Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Sunday, 22 April 2012

Bài 11: Cửa biển Hố Gùi

Mùa gió chướng năm nay đã về, cư dân miền biển lại xôn xao chuẩn bị các loại ngư cụ cho mùa đánh bắt sau. Tôi đến cửa biển Hố Gùi và được nghe ngư dân kể về vùng đất mình định cư. Nơi đây, trước kia là vùng đất hoang sơ, nay cuộc sống của ngư dân đã có nhiều thay đổi và khởi sắc, gắn liền với những cái tên như: làng cá Mai Hoa, làng cá Hố Gùi.

TRONG RỪNG, NGOÀI BIỂN

Tên Hố Gùi từ đâu mà có? Những người ở xóm biển này truyền miệng nhau kể rằng, xưa kia, mỗi lần đánh bắt về là cá hố nhiều vô kể, đến nỗi người dân phải vứt đi và ruồi nhặng bu đầy nên đặt tên Hố Gùi. Cũng có người nói, trước kia, nơi đây rất nhiều ong, mỗi lần vào rừng lấy mật, người ta thường mang theo gùi, nên có tên là Hố Gùi...

Thế đấy, cái tên được hình thành không chút cầu kỳ, vậy mà vùng đất biển này đã trở thành món quà quý giá, mở ra hướng mưu sinh cho hơn 500 hộ dân nơi đây.

< Trẻ em ở làng cá Hố Gùi.

Cửa biển Hố Gùi có vị trí địa lý rất đặc biệt, một bên thuộc ấp Mai Hoa, xã Nguyễn Huân, huyện Dầm Dơi, bên kia là ấp Hố Gùi, xã Tam Giang Đông, huyện Năm Căn. Với vị trí đặc biệt đó, trong những năm chiến tranh, nơi đây được xem là vùng căn cứ địa cách mạng quan trọng, là nơi con tàu huyền thoại Không số đã cặp bến để lên hàng tiếp viện cho bộ đội. Ông Ba Hương, người sống lâu năm nơi đây, nay đã ngoài 80 tuổi, cho biết: Cửa biển Hố Gùi ngày xưa hoang sơ, u tịch, chỉ có một vài người vượt sông lạch từ miệt Bạc Liêu, trốn nghèo, trốn khổ về đây. Họ dựng lên những căn nhà lá tạm bợ, mưu sinh bằng nghề lưới cá, rồi dần dà nhiều mái nhà được mọc lên trên những mỏm đất mong manh.

BỨC TRANH KHỞI SẮC

< Những căn nhà tạm bợ nơi cửa biển Hố Gùi ngày trước.

Năm 1997, cơn bão dữ Linda ập vào bán đảo Cà Mau, làng cá bé nhỏ cheo leo ngoài vành đai cửa biển Hố Gùi tơi bời trong gió dữ. Nhà cửa tan hoang, thuyền ghe vỡ nát... những tưởng bà con sẽ sợ biển bỏ đi, nhưng cái duyên nợ mặn nồng với biển đã vực họ dậy.

Nhìn thấy sự đe dọa và mối nguy hiểm cho bà con, UBND huyện Đầm Dơi đã xây dựng dự án di dời tái định cư cho dân làng cá Mai Hoa vào đất liền.

Phần ấp Hố Gùi, xã Tam Giang Đông, huyện Năm Căn, được sự hỗ trợ của Hội Chữ thập đỏ Thụy Sĩ, 205 căn nhà tạm bợ chênh vênh ngoài cửa biển được thay thế bằng những căn nhà khang trang. Khi dự án hoàn thành, cuộc sống của ngư dân cũng được chuyển sang trang mới tươi đẹp và khởi sắc hơn.

< Xây cất nhà tình nghĩa cho vợ liệt sĩ - bà Trần Thị Tám ở ấp Hoa Mai - Hố Gùi.

Về nơi ở mới, cuộc sống của ngư dân được ví như một bức tranh được vẽ lại kỹ lưỡng và tươi mới hơn. Những túp lều tranh mong manh trước gió ngày nào được thay thế bằng khu nhà tái định cư khang trang, vững chắc, có lộ bê-tông thẳng tắp, điện sáng, phương tiện nghe nhìn, trường học và trụ sở sinh hoạt văn hóa, an ninh trật tự ổn định.

< Làng cá Hố Gùi ngày nay.

Nghề biển vẫn được phát huy, nhưng chủ yếu là đáy hàng trung và những phương tiện đánh bắt với công suất nhỏ. Ông Huỳnh Công Quận, Trưởng ấp Mai Hoa, cho biết: Hộ nào ít vốn hoặc không việc làm có thể giang đáy với những hộ nhiều đáy, với điều kiện phải làm “ròng” (làm không tính công) cho những hộ ấy. Với cách làm đó đã tạo được công ăn việc làm cho ngư dân một cách đồng bộ, ai cũng ít nhiều có thu nhập sau một chuyến biển. Ngư dân đã biết tận dụng phần đất sân nhà để trồng trọt, chăn nuôi, cải thiện cuộc sống gia đình.

< Trụ sở sinh hoạt văn hóa ấp Mai Hoa - Hố Gùi.

Bên cạnh những thuận lợi, ngư dân nơi đây vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, phương tiện đánh bắt còn nhỏ lẻ, thô sơ, chưa có sự quản lý chặt chẽ. Lại thêm cách xa chợ, từ làng cá ra chợ Vầm Đàm cách khoảng 8km đường thủy. Vì thế, có chợ là mong muốn lớn nhất của người dân nơi đây.

Cho đến bây giờ, cửa biển Hố Gùi vẫn sâu lắng nét nguyên sơ, bên trong vẫn bạt ngàn rừng đước, bên ngoài sóng biển vẫn hát rì rầm đón ngư phủ. Nếu có dịp đến với cửa biển Hố Gùi, ngoài thăm làng nghề truyền thống thì đừng quên mang theo những đặc sản đậm đà hương vị của vùng rừng biển Hố Gùi.

Bài 12: Biển - rừng Đất Mũi

Xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau - địa phương cuối cùng nằm ở cực Nam của dãy đất hình chữ S. Toàn xã được bao quanh bởi 34km đường bờ biển, rồi đổ thẳng ra biển Đông và biển Tây. Một vùng trời đất bao la, trên rừng dưới biển vẫn còn lưu giữ nét hoang sơ của thời cha anh đi mở cõi. Đồng thời, ở Mũi Cà Mau hàng năm, từng hạt phù sa màu mỡ giữa hai dòng hải lưu Bắc - Nam vẫn tiếp tục lấn biển thêm rừng, đưa con thuyền đất nước vươn xa cánh sóng - tiến thẳng về phía Tây.

BA MẶT GIÁP BIỂN

Về Đất Mũi - Rạch Tàu (địa danh Rạch Tàu không rõ có từ khi nào, nhưng nó đã trở thành tên gọi quen thuộc mà người dân dành cho mũi đất tận cùng này) chúng ta sẽ bị choáng ngợp bởi màu xanh bạt ngàn của những cánh rừng và tiếng sóng biển rì rào. Với ba mặt giáp biển, Đất Mũi có tới 9 cửa sông, như chín con rồng đổ ra biển lớn. Nhưng tiêu biểu có thể kể đến cửa Vàm Xoáy, Rạch Mũi và cửa Khai Long.

< Lồng bè nuôi hàu ở cửa biển Vàm Xoáy.

Riêng cửa Vàm xoáy (Rạch Tàu), đổ trực tiếp ra biển từ con sông Rạch Tàu, là cửa rộng và sâu nhất, thuận lợi cho tàu thuyền ra vào neo đậu. Cửa Vàm Xoáy nằm ngay trung tâm xã, là nơi phản ánh rõ nhất sự phát triển của vùng chóp mũi, trên bến dưới thuyền, con người tất bật, chợ búa xôn xao. Nối liền với Vàm Xoáy là cửa Rạch Mũi - được con người cải tạo, luồng lạch, xuyên qua những cánh rừng đổ ra biển Đông.

< Chợ Đất Mũi - trung tâm mua bán của vùng chót mũi Cà Mau.

Đầu nguồn con rạch là Xóm Lò đông đúc, hạ nguồn  là xóm nhà sàn ven biển bao quanh bởi rừng phòng hộ. Ngư dân ở Đất Mũi sống với biển chủ yếu bằng phương tiện đánh bắt thô sơ và ghe cào công suất nhỏ. Những năm gần đây, xã đã thành lập được 4 tổ hợp tác sản xuất, chuyển đổi từ khai thác đáy cạn sang làm lưới cá lẹp, với 104 thành viên. Bao quanh đất rừng là vùng biển rộng, ông Nguyễn Việt Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Đất Mũi cho biết: “Tiềm năng biển của địa phương rất lớn, Đất Mũi có ngư trường đánh bắt rộng và hơn 200km2 vùng cấm, nơi để các loài hải sản sinh trưởng”.

Ngoài khai thác biển truyền thống, Đất Mũi còn nổi tiếng với các HTX nuôi hàu lồng trên sông Rạch Tàu và khoảng 2.000 ha nghêu Rạch Thọ. Đây là những mô hình cho hiệu quả và năng suất cao. Để phát huy lợi thế của mình, Đất Mũi đang triển khai mô hình thí điểm nuôi sò huyết, tìm hướng đi mới cho cư dân vùng mũi.

VỀ VỚI “MŨI THUYỀN” CỦA ĐẤT NƯỚC

< Tiểu cảnh Mũi Cà Mau đang được tôn tạo để phục vụ du khách trong dịp xuân về.

“Tổ quốc ta như một con tàu/ Mũi thuyền ta đó Mũi Cà Mau”. Từ  trụ sở Ủy ban xã Đất Mũi đi thẳng về phía biển, dọc theo cửa Rạch Mũi để đến với khu du lịch Mũi Cà Mau. Đến đây, du khách sẽ có cảm giác thật đặc biệt khi bước chân lên cột mốc số 0, nơi tận cùng của Tổ quốc. Và sẽ thật tuyệt vời khi đứng bên biểu tượng Mũi Cà Mau để nhìn ra đảo Hòn Khoai lịch sử và khu vực nam biển Đông bát ngát.

Khu du lịch Mũi Cà Mau không hấp dẫn du khách bởi vẻ sầm uất, hoa lệ mà làm nao lòng người bởi nét hoang sơ, trầm tích của nó. Ngoài ra, du khách còn có thể ngược về Khai Long - cửa biển duy nhất của tỉnh Cà Mau có bãi cát vàng thoai thoải, phía xa ngoài bãi, là màu đen đặc trưng của phù sa bồi lắng.

< Nhà hàng Mũi Cà Mau, một trong những nhà hàng phục vụ du khách đến với khu du lịch Đất Mũi.

Nằm ở nơi tận cùng Tổ quốc, như bao địa phương khác, Đất Mũi đang đi lên theo đà phát triển của đất nước. Tuy nhiên, địa thế chót mũi vừa là tiềm năng, đồng thời cũng mang nhiều thách thức. Khó khăn lớn nhất của Đất Mũi là dịch vụ giao thông vận tải - nhân tố ảnh hưởng trực tiếp đến việc phát triển kinh tế và du lịch. Vì thực trạng du lịch Đất Mũi hiện nay chưa xã hội hóa cao, chủ yếu còn mang tính chính trị.

Về Đất Mũi, thấy đất nước ngày càng dài ra bởi mũi đất tận cùng như “ngón chân cái chưa khô bùn vạn dặm”, hằng năm lại bồi lắng phù sa lấn biển thêm rừng. Hành trình lấn biển về phía Nam của Xóm Mũi như mang dấu ấn cha anh thời khai hoang mở cõi, gợi lại trong lòng chúng ta niềm tự hào và cảm phục.

A1 - Những cửa biển ở Cà Mau
A2 - Những cửa biển ở Cà Mau
A3 - Những cửa biển ở Cà Mau
A4 - Những cửa biển ở Cà Mau
A5 - Những cửa biển ở Cà Mau
A6 - Những cửa biển ở Cà Mau
A7 - Những cửa biển ở Cà Mau - kỳ cuối

Du lịch, GO! - Theo báo Ảnh Đất Mũi
Bài 9: Cửa biển Sông Đốc.

Cách đây 4 năm, nhân sự kiện 50 năm tập kết ra Bắc tại vàm sông Ông Đốc, tôi được ông Tư Hà, người sống ở đây trên 74 năm, nhà ông ở số 99, Tổ 6, Khu vực 1 (Sông Đốc), giới thiệu rất ngọn ngành về quá trình hình thành và tiềm năng phát triển cửa biển Ông Đốc này.

< Một góc thị trấn Sông Đốc, Cà Mau.

SÔNG ĐỐC XƯA

Vâng! chỉ qua chung trà, chúng ta có thể hình dung được một Sông Đốc thật hùng vĩ. Sông Đốc có tự bao giờ, không ai còn nhớ rõ, nhưng theo ông Hà kể, thì xưa kia, ở đây là một khu rừng rậm, “Dưới sông sấu lội, trên rừng cọp đua”.

Cửa biển Sông Đốc ngày ấy chỉ có vài nóc gia từ miền ngoài đến đây khai khẩn như ông Ấp Mao, Mười Hộ... và nghề đóng đáy đầu tiên phải kể đến anh em ông Ba Lai, Bảy Đủ. Sông Đốc xưa gọi là Cửa Rồng, bao gồm Long hình và Ngư hình (Long hình là cửa uốn khúc đưa ra ngoài nhưng vẫn giữ được lòng sông, còn Ngư hình giống các con sông khác là ngay thẳng).

Năm 1946, cửa Sông Đốc có chiều ngang khoảng 100m, nhằm mục đích không cho tàu của Pháp vào sông, Ban Phá hoại đã dùng tàu Thái Anh lôi 2 chiếc ghe chài, mỗi chiếc có trọng tải  lớn về cửa Sông Đốc, sau đó dùng đá cát dồn vào hai chiếc ghe chài, rồi nhận xuống dòng sông ngăn không cho tàu giặc ra vào. Hai chiếc chài làm ngăn dòng chảy dẫn đến sóng to gió lớn đánh tạt vào bờ gây sạt lở, cho nên sau này cửa Sông Đốc lớn rộng ra.

Khi lính Mỹ xâm lược, Sông Đốc đổi tên thành sông Khoa Giang. Nhưng chẳng ai thèm dùng cái tên Khoa Giang, vì nó sinh ra từ chính những kẻ xâm lược ngoại bang đặt cho. Cũng theo ông Hà, Sông Đốc được chia làm hai bờ, bờ nam và bờ bắc. So với bờ bắc, bờ nam thuận tiện hơn cho việc ra vào đánh bắt. Cho nên khi khẩn hoang, bờ nam được người dân ở trước và hình thành một xóm nhỏ khoảng 10 nóc gia, dần dà dân tứ phương đến càng nhiều, bờ nam trở nên đông đúc. Ông Hà cho biết, có được cái Xóm Cửa ngày trước cũng như Sông Đốc ngày nay là nhờ vào những người đánh bắt hải sản - họ có công khai sáng ra Sông Đốc ngày nay.

SÔNG ĐỐC BÂY GIỜ

Gọi Sông Đốc là mảnh đất hội của người dân biển, quả thật không sai, vì nơi đây có hàng ngàn ngư dân sống nhờ vào nghề biển. Nếu so sánh với sáu cửa lớn như: Lình Quỳnh, Cửa Lớn, Rạch Giá, Đầm Cùng, Bảy Háp, Ông Trang, thì Sông Đốc là cửa biển lý tưởng nhất. Khi thủy triều xuống, độ sâu trên 10m, thuận lợi cho tàu thuyền ra vào. Sông Đốc có hai nghề chính: đánh bắt hải sản và dịch vụ thương mại. Ngày nay, hai nghề này vẫn tồn tại và làm nòng cốt cho Sông Đốc phát triển.

Theo ông Nguyễn Tuấn, Chủ tịch UBND thị trấn Sông Đốc: Sông Đốc đã thông qua dự án quy hoạch thị xã biển đầu tiên sầm uất vào loại bậc nhất trong khu vực. Với tổng diện tích 2.824ha, với hơn 30 ngàn khẩu, người dân sống chủ yếu bằng nghề khai thác thủy sản, công thương nghiệp, dịch vụ. Thu nhập đầu người trung bình hằng năm trên 10 triệu đồng. Sông Đốc có 998 phương tiện khai thác thủy sản, trong đó tàu có công suất 90CV trở lên chiếm 70%. Theo ông Tuấn, hiện nay Đảng bộ và nhân dân thị trấn Sông Đốc đang toàn tâm toàn lực tạo mọi điều kiện cho nghề cá phát triển. Bởi nghề kéo theo hàng trăm nghề khác đi lên, như công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ mua bán... Hiện, có hơn 1.000 cơ sở kinh doanh buôn bán các mặt hàng như: ngư cụ, nước đá, xăng dầu, kim khí điện máy... và nhiều nhà máy có quy mô lớn đóng trên địa bàn như: Xí nghiệp chế biến thủy sản, Nhà máy bột cá... mặt hàng chế biến từ các công ty đã có mặt trên thị trường thế giới, hằng năm thu về lượng ngoại tệ khá cao, giải quyết công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động.

...VÀ TIỀM NĂNG DU LỊCH SÔNG ĐỐC

Sông Đốc là một phố biển đẹp. Một bên là sông Ông Đốc và một bên là biển Tây, thuộc huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Dòng sông Ông Đốc sâu, rộng, không chỉ tạo thuận lợi cho giao thông vận tải, du lịch, mà còn là một trong những bến cảng có tàu thuyền ra vào đông nhất ở ĐBSCL.

Được thiên nhiên ưu đãi, Sông Đốc nằm giữa những vùng kế cận: Hòn Đá Bạc, cửa biển Cái Đôi Vàm và ngoài khơi là đảo Hòn Chuối. Chính vị trí này đã làm nổi rõ vai trò của Sông Đốc trong khu vực, đó là nơi đón tiếp, phục vụ, trung chuyển hàng hóa, khách du lịch... Không chỉ là tâm điểm của 3 địa điểm trên, Sông Đốc còn có nhiều làng nghề biển như: làng nghề đan lưới, làng nghề làm cá khô và nhiều di tích chùa chiền... Du khách khó có thể quên  Sông Đốc khi đã đến thăm thị trấn miền biển giàu tiềm năng này.

Về văn hóa tín ngưỡng, Sông Đốc có lễ hội Nghinh Ông, còn gọi là lễ rước “Đại tướng quân Nam Hải”, được tổ chức vào ngày rằm tháng hai hằng năm. Nghề đi biển truyền thống lâu đời đã tạo nên nhiều trầm tích văn hóa nơi vùng đất đầu sóng ngọn gió này. Theo truyền thuyết, ông Nam Hải thường xuyên cứu người đi biển gặp nạn. Để tỏ lòng tôn kính, năm 1925, các bậc tiền hiền đã thỉnh xác ông, lập điện thờ. Sau nhiều lần dời đổi, lăng ông Nam Hải tọa lạc ổn định tại Khóm 2, thị trấn Sông Đốc từ hơn 40 năm nay. Về du lịch địa lý, Sông đốc có đảo Hòn Chuối, cách đất liền hơn 16 hải lý, có một chi tiết khá thú vị của người dân Hòn Chuối, đó là sống theo mùa. Gió nồm thì người dân di cư qua bãi bắc, còn gió bắc thì trở ngược lại bãi nồm. Hòn Chuối không rộng lắm, nhưng có chiến lược quan trọng trong lĩnh vực quốc phòng và cũng là bình phong chắn sóng cho người dân Sông Đốc.

Hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia Mekong - Cần Thơ 2008, tỉnh Cà Mau đã lấy lễ hội Nghinh Ông ở Sông Đốc làm sự kiện du lịch của tỉnh, tạo điều kiện để Sông Đốc trở thành điểm đến hấp dẫn của tỉnh Cà Mau.

Cách đây vừa tròn nửa thế kỷ, sự kiện tập kết 200 ngày ở khu vực Cà Mau và chuyến tàu cuối cùng tại cửa sông Ông Đốc tiễn đưa những người con thân thương của Nam Bộ tập kết ra Bắc theo tinh thần của Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, là một mốc son lịch sử quan trong, đánh dấu sự thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp chín năm của dân tộc ta nói chung, của nhân dân Cà Mau nói riêng. Đồng thời, sự kiện trên cũng góp phần minh chứng cho đường lối đúng đắn của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh “Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội” là con đường tất yếu của cách mạng Việt Nam. Vì thế, trong 200 ngày tập kết đã mang yếu tố chiến lược của Đảng ta là: “Giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất Tổ quốc”. Ý chí đó được hun đúc mãi đối với những người đi tập kết ra Bắc và những người ở lại miền Nam suốt 21 năm chống Mỹ cứu nước, giành thắng lợi vẻ vang vào ngày 30.4.1975 lịch sử... (Võ Thanh Bình – Nguyên UVTW Đảng, Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau).

Bài 10: Cửa biển Gành Hào

Sông Gành Hào chảy giáp ranh giữa hai tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau, rồi đổ ra biển Đông tại thị trấn Gành Hào. Dòng sông Gành Hào thơ mộng, gắn bó bao đời với người dân vùng cực Nam Tổ quốc đã đi vào thơ ca với những làn điệu “Xề u xế u liu phạn...” tha thiết lòng người. Con sông có chiều dài 55km, tại cửa Gành Hào sâu 19m và rộng 300m. Cửa biển Gành Hào ngày nay sầm uất, với một bên là thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải, Bạc Liêu và một bên là xã Tân Thuận, Đầm Dơi, Cà Mau.

Cửa biển Gành Hào - giao nhau giữa hai tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau. Bên này sông là Tân Thuận - trước kia thuộc khu vực năm của thị trấn Gành Hào, năm 1992, địa bàn được giao về cho huyện Đầm Dơi quản lý. Nhờ được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát nên đời sống bà con nơi đây đã có nhiều đổi thay khởi sắc. Đặc biệt, ấp Lưu Hòa Thanh, xã Tân Thuận còn là địa phương nổi tiếng với nghề làm muối truyền thống. Người dân miền biển không chỉ khai thác các loại hải sản quý mà còn tận dụng nguồn nước biển vô tận để cung cấp vị mặn cho đời. Muối chỉ làm vào mùa nắng gắt, bắt đầu từ tháng 11 cho tới tháng 2, tháng 3 năm sau. Với 165ha diện tích ruộng muối, năng suất 70 tấn/ha đã nuôi sống khoảng 65 hộ dân ven biển Gành Hào. Những vuông muối được cải tạo công phu, nền thật dẽ và lán bóng để đón luồng nước mặn từ biển đổ vào, rồi nhờ cái nắng chói chang của đất trời kết tạo nên những hạt muối trắng tinh. Chất mặn của muối - vị mặn của giọt mồ hôi làm cho cuộc sống con người trở nên đậm đà hơn.

Và bên kia sông là thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải, Bạc Liêu, phát triển mạnh nhờ cảng cá Gành Hào - công trình có ý nghĩa nhiều mặt, tạo hiệu quả rất lớn cho các chủ thu mua và ngư dân khai thác biển. Tuy chưa thể so với cửa biển Sông Đốc, nhưng sự sầm uất ở Gành Hào cũng đã được khẳng định. Những người dân bao đời gắn bó với cửa biển này luôn tự hào trước sự thay da đổi thịt của vùng rừng biển hoang sơ “dưới sông sấu lội, trên rừng cọp đua”. Nhìn thành quả phát triển ở Gành Hào ngày nay, bà Trần Tuyết Nga - người gắn bó lâu năm với vùng đất này, kể lại: “Trước kia, xung quanh đây chỉ toàn là rừng đước, nhà dân thưa thớt, từ ngã ba Vàm Xáng đến cửa biển Gành Hào chỉ chừng vài chục hộ dân sinh sống. Bà con từ các nơi đổ về sống chủ yếu bằng nghề đáy sông, với khoảng 17 hàng đáy, chạy dài từ cửa biển tới Hộ Phòng”.

Lợi thế của Gành Hào là đã được đầu tư xây dựng cảng cá - động lực lớn cho phát triển kinh tế biển. Bởi thế, Gành Hào cũng sở hữu một lực lượng tàu thuyền khá hùng hậu, tạo nên sự sung túc cần có của một vùng cửa biển. Như bao vùng cửa biển khác, ngư dân ở Gành Hào cũng tín ngưỡng thờ cá Ông. Lăng Ông ở Gành Hào hiện nay nằm gần đường vào thị trấn và đường ra đê biển. Tại miếu thờ hiện nay có tới 4 cốt (sọ đầu) cá Ông, 9 xương sườn và khoảng mười đốt xương sống. Theo lời những người sống lâu năm nơi đây, những bộ xương này chí ít cũng có khoảng 100 năm tuổi. Lễ hội nghinh Ông ở Gành Hào được tổ chức vào ngày 9, 10, 11 tháng 3 â.l hằng năm.

Ngoài ra, ở Gành Hào còn có khu vực bờ kè thông thoáng, phân cách giữa một bên là cuộc sống hiền hòa với biển cả bao la, ồ ạt những con sóng dập thẳng vào bờ như đe dọa, như mời gọi con người tìm đến sự giàu có của nó. Đồng thời, nằm ở ranh giới hai tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, cửa biển Gành Hào còn là ranh giới xã hội, tại đây, mọi người có thể tạm quên sự chen chút, bận rộn nơi thị trấn sầm uất khi trở về bên này sông - đến với sự yên bình của quê biển Tân Thuận.

Vị trí cửa biển Gành Hào thuộc hai tỉnh khác nhau nên sự đầu tư phát triển còn chưa đồng bộ và tương xứng. Thế nhưng, cửa biển Gành Hào vẫn mang những nét đặc trưng riêng làm say lòng du khách. Dòng sông Gành Hào thơ mộng, dịu dàng “như dải tơ vàng” mãi “xuôi về biển Đông”, để cửa Gành Hào tiếp tục vươn mình ra biển lớn.

A1 - Những cửa biển ở Cà Mau
A2 - Những cửa biển ở Cà Mau
A3 - Những cửa biển ở Cà Mau
A4 - Những cửa biển ở Cà Mau
A5 - Những cửa biển ở Cà Mau
A6 - Những cửa biển ở Cà Mau
A7 - Những cửa biển ở Cà Mau - kỳ cuối

Du lịch, GO! - Theo báo Ảnh Đất Mũi
Bài 7: Cửa Bồ Đề

Cửa Bồ Đề nằm ở ranh giới tự nhiên giữa hai huyện Năm Căn và Ngọc Hiển, là đầu nối sông Cửa Lớn (Đại Nam Giang) với vùng biển Đông. Cửa biển thông thoáng, thuận lợi giao thông đường biển và đường thủy nội địa, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương và khu vực.

< Đóng đáy trên cửa Bồ Đề.

Trong chiến tranh chống Mỹ, cửa Bồ Đề từng là “cửa tử” của các “Tiểu pháo hạm Hoa Kỳ” trên sông Cửa Lớn. Trong năm 1970, du kích xã Tam Giang đã nhiều lần đánh thắng pháo hạm địch ra vào cửa Bồ Đề tại vùng Lung Đước và vàm rạch Chủ Mưu. Cửa biển Bồ Đề ngày nay thuộc xã Tam Giang Tây, huyện Ngọc Hiển, là một trong những cửa biển lớn ở Cà Mau.

Đến cửa Bồ Đề, ấn tượng trước hết là sự thông thoáng và mênh mông, với độ rộng khoảng 500m và sâu trên 15m. Cách cửa biển không xa là Chợ Thủ, khu sầm uất nhất của xã Tam Giang Tây, nơi diễn ra các hoạt động trao đổi mua bán và kinh doanh nghề biển. Đồng thời, cũng là nơi neo đậu an toàn cho các phương tiện sau những chuyến đi biển.

< Hải đăng hướng dẫn tàu thuyền đi biển.

“Lưới cá chét” và “lưới cá lẹp” là hai dự án mới của ngư dân ở cửa Bồ Đề, nhằm chuyển hướng đánh bắt phù hợp với tình hình địa phương và cho thu nhập cao.

Hiện ở cửa biển có nhiều hộ ăn nên làm ra từ nghề lưới cá này. Đặc biệt, nhờ cửa biển sâu và rộng nên ở Bồ Đề có hình thức đánh bắt độc đáo, trông lạ mắt. Từ cửa biển nhìn vào, xa xa là những hàng đáy bè giăng ngang giữa dòng nước chảy, không chỉ là nguồn sống của nhiều ngư dân địa phương, mà còn tạo nên nét hấp dẫn riêng cho cửa Bồ Đề.

< Chị em phụ nữ là hậu cần đắc lực cho việc khai thác biển.

Tuy nhiên, cửa biển này còn có vẻ “tĩnh lặng”, bởi lượng tàu thuyền khai thác cũng như các dịch vụ nghề biển ở Bồ Đề chưa tương xứng với tiềm năng nơi đây. Toàn xã chỉ có trên dưới 115 phương tiện khai thác, 3 vựa thu mua cá của tư nhân; dịch vụ nước đá, xăng dầu cũng chưa đáp ứng nhu cầu. Ông Quách Văn Lợi, ngư dân địa phương, cho biết: “Bồ Đề là một trong những cửa biển lớn, nhiều tiềm năng, nhưng từ trước tới nay kinh tế biển vẫn chưa có nhiều tiến triển. Các vựa ở đây chủ yếu mua cá lớn, nhiều khi còn mua chịu”.


< Hầm than là một trong những nghề lâu đời nhất ở cửa biển Bồ Đề.

Thiếu vốn, ngư dân địa phương không thể phát triển sản xuất; dịch vụ hậu cần nghề cá yếu, cửa biển cũng không thể thu hút tàu thuyền các nơi đến khai thác trao đổi. Vì thế, cửa Bồ Đề vốn rộng càng trở nên “mênh mông” hơn. Cửa biển Bồ Đề cần được phát triển, khai thác tiềm năng để không chỉ phục vụ tốt nhu cấu kinh tế biển ở địa phương, mà còn trở thành cửa khẩu tốt cho việc trao đổi hàng hóa ở cảng Năm Căn trong tương lai.

Bài 8: Vàm Lũng ngày ấy – bây giờ

Cửa biển Vàm Lũng thuộc ấp Dinh Hạng, xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển - cách cửa biển Rạch Gốc 18km về hướng đông-bắc. Nhắc tới Vàm Lũng, người ta lại nhớ về chiến công thầm lặng của các chiến sĩ cách mạng trên những con tàu “không số”, vượt biển Đông chi viện cho miền Nam. Nhờ địa bàn hiểm trở với những cánh rừng phòng hộ dày đặc ven biển và nhiều kênh rạch chằng chịt, Vàm Lũng đã bảo vệ an toàn cho chiến sĩ cách mạng và những con tàu trong suốt 10 năm đạn bom ác liệt.

Bến cuối cùng của đường Hồ Chí Minh trên biển

Với vị trí là bến cuối cùng của đường Hồ Chí Minh trên biển, Vàm Lũng đã làm tròn sứ mệnh lịch sử, bảo vệ an toàn cho chiến sĩ và những con tàu trong 10 năm chống Mỹ. Địa danh Vàm Lũng còn gắn với tên tuổi người anh hùng Bông Văn Dĩa, người chọn quê mình làm bãi tiếp nhận vũ khí bí mật, rồi cùng các đồng chí trong Ðoàn 962 đưa những chiếc thuyền buồm, thuyền máy vượt biển ra miền Bắc, mở đường Hồ Chí Minh trên biển về tận mũi Cà Mau.

< Ngày nay, rừng lại tiếp tục phục vụ đời sống nhân dân.

Nơi đây, ngày 16.10.1962, chiếc tàu đầu tiên “Phương Đông I” do thuyền trưởng Lê Văn Một và chính trị viên Bông Văn Dĩa chở theo 35 tấn vũ khí từ miền Bắc về cập bến an toàn, đã khai thông con đường vận tải chiến lược trên biển Đông - đường mòn Hồ Chí Minh trên biển. Chiến tích ấy đã đi vào lịch sử, mở ra một nét mới, độc đáo, sáng tạo trong chiến tranh chống Mỹ của quân và dân ta. Trong 10 năm (1962 - 1972), đã có 77 chuyến tàu cặp bến thành công, cung cấp hàng ngàn tấn vũ khí, đạn dược phục vụ cho chiến trường miền Nam. Đồng thời, còn ghi dấu, chứng kiến những chiến công hiển hách, vang dội của quân, dân ta và cán bộ, chiến sĩ Đoàn 125 Hải quân và Đoàn 962 anh hùng, góp phần làm nên Đại thắng lịch sử mùa Xuân 1975, thống nhất đất nước.

Vàm Lũng ngày đổi mới

< Những ghe lưới cá của ngư phủ, hằng ngày vẫn ra vào cửa Vàm Lũng.

Chiến tranh đã lùi về quá khứ, Vàm Lũng ngày nay “thay da đổi thịt”, đời sống người dân ngày càng sung túc. Sống trong hòa bình, no ấm, người dân Tân Ân vẫn mãi tự hào về một quá khứ hào hùng. Người Tân Ân có cách ví von rất hay: “Vàm Lũng song song Kiến Vàng, như hé miệng cười tươi đón chào những chuyến tàu từ Bắc vào Nam. Và những con rạch Câu Lầu, Xẻo Lở, Nhà Ở, Xẻo Đôi, Giáp Ranh, Bào Lớn, Trầm Rộng, Xẻo Già... như hai bàn tay ôm chặt những con tàu... giống như đôi tay của người dân Tân Ân ôm ấp, bảo vệ, tròn nghĩa, tròn chung”. Và những cây mắm, cây đước ngày nào từng che chở cho những con tàu vẫn tiếp tục vươn mình thẳng đứng như khẳng định, thế hệ hôm nay sẽ vẫn sống mãnh liệt, kiên cường như cha anh thời khói lửa.

< Con gái Anh hùng Bông Văn Dĩa - bà Bông Thị Ưa kể lại kỷ niệm với từng di vật của cha mình, phần mộ Anh hùng Bông Văn Dĩa luôn được chăm sóc cẩn thận.

Ngày nay, về lại Vàm Lũng để được tận mắt nhìn những cánh rừng, những con rạch vốn hiền hòa nhưng chứa đầy kỳ tích; để nghe lại những huyền thoại về đất, về người nơi tận cùng Tổ quốc. Để cảm nhận niềm tự hào của người dân nơi đây qua những câu chuyện kể về những con tàu “không số” và bến cảng “không tên”. Tin rằng, thế hệ hôm nay sẽ giữ cho những chiến tích ở Vàm Lũng “là quá khứ nhưng không là dĩ vãng, là huyền thoại nhưng không là cổ tích”.

A1 - Những cửa biển ở Cà Mau
A2 - Những cửa biển ở Cà Mau
A3 - Những cửa biển ở Cà Mau
A4 - Những cửa biển ở Cà Mau

A5 - Những cửa biển ở Cà Mau
A6 - Những cửa biển ở Cà Mau
A7 - Những cửa biển ở Cà Mau - kỳ cuối

Du lịch, GO! - Theo báo Ảnh Đất Mũi

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống