Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Wednesday, 16 May 2012

(Tiếp theo)
Qua chợ Gia Ray trên con lộ không tên rồi, chỉ thêm một đoạn ngắn nữa là bọn mình gặp TL766 cắt ngang đúng như dự tính trước trên bản đồ đường đi: vậy là mình quẹo trái hướng về thị trấn Đức Tài. Đoạn tỉnh lộ này mình đã vượt qua một lần trong chuyến Madagui - Đạ Tẻh, xem ra trùng lắp nhưng chỉ một đoạn ngắn thôi vì chả còn phương cách tối ưu nào khác để đi Lạc Tánh.

< Tỉnh lộ 766 đoạn Gia Ray - Đức Tài: cần cẩn thận khi chạy đường này!

Trong thật tế thì nếu chạy theo TL này lên một đoạn sẽ có đường bên trái hướng về Lạc Tánh mà không qua Đức Tài - Võ Xu... nhưng đáng tiếc đây là đường đất rất xấu, rẽ ngọặc lung tung trong các rẫy lớn rồi vòng giáp quanh trại giam Z30A Xuân Lộc vào Bà Tá và nối vào QL55 tại ngã 3 Bà Tá. Bọn mình định nhắm đường này cho lạ nhưng rồi lại thôi vì quanh co rắc rối quá: không khéo đi đường này ngắn hơn nhưng hỏi đường nhiều lần hoặc lạc lối sẽ mất thời gian gấp mấy lần đi TL766 nên bèn thôi.

< Hai chiếc "xe tăng" này chạy trên đường nhưng hổng pa nào dám rớ tới, cũng chả dám "bắn" tốc độ...

Bấm ảnh để xem đúng kích cỡ.

Bề ngang TL766 rộng (4 làn), rất thưa xe - mặt đường cũng rất tốt. Chính vì vậy mà xe mình chạy mức 50km/h trở lại. Và rồi cái sự cố trước giờ chưa gặp đã xẩy ra:

< Đường thênh thang nhưng đừng ham hố, phải "bò" mới hợp lẽ phải.

Đang phon phon trên lộ thì bọn mình nghe tiếng la: "bắn tốc độ!". Chưa kịp làm gì thì đã thấy hai chiếc mô tô CSGT đậu ven đường phía trước. Ba chiếc xe trên đường cùng lúc thì cây gậy điều khiển giao thông "chiếu tướng" ngay chiếc Win của mình! Vậy là tấp vào lề nhận... quà.

< Đến ranh giới Bình Thuận, thở phào!

Trình đủ giấy tờ xong, anh chàng CSGT nói "Đoạn đường này chỉ giới hạn tốc độ là 40 nhưng chú chạy 50km/h". Chẹp, nãy giờ cũng chả thấy biển báo tốc độ đâu cả - 40km thì biết bao giờ mới đến Lạc Tánh đây? Anh ta còn cho biết thêm: "Ngoài QL thì được 60 (không phải khu dân cư) còn trong này thì 40, nếu chú chạy 49km/h thì chỉ phạt 150k, 50 thì phạt 300k còn 60km/h trở lên thì phạt 600k hoặc giữ luôn xe" (chẹp, chát không thua quán "Như Ý ở VT, he he).

Hỏi bắn tốc độ ở nơi mô sao không thấy thì hóa ra: họ "bắn" phía dưới kia, cách đây tầm 1 cây số - Dưới kia 'bắn' rồi báo trên này chận lại, tiền sẽ vào ngân sách ầm ầm...

< Xa xa có một cụm núi nho nhỏ, chả biết gọi là gì. Mình chỉ biết nếu thẳng tiến theo hướng này là rừng Trà My. Lúc này nghe tiếng tạch tạch theo vòng quay bánh xe: không phải đinh, mình nghĩ có viên đá nào kẹt trong các khe của vỏ sau nên dừng lại xem mà chả thấy gì lạ.

< Vẫn chạy phon phon, rất hiếm khi gặp xe bốn bánh - còn nhiều bánh hơn nữa thì chả thấy luôn.

... Đồng Nai làm rất rát vụ này, nhất là những đoạn tỉnh lộ thưa xe, nơi người ta thấy vắng người - thưa xe nên cứ phon phon mà quên vụ săm soi các biển báo.

< Bọn mình đến Đức Tài, ngay ngã 3 này: mình rẽ phải theo đường lớn đi Võ Xu. Do lần trước đã đi nên lần này có kinh nghiệm rồi, còn chuyện phạt sẽ là kinh nghiệm cho lần sau nữa.

< Trờ chuyển mát, nhưng không lâu đâu...

Cũng chính đoạn TL766 từ Gia Ray đi Đức Tài này: trong lần trước mình cũng nghe người địa phương chạy bên cạnh hét to "Coi chừng bắn tốc độ" nên chậm lại, không dính. Còn lần này thì sơ ý nên ngã mũ chào thua! Mà họ "bắn" nghề lắm, đố mà biết trước được ngoại trừ một ít người địa phương thường xuyên đi trên đường đã quen thuộc.

< Nắng lại xuất hiện trước mặt, phía trước cũng là thị trấn Võ Xu với con lộ lớn và khang trang.

Người "bắn" thường ngồi trong xe biển số xanh nào đó và bùm qua kiếng sau, có khi họ đứng ven lùm bụi rồi đưa "súng" ra mà "bắn" - giới hạn 40 nhưng vượt 42, 43 cũng chả thoát được đâu. Âu cũng là phương cách hạn chế tai nạn GT và... tăng nguồn thu ngân sách.

< Hết mát rồi. Bên đường là bọn trẻ vừa ta trường về, tụm năm tụm ba...

Vậy là mất bén 300k... nhưng ác hơn nữa là không thể đóng phạt tại chổ mà khi nào về phải ghé CA Gia Ray trên QL1A để đóng tiền và lấy lại cạc vẹt xe.

< Gặp ngã 4 lớn đầu tiên là ngã tư Chùa (phía trái có chùa Quảng Minh - bọn mình rẽ phải đi Lạc Tánh.

Kế hoạch về của bọn mình cũng buộc phải thay đổi do chuyện này: vậy là phải chạy con đường "xương sống" mà bọn mình hoàn toàn không thích (dù nó ngắn nhất).

< Đường xá Võ Xu khá vắng, có lẽ do ngay trưa hè. Đây chính là tỉnh lộ 710 nối từ Võ Xu đi Lạc Tánh và điểm cuối chạm QL55 tại ngã tư khu phố Lạc Hoa (Lạc Tánh).

Âu cũng là số mệnh: cứ ngỡ quá xui nhưng hôm sau còn gặp nạn khiếp hơn nhiều! Vậy nhưng trong cái rủi cũng có cái may: nếu mà... Nhưng thôi, đó là chuyện phần sau.

< Đây là cua Bà Quê, chả biết sao lại có tên này.

Nhét biên bản vào túi rồi thì đi, anh chàng CSGT còn thòng thêm câu nhắn nhủ: "Cứ chạy từ từ... ngắm cảnh kẻo lại bị lần nữa, họ lại thu bằng lái - chừng thu hết rồi thì chỉ còn... chiếc xe để giữ lại thôi". Khẹc khẹc, dzị là từ đây đến Lạc Tánh, mình phải bò với tầm 40km/h giữa ánh nắng chói chang - bể khổ! Tránh trời không khỏi nắng, trước giờ trong các chuyến đi: rất hiếm khi nào mình chạy quá 60, thường thì cứ tà tà - tới đâu cũng tới, hi hi...

< Trạm quản lý hồ Biển Lạc đây: "hồ" và "biển" nghe mênh mông nhưng lúc này bọn mình nhìn hai bên lại không thấy hồ nước nào cả, hạn hán à?

Gác chuyện đã qua sau lưng, bọn mình là tà vừa chạy vừa ngắm cảnh vật bên đường. Tiếng một chiếc gắm máy xé gió vụt ngang, nhìn kỹ hóa ra chiếc này là chiếc bị phạt sau xe mình. Có lẽ anh chàng trẻ tuổi giờ trút giận lên từng cây số đây (cậu này bị thu giữ cả cạc vẹt và gấy phép lái xe)!

< "Khu phố" lò gạch đây: san sát, đặc ken kề cận những đống củi lớn - máu của rừng Tánh Linh.

Chạy mươi cây số nữa thì thấy biển báo địa giớ tỉnh Bình Thuận, thở phào! Trong lần đi trước: khúc này còn rải đá và đang thi công nhưng bây giờ đã láng nhựa ngon lành. Rồi thì cũng đến thị trấn Đức Tài, bọn mình rẽ trái đi Võ Xu.

< Nơi đây thuộc giáo xứ Gia An, núi xa xa là một trong những ngọn núi của rừng Tánh Linh.

Đức Tài là một thị trấn nhỏ thôi, vậy nhưng hồi cuối tháng 3 năm này: cả thị trấn tràn ngập niềm vui. Điều gì bạn biết không? họ vui vì có khoảng 50 người ở thị trấn (huyện Đức Linh, Bình Thuận) trúng số trong đợt phát hành của đại lý vé số Hồng Nhân...

< Các em trên đường đi học về. Mong rằng các em sẽ học được cách giữ rừng và phát triển từ rừng.

Trong số 70 vé của Công ty Xổ số kiến thiết tỉnh Tiền Giang mà đại lý đưa ra thị trường thì có những bảy tờ trúng giải độc đắc (mỗi tờ 1,5 tỉ đồng) và 63 tờ còn lại trúng giải an ủi (mỗi tờ 100 triệu đồng)...

< Luôn có những chiếc xe thế này chạy trên đường: Củi phía trên còn gỗ phía dưới.

Người trúng độc đắc thì không phải nói cũng biết họ vui như thế nào, còn người xem trúng thoạt đầu thì tiếc rẻ vì chỉ chệch một con số là hốt bạc... nhưng rồi họ lại vui vì cũng có giải an ủi kha khá. Chúc mừng người dân ở địa phương.

< Những ngọn núi nhấp nhô, sắp đến Lạc Tánh rồi.

< Trường Trung học Cơ sở Lạc Tánh, một ngôi trường đẹp.

Do lần đi này là lần 2 nên thấy khá nhanh, chỉ thoáng chốc là đã đến Võ Xu rồi. Chạy thêm một đỗi xa là thấy ngã tư có bùng bình: mình nhìn xeo bên kia có chùa Quảng Minh, người ta gọi đây là ngã 4 chùa - bọn mình quẹo phải đi Lạc Tánh. Bắt đầu bây giờ là cung đường mới, đường bọn này chưa đi.

< Trung tân thị trấn đây, nếu rẽ trái là vào chợ.

Trước tháng 6 năm 1999: cả Đức Tài, Võ Xu, Ma Lâm, Lạc Tánh... đều là xã. Từ ngày 15/06/1999 thì các xã này trở thành thị trấn theo nghị định số 37/1999/NĐ-CP:
- Thành lập thị trấn Võ Xu, thị trấn huyện lỵ huyện Đức Linh trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số của xã Võ Xu.
Võ Xu có 2.765 ha diện tích tự nhiên và 15.833 nhân khẩu thời ấy.

< Qua khu phố Lạc Hoa 1 rồi 2 thì đến khu phố Chăm, thưa nhà dần. Mình rẽ trái, vào đường đi thác Bà và trở ngược lại khu trung tâm.

- Thành lập thị trấn Lạc Tánh, thị trấn huyện lỵ huyện Tánh Linh trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số của xã Lạc Tánh. Lạc Tánh có 3.816 ha diện tích tự nhiên và 13.272 nhân khẩu ngày ấy.
- Thành lập thị trấn Đức Tài thuộc huyện Đức Linh trên cơ sở 3.081,3 ha diện tích tự nhiên và 17.920 nhân khẩu của xã Đức Tài. Sáp nhập 1.700 ha diện tích tự nhiên còn lại của xã Đức Tài vào xã Đức Hạnh. Sau khi điều chỉnh, xã Đức Hạnh có 7.420 ha diện tích tự nhiên và 16.328 nhân khẩu.

< Chiếc xe lang bạt khắp nơi cùng hai kẻ lữ hành.

- Thành lập thị trấn Ma Lâm, thị trấn huyện lỵ huyện Hàm Thuận Bắc trên cơ sở toàn bộ diện tích, dân số của xã Ma Lâm. Ma Lâm có 1.550 ha diện tích tự nhiên và 11.890 nhân khẩu lúc đó.
...

< Hướng này đi thác Bà, nhưng trước tiên phải tìm chổ ăn ở cái đã rồi mới ngắm thác. Bi giờ thì ngắm tạm các cô bé xinh xinh đang đến trường trên những chiếc xe đạp này vậy.

Đường đi từ sáng đến giờ cũng khá dễ để chạy mà không cần phải hỏi người ven đường, cũng do mình đã điều nghiêng trên bản đồ Wikimapia trước chuyến đi - còn lúc này thì cứ thẳng tiến sẽ đến Lạc Tánh. Vậy nên đã tính tới chuyện "phượt" thì không thể bản đồ vệ tinh được, nó giúp mình không bỡ ngỡ và mất thời gian tìm đường.

< Mình đây, trùm kín từ đầu đến chân. Không sợ đen, chỉ ngại "lột da sống đời" rát lắm.

Chạy ngang cái "nhà lồng hổng chân" điều tiét nước của hồ Biển Lạc rồi mà chả thấy miếng nước nào sất! Quaí lạ: cái hồ thủy lợi to chà bá nằm chình ình một đống trên bản đồ, nay thì trước mắt chỉ thấy nhấp nhô lùm và cây bụi, lá sen úa vàng!

Hết nước rồi thì phải, chỉ có nhóm lò gạch Gia An nằm san sát ven đường với những đống củi to kết sù, chắc chắn bắt nguồn từ rừng Tánh Linh ra đây. Ăn của rừng nhiều quá coi chừng nước cũng theo theo ông bà luôn đấy.

< Trở lại khu trung tâm và ghé quán bên kia đường qua bữa, cơm sườn chỉ 15k - khá chất, trà đá miễn phí, thơm.

< Muốn tìm chổ nghỉ để thoát mớ hành lý nên bọn này đi hỏi giá phòng , tuy nhiên: phòng lạnh tại đây giá chát không kém Mũi Né vào cuối tuần nên mình biến luôn. Ở không xong nên tiến vào Thác Bà vậy, tới đâu hay tới đó vì đang giữa trưa mà.

Đến Lạc Tánh rồi - trước chuyến đi bọn mình dự định sẽ ở lại đây 1 ngày thăm thác Bà, ghé Đức mẹ Tà Pao, ngắm hồ Biển Lạc... nhưng hồ đã mất tăm, chỉ còn 2 chốn kia.

Chạy dài dài theo lộ ngắm nghía rồi chọn một khách sạn ở khu phố Chăm tấp vô, vào xem phòng và hỏi giá: 300k/ngày, giá chát nên mình biến nhanh. Ngoặc ngang đường vào thác Bà rồi trở ngược lại chợ, chợ trưa không có gì bỏ bụng nên mình lại trở ra ngã 4 QL55 - TL710 > nơi đây có một quán cơm. Bấy giờ đã là 11h40, nắng gay gắt.

Còn tiếp
Điền Gia Dũng - Du lịch, GO!

Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10 - Phần 11 - Phần 12 - Phần 13 - Phần 14 - Phần 15 - Phần 16 - Phần 17 - Phần 18 - Phần 19 - Phần 20 -

Tuesday, 15 May 2012

Đã có quá nhiều huyền thoại về Voi Mẹp - Tá Linh sơn, ngọn núi “vua” của những ngọn núi ở miền tây Quảng Trị. Với độ cao trên 1.700 mét, đường lên đỉnh quá khó khăn, hiểm trở, xung quanh ngọn núi này có nhiều điều bí ẩn.

< Dưới chân đỉnh Voi Mẹp.

Các già làng ở Hướng Linh, Hướng Sơn thường kể cho con cháu nghe những câu chuyện nhuốm màu sắc liêu trai về Tá Linh sơn và động Voi Mẹp. Nào là trên đó có cọp đen, voi trắng, có vườn thiêng với nhiều loại hoa thơm quả lạ, lưng chừng núi có hang sâu bí ẩn chứa đựng nhiều cổ vật cùng những huyền tích đậm chất truyền kỳ.
Dù bị mê hoặc bởi những câu chuyện “rừng thiêng” nhưng nếu mải nghe về những điều huyền bí này e chẳng ai dám băng ngàn lên Voi Mẹp? Vì thế chúng tôi quyết định chọn con đường đi riêng của mình lên núi, để tận mắt nhìn thấy những gì không phải ai cũng biết về Voi Mẹp…

Chúng tôi không chọn hướng lên núi từ xã Hướng Hiệp (Đakrông), hoặc Hướng Linh đầy huyền thoại mà quyết định xuất phát từ bản Pin, xã Hướng Sơn, vì theo anh Phạm Trung Hiếu, Hiệu phó Trường Phổ thông cơ sở Hướng Sơn (Hướng Hóa) – thành viên đoàn, đường từ Hướng Sơn lên Voi Mẹp có gần hơn, tuy gian nan vất vả hơn nhiều và nhất thiết phải có người bản địa dẫn đường nếu không rất dễ bị lạc.

Vì đều là lần đầu tiên lên Voi Mẹp nên tất cả chúng tôi nhất nhất tuân thủ sự chỉ dẫn của hai thanh niên người địa phương là Hồ Văn Ma và Hồ Văn Hưng. Tuy còn khá trẻ nhưng Hồ Văn Ma đã có nhiều lần lên Voi Mẹp, anh cho biết vừa mới vừa dẫn đường cho các cán bộ kiểm lâm thực hiện dự án BCI lên núi đặt máy ảnh nghiên cứu về loài bò tót mấy tháng trước.

Lần này tình nguyện dẫn đoàn chúng tôi lên núi, anh phăm phăm đi trước, con rựa sắc trên tay hoạt động liên tục để dọn dẹp những bụi cây chắn lối, vừa làm dấu để người sau theo lối mà đi.

Đường lên Voi Mẹp theo Hồ Văn Ma là chỉ đi theo trí nhớ, bất chợt tôi nhớ đến lời một bài hát dân ca Trung Hoa “Lối đi ngay dưới chân mình” có đoạn: “Đường đi nào có đâu xa, nó ở ngay dưới bàn chân mà ta không đếm bước…”. Đúng là lên Voi Mẹp có nhiều đường, nhưng không có đường mòn, mỗi người đi một hướng, miễn sao đến đích là được, thầy Hồ Vinh ở Trường phổ thông cơ sở Hướng Sơn lần đầu tiên lên núi nói vậy.

Chúng tôi cứ theo chân người dẫn đường nhắm núi cao mà tiến, lúc nào mệt thì chọn cây nào chắc chắn tựa lưng vào mà nghỉ, khỏe lại đi tiếp. Nói là leo núi nhưng thực ra là đu cây để lên núi mới đúng, vì dốc núi dựng đứng không thể leo lên một cách bình thường.


< Dê nuôi ở Hướng Hiệp.

Thật tình trước khi đi chúng tôi đều đã xác định được nỗi khó khăn vất vả của cuộc hành trình nhưng khi thực sự vào cuộc mới thấy thực tế vẫn ngoài sức tưởng tượng. Có lẽ nếu không có ý chí, không khao khát trải nghiệm chắc nhiều người trong chúng tôi phải bỏ cuộc.

Dù mang vác khá nặng nhưng Hồ Văn Ma vẫn thoăn thoắt dẫn đầu, chốc chốc anh lại phải dừng chân để kiểm tra đội hình vì với vận tốc leo dốc theo kiểu “rùa bò” này không biết bao giờ chúng tôi mới lên tới đỉnh, đó là chưa nói có thể còn bị lạc vì mỗi bước đi bị che khuất bởi trập trùng cây rừng và mây núi.

Càng đi lên, dốc núi càng dựng đứng, mồ hôi nhễ nhại, bao nhiêu nước, thuốc tăng lực chúng tôi đều dốc vào người để vượt qua chặng đường khổ ải này. Hồ Văn Hưng nói rằng, muốn lên được Voi Mẹp phải vượt qua ngọn Coóc Sút, đây chỉ mới là ngọn núi nằm ở rìa ngoài, chặng đường phía trước còn nhiều gian khó.

Vật vã sau gần bốn giờ đồng hồ vừa đi vừa nghỉ chúng tôi cũng đã đến được khe Khlút, lưng chừng núi, điểm dừng chân bắt buộc của tất cả những ai lần đầu tiên lên Voi Mẹp, vì đây là điểm duy nhất trong suốt cuộc hành trình có suối có thể lấy nước để thổi cơm. Lúc ấy là gần 16 giờ, vừa đặt ba lô xuống, cũng là lúc cơn mưa rừng ập đến. Bầu trời đang xanh trong bỗng chốc tối sầm lại, nước từ trên trời, từ thượng nguồn chảy về ào ạt.

Theo kinh nghiệm của những người đi rừng, chúng tôi đưa đồ đạc lên một phiến đá cao để đề phòng nước lũ. Tất cả mọi người đều ướt sũng, nhưng ai cũng mừng bởi nếu trời mưa sớm hơn, đường rừng trơn nhẫy, không biết có thể bò qua được đỉnh núi phía sau lưng để lên được chốn này.

Dù đã quá mệt mỏi lại lạnh tê tái, nhưng cả đoàn vội vàng dựng lán trại để trú chân, dưỡng sức chuẩn bị cho hành trình ngày mai. Người dựng lán, kẻ nhóm lửa nấu cơm, mỗi người một tay nhịp nhàng, ai cũng muốn góp sức mình vào công việc chung để cuộc hành trình thêm suôn sẻ.

Lật bản đồ ra xem, chúng tôi biết mình đang ở bình độ 1.200 mét. Với độ cao này không khí khá loãng, một người bạn đồng hành có nhiều kinh nghiệm đi rừng nói với tôi rằng, ở điều kiện này áp suất không khí thấp nên nấu nước khá lâu sôi, có khi một nồi nước như thế thời gian nấu ở đây dài gấp đôi khi đun ở đồng bằng. Đúng như thế thật, nồi cơm của chúng tôi dù phải để lửa rất to mà vẫn khó chín, dù đã cố gắng hết sức nhưng đầu bếp của nhóm vẫn đành phải gạt lại phần cơm sống phía trên nồi để dành tối nấu cháo, vì theo Hồ Văn Ma, cơn mưa chiều là cơ hội để tối nay anh trổ tài bắt ếch đá nấu cháo chiêu đãi mọi người.

Đêm xuống khá nhanh, chúng tôi nhóm lửa để chống lại cái rét như cắt da cắt thịt. Do thiếu kinh nghiệm đi rừng lại ngại mang vác nặng nhọc nên mỗi người chỉ mang theo một chiếc áo phong phanh, gặp lúc trời mưa, khí lạnh tỏa ra từ khe đá làm cho ai nấy đều run bần bật, bếp lửa hồng rực đỏ vẫn không thể nào xua đi cái rét của đêm rừng. Không thể móc võng bên khe suối để ngủ, chúng tôi chặt lá cây, lót áo mưa, trải võng lên đá, cả mấy con người co quắp vào nhau để chống lại cái rét, thế mà vẫn không thể nào ngủ được.

Đang nằm thao thức với bao câu chuyện trên trời dưới đất thì thấp thoáng có ánh đèn từ bờ suối đi lên, những người đi bắt ếch đã trở về. Chúng tôi nhổm cả dậy để chuẩn bị cho món cháo ếch đá đặc sản hiếm có của núi rừng. Hồ Văn Ma nói rằng, đêm nay có quá nhiều ếch, anh chỉ chọn bắt những con to mà chỉ trong chốc lát cũng có một túi đầy. Món ếch nướng, món cháo đã làm chúng tôi ấm lòng và tăng thêm sức khỏe để tiếp tục cuộc hành trình lên đỉnh Voi Mẹp vào sáng mai.

Có lẽ trong đời hiếm khi chúng tôi có được cái cảm giác yên tĩnh đến kỳ lạ như đêm ngủ bên bờ khe Khlút, không gian như bị cô đặc lại trong màn sương đục và ánh trăng đêm hạ tuần mờ ảo. Dù mệt mỏi sau một chặng đường dài vượt dốc và không ngủ được vì rét nhưng ai cũng háo hức mong trời mau sáng để được tận hưởng cái cảm xúc chinh phục Voi Mẹp.

< Loại lan quý hiếm Paphiopedilum appletonianum có tên trong sách đỏ tại đỉnh Voi Mẹp (cao 1.700 m), xã Hướng Sơn.

Người bạn dẫn đường không nói nhiều về hành trình sắp tới, anh chỉ nhắc nếu ai chưa quen đi đường rừng thì nên “chuẩn bị thêm một chân” (gậy) nữa để đi tiếp, vì chặng đường còn lại không dài nhưng toàn lội suối, đi hết năm ngọn thác, vượt qua ba nhánh suối lên tới đầu nguồn là đến Voi Mẹp. Thời gian đi khoảng gần 4 giờ, ai lượng sức mình không đi nổi thì có thể ngồi lại, chờ anh em quay lại cùng về.

Nghe thế chúng tôi đều tròn xoe mắt, nghĩ về chặng đường gian nan phía trước, nhưng đã lên đến đây rồi mà thoái lui thì không còn mặt mũi nào, biết là vất vả nhưng hầu như không ai thối chí, tất cả đều quyết tâm, dù khó khăn đến đâu cũng phải lên được đỉnh Voi Mẹp. Nhân đây cũng xin nói rằng, hành trình chinh phục Voi Mẹp, ngọn núi cao nhất tỉnh Quảng Trị đến với chúng tôi khá ngẫu hứng và xuất phát từ những câu chuyện thần bí về ngọn núi này.

< Dấu chân bò tót ở đỉnh Voi Mẹp.

Thực ra Voi Mẹp hấp dẫn người khám phá không phải bằng sự hiểm trở, hành trình xa xôi mà bằng những câu chuyện li kỳ được thêu dệt qua lời kể của những người giàu óc tưởng tượng. Bây giờ những người từng gặp voi trắng, cọp đen đã trở thành người thiên cổ nên thật khó xác tín bao nhiêu phần trăm là sự thật, nhưng những câu chuyện linh thiêng về ao vua, voi trắng, cọp đen, rừng thiêng vẫn tồn tại cùng Voi Mẹp.

Tuy nhiên vẫn không ít người hoài nghi về câu chuyện rừng thiêng, hay những bí ẩn mờ ảo về Voi Mẹp, một người bạn đồng hành nói với tôi rằng, nếu thật sự có rừng thiêng thì làm sao bọn lâm tặc vẫn ngang nhiên vào rừng đốn gỗ, vẫn nhởn nhơ sục sạo khắp nơi để đặt bẫy kẹp, bẫy vòng săn bắt động vật hoang dã. Trên hành trình lên núi, ở đâu chúng tôi cũng bắt gặp dấu chân lâm tặc, nhiều gốc cây to cỡ vài người ôm chỉ còn trơ gốc, rồi có kẻ còn dựng lán trại kiên cố giữa rừng già để săn bắt động vật hoang dã.

Dọc đường đi chính tay chúng tôi đã tháo được ba cái bẫy vòng vẫn còn khá mới. Chỉ trên đường đi đã thế, thử hỏi khắp núi rừng còn biết cơ man nào chông bẫy? Thầy giáo Phạm Trung Hiếu luôn nhắc mọi người nên đi theo đoàn vì đường rừng muôn nẻo, nếu lạc lối chẳng may dẫm phải bẫy o ho của bọn lâm tặc là có thể bỏ mạng. Đây là loại bẫy rất nguy hiểm, nếu dẫm phải mũi tên bằng nứa nhọn sắc từ xa có thể đâm thẳng vào ngực, biết bao thú rừng đã chết dưới bàn tay tàn ác của con những con người bất nhân ấy. Nghe mà rợn tóc gáy nhưng giấc mơ khám phá đỉnh núi “vua” đã thôi thúc chúng tôi vượt qua chặng đường hiểm nguy phía trước.

Đúng 7 giờ sáng, sau khi ăn uống xong và chuẩn bị cơm trưa, chúng tôi dập lửa, dọn vệ sinh lán trại và tiếp tục ngược suối lên núi. Những bước chân dò dẫm trên những phiến đá trơn nhẫy làm mọi người phờ phạc khi càng nhìn lên núi càng thấy cao vời vợi. Do độ dốc lớn, nhiệt độ thấp nên rừng ở Voi Mẹp chủ yếu là loại cây lá kim hoặc cây có phiến lá nhỏ. Trên đường đi chúng tôi gặp nhiều cây thông núi, cây trắc bá diệp to lớn vươn lên dưới tán rừng rập rạp.

Sự sống ở nơi này quả là khắc nghiệt, phải không ngừng cạnh tranh và phải có sức chống chịu với thời tiết hết sức đỏng đảnh, đang nắng bất chợt mưa, đó là chưa nói nhiệt độ biến động rất đột ngột. Phong lan ở Voi Mẹp cũng khá nhiều, trên thân cây hoặc trên những phiến đá phong lan mọc chi chít, tôi được biết mới đây các nhà tự nhiên học cũng vừa khám phá ra loại lan hài đài cuộn rất quý hiếm có tên trong sách đỏ Việt Nam, nghe nói loại lan này chỉ mọc ở những nơi có độ cao trên 1.000 mét.

Thật may ở những nơi xa xôi cách trở này đường đi lối lại khó khăn nên nhiều chùm phong lan vẫn bình yên đu bám trên cành cây, mõm đá không bị bàn tay tàn bạo của con người vơ vét về bán thành mớ, thành túm như bán rau ở hè phố Đông Hà. Mãi ngắm những chùm phong lan kheo sắc trong không gian thanh bình hiếm có, chúng tôi không biết mình đã đến đầu nguồn con suối từ lúc nào.

Bước ra khỏi cánh rừng rậm rạp, một không gian bao la thoáng đãng rộng mở ngay trước mắt, xa xa đỉnh Voi Mẹp đã dần hiện ra với dáng vẻ sừng sững và có sức cuốn hút lạ kỳ.

Ngay dưới đỉnh núi là một bình nguyên mênh mông um tùm lau sậy, cỏ tranh và một loại cây giống như tre trúc nhưng thấp lè tè. Đây chính là nguồn thức ăn dồi dào của loài bò tót cực kỳ quý hiếm nghe nói hiện chỉ duy nhất còn tồn tại ở Voi Mẹp. Không thấy bóng dáng bò tót đâu nhưng chúng tôi gặp chi chít dấu chân và chất thải mà chúng để lại trên bãi cỏ.

Đặc biệt dấu vết những trận chiến sinh tử của những chú bò đực vẫn còn hằn nguyên trên lớp đất đen thẫm đã bị cày xới, hình như mới vài đêm trước chúng đã tỉ thí với nhau để tranh giành tình yêu và lãnh thổ, do đó ý kiến cho rằng tại đây có ít nhất hai con bò đực là rất có cơ sở, còn đàn bò tót ấy đông đến chừng nào thì có lẽ chỉ những nhà chuyên môn mới có thể khẳng định được.

Voi Mẹp đã ở ngay trước mặt. Người xưa gọi đỉnh núi này là Voi Mẹp quả không sai, từ đằng xa nhìn lại, đỉnh núi nhô lên như hình một con voi quỳ hai chân trước xuống, đầu và vòi nhô lên quay về hướng đông. Voi Mẹp là ngọn núi linh thiêng của đồng bào miền tây và là ngọn hải đăng của bà con vùng biển, nghe nói ngày xưa người đi biển thường nhắm đỉnh Voi Mẹp để định hướng cho những cuộc hải hành khi chưa có những ngọn hải đăng chỉ lối.

Còn Hồ Văn Ma thì nói với tôi rằng, những ngày trời quang mây đứng ở đỉnh núi này có thể nhìn thấy biển, thấy những lớp sóng lô nhô xõa trắng bãi bờ. Chưa một lần về biển nhưng anh đã nhiều lần ngắm biển ở Tá Linh sơn, nghe mà xúc động đến nao lòng. Và hôm nay, sau một chặng đường dài vất vả, chúng tôi đã đặt chân lên Voi Mẹp, đỉnh núi mơ ước của bao người. Thắp nén hương thơm giữa đất trời lồng lộng, chúng tôi lặng người nhìn làn khói bay xa hòa vào gió núi mây ngàn và cao xanh thăm thẳm…


< Trên đỉnh Voi Mẹp.

Lang thang trên đỉnh núi, giữa không gian bao la và diệu vợi, dưới chân là những tầng mây xốp mịn, bồng bềnh trôi dạt về tận cuối trời xa, bất chợt tôi bắt gặp một khóm chè xanh trồi lên trên những phiến đá, ngắt một đọt chè non nhấm nháp, tôi cảm nhận được hương vị chát ngọt lan tỏa nơi đầu lưỡi và cơn khát cũng vội vàng tan biến, không biết có phải đây là cây chè mà đoàn tùy tùng vua Hàm Nghi trên đường bôn tẩu còn để lại giữa núi non này như lời người dẫn đường giải thích và gọi là “chè vua”, nhưng tự nhiên trong lòng vẫn rộn lên bao cảm xúc, nghĩ ngợi miên man bao chìm nổi của kiếp người…

Trước khi trở về, chúng tôi còn được Hồ Văn Ma dẫn đi thăm “nghĩa địa” máy bay Mỹ ngay ở lưng chừng núi. Do địa hình hiểm trở, đi lại khó khăn nên những tay săn tìm cũng chỉ mang về được những loại phế liệu và linh kiện có giá trị, hiện nay vẫn còn nhiều đống sắt gỉ rét của những chiếc may bay nằm ngổn ngang giữa um tùm cỏ dại và đá núi.
Trước khi rời Voi Mẹp, mỗi người chúng tôi đều cố tìm một mẩu linh kiện nhỏ mang về để làm chứng ghi dấu một lần đến Voi Mẹp…

Du lịch, GO! - Theo báo Quảng Trị, internet
Mới đầu hè mà trời nắng như đổ lửa. Chúng tôi tìm đến bãi Dừa thuộc xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa) để trú nắng. Ngồi trên bè nổi bồng bềnh trên dòng sông Vực Hồng cảm thấy thật mát mẻ, khoan khoái giữa trưa nắng gắt...

< Lên bè nổi ở bãi Dừa.

Bè nổi ở bãi dừa cách TP.Quảng Ngãi chỉ chừng 9km về hướng đông.

Ở nơi đây, gió từ phía biển đẩy vào, cộng hơi nước từ sông bao trùm lên các bè nổi giữa trưa hè mát rượi. Du khách thử một lần đặt chân đến, ngồi bồng bềnh trên các bè nổi nếp mình dưới bóng dừa xanh, thưởng thức các món hải sản vừa mới vớt từ sông, biển lên chế biến, sẽ khó quên với cảnh thiên nhiên, sông nước, êm đềm nơi đây...

Thu hút khách du lịch

"Quê tôi tận miền sơn cước, quen hưởng không khí mát lành từ rừng xanh, từ những cây tỏa bóng. Giờ, sống và làm việc giữa thành phố này, mấy ngày qua, nóng quá phải tìm về chốn sông nước để tránh nắng". -  Một du khách tên Duy ở Ba Tơ cùng những người bạn đang ngồi đong đưa trên bè nổi nói.

Khoảng 7 giờ sáng, mặt trời đã chói lọi đằng đông. Du khách lần lượt đổ về. Dọc dài bến sông Vực Hồng dưới những tán dừa có nhiều quán kinh doanh bè nổi. Những tấm sàn làm bằng tre được kết thành trãi dài từ bến đến nhà nổi giữa dòng sông. Du khách khoan thai bước lên theo ý thích của mình mà không có bất cứ bàn tay kinh doanh nào chèo kéo.

Du khách thỏa thích tận hưởng không khí mát lành, ngắm cảnh thiên nhiên, cảnh sinh hoạt đời thường, như đánh cá, bà con sục khí hồ nuôi tôm... ngay bên cạnh.

Ở phía đầu nguồn, những em thơ bơi lội tung tóe nước. Bức tranh  thủy mặc, gần gũi, bình dị ở vùng quê sông nước nơi này như gợi cho chúng ta bắt gặp ở đâu đó bóng hình tuổi thơ của chính mình, của ông bà, cha mẹ người thân một thời.

Mặt trời lên cao, nắng đổ vàng dưới dòng sông, cũng là lúc mùi thơm "nức" mũi đâu đó tỏa ra. Du khách bước vào trong bè nổi mới bắt gặp những nữ "tiếp viên" lịch thiệp chào hỏi chọn món. Những món ăn dân dã được chế biến từ các loại cá quen thuộc vừa mới vớt lên ở vùng nước "chè hai", ở các đìa tôm bên cạnh như cá đối, cá móm, cá dìa... hay tôm thẻ chân trắng. Lai rai vài món, vài lon bia hay lon nước, rồi ăn chén cháo sò quyện với gia vị hành tươi thơm lừng, đậm đà mùi vị quê hương đến lạ.

Ngồi trên bè nổi như đang bồng bềnh giữa dòng sông mà chúng ta không bao giờ sợ ướt. Bởi, bè làm thật kiên cố. Nguyên liệu bằng tre. Muốn làm bè phải tốn khá nhiều tre, tùy thuộc vào bè to hay nhỏ. Kỹ thuật làm bè phải xếp tre thành hai lớp ngang dọc rồi gắn lốp xe bên dưới. Phía trên phủ lá dừa nước hay tranh, lá mía tùy gia chủ.

Chủ quán Yến Mi cho hay: "Lúc đầu chỉ làm một bè kéo từ bờ dài ra ngoài sông khoảng 5 - 6 mét. Khách thập phương đến Thu Xà đốt nén hương ở Chùa Ông hay viếng mộ Bích Khê rồi rảo bước ghé đến đây du ngoạn. Thế rồi, khách đến ngày càng đông nên mở thêm 2 bè nữa mà vẫn không đón hết khách".

Bình quân mỗi ngày chị Mi bán được từ 30 - 40 kg cá, tôm theo yêu cầu của khách. Mấy ngày qua trời nắng nóng, lượng khách đổ về đông nghẹt. Bè thì có hạn nên du khách đứng ven bờ sông trú nắng, ngắm cảnh thiên nhiên rồi ra về trong sự tiếc nuối được một lần đặt chân lên bè nổi.

Tận dụng các cửa biển

Bè nổi bãi Dừa ở Nghĩa Hòa được dựng lên thuận lợi là nhờ lưu vực dòng sông sâu, rộng kết hợp với sóng biển bổ nhẹ vào cửa biển tạo nên sự đối lập giữa sông, biển nên sông thật bình lặng, êm đềm. Không biết bè nổi được thả trên dòng sông Vực Hồng có từ bao giờ. Nhưng theo những người dân nơi đây thì có khoảng 5-6 năm trở lại. Lúc đầu chỉ có 1- 2 bè, đáp ứng cho khoảng 20 -30 khách du lịch từ nơi xa đến. Nhưng nay đã lên đến hàng chục bè được thả dọc ven sông Vực Hồng.

Ngồi trên bè nổi du khách tận hưởng không khí mát lành mà không cần bất cứ máy lạnh hay máy quạt gì. Gió từ phía biển, từ hơi nước còn trong lành ở dòng sông bốc lên. Nơi đây, không có nhạc cổ điển, nhạc trẻ, trữ tình... nhưng du khách vẫn cảm nhận được âm thanh du dương từ sóng biển bủa nhẹ rì rào vào mép bờ.

Cảnh sông nước thật yên tịnh, nhưng không phải tách hẳn ra cuộc sống thường nhật. Bởi, trong không gian lắng đọng này là dịp để du khách ngẫm nghiệm lại việc đã làm và định hướng sắp đến.

Ông Nguyễn Chí Thanh - Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hòa, cho biết: Sau khi công trình chống sạt lở kè Hòa - Hà xây dựng hoàn thành xã tận dụng lòng sông này mở mô hình dịch vụ bè nổi trên cơ sở đã có các bè của tư nhân phục vụ du khách. Đồng thời, bảo vệ cảnh quan nguyên vẹn, môi trường trong lành đảm bảo du khách thưởng ngoạn trong những ngày hè, ngày xuân.

Điểm bè nổi bãi Dừa gợi mở cho ngành chức năng Quảng Ngãi tận dụng các cửa biển để xây dựng mô hình bè nổi thu hút khách du lịch, tạo việc làm cho người dân địa phương, góp phần xây dựng nông thôn mới hiện nay.

Du lịch, GO! - Theo Quảng Ngãi Online, internet

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống