Sống trên “suối trời”.
Nằm vắt ngang lưng trời quanh năm chìm trong mây trắng, người ta gọi đó là vùng đất tiên, do sơ ý của tiên nữ mà đánh rơi rẻo đất tiên ấy xuống thế gian này. Đó cũng là nơi dãy Hoàng Liên Sơn đặt bước chân thứ hai khổng lồ của mình tạo nên vùng đồng bằng lớn thứ hai giữa núi rừng Tây Bắc trùng điệp xa xôi…
< Suối Giàng bốn mùa bồng bềnh trong mây, hấp dẫn du khách bởi khí hậu, vị ngọt của chè tuyết cổ thụ, của mật ong tinh khiết và tiếng khèn, tiếng sáo, tiếng đàn môi cùng lời hát trao tình của các chàng trai, cô gái Mông réo rắt...
Mây trắng cứ giăng mù trên con đường đèo uốn lượn lên cao, lên cao dần tạo cho chúng tôi có cảm giác đang thực sự đi vào cõi tiên như trong truyền thuyết xa xưa mà người H’Mông kể về sự ra đời của cái chóp núi mang tên Suối Giàng – dòng suối trên trời.
Đường lên Suối Giàng
Và trong cái mây mù thấp thoáng ẩn hiện những rừng cây cổ thụ, mà người dẫn đường cho biết tuổi thọ 300 năm là chuyện bình thường. Rừng cổ thụ thấp thôi, thấp thoáng trên cành là những cô cậu bé người H’Mông đang vắt vẻo, đó chính là những rừng chè cổ thụ, điều làm nên sự nổi tiếng cho vùng đất heo hút, bé nhỏ này: chè tuyết Suối Giàng.
Đến chốn này, người ta dễ có cảm giác cảnh vật và con người nơi đây đâm rễ và lấy dưỡng chất nuôi sống mình từ trong mây chứ không phải từ mặt đất. Giàng A Giao, chủ tịch xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái rất tự hào về vùng đất của mình: “Đẹp lắm, trên này cũng có vườn đào tiên như trong chuyện Tôn Ngộ Không ấy mà, sống trên này cứ như sống trên Giàng (tiếng H’Mông, Giàng là trời – NV) ấy”.
Người ta bảo rằng: ngày xưa khi người Pháp sang, hầu hết những nơi khí hậu ôn hoà, cảnh trí tuyệt đẹp đều được người Pháp chiếm cứ để xây dựng khu nghỉ mát cho tầng lớp quan lại như Đà Lạt, Sa Pa, Tam Đảo, Bạch Mã, Bà Nà… Chỉ riêng Suối Giàng, có lẽ do quá hiểm trở nên người Pháp không chọn làm nơi xây dựng các công trình, kiến trúc biệt thự. Suối Giàng vẫn rất hoang sơ như cái thuở ban đầu “rơi” từ trời xuống. Những mái nhà vách rơm trộn bùn, mái lợp gỗ pơmu nằm lúp xúp giữa những rừng cây pơmu nguyên sinh hay những rừng chè cổ thụ. Đặc biệt là những rừng chè tuyết có mặt ở khắp nơi, bên cửa lớp học, sau lưng cổng uỷ ban, ngay trước thềm nhà… Khi cần, người H’Mông chỉ thò tay qua ô cửa là có ngay nắm lá chè cho vào ấm uống chống lại cái rét của vùng đất nằm ở độ cao 1.500 – 1.800m so với mặt nước biển.
“Sư phụ” chè 300 tuổi
Năm 1976, viện sĩ Djemukhatze, viện Hàn lâm khoa học Liên Xô đã đến Việt Nam và cất công nghiên cứu sự ra đời và tiến hoá của cây chè, bằng cách phân tích chất catesin trong chè sống hoang dại, chè do con người trồng, và so sánh các vùng chè khác nhau trên thế giới đã kết luận rằng chè Suối Giàng là một trong những vùng chè cổ trên thế giới cùng với chè Tứ Xuyên, Vân Nam, Trung Quốc. Có thông tin cho rằng rừng chè cổ Suối Giàng chính là một trong sáu loại chè thuỷ tổ của “tín ngưỡng chè thế giới”, điều đó được các anh ở văn phòng UBND huyện Văn Chấn cho biết: từ mấy chục năm qua, đã có hàng chục đoàn nghiên cứu khoa học về chè đến từ Ấn Độ, Nga, Nhật Bản, Hà Lan, Trung Quốc… đã tìm đến Văn Chấn nghiên cứu loại chè đặc hữu nơi này.
Nhưng người H’Mông bản địa ở đây, chỉ lý giải sự ra đời của cây chè cổ thụ của mình bằng một câu chuyện cổ được truyền miệng từ đời này sang đời khác: có cặp vợ chồng người H’Mông lạc rừng, khi đã kiệt sức, họ ngồi dưới một cây cổ thụ, tình cờ lá cây rơi vào ấm nước của họ, khi uống vào bỗng dưng sức khoẻ hồi phục và từ đó họ tin rằng đây là cây thuốc trời cho…
Chủ tịch Giàng A Giao cho biết, cái cây ấy giờ vẫn còn và được xem là cây chè tổ của Suối Giàng. Cây chè tổ Suối Giàng đẹp lắm. Vì có tới hơn hàng trăm năm được hái búp chè, cắt tỉa, nên trông nó như những cây bonsai khổng lồ với cành cội già cỗi, cổ quái nhưng cành lá lại thật mơn mởn xanh tươi. Bọn trẻ con H’Mông hàng chục đứa cứ leo trèo thoăn thoắt lên cành cây chè mà hái lá. Đây chính là cây chè mà suốt 300 năm qua người H’Mông truyền khẩu khi người ta phát hiện ra rừng chè cổ thụ, nên chúng tôi đoan chắc tuổi thọ của “sư phụ” cũng phải hơn 300 năm.
Chè tuyết Suối Giàng chẳng những đẹp mà lại ngon. Ai đã một lần thưởng thức chắc khó thể quên được vị đậm đà, thanh tao của loại chè tuyết thuộc loại ngon nhất nước này. Ấy vậy mà ở Suối Giàng có đến tám vạn cây chè cổ. Có cả một rừng chè cổ thụ vài ngàn cây có tuổi thọ 200 – 300 năm tuổi ở Pang Cáng, cành lá xum xuê rợp cả một góc trời. Cây chè, cũng như dòng suối, được cho là của trời vì chúng thoạt đầu mọc hoang dại và đến giờ vẫn trường tồn một cách tự nhiên, chẳng cần con người chăm bón phân thuốc gì cả.
Loại chè tuyết nơi này thuộc loại “đỉnh” thời Pháp thuộc, khi ấy chúng được dùng để đổi lấy vàng bạc hay muối từ miền xuôi. Đến giờ, chúng vẫn là loại chè có giá cao nhất trong các loại chè của cả nước. Tuy nhiên, do sản lượng rất thấp mà danh tiếng thì cao, mỗi năm chỉ có khoảng 80 – 100 tấn chè khô…
La Pán Tẩn
Đó là một kỳ quan thực sự trên những vách núi “sừng trời”, bức tranh diễm lệ được tạc nên giữa trùng điệp núi rừng, ai đã vẽ nên bức tranh giữa trời đất từ hàng trăm năm qua của vùng đất Mù Cang Chải?…
Rời thung lũng Tú Lệ nổi tiếng với món xôi nếp cực ngon đã định danh “nếp Tú Lệ, tẻ Mường Lò” được bao bọc ba phía là ba ngọn núi cao chót vót Khau Phạ, Khau Song, Khau Thán, chúng tôi vượt đèo Khau Phạ để đến vùng đất Mù Cang Chải huyền thoại. Nếu lấy Khao Lương là điểm cực bắc và Xuân Sơn là chóp cuối cùng của dãy Hoàng Liên Sơn, thì Mù Cang Chải chính là trung tâm của dãy núi này và là nơi định danh chung của Hoàng Liên Sơn là “sừng trời” (Khau Phạ).
Gần 20 năm trước, ra Hà Nội tìm người cùng đi du thám Mù Cang Chải, ai cũng lắc đầu ngao ngán, cái địa danh xa xăm ngày ấy không chỉ là vùng đất bí ẩn, đầy sơn lam chướng khí, mà khi đó nó còn mệnh danh là vùng đất say. Cho đến bây giờ người ta vẫn còn kể lại giai thoại tập thể lãnh đạo một xã đã đồng ký tên vào đơn kiến nghị gởi lên trên để xin được hút thuốc phiện mỗi khi hội họp.
Ngày ấy chỉ duy nhất với một người bạn đồng hành Nguyễn Ngọc Nam, nguyên phó tổng biên tập báo Tiền Phong, chúng tôi đã đặt chân đến Mù Cang Chải và kẹt lại do lở núi tắc đường quốc lộ 32 độc đạo suốt một tuần giữa những túp lều H’Mông xiêu vẹo đầy những người say thuốc phiện. Trước năm 1993, Mù Cang Chải có đến hàng ngàn hecta cây thuốc phiện ở khắp các xã Dế Su Phình, Chế Tạo, Chế Cu Nha, La Pán Tẩn, Mồ Dề, Nậm Có…, mùa hoa anh túc nở, núi rừng Mù Cang Chải rực rỡ hai màu trắng đỏ hoa anh túc. Cách nay mười năm nơi này vẫn còn đến 500ha cây hoa anh túc nằm chen những bản làng xác xơ, quặt quẹo vì thuốc phiện…
Mù Cang Chải, theo tiếng H’Mông có nghĩa đơn giản là rừng gỗ nằm trên đất khô, nơi có đến 90% là người H’Mông sinh sống. Nay thì cây thuốc phiện đã rời xa vùng đất này, những trung tâm cai nghiện đã được mọc lên ở tận xã, nhưng với chúng tôi, lần trở lại Mù Cang Chải vẫn là vùng đất say, say đến ngả nghiêng, say đến độ không thể rời bước…
Những nấc thang vàng
“Không say không về…”, câu nói đầu môi của hầu hết những người từ xuôi lên Mù Cang Chải bây giờ là thế, không phải say thuốc phiện, bởi bây giờ tìm đỏ mắt cũng không ra một lạng thuốc phiện ở vùng đất này. Mà đây là cái say của rượu ngô nhắm với gà đi bộ tiềm thuốc, heo cắp nách… những món nhậu số dách của rẻo đất cao hơn này, nhưng say nhất có lẽ là những thửa ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải – một trong những nơi “đốt phim” của những tay săn ảnh đến từ mọi miền đất nước.
Ở Mù Cang Chải có ba thửa ruộng bậc thang đáng xem nhất và đẹp nhất nằm ở ba xã khác: Chế Cu Nha, Dế Su Phình và La Pán Tẩn. Đa số những tay săn ảnh thích chọn Chế Cu Nha vì tiện đường, nằm ngay trên quốc lộ 32, nhưng hôm nay chúng tôi lại tìm đường vào sâu trong La Pán Tẩn vì nơi đây được xem là “kinh đô” của những thửa ruộng bậc thang đẹp nhất Mù Cang Chải và hoang sơ, nguyên bản nhất. Một bức tranh rực rỡ hiện ra trước mắt, hàng chục ngọn núi cao ngất được bàn tay con người đục đẽo, tạo nên những bậc thang đang chín rộ lúa vàng, những bóng người bé xíu đang thu hoạch vụ mùa. Bây giờ đang là tháng 10, nét huyền diệu của núi rừng tạo hoá được bàn tay con người khắc tạc đang vào cực đỉnh của lòng say đắm, tất cả chúng tôi đều đang say…
Ai đã vẽ nên La Pán Tẩn?
Một lát cắt vào sườn núi tạo nên những bậc thang vàng đã là một kỳ công, nhưng ở đây có hàng ngàn, hàng vạn bậc thang vàng như thế. Theo ông Lý Súa Tính, một người H’Mông lão làng, nguyên bí thư đảng uỷ xã La Pán Tẩn, vùng đất này có người H’Mông đến cư trú hơn 200 năm, ban đầu chỉ có tám hộ người H’Mông từ phía bắc về đây dựng cơ nghiệp ở bản Trống Tông, với người H’Mông có tập quán “ăn theo sương mù”, chọn nơi cư trú là những đỉnh núi cao, từ đó lan dần ra khắp các ngọn núi thành bảy bản tạo nên La Pán Tẩn ngày nay. Người H’Mông có bí quyết rất riêng để khoét núi tạo nên ruộng bậc thang, họ biết cách dựa vào thế núi, tìm cách đưa nguồn nước lên cao để tưới tiêu cho ruộng bậc thang chứ không đơn giản chỉ dựa vào mưa trời, suối rừng… Diện tích ruộng bậc thang của cả Mù Cang Chải lên đến 3.200ha, tất cả đều do con người tạo nên.
Trời sụt sùi đổ mưa, chúng tôi đành quay về thị trấn Mù Cang Chải thưởng thức món rượu ngô cay nồng nhắm với gà H’Mông đi bộ, một đêm say giữa cái rét của vùng cao một thời say điên cuồng cây hoa anh túc.
Quả thật đây là miền đất say, say đến độ sáng hôm sau, thay vào lịch trình ngược đường lên Lai Châu để vượt đèo Ô Quy Hồ sang Lào Cai, chúng tôi đã quay ngược trở lại Chế Cu Nha và La Pán Tẩn để tận hưởng cơn say với những thửa ruộng bậc thang vàng rực trong ánh nắng sớm. Ở lưng chừng nấc thang vàng, chúng tôi gặp chị Yàng Thị Xính, hôm nay Xính đưa cả đứa con nhỏ tám tháng tuổi cùng ra ruộng để thu hoạch.
Trẻ con H’Mông từ khi sinh ra đã sống ngập trong sương mù nên chúng rất khoẻ, người mẹ trẻ cứ để đứa trẻ ngồi chơi một mình trong cái rổ với mớ rơm cho dù nắng đã lên cao. Xính cho biết: “Hai vợ chồng canh tác ruộng bậc thang cha mẹ để lại, chỉ hơn một sào, chủ yếu trồng lúa nếp. Chồng nó lo cắt lúa, còn mình thì mình đập lúa và dọn vào bao, con nhỏ phải mang theo ra ruộng luôn vì để ở nhà không ai chăm. Lúa chín quá không gặt gấp thì chim trời ăn hết, phải tranh thủ thôi”. Hỏi Xính với thửa ruộng bé xíu có đủ ăn không, cô cười bảo: “Có ít ăn ít, có nhiều ăn nhiều, nếu thừa ít thóc đổi rượu cho thằng chồng nó uống…”
Tháng 10.2007, hệ thống ruộng bậc thang Mù Cang Chải của ba xã La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Dế Su Phình rộng đến 500ha đã được bộ Văn hoá, thể thao và du lịch công nhận di sản thiên nhiên quốc gia. Nói về ruộng bậc, người ta hay nhắc đến hệ thống ruộng bậc thang Sa Pa cũng vừa được tạp chí du lịch Travel and Leisure công nhận “top 7 thửa ruộng bậc thang đẹp nhất thế giới”. Thế nhưng với chúng tôi, những bậc thang vàng ở La Pán Tẩn, Mù Cang Chải vẫn đẹp hơn cả, bởi nơi đây gần như chưa vướng bụi trần dịch vụ du lịch, cuộc sống còn hoang sơ lắm, nó gần như nguyên bản như cái ngày cách đây hơn 200 năm có tám gia đình H’Mông đến đây tạo nên vết khắc hoạ đầu tiên cho những nấc thang vàng, và chỉ có ở nơi này người ta mới có được cảm giác say cảnh tiên chốn tiên bồng…
Vương quốc” Xá U Ní
Họ sống biệt lập trong những khu rừng già trên đỉnh Hoàng Liên Sơn, nơi người phụ nữ luôn oằn vai gánh vác mọi trọng trách gia đình, họ không coi đó là gánh nặng mà là niềm vui, là lẽ sống khi những anh chồng vai u thịt bắp nằm ngửa trong những căn nhà trình tường bằng đất, rượu chè no say…
Chiếc xe du lịch của chúng tôi cứ trượt dài trên con dốc cao ngửa mặt, bao lần gài số mạnh, bánh xe như muốn cháy khét nhưng vẫn không sao lên được con dốc, phía xa xa trên kia còn đến hàng chục con dốc, vậy là đành phải bỏ xe lại, cử người về Mường Hum thuê xe thồ để vượt dốc lên vương quốc người Xá U Ní.
Họ tự nhận mình là người Xá Ú Ní hay còn gọi là U Ní, nhưng trên bản đồ 54 dân tộc anh em sống trên đất Việt, họ có cái tên chính thức là người Hà Nhì. Đây là một trong mười dân tộc có ít người nhất Việt Nam, hiện nay chỉ còn khoảng 17.000 người sống chủ yếu trên những đỉnh núi cao của dãy Hoàng Liên Sơn của hai tỉnh Lai Châu và Lào Cai. Có người cho rằng người Hà Nhì có nguồn gốc tận dãy Himalaya của vùng nóc nhà thế giới, và họ đã di cư dần xuống phía nam từ đầu thế kỷ thứ 3.
Đơn độc giữa rừng
Đường vào bản Xín Chải thuộc xã Mường Hum, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai rất quanh co, đi men theo sườn núi, trời Hoàng Liên Sơn hôm nay khá lạnh, nhưng cả đoàn chúng tôi, ai cũng toát mồ hôi hột khi ngồi sau xe máy thồ phi hùng hục qua những vực sâu, hẻm núi, nhìn về phía sau, thị trấn xa xôi nhất của huyện Bát Xát địa đầu tỉnh Lào Cai với những mái nhà bé tí như đồ chơi của trẻ con. Xín Chả nằm lặng lẽ dưới một thung lũng sâu được bao quanh tứ bề là rừng. Những căn nhà hình nấm xinh xinh với tường trình bằng bùn đất lợp lá, hoàn toàn không có cửa sổ, duy nhất cửa ra vào cũng bé xíu là đặc trưng của người Hà Nhì, cả bản vắng lặng, biệt lập và nghi ngại khi có người lạ đặt chân vào…
Chúng tôi tìm đến nhà của trưởng bản kiêm công an viên Phú A Xì. Chỉ mới tầm 10 giờ sáng, mà Phú A Xì đã say khướt nằm kềnh ra ngủ. Giọng nói tiếng Kinh cứ ngọng líu ngọng lo làm mọi người khi nghe cứ phải hỏi đi hỏi lại những hai ba lần mới hiểu được điều anh muốn nói. Phú A Xì cho biết, chỉ mới uống rượu có hai cử thôi, cử đầu vào lúc 6 giờ sáng, cử hai vào lúc 8 giờ. Nếu không có việc phải làm với chức phận một công an viên thì Xì có thể nhậu mỗi ngày 5, 6 cử. Hỏi vợ đâu, Xì tỉnh bơ: “Nó đi nương rồi, xa lắm đi phải tối mới về, tao ở nhà trông bọn trẻ”. Nhưng khi hỏi bọn trẻ đâu, Phú A Xì lắc đầu không biết.
Người Hà Nhì đã từng có chữ viết từ gần một ngàn năm về trước, nhưng sau mất dần và mất hẳn. Bù lại, họ có trí nhớ rất kỳ lạ. Mỗi khi họp gia tộc, dịp tết họ thường ngồi lại với nhau và nghe kể về dòng họ mình, gia phả mình và ghi tâm khắc cốt, họ có thể nhớ một cách tường tận về dòng họ 40 đời về trước.
Tên của người Hà Nhì cũng rất lạ thường, họ thường lấy tên người cha, hoặc con vật mà theo họ ứng với đứa bé để đặt làm tên đệm, nhờ vào trí nhớ tuyệt vời mà họ luôn thuộc lòng những bài hát, câu ca, như bài hát mừng đám cưới dài đến 400 câu, nhưng trai gái ai cũng thuộc nằm lòng từ thưở ấu thơ…
Thân phận đàn bà
Người bản Xín Chải có vẻ khá e ngại đối với khách lạ. Khi thấy chúng tôi đưa máy quay phim hay chụp ảnh, nhiều em bé quay đầu bỏ chạy còn người lớn thì cứ xua tay, có người còn tỏ vẻ khá giận dữ. Chỉ đến khi chúng tôi nhờ đến trưởng bản Phú A Xì dẫn đến thăm nhà thì dân bản mới chịu tiếp chuyện.
Những người phụ nữ ở bản Xín Chải bất cứ ngồi hay đứng, ở nhà hay trên nương đều luôn tay thêu thùa, làm lụng. Tuy sống đơn độc, cách biệt với các cộng đồng khác giữa rừng hoang, nhưng xem ra cưới xin chốn thâm sơn cùng cốc này “văn minh như tây”. Nam nữ lấy nhau thường qua hai lần cưới, lần đầu thấy thích là cưới ngay, đến khi có con, thậm chí có cháu, xem ra mối tình đã bền chặt, của cải làm ra là của chung, họ lại cưới chính thức một lần nữa. Lúc đó mới có thể chúc nhau câu “trăm năm hạnh phúc”…
Người ta nói, đàn ông Hà Nhì được chiều chuộng, an nhàn từ tấm bé, ngay từ khi sinh ra, khi người mẹ biết đó là con trai, họ sẽ cắm một chiếc cọc ở bên trái có chiếc nón úp lên, khi đi tìm vợ, họ lại căn cứ vào đống củi trước nhà, củi càng to càng cao chứng tỏ họ đã chọn đúng người khoẻ mạnh, có thể làm lụng nuôi sống họ suốt đời. Phụ nữ luôn đóng vai trò quyết định từ việc làm nương, dựng nhà, gánh nước, bửa củi… còn đàn ông chỉ rượu chè và đóng vai “osin” trong gia đình. Không biết có phải vì đầu tắt mặt tối quanh năm, mà khi sinh nở, họ cũng không được nằm để sinh, người Hà Nhì có tục rất đặc biệt, đẻ đứng! Hỏi bà Lý Tả Mẩy, người được xem là cao niên nhất bản, bà Mẩy lắc đầu: “không biết đâu, nhưng đẻ đứng để dễ đẻ thôi, đẻ xong là phải đi nương ngay thôi…”
Nếp nhà người Hà Nhì tuy đơn sơ nhưng khá độc đáo. Nhà vuông bằng đất, mái tranh, tường được làm dày đến gần nửa mét, xung quanh được dựng đầy những bó củi. Phía bên trong nhà, trên bếp lửa và bên ngoài mặt hiên nhà là những dây đậu tương và bắp, được hong phơi để dành ăn cho cả năm. Có đến một nửa nhà phía trước được để trống, chỉ có thêm một cái bếp phụ và một cái giường dùng để dành cho khách.
Rất ít người lớn ở Xín Chải nói được tiếng người Kinh. Trẻ con thì nhiều đứa biết vì chúng có một ngôi trường cấp một ở ngay trong bản. Trường học chỉ có hai lớp, đó là lớp một và lớp ba vì cũng chỉ mới lập được có hai năm nay. Người Hà Nhì ở Xín Chải cũng như những bản làng khác của Mường Hum, dù nghèo hay giàu, giờ đều nghỉ làm ngày thứ bảy và chủ nhật để có thể dự chợ phiên ở phố Mường Hum. Họ quan niệm, sẽ rất xấu hổ khi những người khác được tham dự phiên chợ đầy màu sắc và nhộn nhịp này trong khi mình vẫn thui thủi một mình làm nương làm rẫy…
Tạm biệt Hoàng Liên Sơn, tạm biệt vương quốc Xá U Ní của những người đàn bà Hà Nhì lam lũ, chúng tôi trở về xuôi mang theo nhiều cảm xúc lạ thường. Vùng đất “sừng trời” ai cũng đã từng ê a từ những ngày còn mài quần trên ghế trường tiểu học, nhưng có mấy ai hiểu được bức tranh Hoàng Liên Sơn ẩn hiện sau làn mây mù quanh năm lại nhiều màu sắc rực rỡ đến thế…
Binh Nguyên – Đoàn Đạt
Ngược dốc Sừng Trời - Kỳ 1
Du lịch, GO! - Theo ThegioiF5
Nằm vắt ngang lưng trời quanh năm chìm trong mây trắng, người ta gọi đó là vùng đất tiên, do sơ ý của tiên nữ mà đánh rơi rẻo đất tiên ấy xuống thế gian này. Đó cũng là nơi dãy Hoàng Liên Sơn đặt bước chân thứ hai khổng lồ của mình tạo nên vùng đồng bằng lớn thứ hai giữa núi rừng Tây Bắc trùng điệp xa xôi…
< Suối Giàng bốn mùa bồng bềnh trong mây, hấp dẫn du khách bởi khí hậu, vị ngọt của chè tuyết cổ thụ, của mật ong tinh khiết và tiếng khèn, tiếng sáo, tiếng đàn môi cùng lời hát trao tình của các chàng trai, cô gái Mông réo rắt...
Mây trắng cứ giăng mù trên con đường đèo uốn lượn lên cao, lên cao dần tạo cho chúng tôi có cảm giác đang thực sự đi vào cõi tiên như trong truyền thuyết xa xưa mà người H’Mông kể về sự ra đời của cái chóp núi mang tên Suối Giàng – dòng suối trên trời.
Đường lên Suối Giàng
Và trong cái mây mù thấp thoáng ẩn hiện những rừng cây cổ thụ, mà người dẫn đường cho biết tuổi thọ 300 năm là chuyện bình thường. Rừng cổ thụ thấp thôi, thấp thoáng trên cành là những cô cậu bé người H’Mông đang vắt vẻo, đó chính là những rừng chè cổ thụ, điều làm nên sự nổi tiếng cho vùng đất heo hút, bé nhỏ này: chè tuyết Suối Giàng.
Đến chốn này, người ta dễ có cảm giác cảnh vật và con người nơi đây đâm rễ và lấy dưỡng chất nuôi sống mình từ trong mây chứ không phải từ mặt đất. Giàng A Giao, chủ tịch xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái rất tự hào về vùng đất của mình: “Đẹp lắm, trên này cũng có vườn đào tiên như trong chuyện Tôn Ngộ Không ấy mà, sống trên này cứ như sống trên Giàng (tiếng H’Mông, Giàng là trời – NV) ấy”.
Người ta bảo rằng: ngày xưa khi người Pháp sang, hầu hết những nơi khí hậu ôn hoà, cảnh trí tuyệt đẹp đều được người Pháp chiếm cứ để xây dựng khu nghỉ mát cho tầng lớp quan lại như Đà Lạt, Sa Pa, Tam Đảo, Bạch Mã, Bà Nà… Chỉ riêng Suối Giàng, có lẽ do quá hiểm trở nên người Pháp không chọn làm nơi xây dựng các công trình, kiến trúc biệt thự. Suối Giàng vẫn rất hoang sơ như cái thuở ban đầu “rơi” từ trời xuống. Những mái nhà vách rơm trộn bùn, mái lợp gỗ pơmu nằm lúp xúp giữa những rừng cây pơmu nguyên sinh hay những rừng chè cổ thụ. Đặc biệt là những rừng chè tuyết có mặt ở khắp nơi, bên cửa lớp học, sau lưng cổng uỷ ban, ngay trước thềm nhà… Khi cần, người H’Mông chỉ thò tay qua ô cửa là có ngay nắm lá chè cho vào ấm uống chống lại cái rét của vùng đất nằm ở độ cao 1.500 – 1.800m so với mặt nước biển.
“Sư phụ” chè 300 tuổi
Năm 1976, viện sĩ Djemukhatze, viện Hàn lâm khoa học Liên Xô đã đến Việt Nam và cất công nghiên cứu sự ra đời và tiến hoá của cây chè, bằng cách phân tích chất catesin trong chè sống hoang dại, chè do con người trồng, và so sánh các vùng chè khác nhau trên thế giới đã kết luận rằng chè Suối Giàng là một trong những vùng chè cổ trên thế giới cùng với chè Tứ Xuyên, Vân Nam, Trung Quốc. Có thông tin cho rằng rừng chè cổ Suối Giàng chính là một trong sáu loại chè thuỷ tổ của “tín ngưỡng chè thế giới”, điều đó được các anh ở văn phòng UBND huyện Văn Chấn cho biết: từ mấy chục năm qua, đã có hàng chục đoàn nghiên cứu khoa học về chè đến từ Ấn Độ, Nga, Nhật Bản, Hà Lan, Trung Quốc… đã tìm đến Văn Chấn nghiên cứu loại chè đặc hữu nơi này.
Nhưng người H’Mông bản địa ở đây, chỉ lý giải sự ra đời của cây chè cổ thụ của mình bằng một câu chuyện cổ được truyền miệng từ đời này sang đời khác: có cặp vợ chồng người H’Mông lạc rừng, khi đã kiệt sức, họ ngồi dưới một cây cổ thụ, tình cờ lá cây rơi vào ấm nước của họ, khi uống vào bỗng dưng sức khoẻ hồi phục và từ đó họ tin rằng đây là cây thuốc trời cho…
Chủ tịch Giàng A Giao cho biết, cái cây ấy giờ vẫn còn và được xem là cây chè tổ của Suối Giàng. Cây chè tổ Suối Giàng đẹp lắm. Vì có tới hơn hàng trăm năm được hái búp chè, cắt tỉa, nên trông nó như những cây bonsai khổng lồ với cành cội già cỗi, cổ quái nhưng cành lá lại thật mơn mởn xanh tươi. Bọn trẻ con H’Mông hàng chục đứa cứ leo trèo thoăn thoắt lên cành cây chè mà hái lá. Đây chính là cây chè mà suốt 300 năm qua người H’Mông truyền khẩu khi người ta phát hiện ra rừng chè cổ thụ, nên chúng tôi đoan chắc tuổi thọ của “sư phụ” cũng phải hơn 300 năm.
Chè tuyết Suối Giàng chẳng những đẹp mà lại ngon. Ai đã một lần thưởng thức chắc khó thể quên được vị đậm đà, thanh tao của loại chè tuyết thuộc loại ngon nhất nước này. Ấy vậy mà ở Suối Giàng có đến tám vạn cây chè cổ. Có cả một rừng chè cổ thụ vài ngàn cây có tuổi thọ 200 – 300 năm tuổi ở Pang Cáng, cành lá xum xuê rợp cả một góc trời. Cây chè, cũng như dòng suối, được cho là của trời vì chúng thoạt đầu mọc hoang dại và đến giờ vẫn trường tồn một cách tự nhiên, chẳng cần con người chăm bón phân thuốc gì cả.
Loại chè tuyết nơi này thuộc loại “đỉnh” thời Pháp thuộc, khi ấy chúng được dùng để đổi lấy vàng bạc hay muối từ miền xuôi. Đến giờ, chúng vẫn là loại chè có giá cao nhất trong các loại chè của cả nước. Tuy nhiên, do sản lượng rất thấp mà danh tiếng thì cao, mỗi năm chỉ có khoảng 80 – 100 tấn chè khô…
La Pán Tẩn
Đó là một kỳ quan thực sự trên những vách núi “sừng trời”, bức tranh diễm lệ được tạc nên giữa trùng điệp núi rừng, ai đã vẽ nên bức tranh giữa trời đất từ hàng trăm năm qua của vùng đất Mù Cang Chải?…
Rời thung lũng Tú Lệ nổi tiếng với món xôi nếp cực ngon đã định danh “nếp Tú Lệ, tẻ Mường Lò” được bao bọc ba phía là ba ngọn núi cao chót vót Khau Phạ, Khau Song, Khau Thán, chúng tôi vượt đèo Khau Phạ để đến vùng đất Mù Cang Chải huyền thoại. Nếu lấy Khao Lương là điểm cực bắc và Xuân Sơn là chóp cuối cùng của dãy Hoàng Liên Sơn, thì Mù Cang Chải chính là trung tâm của dãy núi này và là nơi định danh chung của Hoàng Liên Sơn là “sừng trời” (Khau Phạ).
Gần 20 năm trước, ra Hà Nội tìm người cùng đi du thám Mù Cang Chải, ai cũng lắc đầu ngao ngán, cái địa danh xa xăm ngày ấy không chỉ là vùng đất bí ẩn, đầy sơn lam chướng khí, mà khi đó nó còn mệnh danh là vùng đất say. Cho đến bây giờ người ta vẫn còn kể lại giai thoại tập thể lãnh đạo một xã đã đồng ký tên vào đơn kiến nghị gởi lên trên để xin được hút thuốc phiện mỗi khi hội họp.
Ngày ấy chỉ duy nhất với một người bạn đồng hành Nguyễn Ngọc Nam, nguyên phó tổng biên tập báo Tiền Phong, chúng tôi đã đặt chân đến Mù Cang Chải và kẹt lại do lở núi tắc đường quốc lộ 32 độc đạo suốt một tuần giữa những túp lều H’Mông xiêu vẹo đầy những người say thuốc phiện. Trước năm 1993, Mù Cang Chải có đến hàng ngàn hecta cây thuốc phiện ở khắp các xã Dế Su Phình, Chế Tạo, Chế Cu Nha, La Pán Tẩn, Mồ Dề, Nậm Có…, mùa hoa anh túc nở, núi rừng Mù Cang Chải rực rỡ hai màu trắng đỏ hoa anh túc. Cách nay mười năm nơi này vẫn còn đến 500ha cây hoa anh túc nằm chen những bản làng xác xơ, quặt quẹo vì thuốc phiện…
Mù Cang Chải, theo tiếng H’Mông có nghĩa đơn giản là rừng gỗ nằm trên đất khô, nơi có đến 90% là người H’Mông sinh sống. Nay thì cây thuốc phiện đã rời xa vùng đất này, những trung tâm cai nghiện đã được mọc lên ở tận xã, nhưng với chúng tôi, lần trở lại Mù Cang Chải vẫn là vùng đất say, say đến ngả nghiêng, say đến độ không thể rời bước…
Những nấc thang vàng
“Không say không về…”, câu nói đầu môi của hầu hết những người từ xuôi lên Mù Cang Chải bây giờ là thế, không phải say thuốc phiện, bởi bây giờ tìm đỏ mắt cũng không ra một lạng thuốc phiện ở vùng đất này. Mà đây là cái say của rượu ngô nhắm với gà đi bộ tiềm thuốc, heo cắp nách… những món nhậu số dách của rẻo đất cao hơn này, nhưng say nhất có lẽ là những thửa ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải – một trong những nơi “đốt phim” của những tay săn ảnh đến từ mọi miền đất nước.
Ở Mù Cang Chải có ba thửa ruộng bậc thang đáng xem nhất và đẹp nhất nằm ở ba xã khác: Chế Cu Nha, Dế Su Phình và La Pán Tẩn. Đa số những tay săn ảnh thích chọn Chế Cu Nha vì tiện đường, nằm ngay trên quốc lộ 32, nhưng hôm nay chúng tôi lại tìm đường vào sâu trong La Pán Tẩn vì nơi đây được xem là “kinh đô” của những thửa ruộng bậc thang đẹp nhất Mù Cang Chải và hoang sơ, nguyên bản nhất. Một bức tranh rực rỡ hiện ra trước mắt, hàng chục ngọn núi cao ngất được bàn tay con người đục đẽo, tạo nên những bậc thang đang chín rộ lúa vàng, những bóng người bé xíu đang thu hoạch vụ mùa. Bây giờ đang là tháng 10, nét huyền diệu của núi rừng tạo hoá được bàn tay con người khắc tạc đang vào cực đỉnh của lòng say đắm, tất cả chúng tôi đều đang say…
Ai đã vẽ nên La Pán Tẩn?
Một lát cắt vào sườn núi tạo nên những bậc thang vàng đã là một kỳ công, nhưng ở đây có hàng ngàn, hàng vạn bậc thang vàng như thế. Theo ông Lý Súa Tính, một người H’Mông lão làng, nguyên bí thư đảng uỷ xã La Pán Tẩn, vùng đất này có người H’Mông đến cư trú hơn 200 năm, ban đầu chỉ có tám hộ người H’Mông từ phía bắc về đây dựng cơ nghiệp ở bản Trống Tông, với người H’Mông có tập quán “ăn theo sương mù”, chọn nơi cư trú là những đỉnh núi cao, từ đó lan dần ra khắp các ngọn núi thành bảy bản tạo nên La Pán Tẩn ngày nay. Người H’Mông có bí quyết rất riêng để khoét núi tạo nên ruộng bậc thang, họ biết cách dựa vào thế núi, tìm cách đưa nguồn nước lên cao để tưới tiêu cho ruộng bậc thang chứ không đơn giản chỉ dựa vào mưa trời, suối rừng… Diện tích ruộng bậc thang của cả Mù Cang Chải lên đến 3.200ha, tất cả đều do con người tạo nên.
Trời sụt sùi đổ mưa, chúng tôi đành quay về thị trấn Mù Cang Chải thưởng thức món rượu ngô cay nồng nhắm với gà H’Mông đi bộ, một đêm say giữa cái rét của vùng cao một thời say điên cuồng cây hoa anh túc.
Quả thật đây là miền đất say, say đến độ sáng hôm sau, thay vào lịch trình ngược đường lên Lai Châu để vượt đèo Ô Quy Hồ sang Lào Cai, chúng tôi đã quay ngược trở lại Chế Cu Nha và La Pán Tẩn để tận hưởng cơn say với những thửa ruộng bậc thang vàng rực trong ánh nắng sớm. Ở lưng chừng nấc thang vàng, chúng tôi gặp chị Yàng Thị Xính, hôm nay Xính đưa cả đứa con nhỏ tám tháng tuổi cùng ra ruộng để thu hoạch.
Trẻ con H’Mông từ khi sinh ra đã sống ngập trong sương mù nên chúng rất khoẻ, người mẹ trẻ cứ để đứa trẻ ngồi chơi một mình trong cái rổ với mớ rơm cho dù nắng đã lên cao. Xính cho biết: “Hai vợ chồng canh tác ruộng bậc thang cha mẹ để lại, chỉ hơn một sào, chủ yếu trồng lúa nếp. Chồng nó lo cắt lúa, còn mình thì mình đập lúa và dọn vào bao, con nhỏ phải mang theo ra ruộng luôn vì để ở nhà không ai chăm. Lúa chín quá không gặt gấp thì chim trời ăn hết, phải tranh thủ thôi”. Hỏi Xính với thửa ruộng bé xíu có đủ ăn không, cô cười bảo: “Có ít ăn ít, có nhiều ăn nhiều, nếu thừa ít thóc đổi rượu cho thằng chồng nó uống…”
Tháng 10.2007, hệ thống ruộng bậc thang Mù Cang Chải của ba xã La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Dế Su Phình rộng đến 500ha đã được bộ Văn hoá, thể thao và du lịch công nhận di sản thiên nhiên quốc gia. Nói về ruộng bậc, người ta hay nhắc đến hệ thống ruộng bậc thang Sa Pa cũng vừa được tạp chí du lịch Travel and Leisure công nhận “top 7 thửa ruộng bậc thang đẹp nhất thế giới”. Thế nhưng với chúng tôi, những bậc thang vàng ở La Pán Tẩn, Mù Cang Chải vẫn đẹp hơn cả, bởi nơi đây gần như chưa vướng bụi trần dịch vụ du lịch, cuộc sống còn hoang sơ lắm, nó gần như nguyên bản như cái ngày cách đây hơn 200 năm có tám gia đình H’Mông đến đây tạo nên vết khắc hoạ đầu tiên cho những nấc thang vàng, và chỉ có ở nơi này người ta mới có được cảm giác say cảnh tiên chốn tiên bồng…
Vương quốc” Xá U Ní
Họ sống biệt lập trong những khu rừng già trên đỉnh Hoàng Liên Sơn, nơi người phụ nữ luôn oằn vai gánh vác mọi trọng trách gia đình, họ không coi đó là gánh nặng mà là niềm vui, là lẽ sống khi những anh chồng vai u thịt bắp nằm ngửa trong những căn nhà trình tường bằng đất, rượu chè no say…
Chiếc xe du lịch của chúng tôi cứ trượt dài trên con dốc cao ngửa mặt, bao lần gài số mạnh, bánh xe như muốn cháy khét nhưng vẫn không sao lên được con dốc, phía xa xa trên kia còn đến hàng chục con dốc, vậy là đành phải bỏ xe lại, cử người về Mường Hum thuê xe thồ để vượt dốc lên vương quốc người Xá U Ní.
Họ tự nhận mình là người Xá Ú Ní hay còn gọi là U Ní, nhưng trên bản đồ 54 dân tộc anh em sống trên đất Việt, họ có cái tên chính thức là người Hà Nhì. Đây là một trong mười dân tộc có ít người nhất Việt Nam, hiện nay chỉ còn khoảng 17.000 người sống chủ yếu trên những đỉnh núi cao của dãy Hoàng Liên Sơn của hai tỉnh Lai Châu và Lào Cai. Có người cho rằng người Hà Nhì có nguồn gốc tận dãy Himalaya của vùng nóc nhà thế giới, và họ đã di cư dần xuống phía nam từ đầu thế kỷ thứ 3.
Đơn độc giữa rừng
Đường vào bản Xín Chải thuộc xã Mường Hum, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai rất quanh co, đi men theo sườn núi, trời Hoàng Liên Sơn hôm nay khá lạnh, nhưng cả đoàn chúng tôi, ai cũng toát mồ hôi hột khi ngồi sau xe máy thồ phi hùng hục qua những vực sâu, hẻm núi, nhìn về phía sau, thị trấn xa xôi nhất của huyện Bát Xát địa đầu tỉnh Lào Cai với những mái nhà bé tí như đồ chơi của trẻ con. Xín Chả nằm lặng lẽ dưới một thung lũng sâu được bao quanh tứ bề là rừng. Những căn nhà hình nấm xinh xinh với tường trình bằng bùn đất lợp lá, hoàn toàn không có cửa sổ, duy nhất cửa ra vào cũng bé xíu là đặc trưng của người Hà Nhì, cả bản vắng lặng, biệt lập và nghi ngại khi có người lạ đặt chân vào…
Chúng tôi tìm đến nhà của trưởng bản kiêm công an viên Phú A Xì. Chỉ mới tầm 10 giờ sáng, mà Phú A Xì đã say khướt nằm kềnh ra ngủ. Giọng nói tiếng Kinh cứ ngọng líu ngọng lo làm mọi người khi nghe cứ phải hỏi đi hỏi lại những hai ba lần mới hiểu được điều anh muốn nói. Phú A Xì cho biết, chỉ mới uống rượu có hai cử thôi, cử đầu vào lúc 6 giờ sáng, cử hai vào lúc 8 giờ. Nếu không có việc phải làm với chức phận một công an viên thì Xì có thể nhậu mỗi ngày 5, 6 cử. Hỏi vợ đâu, Xì tỉnh bơ: “Nó đi nương rồi, xa lắm đi phải tối mới về, tao ở nhà trông bọn trẻ”. Nhưng khi hỏi bọn trẻ đâu, Phú A Xì lắc đầu không biết.
Người Hà Nhì đã từng có chữ viết từ gần một ngàn năm về trước, nhưng sau mất dần và mất hẳn. Bù lại, họ có trí nhớ rất kỳ lạ. Mỗi khi họp gia tộc, dịp tết họ thường ngồi lại với nhau và nghe kể về dòng họ mình, gia phả mình và ghi tâm khắc cốt, họ có thể nhớ một cách tường tận về dòng họ 40 đời về trước.
Tên của người Hà Nhì cũng rất lạ thường, họ thường lấy tên người cha, hoặc con vật mà theo họ ứng với đứa bé để đặt làm tên đệm, nhờ vào trí nhớ tuyệt vời mà họ luôn thuộc lòng những bài hát, câu ca, như bài hát mừng đám cưới dài đến 400 câu, nhưng trai gái ai cũng thuộc nằm lòng từ thưở ấu thơ…
Thân phận đàn bà
Người bản Xín Chải có vẻ khá e ngại đối với khách lạ. Khi thấy chúng tôi đưa máy quay phim hay chụp ảnh, nhiều em bé quay đầu bỏ chạy còn người lớn thì cứ xua tay, có người còn tỏ vẻ khá giận dữ. Chỉ đến khi chúng tôi nhờ đến trưởng bản Phú A Xì dẫn đến thăm nhà thì dân bản mới chịu tiếp chuyện.
Những người phụ nữ ở bản Xín Chải bất cứ ngồi hay đứng, ở nhà hay trên nương đều luôn tay thêu thùa, làm lụng. Tuy sống đơn độc, cách biệt với các cộng đồng khác giữa rừng hoang, nhưng xem ra cưới xin chốn thâm sơn cùng cốc này “văn minh như tây”. Nam nữ lấy nhau thường qua hai lần cưới, lần đầu thấy thích là cưới ngay, đến khi có con, thậm chí có cháu, xem ra mối tình đã bền chặt, của cải làm ra là của chung, họ lại cưới chính thức một lần nữa. Lúc đó mới có thể chúc nhau câu “trăm năm hạnh phúc”…
Người ta nói, đàn ông Hà Nhì được chiều chuộng, an nhàn từ tấm bé, ngay từ khi sinh ra, khi người mẹ biết đó là con trai, họ sẽ cắm một chiếc cọc ở bên trái có chiếc nón úp lên, khi đi tìm vợ, họ lại căn cứ vào đống củi trước nhà, củi càng to càng cao chứng tỏ họ đã chọn đúng người khoẻ mạnh, có thể làm lụng nuôi sống họ suốt đời. Phụ nữ luôn đóng vai trò quyết định từ việc làm nương, dựng nhà, gánh nước, bửa củi… còn đàn ông chỉ rượu chè và đóng vai “osin” trong gia đình. Không biết có phải vì đầu tắt mặt tối quanh năm, mà khi sinh nở, họ cũng không được nằm để sinh, người Hà Nhì có tục rất đặc biệt, đẻ đứng! Hỏi bà Lý Tả Mẩy, người được xem là cao niên nhất bản, bà Mẩy lắc đầu: “không biết đâu, nhưng đẻ đứng để dễ đẻ thôi, đẻ xong là phải đi nương ngay thôi…”
Nếp nhà người Hà Nhì tuy đơn sơ nhưng khá độc đáo. Nhà vuông bằng đất, mái tranh, tường được làm dày đến gần nửa mét, xung quanh được dựng đầy những bó củi. Phía bên trong nhà, trên bếp lửa và bên ngoài mặt hiên nhà là những dây đậu tương và bắp, được hong phơi để dành ăn cho cả năm. Có đến một nửa nhà phía trước được để trống, chỉ có thêm một cái bếp phụ và một cái giường dùng để dành cho khách.
Rất ít người lớn ở Xín Chải nói được tiếng người Kinh. Trẻ con thì nhiều đứa biết vì chúng có một ngôi trường cấp một ở ngay trong bản. Trường học chỉ có hai lớp, đó là lớp một và lớp ba vì cũng chỉ mới lập được có hai năm nay. Người Hà Nhì ở Xín Chải cũng như những bản làng khác của Mường Hum, dù nghèo hay giàu, giờ đều nghỉ làm ngày thứ bảy và chủ nhật để có thể dự chợ phiên ở phố Mường Hum. Họ quan niệm, sẽ rất xấu hổ khi những người khác được tham dự phiên chợ đầy màu sắc và nhộn nhịp này trong khi mình vẫn thui thủi một mình làm nương làm rẫy…
Tạm biệt Hoàng Liên Sơn, tạm biệt vương quốc Xá U Ní của những người đàn bà Hà Nhì lam lũ, chúng tôi trở về xuôi mang theo nhiều cảm xúc lạ thường. Vùng đất “sừng trời” ai cũng đã từng ê a từ những ngày còn mài quần trên ghế trường tiểu học, nhưng có mấy ai hiểu được bức tranh Hoàng Liên Sơn ẩn hiện sau làn mây mù quanh năm lại nhiều màu sắc rực rỡ đến thế…
Binh Nguyên – Đoàn Đạt
Ngược dốc Sừng Trời - Kỳ 1
Du lịch, GO! - Theo ThegioiF5