Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Wednesday, 9 May 2012

Vươn tầm xa hơn, lễ hội trái cây sẽ trở thành một sản phẩm văn hóa du lịch độc đáo khi đưa vào chương trình tour của các hãng lữ hành nội địa và quốc tế, góp phần quảng bá, giới thiệu hình ảnh điểm đến thành phố Hồ Chí Minh với du khách trong nước và quốc tế.

Từ năm 2004 đến nay, lễ hội trái cây Nam Bộ đã trở thành một hoạt động văn hóa du lịch phản ánh và tôn vinh những giá trị thành quả lao động trong lĩnh vực nông nghiệp của khu vực Nam Bộ nói riêng và Việt Nam nói chung.
Vươn tầm xa hơn, lễ hội trái cây sẽ trở thành một sản phẩm văn hóa du lịch độc đáo khi đưa vào chương trình tour của các hãng lữ hành nội địa và quốc tế, góp phần quảng bá, giới thiệu hình ảnh điểm đến thành phố Hồ Chí Minh với du khách trong nước và quốc tế; sản phẩm du lịch sinh thái, nhà vườn đặc sắc dành cho đối tượng học sinh trong mỗi dịp hè.

Chính vì thế, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP. HCM phối hợp cùng Khu du lịch Suối Tiên tiếp tục tổ chức chương trình Lễ hội trái cây Nam Bộ năm 2012 từ ngày 01/06 đến ngày 23/06/2012 với quy mô phong phú, đa dạng và từng bước nâng tầm sự kiện thông qua việc tham gia của một số nước trong khu vực như: Lào, Myanma, Campuchia, Thái Lan, Hàn Quốc…

Trong ngày khai mạc, Lễ hội Carnival trái cây với tên gọi “Bách quả tứ quý thần tiên hội” kết hợp diễu hành cùng các làng nghề của Suối Tiên và các đoàn nghệ thuật nước ngoài mang lại những màn trình diễn độc đáo, mở màn cho những hoạt động sôi nổi xuyên suốt thời gian diễn ra lễ hội. Mỗi tên đường gắn liền với tên một loại trái cây và “Chợ nổi trái cây” với những chiếc xuồng đầy ắp quả tươi ngon sẽ chào đón du khách đến với hành trình thưởng ngoạn vô số đặc sản cây trái Nam Bộ như dưa hấu, thanh long, xoài, sầu riêng…

Thú vị hơn nữa, nơi đây còn có gian hàng trưng bày giới thiệu các loại trái cây ngon nổi tiếng, đạt tiêu chuẩn Global Gap, VietGap; các sản phẩm chế biến từ trái cây, các loại cây giống.

Thấm mệt sau một chuyến tham quan, du khách có thể nghỉ chân tại nhà hàng Long Phụng Suối Tiên và thưởng thức hơn 30 món ăn ngon, thức uống lạ miệng được chế biến từ trái cây: cocktail, chè, bánh, nước ép…

Khu vực trưng bày nghệ thuật trái cây do các nghệ nhân tạo hình trái cây từ các tỉnh thành tham dự lại cuốn hút bước chân du khách khám phá. Lễ hội năm nay cũng tổ chức cuộc thi nghệ thuật tạo hình bằng trái cây nhằm tôn vinh các nghệ nhân, khuyến khích phát triển một loại hình nghệ thuật gắn bó với đời sống tinh thần của người nông dân.

Du khách còn được chiêm ngưỡng các hoạt động giải trí đặc sắc như biểu diễn ca múa nhạc dân tộc, chương trình sân khấu háo các sự tích về trái cây, màn trình diễn các đoàn nghệ thuật đến từ các nước trong khu vực hay tham gia các trò chơi dân gian mới lạ, vui nhộn, hấp dẫn.

Lễ hội trái cây Nam Bộ năm 2012 đã đăng ký kỷ lục Guiness lễ hội trái cây có nhiều món ăn chế biến từ trái cây nhất và kỷ lục trái cây khổng lồ, hứa hẹn mang lại cho du khách nhiều chương trình nghệ thuật giải trí độc đáo.

Bên cạnh đó, còn có các hoạt động văn hóa nghệ thuật như Biểu diễn ca múa nhạc dân tộc với sự tham gia của các ca sĩ, nghệ sĩ thuộc các tỉnh có tham dự Lễ hội với chủ đề trái cây, chương trình sân khấu hóa các sự tích về trái cây; Tổ chức các trò chơi dân gian mới lạ, vui nhộn, hấp dẫn cho du khách.

Thông tin thêm về Lễ hội trái cây Nam bộ 2012:

@ Thành phần tham gia:

- Doanh nghiệp ngành thương mại chế biến sản phẩm trái cây, các tổ chức và cá nhân có liên quan (như các nhà vườn, nghệ nhân, đơn vị xuất nhập khẩu nông sản…).
- Các Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, và các doanh nghiệp thương mại và du lịch của các địa phương.
- Các cơ quan Lãnh Sự tại thành phố Hồ Chí Minh như Lào, Myanma, Campuchia, Thái Lan, Hàn Quốc… tham dự  Lễ Khai mạc và Bế mạc Lễ hội trái cây Nam bộ 2012.

@ Các hoạt động chính:

1. Chợ Nổi Trái cây:

Thông qua các Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, Ban tổ chức sẽ mời các đơn vị, nhà vườn thuộc 21 tỉnh thành khu vực Nam bộ và lân cận tham gia 50 gian hàng trưng bày, giới thiệu và bán trái cây với giá đặc biệt cho khách tham quan các loại trái cây ngon đặc sản của địa phương như: Bưởi Năm Roi Hoàng Gia Vĩnh Long, Thanh Long Hoàng Hậu Long An, Vải Thiều Lục Ngạn, Sầu Riêng Cái Mơn Bến Tre, Dâu Siêm Bình Dương; Vú Sữa Sa Đéc, Xoài Cát Hoà Lộc, Nhãn Xuồng Tiền Giang, Đu Đủ Bình Phước, Bưởi Tân Triều Biên Hoà, Măng Cụt Lái Thiêu, Đào Sa Pa, Mận Lạng Sơn.

Năm nay có thêm nhiều loại trái cây mới lạ, ngon, hấp dẫn từ khắp các vùng miền Nam Bộ được hội ngộ tại Lễ hội trái cây Nam Bộ 2012  như : Nho Vĩnh Hảo, Cam mật Vĩnh Kim Tiền Giang, Ổi không hạt Vĩnh Kim Tiền Giang, Bưởi da xanh – chủ nhân thương hiệu Đặng Văn Rô, Cam Lai trái lớn giống ngon – Vĩnh Cửu Đồng Nai, Mít đỏ giống Vacdona Long Thành, Mãn Cầu Na – núi Bà Đen, Dưa Hoàng Kim – Nông trường Sông Hậu, dưa hấu không hạt....
Chia làm 2 khu vực:

* Khu vực bán:

- Xây dựng một “chợ nổi trái cây” với chiếc xuồng chở đầy trái cây tại trục đường Lễ hội của du lịch Suối Tiên, với tên đường phố là tên các loại trái cây, chọn nòng cốt là các loại trái cây có lợi thế của Việt Nam hiện nay (Thanh Long, Vú Sữa, Măng Cục, Bưởi, Cam sành, Khóm ,Vải, Nhãn, …) .

2. Hội thi trái ngon – An toàn Nam bộ lần IV:

Nhằm khuyến khích nhà vườn trồng và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất cũng như lai tạo giống mới có chất lượng tốt. Có nhiều chủng loại trái cây của các nhà vườn ở 21 tỉnh thành về dự thi (Sở NN& PTNT chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch chi tiết).

3. Lễ Khai mạc và lễ hội diễu hành trái cây:

Lễ Khai mạc kết hợp diễu hành các làng nghề của Suối Tiên, diễu hành của các đoàn nghệ thuật nước ngoài và Lễ hội carnival trái cây với tên gọi “Bách Quả Tứ Quí Thần Tiên Hội” .

4. Nghệ thuật tạo hình trái  cây:

- Mời nghệ nhân tạo hình trái cây từ các tỉnh thành về tham dự cuộc thi nghệ thuật tạo hình bằng trái cây. Ban giám khảo chấm thi, trao giải thưởng và tôn vinh các nghệ nhân nhằm khuyến khích một loại hình nghệ thuật gắn bó với đời sống tinh thần của người nông dân. Tạo ra sức hấp dẫn lớn đối với khách tham quan.

5. Đăng ký kỷ lục guiness:

- Trái cây khổng lồ
- Món ăn có nhiều chủng loại trái cây nhất
- Lễ hội trái cây có nhiều món ăn có chế biến từ trái cây nhất.

* Các hoạt động biểu diễn nghệ thuật:

1. Biểu diễn văn hóa nghệ thuật dân tộc:

- Biểu diễn ca múa nhạc dân tộc với sự tham gia của các ca sĩ, nghệ sĩ thuộc các tỉnh có tham dự Lễ hội với chủ đề trái cây, chương trình sân khấu hóa các sự tích về trái cây.

2. Biểu diễn văn hóa nghệ thuật nước ngoài: biểu diễn các chương trình nghệ thuật với sự tham gia của các đoàn nghệ thuật nước ngoài trong khu vực trong thời gian Tuần lễ Khai mạc Lễ hội.

3. Trò chơi dân gian:

- Tổ chức các trò chơi dân gian mới lạ, vui nhộn, hấp dẫn cho du khách và sinh viên học sinh như: thi đá cá đá dế, thảy vòng kiếng, thả banh vào ô chữ, ném lon…..
 - Trò chơi “săn tìm ngư”.

Du lịch, GO! - Theo Tindulich, DulichVN, Thongcaobaochi, ảnh internet
Được biết đến là một vùng đất công nghiệp, có trữ lượng than lớn nhất của cả nước, Cẩm Phả không phải là địa phương có nhiều thế mạnh về tiềm năng phát triển du lịch nhưng nơi đây cũng có không ít những điểm di tích lịch sử và cảnh đẹp hấp dẫn đã và đang thu hút khách du lịch đến tham quan...

Trước hết, phải kể đến khu di tích đền Cửa Ông, bất cứ ai khi đặt chân đến Quảng Ninh theo hành trình lễ hội cũng không thể bỏ qua khu di tích lịch sử này. Đền Cửa Ông thờ vị tướng Hưng Nhượng Đại vương Trần Quốc Tảng, người con thứ 3 của vị anh hùng dân tộc Trần Quốc Tuấn; ông đã từng trấn thủ vùng cửa biển Đông Bắc trong những năm từ 1285-1288, là người lập công lớn trong 2 cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông. Sau chiến thắng, ông được giao cho cai quản khu vực này rồi ở lại đây và qua đời vào năm 1311. Để tưởng nhớ công lao to lớn của ông, người dân địa phương đã lập đền thờ.

Ngôi đền toạ lạc trên một quả đồi, thuộc địa phận phường Cửa Ông, lưng tựa vào dãy núi đất phía Bắc, mặt quay ra Vịnh Bái Tử Long. Cấu trúc ngôi đền rất độc đáo và khá đồ sộ theo lối chữ Tam với đền Hạ, đền Trung và đền Thượng tạo thành một quần thể kiến trúc hình chân vạc.

Đứng từ trên đền Thượng, du khách có thể ngắm nhìn bao quát cả một vùng biển trước mặt với những núi đá nhấp nhô và tàu bè nhộn nhịp qua lại. Đến với đền Cửa Ông, du khách không chỉ được tìm về với giá trị văn hoá lịch sử, tâm linh mà còn được tận hưởng một giá trị nghệ thuật độc đáo. Cảnh trí thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ bao quanh ngôi đền hoà lẫn những đường nét cổ kính duyên dáng làm cho ngôi đền càng trở nên tôn nghiêm mà không xa lạ. Mỗi năm, mùa xuân về, đền Cửa Ông lại thu hút hàng chục vạn lượt du khách đến tham quan.

Tiếp đến là ngôi chùa Phả Thiên, nằm trên địa bàn phường Cẩm Sơn, chùa được xây dựng từ năm 1935. Đây là một ngôi chùa có kiến trúc đẹp, nằm trong một khuôn viên rộng, đẹp nên ngày càng thu hút nhiều du khách và tăng ni phật tử mọi nơi về vãng cảnh và lễ Phật.

Cùng với 2 địa danh trên, nói đến Cẩm Phả, không thể không nói đến quần thể du lịch Vũng Đục. Nằm bên Vịnh Bái Tử Long, Vũng Đục là nơi đã chứng kiến tội ác dã man của thực dân Pháp và bọn tay sai trong cuộc tàn sát những người cộng sản thời kỳ Vùng mỏ còn nằm dưới gót giày của chúng. Bên cạnh khu vực đài tưởng niệm là khu đền và hang động Vũng Đục.

Đến khu hang động Vũng Đục, du khách có thể men theo các triền núi đá, thưởng ngoạn thú leo núi và thám hiểm các hang động. Khu hang động Vũng Đục được liên kết bởi 5 hang động hoành tráng và kỳ vĩ với các tên gọi như: Động Thiên Đăng, Long Vân, Ngỡ Ngàng, Hang Kim Quy, Hang Dơi. Trong các hang động, du khách có thể thoả thích ngắm nhìn những tác phẩm tạo hình của tạo hoá với những nhũ đá, phiến thạch lung linh sắc màu.

Trên độ cao lý tưởng của động Thiên Đăng, du khách có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Vịnh Bái Tử Long. Không chỉ vậy, cũng từ khu du lịch Vũng Đục, du khách có thể đi tàu ra thăm một số đảo và khu du lịch trên Vịnh Bái Tử Long như khu du lịch sinh thái đảo Thẻ Vàng, Cống Tây, Cống Đông, hòn Nêm, đảo Rều (hay còn gọi là Đảo khỉ vì ở đây nuôi rất nhiều khỉ)...

Ngoài ra, Cẩm Phả còn khá nổi tiếng với nguồn tài nguyên khoáng nóng. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 2 nguồn khoáng nóng lớn, đó là khoáng nóng Tam Hợp (phường Cẩm Thạch) và khoáng nóng Quang Hanh (phường Quang Hanh). Theo các nhà khoa học, nguồn khoáng nóng này có nồng độ Brôm cao, kết hợp với nhiều loại vi khoáng có tác dụng chữa bệnh, có lợi cho sức khoẻ. Những năm qua, nguồn tài nguyên này cũng đã được khai thác để phục vụ người dân địa phương và du khách. Bước đầu tại các địa điểm này đã hình thành các khu nghỉ dưỡng và thu hút hàng vạn lượt khách mỗi năm.

Được biết, trong mục tiêu xây dựng và phát triển thành phố, Cẩm Phả tập trung phát huy thế mạnh công nghiệp, đặc biệt là dịch vụ - du lịch, tạo sức bật phát triển hài hoà kinh tế - văn hoá - xã hội. Hiện tại, thành phố đang chuẩn bị đầu tư xây dựng, mở rộng các khu nghỉ dưỡng tại các điểm khoáng nóng, khu nghỉ dưỡng đập nước Đá Chồng (Cẩm Thuỷ - Cẩm Thạch), khu sinh thái Mai Én (Quang Hanh)...

Du lịch, GO! - Theo báo Quảng Ninh, ảnh internet
Dường như mỗi làn điệu quan họ thắm tình mượt mà đã hòa quyện trong từng chiếc bánh khúc, nên chiếc bánh làng Diềm cũng đậm đà thủy chung như muốn níu chân “người ơi, người ở đừng về…”.

Chẳng biết từ khi nào bánh khúc làng Diềm (Yên Phong, Bắc Ninh) lại nổi tiếng và thu hút du khách gần xa như thế, chỉ biết rằng từng chiếc bánh tròn nhỏ như nắm xôi ấy đã tạo nên một nét văn hóa ẩm thực riêng cho mảnh đất Kinh Bắc này.

Khi những người nông dân kết thúc vụ thu hoạch lúa cũng là lúc mùa rau khúc bắt đầu mọc. Chẳng ai trồng rau khúc mà nó cứ âm thầm mơn mởn mọc lên ở những luống cày, bãi phù sa màu mỡ. Loài cây có màu xanh và hơi óng ánh nhũ bạc ấy đã dâng hiến cho mảnh đất Kinh Bắc này một món quà quê quý giá mang tên chính loại lá độc đáo làm ra nó - đó là bánh khúc làng Diềm ngày nay.

Bánh khúc làng Diềm có hai loại: nhân hành và nhân đỗ. Bánh khúc nhân đỗ có vị bùi của đỗ, vị ngậy của thịt mỡ và thơm của hạt tiêu. Bánh khúc nhân hành có khác hơn đôi chút: hành được dùng làm nhân bánh khúc nhất thiết phải là hành khô, cộng thêm mộc nhĩ, hạt tiêu, rau răm, thịt ba chỉ băm nhỏ trộn lẫn với nhau.

Bánh khúc thường được người dân làng Diềm nặn với hai hình thù khác nhau, hình tròn như chiếc bánh rán hoặc hình tai voi. Dù được nặn bằng hình thù nào thì vỏ bánh cũng được dát rất mỏng và không bị lộ nhân.
Để làm nên những chiếc bánh khúc nhỏ xinh, đòi hỏi phải có sự cần mẫn, tỉ mỉ, khéo léo của người xưa truyền lại.

Trước tiên là việc hái rau khúc ngoài đồng. Theo kinh nghiệm, muốn bánh khúc có hương vị thơm đặc trưng nên chọn rau khúc có bản nhỏ, dày bụ, màu bạc, được hái lúc ra hoa là tốt nhất, bởi hoa khúc càng già thì hương vị bánh càng đậm.

Xưa kia gạo nếp làm bánh khúc là gạo nếp cái hoa vàng nổi tiếng và phải được chọn lựa kỹ, bởi nếp ngon bánh mới mềm và dẻo, nhưng ngày nay khi giống nếp cái hoa vàng trở nên khan hiếm thì người làm bánh cũng có thể thay bằng loại gạo khác.

Bột làm bánh không phải hoàn toàn là gạo nếp mà theo tỉ lệ 8 gạo nếp 2 gạo tẻ. Gạo tẻ sau khi đem ngâm được giã nhuyễn với rau khúc, tỉ lệ gạo và lá làm bánh cũng là một bí quyết để có được nồi bánh như ý, bởi nếu nhiều gạo quá bánh khúc sẽ không có mùi vị đặc trưng của lá khúc, hay lượng gạo không đủ bánh sẽ thiếu đi độ kết dính.

Nhân bánh khúc làm bằng đậu xanh bỏ vỏ, ngâm bở, đem đồ chín tới, giã thật mịn rồi viên lại bằng quả trứng gà, thêm miếng thịt ba chỉ hạt lựu và chút hạt tiêu cho dậy mùi. Sau khi dàn mỏng lớp vỏ bao quanh kín nhân bánh, nhẹ nhàng xếp những nắm xôi vào chõ như đồ xôi, mỗi lớp bánh lại được rắc một lớp gạo nếp đã ngâm kỹ, cả đáy và miệng nồi phủ lá chuối xanh cho thơm. Sau đó đậy vung chặt đun đều lửa, bánh chín sẽ có một lớp áo xôi khoác bên ngoài trông rất hấp dẫn.

Người dân nơi đây vẫn thường nói với nhau rằng bánh khúc làng Diềm là sự kết hợp tuyệt vời của các sản vật thiên nhiên, từ cái dẻo thơm của nếp cái hoa vàng, vị bùi của đỗ xanh sánh quyện cùng vị béo của thịt ba chỉ. Tất cả được dung hòa bởi vị mát lành, nồng ấm của một loại rau làm nên hương vị đặc trưng của bánh - rau khúc.

Bánh khúc là thứ quà có thể giúp người ta đỡ đói lòng khi lỡ bữa. Có lẽ với nhiều người bánh khúc chẳng có gì là lạ nữa, nhưng để ăn một chiếc bánh khúc ngon, nhớ đời thì chẳng đâu bằng bánh khúc làng Diềm.

Thưởng thức bánh khúc khi còn nóng cùng với muối vừng hay muối lạc mới thấy hết được hương vị rất riêng của nó, thứ hương vị tự nhiên của ruộng đồng được kết hợp một cách khéo léo, tài tình gửi trọn trong tấm bánh bé nhỏ. Và khi thưởng thức người ta chỉ có thể thốt lên “Ôi hương đồng cỏ nội quê mình là đây”.

Du lịch, GO! - Theo TTO, internet

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống