Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Wednesday, 18 April 2012

Lâu nay, khách du lịch chỉ biết đến suối cá thần Cẩm Lương và Cẩm Liên nổi tiếng thuộc huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa). Tuy nhiên, ít ai biết tại thôn Chiềng Ban, xã Văn Nho, huyện Bá Thước (Thanh Hóa) từ lâu đã tồn tại một suối cá thần thứ ba đẹp hoang sơ không kém gì hai suối cá thần trên.

< Toàn cảnh ngọn núi cao nơi có hang suối cá thần Chiềng Ban sinh sống được xây đập chứa nước kiên cố.

Giống như suối cá thần Cẩm Lương, suối cá thần thứ ba này cũng nằm trong một cái hang sâu tự nhiên có nước chảy từ trong lòng núi chảy ra.

Theo nhiều người dân sinh sống ở quanh khu vực suối cá thần thì suối cá này đã có từ rất lâu, có thể là trước khi con người đến đây sinh sống.

Theo ông Hà Văn Thân, người trông coi, bảo vệ suối cá và cũng là người có nhiều hiểu biết về suối cá cho hay: “Tại hang động thờ thần cá này hai thủ lĩnh trong phong trào Cần Vương ở miền núi Thanh Hóa là Hà Công Bộ và Hà Văn Nho đã bị giặc Pháp bắt, tra tấn và đều bị chém đầu tại động thờ cá thần. Chính vì thế, suối cá thần và động thờ cá thần này có sức ảnh hưởng rất lớn đến đời sống tinh thần của người dân bản địa”.

< Cận cảnh cửa miệng hang núi nơi ra vào của đàn cá thần lúc nào cũng ngập sâu trong nước.

Người dân nơi đây cũng không ai dám đánh bắt cá để ăn, hằng ngày vẫn thay phiên nhau mang thức ăn ra suối cho cá thần. Hàng năm cứ sau Tết, dân trong thôn còn tổ chức lễ hội cá thần rất to. Mỗi khi có việc phải đi xa mong thượng lộ bình an hay cầu phúc đỗ đạt, sức khỏe người dân đều làm một cái lễ con con mang đến động thờ cá thần với mong muốn được thần cá giúp đỡ.

< Ông Hà Văn Thân đang thắp nén hương trong động thờ thần cá.

Theo cụ Thân, hang cá thần này có chiều sâu khoảng 30m, nước trong hang được bắt nguồn từ cây km số 8 đổ về đây. Du khách muốn chiêm ngưỡng cá thần sẽ gặp khó khăn hơn so với hai suối cá thần ở Cẩm Thủy. Mặc dù ít khi tiếp xúc với người lạ nhưng cá thần ở Chiềng Ban cũng rất dạn người. Mỗi lần cho cá ăn chỉ cần vãi một ít thức ăn  xuống mặt đập là khách tham quan có thể thấy những con cá có thân hình giống y hệt cá thần ở Cẩm Lương bơi ra đớp mồi. Tuy nhiên, ba suối cá thần có phải cùng một loại cá không thì đây vẫn là câu hỏi lớn chưa ai giải đáp được. Chỉ biết, cá thần ở ba suối đều rất giống nhau mặc dù khoảng cách địa lý xa nhau lại không cùng một nguồn nước chảy qua.

< Do mực nước trong đập sâu lại bị nước mưa làm đục nên chỉ có thể quan sát cá thần khi chúng nổi lên ăn.

Theo lời hướng dẫn của người trông coi hang cá thì phải lên động thắp hương cá sẽ ra đông hơn. Sau khi nén nhang được cắm xuống dù trời mưa nước đập bị đục nhưng cả đàn cá đông đúc từ miệng hang bơi ra liên tục khiến mọi người có mặt đều hết sức ngạc nhiên.

Không ai có thể biết được chính xác số lượng đàn cá thần hiện có trong hang núi này là bao nhiêu con. Theo người dân mô tả trung bình mỗi con nặng từ 7kg – 8kg, con to nhất nặng khoảng 10kg, cá chúa rất to không bao giờ ra khỏi hang, cá thần sống rất ôn hòa với một số loài cá đồng lạc vào hang như cá chép, cá mài mại.

< Đàn cá thần đông đúc hàng trăm con ở suối Ngọc, Cẩm Lương - Cẩm Thủy.

Trên mình mỗi con cá đều óng lên màu sắc rất đẹp, miệng và vây cá có màu hồng, thân có màu đen tuyền, phía dưới bụng cá lại được “trang điểm” bằng màu bàng bạc mỗi khi cả đàn cá hàng trăm nghìn con chao mình quẫy đuôi mặt nước lại sóng sánh, lấp lánh nhìn xa như có ánh bạc phản chiếu.

Suối cá thần Chiềng Ban thực sự là một nét độc đáo mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho vùng đất Bá Thước – Thanh Hóa. Nơi đây, chứa đựng một tiềm năng du lịch lớn nếu kết hợp với hai suối cá ở huyện Cẩm Thủy.

Du lịch, GO! - Theo báo Laodong
Những buổi trưa tiết trời nóng bức, dùng một tô bánh canh đơn giản cùng một cốc bia ướp lạnh sẽ giúp người ta tỉnh táo, đủ năng lượng cho một buổi làm việc tiếp.

Bánh canh tương tự như bánh phở, được chế biến từ bột gạo nguyên chất. Bột làm bánh được chọn thứ gạo ngon, nhồi kỹ, rồi cán mỏng bằng cái ống tre hay cái chai đặt trên một tấm thớt. Dùng dao xắt bột thành từng con, mỗi con dài lại xắt thành những đoạn ngắn.

Cho hỗn hợp tôm, thịt (mà tôm phải là tôm tự nhiên đầm phá, thịt heo là thịt ba chỉ vừa nạc vừa mỡ) trộn đều, giã nhỏ, ướp gia vị vừa phải và viên thành chả.

Tầm mười giờ sáng bắt đầu nhen lửa nấu bánh canh. Khi nào bột trong nồi vừa chín thì bỏ tôm và thịt đã vo viên vào. Lúc đáy nồi thấy sền sệt thì vùi lửa bằng tro để giữ nóng. Nấu xong một nồi bánh canh như thế mất hết hai giờ đồng hồ.

Múc ra bát tô bánh canh nửa màu trắng pha hồng đẹp mắt. Khi ăn còn thêm một thứ là nước mắm cốt. Ăn bánh canh không thể dùng nước mắm chai bán sẵn, mà phải dùng thứ nước mắm cốt làm từ con khuyết, màu đỏ sậm như mật ong, thử bỏ hạt cơm vào là nổi lên trên mặt.

Đơn giản thế thôi, nhưng bánh canh Nam Phổ ai cũng ưa thích, vừa rẻ vừa ngon! Huế nổi tiếng về những món ăn dân dã đặc sắc, trong đó hàng đầu là bánh canh “Nam Phổ”.

Hầu hết các gánh bánh canh Nam Phổ đều đi bán lưu động chứ không mở tiệm. Gia tài của hàng bánh canh thường là một đôi gióng và chiếc đòn gánh cong vít lên nước nhẵn bóng. Một bên là cái xoong lớn đựng bánh canh, đầu kia lỉnh kỉnh chén bát và các thứ bánh nậm, lọc, chả gói và chiếc đòn để ngồi. Những người già yếu gánh đi bộ không nổi, trưa chất hết lên xích lô, chiều bán hết mới quảy gánh không về.

Ngày ngày, tầm 1-2 giờ chiều, từng đoàn phụ nữ kĩu kịt đôi gánh trên vai, từ làng Nam Phổ lên thành phố Huế, vừa đi vừa bán nếu có người mua. Xưa kia các bà bán bánh canh mặc áo dài, chân đi guốc mộc. Khoảng chục năm trở lại họ mới bỏ lệ áo dài.

Hỏi vì sao không bán bánh canh buổi sáng, chỉ bán buổi chiều? Các bà giải thích “Buổi sáng đi chợ mua tôm, thịt tươi nấu bánh canh mới ngon. Bán buổi sáng thì tôm thịt phải mua từ chiều hôm trước, để qua đêm, không ngon nữa!”

Bánh canh Nam Phổ đều bán buổi chiều. Nhưng một số tiệm ăn ở Huế muốn bán thường xuyên, chế biến khác đi, thay tôm cua bằng các loại cá xay nhuyễn vo viên và bỏ trong tủ lạnh nhiều giờ, nên hương vị bánh canh kém đi. Các bà còn giải thích thêm, xưa người Nam Phổ dùng chày giã gạo De An Cựu thành bột, tự rây bột, ngâm và lọc còn bây giờ mua bột gạo “Sa Đéc” bán sẵn, chế biến dễ, nhưng chất lượng không ngon bằng. Bởi vậy khách phải về Nam Phổ, cách Huế 6 km, mới có thứ bánh canh chính hiệu.

Ngon và lành, bánh canh thích hợp đối với mọi lứa tuổi, kể cả trẻ em. Đến nay, bánh canh Nam Phổ là món ăn “cao niên” nhất trong tất cả những món ăn đặc sản Huế.

Du lịch, GO! - Theo Hues.vn
Không hiểu vì sao tôi lại yêu biển nhiều đến thế. Mỗi lần được đến với biển, được nghe tiếng sóng rì rào, được cảm nhận vị mằn mặn của biển là tâm hồn tôi lại tươi tỉnh và bình yên đến lạ.

< Chụp lúc trên tàu ra đảo.

Nhóm chúng tôi gồm 9 thành viên vừa có một chuyến du lịch bụi đến đảo Hòn Tre thuộc huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang. Đây là lần đầu tiên tôi được đi tàu ra đảo nên cảm giác nôn nao lắm. Song vì một vài lý do nên chúng tôi bị trễ chuyến tàu 10 giờ, phải ngồi chờ đến 14 giờ mới có chuyến ra đảo tiếp theo. Tưởng mọi xui rủi như thế là quá đủ nào ngờ tàu vừa khởi hành được 30 phút thì gặp phải mưa lớn kèm sấm chớp, tàu nghiêng lắc dữ dội. Cảm giác thích thú đâu không thấy mà chỉ còn lại trong tôi là sự sợ hãi tột cùng.

< Hòn Tre có hình dạng như một con rùa khổng lồ.

Ơn trời. Cuối cùng thì tàu cũng đến được Hòn Tre. Chúng tôi được một anh xe ôm nhiệt tình giúp cả nhóm tìm khách sạn ngay tại trung tâm hành chính của huyện Kiên Hải.

Dù trời mưa nhưng nhóm vẫn quyết định hỏi thăm người dân để tìm đường tắt ra Bãi Chén tắm biển.

Lội bộ hơn 3 km và hỏi thăm đường gần chục người chúng tôi mới đến được Bãi Chén. Thương nhất là chú chỉ đường cuối cùng, chú ấy chỉ dẫn sai đường cho chúng tôi, cũng may chú ấy chạy được một đoạn thì quay lại và bảo một câu làm tôi thấy mát lòng mát dạ ghê gớm: “Xin lỗi tụi con! Hồi nảy chú chỉ nhầm đường nên chú phải quay lại. Nếu để tụi con đi lạc chú ray rứt lắm!”.

< Vừa tắm vừa mò ốc, mò cầu gai tại Bãi Chén.

Trước khi đến với Đảo Rùa này thì tôi cũng có nghe vài người bạn kể về sự thân thiện của người dân biển đảo nhưng tôi không thể tưởng tượng được bà con ở đây dễ thương đến vậy.

Bãi tắm ở đây còn khá hoang sơ. Nước biển trong xanh, không có sóng và có một ít mùi tanh của cá. Lại thêm có những con cầu gai đâm vào chân khá đau. Tắm biển mà không dám bơi lặn nhiều nên cảm giác vui đùa thích thú chỉ là nửa vời. Một điều bất ngờ thú vị khác bù vào là tại Bãi Chén chúng tôi gặp được một đoàn du lịch đồng hương đến từ Cao Lãnh, Đồng Tháp. Giữa biển khơi mà cũng gặp được đồng hương nên thấy vui trong bụng. Hai nhóm sáp lại tám chuyện thiệt là rôm rả.

Thích nhất là buổi tối được đi dạo biển đêm, được cùng lũ bạn vừa ngồi gặm chân gà nướng nóng hổi vừa tán dóc ở bến tàu gió thổi mát rười rượi. Đồ biển ở đây vừa ngon lại vừa rẻ. Nhóm bỏ ra gần 900 nghìn để có một bữa hải sản no nê với ghẹ luộc, mực nướng, lẩu hải sản tôm mực, sò luộc… Anh chủ quán cực kỳ vui tính lại nhiệt tình nữa.

< Lội mưa đi tắm biển.

Ăn xong cả nhóm phải chạy đi tìm quầy thuốc tây để mua thuốc tiêu vì no căng cả bụng. Cả nhóm về phòng và chơi đánh bài quẹt lọ nhưng kiếm đâu ra lọ nồi mà quẹt. Cuối cùng tôi đề nghị dùng cây chì vẽ mắt của các bạn gái để chơi. Những tác phẩm đầy tính nghệ thuật lần lượt xuất hiện trên khuôn mặt của từng đứa. Đứa này nhìn đứa kia ôm bụng cười mà không nói nên lời.

< Câu cá tại đuôi Hà Bá.

Tụi bạn ngủ hết còn tôi thì không ngủ được. Trằn trọc mãi vì luyến tiếc, vì ngày mai nữa thôi chúng tôi phải về lại đất liền. Tôi trân trọng những phút giây này, những phút giây yên bình bên cạnh những người bạn thân yêu của tôi.

Tôi quyết định mặc áo khoác để đi dạo biển lúc 0 giờ. Biển đêm vắng lặng tự dưng tôi thấy sợ. Cũng may nhìn phía sau lưng có bạn Hải đi cùng. Thế là hai người xăm xăm đi ra bến tàu.

Chúng tôi lót dép ngồi ngắm biển và nghĩ ngợi mông lung. Phía xa xa ánh đèn của những chiếc tàu đánh cá cứ nhấp nhô theo từng con sóng biển. Bất giác tôi lại hát vu vơ “Anh đến thăm em mùa vui bên biển.
Nụ hoa muống biển rung rinh, rung rinh, chao sóng vỗ về chào em, chào em…”. Hít một hơi căng đầy lồng ngực tận hưởng không khí trong lành của đêm và tận hưởng vị mặn mà của biển. Chợt thấy lòng sao bình yên quá đỗi!.

Cả ngày hôm sau chúng tôi được các anh, các chú xe ôm chở đi tham quan con đường dài 12 km quanh đảo. 

< Bô xương cá khổng lồ tại Lăng Ông Nam Hải.

Chúng tôi được các anh giới thiệu về Hòn Tre một cách rất nhiệt tình. Sở dĩ có tên gọi Hòn Tre là vì nếu nhìn từ cửa biển vào đất liền thì hòn nằm che chắn tầm nhìn tỉnh Kiên Giang nên gọi là Hòn Che dần dần người ta đọc trại thành Hòn Tre.

Hòn Tre còn có tên là đảo Rùa vì đảo có hình dạng như một con rùa khổng lồ nằm giữa lòng đại dương. Chúng tôi còn được tham quan một số nơi như Suối Vàng, đuôi Hà Bá, Lăng ông Nam Hải, Động Dừa…

Rời Hòn Tre, những gì đọng lại trong tôi chính là cái tình của người biển đảo. Thật gần gũi, thật chân tình và thật thân thương. Tạm biệt Hòn Tre, tạm biệt bà con biển đảo mến yêu và hẹn ngày gặp lại!

Du lịch, GO! - Theo YuMe

Trở lại đảo Rùa

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống