Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Friday, 18 May 2012

Cách đô thị du lịch biển Cửa Lò khoảng 2 hải lý, đảo Song Ngư là vành đai chắn sóng, đồng thời là điểm đến hấp dẫn của du khách.

< Đảo Song Ngư nhìn từ biển Cửa Hội.

Vào cuối tháng 4, trước thời điểm khai trương mùa du lịch Cửa Lò, đoàn văn nghệ sỹ báo chí chúng tôi may mắn được UBND TX Cửa Lò bố trí đi thực tế tại Đảo Ngư. Chúng tôi rất háo hức muốn biết Song Ngư trong thực tế có gì giống và khác so với Song Ngư trong sách vở, thơ ca.

UBND TX Cửa Lò bố trí tàu cứu hộ tốc độ cao với hai nhân viên của Trung tâm cứu hộ để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho đoàn khách. Buổi trưa, biển Cửa Lò trong xanh, gió mát rượi, sóng rất êm nhưng khi tàu chạy với tốc độ cao cũng có cảm giác chòng chành, rung lắc.

< Song Ngư nhìn từ trên cao.

Nhìn từ đất liền, đảo Song Ngư đã sừng sững, và chỉ chạy chừng 15 phút, đảo đã ngay trước mắt. Có mấy chiếc thuyền đánh cá nhỏ neo đậu gần đảo, bà con ngư dân nói chuyện râm ran, giọng Nghệ (giọng Nghi Lộc) âm sắc trầm, vang. Bên cạnh cầu cảng là bãi biển vô số đá cuội nhẵn bóng, nhiều màu, nước biển trong suốt nhìn sâu xuống vẫn thấy đá.

Đảo Ngư là hai hòn núi đứng sát vào nhau trước biển Cửa Hội, một ngọn cao 133 m, một ngọn cao 88 m, diện tích toàn đảo chỉ khoảng 2,5km². Cây cối trên đảo xanh tốt, um tùm, có đặc sản là cây lá lằng nấu canh cực ngon. Sở dĩ gọi là đảo Song Ngư vì nhìn từ xa giống như hai con cá nằm cạnh nhau.

< Bãi tắm trước cầu cảng.

Xuống tàu, đi qua cầu cảng là được chiêm ngưỡng chùa Ngư (Song Ngư tự), có từ thời Trần nhưng mới được UBND TX Cửa Lò phục dựng vào năm 2005. Trước chùa có 2 hai cây lộc vừng tương truyền đã 600 trăm năm tuổi, cành lá um tùm sum suê mọc trên hai gốc khổng lồ. Chính giữa chùa là giếng Ngọc, có nguồn nước ngọt mát, dùng để nấu lên loại rượu Song Ngư ngon nức tiếng.

Trong chùa Ngư không có người, nhưng rất sạch sẽ, ngăn nắp. Chùa mới xây nên các đồ tế khí đều sáng bóng, trang nghiêm. Đây là nơi thờ đức Phật và Sát Hải đại vương Hoàng Tá Thốn, vị tướng thủy quân quê ở Nghệ An đã có công lao đánh giặc Nguyên Mông thế kỷ XIII.

Trèo khoảng 300 bậc đá bở hơi tai thì đến trung tâm doanh trại quân đội đóng trên đảo. Đảo trưởng, trung tá Vương Kiếm Cường và chính trị viên, thiếu tá Phan Văn Thưởng đón đoàn trước cổng đơn vị và dẫn anh em đi thăm đảo. Chị Nguyễn Thị Phước, Tổng Biên tập Tạp chí Sông Lam tặng anh em một ít sách báo. Anh Cường cho biết trên đảo có hệ thống thông tin liên lạc, ti vi, sách báo...

< Nhà bia tưởng niệm 14 liệt sỹ đã ngã xuống trên đảo.

Đoàn đứng lặng trước nhà bia ghi tên 14 liệt sỹ đã ngã xuống trên đảo trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Nhà bia được xây dựng trang trọng trên đỉnh núi cao nhất, bên cạnh là đường hầm chiến lược.

Hai sỹ quan dẫn chúng tôi đi một vòng quanh đảo, có một chó nghiệp vụ to lớn theo sát từng bước, nhưng rất hiền. Theo thiếu tá Thưởng, trên đảo có nhiều chim thú như khỉ, sóc, chồn... Đơn vị quân đội nuôi nhiều lợn đen thả tự do, và đây cũng là đặc sản của đảo. Vườn rau trên đảo xanh tốt, anh em ăn không hết. Chúng tôi để ý thấy một bao cát và một “mộc nhân” để luyện võ Vịnh Xuân quyền. Bắt tay một chiến sỹ, chúng tôi cảm thấy cứng như thép nguội, cho thấy một bản lĩnh cao cường.

Trung tá Vương Kiếm Cường giới thiệu và dẫn chúng tôi đi thăm bãi tắm Tiên phía sau đảo. Trong nước trong xanh, có hàng triệu viên đá cuội nước mài nhẵn thín. Phía trước là lồng nuôi cá giò, một đặc sản của biển Cửa Lò.

Trung tá Cường cho biết, bên cạnh nhiệm vụ quốc phòng, đơn vị của anh còn có trách nhiệm cứu hộ cứu nạn. Mỗi năm cứu được khoảng chục ngư dân thoát chết. Nhận được thông tin, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, anh em cũng lập tức ứng cứu. Lính đảo ở đây không thiếu thốn thứ gì, chỉ có hơi “thiệt thòi” là ít được về nhà. Vui chuyện, thiếu tá Thưởng cho biết nhiều mối tình giữa lính đảo và các cô gái Cửa Lò đã nảy nở và đơm hoa kết trái từ các hoạt động giao lưu văn nghệ, thể thao. Trên đảo cũng có trạm khí tượng thủy văn Bắc Trung bộ, và trạm trưởng là một cây văn nghệ tài ba.

< Trung tá Vương Kiếm Cường chụp ảnh kỷ niệm với đoàn.

Trung tá Cường cho biết sắp tới sẽ chuyển ¾ diện tích đảo sang mục đích dân sự để đầu tư cho du lịch. TX Cửa Lò cũng đã có kế hoạch xây dựng đảo Ngư thành một điểm du lịch với nhiều dịch vụ cao cấp như tắm biển, nghỉ dưỡng, thể thao, du lịch mạo hiểm…

Xế chiều, đoàn phải chia tay các chiến sỹ, ai cũng tiếc thời gian quá ít. Các anh tặng chúng tôi một túi to lá lằng, đặc sản của đảo và hẹn ngày trở lại.

Lại khoảng 15 phút tàu cao tốc, bờ biển Cửa Hội đã hiện ra trước mắt, những con thuyền đánh cá đậu san sát, cờ Tổ quốc bay phất phới, ánh mặt trời hoàng hôn đỏ rực trên biển.

Du lịch, GO! - Theo Trần Quang Đại, Tamnhin.net
Vài chục năm trước, núi Kéc (Thới Sơn, Tịnh Biên, An Giang) rất hoang vu, chỉ có mấy lối mòn của cư dân địa phương lên núi làm rẫy, trồng vài loại cây ăn trái. Nhưng từ nhiều năm nay, núi Kéc đã trở thành điểm du lịch, thu hút khá đông du khách, nhất là bà con phật tử hành hương.

Núi Két cao 225 mét, dài và rộng trên 1.100 mét; được gọi tên như vậy vì trên đỉnh núi có mỏm đá lớn giống đầu con chim kéc, mà người địa phương cung kính gọi là “Mỏ Ông Két”.
Núi có những triền dốc khá cao, lội bộ lên núi sẽ khá vất vả; lại nhằm mùa nắng nóng tiết trời cuối tháng Hai âm lịch, trời xanh không một gợn mây, không một ngọn gió mát. Chúng tôi dậy sớm để lên núi, khi tiết trời còn mát mẻ. Hì hụi leo từng bậc đá tự nhiên, bám ngón chân vào mấy rễ cây ngoằn ngoèo, vậy mà đôi lúc chúng tôi cũng suýt bị trôi tuột xuống... núi vì những chiếc lá khô làm trượt chân.

Phải ngừng để thở dọc đường mấy bận, chúng tôi mới lên đến điện Chư Vị Năm Non Bảy Núi. Đây là một điện nhỏ xây gạch, có sân tráng xi măng. Ngồi nghỉ mệt trên một chiếc băng xi măng, trong bóng cây bồ đề, chúng tôi khoan khoái thở từng hồi. Dù không có gió nhưng không khí trên lưng chừng núi nầy cũng dịu mát giúp chúng tôi tiêu tan phần nào nhọc mệt.

Núi Két có đến 20 điểm tham quan, toàn là những điểm mang đậm màu sắc tâm linh, gồm: Mỏ Ông Kéc, điện Chư Vị, Mẹ Quan Âm Nam Hải, điện Phật Vương, giếng Tiên, điện Chư Thần Trăm Quan Cựu Thần, sân Tiên, điện Phật Thầy Tây An, điện Phật A Di Đà, điện Ngọc Hoàng, điện Bà Lê Sơn Thánh Mẫu, điện Bà Cửu Thiên Huyền Nữ, điện Diêu Trì, điện Huỳnh Long, điện Địa Tạng Vương, hang Cụ Cử Đa, điện Ngũ Hành, điện Ba Cô… Tất cả đều được xây dựng bằng gạch đá, sơn phết nhiều màu.

Người ta nói núi Két có nhiều hang động, nên xưa kia đã có 2 vị Phật về đây và 12 vị đến đây tu hành đắc đạo. Chính điều nầy đã thu hút đông phật tử đến núi chiêm bái, tham quan. Đến đây rồi, chúng tôi mới biết núi Kéc chứa nhiều huyền thoại kỳ thú của một thời “Thất Sơn mầu nhiệm”...

Điện Huỳnh Long là một tảng đá khổng lồ, cạnh bên là khoảnh sân rộng. Theo truyền thuyết, đây là nơi Phật Thầy Tây An cùng môn đệ tĩnh tọa. Mấy tín đồ đứng cạnh chúng tôi trầm trồ khen: “Đẹp mê hồn, không khí thanh sạch như tiên cảnh”. Họ còn nói, đêm qua đứng tại đây nhìn xuống thấy đèn phố chợ Nhà Bàn sáng như sao sa, đẹp vô cùng.

Đi một đỗi là gặp điện U Minh, nơi có tượng Thanh Xà Bạch Xà và cầu Nại Hà với Ngưu Đầu Mã Diện mặt mày dữ tợn, cầm đao thương hành hạ tội nhân oằn oại khổ đau, tất cả được sơn phết màu mè dân dã. Trên vách đá hang có nhiều mảng rêu tuy héo hon vàng vọt nhưng lại quyến rũ một cách lạ kỳ. Điện Phật Mẫu gần đó thờ Phật Bà và Diêu Trì Thánh Mẫu. Chun vô hang, nơi bìa vách núi, qua một khe hở lớn thấy ngọn Tà Lơn nổi tiếng ở bên nước bạn Campuchia mờ xa trong màu nắng sớm. Núi Tà Lơn là nơi Đức Phật Tròn tu tập.

Trên nền điện Phật Mẫu có một miệng hang vừa một người qua lọt, được đậy tôn, khóa cẩn thận. Đây là hang Cử Đa từng ở tu luyện. Hang sâu nên còn gọi là hang Tối. Thế nhưng, theo một số người, người có cơ duyên xuống dưới hang sẽ được thưởng lãm cảnh đẹp như tiên bồng. Theo tìm hiểu, Cử Đa tên thật là Nguyễn Đa, thi đỗ cử nhân võ nên người đời gọi là Cử Đa. Lúc mới đến Thất Sơn, nhiều người nghe tiếng nói của cụ mang âm hưởng miền Trung, nên gọi là Thầy Huế. Người ta tìm hiểu, cho rằng cụ quê ở làng Phù Cát (có nơi ghi là Phù Lạc), huyện Bình Khê, tỉnh Qui Nhơn. Nhưng theo tài liệu khác thì Cử Đa đã từng nói quê cụ ở Thuộc Nhiêu (Mỹ Tho, Tiền Giang), chống Tây rồi thất bại đi tu, lấy hiệu Ngọc Thanh.

Trưa nắng chang chang. Đá núi tỏa hơi nóng. Nhưng lạ một điều là cây cối trên đỉnh cao nầy vẫn xanh rì một màu lá. Không có gió, vẫn mát. Có điều đi lên trên đỉnh, nơi có sân Tiên thì khá... oải! Nhưng sự hấp dẫn của cái tên gọi sân Tiên và giếng Tiên đã khiến chúng tôi cố gắng “vượt lên chính mình”. Phải mệt nhọc lắm, chúng tôi mới đến được cái tảng đá dài và rộng khoảng 200 mét vuông, nằm một nơi khá cheo leo, được gọi là sân Tiên. Theo truyền thuyết, đây là nơi đức Huỳnh giáo chủ và đức Phật Thầy Tây An hội kiến với chư tiên.

Theo một tài liệu của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương thì Đức Phật Thầy Tây An sinh vào giờ Ngọ, ngày rằm tháng Mười năm Đinh Mão (1807), chánh quán làng Tòng Sơn, nay là xã Mỹ An Hưng, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. Tên họ của ngài là Đoàn Văn Huyên (có nơi ghi Đoàn Minh Huyên). Ngài đã vân du nhiều nơi, chữa dứt nhiều căn bệnh hiểm nghèo cho bá tánh. Ngài lập đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, với 4 ân: Ân tổ tiên cha mẹ, ân đất nước, ân Tam Bảo, ân đồng bào và nhân loại. Cho nên sau này người ta gọi những người tu theo lối của ngài là đạo Hiếu Nghĩa. Hiện mộ ngài tọa lạc phía sau Tây An Cổ Tự bên chân núi Sam.

Loanh quanh qua những tảng đá to tròn và dài với cầu thang được bao bọc bởi hàng rào sắt chúng tôi lần đến giếng Tiên. Giếng khá sâu trong lòng một tảng đá to. Ở trên cao chót vót đỉnh núi Kéc, vậy mà trong giếng vẫn lấp lánh nước trong ánh mặt trời. Giếng lúc nào cũng có nước trong, mát và ngọt nên được nhiều người múc đem về nhà uống dần.

Trên núi có nhiều cầu bắc qua khe. Cầu nào cũng đẹp. Qua một chiếc cầu vồng là một dãy nhà rộng rãi. Đây là nơi trú ngụ qua đêm của khách hành hương, cũng là nơi bán cơm chay và nước giải khát. Trong bóng mát của những cây xoài, vú sữa, ngồi trên chiếc băng bên bàn trà bằng đá mài, chúng tôi thoải mái ngay với chiếc khăn lạnh lau mặt cùng chai nước khoáng lạnh ngắt.

Nghỉ khỏe, chúng tôi bắt đầu xuống núi. Đường đi vẫn vậy nhưng không vất vả mấy nhờ có nhánh cây làm gậy. Những người chung đường thường lên đây hành hương cho biết, trên núi Kéc có một số động vật hoang dã như rắn, gà rừng, sóc… và nhiều nhất là khỉ.

Du lịch, GO! - Theo Phương Kiều (Thoibaokinhtesiagon)
Sự đe dọa của loài hổ đã khiến nhiều ngôi làng, đặc biệt là ở vùng núi Bắc Kỳ, biến thành các thành lũy với hàng rào cao và tháp canh luôn có người túc trực vào ban đêm…  

Trong cuốn sách Trên đường Cái Quan (Sur la Route Mandarine) được xuất bản vào năm 1925, tác giả Pháp Roland Dorgelès đã nói về nỗi khiếp sợ loài hổ của người dân Đông Dương, cũng như những câu chuyện diễn ra phía sau các buổi đi săn của giới thượng lưu.

Theo cuốn sách này, rất nhiều người đã bị chết dưới nanh vuốt hổ, đó là một thực tế. Loài vật này chính là kẻ thù số một của những nhân viên chuyển phát bưu điện, những người thường xuyên phải di chuyển những chặng đường dài qua các vùng rừng núi hẻo lánh.

Sự đe dọa của loài hổ đã khiến nhiều ngôi làng, đặc biệt là ở vùng núi Bắc Kỳ, biến thành các thành lũy với hàng rào cao và tháp canh luôn có người túc trực vào ban đêm.

Loài hổ thường săn mồi trong rừng. Nhưng cũng không hiếm trường hợp, đặc biệt là khi đói, chúng mạo hiểm xâm nhập vào các làng bản của con người để tìm kiếm thức ăn - là gia súc nhưng cũng có thể là con người. Chúng đã trở thành một mối nguy hiểm, một loài quái vật mà con người phải chống chọi…

Theo ước tính, vào đầu thế kỷ 20 có khoảng 80.000 con hổ tại thuộc địa Đông Dương của pháp. Người An Nam gọi loài hổ là “ông hổ” hoặc “ông cọp” vì họ có một nỗi sợ hãi mang tính mê tín dị đoan. Họ thờ cúng và quỳ lạy trước loài hổ với niềm tin rằng sự kính trọng của mình sẽ khiến loài vật này giảm bớt những cuộc tấn công vào con người.

Dưới đây là một số doạn trích từ cuốn Trên đường Cái Quan:

Ở Đông Dương có rất nhiều hổ, có lẽ là cũng nhiều như lợn rừng ở nước Pháp vật. Nhưng thật sự thì không phải ai cũng có thể bắt gặp được chúng một cách trực tiếp nếu không phải là những người thường xuyên đi rừng. Trường hợp một con hổ nhảy lên nóc xe ô tô của một quý bà tại Đà Lạt trên một con đường cách đây ít lâu có lẽ chỉ lã một trường hợp hi hữu.

Những tiếng gầm của loài hổ vang ra từ các khu rừng là điều mà bạn có thể bắt gặp nhiều hơn. Và chỉ cần như vậy, chúng cũng đã để lại một ấn tượng thật khủng khiếp.

Khi đi qua bất cứ một ngôi làng nào ở gần rừng, bạn cũng có thể được nghe người dân kể về các vụ mất tích của một chú chó, một con lợn, một con ngựa, một con trâu, thậm chí là cả một người bản địa mà thủ phạm không ai khác ngoài “ông cọp”.

Theo người dân bản địa, các ông cọp không thường xuyên xâm nhập vào các nơi đông dân cư. Chúng chỉ làm điều này khi đã già, cơ bắp đã quá yếu để có thể săn hươu. Khi đó, các loài vật nuôi chậm chạp và cả con người trở thành các con mồi lý tưởng. Kể cả khi đã già yếu như vậy, sức mạnh của chúng vẫn đủ làm con người kinh hãi”.

Tuy vậy, với sự hiện diện của người Pháp cùng các loại vũ khí tối tân, loài hổ đã được giao một vai trò tích cực: trở thành đối tượng trong các buổi săn bắn của giới thượng lưu Pháp.

Dưới đây là một số đoạn nói về hoạt động săn bắn hổ của người Pháp trong cuốn Trên đường Cái Quan.

Không có gì thú vị hơn một cuộc săn bắn mạo hiểm. Chỉ cần có thật nhiều tiền và một khẩu súng, bạn có hổ.

…Người bảo vệ rừng sẽ kiểm tra súng và kỹ năng tác xạ của bạn, cũng như tư vấn cho bạn về cách ăn mặc phù hợp, loại giày nào cần dùng để đi trong rừng.
Khi tất cả đã sẵn sàng, chuyền hành trình sẽ bắt đầu. Rừng rậm um tùm, các vách núi cheo leo là điều mà bạn sẽ phải trải qua.

Chẳng bao lâu bạn thân thể bạn được bao quanh bởi một đám muỗi. Chúng cắn vào mặt, chân, tay, vào khắp mọi nơi, thậm chí là căn xuyên qua cả quần áo của bạn. Bạn sẽ liên tục lắc đầu, chà xát vào những chố ngứa ngáy. Một cái tát đầy bạo lực sẽ để lại vệt máu trong con muỗi béo mọng.

Người dẫn đường sẽ gõ nhẹ vào vai để nhắc bạn không được gây tiếng ồn. Tất nhiên, bạn chỉ có một trong hai lựa chọn: đập muỗi hoặc là săn hổ.

Bạn sẽ có rất nhiều thời gian để suy nghĩ trong rừng. Nhưng luồng suy nghĩ ấy có thể bị cắt ngang bất cứ lúc nào. Đó là khi người dẫn đường ra dấu hiệu cảnh báo. Bạn không nghe thấy gì, không nhìn thấy gì, quả tim thì đập nhanh hơn một chút, và vũ khí đã sẵn sàng.

Đột nhiên, những bụi cây rung động, và điều mà chúng ta thấy...

Chính là nó! To lớn làm sao! Dường như phát hiện ra điều gì, con hổ quay đầu về phía bạn và bước đến một cách mềm mại và chậm chạp.

Hai tiếng súng đanh gọn vang lên… Và ngày hôm sau, bạn đã có thể vênh vang bên một bộ da hổ tươi nguyên.

Tại Sài Gòn, bộ da hổ này sẽ khiến bạn được mọi người ngưỡng mộ. Nếu đem chúng về Paris, người ta sẽ coi bạn là anh hùng. Đó là những điều mà bạn nhận được khi trở thành một “người giết hổ”.

Với hoạt động săn bắn của người Pháp, mặc dù hổ vẫn còn nhiều ở Đông Dương, nhưng đến cuối thập niên 1920 số lượng của chúng đã giảm nhiều ở Nam Kỳ. Nhưng sự nguy hiểm mà chúng gây ra thì lại tăng lên.

Do các đàn hươu - thức ăn chính của hổ bị tàn sát bừa bãi ở miền Nam mà thức ăn của hổ đã trở nên khan hiếm. Chúng đã rời bỏ các cánh rừng để tấn công vào làng mạc của con người.

Chính quyền địa phương ghi nhận đã có trường hợp cả một gia đình bị hổ ăn thịt. Người dân chỉ phản ứng thụ động và yếu ớt trước sự tấn công của loài vật mà họ tôn thờ. Các loại vũ khí thô sơ tỏ ra vô hiệu. Bẫy sập được đánh giá là rất hiệu quả nhưng rất hiếm khi được dùng vì người dân quan niệm rằng linh hồn của những “ông cọp” bị chết sau khi dính bẫy sẽ ám họ.

Như vậy, người dân bản địa đã trở thành nạn nhân gián tiếp của thói quen săn bắn, tiệc tùng vô tội vạ của người Pháp.

"Cọp Khánh Hòa, ma Bình Thuận" hay "hùm tha sấu bắt" là nỗi hãi hùng của người Việt trên đường Nam Tiến. Sợ thì có sợ, nhưng phải đối phó. Sơn Nam (1926- 2008) đã ghi lại nhiều chứng cớ về cọp ở Nam Bộ: Hồi thế kỷ 17 và 18, Gia Định thành Thống chí (của Trịnh Hoài Đức 1725-1825) ghi rằng: trẻ con, đàn bà cầm liềm cắt cỏ, cầm đòn xóc cũng chống cự và đuổi được cọp. Thái độ của người dân đối với cọp vừa kính nể, xem như vị thần, nhưng cũng coi thường, nếu cần thì rủ nhau đi săn bắn giết không nương tay.

Sơn Nam còn kể lại những thế võ đánh cọp như sau :

Người từng đánh cọp nắm được quy luật cọp quỳ chân sau, chống chân trước là đang chờ đợi ; trước khi vồ mồi, cọp chạy theo thế bò sát rồi phóng tới. Đuôi cọp phe phẩy hoặc để ở phía nào cũng là chỉ dẫn để ta đoán trước hướng tấn công. Người đánh cọp thường dùng cây roi nặng, cứng, chắc. Có chuyện khó tin kể rằng võ sĩ cao cường có thể đánh cọp bằng tay không. Khi cọp nhảy tới, võ sĩ hụp xuống, nắm hai chân trước của cọp rồi dùng đầu mà đội lên, miệng cọp không hả ra được, nanh cọp trở thành vô hiệu.

Nhưng theo sự tổng kết có thể tin được, trước khi giết cọp, phải đánh nhừ tử vài hiệp cho nó mệt. Nhiều con cọp, từng đánh nhau với người nên khôn ngoan, dùng thế hiểm độc là nằm ngửa bụng lên, nhìn đối thủ qua hai chân trước và hai chân sau. Với thư thế ấy, cọp dưỡng sức chờ thời cơ. Ai nôn nống sốc tới đánh, cọp sẽ chụp roi, giữ chặt, người mạnh khỏe cũng không tài nào dằng ra nổi, cọp thừa cơ mà vồ trong nháy mắt. Buông roi để chạy thì càng mau chết. Miếng võ ấy của cọp gọi là thế "trâu giằn".

Lúc mới khẩn hoang, thầy võ đánh cọp không nhiều, thông thường là đồng bào đứng lên tự vệ ; trong gia đình, ở láng giềng, dù có cọp tới lui, giết người, đồng bào vẫn bám đất kiên trì.

Sơn Nam mô tả tâm lý về cọp « vừa sợ vừa kính nể xem như vị thần, nhưng cũng coi thường » là đúng và tế nhị. Nơi khác, ông bổ sung : vì còn dấu vết mê tín cổ xưa, đồng bào ta ít chịu tổ chức săn cọp ; khi nào gặp những con có nợ máu thì huy động cả xóm đi ví khai hoặc bẫy hầm. Nhà nước khuyến khích giết cọp nhưng hương chức hội tề chỉ làm lấy lệ.

Du lịch, GO! - Theo Datviet, Belle Indochine, Thethao Vanhoa

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống