Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Thursday, 10 May 2012

Thủy cung Thiên Đường Bảo Sơn là một công trình vui chơi giải trí thuộc Công viên Giải trí và Du lịch Văn hóa Thiên đường Bảo Sơn (Hà Nội). 
Đây là khu thủy cung đầu tiên của Hà Nội. Nơi đây có nhiều loài động vật biển quý hiếm và đang trở thành điểm tham quan, khám phá thú vị đối với du khách trong dịp hè.

< Thủy cung là một quả núi nhân tạo cao khoảng 30m, trên đỉnh núi có một đầu rồng vươn cao.

Trên diện tích công viên rộng khoảng 20ha, khu thủy cung chiếm khoảng mười nghìn mét vuông. Tuy mới đưa vào hoạt động phục vụ du khách nhưng đã thu hút nhiều người đến tham quan bởi mô hình thiết kế nhân tạo độc đáo và người xem có cảm giác được khám phá thế giới đại dương ở khu thủy cung đầu tiên của Hà Nội.

< Cổng ra vào khu thủy cung được thiết kế thành hàm cá mập với hàm răng nhọn khá ấn tượng.

Khu thủy cung được thiết kế theo hình ngọn núi nhân tạo cao khoảng hơn 30m với đỉnh là một đầu rồng nhô cao như đang muốn bay lên. Thủy cung gồm có 5 tầng và phân chia thành các khu trưng bày những loài sinh vật, hệ sinh thái của biển khác nhau.

< Bên trong khu thủy cung Thiên đường Bảo Sơn.

Ngay từ cửa ra vào, mô hình một chú cá đuối há miệng lao xuống chào đón khách tham quan bước vào thể giới đại dương kì diệu ở khu thủy cung Bảo Sơn đã tạo cảm giác thú vị, đặc biệt là du khách nhỏ.

< Du khách khám phá thủy cung Thiên đường Bảo Sơn.

Trong một không gian trưng bày và ánh sáng mờ ảo hắt ra từ những bể cá lớn hai bên vách đá nhân tạo, du khách lần lượt ngắm nhìn những loài cá bơi quanh những mỏm san hô và hải quỳ đủ màu sắc.

< Cá Mao Tiên, thuộc dòng cá dữ, thường hay sống ở các rạn san hô.

Đặc biệt, du khách được tận mắt nhìn cá mao tiên với màu sắc nâu đỏ, vàng, hai vây trước xòe rộng như hai cánh chim, vây lưng tua tủa 13 chiếc gai độc, thân hình mềm mại như nàng tiên.

< Cá nóc nhím gai dài sống ở các rạn san hô gần mặt nước.

< Cá hề sống theo đàn trong những rạn san hô.

Ngoài ra, còn có rất nhiều giống cá lạ có xuất xứ trên khắp hành tinh được đưa về đây như cá hồng vĩ mỏ vịt, một loài cá dữ có nguồn gốc từ vùng Amazon, hay như cá chép đỏ từ Nhật Bản, cá tượng từ đại dương bao la… Không chỉ vậy, du khách còn được tham quan và xem những màn nhào lộn nghệ thuật của những chú hải cẩu.

< Cá đuối biển có gai độc, sống ở những vùng nước mặn và gần mặt biển.

Sức hấp dẫn của khu thủy cung này không chỉ ở sự bài trí khoa học mà còn ở lối thiết kế độc đáo. Trong lòng thủy cung, lối lên các tầng được thiết kế theo hình xoáy trôn ốc. Sát tường ngoài là những ô cửa sổ ngụy trang dưới hốc đá.

< Rùa biển (hay còn gọi là con vích), có ở hầu hết các vùng biển Đông Nam Á.

Tầng trên cùng là nơi du khách thử cảm giác chinh phục bản thân khi khám phá đầu rồng và chiêm ngưỡng tổng thể Công viên Giải trí và Du lịch Văn hóa Thiên đường Bảo Sơn.

< Các loài các được nuôi trong những chiếc bể lớn gắn chìm trong tường.

Lối xuống đưa du khách đi qua những bể cá lớn của những loài cá nước ngọt. Cửa ra vào của thủy cung mô phỏng hình một con cá mập với hàm răng nhọn sắc mở rộng.

< Cá mập nhám, thuộc dòng cá dữ,  phân bố ở vùng biển nhiệt đới Tây Thái Bình Dương, Tây Bắc Ấn Độ Dương.

Là thủy cung đầu tiên của Hà Nội nên nơi đây sẽ là điểm đến hấp dẫn đối với du khách vào mỗi dịp cuối tuần, nhất là người Hà Nội.

< Hải cẩu là động vật lưỡng cư, phân bố ở khắp nơi trên thế giới, có khả năng biểu diễn xiếc.

Đến đây, du khách không chỉ được tận hưởng cảm giác nghỉ ngơi thư giãn, khám phá vẻ đẹp của thế giới đại dương thu nhỏ mà còn có cơ hội được tìm hiểu, bồi dưỡng thêm về công tác bảo tồn cũng như ý thức bảo vệ những loài sinh vật quý trong thế giới tự nhiên quanh ta.

Địa chỉ: Km8 đường Láng - Hòa Lạc, Xã An Khánh, Huyện Hoài Đức - Hà Đông - Hà Nội.
(Cách Trung tâm Hội nghị Quốc gia khoảng 4km)

Du lịch, GO! - Theo báo Ảnh Việt Nam
Nhìn dòng xe cộ tấp nập phía dưới, những bóng đèn đường lấp mình dưới  tán cây, nhìn những cơn mưa phất qua cửa sổ tắm mát cho Sài Gòn….Thành phố nhìn từ trên cao đẹp lỗng lẫy giống như một thiếu nữ đang tuổi dậy thì, mới lạ, e ấp và tinh khôi.

< Nhà thờ Đức Bà từ góc nhìn ở quán cafe Skyview tại tầng 13 của Diamond Plaza.

Café Sân thượng- một phong cách cafe đang được ưu chuộng tại Sài Gòn bởi không gian thoáng đãng, yên tĩnh lại có thể ngắm nhìn thành phố dần chuyển mình theo từng thời khắc trong ngày. Trước đây, khi nói đến mô hình café trên cao ở Sài Gòn người ta thường nghĩ đến những quán café sang trọng, hiện đại phù hợp với giới thượng lưu và những người có thu nhập cao.

Đó là quán café ở cao ốc Saigon Center, khách có thể vừa nhâm nhi cà phê, vừa ngắm thành phố từ tầng thứ 33 của tòa nhà cao nhất TPHCM.

Café Panorama 33 tráng lệ, sang trọng, khiến bất kỳ ai đã từng một lần đến nơi này đều có thể tự phong mình đã là dân sành điệu. Vào ban đêm nhìn ra xung quanh với muôn ngàn ánh đèn lung linh từ những khu cao tầng đến những nhà thấp thấp dưới đất đủ khung màu thú vị, hưởng trọn vẹn gió trời không mang bụi bặm, cái ồn ào của dòng đời phía dưới.

Trần quán sơn màu đen, mở đèn li ti màu trắng, không khác gì một bầu trời đầy sao thu nhỏ. Âm nhạc du dương và nhẹ nhàng lôi cuốn ngay từ khi bước ra khỏi thang máy. Cho đến bây giờ, Panorama vẫn mê hoặc rất nhiều người Sài Gòn.

Skyview tại tầng 13 của Diamond Plaza cũng là điểm đến lý tưởng cho những ai thích thể hiện mình. Phong cách của Skyview phù hợp với những vị khách thích không gian lịch sự, lặng lẽ. Chọn một chỗ ngồi sát ô cửa kính, có thể ngắm Nhà thờ Đức Bà, Dinh Thống Nhất hay những mảng xanh công viên.

Tuy nhiên, hiện tại thì mô hình café sân thương đã được mở rộng và ngày càng có nhiều quán café trên cao phục vụ đa dạng đối tượng khách hàng từ nhân viên văn phòng, đến giới trẻ, sinh viên…

< Café & Karaoke Cát Đắng, Hai Bà Trưng 387-389 Hai Bà Trưng, P.8, Q.3

Café Cát Đắng ở đường Hai Bà Trưng (Quận 3) là một trong những quán café sân thượng được nhiều bạn trẻ yêu thích. Nằm trên tầng 7 của tào nhà cao tầng, cách biệt hoàn toàn với khói bụi và tiếng ồn của thành phố. Sau một ngày làm việc vất vả, rất nhiều người dành thời gian rảnh rỗi đến đây uống café, ngắm cảnh và hóng gió… một kiểu thưởng thức café đậm nét Sài Gòn.

Với một thiết kế độc đáo và sang trọng lại nằm trên tầng thượng của một cao ốc Hải Nam,  Lounge Bar Cloud 9 lại như một thiên đường trên chín tầng mây.

Địa thế lý tưởng ở ngay trung tâm thành phố, cách Diamond Plaza chỉ 200m và nhìn ra vòng xoay hồ Con Rùa, khiến cho Cloud 9 không còn mang vẻ ồn ào, mà như một thế giới riêng cách biệt. Còn gì tuyệt vời hơn khi bạn kết thúc một ngày làm việc dài, bước vào Cloud 9 thưởng thức một ly cocktail mát lạnh và ngắm vẻ đẹp của thành phố lúc chiều muộn đang buông xuống.

< Cloud 9 Bar: Tầng 6, 7 Hải Nam building, số 2 Bis, Công trường Quốc tế, quận 3, TPHCM.

Muốn ngắm cảnh sông nước với những con thuyền nhỏ bạn có thể đến quán café trên cao của khách sạn Majestic (1 Ðồng Khởi, Q.1). Bạn tha hồ nhìn ngắm những chiếc thuyền đang xuôi ngược trên dòng sông bên bến Bạch Ðằng. Thấp thoáng đâu đó là những ánh đèn sáng chói từ phía cuối sông. Một bức tranh thật lãng mạn và yên bình bên cạnh một Sài Gòn tấp nập, xô bồ.

Ai mới đến Sài Gòn cũng than Sài Gòn nóng, đông đúc,chật chội. Hãy một lần thưởng thức café Sân thượng để thấy một Sài Gòn khác rất đẹp, lãng mạn và không kém phần kiêu sa của một thành phố phát triển và có nhiều thắng cảnh đẹp.

Du lịch, GO! - Theo MonngonSaigon, internet
Sau một đêm mưa nhẹ, đường vào Mường Phăng như có người vừa cọ rửa sạch sẽ vào sớm hôm nay. Trong trẻo và nguyên khiết, thơ mộng và thiêng liêng. 

Tiếng chim lảnh lót trong hoa trẩu, hoa trẩu lẫn trong mây còn mây thì lãng đãng bay trên bầu trời chiến khu xưa - nơi cha anh ta từng sống những ngày “máu trộn bùn non” để làm nên một kỳ tích Điện Biên Phủ...

Theo ngôn ngữ hành chính, “Mường” là một đơn vị làng xã gồm những bản tập hợp lại trong một phạm vi địa giới không thật xác định. Thế còn “Phăng”? Có hai cách giải thích xuất xứ từ “Phăng”, các cụ già người địa phương thiên về nghĩa thứ hai là “đâm chém”.

< Tượng đài chiến thắng Mường Phăng.

Tương truyền tại đây, dưới sự chỉ huy của người anh hùng nông dân Hoàng Công Chất (1706-1768), nghĩa quân đã đánh một trận sống mái chống lại đạo quân triều đình do Đoàn Nguyễn Thục chỉ huy, dưới thời vua Lê chúa Trịnh(?). Trận đánh bắt đầu từ Nậm Cô (Tuần Giáo), Hoàng Công Chất vừa chống vừa lui, nhử địch vào nơi thủ hiểm là Mường Phăng và kết thúc bằng một trận gươm đao đỏ máu. Tròn 2 thế kỷ sau, Mường Phăng trở thành đại bản doanh, nơi đóng quân của Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ.

< Thành phố Điện Biên nhìn từ trên tượng đài Chiến thắng.

Con đường vào xã được rải nhựa, không chỉ giúp cho việc đi lại của nhân dân trong vùng mà còn làm nhẹ thêm bước chân khách thập phương vào thăm di tích Mường Phăng. Di tích Mường Phăng nằm trong quần thể di tích quốc gia “Khu vực chiến trường Điện Biên Phủ”.

Gần 6 thập kỷ qua, Mường Phăng là chốn đi về, là niềm tự hào trong tâm tưởng của mọi thế hệ người Việt Nam. Song, với người ngoại quốc và nhất là với khách phương Tây, 2 tiếng Mường Phăng ẩn chứa trong đó cả một sự kỳ bí đến mức “không thể hiểu nổi”, như chính các báo chí phương Tây từng viết.

< Hầm chỉ huy của quân Pháp trên đồi A1 

Người ta “không thể hiểu nổi” vì sao với một đội quân trang bị vũ khí thô sơ, phương tiện vận chuyển nghèo nàn; mà lại dám đánh mà hơn thế còn đánh thắng, trước một tập đoàn cứ điểm được trang bị vào loại tốt nhất Đông Dương thời bấy giờ?

Hôm nay, trong rừng nguyên sinh Mường Phăng, tôi đã gặp những đoàn khách du lịch ngoại quốc đứng tần ngần bên cửa hầm Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Một số người chui vào, chui ra, rồi lại chui vào trong hầm như để cố xem cho thật kỹ bởi phải đâu lúc nào cũng có dịp đến đây? Một vài người ngồi lên cái giường phục chế, kín đáo đưa móng tay cậy thử xem nó được làm bằng vật liệu gì.

< Cứ điểm Đồi A1.

Tôi không biết tiếng nước ngoài, nhưng được anh bạn phiên dịch của Công ty Du lịch Hà Nội giới thiệu rằng họ là đoàn khách hỗn hợp đến từ 3 quốc gia châu Âu, nhân chuyến sang Hà Nội công tác. Tôi hỏi: “Thế họ vừa nói xì xồ cái gì với nhau?”. Anh bạn mới quen vui vẻ giải thích: “Họ bảo khâm phục.

Chỉ bằng cái chõng tre với đường hầm địa đạo thế này mà đè bẹp các loại vũ khí hạng nặng”. Bỗng dưng, tôi thấy thật tự hào vì mình là người Việt Nam - một dân tộc biết cách đi tới để làm nên chiến thắng.

< Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng.

Với diện tích tự nhiên hơn 90km2, Mường Phăng là xã vùng ngoài của huyện Điện Biên. Giờ đây, 57 năm sau ngày giải phóng, Mường Phăng đang từng bước đi lên trên con đường dựng xây và phát triển. Hơn 20 năm trước, hầu hết các tiềm năng rừng, đất rừng và đất ruộng của xã chưa được phát huy một cách tốt nhất. Từ chân đồi Phăng, cánh đồng bậc thang rộng hơn 100ha chạy tới các bản Xôm, bản Kéo, chỉ mới trồng được mỗi năm một vụ lúa.

< Lán ở và làm việc của Đại Tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam ở Mường Phăng.

Đó là nguyên nhân cơ bản khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh khó khăn. Phải làm gì và làm thế nào để nâng cao mức sống cho nhân dân? Câu hỏi ấy trở thành nỗi thôi thúc trong tâm trí các đảng viên trong toàn Đảng bộ, trở thành sự thách thức đối với chính quyền và lãnh đạo các ban ngành trong xã.


< Tượng đài kéo pháo ở Mường Phăng.

May mắn làm sao, cơ hội làm giàu đã đến với Mường Phăng, giúp Mường Phăng có thể đi lên bằng chính nội lực của mình. Kể đầu năm 1998, Mường Phăng được Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng.

Điện, đường, trường, trạm gần như cùng lúc được xây dựng; trong đó, đặc biệt phải kể đến đoạn đường từ dốc Nà Nhạn vào trong xã đã được rải nhựa.

< Hố bộ phá do Nguyễn Phú Xuyên Khung, Nguyễn Điệt, Nguyễn Văn Bạch giật nổ khối bộc phá nặng 960 kg lúc 20 giờ 30 phút ngày 6-5-1954.

Hồi chiến dịch Điện Biên Phủ, khoảng 1/3 tuyến đường này là huyết mạch cho “voi” ta vào trận và tất nhiên, ngày đó là đường nguyên thổ chứ chưa như bây giờ. Vẫn còn đây những địa danh mộc mạc mà bất tử, đó là “Dốc bảy tời”, “Đồi chuối”... nơi anh hùng quân đội Tô Vĩnh Diện hy sinh đời mình để cứu một khẩu pháo khỏi bị rơi xuống vực.

< Hầm chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Nơi 17 giờ 30 ngày 7/5/1954, Tướng De Castrie và toàn thể bộ tham mưu của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị quân ta bắt sống.

Ngày nay, bà con các dân tộc Mường Phăng đã và đang tiến quân mạnh mẽ vào khoa học kỹ thuật, loại bỏ dần các hủ tục, từng bước xoá đói giảm nghèo đưa bản làng tới chỗ phồn vinh. Tại các bản Che Căn, Đông Mệt, Cang, Yên, Phăng... đồng ruộng được gieo bằng giống mới hoàn toàn. Hàng năm vào mùa gieo trồng, ngành Nông nghiệp huyện Điện Biên đã điều về đây những kỹ sư giỏi nhất và tâm huyết nhất, hướng dẫn bà con phương pháp gieo sạ, phun thuốc diệt cỏ và sử dụng phân hữu cơ.

< Nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên Phủ dưới chân đồi A1.

Nhờ vậy, năng suất lúa nước của các bản này đều đạt gần 50 tạ/ha, đó là năng suất “nằm mơ” trước đây. Tiếng lành đồn xa, bà con người Khơ Mú, người Mông, người Thái ở các bản Vang, Kéo, Khôm, Xôm rủ nhau về học tập. Tranh thủ thời cơ, cơ quan khuyến nông huyện Điện Biên chủ động tổ chức các hội nghị đầu bờ; trên cơ sở ấy Đảng bộ xã ra các nghị quyết về nông nghiệp, nhằm đưa năng suất lúa của xã lên một tầm cao mới. Mấy năm qua, với hơn 200ha ruộng hai vụ, tổng sản lượng lương thực của Mường Phăng thường xuyên đạt mức trên dưới 3.200 tấn; bình quân lương thực đầu người không dưới 400 kg/năm.

< Điện Biên Phủ hôm nay.

Chúng tôi tới thăm Che Căn - một trong tám bản văn hóa cấp tỉnh của tỉnh Điện Biên. Cách đây mấy hôm, tại Nhà Văn hóa xã Mường Phăng, đã tiến hành nghiệm thu công trình “Bảo tồn bản truyền thống dân tộc Thái”, do Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch làm chủ đầu tư dự án. Thực tế việc xây dựng đội văn nghệ, truyền dạy âm nhạc truyền thống, diễn xướng, dân ca, dân vũ phục vụ du lịch... do Phòng Văn hóa & Thông tin huyện Điện Biên thực hiện. Nghe nói lễ nghiệm thu được tổ chức ấn tượng với gần 20 tiết mục văn nghệ, khoảng 100 nam nữ diễn viên không chuyên thuộc 4 dân tộc: Thái, Mông, Kinh và Khơ Mú tham gia. Các cụ già cho biết bản Che Căn hình thành cách đây gần 100 năm, tất cả là bà con dân tộc Thái đen.

< "Quyết chiến quyết thắng" khẩu hiểu oanh hùng của chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa.

Với địa hình cư trú bên cạnh suối, Che Căn có điều kiện bảo tồn và phát huy vốn văn hóa Thái với tinh chất folklore của những cư dân đặc thù vùng thung lũng. Trong bản đường đi lối lại sạch sẽ, những nếp nhà sàn rêu phong với những bộ khau cút truyền thống đâm thẳng lên trời nhắc các thế hệ con cháu câu chuyện thiên di của dòng tộc, tổ tiên... Mấy năm nay, ngoài lúa là cây lương thực chính, thì nuôi thủy sản và trồng, chế biến bột cây dong riềng, đang là một hướng làm giàu mới và bền vững cho hơn 60 hộ nông dân Che Căn.

Được biết, Mường Phăng là xã vùng III và chặng đường phía trước còn nhiều khó khăn thách thức. Vì vậy, nỗ lực vươn lên của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã là rất đáng trân trọng. Cùng với quần thể di tích chiến thắng Điện Biên, di tích Sở chỉ huy chiến dịch Mường Phăng đã được đầu tư tôn tạo lớn. Trong lòng nhân dân Việt Nam nói riêng và nhân dân thế giới nói chung, cùng với cái tên vàng Điện Biên Phủ thì Mường Phăng vĩnh viễn là một địa danh sáng chói - Một địa danh không chỉ là niềm tự hào, là biểu tượng chiến thắng mà còn là sự cổ vũ, khích lệ với mỗi công dân Mường Phăng...

Mỗi tấc đất, vạt rừng của Điện Biên hôm nay đều mang trong mình một dấu ấn lịch sử. Nơi chiến tranh đi qua, những bông hoa ban đã bung nở thắm sắc..
Giờ đây, cánh rừng Mường Phăng vẫn còn đó chứng tích một thời oai hung tượng trưng cho ý chí và lòng dũng cảm, kết nên “vành hoa đỏ, thiên sử vàng” chói lọi, làm nên một Điện Biên Phủ lừng lẫy.
Nơi chiến tranh đi qua, trên mảnh đất lửa đạn một thời, những bông hoa ban đã bung nở thắm sắc. Nhịp sống thanh bình hòa nhịp tiếp thêm ngọn lửa truyền thống trong mỗi thế hệ hôm nay.

Du lịch, GO! - Theo báo Dienbienphu, Dantri, VTC...

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống