Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Wednesday, 2 May 2012

Xuân Sơn (thuộc huyện Thanh Sơn, Phú Thọ) là một địa điểm có nhiều tiềm năng du lịch của đất Tổ Phú Thọ. Ðến với Xuân Sơn, du khách không thể không đến hang Lạng, một kỳ tích thiên nhiên làm say đắm lòng người.

Hang Lạng ăn sâu trong lòng núi Ten, cửa vào hang nhìn thẳng ra cánh đồng Mường Lạng. Hang Lạng là hang lớn nhất, dài nhất trong số hang động thạch nhũ ở Xuân Sơn. Vòm hang Lạng có chỗ cao đến mười lăm, hai mươi mét và chiều rộng cũng cỡ khoảng như vậy. Hang chạy dài, dọc dãy núi đá vôi. Người ta thả quả bưởi có đánh dấu vào hang lúc sáng thì chiều tối đã thấy nó ở suối Lấp, cùng dãy núi nhưng cách chỗ thả chừng khoảng 20km.

Chạy dọc đáy hang là một con suối lớn. Những chỗ hang phình ra, nền hang trải đều một lớp đá củ đậu, cát vàng và đất sét.

Nhiều chỗ thạch nhũ buông xuống, qua hàng triệu triệu năm đã tạo nên muôn hình ngàn dạng như ngàn vạn toà thờ Phật, thờ thần. Lại có nhiều trụ cột, được thiên nhiên đắp, vẽ, điểm tô, chống từ đáy hang lên vòm trần như các cột nối từ cõi âm ti lên đỉnh thiên đàng.

Các phiến thạch nhũ tạo cho hang động đẹp một cách huyền bí, tâm linh. Ở các pho tượng, nhũ đá vừa giống như ma quỷ, vừa như thần linh, nhô lên giữa dòng suối long lanh trong ánh đèn, ánh đuốc. Nhũ đá ở đây không sỉn thành một màu xám như nhiều hang động núi đá vôi, mà sáng trắng và nhiều chỗ lấp lánh muôn hồng ngàn tía rất kỳ lạ.

Hang Lạng rộng và dài đủ cho hàng ngàn người cùng vào chiêm ngưỡng. Cách cửa hang vài giờ đi bộ, đáy hang trở thành suối sâu đến 2 mét nước. Từ đây, người ta có thể tiếp tục soi đuốc, ngồi mảng để thăm thú về sự kỳ diệu của thiên nhiên, đã tạo dựng nên một kỳ quan để cho con người vui chơi giải trí. Suối nước trong hang có khá nhiều cá măng, cá ngạnh nặng cỡ dăm bảy ký. Loài dơi màu đen đậu nhan nhản trên trần hang.

Ngày xưa, cứ vào mồng bốn tết hàng năm, sau khi cúng cấm (cúng vị thần hang cho phép vào cửa), người dân Mường Lạng lại đốt đèn đốt đuốc đưa nhau vào sâu trong hang, chọn bãi rộng để ném còn, hát rang, hát ống, đánh trống đá, đàn đá, những "nhạc cụ" do thiên nhiên tạo ra.

Hang Lạng không những có cảnh đẹp thiên nhiên kỳ bí mà nó còn hấp dẫn du khách bởi những truyền thuyết đầy huyền bí. Từ xa xưa, dân làng Xuân Sơn đã thờ thần hang Lạng. Thần là con rắn hoá thân thành chàng trai tuấn tú vẫn thường đến giúp việc nhà Thổ Lang xóm Lạng. Nhiều hôm chàng giúp nàng Bạch, con gái Thổ Lang cấy lúa trên những thửa ruộng ở đồng Lạng. Chàng nhổ mạ, cấy gặt nhanh hơn hết thảy mọi người. Dần dà, nàng Bạch đem lòng yêu mến chàng.

Một hôm, ăn uống xong, chàng lên giường trùm chăn ngủ. Do ngủ say, vô tình cựa quậy chàng để hở ra ngoài chăn nguyên hình hài một con rắn trắng. Quan Thổ Lang xua đuổi con rắn trắng ra khỏi nhà, nhắc nhở con gái tránh bị rắn hoá thành người lừa lọc cám dỗ. Một hôm, nàng dệt vải, con sợi rơi lăn mãi xuống ao sâu. Nàng ra ao vớt con sợi về thì bị ốm chết.

< Loài cá anh vũ với cái miệng độc đáo chỉ có ở hang Lạng.

Quan Thổ Lang biết con gái mình đã bị rắn bắt đi làm vợ. Dân làng phải đem xác nàng Bạch chôn cao trên đỉnh núi Ten để rắn không lấy được xác nàng đi. Nhưng rồi rắn làm mây mưa tầm tã rạch ngang dọc núi Ten thành sông thành suối để chở xác vợ về hang Lạng sống với mình. Từ đấy, người ta phải cúng rắn thần và nàng Bạch, cầu phù hộ cho mưa gió thuận hoà để có nước cày cấy.

Hang Lạng được coi là Thủy cung của thần bảo hộ xóm Lạng. Sau này, người ta mới dựng đình Lạng để các ngày lễ có nơi cầu tế thần phù hộ cho dân khang vật thịnh. Rắn và nàng Bạch từ lâu đã là Thành hoàng của người Xuân Sơn. Giống như nhiều làng Việt, Thành hoàng đều có đền, miếu yên tĩnh để nghỉ ngơi. Miếu thờ Thành hoàng cũng có ban thờ để các ngày sóc, vọng, ông từ của các làng người Kinh, ông mo của các làng người Mường thắp hương cúng thần. Hàng năm vào các ngày tiệc lớn, người ta mới rước thần từ miếu ra đình để cầu tế. Làm xong lại rước thần về ngự ở miếu cũ.

Hang Lạng cũng như miếu của làng Việt, là nơi thần ở. Thần là loài sống ở dưới nước nên gọi hang Lạng là Thủy cung. Các ngày sóc, vọng (mồng 1, rằm) hàng tháng, ông mo lại vào hang thắp hương cúng thần. Chỉ các ngày tiệc của làng: lễ cầu mùa, lễ mở cửa rừng, ngày kỵ của vợ thần... người ta mới tổ chức tế lễ ở đình Lạng. Lễ cúng thần bao giờ cũng có gạo và trứng. Gạo là sản phẩm của lúa nước, là âm tính thuộc về thế giới của loài rắn sống dưới nước. Còn trứng biểu tượng cho chim ở trên rừng thuộc về dương.

Truyền thuyết thần hang Lạng và tục thờ cũng của người Mường Xuân Sơn phản ánh tư duy thần thoại của tộc người Việt cổ làm lúa nước sống ở vùng Xuân Sơn này. Thần tích này cùng mô típ với thần thoại Lạc Long Quân và Âu Cơ chỉ khác ở chỗ là nó xuất hiện ở thời kỳ hình thái đã phát triển khá cao, có hôn nhân một vợ một chồng, chế độ mẫu hệ đã bàn giao quyền sang cho người đàn ông. Vợ phải sang ở nhà chồng. Ở đây nàng Bạch đã phải sang Thủy cung sống với chồng là con rắn trắng.

Giải mã truyền thuyết Lạc Long Quân - Âu Cơ và thần Lạng, Thành hoàng làng Mường Xuân Sơn chúng ta sẽ thấy được đôi phần xã hội thời đại Hùng Vương, những quan niệm của cư dân Lạc Việt và tinh thần con người thời đại đó đã ăn sâu trong tâm thức cộng đồng người Việt ở tận nơi thâm sơn cùng cốc này. Huyền thoại hang Lạng đã làm cho tâm hồn các thế hệ người dân Xuân Sơn trường tồn trong lịch sử dài dặc của dân tộc Việt. Hãy gìn giữ thần thoại ấy thành di sản văn hoá làm món quà quý báu dâng cho du khách mai này khi Xuân Sơn trở thành vườn cấm quốc gia, một thắng cảnh kỳ thú, một khu du lịch hiếm hoi ở vùng đất Tổ, nơi Vua Hùng dựng nước.

Ngày nay, hang Lạng rộng và dài đủ cho hàng ngàn người cùng vào chiêm ngưỡng. Cách cửa hang vài giờ đi bộ, đáy hang trở thành suối sâu đến 2 mét nước, từ đây, người ta có thể tiếp tục soi đuốc, ngồi mảng để thăm thú về sự kỳ diệu của thiên nhiên, đã tạo dựng nên một kỳ quan để cho con người vui chơi giải trí. Suối nước trong hang có khá nhiều cá măng, cá ngạnh nặng cỡ dăm bảy ký và loài dơi màu đen đậu nhan nhản trên trần hang.

Du lịch, GO! - Theo Tourbalo, internet
Hà thành giờ lại có xe điện, mua 15.000 đồng đã đủ một vòng quanh dăm ba con phố cổ. Nhưng cách truyền thống nhất vẫn là đi bộ và tự mình khám phá mọi ngõ ngách.

< Ô Quan Chưởng mang nét thăng trầm của Hà Nội.

Điểm đến đầu tiên là ô Quan Chưởng, cửa ô duy nhất còn lại của Hà Nội xưa. Sáng tinh mơ, các bà các cô từ chợ hoa sớm Quảng Bá đã làm một cuộc diễu hành hoa qua cửa ô này để rồi tản ra khắp mọi nẻo đường thành phố.

Từ ô Quan Chưởng, ngang qua Hàng Đường nếm đủ vị chua cay mặn ngọt của ô mai Hà Nội. Sấu Hà Nội chỉ có một mùa, nhưng ô mai sấu có cả bốn mùa quanh năm. Đó cũng là món quà gửi cho người đi xa, để nhắc nhớ về Hà Nội với những trái sấu lăn lăn trên vỉa hè...

Dưới dốc Hàng Than có một cửa hàng bán bánh cốm đã hơn 100 năm nay. Cái tên Hàng Than được đặt cho con phố này vì đây là nơi tập kết than của tàu bè chạy qua sông Hồng. Nhưng giờ phố này trở thành phố hàng chuyên bánh cốm, loại bánh có vỏ xanh mướt với nhân đậu xanh xôi nhuyễn.

< Phố Tạ Hiền luôn nhộn nhịp.

Giới trẻ Hà Nội giờ mê ngồi trà đá trên phố Tạ Hiện, Lương Ngọc Quyến hay cà phê ở phố Mã Mây. Góc ngã ba Mã Mây có một quán cà phê là lạ của một kiến trúc sư trẻ mê phố cổ Hà Nội như điếu đổ.

Quán được cải tạo từ một ngôi nhà cổ hai tầng, giữ nguyên nét kiến trúc cách đây hàng trăm năm. Quán ít bàn, ít ghế, chủ nhân của nó tạo nên những tấm phản dài, khách ngồi uống cà phê trông giống như ngồi bệt ở vỉa hè.

Bên trên, cậu kiến trúc sư không quên thiết kế một vài chiếc đèn đường vuông vuông, những chiếc đèn này giờ chỉ còn nhìn thấy trong những bức tranh phố Phái hay ảnh chụp phố cổ Hà Nội đầu thế kỷ 20.

< Nhắc đến ngõ Tạm Thương là nhắc đến nem chua.

Trà đá ở phố Tạ Hiện có điểm thú vị đặc biệt mà không con phố nào trong phố cổ có được. Chỉ cần ngẩng mặt lên là có thể thấy những mái ngói phố cổ rêu phong san sát xô nghiêng. Kiến trúc độc đáo này bạn sẽ không thể bắt gặp trên bất cứ một phố Hàng nào khác, kể cả Hàng Bạc, Hàng Bồ... những nơi được cho rằng vẫn giữ được nhiều nét Hà Nội xưa.

Chiều phố cổ, nằm lẩn khuất sau rất nhiều mái ngói, vòng qua rất nhiều ngả rẽ có một con ngõ tấp nập lạ thường. Ngõ Tạm Thương từ hàng chục năm nay trở thành chốn "hò hẹn" của văn nghệ sĩ Hà Nội. Đôi khi chỉ cần hỏi chuyện ông chủ quán hay bà hàng nước thôi cũng đủ thứ chuyện đời thường của văn nhân, nghệ sĩ đất này.

Và có một con ngõ trông ra hồ Gươm chỉ ngắn mấy chục mét nhưng thú vị lạ thường. Con phố này được giáo sư người Mỹ Mark Rapoport ví như một New Orleans cổ xưa thu nhỏ trong cuốn 101 lý do để chúng tôi thích sống ở Hà Nội: "Đó là một ngõ phố của âm nhạc, quán rượu và tuổi trẻ, ngay cạnh cái hồ trung tâm song lại thu mình thành một thế giới riêng".

Cửa hàng băng đĩa nhạc, nơi có thể tìm thấy hầu hết đĩa nhạc quốc tế mà bạn cần, ở đây còn có cả cửa hàng thức ăn nhanh, quán cơm, khách sạn...

< Phố trà chanh Nhà Thờ.

Những người trẻ Hà Nội có thói quen kết thúc một vòng quanh mấy con phố cổ bằng một cốc trà đá trước cổng nhà thờ. Sang hơn có thể qua quán cà phê trên phố Ấu Triệu nhìn ra sân nhà thờ, trên bàn đã bày sẵn một tờ giấy khổ rộng và ít bút màu để khách vẽ theo ý thích...

Bạn có thể kết thúc một vòng nhỏ, dù chưa đủ qua 36 phố phường. Hà Nội còn những tháng năm dài để khám phá...

Du lịch, GO! - Theo báo Tuoitre, internet
Tháng 5 biển lặng là dịp lý tưởng để khách du lịch “bụi” phiêu lưu dọc bờ biển Nam Trung bộ, khám phá những cung đường biển hoang sơ và những tập tục văn hóa độc đáo của ngư dân vùng biển đảo.

Hoang sơ biển trời

* Mũi Kê Gà (huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) có thể xem là điểm mở đầu cho cung đường biển Nam Trung bộ. Điểm nhấn của danh thắng này là ngọn hải đăng Kê Gà cao 35m, một trong những hải đăng cao và cổ xưa nhất Việt Nam, nơi bạn có thể đón những tia nắng đầu tiên của ngày mới.

* Tiếp tục theo quốc lộ 1 khoảng 130km, bạn dừng chân ở bãi biển Cổ Thạch (xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong), một trong những bãi biển nguyên sơ nhất Bình Thuận... Nước biển Cổ Thạch bốn mùa xanh biếc. Ngoài tắm biển, bạn sẽ được khám phá hàng vạn tảng đá, viên sỏi nhiều màu sắc và hình thù độc đáo rải rác dọc bờ biển. Cách biển không xa là chùa Cổ Thạch, nơi du khách tĩnh tâm, thư thái hay xả stress bằng trò trượt cát.

* Cà Ná (huyện Thuận Nam, Ninh Thuận) là bãi biển nằm ngay tuyến đường sắt xuyên Việt và con đường thiên lý Bắc - Nam. Một bên là dãy Trường Sơn hùng vĩ, một bên là biển cả bao la, không khí ở Cà Ná trong lành, mát mẻ, rất thú vị để tắm biển, du ngoạn trên những bãi đá hoang sơ hay thưởng thức các loại hải sản tôm, cua, ốc...

* Đi dọc con đường thiên lý Bắc - Nam, mũi Đại Lãnh (huyện Đông Hòa, Phú Yên) là điểm dừng chân không thể bỏ qua. Từ trên quốc lộ 1, bằng mắt thường bạn đã nhìn thấy bờ cát trắng mịn. Du khách thích mạo hiểm sẽ băng qua Bãi Môn, những con đường đá và đồi cát vàng để chinh phục ngọn hải đăng Đại Lãnh hay thuê thuyền máy tham quan cảng Vũng Rô, và các làng chài thuộc huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa.

Tìm về cội nguồn văn hóa - lịch sử

Sẽ thật lãng phí nếu bạn chỉ đơn thuần vi vu, thưởng ngoạn trên cung đường biển mà quên khám phá những giá trị văn hóa, lịch sử còn tiềm ẩn.

* Chỉ mất gần 2 giờ đi tàu cao tốc từ cảng Sa Kỳ (Quảng Ngãi), bạn sẽ đặt chân lên đảo Lý Sơn - “chiến hạm nổi” giữa muôn trùng sóng nước gắn bó với lớp lớp hùng binh Hoàng Sa năm xưa. Từ trên ngọn Thới Lới, bạn có thể phóng tầm mắt ra xa, chiêm ngưỡng toàn cảnh Lý Sơn và biển cả. Tham quan chùa Đục, chùa Hang, hai ngôi chùa nổi tiếng đẹp và linh thiêng nơi đầu sóng ngọn gió. Bạn sẽ tự hào hơn khi đứng trước tượng đài hải đội Hoàng Sa kiêm Bắc Hải sừng sững giữa biển trời, xem các hiện vật liên quan về Hoàng Sa tại nhà lưu niệm hay thắp nén nhang tại Âm Linh tự, đình An Hải - hai địa chỉ văn hóa nổi tiếng gắn liền với lễ khao lề tế lính Hoàng Sa diễn ra ngày 16-3 âm lịch hằng năm.

* Xuôi về Bình Định, Ghềnh Ráng là điểm dừng chân thơ mộng, kỳ vĩ với một quần thể sơn thạch của dãy núi Xuân Vân chạy dọc bờ biển. Tại đây, men theo con đường nhựa bạn sẽ lên đồi Thi Nhân, viếng thăm nơi an nghỉ của thi sĩ tài hoa bạc mệnh Hàn Mặc Tử.

* Nằm bên quốc lộ 1, vịnh Vũng Rô (Phú Yên) cũng là một địa chỉ du lịch gắn liền với huyền thoại những chuyến tàu không số. Từ năm 1964-1965, Vũng Rô đã tiếp nhận bốn chuyến tàu cập bến an toàn, đưa hàng ngàn tấn vũ khí đạn dược chi viện cho chiến trường Nam Trung bộ. Ngày nay, Vũng Rô đã trở thành di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, một vùng vịnh non xanh nước biếc rộng 1.640ha mặt nước và là một cảng biển có tầm chiến lược về kinh tế - quốc phòng. Tại đây, bạn nên tham quan làng cá bè trên vịnh hoặc thử sức tài câu cá biển...

Du lịch, GO! - Theo TTO, internet

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống