Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Tuesday, 8 May 2012

Nhiều người Việt gần đây mỗi khi đến một kỳ nghỉ hay những lúc rảnh thường tranh thủ “xuất ngoại” khám phá những vùng đất lạ trên thế giới. 

Còn tôi, lại thích khám phá những miền đất thú vị của Tổ quốc mình. Và quyết tâm đặt chân tới mũi Sa Vĩ - điểm khởi đầu của dải đất hình chữ S - là một nơi, một lần như thế.

Thị xã Móng Cái, nơi có cửa khẩu giao thương với Trung Quốc, nơi người Việt và người Hoa có thể đi lại qua cây cầu Bắc Luân để bán mua tấp nập hàng ngày, nơi dòng sông Ka Long rộn rã những chuyến tàu chở hàng hóa ngược xuôi, những vải vóc quần áo, giày dép đồ gia dụng, và hơn cả là hải sản đậm đà mùi biển cả, nơi tiếng nói dường như cũng nhuốm màu sóng gió để trở nên nặng hơn, lạ hơn với nhiều vùng đất miền Bắc khác.

Ở đây, nhà cửa san sát, hàng hóa san sát, ai cũng muốn đến để mua sắm, để xem xét. Nhưng, chỉ ra khỏi thị xã vài cây số thôi, tự dưng thấy trời cứ như rộng ra, đất đai bằng phẳng đi. Cứ thế, hơn chục cây số đường trải nhựa thẳng tắp, hai bên là bãi sú mênh mông lộ hẳn ra hoặc ngâm chìm trong nước tùy theo độ lên xuống của thủy triều.

Rẽ trái là đường đến Trà Cổ, một ngôi làng biển cổ kính, hầu như nằm dạt về một bên. Bên kia là rừng dương xõa tóc, là bãi biển, là đường bờ biển bao quanh vùng biên cương của Tổ quốc mình. Muốn đến được mũi Sa Vĩ, phải qua Trà Cổ, đó cũng là sự trải nghiệm đầy thú vị.

Thật lạ, cách Móng Cái chừng mười bảy cây số, Trà Cổ dường như đứng ngoài sự náo nhiệt bán mua ấy, hay nói đúng hơn, nơi đây vẫn giữ được vẻ yên bình hiếm có của riêng mình như từ bao đời nay vẫn thế. Những ngôi nhà nhỏ, thấp với gạch ngói rêu phong đặc trưng của nơi hứng chịu nhiều bão tố. Con đường cũng nhỏ, người đi lại thưa thớt và chậm rãi chứ không vội vã ồn ào. Làng chạy dọc theo đường đi nên có nhiều ngõ nhỏ, vì thế, rẽ vào mỗi ngõ là gặp những điều bất ngờ. Có những ngôi nhà cũ, thẫm rêu, trên cổng còn ghi rõ năm xây dựng: 1926. Có khi, đó là một loài cây chẳng mấy khi gặp ở nơi khác.

Chợt gặp một cái biển chỉ dẫn lối rẽ vào Đình Trà Cổ - di tích lịch sử đã được xếp hạng. Chính nơi đây đã khởi nguồn cảm hứng cho nhạc sĩ Nguyễn Cường viết nên ca khúc “Mái đình làng biển” nổi tiếng. Đình vắng, mấy cậu bé say mê với trò chơi tự chế từ chiếc lốp xe máy hỏng bên gốc cây bàng, cây phượng. Ẩn sau những mái đao cong vút là biết bao câu chuyện về lịch sử, về chuyện đời, chuyện người.

Đình Trà Cổ được xây dựng vào năm Quang Thuận thứ 2 của đời Hậu Lê 1462, thờ sáu vị Thành hoàng đã có công lập nên làng Trà Cổ. Điều đặc biệt là, dù được xây dựng tại vùng biên giới giáp với Trung Quốc nhưng đình Trà Cổ hoàn toàn mang phong cách kiến trúc Việt Nam. Mặt bằng đình theo kiểu chữ Đinh, tiền đường gồm 5 gian, 2 trái, hậu cung có 3 gian. Mái đình hơi võng, lợp ngói mũi giống như những ngôi đình của các làng quê đồng bằng sông Hồng. Đình gồm 48 cột lim đặt trên tảng kê bằng đá xanh, cột cái cao 4,65 mét, chu vi cột 1,63 mét. Đình còn có 2 cột bằng đá nguyên khối cao hơn 2 mét.

Các cột được giằng đan bởi những xà ngang dọc, ở các đầu xà gồ đều chạm đầu rồng. Hai đầu hồi là Hai bức hoành phi sơn son thiếp vàng đối diện nhau: “Nam Sơn Tịnh Thọ (Nước nam bền vững); Địa cửu thiên trường (Đất vững trời dài)”. Trong đình có nhiều bức cửa võng trạm trổ tinh xảo được sơn son thếp vàng. Những hình ảnh cách điệu về Tứ Linh, về thần tiên, về con người... Trong hậu cung có bức trạm bông sen vàng, ở giữa giải hoa văn ô vuông. Trước hậu cung có bức y môn bằng lụa điều thêu hình rồng phượng, đôi chim hạc cao 1,5 mét.

Đầu Đao của đình uốn cong vươn lên như những đầu đao của những ngôi đình ở đồng bằng bác bộ. Đẩu Bẩy được làm bằng những thân lim lớn, trạm trổ hình đấu rồng tinh xảo, rất đặc biệt là các bức trạm trổ không hề giống nhau. Sàn đình làm bằng gỗ, cao 0,4 mét, bưng kín bằng những bức trạm trổ. Nhiều kết cấu mái đều được cách điệu và trạm trổ tinh xảo. Chính vì thế, đình mang đậm chất văn hóa của người Việt cổ xưa, không hề lai căng pha tạp đồng hóa với kiến trúc Trung Hoa, điều này càng khẳng định rằng cha ông ta ngày xưa đã rất coi trọng bản sắc văn hóa dân tộc.

Bãi cát trắng sạch, nước biển trong xanh vì thế biển Trà Cổ cũng thu hút nhiều người đến đây vui chơi. Nhưng với chúng tôi, đến Trà Cổ không phải vì bãi biển đẹp, mà bởi nơi đây có điểm đầu tiên của nét bút tạo hóa vạch nên bản đồ chữ S Việt Nam. Chúng tôi muốn uống một hớp nước ở điểm đầu này, muốn bước chân mình lạo xạo trong bùn cát, muốn hưởng trọn cái nắng, gió của biển trời Sa Vĩ. Những bông sim, bông mua hình như cũng tím hơn trong chiều biên giới. Nơi rừng dương chắn sóng rì rào, nơi bãi sú kiên gan ngâm mình giữ đất, nơi biển trời mênh mông cho ta thấm thía hơn bao giờ hết cái từ “Đất Nước” đã từ lâu quen thuộc với mình. Đó là cảm giác đầu tiên của chúng tôi khi đến với mũi Sa Vĩ.

“Từ Trà Cổ rừng dương đến Cà Mau rừng đước”, chúng tôi đã gặp nơi đây không chỉ là một tấm bảng khẳng định chủ quyền, không chỉ là một tấm biển vành đai biên giới, không chỉ là một rừng dương vi vút hát trong chiều muộn, mà thấy cả một nỗi niềm bâng khuâng, tự hào về Tổ quốc trào dâng trong tâm hồn.

“Chiều biên giới em ơi, có nơi nào xanh hơn”, câu hát ấy bất giác ngân lên trong lòng tôi khi nhìn ra xa xa muôn trùng sóng nước, nơi bóng chiều đã bắt đầu phủ lên biển cả bao la. Đằng sau là tiếng cười, tiếng ríu rít của những bạn trẻ, những đôi trai gái, cả những gia đình nhiều thế hệ, mang theo tiếng nói của vùng miền mình đến đây chụp ảnh, để lưu giữ một kỉ niệm, một khoảnh khắc, một cảm xúc và một trải nghiệm của cuộc đời mình. Còn phía trước kia là muôn trùng xa xôi, diệu vợi.

Chẳng biết, đất dưới chân mình đứng đây, mấy nghìn năm trước, cha ông ta ai là người đứng đầu tiên; chẳng biết, mấy nghìn năm qua, bao nhiêu dấu chân thế hệ đã đặt lên để mũi mãi hiên ngang luôn hướng ra phía biển...

Nhúm một nhúm cát, nhặt lên một hòn đá cuội, nắm chặt trong tay mình để thấy cát và đá cũng ấm tình Tổ quốc. Tôi mang hai vật ấy cất vào ba lô mang về đặt lên bàn làm việc. Tôi tin chắc rằng, mỗi khi nhìn thấy cát và đá tôi lại nhớ về Sa Vĩ, nhớ về Trà Cổ, về nơi đã lưu giữ một phần tâm hồn mình, để lại nhen nhóm và thu xếp thỏa mãn khát vọng lên đường khám phá những mũi Cà Mau, cột cờ Lũng Cú, những điểm cực khác của Tổ quốc mình và trân quý hơn những vẻ đẹp muôn hình muôn sắc khắp dải đất hình chữ S thân yêu.

Du lịch, GO! - Theo Datviet, internet

Monday, 7 May 2012

Sáng 6 - 5 - 2012, tượng đài Trần Hưng Đạo đã được khánh thành tại đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa, Việt Nam); được tạc bằng đá, cao sừng sững 11m, dựng ở sườn phía đông đảo, hướng nhìn ra biển phía đông nam.

Công trình khởi công từ tháng 6-2011 trong điều kiện thời tiết mưa bão khắc nghiệt; việc vận chuyển vật liệu và thi công rất nhiều khó khăn.

Tượng đài được tạc  theo mẫu ở quảng trường Mùng Ba Tháng Hai ở TP Nam Định, với kinh phí 6,5 tỉ đồng; được thực hiện từ đá nguyên khối vùng Thanh Hóa; do chính quyền và nhân dân tỉnh Nam Định đóng góp, Công ty Điện tử tin học và hóa chất (Bộ Quốc phòng) thi công, phần tượng do Doanh nghiệp Xây dựng mỹ thuật Song Thảo (Ninh Bình) thực hiện.

Thượng tá Vũ Văn Cường, chỉ huy trưởng kiêm chủ tịch UBND xã đảo Song Tử Tây (huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) cho biết tham dự lễ có đoàn đại biểu Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nam Định, do phó chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Đoàn Hồng Phong dẫn đầu; đại diện Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Nam Định, do thiếu tướng Trần Quang Tiến, chỉ huy trưởng dẫn đầu; đại diện quân chủng hải quân nhân dân Việt Nam do đại tá Nguyễn Đức Nho, phó tham mưu trưởng quân chủng dẫn đầu; cùng đông đảo quân và dân huyện đảo Trường Sa.

Phát biểu tại lễ khánh thành công trình, đại tá Nguyễn Đức Nho, phó tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân, nhấn mạnh ý nghĩa đặc biệt của việc đặt tượng đài Trần Hưng Đạo trên đảo Song Tử Tây nói riêng và quần đảo Trường Sa nói chung.

Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn là một đại danh tướng; anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa, với ý chí quật cường, trí thông minh và tài thao lược khi cầm quân – nhất là thủy quân (ngày nay là hải quân), là biểu trưng khí phách của dân tộc Việt Nam; góp công lớn cùng quân và dân nhà Trần lập kỳ tích oanh liệt ba lần đại phá đại đế quốc Nguyên Mông hung bạo thế kỷ 13.

Ông cũng được coi là nhà tư tưởng quân sự, khởi xướng chủ trương quốc phòng toàn dân (“toàn dân vi binh”) và tổ chức thực hiện chiến tranh nhân dân bách chiến bách thắng.

Với tài đức văn võ song toàn chói lọi (tác giả Binh thư yếu lược, Hịch tướng sĩ…), từ nhiều thế kỷ nay, Trần Hưng Đạo - danh tướng Việt Nam duy nhất - được nhân dân ta suy tôn bậc thánh nhân (Đức Thánh Trần), lập đền thờ tôn nghiêm trang trọng khắp ba miền.

Dựng tượng ông trên quần đảo Trường Sa sẽ tiếp thêm ý chí và sức mạnh dân tộc, khí phách và hào khí Việt Nam cho quân và dân nơi quần đảo tiền tiêu, cũng là để nhắn gửi tới cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đoàn kết một lòng, vượt qua khó khăn, gian khổ để bảo vệ vững chắc vùng biển đảo của Tổ Quốc.

Du lịch, GO! - Theo TTO và nhiều nguồn ảnh khác
Từ hàng trăm năm nay, chùa Trinh Tiết ở xã Thanh Hải, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam được người dân nơi đây coi là biểu tượng cho sự trinh trắng của người con gái. 

< Chùa Trinh Tiết ẩn sau những mỏm đá trên đỉnh núi Bồ Đà.

Tuy nhiên, ngoài cái tên Trinh Tiết, xung quanh chùa còn có những câu chuyện và hiện tượng kỳ lạ khó lý giải mà điển hình nhất là hòn đá có khả năng tự lớn.

Xuất xứ tên chùa

Theo những tài liệu ghi chép còn lại thì không rõ ngôi chùa xuất hiện từ khi nào. Chỉ biết, cái tên Trinh Tiết thì mãi đến thế kỷ XIV mới có và gắn với tên tuổi của một công chúa nhà Trần.

Trong những tài liệu lịch sử về chùa Trinh Tiết có ghi rằng: Vào giai đoạn hậu kỳ nhà Trần, chế độ cai trị thối nát, bách tính rơi vào lầm than. Hồ Quý Ly nổi dậy ép vua Trần Thuận Tông đi tu ở Cung Bảo Thanh và nhường ngôi lại cho Thái tử Trần Án lúc đó mới ba tuổi.

< Cổng chùa Trinh Tiết dưới chân núi Trinh Sơn.

Lúc đó, võ tướng Nguyễn Bằng được lệnh cho đem công chúa Trần Thị Bạch Hoa vừa tròn 17 tuổi chạy trốn. Khi chạy đến Kẽm Trống nằm bên dòng sông Đáy thì lên bờ tìm nơi ẩn dật. Nơi được chọn là núi Bồ Đà thuộc dãy Cầm Long. Trên núi này có một ngôi chùa hoang, lâu ngày không có ai đèn nhang, tụng niệm.

Sau khi chọn được chốn ẩn cư, công chúa đã ở đây đến hết đời và khi chết vẫn còn là "trinh nữ". Vì thế, sau đó, người dân đã đặt tên cho ngôi chùa trên núi Bồ Đà là chùa Trinh Tiết.

Ông Đỗ Hữu Kỳ ở thôn Động Xuyên kể lại: Thời kháng chiến chống đế quốc Mỹ, có một đôi trai gái làng Động Xuyên tên Thụy Vân và Hùng. Trước khi lên đường đánh giặc, đôi trai gái này lên chùa Trinh Tiết thề non hẹn biển rằng, hai người nguyện sống chết bên nhau và giữ trọn trinh tiết của mình. Về sau người con trai tên Hùng bị hy sinh nơi chiến trường. Biết tin đó, Thụy Vân thẫn thờ rồi đến bên chân núi Bồ Đà nơi có chùa Trinh Tiết để tự vẫn.

< Voi đá trước chùa Trinh Tiết.

Từ câu chuyện này nên người dân nơi đây đã cho rằng, chùa Trinh Tiết là biểu tượng cho sự trinh trắng của người con gái.

Hiện nay, trên núi Bồ Đà vẫn còn dấu tích về những văn bản chữ Nôm được khắc trên vách đá. Chỉ tiếc rằng, trải qua năm tháng, nhiều dòng chữ tạc đã bị mòn do không được bảo vệ. Nhưng nó vẫn là minh chứng sinh động cho lịch sử một ngôi chùa vào loại độc đáo nhất vùng.

Ngoài ra, trên đỉnh núi Bồ Đà còn có một lăng mộ có tên là Lăng Quy tượng. Theo ông Đỗ Hữu Kỳ ở thôn Động Xuyên, trong lăng có rất nhiều tượng cổ. Mỗi pho tượng cao từ khoảng 80cm - 1m với nhiều chất liệu khác nhau như đá, gỗ, đồng...

Cách đây chừng chục năm, nhà chùa cùng chính quyền địa phương đã cho quy tập những pho tượng này lại và chôn trên đỉnh núi. Vì những ngôi mộ này chôn tượng nên người dân đặt cho khu mộ là Lăng Quy tượng.

Hòn đá tự lớn

< Bia đá tạc trên vách núi.

Nếu tìm hiểu lịch sử chùa Trinh Tiết, nhiều người sẽ ngỡ ngàng vì những điều kỳ ẩn trên ngọn núi thiêng. Đó là chuyện về một hòn đá tự lớn lên như một chàng thanh niên lực lưỡng. Hòn đá đó nằm ở vị trí cao nhất của núi Bồ Đà.

Theo quan sát của chúng tôi, mỏm đá cao khoảng 1,6m bán kính 1m, có hình mũi chông. Ông Đỗ Văn Sỹ, Trưởng thôn Động Xuyên quả quyết với chúng tôi rằng: Ngày còn bé ông cùng đám trẻ con lên núi chơi thấy mỏm đá này mới chỉ cao ngang lưng người, nhưng giờ nó đã lớn đến ngang vai.

Hồi đó, ngôi chùa đã bị hoang hóa trở lại do không có người ở. Trên núi rừng rậm, thâm u, dưới chân núi lại là một bãi nghĩa địa, chỉ có đám thanh niên choai choai thích thể hiện mới dám trèo lên ngọn núi để chứng tỏ bản lĩnh không sợ ma của mình.

Mỏm đá kỳ lạ trên không những có khả năng "tự lớn" mà khi gõ nó còn phát ra âm thanh lạ. Ông Đỗ Văn Sỹ kể rằng, khi lên núi chơi đám thanh niên đã dùng đá ném nhau, không may một số viên đá rơi trúng mỏm đá trên và thấy có tiếng kêu lạ. "Âm thanh phát ra từ mỏm đá trầm, vang như tiếng chuông đồng", ông Đỗ Văn Sỹ cho biết.

< Tòa chính tẩm chùa Trinh Tiết

Để minh chứng cho điều này, ông Đỗ Văn Sỹ đã dẫn chúng tôi lên mỏm đá kỳ lạ trên và cầm một cục đá khác đập vào. Sau mỗi lần gõ, từ mỏm đá phát ra âm thanh bùng bùng nhưng không vang như lời kể của ông Sỹ. Ông Sỹ giải thích: Mỏm đá càng "lớn lên" thì âm thanh càng giảm đi, phải dùng một hòn đá cứng và rắn chắc đập vào thì mới phát ra được tiếng kêu, nếu dùng gậy gỗ đập vào thì sẽ chẳng nghe thấy gì khác ngoài tiếng gõ cùng cục.

Ông Trần Ngọc Kim năm nay 74 tuổi, 20 năm trông giữ chùa Trinh Tiết cũng khẳng định: Hòn đá có khả năng tự lớn lên là có thật. Vì việc này rất kỳ lạ nên dân làng Động Xuyên đặt tên cho hòn đá là Tượng Bụt Mọc và đặt dưới chân hòn đá một bát hương để tháng ngày nhang khói.

< Ông Đỗ Văn Sỹ quả quyết rằng, Tượng Bụt Mọc có khả năng tự lớn.

Việc hòn đá tự lớn có thể thấy được qua năm tháng. Tuy nhiên, việc đo xem mỗi năm hòn đá lớn thêm bao nhiêu thì chưa ai làm.

Hòa thượng, Đại đức Thích Thanh Hưng, trụ trì của Trinh Tiết cũng cho rằng: Tượng Bụt Mọc có khả năng tự lớn là có thật. Tuy nhiên, để kiểm định chính xác thì phải nhờ đến các nhà khoa học vào cuộc để tìm ra lời giải. Từ hàng trăm năm nay người dân trong và ngoài vùng Động Xuyên vẫn coi Tượng Bụt Mọc là biểu tượng của sự linh thiêng vĩnh cửu.
.
Ngày nay, danh thắng quốc gia Kẽm Trống thuộc địa phận xã Thanh Hải (huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam) và xã Gia Thanh (huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình). Sông Đáy khi chảy qua vùng này bỗng trong xanh lạ lùng, được những dãy núi kề sát hai bên tạo nên phong cảnh hữu tình, làm nao lòng các tao nhân mặc khách. 
.
Toàn cảnh danh thắng, phía tả sông có núi Rùa, núi Cổ Động, núi Động Xuyên, núi Trinh Tiết; phía bên hữu sông có núi Bài Thơ, dãy núi Bạt Gia. Nhưng tiếc thay, giờ đây hầu hết các núi nằm trong quần thể danh thắng đều bị thay đổi cảnh quan và biến dạng nghiêm trọng, hậu quả của việc khai thác đá. 
.
Núi Rùa thì đầu rùa đã bị cụt mất, dọc triền núi vẫn còn vết tích của những cuộc nổ mìn phá đá. Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi tìm vào cửa hang Luồn phía hướng ra sông Đáy thì cửa hang đã bị bịt. Suốt theo chiều dài hơn ba trăm mét của dãy núi Bạt Gia (dân trong vùng còn gọi là núi Kẽm Trống) lởm chởm, lô nhô những sườn núi bị đánh mìn tơi tả.
.
May mắn thay, có hai ngọn núi do đứng tách khỏi khu vực trung tâm Kẽm Trống nên vẫn còn tương đối nguyên vẹn, cây cối phủ um tùm một màu xanh mướt. Người dân nơi đây cho biết hai ngọn này chính là núi Trinh Sơn và núi Cô Ai. Hai ngọn núi này nằm biệt lập với khu dân cư, nên quang cảnh rất hoang vắng. Mặc dù chân núi Trinh Sơn có cổng chùa, nhưng khi leo lên núi chúng tôi vô cùng ngỡ ngàng vì cảnh quan rất u tịch. Trên đường lên, có nhiều miếu nhỏ. Khi lên tới nơi, gọi là chùa nhưng kỳ thực chỉ là ngôi am nhỏ vắng lặng, tọa lạc trên một mặt bằng khá phẳng chỉ rộng chừng 15m2. 
.
Chùa thấp nhỏ mang phong cách kiến trúc thời Hậu Lê, hoành tròn, mái lợp ngói nam, kết cấu kiểu chữ Đinh. Vì chùa không có sư, cũng không có người trông coi, nên cửa đóng chặt. Nhìn qua khe chấn song cửa, thấy rõ giữa chùa có tòa chính tẩm tuy rất nhỏ nhưng bài trí 5 lớp tượng. Dưới cùng là tòa Cửu long, lớp thứ 2 là pho tượng Quan Âm thiên thủ thiên nhãn, lớp thứ 3 là pho tượng nữ giới tạc theo kiểu Phật A Di Đà, lớp thứ 4 là ba pho Tam thế, trên cùng là tượng Phật. Ban đầu, chúng tôi tưởng pho tượng bài trí ở lớp thứ 3 là Phật A Di Đà, nhưng khi xuống núi, được người dân sở tại cho biết đó chính là tượng Bạch Hoa công chúa (tức tổ Thu Thu), có niên đại thời Lê sơ, thế kỷ XV. Tượng Bạch Hoa công chúa được tạc bằng đá, theo kiểu Phật A Di Đà trong tư thế ngồi thiền như người thật, cao 1,2m, tay trái để ngửa, tay phải úp lên đầu gối.
.
Kề bên phải chùa có ngôi miếu nhỏ, trong đặt pho tượng Sơn thần. Ngay sát phía dưới lối lên chùa, có tảng đá hình con voi quỳ giống y như thật, nhưng lại không có vẻ là do tạc đẽo tạo hình. Trên đường lên núi, có miếu nhỏ, trong đặt pho tượng tổ sư Thu Thu tạc từ đá Bạch Ngọc, mới được dân trong vùng đưa lên. Ngày nay, cả hai huyện Thanh Liêm và Gia Viễn, có 9 nơi thờ Bạch Hoa công chúa, nhưng ngày giỗ tổ Thu Thu, dân những nơi này đều tụ về chùa Trinh Tiết để tưởng niệm ngài.


Du lịch, GO! - Theo Vietnamnet, Giacngo

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống