Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Saturday, 21 April 2012

“Chim quyên ăn trái nhãn lồng. Thia thia quen chậu vợ chồng quen hơi…”. Câu hát ru của má ngày xưa đã đưa tuổi thơ tôi vào giấc ngủ nồng say, và cho đến ngày hôm nay như vẫn còn vang vọng đâu đây mỗi khi tôi được nhìn thấy và thưởng thức món ăn dân dã, đong đầy ký ức, đó là: đọt nhãn lồng.

Đối với những người sinh ra và lớn lên ở đồng bằng sông Cửu Long chắc hẳn không ai không biết đến hương vị ngọt thơm, thanh mát của đọt nhãn lồng (còn có tên gọi là: lạc tiên, lồng đèn, chùm bao…). Đây là loại dây leo thường mọc nơi các bờ bụi, bãi hoang. Thân cây mềm, có nhiều lông, lá hình trái tim, mép lá có lông mịn, nơi nách lá có tua cuốn hình lò xo bám vào các thân cây khác để phát triển.

Hoa ra vào tháng 4 – 5, quả vào tháng 5 -7. Quả nhãn lồng có hình tròn cỡ đầu ngón tay cái, chín có màu vàng cam (đến đỏ nhạt), hạt màu đen phủ bên ngoài một lớp cơm trắng nhờn (giống như hột é ngâm nước), vị chua ngọt, trẻ con rất ưa thích.

< Đọt nhãn lồng luộc.

Nhắc đến đọt nhãn lồng, tôi còn nhớ lúc còn nhỏ ở dưới quê, đôi khi má sai tôi ra sau vườn hái đọt nhãn lồng về chế biến món ăn. Tôi vô cùng thích thú vì sẵn dịp đó được hái những trái nhãn lồng chín để ăn. Nhìn những trái nhãn lồng chín vàng được bao phủ bên ngoài bởi màng lưới trắng xinh, nõn nà, tôi vội giơ tay hái và bóc nhẹ lớp vỏ mỏng mềm bên ngoài đưa lên miệng nhai ngon lành. Vị chua chua, ngọt ngọt và mùi thơm thoảng đặc trưng của trái nhãn lồng thật hấp dẫn!

Theo y học dân gian, lá, đọt và dây nhãn lồng là thuốc an thần, chữa trị chứng mất ngủ, và  khi phối hợp với những vị thuốc khác chữa trị được các bệnh như: kiết lỵ, thần kinh suy nhược, viêm da, mụn mũ, ghẽ ngứa.… Ngoài là vị thuốc,  đọt nhãn lồng còn là thức ăn dân dã được các bà nội trợ miệt vườn ưa chuộng để chế biến món ăn ngon, nhưng ấn tượng nhất trong tôi vẫn là: đọt nhãn lồng luộc và nấu canh tép.

Chế biến món đọt nhãn lồng luộc rất gọn nhẹ, nhưng để món luộc hấp dẫn là cả một nghệ thuật. Ta cứ tưởng rằng đọt nhãn lồng khi hái vào, lựa những phần non rửa sạch, rồi cho vào nồi nước luộc là xong. Nhưng để đọt nhãn lồng luộc có màu xanh bắt mắt, ăn không dai cần có một bí quyết nhỏ khác là: nước luộc phải có ít muối và nấu thật sôi, sau đó mới thả đọt nhãn lồng vào. Đợi đọt nhãn lồng chín (khoảng 10 phút), vớt ra ngay cho vào thau nước lạnh. Cuối cùng, đổ ra rổ cho ráo, và xếp ra dĩa. Món này chấm với nước cá chiên hay thịt kho rất ngon.

< Đọt nhãn lồng nấu canh tép.

Riêng món canh đọt nhãn lồng nấu tép bạc đất thật tuyệt vời và trong ký ức tôi đến nay vẫn còn nhớ rõ vị ngọt và mùi thơm của nó lẩn khuất đâu đây. Trước hết, tép bạc đất má mua ở chợ lựa tép còn nhảy tanh tách, đem về cắt đầu đuôi, lột vỏ rửa sạch, để ráo. Tiếp đến, má lặt những đọt non, lá non nhãn lồng rửa sạch, để ra rổ cho ráo, và bắc nồi nước lên bếp nấu sôi, bỏ tép đã làm sạch vào. Nêm nếm gia vị (bột nêm + muối) cho vừa khẩu vị. Chờ nước sôi bùng lên, thả đọt nhãn lồng vào (khoảng 10 phút). Sau cùng, má dùng vá dìm những phần đọt nhãn lồng ngập trong nước sôi. Khi thấy đọt nhãn lồng chín, má nêm nếm gia vị lần cuối và nhắc xuống ngay. Thuận tay, má cho vào một ít hành lá xắt nhuyễn, rót một dĩa nước mắm hòn nguyên chất, trong có vàì trái ớt hiểm là xong.

Thật đầm ấm và hạnh phúc khi cả nhà quây quần bên mâm cơm đạm bạc đã được dọn lên, trong đó có tô canh đọt nhãn lồng cùng dĩa thịt heo kho. Cầm đũa gắp một miếng thịt kho cho vào miệng nhai chậm rãi. Chan một muỗng canh cùng đọt nhãn lồng vào chén đưa lên miệng “lùa một hơi”.Vị ngọt của nước canh hòa quyện vị nhân nhẩn và mùi thơm đặc trưng của đọt nhãn lồng như đánh thức mọi giác quan khiến lòng tôi bâng khuâng luyến nhớ về vùng quê nghèo thân thương.

Du lịch, GO! - Theo báo Laodong
Bài 5: Cửa biển Mỹ Bình

Huyện Phú Tân có bờ biển dài 27km, chiếm 10,6% chiều dài bờ biển toàn tỉnh, chạy dài từ cửa Mỹ Bình đến cửa sông Bảy Háp. Vùng biển của huyện Phú Tân (vịnh Thái Lan) thuộc miền thềm lục địa nước nong, có độ sâu trung bình 46m, chỗ sâu nhất là 83m.

< Cửa biển Mỹ Bình với hai bên là rừng phòng hộ chắn sóng.

Cửa biển Mỹ Bình là một trong hai cửa biển lớn của huyện Phú Tân, nhưng so với cửa biển Cái Đôi Vàm, trung tâm huyện lỵ Phú Tân, Mỹ Bình vẫn còn kém xa về độ phát triển kinh tế - xã hội. Sau bao năm phù sa bồi lắng, lòng sông bị thu hẹp, nghề khai thác biển nơi đây kém phát triển, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn.

< Khu dân cư cửa biển Mỹ Bình (nhìn từ biển vào) đang dần hình thành.

Thế nhưng, đây lại là vùng chiến lược phát triển kinh tế biển của tỉnh Cà Mau. Theo tuyến hành lang này, từ thị trấn Cái Đôi Vàm là đô thị ven biển Tây đến cửa biển Mỹ Bình, thuộc ấp Cái Nước, xã Phú Tân, sẽ hình thành nên các cụm tuyến dân cư, liên kết với các đô thị quan trọng khác dọc theo tuyến đường đê biển Tây như: thị trấn Sông Đốc, khu dân cư cửa Đá Bạc, cửa Ba Tĩnh, cửa Khánh Hội... Để tạo đà cho huyện Phú Tân phát triển cả kinh tế nội địa, kinh tế biển và có điều kiện liên kết với các địa phương khác trong tỉnh.

Vị thế và tầm quan trọng của cửa biển Mỹ Bình được huyện Phú Tân xem là trọng điểm, chỉ sau cửa Cái Đôi Vàm. Vì vậy, trong nhiều năm qua, cửa Mỹ Bình đã được đầu tư nạo vét, tạo thuận lợi cho nghề khai thác biển phát triển. Cụm tuyến dân cư đã được quy hoạch ổn định. Diện mạo mới đời sống cư dân đang hình thành nên những bước đi ban đầu.

< Ốc len - đặc sản của cửa biển Mỹ Bình.

Theo nhận xét của ông Dương Văn Nhanh, chủ doanh nghiệp tư nhân Năm Nhanh chuyên nghề thu mua thủy hải sản, mỗi ngày sản lượng mua vào của doanh nghiệp lên đến gần chục tấn tôm-cua-cá-mực... Lượng ghe biển về đây mỗi lúc một nhiều. Doanh nghiệp của ông đang là chủ đầu tư cho hơn 60 chiếc ghe khai thác thủy sản, với số vốn đầu tư cho mỗi chuyến biển, ông được chủ ghe ưu tiên bán sản phẩm trừ vào vốn vay. Cứ như thế, doanh nghiệp hỗ trợ ghe khai thác, thu mua sản phẩm.

Chủ ghe có vốn làm ăn và có nơi tiêu thụ sản phẩm ổn định, đang là một cách làm ăn hiệu quả của ngư dân cửa biển Mỹ Bình. Ông Năm Nhanh còn kiêm luôn việc lo thủ tục đang ký, đăng kiểm. Kể cả việc đóng bảo hiểm thuyền viên cho các chủ ghe. Vì vậy, ngư dân nơi đây rất yên tâm sản xuất làm ăn.

< Doanh nghiệp tư nhân Năm Nhanh làm ăn rất hiệu quả ở cửa biển Mỹ Bình.

Mỹ Bình còn là cửa biển đẹp, rừng ngập mặn ven biển nơi đây có vai trò  phòng hộ và bảo vệ môi trường rất quan trọng. Nơi sinh sản của các loài thủy sản, giúp cho nuôi thủy sản và bảo vệ nguồn lợi thủy sản bền vững. Vùng này cũng có khả năng nuôi một số loài thủy sản như: nghêu, sò, ốc len có giá trị kinh tế cao.

Mỹ Bình, từng là trọng điểm của một thời chiến tranh đánh phá ác liệt, nằm trong tam giác của khu Hải Yến - Bình Hưng, từng chịu nhiều mất mát, đau thương. Hiện nay, với những gì huyện Phú Tân đang đầu tư cho cụm kinh tế biển này, sẽ không xa lắm một khu dân cư sầm uất mọc lên, tạo cho Mỹ Bình một sức sống mới.

Bài 6: Cửa Rạch Chèo

< Cửa biển Rạch Chèo.

Nhắc tới dòng sông Bảy Háp lịch sử, người ta lại nghĩ đến những địa danh quen thuộc như Gò Công, Rạch Chèo, Đất Mới... Cửa Rạch Chèo, đầu nguồn sông Bảy Háp - một nhánh sông nhỏ đổ ra biển Tây - là một địa danh được ghi vào lịch sử với thắng lợi của bộ đội ta tại đồn Rạch Chèo năm 1973.

< Xóm biển Rạch Chèo.

Cửa biển Rạch Chèo, xã Rạch Chèo, huyện Phú Tân, nằm trên cạnh tam giác của vùng bãi bồi Mũi Cà Mau (sông Bảy Háp) thuộc biển Tây, với bên kia sông là xã Đất Mới, Lâm Hải (Năm Căn) và từ đây cũng có thể đi thẳng về Ngọc Hiển. Chợ Rạch Chèo sầm uất với những ngôi nhà san sát, khang trang nằm ven sông Bảy Háp. Bên kia sông là xóm nhà sàn của cư dân xã Đất Mới huyện Năm Căn, càng tô thêm vẻ tấp nập cho vùng cửa biển.

< Mô hình nuôi ba ba ở cửa biển Rạch Chèo.

Tháng 11.1973, bộ đội địa phương và du kích huyện Cái Nước đã đánh đồn Rạch Chèo tại cửa sông Bảy Háp, tiêu diệt và bắt sống gần 50 tên địch, thu nhiều vũ khí và chiến lợi phẩm, giải phóng dòng sông lịch sử và góp phần quyết định chiến thắng ngày 30.4.1975.

Trên nền đồn giặc cũ, nay trở thành bưu điện - trung tâm thông tin - cầu nối xã Rạch Chèo với các địa phương khác.


< Bưu điện Rạch Chèo.

Xã Rạch Chèo, (được tách ra từ Tân Hưng Tây, ngày 1.1.2005) với diện tích trên 4.800ha, có 5 ấp, kinh tế chính vẫn là nuôi trồng thủy sản (chủ yếu là tôm) nhưng khai thác biển vẫn là một nét sinh hoạt của người dân địa phương. Toàn xã chỉ có gần 50 phương tiện khai thác, công suất lớn nhất là 30 CV và chủ yếu đánh bắt gần bờ. Còn lại là một bộ phận khá đông những người không phương tiện khai thác, đi bắt ốc, mò sò trên những bãi bồi ven biển. Có thể nói, so với các cửa biển nhỏ như Hương Mai, Gò Công... thì cửa Rạch Chèo có vẻ còn “út” hơn.

Tuy nhiên, vùng biển nào cũng mang những nét đặc trưng riêng. Ở cửa Rạch Chèo có hình thức đánh bắt truyền thống: nhiều hàng đáy được Nhà nước đầu tư cho dân thuê làm phương tiện kiếm sống, mỗi miệng đáy có 3 người, thay phiên nhau khai thác. Đây có thể xem là giải pháp tạo việc làm cho cư dân vùng biển. Hằng ngày, có những chiếc vỏ máy neo đậu song song theo những trụ hàng đáy giữa con nước chảy siết, tạo nên vẻ đẹp riêng cho cửa biển Rạch Chèo.

< Đánh bắt thủy sản trên cửa biển Rạch Chèo.

Cửa Rạch Chèo nằm ở địa thế thuận lợi (ngã ba đường) nhưng thực tế kinh tế biển cũng như các dịch vụ nghề biển ở đây chưa có dấu hiệu khả quan.

Ông Cao Văn Chiến, một người dân địa phương, cho biết: “Lúc trước, cửa này rất rộng, có thể giăng tới 17 miệng đáy, gần đây, do cư dân đông đúc đã lấn mé, ngăn dòng chảy, cửa biển cạn dần, tiềm năng biển giảm”. Đồng thời, theo ông Nguyễn Minh Đạo, Chủ tịch UBND xã Rạch Chèo: “Hiện tại, kinh tế biển ở Rạch Chèo chưa có dấu hiệu đầu tư nào (ngoài việc hỗ trợ tiền dầu)”. Hy vọng, với chiến lược biển ở Cà Mau, cửa Rạch Chèo sẽ phát triển tương xứng với tiềm năng và vị thế của mình”.

Còn tiếp

A1 - Những cửa biển ở Cà Mau
A2 - Những cửa biển ở Cà Mau
A3 - Những cửa biển ở Cà Mau
A4 - Những cửa biển ở Cà Mau

Du lịch, GO! - Theo báo Ảnh Đất Mũi và nhiều nguồn ảnh khác
Bài 3: Cái Đôi Vàm

Cửa biển Cái Đôi Vàm - nơi tọa lạc của thị trấn biển trẻ nhất tỉnh Cà Mau - thị trấn Cái Đôi Vàm - trung tâm phát triển của huyện Phú Tân. Nằm trên tuyến đê biển Tây, với tiềm năng riêng của mình, cửa biển Cái Đôi Vàm đã và đang đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế biển tỉnh nhà.

Cái Đôi Vàm vốn là cửa biển tự nhiên, được thiên nhiên ưu đãi với nhiều loại hải sản phong phú. Năm 1945, nhiều ngư dân đã về đây sinh sống, khai thác nguồn lợi thủy sản. “Đất lành chim đậu”, nhờ nguồn lợi kinh tế biển, cửa Cái Đôi Vàm thu hút ngày càng nhiều dân thập phương đến làm ăn sinh sống. 49 năm sau, kể từ ngày những ngư dân đầu tiên đến đây khai phá, ngày 20.9.1994, thị trấn Cái Đôi Vàm thành lập, đánh dấu bước phát triển vượt bậc của một vùng cửa biển.

< Ghe câu kiều của ông Huỳnh Thanh Khánh chuẩn bị ra khơi.

Ông Nguyễn Hồng Hài - người sống nhiều năm ở cửa biển, kể lại: Trước đây cửa biển này rất nhỏ, ghe khoảng 15 tấn không thể xoay trở được. Để thuận tiện cho hoạt động khai thác hải sản, từ sau năm 1968, cửa Cái Đôi Vàm mới được tiến hành nạo vét. Ngày nay, ở Cái Đôi Vàm có trên 130 phương tiện khai thác thủy sản lớn, nhỏ. Trong đó, tàu công suất từ 90CV trở lên là 57 chiếc; từ 45CV - 90CV là 23 chiếc; dưới 45CV là 51 chiếc.

Như bao nhiêu cửa biển khác, khai thác, nuôi trồng thuỷ sản vẫn là động lực chính của vùng cửa biển này. Nhờ ít sóng gió nên Cái Đôi Vàm thu hút nhiều phương tiện từ lớn đến nhỏ ở các khu vực lân cận: Bến Tre, Gạch Rốc, Rạch Tàu... đến khai thác.

< Các ghe lưới cá - nghề đang được khuyến khích phát triển ở cửa Cái Đôi Vàm.

Phương tiện và các loại hình khai thác, đánh bắt ở đây cũng khá đa dạng. Ngoài các nghề truyền thống như đáy hàng khơi, câu cào mé... hiện nay, các nghề ghe lưới và câu nổi đang được khuyến khích phát triển. Đây cũng là cửa biển tập trung nhiều dân nghèo tha hương, chuyên đánh bắt gần bờ bằng các phương tiện nhỏ như te, đáy sông, lưới ghẹ...

< Miếu Bà Thủy - miếu Bà Chúa Xứ được xây dựng từ năm 1978, nét tâm linh của người dân xứ biển.

Ngoài ra, ở Cái Đôi Vàm cũng hình thành nhiều làng nghề biển nổi tiếng. Mùa khô khoai gần như đã trở thành đặc trưng của vùng biển Cái Đôi Vàm với những câu hát “hò khoan” rặt màu sắc Nam bộ. Bên cạnh đó, có nhiều nghề phổ biến như: mắm ruốc, khô ruốc, phơi cá phân... Bãi lắng ở cửa Cái Đôi Vàm mỗi năm được phù sa bồi lắng từ 40 - 50m, là khu vực giữ đất khoanh nuôi của rừng phòng hộ đê biển Tây.

< Các vựa thu mua cá - tạo việc làm cho nhiều lao động ở cửa biển.

Tình hình chung của Cái Đôi Vàm hiện nay là cửa biển nhỏ, bến bãi cạn, khó khăn cho việc tàu thuyền neo đậu. Đồng thời, do ảnh hưởng mưa bão và xăng dầu tăng giá đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống bà con ngư dân. Ông Trần Văn Kỉnh - Chủ tịch UBND thị trấn Cái Đôi Vàm, cho biết: Để đảm bảo cho việc khai thác thủy sản và phát triển kinh tế vùng cửa biển Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân đã quy hoạch xây dựng khu tiểu thủ công nghiệp, diện tích 3,4 ha ở bãi lắng Khóm 5, thị trấn Cái Đôi Vàm, nhằm phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá: các vựa mua bán cá, khô; buôn bán các loại ngư cụ...; xây dựng hãng nước đá...

Đồng thời, Sở Thủy sản tỉnh Cà Mau cũng đang trong giai đoạn lập hồ sơ thiết kế, nạo vét từ cửa Cái Đôi Vàm tới xã Phú Thuận, nối đầu kinh xáng Thọ Mai. Tin rằng, với những tiềm năng kinh tế biển cùng với sự đầu tư đúng mức, trong tương lai, Cái Đôi Vàm sẽ trở thành một cửa biển phát triển năng động và trù phú.

Bài 4: Cửa biển Hương Mai - đầu tư cho phát triển

< Cống Hương Mai trên đê biển Tây ngăn mặn phục vụ sản xuất.

U Minh có hai xã giáp biển là Khánh Hội và Khánh Tiến, nếu cửa biển Khánh Hội được xem là trung tâm kinh tế biển của huyện thì các cửa biển nhỏ như Hương Mai, Tiểu Dừa, Lung Ranh... cũng đang được quan tâm đầu tư để phát triển kinh tế biển ở U Minh. Trong số các cửa biển ở Khánh Tiến thì Hương Mai là cửa có nhiều tiềm năng, đang được đầu tư cơ sở hạ tầng để phục vụ chiến lược kinh tế biển ở Cà Mau.

Cửa Hương Mai nằm trên tuyến đê biển Tây (Khánh Tiến) dài 172km, nối xã Khánh Hội với Vân Khánh Tây (An Minh, Kiên Giang). Hương Mai vốn chỉ là cái vàm nhỏ, năm 1993, nơi đây được nhà nước đầu tư xây dụng cống ngăn mặn, phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhưng hiện tại cống không còn vận hành (do bửng bị hư). Hằng năm do phù sa bồi lắng, nên cửa biển cạn và hẹp dần, không có chỗ cho tàu thuyền trú ngụ, neo đậu làm hạn chế khả năng khai thác ở cửa Hương Mai.

< Thành quả sau chuyến đi biển của ngư dân Hương Mai.

Người dân ở Khánh Tiến nói chung và vùng cửa biển nói riêng chủ yếu làm nông nghiệp, nghề biển chưa là động lực chính để phát triển kinh tế. Vì thế, ở cửa Hương Mai tình hình khai thác nhỏ lẻ, chủ yếu là phương tiện đánh bắt gần bờ, như câu mực và ghe lưới cá... việc trao đổi mua bán có tính chất địa phương. Do không có bến bãi lớn, các ghe lưới thường neo đậu trong các lạch nhỏ của rừng phòng hộ; ven đê biển có nhiều chòi nhỏ để ngư dân lên cá tôm. Hiện nay, trên và ven chân đê quốc phòng khu vực cửa biển Hương Mai có khoảng 100 hộ dân tự phát đến sinh sống, khai thác và làm các dịch vụ nghề biển.

Để tiếp tục thúc đẩy kinh tế khu vực cửa biển, huyện U Minh đã quy hoạch xây dựng cụm dân cư ven biển (diện tích trên 111 ngàn m2), nhằm phát triển giao lưu mua bán và đảm bảo an toàn cho người dân trong mùa mưa bão. Ngoài ra, huyện còn lập đề án xây dựng cống mới và mở rộng cửa Hương Mai để thu hút tàu thuyền đến khai thác, neo đậu. Ông Huỳnh Công Hiệu, Phó Chủ tịch phụ trách kinh tế xã Khánh Tiến, cho biết: “Do cửa biển nhỏ, lượng tàu thuyền khai thác ít, nên tiềm năng thủy sản còn khá lớn, mở rộng cửa biển Hương Mai sẽ tạo hướng đi mới cho người dân nơi đây”.

< Phụ nữ ở cửa biển Hương Mai với nghề vá lưới.

Đồng thời với việc cải tạo, nâng cấp lại cửa biển là dự án xây dựng đường ô tô đến trung tâm xã Khánh Tiến. Cửa biển thông thoáng, giao thông thuận lợi sẽ thúc đẩy các hoạt động giao thương mua bán và phát triển các dịch vụ nghề biển. Tuy nhiên, làm kinh tế biển - với giá xăng dầu tăng cao và giá thủy sản xuống thấp như hiện tại, cũng chưa phải là “nghề độc” với nhiều người. Thiết nghĩ, để phát triển kinh tế ở cửa biển Hương Mai nói riêng và các cửa biển nói chung, cần có cơ chế thích hợp để thu hút và vực dậy tiềm năng biển của địa phương.

Còn tiếp

A1 - Những cửa biển ở Cà Mau
A2 - Những cửa biển ở Cà Mau
A3 - Những cửa biển ở Cà Mau
A4 - Những cửa biển ở Cà Mau

Du lịch, GO! - Theo báo Ảnh Đất Mũi

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống