Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Tuesday, 15 May 2012

Cách thị xã Lạng Sơn khoảng 30km, Mẫu Sơn với một quần thể 80 ngọn núi lớn nhỏ sẽ là một khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng mới. 

Nằm ở độ cao trung bình 800 - 1.000m so với mặt biển, có tổng diện tích hơn 10.470ha, Mẫu Sơn là một nơi có khí hậu ôn hòa, mát mẻ.

Mẫu Sơn gần như nằm trong sương mù quanh năm, tại đây vẫn còn giữ được 5.380ha rừng, trong đó có hơn 1.540ha rừng nguyên sinh với nhiều loại cây quý hiếm. Lên đến đỉnh Mẫu Sơn, du khách sẽ có được cảm giác như đang lạc vào vùng rừng núi cổ xưa, với tiết trời lành lạnh và mây trắng bao phủ. Đây không chỉ là một khu sinh thái nghỉ dưỡng mà còn thích hợp với những ai thích leo núi và thám hiểm.

Dọc con đường quanh co dài 16km lên đỉnh Mẫu Sơn được xây từ những năm 1925-1926, một bên là vách núi, một bên là thung lũng, vào mùa xuân, khách du lịch có thể ngắm bích đào nở đỏ rực trong lòng thung lũng, mùa hè, Mẫu Sơn nổi tiếng với loại đào tiên, quả to, thịt dày, rất thơm. Du khách đến Mẫu Sơn có thể nghỉ tại khu nhà nghỉ được xây trên nền những biệt thự cũ thời Pháp thuộc, mang những nét cổ kính và hoà mình vào núi rừng đất Lạng. Với quần thể 80 ngọn núi lớn nhỏ kéo dài, Mẫu Sơn đã góp thêm một tên mới trong danh sách các điểm du lịch của Việt Nam.

Từ Hà Nội, bạn có thể bắt xe bus tuyến Hà Nội - Lạng Sơn tại Cửa Đông hoặc bến xe Gia Lâm với giá 50.000 đồng/1 hành khách. Đến Lạng Sơn bạn có thể thuê xe máy để tới thăm khu du lịch Mẫu Sơn.

Đỉnh Mẫu Sơn là một nơi lý tưởng để nghỉ ngơi và thư giãn sau những ngày làm việc căng thẳng. Không khí rất trong lành và thiên nhiên phóng khoáng, tạo cảm giác gần gũi và thân thiết. Dọc đường đi, bạn còn có thể giao lưu với người dân tộc Dao, Tày, Mông, Nùng...đang gùi rau hay bó củi trên vai.

Nhà nghỉ ở Mẫu Sơn khá nhiều, vị trí đẹp mắt và được trang bị đầy đủ tiện nghi, giá cả vừa phải, dao động từ 120 ngàn đến 200 ngàn cho 1 phòng đôi.

Thức ăn ở Mẫu Sơn không có sẵn, bạn nên đặt trước với nhà nghỉ hoặc mang đồ ăn từ dưới phố lên. Các món ăn đặc sản nên thưởng thức: lợn sữa quay, vịt quay Lạng Sơn, ếch hương, gà thả rong nướng trên than cỏ tranh, cơm lam hay thịt kho lá mắc mật. Rau rừng ở đây rất ngọt và tươi, có nhiều loại như su su, rau ngót rừng hoặc hoa chuối.

Trên đỉnh Mẫu Sơn, bạn cũng có thể mua được mật ong khoái, bọng ong còn nguyên sữa non từ những người dân tộc.

Đêm trên Mẫu Sơn, trước tiên hãy thư giãn và ngâm mình trong bể tắm lá thuốc dân tộc của người Dao, ăn tối và thưởng thức trà San Tuyết - một loại trà chỉ sinh tồn ở trên vùng núi cao của hai huyện Cao Lộc và Lộc Bình. Mua vài gánh củi của người dân tộc và đốt lên ngọn lửa trại ấm áp trên sườn núi.

Giữa thiên nhiên hoang dại, gió núi lạnh buốt, nhấp ngụm rượu Mẫu Sơn được chưng cất từ nước suối trên núi với những vị thuốc gia truyền, bạn sẽ có những giây phút không bao giờ quên. Rượu Mẫu Sơn có thể mua ngay trên đỉnh Mẫu Sơn, các nhà nghỉ thường có hầm rượu lưu trữ trong nhà, giá từ 10 đến 20 ngàn đồng 1 lít.

 Đúng là mẫu sơn cái gì cũng có đời người mà chưa lên Mẫu Sơn thì đúng là không được biết những cái gì thú vị trên đời nào hãy cùng đi Mẫu Sơn nào...

Du lịch, GO! - Theo Mangdulich, internet
Nằm cạnh Quảng Nam - trọng điểm du lịch của miền Trung với hai di sản văn hóa thế giới, Quảng ngãi gần như chưa có tên trên bản đồ du lịch Việt Nam.

< Khu di tích Mỹ Sơn.

Lâu nay, khách du lịch chỉ biết Quảng ngãi có Khu di tích Sơn Mỹ (H.Sơn Tịnh) và gần đây có thêm Khu di tích bác sĩ - liệt sĩ Đặng Thùy Trâm (Đức Phổ). Ít ai biết rằng, Quảng ngãi có nhiều bãi biển đẹp như Sa Huỳnh (Đức Phổ), Mỹ Khê (Sơn Tịnh), Minh Tân (Mộ Đức), Lệ Thủy, Khe Hai (Bình Sơn)... Tôi thích nhất là bãi tắm Khe Hai trước mặt khu du lịch Thiên Đàng. Nhưng điểm nhấn của du lịch Quảng ngãi là đảo Lý Sơn. Từ cảng Sa Kỳ (Sơn Tịnh) ra đảo Lý Sơn chỉ 25km - mỗi ngày có một chuyến tàu cao tốc và một chuyến tàu chợ.

< Biển Lý Sơn.

Tàu cao tốc chạy mất một giờ còn tàu chợ thì ba giờ. Lý Sơn còn gọi là cù lao Ré hay nôm na là đảo Tỏi; là huyện đảo rộng 9,97km2, dân số chừng 21.000 người, có hai đảo và ba xã. Đảo lớn có xã An Vinh và An Hải, đảo bé có xã An Bình. Đảo có nhiều miệng núi lửa, chỗ nào cũng có đá ong. Ven biển là các bãi đá đen, còn gọi là đá cháy, vốn là nham thạch núi lửa.

Lý Sơn là cái nôi của đội hùng binh Hoàng Sa, bảo tàng sống về chủ quyền lãnh hải Việt Nam ở biển Đông với rất nhiều di tích và thắng cảnh. Âm Linh Tự và quần thể Mộ Gió - nơi thờ tự đội hùng binh Hoàng Sa và các chiến binh từng bỏ mình trên biển. Chùa Hang (Thiên Khổng Thạch tự) trong hang đá tự nhiên, xây dựng cách đây hơn 300 năm. Trước chùa, những cây bàng vuông cổ thụ (có người gọi là phong ba) mấy trăm năm tuổi, được các chiến binh đem giống từ Hoàng Sa về trồng.

Chùa Đục dưới chân miệng núi lửa, có tượng Phật Quan Thế Âm cao 27m nhìn ra đảo Bé. Đỉnh núi là miệng núi lửa, có giếng Tiên; đường lên đỉnh có ba hang đá là những chùa nhỏ. Lý Sơn có nhiều kiến trúc cổ độc đáo. Đó là quần thể đình làng An Hải, đền thờ Lăng Chánh, đền thờ Cá ông, dinh Tam Tòa, dinh Bà Thiên Y Ana... Nhà trưng bày lưu niệm hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải có nhiều hiện vật quý, khẳng định chủ quyền lãnh hải Việt Nam ở Hoàng Sa - Trường Sa. Chiều lên đỉnh Tò Vò ngắm hoàng hôn, còn sáng sớm đi xe ôm lên đỉnh núi Thới Lới đợi bình minh và xem Lý Sơn rộn rã ngày mới thì thật tuyệt.

Gần đây, Quảng Ngãi có thêm di tích quốc gia đặc biệt - Trường Lũy, làm bằng đá và đất, chạy dọc thượng đạo xưa, từ Trà Bồng - Quảng Ngãi đến An Lão - Bình Định. Theo nhiều nhà nghiên cứu, Trường Lũy dài hơn 200km được xây dựng từ thế kỷ XVII-XVIII. Có người còn quả quyết, Trường Lũy được xây dựng như một công trình phòng thủ phía nam thành cổ Trà Kiệu. Quảng Ngãi còn có các danh thắng như núi và chùa cổ Thiên Ấn, mộ chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng, thành cổ Châu Sa, di chỉ văn hóa
Sa Huỳnh.

Ẩm thực Quảng Ngãi có nhiều món ngon nổi tiếng. Ngoài đường phèn, đường phổi, mạch nha, kẹo gương... còn có tỏi Lý Sơn. Loại tỏi trồng trên cát lấy từ biển, nhỏ tép, chắc, có vị rất riêng.

Các món cá bống trứng, cá thài bai sông Trà; đồn đột (một loại hải sâm) Lý Sơn tiềm thuốc Bắc; gỏi cá cơm; don (cùng họ với hến) trộn xúc bánh đa; dưa hấu An Tiêm; mắm nhum, cơm gà... Loại nào cũng tươi rói và đậm đà hương vị Quảng Ngãi.

Du lịch, GO! - Theo Phụ nữ Online
Như các bạn cũng đã biết: bọn mình là người tự do, dĩ nhiên cũng có công việc làm ăn hàng ngày... nhưng may mắn ở cái là nếu muốn đi chơi vài ngày thì không khó - chỉ việc soạn hành lý, túi rủng rỉnh tý tiền còm là có thể lên đường làm một chuyến bất kỳ lúc nào nếu thời tiết tốt.

Cũng như bao chuyến đã đi, lần này kế hoạch của bọn mình cũng được soạn sẳn từ nhà. Lộ trình xuất phát từ 4h30 sáng ngày 11/5/2012 sẽ hướng về cầu Phú Mỹ - Cát Lái. Qua phà Cát Lái rồi thì hướng về Nhơn Trạch - QL51 - Long Thành - Bình Sơn - Dầu Giây - Long Khánh.
Từ Long Khánh, mình sẽ không đi quốc lộ mà rẽ vào đường trong nội ô rồi theo lối chạy song với đường xe lửa Bắc Nam để đến Gia Ray gặp TL766 đi Võ Đắc - Đức Tài - Võ Xu. Từ Võ Xu sẽ rẽ xuống thị trấn Lạc Tánh và dự định nghỉ tại đây 1 ngày để thăm thác Bà, hồ Biển Lạc, đồi Đức Mẹ Tà Pao (nhưng khi đến rồi thì kế hoạch hoàn toàn khác)...

< "Đặc sản" từ một nhà máy tại khu công nghiệp Nhơn Trạch: những cụm khói đen...
Thành phố Nhơn Trạch phát triển rất nhanh nếu so với mươi năm trước. Tuy nhiên: phát triển thường kèm theo "tý bụi trần".

Rời Lạc Tánh (Tánh Linh) thì bọn mình sẽ đi La Ngâu - Đa Mi - theo QL55 qua hồ thủy điện Hàm Thuận - qua đèo Lộc Nam - xã Lộc Nam - Lộc Thành - Bảo Lộc và nghỉ lại.

< Bạn nhìn tấm bản bên phải: may mắn chỉ là sự hù dọa thôi. Có những nơi không có bảng này nhưng bị 'bắn" lúc nào không hay mới là độc chiêu nghen!

Từ Bảo Lộc lại theo QL20 đi Liên Đần - Di Linh - theo QL28 đi Gia Bắc - vượt đèo - sắp đến Sông Quao thì rẽ trái về Ngã 3 Gộp Hàm Thuận Bắc - Theo QL1 ngược một đoạn về ngã 3 Tà Zon và rẽ vào đường đi núi Bàu Thêu.

< Tràn ngập một màu cây cỏ ở Bình Sơn. Tiết trời sáng mát rượi dù nắng đã lên cả một khúc từ chân trời.

Tuy nhiên Bàu Thêu đã từng có lần đi rồi nên đến ngả 3 nhánh thì bọn mình sẽ quẹo vào xã Thiện Nghiệp - Bãi Rạng và dừng chân tại Mũi Né (bà xã thích nơi này - theo tính toàn thì bọn mình sẽ đến Mũi Né vào trưa Chủ Nhật, vừa lúc hết giờ "mắc mỏ" cuối tuần).

< Một nhà máy chế biến mủ cao su tại Bình Sơn - phía xa là rừng cao su bạt ngàn.

Lúc về có thể theo một phần đường ven biển, một phần QL55 để khám phá nhiều chốn hay hay và độc đáo khác khác mà trong các chuyến đi trước, bọn mình có thể bỏ sót...

< Ngã  3 An Viễn: đi thẳng là Cẩm Mỹ - Cẩm Đường còn rẽ trái theo đường lớn là đi Dầu Giây.

Nhưng dự tính là dự tính - những biến cố mà bọn mình gặp phải trong chuyến đi đã làm đảo lộn tất cả: bản kế hoạch xếp xó và chuyến phượt trở thành một cuộc lãng du đầy gian truân, bất trắc nhưng đầy bất ngờ. Xui xẻo cũng có nhưng may mắn có lẽ cũng lềnh khênh.

< Bọn mình rẽ trái hướng về xã Bình An thuộc Long Thành - Đồng Nai. Đường xã lộ 25 sẽ kéo dài đến khu công nghiệp Dầu Giây và QL1A.

Về phần lộ trình sẽ đi trong một ngày: trước kia hiếm bao giờ mình chạy quá 180km/ngày do quan niệm vừa đi vừa chơi - Vả lại sức khỏe của bọn mình không như sức trẻ: gồng lưng "nuốt đường" thì phá sức lắm, e chịu không xiết...

< Rừng cao su hai bên với những hàng cây thẳng tắp.

Vậy nhưng trong chuyến này, mình cũng nuốt đường hà rầm, "nuốt" đến khi về, nghĩ lại thấy sợ: tại sao mình chạy dữ vậy nhỉ, tại sao mấy mươi cây số trên đèo vắng teo mà vẫn dám kéo ga cao trong khi vỏ sau... phù một cục tưng tưng (hi hi).

< Đôi khi lại là những ruộng lúc vuông vắn, xanh mướt với nhúm mạ non.

Nhưng thôi, chuyện đã qua và bọn mình vẫn an toàn. Và trong loạt bài này, mình sẽ dần kể lại tất cả những tình tiết trong chuyến đi khá là gian khổ, các bạn chờ xem nhé.

< Đã đến ngã 3 Dầu Giây. Chạy thẳng là La Ngà (35km), quẹo trái là Trảng Bom (18km) còn rẽ phải là Long Khánh (11km) - Bọn mình rẽ phải, dĩ nhiên.

Chuyến đi xuất phát từ sáng sớm, đoạn Cát Lái - Nhơn Trạch thì bọn mình đã kể quá nhiều nên không lặp lại, chỉ cập nhật những cái thay đổi cần thiết thôi nhé.

< Dốc "Mẹ bồng con".

Đoạn này đi nhiều lần do mình ở Q7: rời thành phố theo lối này khá thuận tiện nếu về hướng Đông - Tuy vậy, con đường này vẫn thú vị lắm do thoáng mát, đường tốt (ngoại trừ khúc qua khu công nghiệp Nhơn Trạch một tý thì đường hơi hẹp) - không "đinh tặc", không bị "búng tốc độ" (dù có bảng hù), chạy thích mắt với những rừng cao su bao la hai bên.

< Khu công nghiệp Long Khánh: từ thời mở cửa đến nay, các khu công nghiệp mọc lên nhiều như nấm sau mưa, tạo biết bao công việc cho người địa phương.

Cái không được ok một chút là cây cầu Phước Lý ở cụm dân cư Đại Phước (Nhơn Trạch) vẫn ì ạch chưa xây xong nên vẫn còn phải đi lối vòng theo hương lộ 19 để tránh - chỉ khúc tránh ngắn thôi, qua rồi thì đường thênh thang 4 làn cho đến tận Nhơn Trạch.

< Mình mở bản đồ và tìm xem ngã 3 Cua Heo đã đến chưa - đúng đây là đường Hô 2 Thị Hương rồi, thẳng tiến thôi.

Đến khi mình ra ngã 3 Nhơn Trạch thì rẽ ngược về một đoạn, đến Long Thành để đi Bình Sơn.
QL51 vẫn vậy: rộng thênh thang nhưng nhiều đoạn vẫn còn thi công hà rầm - đến bao giờ lan phân cách, biển báo hiệu, đèn tín hiệu... có đủ thì chắc chỉ có... Trời biết mà thôi. Vậy nhưng nhìn lại thì QL51 vẫn tuyệt vời vô cùng so với QL14 đã tan nát chờ sửa hàng chục năm qua, hic...

< Đường Hồ Thị Hương tại Long Khánh, bạn thấy ngon lành đó chứ? Long Khánh là thị xã, phát triển nhanh với cư dân đông đúc - có lẽ sớm lên thành phố thôi.

Từ Long Thành đi Bình Sơn theo theo TL769 đường vẫn thật tốt với bạt ngàn rừng cao su, thưa người. Đến ngã 3 An Viễn sẽ gặp chổ giao nhau với đường cao tốc Dầu Giây: hiện giờ người ta đang thi công nền đất đỏ cao hàng mét - bao giờ đường cao tốc này khánh thành thì sẽ là một sự thuận tiện vô cùng nếu xuất phát từ Q7, Q9 đi Dầu Giây (nhưng chắc còn lâu so với kế hoạch).

< quẹo tiếp đường Hoàng Diệu rồi Duy Tân...

< ... bọn mình ra con đường này: đường không tên, khá ổn...

Từ ngã 3 An Viễn đến Dầu Giây thì TL769 còn có tên là xã lộ 25: lắm nơi thừa tên, cũng khối chỗ thiếu tên, VN mình hay như vậy. Chỉ một vài chỗ hư hỏng nhẹ nên dùng con đường này để đi Dầu Giây vẫn thuận tiện lắm so với lối Cẩm Đường - Cẩm Mỹ mà đã từng một lần bọn mình qua rồi phát ớn.

< Và kéo dài đến tận Gia Ray.

Theo xã lộ 25 đến lúc thấy nhà cửa hai bên nhiều lên, đông đúc thì đã đến ngã 3 Dầu Giây  - người ta quen gọi "ngã ba" chết cả danh chứ thật ra đã là ngã 4 từ rất lâu rồi, bắt đầu từ lúc có TL769 đi Bình Sơn.

Bọn mình đến đây thì rẽ phải đi Long Khánh, QL1A khúc này rộng thênh thang. Chạy được một đoạn thì thấy điểm nối kết cao tốc Long Thành: vẫn đang thi công đầy đất đỏ: nhìn trên bản đồ thấy OK nhưng chưa chạy được đâu, ngoại trừ xe tăng thôi, he he...

< Bên phải đường này là ray xe lửa chạy song song, cùng lúc này cũng đang có chuyến tàu lăn bánh thấp thoáng sau những lùm cây.

Rồi bọn này vượt dốc "Mẹ bồng Con". Người ta còn gọi nơi đây là đèo nhưng thực chất đây chỉ là hai đoạn dốc hơi sâu, có phần ngoạn mục trên quốc Lộ 1A trước khi đến trung tâm Thị xã tầm 5 đến 7 cây số. Đây là 2 con dốc cao nằm giữa đoạn Dầu Giây đến Long Khánh.

< Còn mé trái là ruộng đồng xanh mướt.

Người ta gọi là "bồng con" vì có những hai con dốc liên tiếp: dốc lớn tượng trưng cho mẹ, dốc nhỏ tượng trưng cho con. Đây là một ẩn dụ trong địa danh, vậy nhưng có hẳn một bài thơ hay về con dốc này đấy:

< Trên đường này cũng có thánh thất cao đài.


Qua dốc mẹ bồng con

Ngập ngừng dốc Mẹ Bồng Con,
gió khe khẽ thoảng, hương ngòn ngọt đưa.
Ngậm ngùi nhớ mẹ ngày xưa,
bồng con tay mẹ sớm trưa ấm nồng.

Lời ru dịu sóng dòng sông,
đưa con về với ruộng đồng ca dao.
Lời ru êm ả ngọt ngào,
đôi tay mẹ cũng dạt dào nhịp đưa.

< Thấp thoáng sau những rặng cây là núi Chứa Chan...

Bồng con ấm lạnh bao mùa,
tay gầy, gầy những sớm trưa chống chèo.
Bồng con một thuở gieo neo,
tay gầy là nắng mưa gieo thắm đồng.

Tay gầy cho lúa đơm bông,
cho con lớn giữa biển lòng mẹ yêu.
Dốc Bồng Con ngập ngừng chiều,
rưng rưng nhớ... nhớ mẹ nhiều... mẹ ơi!
Nguyễn Lãm Thắng


< Đường vắng, chạy sướng.

Đến Long Khánh thì mình rẽ ngay vào ngã 3 Cua Heo theo đường Hồ Thị Hương > Hoàng Diệu rồi rẽ phải vào đường Duy Tân. Con đường này sẽ chạy song song với đường xe lửa Bắc Nam với xung quanh là nhà cửa thưa thớt, ruộng đồng bao la xanh mướt.

< Núi Chứa Chan, trên có chùa Gia Lào...

Đoạn đường không tên này sẽ gặp TL763 cắt ngang rồi đến khi thấy nhà thờ Gia Lào, thấy núi Chứa Chan thì cũng sẽ thấy luôn điểm cuối là TL766 giao cắt, bọn mình rẽ trái đi Võ Đắc - Võ Xu.

< Xem ra ngọn núi này mình đã đi giáp gần 4 mặt nhưng lên đỉnh thì  chưa. Bà xã từng lên chùa nhưng chùa chỉ nằm lưng chừng núi, đường dẫn lên là 360 bậc thang với chiều dài 3,2km - vừa leo thang vừa thở.

< Còn muốn lên tới đỉnh thì phải theo những con đường mòn, vạch cỏ tranh cao đến ngực để đi. Phần thưởng sau sự khó nhọc là ngút ngàn rừng bao la bên dưới, ngắm suối Gia Lào uốn lượn qua các ghềnh đá, đẹp như một bức tranh...

< Nói và kể chuyện trên núi... nhưng thật tế thì mình vẫn đang phon phon trên con đường không tên...

< Rồi cũng đến chợ Gia Ray, thêm một đoạn ngắn nữa thì gặp TL766 cắt ngang, bọn mình rẽ trái đi vào "con đường lịch sử" với một "tai họa".

Đây là lần thứ nhì mình đi TL766 nhưng chuyến này sẽ xẩy ra nhiều sự cố làm ảnh hưởng đến cả một chuyến đi. Nói gọn là bản kế hoạch gần như xếp xó - từ sau biến cố thì bọn mình tự bơi: tới đâu hay tới đó, xả láng luôn (he he!).

Còn tiếp

Điền Gia Dũng - Du lịch, GO!

Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10 - Phần 11 - Phần 12 - Phần 13 - Phần 14 - Phần 15 - Phần 16 - Phần 17 - Phần 18 - Phần 19 - Phần 20 -

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống