Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Saturday, 21 April 2012

Trên đường từ thành phố Quy Nhơn ra Khu kinh tế Nhơn Hội, khi đi ngang qua dãy núi Bà ở huyện Phù Cát, du khách sẽ thấy ở lưng núi thấp thoáng mái chùa đỏ thắm giữa màu xanh biếc của cây rừng. Đó là chùa Ông Núi, còn gọi là Linh Phong thiền tự - một trong những ngôi chùa lâu năm nhất của Bình Định.

Từ đường nhựa đi vào chân núi khoảng vài trăm mét du khách sẽ gặp hàng cột được trang trí công phu mở lối bước lên những bậc đá dẫn đến chùa. Lối đi quanh co theo sườn núi được tạo bởi hàng ngàn bậc đá này có từ hơn ba thế kỷ trước. Đường lên chùa vẫn còn nguyên vẻ tự nhiên, cỏ cây, hoa dại mọc chen giữa đá, đâu đó thoang thoảng mùi hoa dủ dẻ thật dễ chịu. Đi hết khoảng hơn một trăm bậc đá sẽ thấy ngôi chùa nằm ở độ cao khoảng 400m so với mực nước biển hiện ra.

Thật lạ là giữa lưng chừng núi lại có một khoảng đất khá rộng và rất bằng phẳng, đủ để xây một ngôi chùa lớn. Theo sách cũ, năm 1702, thiền sư Tịnh Giác đến núi này tu hành.

Vị cao tăng dựng một mái chùa bằng cỏ tranh, sống một mình trên núi, thỉnh thoảng mới xuống thôn xóm chữa bệnh cho dân làng. Thấy ông dùng vỏ cây làm áo quần, dân trong vùng gọi ông là Mộc Y Sơn Ông.

Năm 1733, chúa Nguyễn Phước Trú lệnh cho quan địa phương dựng chùa lại bằng ngói, đổi tên là Linh Phong thiền tự. Ông tổ tuồng Đào Tấn khi đang là Thượng thư bộ Công cũng đã bỏ tiền tu bổ lại chùa và làm thơ ca ngợi cảnh đẹp nơi này.

Ở Huế, Đào Tấn cũng lập hòn non bộ trong phủ đệ của mình, trên đó khắc hai chữ Linh Phong (hòn non bộ này hiện còn ở trong khuôn viên chùa Thiên Mụ). Chùa Ông Núi cũng được sách Đại Nam Nhất thống chí khen ngợi: “Chùa lưng dựa vào núi cao, mặt trông ra đầm biển cạn, xung quanh có nước suối lượn quanh, phong cảnh rất đẹp”.

Hiện nay, một ngôi chùa mới được xây lại rất khang trang bởi năm 1965, chùa cổ bị cháy bởi bom đạn. Chỉ còn hang Tổ, nơi thờ cúng người khai phá núi xây chùa và dòng suối nhỏ trong trẻo gợi nhớ hình ảnh ngôi chùa cổ kính ngày xưa.

Khuôn viên chùa luôn mát rượi nhờ những tán cây cổ thụ như phượng, mít, bàng. Rất nhiều liễu và hoa được trồng chung quanh hồ nước rộng ngay trước chính điện.

Đứng từ cổng chùa, nhìn ra xa thấy đầm Thị Nại trong xanh điểm những con sóng bạc. Gần chân núi là những thôn xóm mái ngói nâu nổi bật giữa đồng lúa xanh non. Dòng sông Chùa uốn lượn lung linh trong nắng, dọc bờ biển, sóng tung bọt trắng xóa. Bước chân ra khỏi chùa, nhiều du khách sẽ thấy lòng thanh thản và bỗng thấy cõi nhân gian thật hữu tình.

Phía sau chùa còn có nhiều tháp cổ xen giữa đá núi và những tán cây rừng cổ thụ. Đây là nơi an nghỉ của các vị sư. Đi sâu vào trong núi có nhiều hòn đá chồng lên nhau tạo thành những hình thù kỳ dị và cả những hang đá thâm u. Một số hang có thờ Phật nên ấm áp mùi nhang khói. Có những hang rất rộng, chứa được cả đoàn quân thời chiến. Nhiều hang đá giờ đây bị những bụi cây gai um tùm lấp mất cửa không ai dám vào. Hang động núi Bà vẫn còn đó nhiều bí mật với khách hành hương.

Du lịch, GO! - Theo TTO và nhiều nguồn ảnh khác
Găm vào ký ức tôi là hai hình ảnh trái ngược nhưng thật nên thơ: bên cạnh những công trình thủy điện đồ sộ hiện đại, tôi gặp những tộc người còn giữ nguyên vẻ hoang sơ.

< Hồ Hàm Thuận đẹp như một bức tranh thủy mặc.

Công trình thủy điện và những con thác đẹp mê hồn

Đa Mi là một xã của huyện của huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận). Thời Pháp thuộc, Đa Mi thuộc về huyện Di Linh (Lâm Đồng), sau đó mới thuộc về Bình Thuận. Đa Mi là đọc chệch từ Đạ Mí. “Đạ” theo tiếng đồng bào K’ho, Raglay, Châu Ro... ở Nam Tây Nguyên có nghĩa là nơi có nước, có sông. Mí là tên riêng.

Nơi này có độ cao 600-850 mét so với mặt biển, 90% là đồi dốc, nổi tiếng với nhà máy thủy điện Hàm Thuận-Đa Mi, được đưa vào sử dụng từ năm 2001. Công suất của cụm nhà máy này hiện đứng thứ thuộc loại “khủng”, chỉ sau thủy điện Sơn La (Hòa Bình) và Yaly.

< Những con đường ở Đa Mi uốn lượn theo các dòng sông và núi.

Vùng đất này còn nổi tiếng với hai hồ nước rất lớn: hồ Hàm Thuận rộng 2.500ha và hồ Đa Mi có diện tích 700ha. Hồ Hàm Thuận gồm tám đảo nhỏ, nổi lên giữa dòng nước có “xuất thân” từ sông La Ngà (Đồng Nai). Còn hồ Đa Mi chỉ có nhiệm vụ giữ nước để làm thủy điện.

Những con sông nhỏ ở khu vực này khá đặc biệt, tất cả đều chảy theo hình chữ “S”, giống như dáng hình của đất nước. Hơn nữa, nước ở đây trong vắt, xanh màu ngọc bích và có nhiều thác gềnh. Chính sự kết hợp này đã tạo ra những cảnh đẹp đến nao lòng.

Chỉ tính riêng trong xã Đa Mi đã có rất nhiều thác nước đẹp, cao hàng trăm mét xuất hiện ngay bên đường đi. Có thể kể ra như: Thác 9 tầng, Sương mù, Tazun, Đaguri…Trong đó, nổi tiếng nhất là thác 9 tầng và Sương mù. Thác 9 tầng có đủ 9 tầng, mỗi tầng cách nhau từ 50 – 100m. Điều kì lạ là dù mùa nắng hay mưa, nước trong thác cũng không bao giờ cạn. Còn thác Sương mù thì quang năm cảnh vật như cõi bồng lai, tiên cảnh.

Gặp tộc người không thích mặc áo

< Hình ảnh này phổ biến trong các thôn, bản của người K’ho.

Giống như các vùng đất khác ở Nam Tây Nguyên, bà con dân tộc tại Đa Mi (Lâm Đồng) chủ yếu sống bằng nghề trồng trọt và săn bắt như thuở xa xưa, tuyệt nhiên không có chợ để thông thương. Nạn tảo hôn vẫn còn rất nhức nhối khi dọc đường đi, chúng tôi trông thấy những thiếu nữ 13-14 tuổi đã tay bồng tay bế con nhỏ và không nói được tiếng Kinh. Đặc biệt là người K’ho.

Có một phong tục rất độc đáo của dân tộc này mà không nơi nào có-từ 50 tuổi trở đi không bao giờ mặc áo nữa. Cuộc sống du canh du cư của họ khá giống với tộc người Rục ở Quảng Bình. Nói là trong một buôn nhưng mỗi nhà cách nhau đến nửa cây số.

So với đồng bào K’ho tại nhiều nơi cũng như các dân tộc thiểu số khác, tộc người K’ho tại Đa Mi sống tách bạch với thế giới bên ngoài. Khi ở nhà hay lên rừng, người K’ho trẻ vẫn mặc quần áo, đội khăn, đeo gùi bình thường. Nhưng người trên 50 tuổi được cho là già nên ở tại nhà sàn và thoải mái…ở trần.


< Những đứa trẻ ở Đa Mi.

Chị K’Poh, người duy nhất biết nói tiếng Kinh ở thôn Đa Tro (Đa Mi) giải thích với giọng lơ lớ: “Tôi chỉ nghe ba mẹ nói, nguồn gốc chúng tôi là ở Lâm Đồng di cư xuống đây từ lâu lắm rồi. Những người già thì không cần mặc áo, còn nếu trẻ như vậy sẽ bị phạt bò đãi cả làng đó!”.

Đi qua những buôn làng của người K’ho, tôi thấy nhiều người già không hề mặc áo, chỉ mặc quần (kiểu xà-rông) màu mè. Họ hồn nhiên tiếp chuyện những người khách phương xa đến không một chút ngượng ngùng.

Người K’ho còn một tục lệ đặc biệt nữa là cà răng. Những đứa trẻ đến tuổi trưởng thành (18 mùa rẫy) đều phải tham gia tập tục này. “Đau khủng khiếp. Nhưng có thuốc rừng đắp vào nên cũng đỡ. Cà răng để thể hiện tình yêu buôn làng và chứng tỏ mình đã lớn, chịu đựng được những đớn đau, khó khăn”-chị K’Poh cho biết.


< Nạn tảo hôn ở Đa Mi khá phổ biến.

Bà Đoàn Thị Ngọ, PGĐ Bảo tàng Lâm Đồng - một chuyên gia nổi tiếng về văn hóa các dân tộc Tây Nguyên cho biết, khu vực Nam Tây Nguyên (tiếp giáp giữ Lâm Đồng và Bình Thuận) có nhiều người K’ho sinh sống, chiếm số lượng cao nhất trong các dân tộc ít người. Người K’ho chia làm nhiều nhánh: Lạch, Srê, Nôp…Họ có nhiều nét văn hóa khá giống người M’nông ở Đắk Lắk.

Chị Đoàn Thị Ngọ-GĐ Bảo tàng Lâm Đồng cho biết, người K’ho ở Tây Nguyên đến nay vẫn giữ những phong tục truyền thống như vậy. Trong khi những dân tộc ít người khác ở Tây Nguyên như: Bana, Giarai, S’tiêng, M’nông đều tiếp nhận nền văn hóa bên ngoài khá nhiều.

Trời ngả về tối, chúng tôi đã tìm thấy đường ra quốc lộ 1A sau cả buổi “lưu lạc” tại Đa Mi. Tạm biệt một vùng đất hoang sơ mà giàu tình người, chúng tôi tiếp tục hành trình với những cảm giác tươi nguyên đầy lưu luyến về một vùng đất đẹp và kỳ lạ như trong huyền thoại.

Du lịch, GO! - Theo Hoàng Hùng, Kienthuc.com

Friday, 20 April 2012

Thạch Bích sơn, tên nôm quen thuộc là núi Đá Vách, nằm sừng sững đứng giữa trời về phía đông Nam huyện Sơn Hà, giáp giới huyện Minh Long, cao khoảng 1.500 mét. 

Đây là ngọn danh sơn vào hàng cao nhất, hùng vỹ và hiểm trở nhất tỉnh Quảng Ngãi. Vùng núi non, thung lũng châu tuần chung quanh Thạch Bích với nhiều sông suối, hẻm vực là địa bàn quần cư từ lâu đời của tộc người H're.

Non núi dăng dăng đổi cả trời,
Một hòn Thạch Bích tiếng muôn đời.
Đá xây đứng sững y như vách,
Bóng xế soi về khắp mọi nơi.
(Nguyễn Cư Trinh)

Sách Đại Nam dư địa chí ước biên (Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn) phần tỉnh Quảng Ngãi, chép:
 “Núi Thạch Bích cây cỏ um tùm, chưa qua khai thác. Sương mai tím biếc, đỏ lựng ráng chiều. Tà dương soi rọi thì núi non rực rỡ như ánh sao. Trong mười cảnh đẹp của Quảng Ngãi, có một cảnh được gọi là “Thạch Bích tà dương”.

Nửa sau thế kỷ XX, ông Phạm Trung Việt miêu tả về phong cảnh Thạch Bích trong sách Non nước xứ Quảng như sau:

“Hình núi đứng cao chót vót, cỏ cây rậm rạp, thế núi quanh co, vách đá dựng ngược, phía tây thông đến các làng Thượng Minh Long có Tử Tuyền (suối Tía) rất hiểm trở.

Buổi mai khi mây ngưng sắc tía, buổi chiều hang ngậm màu son, bóng tà dương chiếu ánh đá núi đều dợn sóng như sao.

Khi mặt trời lặng bóng, cảnh vật nhuộm màu đen thì riêng đỉnh Thạch Bích còn rực rỡ ánh hoàng hôn oai hùng vươn lên chọc trời, tạo nên cảnh đẹp hùng vĩ.”

Theo sách Viêm Giao trưng cổ ký của Cao Xuân Dục, ngoài núi Thạch Bích nói trên, còn có một núi Thạch Bích khác, thấp hơn, ở phía tây huyện Mộ Đức, cách Tĩnh Man trường lũy một ngày sơn đạo. Lại có suối nước khoáng mang tên Thạch Bích, nằm về phía đông nguồn Đà Bồng, nay thuộc xã Trà Bình, huyện Trà Bồng.

Thạch Bích cũng là tên một thôn của huyện Chương Nghĩa, về phía tây bắc tỉnh thành, cận bờ bắc sông Trà Khúc, nay thuộc phường Lê Hồng Phong, thành phố Quảng Ngãi. Tuy vậy, chỉ duy nhất Thạch Bích sơn ở vùng Sơn Hà – Minh Long mới được gọi nôm là Đá Vách, còn núi Thạch Bích ở Mộ Đức, suối khoáng Thạch Bích ở Trà Bồng và thôn Thạch Bích ở hạ du sông Trà Khúc thì không!

Cho đến nay, đường lên núi Đá Vách vẫn đầy hiểm trở, cho dù có thể đến đấy theo các ngã Sơn Hà (từ Trà Nham), Minh Long (từ Long Sơn) hoặc Tư Nghĩa (từ làng Lâk, xã Nghĩa Sơn). Trong 3 lối ấy, có lẻ ngoạn mục nhất là ngã Minh Long, theo cung đường: Long Sơn – Làng Ren – Gò Tranh – Đá Vách. Ô tô, xe máy chỉ đến được Long Sơn (Thành phố Quảng Ngãi - chợ Chùa - chợ phiên Tam Bảo – Kim Thành Thượng – Long Sơn). Từ Long Sơn đến đỉnh núi Đá Vách chừng 2 ngày đi bộ và leo núi. Kể cũng là kỳ công, và chỉ giành cho những người nặng máu phiêu lưu. Ấy vậy mà có thi sỹ lại bảo “thuận đường”, nghe cũng lạ, chẳng biết thực hư:

Rồi một ngày thuận đường lên Thạch Bích
Đợi bóng chiều lấp lánh ánh tà dương
Quên làm sao ngõ ngách một con đường
Men vách đá chập chùng rêu giăng phủ
Ung Văn Khanh – Hương đất mẹ

Văn chương lắm khi chỉ là lời trần thuật những điều nằm mơ mà thấy, huyển hoặc hình dung, huyền hồ sương khói. Có ai đến được núi Thần Phù lênh đênh ngoài cửa bể? Biết người nào từng một lần gác mái chèo ngắm cảnh Đào nguyên? Vậy mà cảnh tiên, xứ Bụt vẫn được kể lại cả thiên chương vạn quyển, đời nọ nối đời kia.

Nguyễn Cư Trinh (1716 -1767), Nguyễn Tấn (1822 - 1871) dù hiểu biết khá sâu sắc về miền tây Quảng Ngãi nhưng chưa có gì chứng tỏ hai ông đã đặt chân lên những con đường ngoằn ngoèo, hiểm trở dẫn lên đỉnh Đá Vách. Cao Xuân Dục (1843 – 1923), Phạm Trung Việt (1926 – 2008), những nhà biên khảo tài hoa, miêu tả ngọn núi khéo léo đến dụ mê người đọc, chắc chắn chỉ từ phía xa vọng nhìn Thạch Bích. Nhiều khách thơ đời nay như Phạm Cung, Chiêu Dương, Ngã Du Tử, Phạm Thiên Thư... ngâm vịnh Thạch Bích tà dương qua tưởng tượng mơ hồ về một ngọn núi phía trời tây, khuất sau mây trắng.

Trèo non lội suối cũng là một thú ngoạn du giành cho những ai thích khám phá, phiêu lưu. Ước chi một ngày nào đó, Quảng Ngãi mở tuyến du lịch 12 thắng cảnh, lữ khách tha hồ mà dạo chơi lên đỉnh những Vân Phong, Vu Sơn, Thạch Bích...

Thử hỏi ngành du lịch, tại sao không?

Du lịch, GO! - Theo Quảng Ngãi Online, internet

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống