Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Saturday, 21 April 2012

Bài 3: Cái Đôi Vàm

Cửa biển Cái Đôi Vàm - nơi tọa lạc của thị trấn biển trẻ nhất tỉnh Cà Mau - thị trấn Cái Đôi Vàm - trung tâm phát triển của huyện Phú Tân. Nằm trên tuyến đê biển Tây, với tiềm năng riêng của mình, cửa biển Cái Đôi Vàm đã và đang đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế biển tỉnh nhà.

Cái Đôi Vàm vốn là cửa biển tự nhiên, được thiên nhiên ưu đãi với nhiều loại hải sản phong phú. Năm 1945, nhiều ngư dân đã về đây sinh sống, khai thác nguồn lợi thủy sản. “Đất lành chim đậu”, nhờ nguồn lợi kinh tế biển, cửa Cái Đôi Vàm thu hút ngày càng nhiều dân thập phương đến làm ăn sinh sống. 49 năm sau, kể từ ngày những ngư dân đầu tiên đến đây khai phá, ngày 20.9.1994, thị trấn Cái Đôi Vàm thành lập, đánh dấu bước phát triển vượt bậc của một vùng cửa biển.

< Ghe câu kiều của ông Huỳnh Thanh Khánh chuẩn bị ra khơi.

Ông Nguyễn Hồng Hài - người sống nhiều năm ở cửa biển, kể lại: Trước đây cửa biển này rất nhỏ, ghe khoảng 15 tấn không thể xoay trở được. Để thuận tiện cho hoạt động khai thác hải sản, từ sau năm 1968, cửa Cái Đôi Vàm mới được tiến hành nạo vét. Ngày nay, ở Cái Đôi Vàm có trên 130 phương tiện khai thác thủy sản lớn, nhỏ. Trong đó, tàu công suất từ 90CV trở lên là 57 chiếc; từ 45CV - 90CV là 23 chiếc; dưới 45CV là 51 chiếc.

Như bao nhiêu cửa biển khác, khai thác, nuôi trồng thuỷ sản vẫn là động lực chính của vùng cửa biển này. Nhờ ít sóng gió nên Cái Đôi Vàm thu hút nhiều phương tiện từ lớn đến nhỏ ở các khu vực lân cận: Bến Tre, Gạch Rốc, Rạch Tàu... đến khai thác.

< Các ghe lưới cá - nghề đang được khuyến khích phát triển ở cửa Cái Đôi Vàm.

Phương tiện và các loại hình khai thác, đánh bắt ở đây cũng khá đa dạng. Ngoài các nghề truyền thống như đáy hàng khơi, câu cào mé... hiện nay, các nghề ghe lưới và câu nổi đang được khuyến khích phát triển. Đây cũng là cửa biển tập trung nhiều dân nghèo tha hương, chuyên đánh bắt gần bờ bằng các phương tiện nhỏ như te, đáy sông, lưới ghẹ...

< Miếu Bà Thủy - miếu Bà Chúa Xứ được xây dựng từ năm 1978, nét tâm linh của người dân xứ biển.

Ngoài ra, ở Cái Đôi Vàm cũng hình thành nhiều làng nghề biển nổi tiếng. Mùa khô khoai gần như đã trở thành đặc trưng của vùng biển Cái Đôi Vàm với những câu hát “hò khoan” rặt màu sắc Nam bộ. Bên cạnh đó, có nhiều nghề phổ biến như: mắm ruốc, khô ruốc, phơi cá phân... Bãi lắng ở cửa Cái Đôi Vàm mỗi năm được phù sa bồi lắng từ 40 - 50m, là khu vực giữ đất khoanh nuôi của rừng phòng hộ đê biển Tây.

< Các vựa thu mua cá - tạo việc làm cho nhiều lao động ở cửa biển.

Tình hình chung của Cái Đôi Vàm hiện nay là cửa biển nhỏ, bến bãi cạn, khó khăn cho việc tàu thuyền neo đậu. Đồng thời, do ảnh hưởng mưa bão và xăng dầu tăng giá đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống bà con ngư dân. Ông Trần Văn Kỉnh - Chủ tịch UBND thị trấn Cái Đôi Vàm, cho biết: Để đảm bảo cho việc khai thác thủy sản và phát triển kinh tế vùng cửa biển Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân đã quy hoạch xây dựng khu tiểu thủ công nghiệp, diện tích 3,4 ha ở bãi lắng Khóm 5, thị trấn Cái Đôi Vàm, nhằm phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá: các vựa mua bán cá, khô; buôn bán các loại ngư cụ...; xây dựng hãng nước đá...

Đồng thời, Sở Thủy sản tỉnh Cà Mau cũng đang trong giai đoạn lập hồ sơ thiết kế, nạo vét từ cửa Cái Đôi Vàm tới xã Phú Thuận, nối đầu kinh xáng Thọ Mai. Tin rằng, với những tiềm năng kinh tế biển cùng với sự đầu tư đúng mức, trong tương lai, Cái Đôi Vàm sẽ trở thành một cửa biển phát triển năng động và trù phú.

Bài 4: Cửa biển Hương Mai - đầu tư cho phát triển

< Cống Hương Mai trên đê biển Tây ngăn mặn phục vụ sản xuất.

U Minh có hai xã giáp biển là Khánh Hội và Khánh Tiến, nếu cửa biển Khánh Hội được xem là trung tâm kinh tế biển của huyện thì các cửa biển nhỏ như Hương Mai, Tiểu Dừa, Lung Ranh... cũng đang được quan tâm đầu tư để phát triển kinh tế biển ở U Minh. Trong số các cửa biển ở Khánh Tiến thì Hương Mai là cửa có nhiều tiềm năng, đang được đầu tư cơ sở hạ tầng để phục vụ chiến lược kinh tế biển ở Cà Mau.

Cửa Hương Mai nằm trên tuyến đê biển Tây (Khánh Tiến) dài 172km, nối xã Khánh Hội với Vân Khánh Tây (An Minh, Kiên Giang). Hương Mai vốn chỉ là cái vàm nhỏ, năm 1993, nơi đây được nhà nước đầu tư xây dụng cống ngăn mặn, phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhưng hiện tại cống không còn vận hành (do bửng bị hư). Hằng năm do phù sa bồi lắng, nên cửa biển cạn và hẹp dần, không có chỗ cho tàu thuyền trú ngụ, neo đậu làm hạn chế khả năng khai thác ở cửa Hương Mai.

< Thành quả sau chuyến đi biển của ngư dân Hương Mai.

Người dân ở Khánh Tiến nói chung và vùng cửa biển nói riêng chủ yếu làm nông nghiệp, nghề biển chưa là động lực chính để phát triển kinh tế. Vì thế, ở cửa Hương Mai tình hình khai thác nhỏ lẻ, chủ yếu là phương tiện đánh bắt gần bờ, như câu mực và ghe lưới cá... việc trao đổi mua bán có tính chất địa phương. Do không có bến bãi lớn, các ghe lưới thường neo đậu trong các lạch nhỏ của rừng phòng hộ; ven đê biển có nhiều chòi nhỏ để ngư dân lên cá tôm. Hiện nay, trên và ven chân đê quốc phòng khu vực cửa biển Hương Mai có khoảng 100 hộ dân tự phát đến sinh sống, khai thác và làm các dịch vụ nghề biển.

Để tiếp tục thúc đẩy kinh tế khu vực cửa biển, huyện U Minh đã quy hoạch xây dựng cụm dân cư ven biển (diện tích trên 111 ngàn m2), nhằm phát triển giao lưu mua bán và đảm bảo an toàn cho người dân trong mùa mưa bão. Ngoài ra, huyện còn lập đề án xây dựng cống mới và mở rộng cửa Hương Mai để thu hút tàu thuyền đến khai thác, neo đậu. Ông Huỳnh Công Hiệu, Phó Chủ tịch phụ trách kinh tế xã Khánh Tiến, cho biết: “Do cửa biển nhỏ, lượng tàu thuyền khai thác ít, nên tiềm năng thủy sản còn khá lớn, mở rộng cửa biển Hương Mai sẽ tạo hướng đi mới cho người dân nơi đây”.

< Phụ nữ ở cửa biển Hương Mai với nghề vá lưới.

Đồng thời với việc cải tạo, nâng cấp lại cửa biển là dự án xây dựng đường ô tô đến trung tâm xã Khánh Tiến. Cửa biển thông thoáng, giao thông thuận lợi sẽ thúc đẩy các hoạt động giao thương mua bán và phát triển các dịch vụ nghề biển. Tuy nhiên, làm kinh tế biển - với giá xăng dầu tăng cao và giá thủy sản xuống thấp như hiện tại, cũng chưa phải là “nghề độc” với nhiều người. Thiết nghĩ, để phát triển kinh tế ở cửa biển Hương Mai nói riêng và các cửa biển nói chung, cần có cơ chế thích hợp để thu hút và vực dậy tiềm năng biển của địa phương.

Còn tiếp

A1 - Những cửa biển ở Cà Mau
A2 - Những cửa biển ở Cà Mau
A3 - Những cửa biển ở Cà Mau
A4 - Những cửa biển ở Cà Mau

Du lịch, GO! - Theo báo Ảnh Đất Mũi
Bài 1: Cửa biển Rạch Gốc - Một địa danh đi vào lịch sử

Nghị quyết 09 - NQ/TW ngày 9.2.2007 “Về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” đã nhấn mạnh: “Thế kỷ XXI được thế giới xem là “thế kỷ của đại dương”. Các quốc gia có biển đều rất quan tâm đến biển và coi trọng việc xây dựng chiến lược biển. Khu vực biển Đông, trong đó có vùng biển Việt Nam, có vị trí địa kinh tế và địa chính trị rất quan trọng...  với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và đa dạng, ngày nay biển càng có vai trò to lớn hơn đối với sự nghiệp phát triển đất nước”.

Có thể khẳng định, tiềm năng tài nguyên biển và vùng ven biển của nước ta nói chung và Cà Mau nói riêng có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội. Vùng biển Cà Mau có trữ lượng dầu khí rất lớn, cùng các loại khoáng sản có giá trị.

< Ven cửa biển Sông Đốc.

Bên cạnh đó là nguồn lợi hải sản với chủng loại rất phong phú, đa dạng, dọc bờ biển có nhiều địa điểm có thể xây dựng cảng như Sông Đốc, Năm Căn, Hòn Khoai... trong đó có nhiều nơi có thể xây dựng cảng trung chuyển quốc tế; có đảo có tiềm năng phát triển kinh tế tổng hợp. Ngoài ra, biển Cà Mau có nhiều bãi biển lớn, nhỏ nong thoải, không khí trong lành với cảnh quan đẹp...

Bài 1: CỬA BIỂN RẠCH GỐC - MỘT ĐỊA DANH ĐI VÀO LỊCH SỬ

< Đánh bắt hải sản cửa biển Rạch Gốc.

Về xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, chúng tôi tìm đến những vị lão làng để được nghe kể về một cửa biển. Rạch Gốc - cửa biển thiên nhiên, nơi gắn liền với những chiến tích hào hùng của quân và dân Cà Mau qua hai cuộc trường kỳ kháng chiến đã và đang chuyển mình đi lên bằng chính tiềm năng sẵn có.
Cửa biển Rạch Gốc, một địa danh đi vào lịch sử với bao chiến công của các nghĩa sĩ thời chống Pháp và Mỹ...


< Nghề lưới ở Rạch Gốc.

Đây là đầu mối giao thông quan trọng, thuận lợi để Phan Ngọc Hiển cùng các đồng chí ra vào chiến đấu và làm nên chứng tích lừng lẫy trên đảo Hòn Khoai năm 1940. Đồng thời, cửa biển Rạch Gốc còn là địa điểm tiếp nhận vũ khí từ hậu phương miền Bắc chuyển vào trên những chuyến tàu không số và cũng từ đây, có những con người đã làm nên lịch sử như Anh hùng Phan Ngọc Hiển, Anh hùng Bông Văn Dĩa và Nguyễn Văn Cự...

Ngày nay, cửa biển Rạch Gốc lại trở thành trung tâm phát triển kinh tế của xã Tân Ân nói riêng và huyện Ngọc Hiển nói chung. Hiện nay, nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy sản là động lực chính để phát triển kinh tế của người dân vùng cửa biển.

Ngoài các nghề truyền thống như đóng đáy hàng khơi, câu cào mé... cửa biển Rạch Gốc đang được xem là “cửa khẩu” về con tôm sú bố mẹ.

< Rạch Gốc là nơi cung cấp tôm sú bố mẹ lớn nhất ở tỉnh Cà Mau.

Với lợi thế cửa biển sâu, không lệ thuộc thủy triều, bến bãi thuận lợi cho tàu thuyền neo đậu, lại gần ngư trường đánh bắt của Hòn Khoai, Hòn Chuối, nên cửa Rạch Gốc thu hút nhiều phương tiện biển đến khai thác, đánh bắt. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển nghề đánh bắt thủy hải sản ở Tân Ân. Hằng ngày, từ lúc 4 đến 8 giờ sáng, cửa biển Rạch Gốc lại tấp nập với các hoạt động trao đổi mua bán.

Nghề biển phát triển, kéo theo nhiều dịch vụ khác ra đời: Cửa hàng lương thực, thực phẩm; các hãng nước đá... phục vụ ghe tàu đi đánh bắt trên biển. Kinh tế ổn định, mức sống người dân ngày càng nâng cao.

< Cuộc sống của ngư dân miền biển ngày càng sung túc.

Rạch Gốc hiện nay nhà cửa khang trang, lộ xe thông thoáng; ghe máy, ca-nô lưu hành liên tục trong ngày theo hành trình từ TP.Cà Mau - Rạch Gốc. Cửa biển Rạch Gốc là nơi phát triển sầm uất, tạo tiền đề cho sự phát triển chung của huyện Ngọc Hiển. Có người ví cửa biển Rạch Gốc như miệng con rồng đang ngậm trái châu (Hòn Khoai); chân rồng là rạch Nhà Phiếu, Nhà Diệu, rạch Ô Rô và rạch Dinh Hạng; đuôi rồng là Lâm trường Kiến Vàng của Ngọc Hiển. Ông Huỳnh Văn Tuôi, 71 tuổi, Nguyên Chủ tịch UBND xã Tân Ân, nhận xét: Cửa biển Rạch Gốc là món quà thiên nhiên ban tặng, nếu được đầu tư đúng mức và đi  đúng hướng thì nghề đánh bắt thủy sản ở đây sẽ là động lực giúp quê hương đổi mới.

Bài 2: Cửa biển Khánh Hội – Vực dậy một tiềm năng

< Phương tiện đánh bắt ở cửa biển Khánh Hội.

Cửa biển Khánh Hội thuộc huyện U Minh, hằng năm, có sản lượng thủy hải sản đứng nhất nhì trong tỉnh và thủy sản còn được xem là ngành mũi nhọn trong phát triển kinh tế của huyện. Với lợi thế quan trọng đó, chắc hẳn trong tương lai Khánh Hội sẽ trở thành một đô thị biển đầy sức sống và sung túc.

MỘT THỜI TANG TÓC

Hơn 10 năm trước, khi cơn bão Lin-đa đi qua với sức tàn phá khủng khiếp, Khánh Hội đã phải chịu nhiều tổn thất nặng nề cả về vật chất lẫn tinh thần. Hàng trăm ngôi nhà, hàng trăm tàu biển, bị chôn vùi theo những cơn sóng dữ, hơn 1.000 người đã ra đi không trở lại... Lúc bấy giờ, Khánh Hội chỉ còn là một xóm làng điêu tàn, xác xơ, khắp nơi phủ một màu tang tốc. Thiệt hại do cơn bão gây ra không chỉ là gánh nặng của người dân mà còn là gánh nặng của chính quyền địa phương và toàn xã hội.

Các ngành chức năng cùng với chính quyền địa phương đã có những chính sách thiết thực hỗ trợ trên nhiều phương diện, các dự án tạo việc làm, cho vay vốn, hướng nghiệp... đồng loạt được thực hiện. Đó là điều kiện để người dân Khánh Hội có thể ổn định cuộc sống, vượt qua nỗi đau mất mát bằng chính nghị lực của mình - những người vốn từng phó thác cả cuộc đời mình cho biển khơi đầy bão tố.

< Sản phẩm từ cửa biển Khánh Hội.

Đã qua một thời gian, nghề khai thác thủy hải sản của vùng biển này bị trì trệ, bởi sau bão, cần khoảng thời gian dài để đóng mới tàu và cần khoảng thời gian đủ để ngư dân có thể định thần... Nhưng Khánh Hội đã có sức hồi sinh mãnh liệt, mảnh đất hoang tàn ngày nào giờ đây đã thay da đổi thịt, dù trải qua bao đau thương mất mát, nhưng nhịp sống của người dân nơi đây vẫn ngày càng khởi sắc.

VỰC DẬY MỘT TIỀM NĂNG

Trải qua bao thăng trầm, biến đổi, Khánh Hội hôm nay có những bước tiến vững chắc. Anh Nguyễn Hoàng Mãi - Chủ tịch UBND xã Khánh Hội cho biết: Khánh Hội đã hình thành một làng cá ngay tại cửa biển, với khoảng 172 tàu công suất 90CV trở lên, hơn 300 tàu công suất dưới 40CV và nhiều phương tiện đánh bắt khác. Cửa biển Khánh Hội được bao bọc bởi Hòn Phú Quốc (Kiên Giang), Hòn Khoai, Hòn Chuối, tạo địa thế an toàn, tránh được sóng to gió lớn. Cửa biển Khánh Hội có nguồn lợi thủy hải sản với giống loài phong phú... đặc biệt, ba năm trở lại đây, nhiều ngư dân đã trúng mùa mực, có điều kiện ổn định cuộc sống, vươn lên khá, giàu. Ngư dân có thể ra khơi đánh bắt vào bất cứ mùa nào trong năm, không như trước kia chỉ đánh bắt vào mùa chướng.

Hiện nghề đánh bắt truyền thống như câu cào mé, đóng đáy hàng khơi ít được chú trọng, ngư dân chủ yếu đánh bắt xa bờ để khai thác sản lượng lớn. Hằng ngày, các hoạt động trao đổi mua bán diễn ra sôi nổi, các tàu thu mua hàng thủy sản luôn túc trực ở cửa biển, ngư dân không còn phải chuyên chở xa. Cửa biển Khánh Hội còn là nơi giải quyết công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động. Khi thu hoạch xong vụ lúa, những người có tàu, ghe đánh bắt lại chuẩn bị cho mùa khai thác biển, những người không có điều kiện thì khai thác theo kiểu “ăn chia”...

< Bia tưởng niệm nạn nhân cơn bão số 5.

Anh Nguyễn Vẹn Toàn chủ tàu Đức Trí - khai thác ở cửa biển Khánh Hội gần 20 năm, 17 tuổi anh đã theo cha đi biển, một khoảng thời gian dài để có thể chiêm nghiệm những gì đã qua. Anh bộc bạch: Có thể nói, khai thác biển là nghề ổn định và bền vững, bởi nguồn lợi từ biển là vô hạn, nếu tính toán cẩn thận trong quá trình khai thác sẽ thu lợi nhuận cao.

Dân đi biển ở Khánh Hội không còn “vô tư” trước sóng gió, nay, theo hướng dẫn của bộ đội Biên phòng nhiều cụm tàu thuyền an toàn đã hình thành, dựa vào nhau sẵn sàng ứng phó mọi tình huống nguy hiểm có thể xảy ra. Ngư dân cũng thường xuyên cập nhật thông tin trên báo, đài... tránh những thiệt hại đáng tiếc.

Khánh Hội không chỉ là trung tâm kinh tế thủy sản của huyện U Minh mà hiện nay, chính quyền địa phương đang phấn đấu đến năm 2010, nơi đây sẽ là thị trấn cửa biển với đội ngũ phương tiện khai thác hùng hậu nhất nhì của tỉnh. Mỗi năm ngân sách đầu tư hàng chục tỷ đồng để khai thông cửa biển cho tàu ra vào thuận lợi, thu hút nhiều phương tiện đến khai thác, đánh bắt; xây dựng các cơ sở hạ tầng như: điện, đường, trường, trạm, theo đó là các loại hình dịch vụ khác phát triển, tạo đà cho Khánh Hội vực dậy nhanh chóng tiềm năng kinh tế thủy sản.

Còn tiếp

A1 - Những cửa biển ở Cà Mau
A2 - Những cửa biển ở Cà Mau
A3 - Những cửa biển ở Cà Mau
A4 - Những cửa biển ở Cà Mau

Du lịch, GO! - Theo báo Ảnh Đất Mũi và nhiều nguồn ảnh khác
Trên đường từ thành phố Quy Nhơn ra Khu kinh tế Nhơn Hội, khi đi ngang qua dãy núi Bà ở huyện Phù Cát, du khách sẽ thấy ở lưng núi thấp thoáng mái chùa đỏ thắm giữa màu xanh biếc của cây rừng. Đó là chùa Ông Núi, còn gọi là Linh Phong thiền tự - một trong những ngôi chùa lâu năm nhất của Bình Định.

Từ đường nhựa đi vào chân núi khoảng vài trăm mét du khách sẽ gặp hàng cột được trang trí công phu mở lối bước lên những bậc đá dẫn đến chùa. Lối đi quanh co theo sườn núi được tạo bởi hàng ngàn bậc đá này có từ hơn ba thế kỷ trước. Đường lên chùa vẫn còn nguyên vẻ tự nhiên, cỏ cây, hoa dại mọc chen giữa đá, đâu đó thoang thoảng mùi hoa dủ dẻ thật dễ chịu. Đi hết khoảng hơn một trăm bậc đá sẽ thấy ngôi chùa nằm ở độ cao khoảng 400m so với mực nước biển hiện ra.

Thật lạ là giữa lưng chừng núi lại có một khoảng đất khá rộng và rất bằng phẳng, đủ để xây một ngôi chùa lớn. Theo sách cũ, năm 1702, thiền sư Tịnh Giác đến núi này tu hành.

Vị cao tăng dựng một mái chùa bằng cỏ tranh, sống một mình trên núi, thỉnh thoảng mới xuống thôn xóm chữa bệnh cho dân làng. Thấy ông dùng vỏ cây làm áo quần, dân trong vùng gọi ông là Mộc Y Sơn Ông.

Năm 1733, chúa Nguyễn Phước Trú lệnh cho quan địa phương dựng chùa lại bằng ngói, đổi tên là Linh Phong thiền tự. Ông tổ tuồng Đào Tấn khi đang là Thượng thư bộ Công cũng đã bỏ tiền tu bổ lại chùa và làm thơ ca ngợi cảnh đẹp nơi này.

Ở Huế, Đào Tấn cũng lập hòn non bộ trong phủ đệ của mình, trên đó khắc hai chữ Linh Phong (hòn non bộ này hiện còn ở trong khuôn viên chùa Thiên Mụ). Chùa Ông Núi cũng được sách Đại Nam Nhất thống chí khen ngợi: “Chùa lưng dựa vào núi cao, mặt trông ra đầm biển cạn, xung quanh có nước suối lượn quanh, phong cảnh rất đẹp”.

Hiện nay, một ngôi chùa mới được xây lại rất khang trang bởi năm 1965, chùa cổ bị cháy bởi bom đạn. Chỉ còn hang Tổ, nơi thờ cúng người khai phá núi xây chùa và dòng suối nhỏ trong trẻo gợi nhớ hình ảnh ngôi chùa cổ kính ngày xưa.

Khuôn viên chùa luôn mát rượi nhờ những tán cây cổ thụ như phượng, mít, bàng. Rất nhiều liễu và hoa được trồng chung quanh hồ nước rộng ngay trước chính điện.

Đứng từ cổng chùa, nhìn ra xa thấy đầm Thị Nại trong xanh điểm những con sóng bạc. Gần chân núi là những thôn xóm mái ngói nâu nổi bật giữa đồng lúa xanh non. Dòng sông Chùa uốn lượn lung linh trong nắng, dọc bờ biển, sóng tung bọt trắng xóa. Bước chân ra khỏi chùa, nhiều du khách sẽ thấy lòng thanh thản và bỗng thấy cõi nhân gian thật hữu tình.

Phía sau chùa còn có nhiều tháp cổ xen giữa đá núi và những tán cây rừng cổ thụ. Đây là nơi an nghỉ của các vị sư. Đi sâu vào trong núi có nhiều hòn đá chồng lên nhau tạo thành những hình thù kỳ dị và cả những hang đá thâm u. Một số hang có thờ Phật nên ấm áp mùi nhang khói. Có những hang rất rộng, chứa được cả đoàn quân thời chiến. Nhiều hang đá giờ đây bị những bụi cây gai um tùm lấp mất cửa không ai dám vào. Hang động núi Bà vẫn còn đó nhiều bí mật với khách hành hương.

Du lịch, GO! - Theo TTO và nhiều nguồn ảnh khác

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống