Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Friday, 20 April 2012

Dao Nga Hoàng là một trong 13 dân tộc bản địa đã cư trú lâu đời tại tỉnh Yên Bái. Ngoài tên gọi như trên, đồng bào còn có các tên gọi khác như Dao quần chẹt hay Dao sơn đầu, các tên gọi này được gọi theo các đặc điểm của trang phục và trang trí của đồng bào.

Cũng như các dân tộc khác, người Dao Nga Hoàng có truyền thống văn hóa đặc sắc, phong phú, góp phần làm đa dạng nền văn hóa cổ truyền các dân tộc thiểu số Yên Bái, trong đó lễ cưới truyền thống là một điểm nhấn quan trọng trong tổng thể văn hóa đa sắc màu đó.

Người Dao Nga Hoàng có nhiều hình thức lễ cưới như: lễ cưới truyền thống, lễ cưới ở rể đời, lễ cưới gửi rể và lễ cưới kết hợp lễ cấp sắc.

Trong đó lễ cưới truyền thống là lễ cưới phổ biến nhất trong cộng đồng dân tộc Dao Nga Hoàng ở Yên Bái. Là mốc quan trọng của đời người, lễ cưới truyền thống của người Dao Nga Hoàng trải qua nhiều nghi thức đặc sắc mang đậm bản sắc riêng của dân tộc.

Để chuẩn bị cho lễ cưới chính thức là nghi lễ so tuổi. Ở đây, khi chuẩn bị cho lễ cưới, gia đình nhà trai sẽ sang nhà gái làm một lễ nhỏ để xin tuổi, sau đó họ sẽ nhờ thầy cúng xem tuổi giúp để so sánh của đôi bạn trẻ có hợp nhau không, lấy nhau có sống hạnh phúc không theo các quan niệm dân gian của đồng bào.

Thách cưới là một tập quán có từ lâu đời trong lễ cưới truyền thống người Dao Nga Hoàng. Ngày trước, với quan niệm trả công chăm lo dưỡng dục cô dâu cho gia đình nhà gái nên các gia đình thường muốn thách cưới thật cao, sao cho xứng với công sinh thành dưỡng dục nhưng món nợ thách cưới lại là gánh nặng mà nhà trai và đôi vợ chồng trẻ phải rất khó khăn cực nhọc để kéo cày trả nợ. Ngày nay, thách cưới chỉ còn là một tập quán đẹp, mang ý nghĩa nhân văn nên tiền thách cưới không còn cao nữa.

Trong lễ cưới của người Dao Nga Hoàng, không có lễ ăn hỏi mà tục bỏ ngõ được thay thế. Đây là một nghi thức quan trọng trước khi diễn ra lễ cưới chính thức. Đến ngày đã được định trước, nhà trai mang sang nhà gái một vuông vải chàm, bên trong là một đồng bạc trắng hoặc một chiếc vòng bạc để làm tin như một lời hứa chắc chắn về lễ cưới. Ông mờ, bà mờ là người tổ chức và hướng dẫn cô dâu chú rể các nghi thức và phong tục tập quán của lễ cưới. Ông mờ bà mờ của cả hai gia đình nhà trai và nhà gái phải là những người thông minh, hoạt bát, ứng khẩu nhanh nhẹn, người phải uống được nhiều rượu không say và là người hát giao duyên đối đáp thật giỏi trong lễ cưới.

Nét đặc sắc trong nghi thức đón dâu của đồng bào là nghỉ dọc đường. Các cụ già trong làng cũng không biết tập quán này có từ khi nào nhưng cho dù nhà trai chỉ cách nhà gái một quãng đường ngắn nhưng đoàn đón dâu vẫn phải nghỉ và ăn cơm, uống rượu dọc đường với những thức ăn do nhà trai đã chuẩn bị từ trước.
Tại nhà gái, lễ cúng cắt khẩu hết sức quan trọng được diễn ra vào lúc nửa đêm. Đây là nghi thức thầy cúng thông báo với tổ tiên và các thần thánh, thổ công thổ địa biết cô dâu từ nay đã đi lấy chồng, không còn thuộc “con ma” của nhà nữa. Các nghi thức của lễ cưới được diễn ra tại nhà gái trong suốt cả đêm với nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa, hát dân ca đối đáp giữa hai gia đình.

Cũng giống như các dân tộc khác, lễ cúng tổ tiên nhập gia tiên là một nghi thức không thể thiếu trong lễ cưới truyền thống của người Dao Nga Hoàng. Khi cô dâu được đưa về tới nhà trai, nghi thức cúng tổ tiên được thực hiện ngay tại bàn thờ tổ tiên của gia đình. Nhưng đặc sắc và độc đáo hơn các tộc người khác đó là trong lễ cưới truyền thống của người Dao Nga Hoàng có nghi lễ kết tơ hồng được thực hiện ngay sau lễ cúng tổ tiên.

Đây là nghi thức chính của lễ cưới. Người Dao Nga Hoàng phải tổ chức xong nghi thức này, họ quan niệm sẽ được sống hạnh phúc với nhau trọn đời, không có gì có thể chia tách đôi vợ chồng, bởi các phép kết tơ hồng đã gắn kết đôi bạn trẻ. Một đôi chiếu được trải ra trước bàn thờ tổ tiên, đôi vợ chồng trẻ quỳ trước bàn thờ, lần lượt các nghi thức của lễ kết tơ hồng được thầy cúng thực hiện nghi thức xua đuổi những điều xấu xa ra xa đôi vợ chồng trẻ, tiếp theo là nghi thức làm bùa yêu để hai người được bên nhau mãi mãi theo quen niệm từ lâu đời của người Dao Nga Hoàng.

Ngay sau bùa yêu làm bùa yểm, thầy cúng yểm cho đôi vợ chồng trẻ luôn luôn khỏe mạnh và được bảo vệ bởi các thần thánh. Kết thúc nghi thức này là lễ lạy của cô dâu và chú rể. Chú rể phải lạy đủ 12 lần trước bàn thờ tổ tiên cùng với cô dâu theo tập quán truyền thống.

Lễ cưới truyền thống của người Dao Nga Hoàng ở Yên Bái được trải qua nhiều giai đoạn, nhiều nghi thức khác nhau. Trong lễ cưới, nhiều hình thức hát giao duyên, đối đáp được hai ông, bà mờ của hai gia đình thể hiện. Lễ cưới truyền thống của người Dao Nga Hoàng ở Yên Bái như lời mời gọi, gợi mở những khám phá mới lạ, những điều thú vị, độc đáo và đặc sắc của một ngành Dao độc đáo ở Yên Bái.

Du kịch, GO! - Theo Cổng thông tin Điện tử Yên Bái, internet
Theo quốc lộ 1A từ Đà Nẵng ra Huế, qua khỏi đèo Phước Tượng, rẽ tay phải theo QL49B khoảng 10km là qua cầu Tư Hiền và con đường kéo dài đến tận Thuận An.
Đoạn đường này dài 45km, đi qua những làng biển thuộc hai huyện Phú Lộc, Phú Vang của tỉnh Thừa Thiên - Huế.

< Cửa Tư Hiền nhìn từ trên cao.

Lưu truyền rằng xưa kia, có con voi rừng chở một vị tướng bị thương băng rừng từ Bạch Mã về cửa Tư Dung (Tư Hiền). Kiệt sức, con voi trung hậu gục đầu xuống đầm Cầu Hai, rồi nằm lại vĩnh viễn. Đèo Voi (Phước Tượng) là dãy núi chạy thoai thoải ra biển, mà vòi của nó khi ẩn, khi hiện ở cửa biển Tư Hiền.

Tư Hiền, là cửa bể có phong cảnh sơn thủy hửu tình nổi tiếng của Thừa Thiên Huế. Cửa Tư Hiền cách núi Túy Vân 4km về phía đông, nằm giữa núi Linh Thái và núi Rẫm. Trước lúc đổ ra cửa Tư Hiền, đầm Cầu Hai thâu hẹp như một dòng sông với đôi bờ làng mạc sầm uất đông vui, chợ búa nhộn nhịp với nhiều  đặc sản vùng đầm phá và vùng biển, làm cho nơi đây càng trở nên hấp dẫn đối với khách tham quan du lịch.

Cửa Tư Hiền nằm giữa xã Vinh Hiền và Lộc Bình, nơi thông đầm Cầu Hai với biển Đông. Các bô lão vùng này kể rằng: Cửa biển này trước đây gọi là cửa Tư Dung, do sự tích Công chúa Huyền Trân, con vua Trần Nhân Tông trước khi xuất giá sang Chiêm Thành đã ghé lên đây bái vọng tổ tiên. Từ đó, cửa có tên Tư Dung, cái tên do lòng thương nhớ dung nhan của Huyền Trân công chúa mà thành.


< Cầu Tư Hiền.

Theo sách xưa, cửa biển này thuộc về đất nước Chiêm Thành, đời Lý gọi là Ô Long. Đến đời Trần, vua Nhân Tông (1306) gả công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm là Chế Mân, đưa công chúa tới đây, nên đổi tên thành Tư Dung (Tư là nghĩ đến, tưởng nhớ đến, Dung là nét mặt, dung nhan, ý nghĩa cũng gần như chữ tư dung là vẻ mặt, là dáng dấp của người đàn bà đẹp). Dùng hai chữ Tư Dung để đặt tên cho cửa biển này, ý hẳn người Việt lúc bấy giờ một đàng muốn ghi lại cuộc hôn nhân giữa vua Chiêm và công chúa Việt, nhưng đàng khác, cũng nhằm tưởng nhớ công ơn khách má hồng đã hy sinh hạnh phúc riêng tư cho việc mở mang bờ cõi.


< Cửa biển Tư Hiền (nhìn từ đèo Phước Tượng).

Vào năm 1471, vua Lê Thánh Tông ngự giá bình Chiêm, khi nghỉ chân tại cửa bể này đã làm bài thơ "Tư Dung hải môn lữ thứ", một áng thơ hay, được đời sau truyền tụng. Về sau, cửa Tư Dung cạn dần, chiến thuyền từ biển không vào được nên hiểm họa ngoại bang đánh úp kinh thành Huế khó xảy ra, vì thế, triều Nguyễn đặt lại tên là Tư Hiền.

Xã Hiền An nằm ở cuối hệ thống đầm phá nước lợ Thừa Thiên - Huế (bao gồm phá Tam Giang, đầm Sam, đầm Chuồn, đầm Thủy Tú, đầm Đá Bạc, đầm Cầu Hai...), nối liền một mạch từ tỉnh Quảng Trị vào Thừa Thiên Huế, vốn nhiều tôm rằn, cá mú, cá hồng... Nơi đây có diện tích mặt nước rộng hơn 22.000ha, là vùng đầm phá rộng nhất châu Á. Các vị bô lão cho biết: quá trình hình thành các làng cũng đã trên dưới 300 năm.

< Một góc đầm Cầu Hai.

Khu vực này có núi Linh Thái, Thúy Vân và bên kia là Lộc Bình, Chân Mây, núi non chập chùng, hùng vĩ. Chùa Thánh Duyên trên núi Thúy Vân đã được công nhận là Di sản Văn hóa quốc gia. Xưa, chùa tên Mỹ Am Sơn Tự. Đời chúa Nguyễn Phúc Tần (1644) cho đặt nền móng điện Đại Hùng và đặt tên chùa Thánh Duyên. Ngày nay, nhân dân gọi là núi Thúy Vân, chùa Thánh Duyên...

Núi Thúy Vân có đỉnh cao 60m so với mặt nước đầm phá, là một khu rừng đại ngàn rậm rịt cây lá cổ thụ, khí hậu mát mẻ. Dọc theo đường cái là những ngôi làng hoang sơ, những đền đài miếu mạo cổ xưa. Chợ quê mua bán vào buổi chiều, với nhiều loại thủy hải sản phong phú. Đến đây, bạn có thể thưởng thức món cháo hàu, hàu xào lá lốt béo ngậy, thơm lừng. Trong khi chờ đợi món ăn, còn gì thú vị bằng được theo ghe thuyền đi thăm thú các mô hình nuôi cá, nuôi ghẹ trên đầm nước mênh mông.

Có bài thơ "Tư Dung vãn" của Đào Duy Từ rằng:

"Khéo ưa thay cảnh Tư Dung
Cửa thông bốn bể, nước thông trăm ngòi".
......
"Động Đình nước ấy, Thái Hằng kìa non
Đông tây nọ khách vãng lai
Rước ai nọ quán, đưa ai nọ đò".
......
"Dập dìu thuyền xuống buồm lên
Cánh hồng lướt gió khách tiên nghiêng hồ
Bên ngàn đá mọc khi khu
Cây che tấm gấm ngàn thu diễm tà".

Du kịch, GO! - Theo Báo Phunu, web Hue
Dân miền Tây  phân biệt hai loại dơi chính: dơi sen và dơi quạ. Dơi quạ là dơi đen và to con hơn dơi sen màu lông chuột. Theo lời truyền tụng của người dân miền Tây, dơi quạ hay dơi sen thì cũng xấu và hôi, nhưng người ta bảo rằng dơi bắt được ngửi càng hôi thì thịt lại càng thơm.

Vào khoảng chập tối, một nhóm vài ba người lại chuẩn bị nào dơi mồi, nào lưới dợt, giỏ đựng dơi. Đám thợ săn dơi bảo, nếu chưa có dơi mồi thì phải chọn người biết cách thổi để dẫn dụ dơi đến.  Thường dùng lá mì hoặc lá cầy mỏng có độ đàn hồi, dùng hai bàn tay kẹp lá mì chụm lại thổi, bắt chước tiếng dơi kêu. Người thổi tốt hay không được “thấy” rõ qua việc dơi tìm đến nhiều hay ít? Chuẩn bị xong, trời cũng vừa tối mịt, cả nhóm đi theo dọc bờ vườn, chọn nơi thuận lợi để dơi dễ sà xuống, dân trong nghề quen gọi là “bến dơi”.

Dợt chụp dơi được dựng lên thì bắt đầu thổi. Việc đầu tiên là phải cố gắng bắt cho được dơi mồi. Sau khi nghe tiếng dơi mồi kêu, dơi sẽ tìm đến, sà xuống thấp, người cầm dợt cứ việc dợt theo dơi. Đêm càng sâu dơi tìm đến càng nhiều. Vào những đêm trăng sáng việc bắt dơi rất khó nên thường rất ít người đi dợt. Khi thổi dơi ở bến này một hồi lâu, không thấy dơi sà xuống nữa, vì bến bị động, dơi sợ, thì sang bến khác, tiếp tục cho đến khi đầy giỏ mới về.

Mỗi đêm đi bắt, chiến lợi phẩm là dơi sen, còn các loại dơi khác (như dơi muỗi chẳng hạn) bắt được thì bỏ, vì thịt không ngon. Mùa bắt dơi sen rộ nhất là vào mùa trái cây chín, nhất là mùa nhãn. Lúc này, dơi rất mập và thịt rất thơm ngon. Trong các loại dơi miệt vườn Nam Bộ, dơi quạ là to nhất, thịt nhiều nhưng rất khó bắt vì chúng bay rất cao. Chúng thường xuất hiện vào những đêm trăng sáng, khi những cành gòn trổ bông, để hút nhuỵ hoa. Để bắt được loại này người ta phải dùng nạng thun để bắn. Dơi có nhiều món, nhưng thích nhất vẫn là món dơi sen nấu cháo.

Đi bắt dơi về đến nhà thì đêm đã khuya, mọi vật như đã chìm vào giấc ngủ. Trên bếp lửa, người ở nhà lui cui chuẩn bị bắc nồi lên nấu cháo, và xắt bắp chuối xiêm, để sẵn. Thao tác làm thịt dơi phải đúng cách, nếu không thịt dơi sẽ mất đi hương thơm và vị ngọt. Đặc biệt, khi làm thịt dơi không được rửa nước. Người chế biến nắm cánh dơi, lột da, rồi ngắt phía sau rút hết ruột, thế là xong. Thịt dơi có thể băm nhỏ hoặc xắt miếng, bắc chảo lên khử tỏi cho thơm, rồi để thịt vào xào, vừa chín thì lấy ra cho vào nồi cháo nấu tiếp, nêm nếm vừa ngon thì dùng tô đã chuẩn bị sẵn, rau bắp chuối để dưới và múc cháo vào, ăn nóng. Tiêu, ớt, chanh xắt và nước mắm chua ngọt sẵn sàng để tuỳ theo khẩu vị mà người ăn có thể thêm vào.

Đối với món cháo dơi, cách chế biến cũng bình dị như các loại cháo khác, nhưng điểm độc đáo là cháo dơi rất thơm ngọt tự nhiên, lại ăn giữa đêm khuya tĩnh lặng. Ngoài ra, dân nhậu miền Tây còn có thể thưởng thức món dơi khìa nước dừa, trộn gỏi bắp cải, cuốn bánh tráng chấm nước mắm chua ngọt.

Nghe cánh bợm nhậu, thịt dơi ăn vào rất mát lại bổ cho chân và thận. Theo họ, con dơi sống trong bóng đêm, tích tụ được nhiều âm khí nên huyết nó mát, lại chỉ ăn côn trùng sâu bọ, trái chín cây nên thịt rất sạch. Các món ăn được chế biến từ thịt dơi có khá nhiều, nhậu chế một kiểu, ăn thường lại kiểu khác. Con dơi lột da, bỏ ruột chặt miếng ướp muối tiêu nướng chín trên than hoa kèm chút rau thơm chấm muối tiêu chanh ăn nóng hôi hổi khiến người ta liên tưởng đến thịt gà mà không phải gà, thịt chim mà không phải chim, cảm giác về vị ngon rất lạ lùng.

Theo lời dạy bảo của… các ông bợm nhậu, thịt dơi kẹp lại nướng than tàu vừa nóng, nhắm với rượu, đậm hơn thịt gà, xương mềm hơn, nhai giập ra ngon lạ lùng, mà lại thơm, thoang thoảng cái vị chim se sẻ. Nướng được gắp nào, nhắm ngay gắp đó, điểm mấy cánh ngò và mấy tí hành hoa chấm muối, tiêu, chanh, ớt, thế là xong!

Dơi còn được dân miền Tây ăn với cơm, dơi có thể làm thành nhiều thứ, tuy nhiên nhưng được hoan nghênh nhiều là hai món xào lăn và băm viên; nhưng dù là nướng chả, băm viên hay xào lăn, tất cả các thứ đó cũng không quí bằng món huyết - một “siêu phẩm” của dơi mà họ bảo rằng là còn quí hơn cả tiết dê và tiết chim se sẻ.

Dơi được giết ra thịt  trắng. Những người lớn tuổi ở đây bảo rằng: món cháo thịt dơi với đậu xanh ăn vào rất mát mẻ, bổ dưỡng tăng cường sinh lực.

Người dân miền Tây chỉ thường ăn dơi quạ,  vì dơi quạ to con, lợi thịt, nhiều huyết. Căng một con dơi quạ lớn ra, từ đầu cánh này sang đầu cánh kia có thể dài đến một sải tay. Thui lông đi rồi, con này to chừng con gà mái tơ.

Còn dơi sen là giống dơi mà người ta vẫn thường thấy chiều chiều bay chập chờn trên thành phố hay đồng quê bắt muỗi. Giống này nhỏ, chỉ hơn con chim sẻ một chút và có tiếng là hôi hơn quạ nhiều. Người dân ở đây bảo rằng, dù là dơi sen hay dơi quạ, một khi làm thịt mà bỏ mấy cục xạ đi rồi, thì thịt cũng thơm phưng phức, hấp dẫn đáo để. Trời nóng, ăn không được, muốn đổi món cho lạ miệng thì làm bát cháo dơi mà ăn, mát ruột mà lành. Song đã ăn dơi thì phải có rượu.

Chẳng biết thực hư thế nào, mà dân nhậu miền Tây thường kháo nhau huyết dơi quạ pha với rượu  uống có thể trị được bệnh ho lao, đau phổi nặng. Tuy nhiên, việc lấy được huyết dơi cũng rất khó, tốn nhiều công sức.

Dân nhậu  xúi nhau muốn ăn thịt dơi thì về miền Tây. Ở Sóc Trăng có ngôi chùa của người Khơ me Nam bộ. Đây gần như là ngôi chùa Khơ me duy nhất thờ Phật trong số mấy trăm ngôi chùa nằm rải rác khắp vùng đồng bằng sông Cửu Long. Khách du lịch thường gọi đó là Chùa Dơi vì vài trăm năm nay ở chùa có đàn dơi quạ tự nhiên quần tụ sinh sống, số lượng có lúc ước tới hàng triệu con. Dơi quạ con lớn có sải cánh dài đến trên 1m, thân mình to bằng cả chú gà tơ. Cứ chập choạng tối và tờ mờ sáng là lúc chúng ràn rạt kéo bầy đi kiếm ăn.

Dơi quạ là loài dơi to nhất (mỗi con nặng cả ký và khi bay giang cánh ra dài cả 2 mét), lại sống bằng cách hút mật bông sầu riêng, ăn chôm chôm chín nên được "mệnh danh"  là thịt đại bổ.

Dơi đem thui riêng hai đầu cánh nó đi, vặt lông măng cho thật sạch rồi chính tay  cắt tiết ở hai đầu cánh ấy, hứng vào rượu, khoắng lên cho đều mà uống ngay mới tốt. Cầu kì hơn một chút thì lúc cắt nên bỏ đi tí huyết đầu, tí huyết đuôi, chỉ dùng cái huyết giữa
Dơi quạ chỉ xuất hiện hai lần trong một năm. Lần đầu là đúng vào mùa sầu riêng trổ bông và lần thứ hai vào khoảng Tết Ðoan Ngọ (mùng 5 tháng 5 âm lịch): mùa chôm chôm chín. Dơi quạ bay theo từng đàn hàng chục con và chọn những cây sầu riêng cao đang nở bông trắng xóa, thơm ngát đổ xà vào cắn đài bông hút mật. Chúng bất ngờ xuất hiện vào lúc nửa khuya về sáng, bâu vào cành, ngọn sầu riêng để cắn bông

Mờ sáng, đàn dơi quạ biến mất nhưng chủ vườn vẫn nhận diện được dấu vết mà chúng đã ghé qua bằng bông sầu riêng xả trắng gốc cây. Dơi quạ ngủ rất nhiều, suốt cả ngày đến nửa đêm.

Dơi quạ to bằng con mèo nhưng khi chặt bỏ đôi cánh, chân và lột da chỉ còn một khối thịt đỏ hỏn nặng khoảng nửa ký, được dân nhậu chặt ra xào lăn. Nhưng món làm nên "tên tuổi" cho dơi quạ lại là nấu cháo đậu xanh. Thịt dơi được băm nhuyễn nêm nước mắm, củ hành, bột ngọt cho xào nhẹ một lượt rồi đổ vào nồi cháo nấu nhừ với đậu xanh. Đẻ át hơi hôi của dơi, khi chế biến dân nhậu thường  rắc thêm một ít tiêu, hành ngò...

Du kịch, GO! - Theo Dulich Datviet

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống