Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Thursday, 26 April 2012

Về miền trung du Phú Thọ những ngày mưa phùn rả rích, tôi lại thèm đến nao lòng vị rau lang luộc chấm mắm cáy. Thứ mắm dân dã nhưng chứa đựng bao tinh túy đất trời và kinh nghiệm bao năm của người làm mắm.

Làng tôi nổi tiếng với nghề làm mắm cáy, dân quê tôi từ khi tóc còn để chỏm đã biết bắt cáy. Mắm cáy được làm từ con cáy sống ở các bãi ven sông gần giống cua nhưng nhỏ hơn.

Trước kia, vào những dịp cuối năm, khi gió heo may về cáy nằm ì trong hang trốn cái lạnh se sắt, lúc đó chỉ cần cầm thuổng men theo các bờ mương, thửa ruộng tìm những lỗ đục to cỡ ba ngón tay chụm lại thì đúng là hang cáy, cứ thế mà đào cho tới khi đầy giỏ.

Cáy bắt được chế biến thành mắm với công thức rất đơn giản nhưng không phải ai cũng làm được, chỉ cần thiếu một chút muối hay một chút nước mắm cáy đã hỏng. Cách làm mắm ngon còn tùy thuộc vào bí quyết riêng của từng người.

Nếu muốn có mắm trong thì cứ ba bát cáy, bóc yếm rửa thật sạch rồi dùng cối giã cho thật nhuyễn, sau đó dùng một bát muối trộn kỹ. Trước khi cho vào chum bọc kín miệng chum lại bằng túi nilông đem để chỗ kín nhưng phải khô ráo, thoáng mát.

Cỡ độ chục ngày sau, gặp lúc trời nắng đem lọ mắm cáy ra sân phơi.

Ban ngày phơi nắng, đêm đến phơi sương. Lọ mắm phơi chừng một tuần, khi mắm đã ngấu là lúc trộn thính gạo. Trộn cùng với thính gạo là một ít men rượu.

Men rượu có tác dụng khử cho bằng hết mùi hôi của cáy và cũng tạo mùi thơm quyến rũ cho thứ nước mắm cáy sau này. Những hũ mắm cáy sau khi được phơi đủ sương, đủ nắng đem chôn sâu xuống lòng đất 2-3 tháng là có thể dùng được.

Khi những trận mưa phùn kéo dài, những mầm khoai lang mập mạp ngoài đồng vươn mình bơi dài trên ruộng, các bà các mẹ lại hái về luộc chấm với mắm cáy đổi bữa cho cả nhà. Chỉ là mắm cáy ăn với cơm nóng chấm rau lang luộc trong những ngày mưa gió nhưng đủ thấm cái tình nơi đồng quê sông nước.

Ăn xong rồi mà cái vị mặn mòi, hăng nồng hòa chút chua thanh của chanh, cái tê tê đầu lưỡi của tỏi và ớt cũng đủ làm ta mê mẩn.

Gắn bó với rau lang, mắm cáy từ miếng cơm đầu đời nên lần nào về thăm quê tôi cũng háo hức chờ đến bữa cơm để được ăn ngọn khoai lang luộc chấm với nước mắm cáy như hồi nào, và cũng để được tận hưởng cái chân tình nồng ấm mà quê hương ban tặng.

Du lịch, GO! - Theo TTO, internet
Phục vụ nhu cầu thưởng ngoạn của du khách, chiều 26-4 Công ty cổ phần Hòn Tằm biển Nha Trang đã chính thức đưa khinh khí cầu vào khai thác phục vụ du lịch tại công viên bờ biển 4 (Trần Phú, TP Nha Trang).

Chiếc khinh khí cầu trị giá 1,2 triệu euro, do một công ty sản xuất kinh khí cầu chuyên nghiệp của Pháp thực hiện. Từ chiếc khinh khí cầu này, du khách có thể chiêm ngưỡng toàn bộ phần đất liền, bờ biển và biển đảo thành phố Nha Trang xinh đẹp.

Từ độ cao 150m nhìn xuống, vịnh Nha Trang nhỏ xíu với những chiếc tàu bé xinh. Gió biển mát rượi phả vào mặt khiến người bay trên khinh khí cầu cảm giác thật lâng lâng như tan hòa với thiên nhiên.

< Kinh khí cầu trên bãi biển Nha Trang.

Theo ban tổ chức, việc đưa khinh khí cầu vào hoạt động trên biển Nha Trang sẽ tạo điều kiện cho du khách và người dân địa phương tiếp cận một mô hình du lịch mới lạ, làm đa dạng thêm các sản phẩm du lịch đến với mọi người. Các đôi uyên ương cũng có thể chọn chụp ảnh cưới với khinh khí cầu.

< Toàn cảnh phía nam thành phố Nha Trang nhìn từ khinh khí cầu.

Lịch bay buổi sáng sẽ bắt đầu từ 7g30-10g30, giá vé người lớn 100.000 đồng, trẻ em 70.000 đồng. Buổi chiều tối từ 17g30-22g, giá vé người lớn 120.000 đồng, trẻ em 90.000 đồng.

< Một góc vịnh đẹp như tranh vẽ.

Để ra được Hòn Tằm, điều đầu tiên bạn phải đến bến thuyền của khu du lịch này ở Hòn Tằm Eco Green, gần cảng Cầu Đá của Nha Trang. 
< Từ trên khinh khí cầu có thể ngắm toàn cảnh thành phố Nha Trang.

< Ngắm cảnh quan bên đường công viên bờ biển 4.

Tại đây, bạn sẽ mua vé đi tàu ra đảo. Sau khi ra đảo rồi thì bạn có thể dạo quanh đảo để ngắm cảnh đẹp tuyệt trần nơi đây. Bạn có thể mua vé đi khinh khí cầu trọn gói cả tàu ra đảo, bay khinh khí cầu và ăn trưa là 500.000 đồng.

< Khinh khí cầu bay ở độ cao tối đa 150m.

Ở Nha Trang, đây là dịch vụ bay bằng khinh khí cầu đầu tiên. Khác với diều bay, khinh khí cầu có tốc độ chậm, ổn định hơn. Du khách có thể đi tự do quanh lồng bảo vệ ở độ cao 150 m để ngắm nhìn phong cảnh toàn thành phố du lịch Nha Trang và vịnh Nha Trang - một trong những vịnh đẹp nhất thế giới.

Du lịch, GO! - Tổng hợp
Nằm ở phía Bắc huyện Yên Thành (Nghệ An) thuộc xã Lăng Thành, có một ngôi đình cổ đã được nhiều người gần xa biết đến. Đình có tên gọi là Đình Sừng.

Đình Sừng xã Lăng Thành là ngôi đình lớn tồn tại trên 500 năm. Là một trong những kiến trúc cổ có quy mô nghệ thuật trang trí, điêu khắc, chạm trổ vào loại bậc nhất ở Nghệ An hiện đang được nhân dân gìn giữ.

Đình Sừng - Tên gọi gắn liền với tên đất, tên làng. Làng Quỳ Lăng xưa có tên gọi Kẻ Sừng, là một ngôi làng cổ ẩn mình trong thế độc đáo, có nhiều lợi thế trong chiến tranh và nhiều tiềm năng phát triển kinh tế... Vì vậy, Kẻ Sừng xưa đã sớm trở thành một trong những trung tâm kinh tế - văn hóa, chính trị quan trọng của Châu Diễn.

Khi nhà Đường lấy huyện Hàm Hoan trong châu để đặt ra Diễn Châu làm thành một trong 12 châu của An Nam đô hộ Phủ năm 679, cho đến hết triều đại nhà Đinh 979, liên tục trong 3 thế kỷ, lị sở của Diễn Châu luôn đóng ở Kẻ Sừng.

< Những chiếc cột lim tạo nên Đình Sừng có nhiều giá trị.

Xuất phát từ nhu cầu xã hội lúc bấy giờ kết hợp với sự tác động với nền văn hóa của một vùng đất cổ. Tháng 11/1583 nhân dân làng Quỳ Lăng đã hợp lực xây dựng một ngôi đình để làm nơi hội họp và sinh hoạt văn hóa. Nguyên xưa đình được làm bằng tranh tre, nứa lá nằm giữa một quần cư trù mật, quanh đình có làng mạc, cây đa, bến nước, có con sông Sừng uốn khúc như dải lụa mềm chở nặng phù sa tắm mắt cho ruộng đồng. Cùng với nhiều kiến trúc cổ đặc sắc như cầu đá, cổng làng... đã tôn vinh vẻ đẹp độc đáo, tinh túy của ngôi đình cổ.

Năm 1797, làng dựng thêm tòa hậu cung để làm nơi thờ phụng thành hoàng của làng. Trong quá trình tồn tại và phát triển, đình được tu sửa vào các năm: 1637, 1677, 1787, 1913 và đến năm 1929 đình được tu lý xây dựng lại to đẹp như hiện nay. Việc tu lý, xây dựng lại đình được các văn bia ở đây ghi rõ: Vào năm Đinh Mão 1927, nhân dân làng Quỳ Lăng bắt tay vào việc chuẩn bị gỗ, tiền bạc, công sức.

Về gỗ được chia đều cho 11 giáp trong làng, chọn và khai thác loại gỗ lim tốt nhất và to nhất trong các khu rừng của làng Quỳ Lăng; Về tiền: Làng đặt cho thợ 5 ngàn quan, khoản tiền này lấy từ nguồn thu bán chức sắc như: Hiệu xạ, thần tổ của Làng và tiền thu bổ theo đinh điền; Về ngói: làng tự lập ra tổ thợ mở lò dập theo một khuôn riêng và được nung nấu theo đúng tiêu chuẩn.

Sau 3 năm chuẩn bị, đến năm 1929 việc tôn tạo, xây dựng lại đình được khởi công dưới sự chỉ đạo của đốc Hoàng Doãn Cù - quê ở Diễn Châu, đến nay nhân dân địa phương còn lưu truyền bài vè phản ánh không khí lao động sôi nổi của dân làng thuở đó: “Dưới trên ai nấy thuận tình/Trống đánh dập dình, reo hát cả ngày đêm/Ba năm kéo gỗ một miền/Đắp nền thuê thợ tức thì làm ngay”.

Ông Thái Khắc Lưu - một bậc cao niên ở xã Lăng Thành kể lại việc dựng đình ngày ấy như một câu chuyện huyền thoại: Đình do 2 hiệp thợ thi công, nửa đình phía Đông do thợ Diễn Châu đảm nhận, nửa phía Tây được giao cho hiệp thợ Yên Thành. Sau khi thống nhất khuôn mẫu và kích thước, hai bên tiến hành làm trong một thời gian theo quy định, nhưng phải giữ kín bí mật, không được trao đổi với nhau.

< Cá chép vượt vũ môn.

Sau khi các vầy đình sàm đục xong, làng đã quyết định chọn ngày dựng đình, mỗi bên huy động khoảng 300 người, dùng dây tre bện lại với nhau để kéo, khi có hiệu lệnh cả hai bên đều kéo vầy đình lên cùng một lúc. Mặc dù làm bằng phương pháp thủ công, nhưng khi dựng lên hai phần đình đều khít với nhau và các cột đình đều đứng ngay giữa hòn đá tảng. Điều đó càng khẳng định tài nghệ của cha ông cha ta ngày trước.

Đến đầu năm 1930 việc tôn tạo, xây dựng lại đình được hoàn thành. Đình có kiến trúc thời Nguyễn quy mô đồ sộ, dài 24,7m; rộng 11,2m. Khung sườn nhà được làm bằng gỗ lim, kích thước lớn. Tòa đình có 6 vì được liên kết với nhau bởi đường thượng lương và có hệ thống giằng cột, xà dọc, xà ngang đóng khít tạo thành 5 gian rộng và 2 gian phụ ở đầu hồi văn. Mỗi vì có bốn cột, hai cột cái cao 5,63m, đường kính 0,42m; hai cột quân cao 4,33m, đường kính 0,4m. Toàn bộ tòa đình có 24 cột, tất cả đều có hình trụ tròn kê trên một chân tảng bằng đá thanh có kích cỡ, kiểu dáng, màu sắc giống nhau. Các xà hạ, kẻ ở đình có kích thước lớn, được chạm trổ công phu.

< Nghệ thuật điêu khắc của các nghệ nhân xưa tạo nên nét đẹp riêng của Đình Sừng.

Về nghệ thuật trang trí, dường như trên tất cả các bộ phận kiến trúc của đình như bờ nóc, con xô, xà, hạ, kẻ...đều được các nghệ nhân trang trí một cách công phu, thể hiện được tài nghệ điêu khắc, chạm trổ cao. Trên bờ nóc, con xô và hai mảng tường bít đốc, bằng các chất liệu sẵn có tại địa phương như vôi vữa và mật mía được các nghệ nhân trộn lẫn để đắp các hình tượng Rồng chầu, Phượng múa bằng những mảng phù điêu sinh động.

Trang trí trên kiến trúc gỗ, đề tài được thể hiện ở đây cũng xoay quanh những mô típ quen thuộc như: “Tứ Linh”, “Tứ Quý” nhưng bằng sự bố trí các mảng một cách hài hòa cân đối, toát lên vẻ sinh động thu hút người xem.

Điều đáng chú ý là 4 bức chạm trên 4 bức cốn mê ở 4 góc của tòa bái đình với cách bố trí đăng đối, cân xứng với nghệ thuật chạm lỗng tỷ mỷ, công phu mang tính điệu nghệ cao với 4 con vật linh thiêng: Long, Ly, Quy, Phượng được thể hiện vừa mảnh mai, uyển chuyển vừa mang tính nhân hóa cao.

< Các họa tiết trên bít đốc mái Đình Sừng.

Đặc biệt trên tất cả các kẻ của bái đình đều được chạm khắc hai mặt với đề tài xen kẻ như: “Phượng hàm thư”, “Cá chép hóa rồng, “Tùng lộc”, “Rồng chầu nguyệt”... và hình tượng “Long vân” cũng là đề tài được thể hiện nhiều trên các xà, đầu dư, đuôi bẩy của đình với tài nghệ điêu khắc đã được cảm giác như đang thấy rồng ẩn hiện trong mây.

Có một điều khá thú vị là đình do hai tốp thợ làm theo một mô típ đã định sẵn, nhiều mảng chạm trổ tuy cùng một đề tài, nhưng thần thái, cách thể hiện lại hoàn toàn khác nhau. Nhưng tất cả đều toát lên tính nhân văn sâu sắc, thể hiện truyền thống của một dân tộc, đó là: Thanh cao, tinh khiết, thủy chung, thuần hậu, kiên cường và tâm hồn hướng thiện, hướng thượng, hiếu mỹ, lạc quan, có một cuộc sống thanh bình.

Trải qua bao biến cố thăng trầm lịch sử, dù cho chiến tranh giặc dã, dù cho cơ chế đổi thay và sự khắc nghiệt của thiên nhiên, nhưng đình vẫn giữ được vẻ đẹp nguyên sơ gắn liền với những chứng tích lịch sử của đất và người Quỳ Lăng.

< Các cụ cao niên trong làng chỉ rõ trên bia đá ghi rõ lịch sử Đình Sừng.

Trong những năm 1930-1931 đình Sừng là địa điểm hội họp bí mật của chi bộ Quỳ Lăng - một trong những chi bộ đầu tiên ở huyện Yên Thành. Trong khoảng thời gian 1932-1933, thực dân Pháp đã lấy đình Sừng làm nơi đóng đồn bang tá. Tại đây, bọn chúng đã giam cầm, bắt bớ tra tấn trên 100 cán bộ đảng viên.

Ngày 12/8/1945, tại ngôi đình cổ quần chúng nhân dân Quỳ Lăng đã tập trung tổ chức cướp chính quyền từ tay phong kiến, đồng thời cũng là nơi tổ chức các cuộc vận động lớn như: Tuần lễ vàng, tuần lễ vũ khí, công phiếu kháng chiến, công phiếu Quốc Gia, là trường học, nơi chứa thóc cho cuộc kháng chiến chống Pháp. Trong kháng chiến chống Mỹ có thời gian dài, đình là nơi đóng xưởng dệt của Quân khu 4. Ngày nay, đình là trung tâm diễn ra nhiều hoạt động mang đậm bản sắc văn hóa địa phương như: tế thần, rước kiệu, hát ả đào, ca trù, hát chèo, vật cù lộ, là nơi tổ chức hội họp của của các tổ chức đoàn thể...

< Các hoạt động văn hóa văn nghệ diễn ra tại Đình Sừng.

Năm 2004, Đình Sừng được công nhận di tích văn hóa lịch sử cấp Quốc gia. Năm 2010 được sự hỗ trợ của Nhà nước, chính quyền địa phương đã đầu tư trùng tu nâng cấp một số hạng mục, nhằm gìn giữ những tư liệu quý, giúp cho các nhà khoa học tìm hiểu, nghiên cứu về nghệ thuật kiến trúc của di sản văn hóa cổ và cũng là nơi giáo dục truyền thống cho các thế hệ mai sau.

Trở về với ngôi đình cổ đứng trước con sông quê tự làm đẹp cho mình, cùng với làng quê này hiện về bao làng quê khác của đất Việt thân thương, nép mình sau lũy tre xanh là xóm thôn trù phú, thấp thoáng có mái đình cổ kính rêu phong, đây không những là nơi lưu giữ giá trị lịch sử văn hóa - nghệ thuật mà còn là ngôi nhà chung của dân làng, nơi neo giữ tình cảm của những người đi xa, là sự gắn kết trách nhiệm với những người ở lại bám trụ xây dựng quê hương, để cho mạch nguồn văn hóa dân tộc chảy đến tương lai.

Du lịch, GO! - Theo Dantri, internet

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống