Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Sunday, 29 April 2012

Mỗi lần có dịp về đây, cánh mày râu thường xì xầm vào tai nhau câu chuyện về vẻ đẹp làm mê đắm lòng người của những cô gái miệt vườn sông nước. 

Có thể nói, ở đâu, khắp vùng ‘gạo trắng nước trong’ này, chúng ta cũng có thế gặp những cô thôn nữ với vẻ đẹp mặn mà trời ban. Vậy nhưng, nơi được coi là ‘vương quốc mỹ nữ’ miền Tây phải kể đến là Nha Mân, một ngôi làng nhỏ nằm yên bình bên bờ sông Tiền đầy mơ mộng.

Nha Mân là địa danh thuộc xã Tân Nhuận Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp. Hàng trăm năm nay, Nha Mân nổi danh là vùng đất có nhiều người đẹp.

Ở ĐBSCL có lẽ câu ca dao “Gà nào hay bằng gà Cao Lãnh/Gái nào bảnh bằng gái Nha Mân” là đúc kết khá chính xác về những miền gái đẹp vùng này. Con gái Nha Mân đẹp nhờ sống ở vùng đất trái ngọt cây lành hay đẹp vì là hậu duệ của lớp cung tần mỹ nữ khắp vùng miền hội tụ vẫn chưa có giải đáp thỏa đáng…

Trận thủy chiến trên sông Tiền

Theo những bậc cao niên ở Nha Mân và một số tài liệu ghi lại, khoảng giữa năm 1784 mượn cớ giúp Chúa Nguyễn Ánh chống lại nhà Tây Sơn, khoảng 2 vạn quân Xiêm đã theo hai đường thủy bộ tiến vào địa phận Kiên Giang. Liên quân này có thêm 4.000 lính của Chúa Nguyễn Ánh.

Đến cuối năm 1784, liên quân Xiêm - Nguyễn chiếm được một số vùng đất ở phía tây thành Gia Định. Họ cho đóng quân ở vùng Trà Tân (nay thuộc huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) để dự trữ lương thảo, khí tài chuẩn bị đánh thành Mỹ Tho và Gia Định. Lúc này, Chúa Nguyễn Ánh cùng bầu đoàn thê tử hàng trăm người cũng trú tại đây.

Cuối năm 1784, khi liên quân Xiêm - Nguyễn uy hiếp cả thành Mỹ Tho và Gia Định thì Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ liền đưa 2 vạn quân từ Quy Nhơn xuôi xuống thành Mỹ Tho quyết chiến với quân Xiêm. Sau khi điều nghiên địa hình, Nguyễn Huệ quyết định chọn đoạn sông Tiền từ rạch Gầm đến Xoài Mút dài khoảng 6-7km (nay thuộc địa phận huyện Châu Thành, Tiền Giang) làm chiến trường quyết chiến với liên quân Xiêm - Nguyễn.

Đêm 18/1/1785 (ngày 8 tháng Chạp năm Giáp Thìn), lợi dụng con nước đang xuôi, cả hai đạo thủy bộ quân Xiêm cùng rầm rộ tấn công Mỹ Tho. Khi liên quân Xiêm – Nguyễn vừa lọt vào trận địa mai phục của quân Tây Sơn, từ hai bờ sông Tiền và dọc bờ cù lao Thới Sơn, các đại bác cùng pháo hỏa hổ của bộ binh Tây Sơn bắn ra uy hiếp dữ dội.

Những chiến thuyền Tây Sơn từ những nhánh rạch nhỏ kéo ra chặn đánh đầu, số khác xông ra đánh vỗ hông nhằm chia cắt đội hình và đánh chặn đường lui, dồn đoàn thuyền của đối phương vào thế tiến thoái lưỡng nan.

Cùng lúc ấy những thuyền nhẹ chở đầy những vật liệu dễ cháy đâm thẳng vào những chiến thuyền đang rối loạn làm cho số bị chìm, số bị cháy... Trời vừa rạng sáng, thì chiến cuộc cũng vừa dứt. Kết quả là 300 chiến thuyền và gần 3 vạn quân Xiêm - Nguyễn bị phá tan.

Cung tần thành nông dân

Bây giờ giao thông thuận lợi, gái đẹp đi lấy chồng xa nhiều lắm. Trai làng này ít người lấy được vợ Nha Mân thành ra phải lấy vợ xứ khác, con cái sinh ra tuy vẫn còn đẹp nhưng không được như trước nữa...

Chúa Nguyễn Ánh cùng bầu đoàn thê tử và một ít tùy tùng đang đóng quân ở Trà Tân nghe tàn quân báo hung tin thất trận vội quay thuyền chạy theo sông Tiền tìm đường thoát thân. Bị quân Tây Sơn truy đuổi gắt gao, hàng trăm cung tần mỹ nữ chân yếu tay mềm bỗng chốc trở thành “của nợ”. Nhiều người trong số này chịu đựng không nổi cực khổ trên đường trốn chạy nên Chúa Nguyễn Ánh đành gạt nước mắt, bấm bụng bỏ lại hàng trăm cung tần mỹ nữ dọc đường.

Để “nhẹ gánh loạn ly”, những mỹ nhân được ban cho ít vàng bạc rồi lên tá túc ở các làng bên bờ sông Tiền, nay thuộc Nha Mân (Châu Thành, Đồng Tháp) và cù lao Ông Chưởng (Chợ Mới, An Giang). Theo lời kể của các cụ cao niên, những nhan sắc khuynh nước khuynh thành này nói đủ các giọng ở nhiều vùng miền, nhưng lại hiếm người miền Tây Nam Bộ.

Ông Tám Khai - một người sống gần cả thế kỷ bên bờ Nha Mân cho rằng, chính nhờ nguồn “gen” cung phi mỹ nữ lưu truyền mà xứ Nha Mân mới có nhiều thiếu nữ đẹp như hôm nay. Tương truyền, những mỹ nhân bị “bỏ rơi” đều lấy chồng là người địa phương, trở thành nông dân nhưng con cái do họ sinh ra đều đẹp như tiên đồng ngọc nữ.

Theo nhận xét của nhiều người, nhóm mỹ nữ dạt vào cù lao Ông Chưởng cũng lấy chồng, cũng tạo được một “miền gái đẹp” nhưng không nổi tiếng bằng con gái Nha Mân. “Hồi nhỏ, tôi nghe ông bà kể lại người đẹp xứ Nha Mân đếm không kể xiết. Khoảng đầu thế kỷ thứ 20, các vua xứ Cao Miên mang vàng bạc châu báu xuôi dòng sông Tiền sang tận “miền gái đẹp” Nha Mân để tìm ý trung nhân” - ông Tám Khai quả quyết.

Người Nha Mân vẫn tự hào vì đàn bà xứ này đẻ 10 đứa con gái thì hết 9 đứa là người đẹp, đứa còn lại cũng trên trung bình. Trong những ngày xuân, trên những con đường dọc theo các bờ kênh, bờ rạch đi dọc hai bờ rạch lúc nào cũng nườm nượp đàn bà con gái đẹp quần là áo lượt muôn màu sắc ngược xuôi, kẻ vào trong ngọn, người ra ngoài vàm thăm viếng thân nhân, bạn bè, nhìn không chán mắt.

Nhưng khi mà cuộc sống đang có những thay đổi chóng mặt, hòa chung trong dòng chảy xã hội của đất nước, những người con gái Nha Mân cũng theo nhau lên thành phố, sang nước ngoài theo tiếng gọi của cuộc sống mưu sinh. Họ có thể là một cô dâu xứ Hàn giàu sang, một công nhân chăm chỉ trên đất Sài thành hoa lệ hay một trong hàng ngàn số phận của những người con gái khác.

Chính điều này đã làm thất vọng không ít những khách đường xa và cả chính những chàng trai nơi đây nếu có ý định chiêm ngưỡng nhan sắc con gái Nha Mân. Có lẽ, như anh Tâm, chủ quán cà phê cóc chúng tôi ngồi lúc nãy nói, giờ, muốn ngắm con gái Nha Mân có lẽ phải ra cổng trường trung học ngoài ngã ba kia may ra mới có chứ không thì…

Du lịch, GO! - Theo Datviet, Tamtay và nhiều nguồn ảnh khác.
20g20 tối 29-4, cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng lần 5 đã bùng nổ bên bờ sông Hàn với sự tham gia của 5 đội anh hào, trong đó 4 đội từng đoạt giải vô địch các năm trước, và đội chủ nhà Đà Nẵng.

< Pháo hoa của đội Canada.

Đội Canada bắt đầu đêm pháo hoa lung linh bằng màn trình diễn vô cùng độc đáo, ấn tượng với ánh sáng trắng nhấp nháy theo nhịp cùng với hiệu ứng tinh tế. Là đội khai diễn DIFC, Canada đã đặt tham vọng giành chức vô địch khi gửi đến thông điệp: “Màn đêm là của chúng tôi”.

Đúng như những gì David Whysall “bật mí” trước giờ khai mạc, ngay từ những phát pháo đầu tiên, Canada tập trung những loạt pháo tầm thấp để tạo hình dòng sông Hàn, mặt biển mềm mại và sau đó là những phát thăng thiên tầm cao gợi liên tưởng ánh trăng lung linh bằng pháo sáng.

Tuy nhiên, trời đứng gió đã khiến loạt pháo tầm thấp của David Whysall bị phản tác dụng. Khói dày đặc ở độ cao khoảng 20 mét khiến khán giả và ban giám khảo khó lòng hình dung ý đồ của đội Canada. Cho đến khi giọng ca của Katy Perry trong bài Fireworks cất lên, trời mới không phụ đội Canada đã lặn lội hơn nửa vòng trái đất đến với DIFC, trời đổi gió đã cứu màn trình diễn này.

< Pháo hoa của đội Việt Nam.

Sau màn trình diễn của Canada 15 phút, những pháo thủ khoác áo lính của đội chủ nhà TP.Đà Nẵng bước vào kỳ DIFC thứ 5. Màn trình diễn 5 phần trong hơn 20 phút của họ mang đậm cảm hứng truyền thống lịch sử hào hùng dân tộc. Tiếng nhạc bài hát Việt Nam trên đường chúng ta đi hòa cùng những màn pháo hoa độc đáo trong giai điệu hùng tráng, tiết tấu mạnh mẽ, dập dồn, hình ảnh đất nước Việt Nam kiên cường tiến bước.

Ở phần 1, đất nước Việt Nam hiện lên tươi đẹp, non sông gấm vóc với tạo hình pháo cây dừa, đàn chim, mặt trời, dòng sông soi bóng… trên nền nhạc Việt Nam quê hương tôi (nhạc sĩ Đỗ Nhuận).

Tiếp đó, lời bài hát Tiếng hát giữa rừng Pắc Pó ngân vang trong niềm vui chiến thắng, đất nước vang khúc khải hoàn, cả đất nước bồi hồi, tưởng nhớ đến bao vị anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh cho độc lập, tự do của dân tộc.

Và rồi những màn pháo hoa kết lại với ca khúc Đất nước trọn niềm vui là những cảm xúc mạnh mẽ, âm nhạc tiếp tục khắc họa niềm hạnh phúc dâng trào, mừng ngày hội lớn của non sông. Những ngày cuối tháng 4 lịch sử, trời ngập nắng, phố phường rực rỡ cờ hoa, cùng hân hoan chào đón niềm vui và cất cao khúc khải hoàn.

< Pháo hoa của đội Trung Quốc.

22g15, đội Trung Quốc, nhà vô địch 2009, đưa cả triệu người xem về với câu chuyện Thung lũng đào hoa qua màn pháo hoa như một người kể chuyện.

Sau đội chủ nhà TP.Đà Nẵng, Trung Quốc là đội có số lần tham dự DIFC nhiều nhất, 3/5 kỳ diễn ra DIFC. Những phát pháo được chăm chút tỉ mỉ, ăn khớp với nhịp điệu âm nhạc luôn là lợi thế của đội này. Nhưng năm nay, đội Trung Quốc đã chọn chủ đề nhẹ nhàng nên màn trình diễn có phần thiếu kịch tính.

Tuy nhiên trong điều kiện trời đứng gió, những phát pháo chậm rãi, nhịp thưa của Trung Quốc đã giúp đội này tránh bị khói dày đặc, thể hiện rõ chủ đề và nghệ thuật trình diễn.

Tối 30-4, cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế sẽ tiếp tục với 2 anh tài là Pháp và Ý.

Chuyện bên lề:

Việt Nam thay tướng

Sau 4 năm liên tiếp chỉ huy đội pháo hoa TP.Đà Nẵng, đại tá Trương Chí Lăng, Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy quân sự TP.Đà Nẵng đã giao lại trọng trách cho đại tá Nguyễn Trường Kỳ, Phó tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự TP.Đà Nẵng do bận công tác dài ngày.

Bảo hiểm chỗ ngồi

Công ty CP Đông Dương, đơn vị thi công, lắp đặt khán đài 32.171 chỗ ngồi tại DIFC 2012 trên đường Trần Hưng Đạo đã mua bảo hiểm cho toàn bộ khán giả trong 2 ngày 29 và 30.4. Nếu khán đài xảy ra lỗi kỹ thuật dẫn đến thương vong về người sẽ được Công ty Bảo hiểm Bảo Minh Sài Gòn bảo hiểm 50 triệu đồng/người/vụ.


Hồi hộp ngóng thời tiết

Đêm trước giờ khai mạc DIFC xuất hiện một cơn mưa nhỏ, chiều 29.4, bầu trời vần vũ càng khiến các đội pháo hoa hồi hộp. Bởi lẽ các đội mong trời gió to để đánh tan khói sau mỗi màn trình diễn, tạo thuận lợi cho những đội trình diễn tiếp theo sau. Nhưng trời mưa, độ ẩm lớn trong không khí sẽ khiến khói càng đặc lại và khó tan, khán giả và ban giám khảo chỉ có thể thưởng thức… khói.

Du lịch, GO! - Tổng hợp từ TTO, Thanhnien
“Tôi không tưởng tượng mình được đến một nơi đẹp đến như vậy. Và có lẽ tôi sẽ không... giới thiệu với ai về nó, vì nhiều người đến sẽ phá hỏng cảnh sắc nơi này”!

Câu nói của ca sĩ người Anh hát nhạc Trịnh Lee Kirby đã “kéo” chúng tôi đến hồ Truồi (xã Lộc Hòa, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế).

Sáng sớm, từ TP Huế nhóm bốn người chúng tôi lên hai xe máy theo quốc lộ 1A chạy về hướng nam. Đi khoảng 30km đến cầu Truồi, tiếp tục rẽ phải theo con đường ngoằn ngoèo chừng 10km là đến chân đập Truồi. Từ đây, cả nhóm thuê một chiếc thuyền của Hợp tác xã du lịch thanh niên xã Lộc Hòa để vào sâu trong rừng với giá trọn gói 500.000 đồng. Trước khi lên thuyền, hỏi mãi chúng tôi cũng tìm được anh Nguyễn Văn Phong, một thợ rừng người địa phương, nhận lời dẫn đường.

Mặt nước hồ phẳng lặng, trong xanh soi bóng những dãy núi cao điệp trùng bất tận khiến người ngồi trên thuyền như đang du ngoạn về chốn thần tiên. Thuyền đi vào sâu trong lòng hồ, nhìn lên những dãy núi kỳ vĩ trước mặt, một ngọn thác đổ từ lưng chừng núi dựng đứng cao cả trăm mét như vắt ngang trời.

Phong cho biết đó là thác Trại Lính, nơi ngày xưa một đồn lính của chế độ cũ trú đóng. Gần đó là suối Ông Viên, lấy tên theo người bao thầu khai thác gỗ rừng trong khu vực những năm 1980.

Anh cũng giới thiệu rất nhiều con suối, ngọn thác nằm quanh hồ như thác Vũng Thùng, nơi thác nước đổ xuống cái vũng bằng đá rộng lớn mang hình thùng nước. Hay suối Hợp Hai, nơi hai ngọn suối len lỏi dưới những tán cây rừng rồi hợp lưu thành một vũng nước lớn... Chúng tôi chọn đến suối Ba Trại bởi hấp lực của những món ăn chế biến từ cá suối.

Sau hơn 20 phút lênh đênh trên lòng hồ, suối Ba Trại hiện ra trước mặt đẹp như tranh vẽ với những lèn đá, cây rừng và dòng nước mát lạnh, trong vắt. Ngược theo con suối chừng 500m, mọi người chọn một tảng đá lớn bằng phẳng ngay giữa dòng suối làm điểm dừng chân.

Phong lôi từ chiếc balô mấy sải lưới đi bủa trên những vũng nước lớn rồi đi quanh một vòng, ôm về một bó củi khô nhóm lửa trên phiến đá. Chúng tôi cũng tỏa ra người rút cần câu cá, người đi ngược con suối khám phá cảnh vật, người chọn mấy vũng nước sâu rộng nằm ngay giữa suối để ngâm mình.

Dòng nước suối trong lành ngấm vào da thịt làm sảng khoái cả đầu óc... Chỉ vài phút khuấy nước, hàng chục con cá suối lớn bằng hai ngón tay đã vẫy vùng trong tay kéo. Cá ở đây nhiều vô kể, các loại như cá xanh, cá choạc, cá sao, cá bống... Phong mang mấy thứ gia vị đơn giản ra ướp cá rồi sắp lên vỉ nướng than.

Bữa ăn được Phong dọn ra ngay trên tảng đá với vỉ cá nướng vàng ươm, kèm theo một nồi cháo cá bốc hơi thơm phức. Những cái dạ dày đang đói vì vùng vẫy trong nước được dịp lấp đầy trong xuýt xoa: ngon quá, ngon quá!

Phong kể nhiều về vùng hồ Truồi và con suối Ba Trại này. Sở dĩ có tên Ba Trại vì những năm sau giải phóng, người dân bên kia phá Tam Giang băng phá lội đồng sang đây phá rừng vừa lấy củi gỗ, vừa trồng sắn và dựng lên ba cái trại lớn để ở. Giai đoạn đó rừng còn rậm với muôn vàn cây cổ thụ. Để khai thác gỗ người ta còn làm hẳn con đường cho xe reo chạy vào. Những cây gỗ lớn cứ mất dần, mất dần. Sau này cùng với việc cấm khai thác rừng và xây đập Hồ Truồi những năm 1990, cây cối bắt đầu tái sinh.


Trời xế chiều, chúng tôi thu dọn để về thuyền. Mới 4g chiều nhưng mặt trời đã khuất sau những ngọn núi cao. Núi tiếp liền núi, mượt xanh soi mình xuống mặt hồ tạo thành bức tranh quyến rũ đến kỳ lạ. Chủ đò cho thuyền ghé lại thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã nằm trên bán đảo nhô ra giữa hồ. Đây là một tuyệt phẩm kiến trúc hội tụ phong thủy tuyệt vời giữa núi và hồ. Thuộc dòng thiền phái Trúc Lâm Yên Tử khởi nguyên từ đời Trần, Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã được khởi công xây dựng vào cuối tháng 3/2006. Các công trình như chánh điện, phương trượng, tăng đường, thiền đường, trai đường, lầu chuông, tháp xá lợi, tổ đường… nằm trên sườn đồi giữa hồ Truồi thơ mộng với tổng diện tích 1,9ha.

Chinh phục 172 bậc tam cấp cao để đến cổng thiền viện cũng mệt nhoài, đứng trước tam quan thiền viện, bạn sẽ quan sát một cách đầy đủ về hồ Truồi và khung cảnh kỳ vĩ bao quanh nó. Ngược lại, từ bên này hồ Truồi nhìn sang là toàn cảnh Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã đẹp như một bức tranh thủy mặc; một phần thưởng thật xứng đáng là được ngắm toàn cảnh vùng hồ từ trên cao...

Thông tin thêm:

+ Hồ Truồi thuộc xã Lộc Hòa, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Từ thành phố Huế đi gần 30km về phía nam theo quốc lộ 1A, rồi theo con đường làng râm mát bóng cây, đi thêm 10km nữa, du khách sẽ đến hồ nhân tạo đẹp nổi tiếng này.

+ Chỉ mất 200.000 đồng/chuyến cho một chiếc thuyền chở khoảng 15 khách, bạn sẽ được lái thuyền phục vụ suốt cả chuyến tham quan quanh hồ.

+ Xứ Truồi có loại trái cây đặc sản nức tiếng trong Nam ngoài Bắc là dâu Truồi – hương vị ngọt ngào, thơm ngon và mát lành. Nếu đã đến đây, bạn nên ghé nhà vườn địa phương để mua về làm quà.

Du lịch, GO! - Tổng hợp từ TTO, Báo Tin tức, internet

Đắm mình cùng thiên nhiên ở suối hồ Truồi

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống