Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Sunday, 20 May 2012

Con đường tỉnh lộ 702 của Ninh Thuận mới được nâng cấp khiến 42 km, hướng Đông Bắc từ thị xã Phan Rang- Tháp Chàm xuyên rừng quốc gia Núi Chúa không còn là trở ngại cho những tay du lịch bụi.
Sa mạc, rừng thẳm, biển xanh và… huyền thoại là quà lưu niệm cho bạn trên mỗi đoạn đường hành trình. Vì thế, người ta nói rằng, khi tỉnh lộ 702 được hoàn thành, du lịch sinh thái xuyên Núi Chúa là “tuyến” sáng giá nhất vùng Đông Nam Bộ.

Trên cung đường 702, đoạn xã Mỹ Hòa, Ninh Hải, bạn sẽ không cưỡng lại được sự hoang sơ của Hang Rái. Dưới cái nắng gắt, bãi biển trở nên lung linh với những hồ nước ngọt nên thơ. In dưới bóng nước là những hàng dừa, rặng xương rồng vào mùa hoa đỏ rực.

Ấn tượng Hang Rái

Lội qua khe nước, bạn còn “tiếp cận” Hang Rái với hòn núi vách đá chồng tạo nên những hang động đẹp, hướng ra biển đón sóng gió. Người muốn tận hưởng hết cảm giác kỳ thú nơi đây sẽ mang cho mình một đôi giày tốt, leo lên vách đá lởm chởm, tìm một “hang rái” yên ắng cho riêng mình.

Đặc biệt, bên cạnh những bãi biển hoang sơ nhất vùng như bãi Bình Tiên, bãi Thịt… Hang Rái được xem là nơi có bãi san hô đẹp nhất. Với cặp kính lặn, bạn có thể khám phá rặng san hô nổi trên mặt nước, kéo dài cả cây số.

Vườn quốc gia trên “sa mạc”

Ninh Thuận được xem là “sa mạc khô hạn” của Việt Nam. Vườn quốc gia Núi Chúa là điển hình cho sự khô hạn đó. Ven tỉnh lộ, những trảng xương rồng chạy dài. Theo các nhà khoa học, khí hậu tại đây khô hạn không kém những vùng bán hoang mạc tại Châu Phi.

Tuy mưa ở đây rất hiếm, cát bỏng nhưng lạ lùng thay, lại có rừng nguyên sơ và đặc thù. Đặc biệt, theo độ cao, nơi đây còn có hồ treo… trên núi, đá nhấp nhô, suối róc rách, trông như những hòn non bộ.

Được biết, trung tâm vườn quốc gia Núi Chúa có nhiều dãy núi cao, một Núi Chúa anh và ba Núi Chúa em. Độ cao hơn 1.000 mét, tạo nên sự chênh lệch nhiệt độ rất lớn so với vùng ven biển, tạo nên một vùng ôn đới ngay giữa “sa mạc”.

Ven tỉnh lộ, bạn có thể dừng bất cứ nơi đâu cũng có thể ngắm nét đẹp rất “bon-sai” của những thảm thực vật, cây bụi cây gai mọc tự nhiên, liên kết thành mảng lớn, tán rộng hàng mét, tạo thành tầng, như có nghệ nhân thường xuyên tỉa xén cho khu rừng. Bạn có thể dừng lại nghỉ ngơi tại các địa danh nổi tiếng như suối Đông Nha, núi Đá Vách…

Đứng trên đèo cao quan sát, vịnh Vĩnh Hy được ôm ấp trong lòng núi bình lặng. Suối Lồ Ồ chảy từ trên núi xuống như một dải lụa trắng mềm mại, thoắt ẩn, thoắt hiện, vắt qua núi, đổ xuống vịnh.

Một ngư dân ở đây kể cho chúng tôi nghe về một truyền thuyết của Vĩnh Hy. Ngày xưa, vịnh này gọi là Vũng Găng. Ở đây, có một chàng ngư phủ tên Vĩnh Hy. Trong những đêm trăng thanh gió mát, chàng trông thấy một nàng tiên có đôi cánh trắng đến tắm ở đây.

Một hôm, chàng nhẹ nhàng bơi đến bên nàng tiên, hai người kết tóc xe duyên, sống hạnh phúc trên Vũng Găng. Một hôm tối trời, chàng ngư phủ dong truyền đi đánh cá ở vùng đá vách thì trời nổi cơn thịnh nộ. Giông tố, sóng gió kéo đến. Nàng tiên ở nhà, không thấy chồng về, lên đỉnh Núi Chúa mòn mỏi trông tin chồng. Dòng nước mắt của nàng tuôn xuống thành suối Lồ Ồ, chảy cho đến bây giờ. Cũng từ đó, Vũng Găng được gọi là vịnh Vĩnh Hy.

Hiện nay, Vĩnh Hy, suối Lồ Ồ chưa được đầu tư nhiều, tuy vậy đây là một điểm đến ưa thích của du khách gần xa.

Đến đây, bạn được đắm mình trong bản nhạc của suối Lồ Ồ, bản nhạc của suối, của tiếng chim dội vào vách đá. Phóng tầm mắt ra xa, vịnh Vĩnh Hy mời gọi du khách chinh phục trên chiếc tàu du lịch của công ty Hoàn Cầu được thiết kế độc đáo, đáy bằng kính trong suốt. Du khách tha hồ ngắm nhìn những rặng san hô như những đoá hoa muôn sắc của đại dương, tận hưởng sự mới lạ ở những chặng dừng chân như bãi Bà Điên, bãi Đá Tròn…
Một chuyến xuyên Núi Chúa cho bạn trải nghiệm những cung bậc khác nhau của vẻ đẹp thiên nhiên.

Du lịch, GO! - Theo TTO, internet
An Thái (Nhơn Phúc-An Nhơn-Bịnh Định) không chỉ là làng võ nổi tiếng với những câu ca lưu truyền như Roi Thuận Truyền, quyền An Thái...; mà còn có những món ăn độc đáo, đặc trưng Bình Định. Trong đó phải kể đến là bún Song Thằn... Nón ngựa Gò Găng/Bún Song Thằn An Thái.

< Cháu nội bà Hương, anh Võ Thanh Sơn đang phơi bún Song Thằn trên bãi cát sông Côn.

Đây là một loại bún được sản xuất từ nguyên liệu chính là hạt đậu xanh, sau khi qua một số công đoạn chế biến thủ công và bán thủ công, sản phẩm cuối cùng là những sợi bún trắng trong và có hương vị thơm ngon. Nếu có dịp về thăm một cơ sở sản xuất bún Song Thằn trên vùng đất An Thái (An Nhơn) - nơi mệnh danh là rốn võ trên vùng đất Võ Bình Định để tận mắt nghề truyền thống này quả là điều thú vị.

< Tuy đã 85 tuổi nhưng bà Hương vẫn còn khỏe mạnh, bà đang đảo bột bún Song Thần.

Theo bà Lý Thị Hương, 85 tuổi và người làm bún Song Thằn gia truyền lâu nhất hiện nay ở An Thái, thì nghề làm bún này được truyền từ ông tổ nghề là Hồ Văn Mơi, sau đó qua mẹ của bà Hương là bà Hồ Thị Vịnh. Bà Vịnh có hai đời chồng (chồng trước là người Việt bị mất) chồng sau là ông Lý Phát (người Hoa). Ông Lý Phát muốn bà Vịnh đem nghề bún Song Thằn về Trung Quốc nhưng bà đã không đi mà ở lại giữ nghề, ông Phát dẫn người con gái đầu về Trung Quốc.

< Bột đậu xanh xay mịn-nguyên liệu chính làm bún Song Thằn.

Hiện nay ở An Thái bún Song Thằn thì có 4 lò, đó là Hưng Đắt, Hương Huệ và Phúc Lộc (đều là con của bà Lý Thị Hương) và lò bún Phước Hải Sanh. Trung bình một ngày một cơ sở sản xuất được khoảng 50kg bún Song Thằn. Giá bán hiện tại cơ sở là 170.000/kg. Bún Song Thằn không chỉ công phu ở khâu làm, mà đến cả lúc mang phơi.

Bún Song Thằn phải được phơi trên bãi cát dọc sông Côn dưới nắng nóng và gió nhẹ. Thời tiết lý tưởng nhất để làm bún Song Thằn là từ tháng 3 đến tháng 6. Dường như chỉ có nắng gió sông Côn mới làm cho bún Song Thằn được thăng hoa như thế từ đậu xanh qua bao nhiêu giai đoạn để có được những miếng bún Song Thằn trắng, sáng và thơm ngon.

< Sợi bún được khoanh tròn và phơi nắng.

Bà Hương theo giúp mẹ từ lúc 13 tuổi, đến năm 30 tuổi bà được mẹ truyền nghề. Một điều thú vị là nhiều năm trước, bà Hương đã đặt từ Sài Gòn làm một bản khắc gỗ để in nhãn hiệu bún Song Thần, trong đó bà tự nghĩ ý tưởng vẽ hình 5 chú bé đang ăn tô bột đậu xanh, cậu nào cũng mạnh khỏe, hồng hào. Bà giải thích thêm rằng bún Song Thần làm từ bột đậu xanh cũng ngon và bổ như thế.

Bà Hương thích gọi tên loại bún này là Song Thần. Nhưng theo ông Hưng con bà Hương thì muốn lấy lại tên có từ thời ông Hồ Văn Mơi nên đăng ký nhãn mác trên bao bì là bún Song Thần. Tuy nhiên hình ảnh năm cậu bé đang ăn bột đậu xanh vẫn còn trên bao bì hiện nay. Bà Hương rất an tâm với nghề này vì có 2 người cháu nội rất thạo nghề là anh Võ Minh Thành và anh Võ Thành Sơn.

An Thái không những là một làng võ nổi tiếng của quê hương Bình Định gắn với ba anh em nhà Tây Sơn, những ngôi chùa cổ có từ thời lập làng, như chùa Bà với lễ hội Đỗ tranh tài võ thuật của những võ sĩ trong vùng hấp dẫn một thời của vùng đất võ mà còn những sản phẩm như bún Song Thần. Mong sao có một sự kết hợp thành một sản phẩm du lịch hấp dẫn để đưa những sản phẩm của quê hương An Thái Bình Định đến với mọi người, vừa nâng cao đời sống cho bà con vừa góp phần lưu giữ những giá trị truyền thống.

Du lịch, GO! - Tổng hợp từ Laodong, báo Binhdinh, internet
Đã đến lúc nhiều vị lãnh đạo ở các tỉnh miền Trung phải ngửa mặt kêu trời: “Chúng tôi quá ân hận, đã sai lầm khi cho xây dựng nhiều dự án thủy điện...” (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - Đinh Văn Thu).

< Một đập thủy điện chắn ngang dòng sông Bung. Đây là thủy điện Đăk Mi 4A, nhiều người cho rằng đây là tác nhân chính khiến cho hạ nguồn sông Vu Gia thiếu nước. 

Hàng loạt các di hại - mặt trái của việc xây dựng, khai thác thủy điện như nạn phá rừng, bất ổn tái định cư, xả hồ thủy điện gây ngập lũ hạ du, nứt thân đập đe dọa cả vạn dân (Sông Tranh 2)... liên tục xảy ra nhiều năm nay. Và bây giờ, Quảng Nam, Đà Nẵng đang đối mặt với nạn hạn hán, thiếu nước ngọt sinh hoạt, tưới tiêu, sản xuất công nghiệp, đối mặt với nguy cơ biến đổi hệ sinh thái, sự đa dạng sinh học ở hệ thống sông Vu Gia- Thu Bồn...

Cảnh báo

Khi phát hiện thiết kế xây dựng nhà máy thủy điện ĐắkMi 4 (tại huyện Phước Sơn, Quảng Nam) cắt hoàn toàn dòng ĐắkMi để phát điện, nhưng không trả nước về dòng cũ, từ đầu năm 2009, UBND TP.Đà Nẵng đã liên tục gửi công văn khiếu nại lên Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, Chính phủ để “đòi” ĐắkMi 4 trả nước về dòng cũ. Theo chính quyền Đà Nẵng và các chuyên gia về thủy lợi, sông ĐắkMi chiếm 1/3 lưu vực dòng Vu Gia, nhưng chiếm 50% lưu lượng nước của hệ thống sông chính này. Nếu thủy điện ĐắkMi 4 không trả về dòng cũ sau khi cắt nước ở thượng nguồn phát điện, sẽ gây cạn kiện hạ lưu, ảnh hưởng nội thủy TP.Đà Nẵng. Ngoài những hệ lụy về môi sinh, môi trường, gần 1,7 triệu người dân vùng hạ lưu sẽ ảnh hưởng trực tiếp.

Đây là vụ tranh chấp nguồn nước đầu tiên ở VN, nhưng diễn biến phức tạp và kéo dài. Những nỗ lực quyết liệt của Đà Nẵng liên tiếp không được đáp ứng từ phía nhà đầu tư thủy điện ĐắkMi 4 - Tổng Cty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp VN (IDICO) cũng như các bộ, ngành trung ương. Đầu năm 2010, Chính phủ mới có kết luận buộc IDICO xây dựng cống (ở thân đập chính), trả nước về dòng cũ với lưu lượng 8m3/s. Kết quả này không được Đà Nẵng chấp thuận và Bộ TNMT đã phải vào cuộc, làm trọng tài từ đầu tháng 4.2010.

Sau khi xem xét, tính toán cân bằng nước, Bộ TNMT đã tham mưu Chính phủ, buộc IDICO phải xây dựng cống lớn hơn, tăng lưu lượng nước trả về dòng cũ là 25m3/s. Theo tinh thần này, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải chỉ đạo (tại công văn 2840/VPCP-KTN), buộc ĐắkMi 4 phải trả về dòng cũ ít nhất 25m3/s, tương đương với lưu lượng mùa kiệt tại dòng sông ĐắkMi. Nhưng thỏa thuận này chỉ nằm trên văn bản...

Đối mặt

Trước nguy cơ sẽ xảy ra thảm họa khi thủy điện ĐắkMi 4 cắt hẳn dòng ở thượng lưu để phát điện mà không trả lại dòng cũ, chính quyền Đà Nẵng không chỉ cảnh báo, khiếu nại mà còn tranh chấp quyết liệt đến tận cùng. Nhiều chuyên gia thủy lợi, khí tượng thủy văn, môi trường đã dày công nghiên cứu, để đi đến việc tham mưu chính xác cho Chính phủ.

< Sông chết từ sau chân đập thủy điện.

Thế nhưng, chỉ vì quyền lợi của nhà đầu tư, của ngành điện mà NM thủy điện ĐắkMi 4 đã bất chấp chỉ đạo của Chính phủ, cắt dòng nước của thượng nguồn sông Vu Gia. Ngày 10.5.2012, Thủy điện ĐắkMi 4 phát điện tổ máy thứ 2, cũng là lúc nhà máy này chặn tiệt dòng sông. Từ sau thân đập chính, ĐắkMi rồi Vu Gia dần trở thành dòng sông chết. Gần 2 triệu dân cư vùng hạ lưu cùng hệ sinh thái môi trường đa dạng ven sông đang đối mặt với thảm họa sa mạc hóa.

Đúng như những cảnh báo trước đấy, TP.Đà Nẵng - cuối nguồn của dòng sông này là nơi gánh chịu hệ lụy trực tiếp, bộc lộ những thiệt hại rõ nhất. Nhà máy nước Cầu Đỏ - nơi cung cấp nguồn nước ngọt sinh hoạt cho 90% dân số cả TP đã phải điêu đứng. Liên tiếp mấy tuần qua, các họng nhận nước đã phải dừng hoạt động vì nhiễm mặn, vẩn đục và cạn dòng. Để “cấp cứu” nhà máy, đáp ứng cơn khát đột ngột của cả triệu dân thành phố, nhà máy đã phải khởi động hết công suất trạm bơm ở đập ngăn mặn An Trạch - cách hồ chứa chính gần 10km - để đưa nước về. Đồng thời, đưa 3 máy đào, xúc trên thượng nguồn để nạo vét, thông dòng. Hàng trăm hécta đất nông nghiệp đã bị khô cằn, một số bị nhiễm mặn.

Cả chục nhà máy chế biến thủy hải sản, nhà máy dệt, nhuộm... tại Đà Nẵng cũng đang bị đe dọa ảnh hưởng nghiêm trọng nếu nguồn nước bị nhiễm mặn, thiếu hụt. Những thiệt hại hữu hình, trực tiếp này các DN và người dân Đà Nẵng đang phải gánh chịu. GĐ Cty Cấp nước Đà Nẵng, ông Nguyễn Trường Ảnh cho biết, thường niên, hạn hán chỉ xuất hiện cuối tháng 6 đến tháng 8, nhưng do thủy điện chặn dòng, năm nay mới tháng 3, nguồn nước kiệt dòng. Chúng tôi đã phải huy động các trạm bơm, tăng cường nhân lực... hiệu quả kinh doanh rõ ràng kém đi. Tuy vậy, Cty cũng chỉ mới dừng lại việc... “chịu trận”, làm báo cáo gửi sở NN&PTNT, UBND TP.Đà Nẵng chứ chưa khởi kiện, đòi thủy điện bồi thường.

Chính quyền Quảng Nam ngày 14.5 đã phải họp khẩn để yêu cầu các nhà máy thủy điện ĐắkMi 4, A Vương, Sông Bung... xả nước cứu hạ du. Nhưng ngày 15.5, thủy điện ĐắkMi 4 cũng chỉ “bắt ống kỹ thuật”, trả lại dòng cũ lưu lượng 10m3/s, không đủ “giải khát” cho một đoạn sông khi bị cắt kiệt những ngày qua. Thảm họa về môi trường từ việc “giết chết” một dòng sông bắt đầu từ thời điểm này...

Điệp khúc “nắng gây hạn, mưa tạo lũ”

Có vô số thủy điện (TĐ) được qui hoạch và xây dựng trên địa bàn các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên thời gian qua bên cạnh lợi ích kinh tế-điện năng cũng đã bộc lộ nhiều bất cập cả trong xây dựng, vận hành, tái định cư, gây ảnh hưởng lớn đến nhiều mặt kinh tế xã hội.

Đặc biệt, vùng hạ du chịu tác động nặng nề do TĐ tích nước hồ chứa, gây ra tình trạng mùa nắng thì khô hạn, thiếu nước, nhiễm mặn, mùa mưa thì xả nước gây “lũ chồng lũ”.

Yêu cầu xả nước chống hạn

Dù mới bước vào mùa nắng hạn, nhưng nhiều vùng rộng lớn ở hạ du các TĐ đã bị thiếu nước, mặn xâm nhập sâu vào các sông, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất. Tại tỉnh Quảng Nam, có hơn 40 TĐ lớn nhỏ được qui hoạch và đang vận hành, bao gồm 10 TĐ bậc thang trên hệ sông chính Vu Gia-Thu Bồn vào loại lớn nhất miền Trung, có 4 TĐ đang vận hành gồm: Sông Tranh 2, A Vương, Sông Côn, ĐắkMi 4. Tình trạng khô hạn và mặn từ biển thừa cơ xâm nhập vào sâu nội đồng qua các cửa sông do TĐ “găm nước” để phát điện và dòng chảy thiếu nguồn nước bổ sung đang được báo động.

< Hiện các tỉnh miền Trung dày đặc các nhà máy thủy điện. Trong ảnh: Nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 ở Quảng Nam).

Ông Nguyễn Thanh Quang, GĐ  Sở NNPTNT Quảng Nam, cho biết: “Diện tích sản xuất nông nghiệp vụ hè thu ở vùng hạ du hệ thống sông Vu Gia-Thu Bồn hiện nay trên 15.000ha đất lúa (chưa kể hoa màu). Theo lịch gieo sạ lúa hè thu bắt đầu từ ngày 15.5, kết thúc vào ngày 10.6. Ở giai đoạn này, nhu cầu nước tưới cho sản xuất là rất lớn, trong khi đó dòng chảy trên hệ thống sông Vu Gia-Thu Bồn hiện nay thấp hơn trung bình nhiều năm. Nguyên nhân là do thời tiết nắng nóng kéo dài, lượng mưa trong lưu vực ít, dẫn đến dòng chảy bị suy giảm mạnh.

Mặt khác, các hồ TĐ bậc thang trên hệ thống sông Vu Gia-Thu Bồn có chế độ vận hành không ổn định, lưu lượng xả nước qua tổ máy phát điện thấp (đạt khoảng 40-50% công suất thiết kế), thời gian xả nước mỗi ngày chỉ khoảng 10-12 giờ, mực nước trên sông dao động mạnh ở mức thấp, không đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất trong thời gian tới”.

Để bổ sung nguồn nước trên hệ thống sông Vu Gia-Thu Bồn, đảm bảo cho 168 trạm bơm điện thuộc các huyện Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên và thành phố Hội An vận hành, bơm tưới đổ ải vụ sản xuất hè thu năm 2012, Sở NN&PTNT Quảng Nam đã họp khẩn cấp, yêu cầu các nhà máy TĐ phải thực hiện việc xả nước phát điện từ ngày 20.5-10.6.


< Những dòng nước cuồn cuộn ngày xưa bây giờ trơ đáy...

Cụ thể, hồ thủy điện A Vương phát điện một tổ máy với lưu lượng xả từ 30-39m3/s, thời gian chạy máy phải liên tục trên 16 giờ/mỗi ngày, Sông Tranh 2 phát điện 1 tổ máy với lưu lượng xả từ 80-120m3/s, thời gian chạy máy phải liên tục 24 giờ/mỗi ngày, Sông Côn phát điện 2 tổ máy với lưu lượng xả từ 16-20m3/s, thời gian chạy máy phải liên tục trên 8 giờ/mỗi ngày.

ĐăkMi 4 phát điện 1 tổ máy với lưu lượng từ 40-50m3/s, thời gian chạy máy phải liên tục trên 16 giờ/ngày. Ngoài ra, đối với hồ thủy điện ĐăkMi 4 phải thực hiện xả qua cống xả sâu tại đập chính bổ sung nước về sông Vu Gia với lưu lượng xả lớn hơn hoặc bằng lưu lượng nước về hồ tương ứng thời điểm xả nước. Sở NN&PTNT cũng sẽ báo cáo với UBND tỉnh, Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ đạo các đơn vị quản lý hồ thủy điện thực hiện nghiêm túc yêu cầu này của địa phương.

Hệ lụy lâu dài

Không chỉ ở Quảng Nam, mà hiện nay hầu hết các địa phương có TĐ đều phải gánh chịu nhiều hậu quả do TĐ. Hiện nay hàng trăm TĐ lớn nhỏ trên cả nước đóng góp khoảng 37,1% tổng năng lượng điện quốc gia, đem lại lợi ích quan trọng cho an ninh năng lượng quốc gia. “Lịch sử” phát triển TĐ vừa trải qua một thời kỳ “rất nóng”, với sự  “leo thang” về công suất TĐ: Trước năm 1975 trên 300MW, đến năm 2010 là 9.200MW, qui hoạch phát triển đến năm 2020 là 17.400MW.

< Nước chảy như suối tư thân đập thủy điện Sông Tranh.

Trong đó những TĐ vừa và nhỏ sau năm 1995 có đến 800 dự án, Quảng Nam là một trong những tỉnh đứng “đầu bảng”, và hậu quả đang nhãn tiền với cảnh TĐ mùa nắng gây hạn, mùa mưa gây lũ. Trên thực tế sau một khoảng thời gian phát triển, nhiều dự án TĐ đã làm nảy sinh những vấn đề bất cập liên quan đến môi trường, đất rừng, sản xuất, thay đổi thủy văn các sông ngòi, gây rung chấn kích thích, ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống xã hội.

Tại hội thảo ““Phát triển TĐ bền vững – các bài học và khuyến nghị” do Mạng lưới sông ngòi Việt Nam phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam tổ chức mới đây tại tỉnh Quảng Nam, các nhà khoa học từ nhiều địa phương, đơn vị, trung tâm khoa học toàn quốc đã đưa ra thông điệp khuyến cáo điều chỉnh, sửa sai một số vấn đề cốt lõi và cấp thiết.

Theo các nhà khoa học, phát triển TĐ hiện nay đang diễn ra ồ ạt ở tất cả các lưu vực sông của Việt Nam. Các sông suối của Việt Nam đã gánh trên hàng trăm công trình  TĐ lớn, nhỏ. Không phủ nhận đóng góp tích cực của TĐ cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tuy nhiên, là những công trình can thiệp lớn đến các dòng sông - các dự án TĐ đã và đang có những tác động tiêu cực lớn đến môi trường - sinh thái của các lưu vực sông, đến sinh kế của người dân - an toàn cộng đồng, an ninh nước và an ninh lương thực.

Phát triển TĐ dù được ghép thêm từ bền vững cũng vẫn là một bài toán đánh đổi giữa phát triển kinh tế và môi trường - xã hội. Từ đó, các nhà khoa học đã “xét lại”, kết luận không thể xem TĐ là nguồn năng lượng sạch và rẻ để phát triển với bất cứ giá nào - bất cứ ở đâu. Cộng đồng và người dân phải di dời do xây dựng TĐ đã phải chịu thiệt thòi nhất, chịu hy sinh nhiều nhất kể cả vật chất, tinh thần và văn hóa bản địa cho lợi ích của chung và của chính những nhà đầu tư (nhà nước hoặc tư nhân).


< Nạo vét, khơi dòng để chống hạn ở hạ lưu sông Vu Gia, Quảng Nam.

Do vậy, các nhà khoa học kiến nghị, kế hoạch phát triển TĐ cần được các cấp ra quyết định xem xét lại một cách thận trọng, hạn chế sự phát triển tràn lan, giảm thiểu những tác động tiêu cực cho môi trường, sinh thái của các dòng sông, văn hóa các cộng đồng ven sông, sinh kế của người dân thế hệ hôm nay và mai sau.

Việc phát triển TĐ cần phải bền vững, vì lợi ích của tất cả, có sự tham gia thực sự của các bên liên quan, cộng đồng ảnh hưởng trong qua trình từ quy hoạch đến vận hành. Cần phải có cơ chế chia sẻ lợi ích một cách công bằng giữa nhà đầu tư - cộng đồng trong suốt quá trình vận hành công trình. TĐ phải có trách nhiệm duy trì và phục hồi rừng đầu nguồn, phải có kịch bản liên quan đến các sự cố đập (vỡ đập) và các phương án phòng, tránh, giảm nhẹ thiệt hại cho cộng đồng liên quan trong phạm vi ảnh hưởng của TĐ.

Du lịch, GO! - Theo báo Laodong, internet

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống