Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Sunday, 6 May 2012

Đặt chân lên những cổng trời nơi xứ Mường Hòa Bình, chúng tôi không chỉ được nghe về những huyền thoại đẹp trong các kho sử thi nơi đây mà còn được tận mắt chứng kiến những kỳ tích như "phép màu" giữa thời đại mới.

Ký ức gian khổ

Trở lại với cổng trời Đằng Long lần này, chúng tôi không quá ngạc nhiên với con đường trải nhựa chạy trơn tru từ trung tâm xã Bắc Sơn (huyện Kim Bôi) vào đến hết bản người Dao. Nhớ lại lần đầu hạ quyết tâm chinh phục cổng trời xứ Mường này, chúng tôi đã mất ngót nghét 5 tiếng đồng hồ mới vượt qua được 6km đường toàn vực sâu và núi đá.
Gã thanh niên dẫn đường người bản địa nhiều khi còn muốn bỏ cuộc quay về chứ đừng nói đến mấy thằng con trai phố xá chỉ quen ngồi ô tô, xe máy. Tại một khe núi hẹp được tạo nên bởi hai vách đá lởm chởm cao thăm thẳm, chúng tôi gặp một cô bé người Dao đang luẩn quẩn đi ra đi vào với con trâu bụng căng tròn cỏ tươi.

Anh chàng dẫn đường người Mường cười: "Con trâu này lúc đi thì đói nên qua lọt khe núi, lúc về bụng tròn căng thế này thì không qua được đâu. Phải chờ cho nó đói lại thôi".
Nhắc lại những câu chuyện cũ để thấy rằng đường vào Đằng Long cách đây mấy năm thực sự là một thử thách với những ai khát khao được đặt chân tới những cổng trời huyền thoại của xứ Mường Hòa Bình. Chính vì khó khăn về đường sá nên những người Dao ở Đằng Long luôn chung thủy với những ngôi nhà gỗ rừng, mái lợp cỏ tranh.

Người dân Đằng Long hẳn sẽ chẳng thể nào quên được công trình nhà mái bằng đầu tiên được xây dựng ở bản mình với sự góp công của cả trăm lao động. Theo nhẩm tính của những người nhớ việc trong bản thì để có được ngôi nhà gạch đổ mái bằng đó, gia chủ đã phải chuẩn bị nguyên vật liệu mất vài năm.
Cứ tranh thủ những đận nông nhàn, chủ nhà lại nhờ gần trăm thanh niên khỏe mạnh trong bản vượt núi đi vận chuyển xi măng ở tận xã Cao Răm của huyện Lương Sơn. Mỗi lần như thế, chỉ riêng 2 bữa cơm cảm ơn mọi người đã linh đình như nhà có đám.

Không chỉ gian khổ đường ra trung tâm xã, người Dao Đằng Long còn phải đối diện với nghịch cảnh đất đai phì nhiêu mà vẫn nghèo xơ nghèo xác. Cả bản Đằng Long chỉ có mấy chục nóc nhà trong khi đất đai ở Thung Chừa thì đủ cho mỗi hộ canh tác cả hecta. Để đi lên Thung Chừa, người nông dân trong bản lại phải lần khe, vượt núi. Đến được nơi có nương thì đã mất nửa sức người. Đến khi thu hoạch mang được bao thóc về thì mỗi hạt thóc cũng cõng đến mấy hạt mồ hôi.

Con đường huyết mạch

Quá vất vả, năm 2009, ý tưởng mở một con đường xuyên núi đá để đi làm kinh tế được Trưởng bản Triệu Văn Tiến đưa ra. Nhìn ngọn núi đá cao vòi vọi đứng sừng sững chắn cả mặt trời, những tưởng chẳng ai ủng hộ anh trưởng bản trẻ tuổi, nào ngờ hầu hết người dân bản Đằng Long đều mạnh mẽ giơ tay đồng thuận. Nhận được sự tin tưởng của bà con, anh Tiến bắt đầu cuộc hành trình vạch cây, ngược dốc tìm đường mòn về phía cổng trời để đo, ngắm và vẽ tuyến đường tương lai. Khi kế hoạch hoàn thành, cả huyện và xã đều không tin con đường này sẽ thành hiện thực vì thi công khó như mở đường lên trời.

Thế rồi kế hoạch vẫn được tiến hành. Hàng trăm đôi tay người Dao đã đồng lòng vác cuốc, vác xẻng đi phá đá. Thế nhưng sức người có hạn, sức trời thì vô biên. Ngọn núi đá cắm sâu xuống lòng đất cả ngàn đời nay cứ đứng chắn hiên ngang như thách đố sự quyết tâm của cả bản làng. Trưởng bản Tiến lại vắt óc suy nghĩ và đưa ra phương án thuê máy về làm đường.

Đặt ra ý tưởng đó, bản thân anh Tiến cũng chẳng dám tin là mỗi hộ gia đình ở Đằng Long lại có thể sẵn sàng bỏ ra cả chục triệu đồng - số tiền phải dành dụm cả đời mới có của họ - để đóng góp cho công việc mở đường. Nhà nào người ít, nương ít, ở gần thì chỉ đóng vài triệu, nhà nào người nhiều, nương nhiều, ở xa thì đóng trên 20 triệu. Rất công bằng.

Với 400 triệu đồng tiền đóng góp, máy móc hiện đại đã hạ gục ngọn núi đá che lấp bao cuộc đời người Dao ở Đằng Long. Con đường 7km nhanh chóng hoàn thành mở ra một cuộc sống mới đầy ánh sáng cho người dân. Đường mở đến đâu, đất đai được canh tác đến đó, các loại cây kinh tế bắt đầu được đưa vào sản xuất.

Từ Thung Chừa đi xuyên sang chợ Cá (Miếu Môn, Xuân Mai, Hà Nội) chỉ mất gần 10km, gần hơn đường cũ cả chục lần. Nông sản được thông thương, thu nhập người dân Đằng Long tăng lên trông thấy. Đặc biệt, từ khi có đường, hàng chục hộ dân đã đầu tư phát triển kinh tế trang trại ở Thung Chừa, tạo được nguồn thu ổn định đến hàng trăm triệu đồng/năm giúp họ trở thành những tỷ phú nơi vùng cao Tây Bắc.

Giấc mơ có điện - Thắp đèn dầu… xem tivi

Nhiều nơi, sử dụng điện trong sinh hoạt hàng ngày hiển nhiên như ăn cơm, uống nước. Với những người Dao, người Mường trên các cổng trời Hòa Bình thì việc sử dụng điện lưới chỉ xuất hiện trong những giấc mơ.

Ngồi trong ngôi nhà 2 tầng khang trang mới xây, ông Dương Đức Bình - kế toán của dự án đường ra xã - hào hứng kể: "Từ ngày có con đường kinh tế lên Thung Chừa, gia đình tôi vào đó làm buông (lá buông, làm hàng thủ công mỹ nghệ) nên cũng có thu nhập đáng kể.

Dành dụm được ít tiền, tôi quyết định xây dựng căn nhà khang trang cho bằng anh em ngoài phố. Nhờ có con đường nhựa ra xã mà việc vận chuyển xi măng rất thuận lợi và nhanh chóng. Đá thì có sẵn trong núi nên chẳng tốn bao nhiêu là tôi đã có ngôi nhà 2 tầng rộng cả trăm mét vuông".

Ngôi nhà của ông Bình được xây kiên cố. Các đường dây điện trong nhà chạy ngầm trong tường, các thiết bị điện như bóng đèn neon, actomat, quạt treo, tivi, đầu kỹ thuật số được trang bị đầy đủ. Dẫu vậy, gần một năm nay, kể từ khi được gia chủ mua về lắp đặt, những thiết bị này đều chưa một lần có dòng điện chạy qua.

Thiết bị điện duy nhất hoạt động trong ngôi nhà bề thế này là chiếc bóng đèn trắng 25W được thắp sáng nhờ điện chập chờn từ máy phát điện bằng sức nước lắp đặt tại suối Chùa. Vào những mùa nước ít thì nguồn sáng thay thế khi mặt trời đi ngủ ở bản Dao này là những ngọn đèn dầu bé bằng hạt đỗ.

Trao đổi với chúng tôi, anh Dương Tài Quý - Phó Bí thư chi bộ thôn Đằng Long - chia sẻ: "Vì muộn có đường và chưa có điện nên Đằng Long vẫn là thôn nghèo với thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 7 triệu đồng/người/năm.

Kể từ khi có con đường kinh tế lên Thung Chừa và con đường nhựa ra trung tâm xã, người dân Đằng Long khá lên trông thấy, nhiều nhà làm kinh tế trang trại nên có của ăn của để. Gần đây, sau khi nghe thông tin sắp có điện lưới quốc gia về bản, nhiều người bắt đầu xây dựng nhà cửa khang trang, lắp đặt đường dây, thiết bị để đón điện về.

Chúng tôi đang rất hy vọng trong năm 2012 này, ước mơ có điện của người dân Đằng Long suốt 50 năm nay sẽ thành hiện thực để chất lượng cuộc sống được tăng cao".

Đón điện về bản

May mắn hơn người Dao ở Đằng Long, những người Mường ở thôn Nước Ruộng, xã Nam Thượng, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình vừa qua đã đón Tết Nhâm Thìn trong niềm vui được đón điện lưới quốc gia vềbản. Không thể nào lột tả hết được sự hân hoan, vui sướng của người dân Nước Ruộng trong đêm văn nghệ chào mừng với ánh sáng lung linh, loa đài rộn rã.

Nhắc lại khoảnh khắc đáng nhớ đó, ông Bùi Văn Chu - Phó Chủ tịch UBND xã Nam Thượng - xúc động: "Vui lắm các nhà báo ạ! Trước Tết Nguyên đán 15 ngày thì điện về. Cả bản Nước Ruộng đã thịt trâu để ăn mừng cuộc sống mới. Ngày trước dùng điện nước chỉ chạy được cái bóng đèn trắng hoặc cái tivi đen trắng. Giờ có điện lưới quốc gia, nhà nào cũng mang tiền đi sắm tivi màu, điện thoại di động, quạt điện… Trong bản đã có 2 nhà mua máy xay xát để phục vụ nhu cầu của người dân".

Cách đây 10 năm, thôn Nước Ruộng chỉ có khoảng 40 hộ dân với 100% là người dân tộc Mường. Là vùng giáp ranh với thủ đô Hà Nội nhưng Nước Ruộng lại là nơi rất chậm có điện lưới và đường giao thông. Lý do là bởi để mắc hệ thống điện cho gần 90 hộ dân nơi cổng trời heo hút này thì Nhà nước phải đầu tư đến 6 tỷ đồng thì mới có thể biến ước mơ giản dị của họ thành hiện thực.

Đường giao thông cũng vậy. Chỉ vỏn vẹn có 5km từ trung tâm xã Nam Thượng vào đến bản Nước Ruộng mà có tới 5 con dốc là những vách núi dựng đứng trập trùng như tranh thủy mặc. Để hạ dốc làm đường cho ô tô, xe máy chạy được vào bản thì cũng cần đến một khoản kinh phí khổng lồ.

Dẫn chúng tôi vượt qua những con dốc trơn trượt còn đọng nước mưa để vào Nước Ruộng, anh Bùi Đức Hung - Chủ tịch Hội Nông dân xã Nam Thượng - than thở: "

May là cơn mưa này đã cách đây mấy ngày, mặt đường cũng se khô phần nào nên giờ các anh mới đi được xe máy vào bản. Chứ nếu trời vừa mưa xong thì chỉ còn cách đi bộ vào thôi. Mà có đi bộ thì cũng phải trượt chân ngã vài lần mới đúng là đường vào Nước Ruộng".

Cũng qua những lời kể của anh Hung thì chúng tôi hiểu rằng, để có được con đường rất xấu mà chúng tôi đang đi hôm nay thì người dân Nước Ruộng cũng đã lập nên một chiến tích phi thường, bạt dốc mở đường để giải phóng cho những đôi chân bao đời nay giẫm hằn trên đá. Chỉ khi phóng tầm mắt theo những khe đá hiểm trở len lỏi giữa đại ngàn xanh thẳm, tôi mới cảm nhận được phần nào những gian truân, vất vả mà những con người nơi đây đã phải đối mặt suốt nhiều thập kỷ qua.

Du lịch, GO! - Theo Đỗ Anh Thư - Laodong
Trường Sa Lớn cách  Cam Ranh khoảng 450km, cách Vũng Tàu hơn 500km đường biển, đảo có hình dáng gần giống một tam giác vuông,  diện tích khoảng 0,2km2, là đảo lớn thứ tư của quần đảo Trường Sa.

Thị trấn giữa trùng khơi

Sau nhiều ngày lênh đênh trên biển, tầu HQ 936 đưa chúng tôi qua các đảo Song Tử Tây, Đá Nam, Cô Lin, Sinh Tồn, Trường Sa Đông, Đá Tây, sau đó đoàn công tác của tỉnh Khánh Hòa, Điện Biên, Vĩnh Phúc, quân chủng Hải Quân đã cập bến đảo Trường Sa Lớn. Trường Sa Lớn cách  Cam Ranh khoảng 450km, cách Vũng Tàu hơn 500km đường biển, đảo có hình dáng gần giống một tam giác vuông,  diện tích khoảng 0,2km2, là đảo lớn thứ tư của quần đảo Trường Sa. Hiện đảo Trường Sa Lớn là nơi đặt trụ sở Ủy ban Nhân dân huyện Trường Sa, trên cơ sở đảo Trường Sa Lớn và các đảo, đá, bãi phụ cận như đảo An Bang, bãi Thuyền Chài, ...

Ông Trần Sơn Hải, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa – Trưởng đoàn công tác cho biết, chuyến công tác lần này là tiếp tục khảo sát cụ thể tình hình cuộc sống của quân và dân trên đảo. Trên cơ sở đó đề xuất những giải pháp mang tầm vĩ mô để cho huyện đảo Trường Sa phát triển bền vững.

Một điều rất đáng ghi nhận là đến thăm lần này, đoàn đã được chứng kiến sự đổi thay từng ngày của thị xã Trường Sa Lớn, đời sống của quân và dân được cải thiện rõ rệt. Trên đảo  có Trung tâm cứu hộ, cứu nạn, Trạm khí tượng, trạm y tế, lớp học mẫu giáo lớn và các lớp cấp tiểu học...

Thị trấn nhìn từ xa đã tỏ rõ dáng hình của một đô thị nhỏ với Nhà khách Thủ đô – quà tặng của nhân dân Thủ đô Hà Nội tặng quân và dân trên đảo - duyên dáng khoe mình ngay lối dẫn từ cầu tàu đi lên. Chưa kể một chòi đá cao 5,5m ở mũi phía nam, một  đường băng và một cảng cá. Vành đá ngầm bao quanh đảo nổi trên mặt nước khi triều xuống. Trên đảo còn có  giếng nước lợ sử dụng được, là nguồn  nước quan trọng thứ 2 sau nước mưa.

Theo thượng tá Đinh Văn Hải - Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa Lớn, cùng với đảo Song Tử Tây, Sinh Tồn, đây là nơi thuận lợi cho tàu đánh cá của ngư dân vào neo đậu, tránh bão. Năm 2011 và quý I/2012 đã tạo điều kiện cho 185 lượt tàu đánh cá của ngư dân ra khai thác hải sản, đồng thời hỗ trợ nước ngọt, khám, điều trị và cấp thuốc cho 243 trường hợp (ngư dân 177, nhân dân 66) và nhiều thuốc chữa bệnh cũng như vật dụng sinh hoạt khác.

Vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió

Thượng tá Đinh Văn Hải cũng cho biết, đảo ở xa đất liền, môi trường khí hậu khắc nghiệt. Cuối năm 2011 mưa to gió lớn, áp thấp nhiệt đới và cơn bão số 1 đến sớm trái với quy luật nên có ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên đảo. Mặc dù vậy, quân và dân trên đảo đã chủ động khắc phục khó khăn, nhiều hộ gia đình đã tích cực tăng gia, chăn nuôi, đánh bắt hải sản.

Cụ thể, đã trồng được 21.920kg rau xanh (bình quân 92kg/ng/năm). Tổng sản phẩm thu hoạch là 414.364.500 đồng, đưa vào cải thiện 331.491.600 đồng, bình quân đạt 1.649.212 đồng/người/năm. Ngoài ra trên đảo còn trồng nhiều cây xanh, cây ăn quả, đã chiết được 486 cây, trồng mới 714 cây xanh các loại, làm cho đảo “trắng” trước đây giờ xanh mát.

Đến thăm lớp học chừng 20m2, 1 cô giáo với 7 học sinh đủ các cấp học từ mẫu giáo lớn đến lớp 5 (chỉ thiếu lớp 4). Giảng toán cho lớp 3 xong quay sang kiểm tra bài làm văn của lớp 5, lại vội chỉnh nét chữ cho bé lớp mẫu giáo lớn - hình ảnh không mấy xa lạ ở các lớp ghép từng phổ biến một thời ở các vùng sâu, vùng xa, nay đã không còn thấy nhiều, nhưng đó lại là những hình ảnh vô cùng quen thuộc, nếu không muốn nói là đặc trưng của các lớp học nơi đảo xa này.

Thị trấn đảo Trường Sa Lớn chúng tôi đến hôm nay cũng tương tự thế, hơn ở chỗ đây là đảo duy nhất có giáo viên chuyên trách cho các lớp học chứ không chỉ toàn cán bộ xã kiêm nhiệm nhiệm vụ dạy học như bên Sinh Tồn hay Song Tử Tây... Việc chăm sóc sức khỏe quân và dân trên đảo cũng được chú trọng.

Chị Nguyễn Thị Thanh Thúy, sắp sinh nhưng bị thai ngang rất nguy hiểm, đảo phải điện ra bờ điều máy bay trực thăng vào, đưa thêm bác sĩ, rồi tiếp máu cùng những thiết bị y tế; 2 mẹ con được cứu kịp thời, nay cháu Nguyễn Ngọc Trường Xuân vừa mừng sinh nhật tròn 1 tuổi trước hôm chúng tôi đến ít ngày. Điều đáng nói hơn, không chỉ là công dân bé nhất của đảo thời điểm này, bé Nguyễn Ngọc Trường Xuân còn là công dân đầu tiên, cũng là duy nhất, được sinh ra trên đảo Trường Sa Lớn.

Thể theo nguyện vọng của quân và dân trên quần đảo, cũng như của các vị chư tăng, đợt công tác này có 5 nhà sư ra trụ trì gồm 2 vị ở chùa Song Tử Tây, 2 vị ở đảo Sinh Tồn. Chúng tôi đã được nghe Đại Đức Thích Ngộ Thành gõ tiếng chuông đầu tiên tại chùa Trường Sa Lớn.

Cũng tại chùa, đặc biệt có tượng Phật ngọc Thích ca Mâu ni do Liên đoàn Phật giáo Thế giới tặng Thủ tướng Chính phủ tại chùa Vàng Shwedagon (Myanmar), nay Thủ tướng tặng cho chùa Trường Sa Lớn. Đại đức Thích Trí Thành đã cầu nguyện cho quốc thái dân an, vùng biển hòa bình, hữu nghị và phát triển, cầu cho hương hồn các anh hùng liệt sĩ, những người đã ngã xuống vì sự nghiệp xác lập và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của tổ quốc được siêu thoát, nhân dân an lạc, cán bộ chiến sĩ trên đảo vạn sự cát tường như ý.

Thấu hiểu và chia sẻ  những vất vả của quân và dân trên huyện Trường Sa, phong trào “Hướng về Trường Sa thân yêu” được cả nước nói chung, cũng như Đảng bộ và nhân dân tỉnh Khánh Hòa nói riêng đã quan tâm, đến nay hầu hết các đảo đã được xem truyền hình, các điểm đảo đều có máy vi tính, máy lọc nước, thư từ báo chí...
Với tình cảm với Trường Sa - vùng biển thiêng liêng của tổ quốc, chính quyền, đoàn thể cũng như các doanh nghiệp trong đoàn đã mang nhiều phần quà rất thiết thực tặng cho quân và dân trên đảo Song Tử Tây.

Cụ thể, Bộ tư lệnh Hải quân, văn phòng UBND, các ban ngành, doanh nghiệp... của tỉnh Khánh Hòa tặng 19 thùng hàng gồm các trang thiết bị trường học, các nhu yếu phẩm thiết yếu... Điện lực Vĩnh Phúc tặng 205 triệu đồng của cán bộ công nhân viên toàn công ty phát động ủng hộ 1 ngày lương. Ngoài ra tỉnh còn tặng tượng Bác Hồ bằng đồng, tượng Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, 5 bộ máy vi tính, 2 tủ lạnh, bóng đèn tiết kiệm điện...

Đặc biệt hộp phần đất Vĩnh Phúc mang cùng cây trồng tặng huyện đảo Trường Sa rất có ý nghĩa. Đất lấy tại khu đất có “cây di sản Việt Nam” ở  miếu Ghè, xã Trung Kiên, huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc - nơi thờ 2 vị Thánh Cô có công đánh giặc giữ nước. Tỉnh Vĩnh Phúc còn mang 2 cây đại, 1 cây bồ đề, 1 cây trúc tặng chùa Trường Sa Lớn.

Ông Ngô Hà Thái - Phó Tổng Giám đốc TTXVN, đã thay mặt tập thể cán bộ, phóng viên TTXVN tặng 1 tủ sách để xây dựng thư viện trên đảo với gần 3.000 đầu sách, 1.000 cuốn tạp chí, máy tính truy cập Internet... đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của quân và dân huyện đảo, phần nào bớt đi  những khó khăn cho các chiến sĩ, nhân dân Trường Sa để vượt lên bám biển, giữ cho bằng được chủ quyền biển đảo của tổ quốc.

Khai thác các nguồn lợi từ biển

Đến thăm và làm việc với huyện đảo Trường Sa Lớn, ông Trần Sơn Hải - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa thay mặt lãnh đạo tỉnh đề nghị và kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đối với tinh thần Trường Sa vì cả nước, cả nước vì Trường Sa, hãy nghiên cứu đóng góp kinh phí hoặc trực tiếp triển khai để đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc phát triển kinh tế trên đảo, trước mắt là đầu tư 3 tàu đánh bắt thủy sản 33 CV và 3 khu chăn nuôi, tập trung tại 3 xã đảo là Song Tử Tây, Sinh Tồn và thị trấn Trường Sa Lớn để cải thiện bữa ăn cho bộ đội, nhân dân trên đảo, cũng như cải tạo cảnh quan môi trường trên các đảo.

Chuẩn đô đốc -  Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân cho biết, cùng với Quân chủng Hải quân còn có các cấp, các ngành, các tỉnh thành, các doanh nghiệp, với hành động thiết thực và hiệu quả góp phần nâng cao sức mạnh chiến đấu cũng như đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần để quân dân huyện đảo Trường Sa ấm lòng, yên tâm hơn và vững tin vào đất liền, yêu mến  gắn bó với biển đảo.

Quân và dân huyện đảo Trường Sa vượt qua mọi khó khăn, vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió, xây dựng huyện đảo ngày càng giàu mạnh. Chuẩn đô đốc cũng cảm ơn những người dân đã sẵn sàng rời đất liền, chọn đảo là nhà của mình, bên cạnh đó cũng ghi nhận sự cố gắng rèn luyện của các chiến sĩ trên đảo xa.
Qua kiểm tra thực tế và nghe báo cáo, đoàn công tác  đã có nhiều cảm xúc và tình cảm khác nhau, nhưng tựu trung là ngạc nhiên, khâm phục, chia sẻ và tin tưởng vào QĐNDVN, vào Hải quân trong việc nắm chắc tay súng bảo vệ chủ quyền biển đảo và thềm lục địa của Tổ quốc, thực hiện thành công chiến lược biển của Việt Nam đến năm 2020.

Ông Trần Sơn Hải cũng cho rằng, trong Chương trình mục tiêu quốc gia việc giúp đỡ và tạo mọi điều kiện cho các xã, thị trấn huyện đảo thì chăm lo đến đời sống cán bộ, nhân dân  trên đảo được đặt lên hàng đầu. Đồng thời việc hỗ trợ, giúp đỡ cho ngư dân của các địa phương đến đánh bắt hải sản tại vùng biển, vùng đảo cũng nhằm tăng cường khả năng phòng thủ, góp phần xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân trên biển.

Trường Sa là tiền đồn Tổ quốc, nhưng để tiền đồn được vững mạnh như ngày nay, đã có sự góp sức quan trọng của các anh các chị, những người con của Trường Sa. Tiến ra biển, làm chủ biển và khai thác các nguồn lợi từ biển đang là một cơ hội, đồng thời cũng là một thách thức lớn đối với cả dân tộc ta.

Du lịch, GO! - Theo Đỗ Anh Thư - Laodong
Nếu như biển An Bàng và Phú Quốc đã lọt Top bình chọn của CNN Go và Forbers thì Bãi Lữ, Quan Lạn là những biển với phong cảnh đẹp cũng không nên bỏ qua trong dịp hè 2012.

1. Biển An Bàng – lọt top do CNN Go bình chọn năm 2011

Cách trung tâm thành phố Hội An 3km, biển An Bàng đã lọt top 50 bãi biển đẹp nhất thế giới do CNN Go của kênh truyền hình CNN (Mỹ) bình chọn. Có thể nhiều người chưa biết đến An Bàng nhưng đây là bãi biển nổi bật với vẻ đẹp hoang sơ, gần gũi, bình dị và rất đỗi nên thơ.
Điểm đặc biệt ở bãi biển An Bàng chính là lớp cát mềm và mịn. Ngay cả khi chạy chân trần giữa buổi trưa, chúng ta cũng chỉ thấy cát ở đây nóng ấm chứ không bỏng rát như những bãi biển khác.

Bãi biển này càng thu hút du khách nhiều hơn khi nhiều nhà hàng theo phong cách phương Tây đã mọc lên ngày càng nhiều trên bờ biển. Dọc theo bãi biển, du khách có thể tìm một nơi nghỉ ngơi, thưởng thức hải sản và đặc sản địa phương trong những nhà hàng có không gian mở, chạy dọc theo bờ biển. Tuy nhiên, những du khách thích sự tĩnh lặng vẫn có thể tìm được lối dạo ngắm biển cho riêng mình ngay đoạn trung tâm của bãi biển.

Để tới An Bàng bạn có thể lựa chọn phương tiện xe máy hoặc ô tô đi từ Hội An.

2. Biển Bãi Sao (Phú Quốc) – lọt top của Forbers bình chọn năm 2010

Bãi Sao nằm ở hướng Đông Nam đảo Phú Quốc, thuộc Thị Trấn An Thới, cách trung tâm Thị Trấn Dương Đông khoảng 20km, nếu đi bằng gắn máy thì mất khoảng 30 phút thì đến nơi. Đến với Bãi Sao du khách sẽ ngạc nhiên với những mảng xanh tàn cây dưới dại và dây muống biển bao trùm nơi đây một đại dương xanh dịu mở ra tạo cho chúng ta một cảm giác an lành và thoải mái.

Ngoài ra, về thị trấn Dương Đông thăm Dinh Cậu - có lối kiến trúc cổ do người dân xây dựng từ năm 1973 để cầu bình yên cho thuyền bè, và chùa cổ Sùng Hưng, nhà tù Phú Quốc, khu di tích người anh hùng Nguyễn Trung Trực.

Để khám phá toàn bộ đảo thì nên chọn xe máy với giá 120.000 đồng -150.000 đồng/ngày ( khu vực đường Trần Hưng Đạo – Thị trấn Dương Đông nhiều chỗ thuê). Hoặc thuê ô tô với loại xe jeep giá khoảng 400.000 đồng/ngày. Ở đây cũng có dịch vụ cho thuê ô tô tự lái giá khoảng 600.00 đồng/ngày, xe từ 7-8 chỗ (nhưng nhớ trước khi khởi hành mang theo các loại giấy tờ như bằng lái xe, chứng minh thư nhân dân…).

Ẩm thực ở đây chủ yếu là món ăn làm từ hải sản như gỏi cá trích hoặc bánh canh hải sản ở gần Blue Galoon, cá măng, nước mắm Phú Quốc.

3. Bãi Lữ

Nhắc tới Nghệ An, nhiều người chỉ biết đến Cửa Lò. Nhưng, ở đây còn nhiều bãi tắm khác đẹp và nên thơ không kém. Một trong số đó là Bãi Lữ nằm ở huyện Nghi Lộc. Điều hấp dẫn du khách không chỉ là cảnh quan thiên nhiên đẹp mà còn là vẻ hoang sơ của bãi biển này.

Nằm cách quốc lộ 1A khoảng 4km, khu du lịch Bãi Lữ (huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) được những ngọn núi bao quanh, sóng biển vỗ về. Biển xanh mướt ôm ấp bãi cát trải dài, bên những hàng thông xanh ngắt, lộng gió.

Bãi Lữ Resort là nơi biển khơi ăn sâu vào đất Việt, là những cánh rừng thông bạt ngàn xuyên ra biển cả với cảnh quan thiên nhiên được tạo hóa ban tặng cho con người thật hùng vĩ mà đầy cảm hứng thi ca.

Trên đường vào Cổng Trời - Bãi Lữ có ngôi Đền thờ Sơn Thần và Thánh Mẫu, nguyên là Đền Nẻ ở nơi sông La Hoàng và Khe Nễ chảy ra Cửa Hiền dời vào đây. Đoạn sông ra Cửa Hiền nay đã bị lấp, chính là nơi diễn ra bi kịch nàng Mỵ Châu bị vua cha An Dương Vương chém đầu và cầm sừng tê rẽ sóng đi xuống biển - Bãi Lữ.

4. Biển Quan Lạn

Biển Quan Lạn nằm cách thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) 45 km. Đây là bãi biển với vẻ đẹp hoang sơ, trong lành và bãi cắt trắng mịn cùng những mảng rau muốn biển xanh rì.
Phương tiện đi lại phổ biến trên đảo là xe tuk tuk. Không gian ở đây còn hoang sơ nên bạn sẽ được xa rời cái ồn ào của phố thị và đừng quên đưa về những vỏ ốc hay sao biển làm kỷ niệm.

Để đi Quan Lạn, bạn có thể đi ô tô xuống Cảng Cái Rồng rồi tiếp tục đi xe khách đi Cửa Ông, tới ngã ba đền Cửa Ông thì xuống.Tiếp tục đi taxi vào cảng Cái Rồng với giá khoảng 100.000 đồng/lượt xe 4 chỗ. Sau đó, mua vé khứ hồi tàu cao tốc đi từ Cái Rồng ra đảo Quan Lạn với giá vé 100.000 đồng/lượt. Có 2 chuyến khởi hành lúc 8 giờ sáng và 2 giờ chiều hàng ngày.

Du lịch, GO! - Theo VTC News

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống