Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Saturday, 19 May 2012

(Tiếp theo)
Rồi giữa đoạn đường QL55 quanh co nhưng thưa vắng xe này, mình gặp một ngã 3. 
Biển hướng dẫn không có, vậy nhưng phía trái đường lại có một hàng quán nhỏ với khoảng dăm bảy người trong đó. Ghé hỏi thì biết chạy thẳng là đi Bảo Lộc - còn rẽ trái là xuống nhà máy thủy điện Hàm Thuận.

< Đường trên là QL55, đường dưới là đường vào nhà máy thủy điện Hàm Thuận.

Ngộ nhỉ: nhà máy thủy điện Hàm Thuận nằm ngay "đuôi" hồ Đa Mi? Hóa ra từ cửa nhận nước của hồ Hàm Thuận, nước được dẫn trong ống xuôi về đây để chạy tuốc bin máy phát và xả xuống hồ Đa Mi. Đa Mi lại tích nước ở đầu này, tới đầu kia thì lại được dẫn vào ống của nhà máy thủy điện Đa Mi làm ra điện lần nữa rồi xả ra thượng nguồn sông La Ngà chảy về La Ngâu.

< Những bông cỏ lau phất phơ trong gió bên phải đường...

Do La Ngâu vẫn còn lợi thế tích nước nên người ta lại dự tính làm một nhà máy thủy điện hoặc hồ thủy lợi... mà bài trước mình đã đề cập đến. Làm thủy điện vẫn tốt thôi, vẫn ích nước lợi nhà nếu biết dung hòa giữa chuyện "được gì" và "mất gì", và chắc chắn là không thể đánh đổi bằng mọi giá.

< Một đoạn bị lở trong cơn bão số 1 vài tháng trước, nay đã được khắc phục.

Tiện đây, mình sẽ nói qua về QL55: Con đường quốc lộ mang số 55 này khỏi nguồn từ Bà Rịa - Vũng Tàu chạy qua thị trấn Long Điền, thị trấn Đất Đỏ, thị trấn Phước Bửu, Bình Châu... cho đến thị xã La Gi.

< Biểu hiện của sự văn minh chỉ thể hiện qua con đường nhỏ láng nhựa và hàng cột điện lưa thưa bên trái.

Từ đây: đường rẽ ngoặc về hướng Bắc cho đến thị trấn Tân Nghĩa sẽ giao nhau với con đường "xương sống" là QL1. Ở điểm này, nếu trở ngược về hướng Tây khoảng 11km thì gặp điểm giao kết thứ 2 của QL55 tại thị trấn Tân Minh...

< Bản hướng dẫn sắp đến một ngã 3: rẽ phải là vào một phần của nhà máy thủy điện Hàm Thuận (Cửa nhận nước). Lúc này trời không còn nắng nữa do có nhiều mây.

Từ Tân Minh: QL55 sẽ chạy ngang xã Suối Kiết, xã Gia Huynh, thị trấn Lạc Tánh, xã La Ngâu và đến Đa Mi. Tại Đa Mi, QL55 trở thành đèo Lộc Nam, vượt xã cùng tên, vượt xã Lộc Thành đến điểm cuối gặp QL20 đoạn thành phố Bảo Lộc.

< Một đoạn lở nặng phải dừng xe đôi chút để chờ xe ủi trống khoản đất đá. Đầu bên kia có một chiếc 4 bánh và một xe gắn máy, bên này là bọn mình.

< Quang cảnh đẹp như tranh với con đèo Lộc Nam ngoằn ngoèo.

Tổng chiều dài của đường là 229 km, đây chính là con đường kết nối 3 tỉnh là Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận và Lâm Đồng... nhưng đặc biệt: QL không liền lạc mà có một đoạn cách khoảng từ Tân Nghĩa đến Tân Minh (do khúc này là QL1).

< Ngoái ngược nhìn lại phía xa xa là hồ Đa Mi: mờ mờ tỏ tỏ trong khung cảnh huyền ảo.

< Cảnh đẹp quyến rũ níu chân người lữ khách phương xa. Bên trái là vực sâu còn mé phải là vách núi sừng sững, lở một phát là mình "đi Tây" luôn.

< Mình gặp cái lán nhỏ gần ngã 3, trong đó có vài cô gái đưa mắt nhìn lạ lẫm...

< Chưa vội về Bảo Lộc, mình rẽ phải vào cửa xã thủy điện.

Lại bàn trở về chuyến đi: từ khi rời ngã 3 nhà máy thủy điện Hàm Thuận trở đi thì chạy hàng chục cây số vẫn không thấy nhà cửa nào cho đến lưng chừng đèo Lộc Nam, đoạn giáp hồ thủy điện Hàm Thuận thì mới thấy lác đác một ít nhà cửa. Trên đèo có đường lên chùa Quan Âm: giữa khung cảnh tĩnh mịch nhìn xuống lòng hồ, người lữ khách sẽ cảm nhận được cảnh đẹp khó tả tại nơi đây...

< Cửa xã hồ Hàm Thuận là đây: nước vào cửa, theo ống to dẫn xuống đầu hồ Đa Mi. Thấy bảng cấm nên mình không vô sâu hơn nữa.

< Tại đây có thể phóng tầm mắt nhìn bao quát một góc nhỏ của hồ Hàm Thuận. Chỉ một góc nhỏ thôi vì hồ này rộng lắm, có nhiều mũi và đảo che chắn. Vị trí nơi này ở đây.

< Trở ra, "nửa kia" chộp ngay ở một góc ảnh hay hay.

... Gọi là đường nhưng ký thực thì nhiều đoạn không khác gì đèo, kể cả đoạn từ xã La Ngâu. Đường được láng nhựa, một số đoạn trông như đất đỏ nhưng những chổ này vẫn là đường nhựa - đất chỉ do các vạt núi lở xuống đường nhưng không thể dọn sạch hết thôi. Đi đoạn đường này, bạn sẽ mãn nhãn với khung cảnh rừng núi bao la tuyệt đẹp xung quanh nhưng nhớ kiểm tra xe và xăng trước nhé: sẽ không có chổ đổ xăng hay sửa vá gì đâu.

< Một phần khác của hồ thủy điện Hàm Thuận, đoạn này đã có lác đác nhà nhưng không nhiều.

< Vài bé đứng bên đường rong chơi và trông em. Đây là chổ lở đất và người ta cho máy ủi phần đất lở xuống vực.

Chạy miết hồi lâu trên đèo rồi thì thấy thấp thoáng nhà cửa, ấn tượng nhất là ngay ngã 3 đường vào hồ thủy điện Hàm Thuận. Nhà máy thủy điện Hàm Thuận – Đa Mi nằm trên lưu vực sông La Ngà thuộc lưu vực sông Đồng Nai...

< Hết nhà thì đường lại vắng lặng, bấy giờ đã là 4h13 phút.

< Tiết trời lúc này hanh hanh lành lạnh do mặt trời ẩn nấp sau những đám mây đen. Vả lại cũng sắp đến Bảo Lộc rồi mà: ở đây cao hơn mực nước biển tầm 1000m nên nhiệt độ giảm.

... Hồ chứa của thủy điện Hàm Thuận nằm trên 2 tỉnh Lâm Đồng và Bình Thuận với diện tích mặt thoáng ở mực nước dâng bình thường (+605 MSL) khoảng 25,2 km². Hồ chứa thủy điện Đa Mi là hồ chứa điều tiết ngày, là bậc thang dưới của Nhà máy Hàm Thuận. Hai nhà máy cách nhau khoảng 10km. Nhà máy thủy điện Hàm Thuận – Đa Mi cách Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 200 km.

< Điền Gia Dũng nhà ta đây...

< Còn đèo Lộc Nam thì vẫn thía này...

Nhà máy thủy điện Hàm Thuận gồm 2 tổ máy với công suất 300MW được khởi công xây dựng vào năm 1997, đưa vào vận hành vào năm 2001. Cũng như Nhà máy thủy điện Hàm Thuận, Nhà máy thủy điện Đa Mi gồm 2 tổ máy với công suất là 175MW. Đây là 2 nhà máy có thiết bị công nghệ hiện đại, xuất sứ từ Nhật Bản, Mỹ, Canađa, Italia…

Thông số chính của nhà máy thủy điện Hàm Thuận như sau:

Hồ chứa:
Mực nước dâng bình thường:         +605 MSL
Mực nước chết:                                +575 MSL
Dung tích toàn bộ hồ:                          695 106m3
Dung tích hữu ích:                            523 106m3

< Một chổ lở ăn vào lòng đường, sát mí kè bê tông.

Đập:
Bao gồm 01 đập chính và 04 đập phụ;
Đập chính:
Loại:   đá đổ, lõi giữa chống thấm
Chiều cao:                             93.5 m
Cao trình đỉnh:                       +609.5 MSL
Chiều dài theo đỉnh đập:      686 m
Các đập phụ đều là loại đập đất đồng chất.

< Bất chợt nhìn thấy một dãy lán trại, nơi người ta rửa xe ben chở đất bằng vòi nước. Nước có sẳng từ núi cao, dẫn ống xuống để xài thôi - xe ben dính đất cát tha đi tùm lum: CSGT phạt "lòi phèo".

< Trên nhiều đoạn ở QL55: người ta hay vạt núi như thế này. Do lở hay lấy đất làm nhà?

< Đột nhiên, mình thấy một nhà thờ nhỏ, xinh xắn phía bên phải đường - trông mới tinh khôi.

< Hai học sinh trên đường về nhà.

Một huyền thoại về hồ thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi được người địa phương truyền tụng qua nhiều đời:

< Người ta bán một ít đặc sản của rừng ven đường. Do còn đi quá xa chứ không thì mình mua ủng hộ ít trái bơ.

Chuyện kể về tình yêu và sự chung thủy của nàng K- Mi và chàng K-TàPung đã đưa đến một biến cố kì dị của tự nhiên tạo ra dòng sông, hồ nước nằm trên thung lũng núi non trùng điệp của huyện Hàm Thuận Bắc và từ đó mới có tên địa danh như sông ĐạMi, hồ ĐạMi, núi TàPung. ngày nay gọi là hồ ĐaMi hay Thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi)                                

< Vào địa phận tỉnh Lâm Đồng.

Ngày xưa, chỉ biết cách đây từ lâu lắm, tại vùng đồi núi huyện Hàm Thuận Bắc tiếp giáp với huyện Tánh Linh. Nơi đây rừng rú hoang vu, trùng trùng điệp điệp, chưa từng có tên tuổi. chưa một ai đến đây ngoài hai buôn làng người dân tộc K-Ho sinh sống.

Buôn làng La Ngâu sinh ra chàng trai tên K.TàPung lực lưỡng, khôi ngô tuấn tú, chàng trai có tài săn bắn, cứ mỗi lần vác ná vào rừng đều mang về những con thú to lớn. Một hôm, chàng bắn con nai bị thương, nó chạy tận vào rừng sâu. Lo cho dân làng không có cái thịt để sống, nên chàng đã cố đi tìm cho bằng được. Chàng theo vết máu, đi mãi, băng qua biết bao là đồi núi, thác gềnh mà vẫn tìm chưa ra con vật. Chàng  lạc sâu trong rừng rậm, sức cùng lực kiệt nên chàng mê man bất tỉnh giữa núi rừng...

< Người ta hay bạt núi để xây nhà như thế này, xem ra cũng ớn cảnh núi lở.

... May thay, lúc đó có nàng con gái tên là K-Mi xinh đẹp, con của già làng LaDạ vào rừng hái rau bắt gặp, vốn giàu lòng thương người, nàng vội đi tìm thuốc để cứu chàng. Thấy chàng trai tuấn tú khôi ngô, nàng K-Mi đem lòng yêu thương.

< Hết đèo nhưng vẫn còn các khúc quanh thật đẹp...
Lúc này mình nẩy ra ý định chạy về Di Linh luôn nhưng 'nửa kia' cản: "ông này hôm nay sung dữ á".

Nhưng luật lệ hà khắc cấm không cho trai gái của hai buôn làng quan hệ lẫn nhau, người làng này lạc vào lãnh thổ của làng kia, đều bị bắt đánh đập và đưa lên giàn hỏa thiêu chết...

< Địa phận xã Lộc Nam.

... Tình yêu của hai người ngày khắn khít hơn nhưng luật lệ của buôn làng hà khắc nên họ bỏ trốn vào trong rừng sâu làm ngôi nhà trên ngọn cây cao và hằng ngày K-Mi mượn cớ hái rau, bẻ măng để cùng chung sống với chàng. Những chàng trai trong làng để ý theo dõi và biết được tình tiết sự việc, họ đem lòng ghen tuông rồi mách bảo với cha nàng. Người cha  giận dữ, huy động cả dân làng vào rừng vây bắt K-TàPung...

< Trường tiểu học Lộc Nam A.

< Và khu thị tứ Lộc Thành. Định ghé vào làm món gì đó nhưng chưa đói, thôi về Bảo Lộc làm bữa chiều luôn.

... Hai người dắt nhau chạy trốn, nhưng không sao thoát được. Ktapung bị bắt đem về đưa lên giàn hỏa thiêu, nàng khóc lóc van xin thảm thương nhưng đều vô dụng. Với lòng chung thủy, nàng lao vào giàn hỏa thiêu ôm chặt K-Tàpung để chết cùng chàng.

< Chỉ 10km nữa sẽ đến thành phố mù sương Bảo Lộc.

Kỳ lạ thay, nàng cứ dính chặt vào K-TàPung mà không ai có thể gỡ ra được. Cha nàng vì giận giữ châm lửa thiêu cả con gái của mình.
Lúc đó mây đen từ đâu cuồn cuộn đến, bầu trời tối sầm, mưa trút xuống như thác đổ làm ngọn lửa tắt biến.

< Cuối cùng cũng giáp mặt QL20, mình rẽ trái ngược vào thành phố.

Tiếng sấm sét long trời lở đất, gió rít từng cơn dữ dội, cây rừng, nhà cửa đổ sập, mọi người khủng khiếp chạy tán loạn. Cơn mưa kéo dài từ ngày này sang ngày khác, nước đổ ào ào cuốn phen cả cây cối, núi đồi. Tiếng va chạm của đất đá từ núi cao lăn xuống cùng với tiếng sấm chớp làm rung chuyển cả núi rừng, con nước đục ngầu, sôi sục, giận dữ, xé toang vách núi.

< Hồ Đồng Nai tại Bảo Lộc. Chạy quanh co một hồi để kiếm phòng nghỉ, rồi cũng xong.

Dân làng khủng khiếp, cầu xin Giàng tha tội và họ nghe tiếng phán từ trên trời rằng "Các ngươi không được chia rẽ hạnh phúc họ, vì đó là ý nguyện của ta. Từ đây phải đoàn kết, thương yêu, không được chém giết lẫn nhau nữa". Tiếng nói vọng xuống mặt đất, rền vang cả núi rừng...

< Bữa chiều đây: Hoành thánh gõ, chỉ 13k/tô khá... ngon (chắc do đói rồi), sau đó là mấy cái bánh xèo lớn (15k/cái), giòn và ngon tuyệt cú mèo. Bánh xèo ở đây cũng ăn kèm bánh tráng như tại Madagui.

... Ngay lập tức mưa tạnh, bầu trời sáng rạng, mọi người mừng vui hớn hở, ngạc nhiên trước cảnh vật rừng núi thay đổi một cách kỳ lạ, dòng nước rộng lớn đục ngầu cuồn cuộn chảy.  Dân làng La Ngâu vui mừng khôn xiết, họ kéo nhau đến làng La Dạ, làm lễ giết trâu để ăn mừng, kết tình anh em và cho phép chàng K-TàPung và nàng K-Mi tác hợp thành vợ chồng.

< Chạy loanh quanh gặp hai ông Tây phượt bằng Win100. Chơi lòng vòng một đỗi thì dính trận mưa lớn, núp mái hiên chờ tạnh mệt xỉu, mất gần cả tiếng đồng hồ vàng bạc, tiếc...

Từ bấy giờ, thuở nguyên sơ là một khe suối nhỏ nay trở thành dòng sông to lớn chảy cuồn cuộn. Người ta bèn đặt tên cho dòng sông bằng cách ghép tên nước và tên của nàng lại thành một (Đạ có nghĩa là nước) để tưởng nhớ về sự kiện lịch sử này. Vậy là dòng sông có tên là Đạ Mi (Người Kinh phát âm là ĐaMi) và cũng là tên của địa danh cho đến ngày nay.

Ngày nay, sông Đa Mi đã được công trình thủy điện khai phá rộng lớn thành hồ chứa nước phục vụ cho nhà máy thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi. Nhìn ngọn núi TàPung cao to sừng sững, chân núi như một thành trì vững chắc ôm ấp lòng hồ Đa Mi, bóng in xuống mặt nước phẳng lặng. Đó là biểu tượng về tình yêu và sự chung thủy của họ.

Còn tiếp
Điền Gia Dũng - Du lịch, GO!

Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10 - Phần 11 - Phần 12 - Phần 13 - Phần 14 - Phần 15
Có một cung đường mới tuyệt đẹp, còn rất hoang sơ nối Di Linh (Lâm Đồng) và Phan Thiết (Bình Thuận). Con đường này nối từ ngã ba quẹo thẳng tiến đến xã La Dạ.

Khởi hành từ TP Hồ Chí Minh, bạn sẽ vượt hơn 170km để đến thành phố Phan Thiết của tỉnh Bình Thuận. Từ trung tâm thành phố Phan Thiết, ta sẽ vượt qua những quả đồi nhấp nhô, con đường lên dốc ngoằn ngoèo (đây chính là QL28) để tìm đến các xã dân tộc của huyện Hàm Thuận Bắc. Huyện có 3 xã dân tộc là Đồng Tiến, Đông Giang và La Dạ.

Bon bon trên cung đường vào xã Đông Giang, xã La Dạ, khách lữ hành sẽ càng mãn nhãn khi xa xa là cảnh mây núi của xứ B’Lao quấn quýt vào nhau trông rất hữu tình. Những con thác nhỏ ven đường tuyệt đẹp tung bọt trắng xoá níu khách lạ phương vào chụp hình, nghỉ chân.

Rồi những khúc đường ngoằn ngoèo, những khúc cua nguy hiểm với “núi một bên và vực một bên”. Khi ngoảnh nhìn lại, cung đường phía sau cong cong, uốn lượn như con rắn khổng lồ đang trườn mình qua những quả đồi đầy cỏ cây hoa lá và suối rừng.

Cung đường đến La Dạ – xã nghèo nhất Bình Thuận càng đẹp hơn khi được điểm tô bởi những chùm lan rừng đủ màu đang độ khoe sắc. Thi thoảng, ven cung đường còn có những cây khô với hình thù kỳ dị tuyệt đẹp. Vượt qua vài con dốc nhỏ của đôi đoạn đường gập ghềnh, nhiều ổ voi (chắc do xe chở gỗ lậu cày nát), lữ khách sẽ đến với xã La Dạ.

Bà con dân tộc người mang gùi, người đội nón, người quàng khăn, tay dắt díu những đứa con rảo bước trên những con đường nhỏ. Có người không biết nói tiếng Việt, có người thì không biết cả tên họ của mình. Nơi đây, khí hậu khô cằn, thiếu nước triền miên nên cây cối, đất đai đều bị bạc màu, trồng cây gì, nuôi con gì cũng đều khó khăn.

Vậy nhưng dù đồng bào dân tộc K’Ho còn nghèo nhưng cuộc sống của người dân nơi đây dần được cải thiện. Những chú heo mọi, đàn bò của đồng bào tung tăng gặm cỏ  ven đường trông rất vui mắt. Rừng La Dạ trong (một phần của rừng phòng hộ Hàm Thuận – Đa Mi) được đồng bào nơi đây xem là rừng thiêng. Theo sự vận động của Nhà nước, thanh niên đồng bào dân tộc nơi đây đã xung phong làm kiểm lâm, bảo vệ rừng già La Dạ của mình.

Du lịch, GO! - Tổng hợp từ SGTT, Tintuc Thieunien, internet
Sau các trận lũ lịch sử những năm 1999-2000, các địa danh như cửa biển Tư Hiền, Hòa Duân… được nhắc đến nhiều hơn trên mặt báo với những nét đặc trưng về lịch sử và cảnh quan thiên nhiên ít nơi nào có được.

< Hoàng hôn trên phá Tam Giang.

Thật ra, cửa biển Tư Hiền hay Tư Dung, Ô Long cùng các thắng tích trong vùng như phá Tam Giang, chùa Thánh Duyên (Túy Vân), núi Linh Thái… đã gắn liền với nhiều sự kiện trong lịch sử, đặc biệt sự kiện công chúa Huyền Trân đời Trần làm vợ vua Chăm hay các tuyệt tác “Tư Dung hải môn lữ thứ” của vua Lê Thánh Tôn (Một cõi cơ đồ một cõi chung/ Về nam địa giới Hải Vân giăng. Ba canh trăng tĩnh Đồng Long rạng/ Năm tiếng trống lành Lộ Hạc rung…) và cả bài thơ khắc trên bia đá “Vân Sơn thắng tích” của vua Thiệu Trị, triều Nguyễn…

Tuy đã đi thuyền vài lần vượt phá Tam Giang, nhưng trong chuyến đi tìm họ tộc vừa qua, lần đầu tôi đến xã Vinh Hiền và có dịp lên Túy Vân Sơn để chiêm ngưỡng vẻ đẹp đến bất ngờ ở đây. Quả là người xưa đã không nhầm khi gọi đây như một “quốc gia thắng cảnh”, hay là một trong “thần kinh nhị thập cảnh” của xứ Huế. Từ nam ra bắc theo QL1A, vừa qua khỏi đèo Phước Tượng gần huyện lỵ Phú Lộc (Thừa Thiên-Huế), chúng tôi rẽ theo QL49B về phía biển. Cầu qua cửa Tư Hiền mới xây dựng vài năm nay giúp việc lưu thông đến xã Vinh Hiền trở nên dễ dàng hơn.

Chỉ hơn 10 phút, người dân và các loại hải sản ở đây có thể đến QL1A để vào thị trường Đà Nẵng. Ngược lại, khách du lịch từ Lăng Cô, Bạch Mã hoặc Đà Nẵng có thể đến viếng Túy Vân Sơn chỉ trong vòng chưa đầy một giờ chạy ô tô. Con đường 10 km uốn lượn theo các sườn núi và bờ nam phá Tam Giang rợp bóng những rừng keo tràm xanh thẫm càng tạo cho chuyến đi thêm lãng mạn. Con đường này rút ngắn thời gian đáng kể nếu so với tuyến đi đến Huế, và đi ngược về phía nam theo đường ven biển Hòa Duân trước đây.

Chùa Túy Vân hay Thánh Duyên xây dựng từ thời các chúa Nguyễn đàng Trong và sau đó được các vua Minh Mạng, Thiệu Trị trùng tu nhiều lần và nâng lên tầm quốc tự, gồm nhiều công trình, tọa lạc trên núi Túy Vân với khá nhiều bia đá chứa các thông tin lịch sử, văn học có giá trị. Thầy Thích Minh Chính đang bận tu thiền trong chùa lớn, nơi có mười tám tượng La Hán cổ tuyệt đẹp. Thầy cho chúng tôi đi thăm chùa dưới sự hướng dẫn của một giáo viên ở Vinh Hiền, bắt đầu từ chùa Chính, đến chùa Trung và lên tháp vọng cảnh 3 tầng, gọi là Điếu Tháp Ngư.

Gần tháp là lầu vọng hải xây dựng từ thời Minh Mạng. Tại đây có thể phóng tầm mắt bao quát cả vùng Tam Giang, Cầu Hai, lên đến Bạch Mã và ra phía núi Linh Thái ẩn hiện trong sương mù.

Đặc biệt, vùng phá Tam Giang, một khu đầm phá rộng đến trên hàng chục ngàn héc ta, được coi là vùng sinh thái nước lợ rộng nhất Đông Nam Á và có nhiều nguồn thủy hải sản đặc thù, trong đó nổi tiếng nhất là hai loại cá mú và cá vẩu vàng rất được khách du lịch ưa thích.

Việc xây dựng các khu dân cư, thương mại quanh Túy Vân Sơn ngày nay vẫn còn bộn bề, làm giảm đi giá trị của một khu di tích tín ngưỡng và danh thắng tầm quốc gia. Theo các công ty du lịch và đơn vị lữ hành lớn trên địa bàn Thừa Thiên-Huế và Đà Nẵng, nếu được quy hoạch và quản lý tốt, các chợ hải sản đêm và nhiều dịch vụ khác ở đây sẽ góp phần tạo cho Túy Vân Sơn và cả vùng cửa biển Tư Hiền trở thành một điểm đến lý tưởng, gắn kết liên hoàn với các điểm du lịch phía bắc đèo Hải Vân, Bạch Mã hiện nay, tạo ra một chuỗi điểm dừng chân có sắc thái đa dạng, bổ sung cho nhau và hấp dẫn các luồng du khách đến từ Huế, Đà Nẵng và cả hành lang kinh tế Đông Tây.

Du lịch, GO! - Theo Thanhnien, internet

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống