Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Monday, 23 April 2012

Từ khu vực Bến Giằng trên đường Hồ Chí Minh, huyện Nam Giang (Quảng Nam), theo quốc lộ 14D đi hướng cửa khẩu Đắc Ôốc – Đắc Tà Oọc hơn 20 phút là đến Khu Bảo tồn thiên nhiên sông Thanh. Tại đây, du khách rẽ tay phải theo biển hướng dẫn, qua rẫy lúa, nương bắp, lúc ngang dọc qua suối với muôn hình vạn trạng dáng đá, cuội là con đường dẫn đến thác Grăng.

Thác Grăng gồm 3 thác lớn nhỏ, gọi là “tam thác” Grăng. Lội bộ vượt qua nhiều đoạn dốc, đường hẹp, ghềnh đá hiểm trở và những thân cây bắc qua suối làm cầu, du khách sẽ nghe xa xa phía núi tiếng thác đổ âm vang. Những mệt nhọc trên hành trình chinh phục “tam thác” sẽ tan biến khi đứng trước thác Grăng tung bọt trắng xóa, hơi nước và hơi đá bốc lên mát rượi. Đẹp nhất ở Grăng có lẽ là thác thứ ba với độ cao hơn 30 mét, dòng nước như tấm lụa trắng xõa trên những vách đá bám rêu xanh, bồng bềnh trong cõi âm u giữa đại ngàn Trường Sơn.

Nếu lần đầu đến thăm thác Grăng, khách có thể nhờ những đứa trẻ người Cơ-tu có nụ cười hồn nhiên và nước da rám nắng đưa đi ngắm thác. Sau khi dạo quanh ngắm nước chảy, mây trôi, cây và đá núi, du khách có thể xuống hồ nước dưới chân thác để tắm và tận hưởng làn nước mát lạnh mơn man da thịt.

Điều thú vị là cảnh quan, không gian thác mở ra khá đột ngột, bỗng chốc ùa đến với bạn khi vượt qua hẻm núi một bên là vách đá dựng đứng, một bên là vực sâu. Tiếng thác đổ ầm ầm và cảm giác dịu mát chợt đến khiến du khách ngỡ ngàng vì  được trải nghiệm những điều mà trước đây chỉ nghe kể qua ai đó. Tất cả nhọc nhằn sẽ tan biến khi bạn đang đứng trước thác Grăng tung bọt trắng xóa, bồng bềnh trong cõi âm u Trường Sơn làm gợi nhớ câu thơ của Lí Bạch viết về thác núi Lư:

"Nước bay thẳng xuống ba nghìn thước
Tưởng dải ngân hà tuột khỏi mây."

Giữa khung cảnh núi non hùng vĩ, không khí mát lành, du khách sẽ có bữa ăn ngon với những thực phẩm mang theo, kèm với cá suối nướng được câu lên từ suối và những hồ nước trong khu vực thác. Từ khi “tam thác” Grăng được đưa vào tour du lịch của “Năm du lịch quốc gia Quảng Nam 2006” đến nay, con đường vào thác đã được chính quyền và người dân địa phương tạo sẵn những bộ ván, những chiếc võng dã chiến bằng thân cây và dây leo làm trạm nghỉ chân để tiếp sức cho du khách.

Thác Grăng là một cụm thác ba tầng nên được gọi là tam thác. Đẹp nhất có lẽ là thác 3 với độ cao hơn 30 mét, tung bụi nước mịt mù, xõa tóc trắng trên những vách đá bám rêu. Đây là nơi du khách dừng chân tham quan nhiều nhất. Tuy nhiên nếu bạn có đôi chân dẻo dai thì men theo đường mòn ngược lên sườn núi dốc đứng để mục sở thị  vẻ đẹp của hai tầng thác trên.

Người dân tộc gọi thác này là Đạ G'răng - Theo giải nghĩa của dân bản địa thì chữ "Đạ" nghĩa là sông, suối, còn chữ "g'răng" trong thổ ngữ CaTu (Cơ Tu) có nghĩa là con cá chiên.
Chuyện kể rằng ngày xa xưa đây là con thác đẹp chưa ai khám phá, ở dòng suối dưới chân thác có loài cá hiếm tên là cá grăng (cá chiên). Cứ mười mùa rẫy một lần, những con cá grăng đầu đàn khỏe nhất phải vượt qua ba tầng thác nơi đây để hóa thành cá thiêng. Chỉ có làm được điều ấy thì cá grăng mới tồn tại.

Năm ấy đến mùa vượt thác lại gặp cơn lũ trái mùa dai dẳng cả tháng trời khiến dòng thác trở nên hung dữ dị kỳ. Những con grăng đầu đàn dù đã vắt cạn kiệt sức lực nhưng không thể nào vượt qua thác dữ.. và chúng đã chết, xác cá grăng trôi đầy bên bờ suối.
Từ đó dân làng gọi tên thác này là thác Grăng và cũng từ đó loài cá grăng không còn tồn tại ở bất kỳ đâu trên sông suối miền thượng du nữa.

Trên chặng đường khám phá “tam thác” Grăng, du khách còn có dịp thăm quan làng dệt thổ cẩm truyền thống người Cơ-tu ở làng Za Ra; thăm làng Rô – nơi nuôi giấu, chở che nhà thơ Tố Hữu và nhà cách mạng Huỳnh Ngọc Huệ trên đường vượt ngục Đăklei; thăm Khu Bảo tồn thiên nhiên sông Thanh... Vào dịp làng Cơ-tu tổ chức lễ mừng lúa mới, du khách sẽ được sống trong không khí rộn ràng của hội cồng chiêng với vũ điệu tung tung – da dá và thức các món lam (nấu thức ăn trong ống nứa), uống rượu tà vạt, đặc sản của núi rừng Nam Giang.

Chia tay thác Grăng, chia tay sông Thanh, sông Bung du khách không khỏi vấn vương như từ biệt tình nhân mong một ngày trở lại:
“Nước sông Bung vẫn chảy từ cội rễ rừng già, lăn những hạt cát nhỏ về miền xa lắc.
Gió ngàn còn ve vuốt bãi bồi lau sậy, chải rối cuộc vui buồn, lau nhạt nhoà trên mắt tình nhân.”

Du lịch, GO! - Theo BDT, Thinhdailoc.blog, ảnh  Dulichgo

P15 - Thác Grăng giữa đại ngàn
Bài cuối: Cửa biển Khai Long - điểm du lịch hấp dẫn nơi Đất Mũi Cà Mau

Biển Khai Long (Cà Mau) còn rất hoang sơ và hoàn toàn mới mẻ đối với du khách. Được bao bọc giữa bốn bề rừng cây, sông biển, với hệ sinh thái rừng ngập mặn đa dạng, biển Khai Long thuộc ấp Khai Long, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, với diện tích khoảng 230ha, chiều dài theo bờ biển 3.800m.

Khai Long nằm về phía biển Đông trong khu vực sinh thái rừng ngập mặn mũi Cà Mau, là một cửa biển nhỏ, cạn, được bao bọc bởi rừng mắm, đước bạt ngàn, thích hợp cho việc khai thác du lịch. Cửa biển Khai Long chạy dài từ cửa Ông Thọ, Rạch Mũi... tới lâm viên Đất Mũi, là một bãi cát giồng uốn lượn hình rồng dọc bờ biển.

Mảnh đất này được các nhà khai thác du lịch khám phá như một điểm dừng chân mới của các tour. Ngành du lịch Cà Mau đang có nhiều dự án quan trọng để đưa Khai Long thành điểm du lịch trọng tâm của vùng Đất Mũi. Hai tiếng Khai Long cũng đủ nói lên sức hấp dẫn của nó - một địa danh làm nức lòng khách nhàn du...

Khai Long được tạo hóa ban tặng cho một vị trí hết sức đặc biệt. Đứng ở cửa biển Khai Long khi bình minh ló dạng ta thấy được mặt trời tròn như vành thúng chói đỏ nhô lên từ mặt biển phía đông và khi chiều xuống cũng ở vị trí ấy ta lại thấy vầng kim ô vàng rực từ từ lặn xuống mặt biển phía tây. Cũng tại nơi đây, du khách ngắm nhìn trọn vẹn hình dáng, vẻ đẹp hoang sơ của cụm đảo Hòn Khoai hùng vĩ. Biển Khai Long hằng năm cứ lấn dần ra biển, như muốn nối liền với cụm đảo Hòn Khoai. Mỗi lần đến Khai Long để ngắm biển, ta thấy khoảng cách giữa đảo và bờ nơi đây như thu hẹp dần.

< Từ của biển Khai Long rông ra hòn Khoai.

Có một điều rất thú vị, nếu như khu vực Ông Trang, Cá Mồi và bãi bồi Đất Mũi... là bãi bùn, thì ở Khai Long lại là bãi cát vàng rộng mênh mông và tương đối bằng phẳng. Khi thủy triều xuống, cát phơi mình trên nắng chạy dài với những hình thù kỳ lạ và đẹp mắt. Khu vực này chính là thiên đường của nhiều loài sinh vật biển sinh sản, đặc biệt nơi đây có một bãi nghêu rộng lớn, mỗi ngày có hằng trăm người khai thác, tạo cho không khí vốn yên bình như Khai Long thêm náo nhiệt.

< Khu nghỉ dưỡng Lý Thanh Long ở Khai Long.

Biển Khai Long không đẹp quyến rũ như Lăng Cô xứ Huế hay nhiều vùng biển khác, nhưng Khai Long lại có hệ sinh thái đa dạng không nơi nào có được. Đó là hệ sinh thái rừng ngập mặn với nhiều loài cây như: vẹt, mắm, bần... đặc biệt là cây đước - biểu tượng của rừng ngập mặn, đã gắn bó lâu đời với đời sống của người dân Đất Mũi. Khai Long cũng không thiếu những hàng dương chạy dài trên cát trắng, đêm ngày đón gió biển reo ca.

Cách đây 3 năm (2005), Công ty Công Lý đã đầu tư 24 tỷ đồng thành lập khu du lịch Lý Thanh Long trên vùng đất Khai Long này. Khu du lịch có diện tích 76ha, trong đó 50ha nuôi trồng thủy sản kết hợp du lịch sinh thái, 26ha xây dựng khu du lịch gồm: nhà nghỉ, nhà hàng, khu vui chơi giải trí... đặc biệt có khu tượng Nam Hải Phật đài Quan Thế Âm Bồ Tát được khởi công xây dựng vào tháng 4 năm 2006, với tổng kinh phí hơn 4 tỷ đồng.

< Tượng bà Nam Hải ở Khai Long.

Tượng làm bằng đá Tây Tạng do nhà điêu khắc Trương Công Thành thiết kế, cao 18m (thực hiện theo nguyện vọng của nhân dân trong vùng). Ngoài việc đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh của người dân trong và ngoài tỉnh, Nam Hải Phật đài còn tạo thêm vẻ mỹ quan cho Khu du lịch Lý Thanh Long, phục vụ khách tham quan du lịch nơi vùng đất địa đầu cực Nam Tổ quốc.

Hiện nay, Khai Long mới chỉ là một điểm du lịch rất đơn sơ, nhiều hạng mục công trình đang đầu tư chưa hoàn chỉnh, nhưng du khách đến tham quan mỗi ngày một đông thêm. Chỉ tính vào dịp lễ, tết, Khai Long đã đón trên 50.000 lượt khách, một số lượng rất lớn đối với một khu du lịch mới mở cửa, tạo nên sự trù phú cho vùng đất giàu tiềm năng du lịch sinh thái này.

A1 - Những cửa biển ở Cà Mau
A2 - Những cửa biển ở Cà Mau
A3 - Những cửa biển ở Cà Mau
A4 - Những cửa biển ở Cà Mau
A5 - Những cửa biển ở Cà Mau
A6 - Những cửa biển ở Cà Mau
A7 - Những cửa biển ở Cà Mau kỳ cuối

Du lịch, GO! - Theo báo Ảnh Đất Mũi
Theo quốc lộ 28 khoảng 45km về hướng Đông Nam đi Lâm Đồng, thuộc xã Đăk P’lao và xã Đăk Som, huyện Đăk Glong, cách thị xã Gia Nghĩa khoảng 45km là khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng với diện tích 22.103 ha, trong đó 86,7% là diện tích rừng xanh đại ngàn. Đây là nơi lý tưởng cho các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, leo núi cho du khách.

< Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng.

Tà Đùng là dãy núi cao nhất tỉnh Đăk Nông, với đỉnh cao nhất là 1.982m, nằm giữa cao nguyên Đăk Nông và cao Nguyên Di Linh thuộc vùng địa lý sinh học Nam Trung Bộ, đây là điểm giao thoa về địa lý và sinh học giữa khu vực Nam Tây Nguyên và khu vực Miền Đông Nam Bộ.

Tà Đùng cũng là rừng phòng hộ đầu nguồn cho 2 con sông lớn là sông Đồng Nai và sông Sêrêpốk, nơi cấp, trữ nước cho hàng chục nhà máy thuỷ điện của khu vực.

Trong đó có các dự án thủy điện Đồng Nai 3, 4 đang hoạt động tạo ra những hồ nước có diện tích khoảng 3.620ha mặt nước và hình thành nên 36 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó có một số đảo có diện tích khá lớn thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái trên đảo.

< Du khách đi thăm Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng.

Đây cũng là khu vực có trên 1.000 loài động thực vật, là khu vực có sự đa dạng sinh học rất lớn. Trong đó, nhiều loài có tên trong sách đỏ Việt Nam và thế giới. Đặc biệt, Tà Đùng là một trong bốn vùng chim đặc hữu, chứa tới 1/8 số loài chim của Việt Nam và là một trong 222 vùng chim đặc hữu trên toàn thế giới. Bên trong khu rừng là dòng suối Đắk N'teng chảy qua tạo thành hai ngọn thác hấp dẫn và kỳ bí. Đứng trên cao nhìn xuống những sườn dốc là các bon làng của bà con xã Đắk P’lao, Đăk R’măng, Đăk Som còn lưu giữ nhiều giá trị truyền thống văn hóa đặc sắc nằm thấp thoáng trong mây mờ.

Do tác động của con người nên ở độ cao dưới 1.000 m, rừng nguyên sinh của Tà Đùng không còn nữa, chỉ còn rừng thứ sinh sau nương rẫy. Nhưng ở độ cao trên 1.000 m rừng nguyên sinh còn khá nguyên vẹn. Thành phần thực vật rất đa dạng và phong phú, nhiều loài thực vật có giá trị kinh tế cao và là nguồn gene quý hiếm của nước ta như: Tùng bách, thông 2 lá, thông 3 lá, thông nàng, vù hương, giáng hương, dầu gió… Cây gỗ ở đây mọc thẳng, cao 30-40 m, có nhiều cây to đường kính tới 2 m, có cây xá xị (cinamomun parthenoxylon) sáu người sải tay ôm không xuể. Nó cao to hơn hẳn cây chò nghìn tuổi nổi tiếng nhất rừng Cúc Phương.

Tà Đùng cũng có nhiều loài cây có giá trị dược liệu cao như trầm hương, vàng đắng, cây ổ kiến (nguyên liệu chế biến thuốc chữa gan).

< Voọc Chà vá chân nâu, một trong những động vật đặc trưng của Tà Đùng.

Xác định bước đầu cho thấy rừng Tà Đùng có 37 loài thú thuộc 17 họ, 7 bộ, trong đó có 14 loài thuộc diện quý hiếm đã ghi vào sách đỏ Việt Nam, 10 loài có tên trong sách đỏ thế giới. Về chim có 100 loài thuộc 33 họ, 13 bộ. Nếu so sánh với các khu hệ chim đã biết thì thành phần chim của Tà Đùng chiếm 1/8 số loài chim, 1/3 số họ chim hiện có ở Việt Nam. Bò sát lưỡng cư có 34 loài, trong đó có 7 loài thuộc diện quý hiếm. Ếch Tà Đùng đặc biệt phong phú về thành phần loài và có trữ lượng cao. Ngoài ra, ở Tà Đùng còn rất nhiều loại côn trùng khác…

Với tiềm năng về tự nhiên và văn hóa độc đáo, trong tương lai, Tà Đùng sẽ được đầu tư, quy hoạch thành 1 trong 2 khu du lịch sinh thái, tham quan, nghi dưỡng với những chuỗi sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc của tỉnh nhà.

Du lịch, GO! - Theo web Daknong, VnExpress... và nhiều nguồn ảnh khác

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống