Lê, là một trong những cây cầu cổ đẹp nhất miền Bắc Việt Nam.

Cầu bắc ngang sông Trung Giang, cách chùa Lương khoảng 100m, nằm ngay trên con đường dẫn vào chùa, gắn với ngôi chùa thành một cụm di tích. Chùa Lương (hay còn gọi là chùa trăm gian) tên chữ là Phúc Lâm Tự được xây dựng vào đời vua Lê Hồng Thuận (1509 - 1515) cuối thế kỷ 15 đầu thế kỷ 16, khi việc quai đê lấn biển đã giành nhiều kết quả.

Toàn bộ cầu gồm 9 gian, với 40 cột tròn, tất cả bằng gỗ lim, hai bên hai dãy hành lang dài làm ghế nghỉ chân. Cầu được bắc trên 18 cột đá hình vuông to đẹp; với hệ thống cột xà dầm, bố cục chặt chẽ, gia công tỉ mỷ, đạt trình độ kỹ thuật, mỹ thuật rất cao, khéo léo tạo bộ khung nhà cầu cong cong uốn lượn mềm mại, mái ngói hình mũi hài âm dương trông như con rồng duyên dáng đang vươn mình bay lên. Chạm khắc trên cầu tuy đơn giản song thể hiện hài hòa nét kiến trúc cổ truyền. Cầu là nơi đi lại và dừng chân để khách bộ hành nghỉ ngơi, ngắm cảnh sông nước, làng quê.

Cầu ngói Thanh Toàn, Huế

Cầu ngói bắc qua một con mương chảy từ đầu làng đến cuối làng Thanh Toàn, thuộc xã Thuỷ Thanh, huyện Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên - Huế, cách trung tâm thành phố Huế chừng 8km theo đường bộ về phía đông.

Làng Thanh Toàn được thành lập vào thế kỷ 16. Những di dân từ đất Thanh Hóa theo chúa Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa, có 12 vị tộc trưởng đã dừng chân lập nghiệp ở đây, tạo nên 12 họ khai canh của làng. Một người cháu gái thuộc thế hệ thứ sáu của họ Trần là bà Trần Thị Ðạo đã cúng tiền cho làng xây dựng chiếc cầu gỗ để dân làng qua lại được thuận tiện, khỏi phải dùng đò ngang. Ðây cũng là nơi cho lữ khách cùng người tha phương tạm dừng chân.

Cầu ngói Thanh Toàn là chiếc cầu vồng bằng gỗ, được xây dựng theo lối thượng gia hạ kiều (trên nhà, dưới cầu), dài 17m, rộng 4m. Trên cầu có mái che, lợp ngói ống tráng men chia làm 7 gian.

Cầu ngói Thanh Toàn là một di tích kiến trúc cổ, rất có giá trị về mặt lịch sử, văn hoá và còn là một thắng cảnh. Chiếc cầu được xây dựng cách đây hơn hai thế kỷ, đã bao lần bị gió bão, lụt lội và chiến tranh tàn phá. Tuy nhiên, sau các lần hư hỏng, nhân dân xã đều chung nhau tu sửa, tôn tạo và gìn giữ nó.

Với tinh thần "uống nước nhớ nguồn" và tôn trọng di sản văn hoá, nhiều thế hệ dân làng Thanh Toàn đã gìn giữ công trình kiến trúc độc đáo này của Huế. Tháng 9/1991, cầu được trùng tu lớn theo qui mô cũ và chính thức được Bộ Văn hoá Thông tin cấp bằng công nhận Di tích quốc gia, trở thành danh thắng quý hiếm của cả nước.

Chùa Cầu - Biểu tượng của Hội An

Chùa Cầu - tên gọi chung cho tổ hợp kiến trúc gồm ngôi chùa nhỏ gắn kết vào sườn phía Bắc cây cầu cổ lợp ngói trong Khu đô thị cổ Hội An (nay là thành phố Hội An), thuộc tỉnh Quảng Nam.

Chiếc cầu dài 18m với bảy gian bằng gỗ, vắt cong qua lạch nước chảy ra sông Hoài (một nhánh sông Thu Bồn) nối giữa hai đường Nguyễn Thị Minh Khai và Trần Phú của Hội An. Cầu có dáng uốn cong mềm mại, nhiều họa tiết đẹp. Cầu và chùa đều bằng gỗ sơn son chạm trổ rất công phu. Mặt chùa quay về phía bờ sông, mái chùa lợp ngói âm dương che kín cả cây cầu.

Chùa Cầu là công trình kiến trúc do các thương gia Nhật Bản đến buôn bán tại Hội An xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ 17. Cây cầu còn có các tên khác là cầu Nhật Bản hay cầu Lai Viễn do chúa Nguyễn Phúc Chu thăm Hội An năm 1719 đặt tên, với hàm ý sẵn lòng đón đợi bạn phương xa đến.

Lai lịch của Chùa Cầu gắn liền với truyền thuyết về con Cù (mamazu) - một loại thuỷ quái có đầu nằm ở Ấn Độ, mình ở Việt Nam và phần đuôi ở tận Nhật Bản. Cứ mỗi lần con Cù cựa quậy là gây ra lũ lụt, động đất... Chùa Cầu được coi như một thanh kiếm chằn ngang lưng con Cù, “trấn yểm” loài thuỷ quái, giữ cho cuộc sống yên bình.
Tuy gọi là chùa nhưng bên trong không có tượng Phật. Phần gian chính giữa thờ một tượng gỗ Bắc Đế Trấn Võ - vị thần bảo hộ xứ sở, ban niềm vui hạnh phúc cho con người.

Với người dân phố Hội, Chùa Cầu là linh hồn, là biểu tượng tồn tại hơn bốn thế kỷ qua. Chùa Cầu đã trải qua ít nhất 6 lần trùng tu song vẫn giữ được nét cổ kính nguyên thủy của nó. Chùa Cầu được công nhận là Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia năm 1990 và hình ảnh Chùa Cầu có trên tờ tiền polymer 20.000 đồng của Việt Nam hôm nay.

Nơi đây mãi là điểm đến không thể thiếu trong tour du lịch Đà Nẵng - Hội An. Khách du lịch đến Hội An mà chưa ghé thăm Chùa Cầu thì coi như chưa đến. Đến rồi thì lưu luyến nhớ thương: “Ai đi phố Hội, Chùa Cầu/ Để thương để nhớ để sầu cho ai/ Để sầu cho khách vãng lai/ Để thương để nhớ cho ai chịu sầu…”

Du lịch, GO! - Theo ANTĐ, internet
Ba lô buộc gọn gàng, kiểm tra phanh kỹ lưỡng chúng tôi mới dám đổ đèo Thung Khe.

Đèo Thung Khe nằm trên QL6, thuộc huyện Mai Châu, Hòa Bình, cao khoảng 1.000m so với mực nước biển. Đây có lẽ là con đèo đầu tiên thử thách tay lái của dân phượt nếu muốn ngược Sơn La, Điện Biên, Lai Châu bằng QL6.

Sau Thung Khe là đến đèo Chiềng Đông, Chiềng Pấc nổi tiếng với những đường cua quanh co, sương mù giăng kín. Nhưng điều khiến dân phượt  mỗi khi qua Thung Khe thích thú nhất là địa hình đặc biệt, xe cứ ôm núi mà đi. Do là tuyến độc đạo lên Sơn La nên lượng phương tiện qua đây khá lớn, những hôm sương mù giăng kín đi lại khá khó khăn. Nhưng bù lại, khi đến đỉnh đèo, toàn cảnh thung lũng Mai Châu hùng vĩ hiện ra trước mắt, như mê hoặc lòng người.

Vượt đèo Thung Khe ban đêm vào mùa lạnh là một trải nghiệm khó quên cho bất kỳ tài xế hoặc du khách nào, với màn sương phủ kín kèm cái lạnh buốt đến tê người, tầm nhìn xa bị hạn chế không quá 3m.

Vượt đèo Thung Khe khi ánh sáng duy nhất chỉ là đèn xe của chính mình hoặc của những xe tải, xe khách đi ngược chiều. Thung lũng Mai Châu hiện ra dưới chân đèo Thung Khe trong ánh đèn nhìn xa như hàng nghìn ngọn lửa đang âm ỉ cháy.

Ông trời cũng thật khéo cho nơi này một khoảng đất rộng, bằng phẳng làm nơi dừng chân sau những khúc cua ôm núi. Nhiều món đặc sản đã được người dân bản địa bày bán. Đặc sản nhất có lẽ là ngô luộc.

Dường như ngô trồng trên đá, ăn sương đêm nên cho bắp to, hạt chắc nhưng ăn lại rất mềm và thơm. Tất cả các đoàn khách lên Sơn La hoặc về Hà Nội qua Thung Khe đều dừng lại chỉ để thưởng thức món ngô luộc này và không quên mua chục bắp về làm quà.

Tại đây còn có cơm lam, rêu đá, măng chấm vừng... thơm thơm, bùi bùi, ngầy ngậy. Cảm giác thật bõ công sau một hành trình dài. Nếu muốn ăn ngô tươi hơn, lữ khách có thể tự chọn ngô trong bao tải rồi cho vào nồi nước đang sôi sùng sục. Mùi khói thơm thơm, lửa lép bép xua tan cái lạnh cắt da của vùng núi. Mọi người như gần nhau hơn bên bếp lửa hồng, chờ ngô chín mà câu chuyện thêm rôm rả.

Sau những phút nghỉ ngơi, chân bớt mỏi, tay bớt căng cứng vì bóp côn nhiều, bụng bớt sôi vì đói, chúng tôi tiếp tục đổ đèo xuôi Hòa Bình để về Hà Nội. Hết đèo là đoạn đường thẳng thớm về Hà Nội sẽ nhẹ nhàng hơn nên tôi cứ thong thả đổ đèo, trải nghiệm từng khúc cua núi trong sương chiều.

Chuyện đèo Thung Khe

Du lịch, GO! - Theo ANTĐ, internet

Saturday, 14 April 2012

Đôi lúc vẫn cứ thích thế, thích làm kẻ lười nhác, rong chơi sớm ngày, thích cảm giác đứng trên non cao nhìn ra xa chỉ mây trời và nắng ấm, hét thật to cho thảnh thơi đầu óc. Nhắm mắt... có phải tiếng chim líu lo trên tán lá xanh, có phải suối nguồn róc rách chảy xoa lòng người lữ thứ ? Và rồi tôi hăm hở quyết định đi leo núi ngày cuối tuần!

Hà Nội hôm trước trời còn mưa rả rích vì ảnh hưởng của bão, thế mà tôi lại thèm đi leo núi đến lạ lùng, lâu rồi không có cảm giác đứng trên non cao để phóng tầm mắt ra đất trời bao la. Sáng chủ nhật hành trình từ Hà Nội về Thái Nguyên, trời đã tạnh mưa và đến trưa thì hửng nắng...
Nơi chúng tôi đến là ngọn núi gắn với tình yêu của đôi chim Phượng Hoàng. Từ dưới nhìn lên, núi Phượng Hoàng có hai hòn đá với hình hai con chim phượng hoàng nằm ấp nhau.

Sở dĩ núi mang tên Phượng Hoàng là vì theo huyền thoại ngày xưa trên núi có một đôi chim phượng hoàng sống rất hạnh phúc và chúng đã sinh được hai quả trứng. Ngày ngày, chim bố đi kiếm mồi cho chim mẹ nằm ấp trứng. Một ngày kia mải theo đàn chim mái mới, chim bố đã quên nhiệm vụ và không trở về.

Rồi một hôm chợt nhận ra, nó quay trở về nhưng chim vợ đã hoá đá. Quá ân hận, chim bố nằm ở ngọn núi đối diện ngóng sang để mong người vợ trở lại trạng thái bình thường, nhưng đợi mãi nó cũng hoá đá. Từ đó núi mang tên Phượng Hoàng.

Dưới chân núi Phượng Hoàng là hang Mỏ Gà, được đặt theo tên dòng suối Mỏ Gà chảy ra từ trong lòng hang. Hang Suối Mỏ Gà cách hang Phượng Hoàng chỉ 100m, rộng trừng 10-15m, cao 2m-15m, chiều sâu của hang 150- 200m.

Nước suối Mỏ Gà được ví như là sinh khí của trời đất, vì vậy những ai tắm trong dòng nước mát lành của suối thì sẽ được sức khỏe và hạnh phúc viên mãn. Núi Phượng Hoàng và suối Mỏ Gà thuộc huyện Võ Nhai, cách Thành phố Thái Nguyên 45km.

Khi chúng tôi leo lên núi thì cũng là lúc khách du lịch đang xuống núi, vì đến muộn nhưng bỗng nhiên lại thấy thích cảm giác lên núi muộn ngắm ánh hoàng hôn cuối cùng xem sao. Tôi lại nhớ đến mấy câu thơ của bà Huyện Thanh Quan:

“Bước tới đèo Ngang bóng xế tà
Cỏ cây chen đá lá chen hoa
Lom khom dưới núi tiều vài chú
Lác đác bên sông chợ mấy nhà.”
Trích: Qua đèo ngang

Chỉ không phải Đèo Ngang mà là con đường dẫn lên núi Phượng Hoàng nhưng tiếng chim ríu rít gọi nhau về tổ, những khóm lau đu trong gió chiều và con đường đá lên núi chen cỏ dại cũng khiến người ta choáng ngợp bởi chiều buông...

Lâu không leo núi nên tôi mệt phờ, dừng chân nghỉ, leo lên tảng đá ngồi phệt, bỏ giày ra đặt thẳng chân xuống mát lạnh, ngước lên trời thăm thẳm bỗng thấy ta bé nhỏ giữa đất trời...

Lúc lúc lại nghe thấy tiếng “Hú...b” vang vọng vào núi, đó là tiếng của những người đã lên đến đỉnh, là tiếng thúc giục những kẻ còn đang ở phía dưới nhanh chân lên, đừng chùn bước vì cứ đi là đến – đến với đỉnh non xanh, choáng ngợp sự hùng vĩ của đất trời và biết được rằng đôi chân ta bền bỉ đến mức nào...

Khi chúng tôi lên đến đỉnh thì ánh hoàng hôn in trên vách núi phía bên kia, tôi cũng hăm hở “Hú... ” vài tiếng, thảnh thơi lạ lùng!

Hang gồm có 3 tầng: tầng thượng là hang Dơi, tầng giữa gọi là hang Sáng, tầng cuối gọi là hang Tối. Hang Sáng rộng và thoáng, ánh sáng ở cả 3 cửa hang chính chiếu vào những nhũ đá hay thạch nhũ trong hang lung linh, huyền ảo.

Chúng tôi là những người cuối cùng xuống núi, trời đã nhá nhem, tiếng gió, tiếng lá cây, tiếng chim chóc nghe rõ hơn như bản nhạc cuối cùng của buổi chiều rơi...

Xuống chân núi ghé qua suối Mỏ gà, dòng nước mát lạnh khiến người ta tỉnh táo và sảng khoái hơn. Chúng tôi ngồi trên tảng đá thả chân xuống dòng chảy, nhắm mắt chỉ nghe tiếng róc rách của suối mà như giai điệu của núi rừng, lúc trầm bổng lúc dịu êm mà cũng bí ẩn, linh thiêng đủ để ta biết rằng không bao giờ là đủ cho những bước đi, những trải nghiệm, những đỉnh cao mới - cũng như con người ta luôn phải bước về phía trước, không có tấm biển nào mang chữ “Từ bỏ” mà chỉ có những chạm dừng chân - nghỉ ngơi để rồi sớm mai ta lại tiếp tục cuộc hành trình!

Du lịch, GO! - Theo Madalena_pl (Zing), Giaoduc.net

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống