Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Monday, 21 May 2012

(Tiếp theo)
Tính ra, ngay trong ngày đầu tiên: bọn mình đã vượt qua tầm 300km theo lộ trình Cát Lái - Nhơn Trạch - QL51 - Long Thành - Bình Sơn - Dầu Giây - Long Khánh - Gia Ray - TL766 - Võ Đắc - Đức Tài - Võ Xu - Lạc Tánh - QL55 - La Ngâu - Đa Mi - đèo Lộc Nam - xã Lộc Nam - Lộc Thành - Bảo Lộc.

< Bà cụ người Bắc bán dạo ngay góc đường - định mua ủng hộ bà nhưng đến xem hàng thì hóa ra là "tàu hủ", chịu thôi.

Một lộ trình sắp vượt đỉnh "tôn chỉ phượt" của bọn mình (đa phần bọn này giới hạn dưới 300km/ngày). So với thực tế: nếu đích là Bảo Lộc thì theo QL20 đi sẽ ngắn hơn nhiều. Tuy nhiên, nếu lang thang như vậy sẽ thấy thêm thú vị do biết được nhiều địa danh khác nữa, cái tật tham.

< Khách sạn mình ở đây.

Tại Bảo Lộc thì bọn mình ở khách sạn Ngọc Vy - 35 Nguyễn Văn Cừ . P Lộc Sơn. ĐT: 063.3726373 -  0975.236070 - Phòng đẹp và sạch, trang bị đầy đủ cả nước nóng lẫn tủ lạnh (xứ cao nguyên này mát nên không cần máy lạnh), có cả cửa sổ nhìn xuống đường - Giá là 130k/ngày. Đây là một trong những nơi ưng ý nhất của các chuyến mà bọn mình đã đi, tiếc là chỉ qua đêm.

< "Cây xăng" ven đường nội thị.

Ghé Bảo Lộc lần này lại nhớ đến kỳ hội ngộ tại tu viện Bát Nhã năm rồi, nhớ lời nhắn "Khi nào ghé Bảo Lộc, nhớ ghé nhà chơi và nghỉ lại" của anh Tỉnh, chị Thanh. Vậy nhưng ngại... phiền anh chị nên chuyến này tạt ngang đây mà không ghé, thôi thì lại hẹn lần sau vậy.

< QL20 đây, bọn mình chạy hướng lên Di Linh.

Nghỉ một đêm, sáng dậy lót tót đi bộ một đoạn đến ngã 3 Hà Giang - Nguyễn Văn Cừ "xực phàn" buổi đầu ngày. Nhìn thấy cô gái bán xôi bên đường: xửng hấp nghi ngút khói trông hấp dẫn quá (hổng biết xôi hay... cô hấp dẫn) nên bọn này mua 2 gói xôi đậu xanh (5k/gói) rồi vào quán cà phê (8k/ly) nhâm nhi. Có lẽ do tiết trời lành lạnh, xôi lại nóng nên măm cũng ngon tuyệt. Vậy là buổi sáng khá tiết kiệm nhưng cũng no cái bụng, he he.

< Qua trà Tâm Châu một đỗi thì đến chợ Hòa Ninh - những con diều thật đẹp, nhìn lại nhớ tuổi còn thơ.

Bảo Lộc là một thị xã trực thuộc tỉnh Lâm Đồng, được thành lập năm 1994 trên cơ sở tách huyện Bảo Lộc cũ thành hai đơn vị mới là thị xã Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm. Bảo Lộc nằm trên tuyến quốc lộ 20, cách Thành phố Đà Lạt khoảng 110 km, cách Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 190 km, cách thành phố Phan Thiết (Bình Thuận) khoảng 100 km.
< Một "cụ cây" thật ấn tượng ngay trên QL20, không biết cụ đã thọ tầm bao năm...

Tháng 3-2009, Bảo Lộc được công nhận là đô thị loại III thuộc tỉnh và ngày 8-4-2010, Chính phủ đã ra Nghị quyết thành lập thành phố Bảo Lộc (trực thuộc tỉnh Lâm Đồng).
< Một trong nhiều đoạn dốc lên phần cao nguyên cao hơn...


Sự hình thành dân số Bảo Lộc chia làm 3 nhóm sau:
- Trong số các dân tộc bản địa, dân tộc Mạ chiếm tỷ lệ cao nhất. Buôn làng người Mạ là tổ chức xã hội duy nhất có tính xã hội tương đối hoàn chỉnh, tương đối độc lập và tách biệt khép kín về khu vực canh tác, khu vực cư trú. Với thiết chế xã hội chặt chẽ, hiện nay một bộ phận vẫn còn sản xuất theo lối tự nhiên, cuộc sống còn khó khăn.

< Phía phải là những đồi trà bất tận, huyền ảo trong sương.

- Người Kinh đến Bảo Lộc trước năm 1975 thường sống tập trung ở các phường Lộc Tiến, Lộc Phát, xã Lộc Châu, Lộc Thanh, Lộc Nga, dọc theo quốc lộ 20, được đầu tư cơ sở hạ tầng khá, tiếp cận sớm với cơ chế thị trường, năng động, có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh.

< Đến xã Liên Đầm rồi, bọn mình tìm thác Bobla.

- Người Kinh đến Bảo Lộc sau năm 1975 bao gồm nhiều tỉnh thành của cả nước đến lập nghiệp, đã có những đóng góp nhất định về phát triển kinh tế - xã hội, an ninh chính trị, trật tự xã hội. Song do đến ồ ạt, thiếu vốn đầu tư và kết cấu hạ tầng chậm phát triển nên đời sống còn gặp nhiều khó khăn...
< Ông cụ hướng dẫn chạy thêm chừng trăm mét nữa là đến, "Thác bây giờ người ta làm lại đẹp lắm cô chú ơi...". Đồng hồ trên tay ông cụ cho biết đã 8h15.

Đây là một cộng đồng dân cư đa dạng, chưa thuần nhất, đa số chưa có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất hàng hoá. Mình nhận xét thấy hiện tại có khá nhiều người miền Bắc vào đây sinh sống, có lẽ do khí hậu và văn hóa tương đồng.
< Cổng vào thác Bobla đây, mình không thấy ai gác cổng nên cứ chạy vào tới tận nhà để xe.

Bảo Lộc có nhiều thắng cảnh như đèo Bảo Lộc, thác Đam Bri, hồ Nam Phương, suối Đá Bàn, núi Đại Bình, suối Tân Thanh,… Bên cạnh các thắng cảnh thiên nhiên đó là những vườn, đồi trà thoai thoải xanh mượt, vươn lên những hàng cây che bóng, phía sau là những ngọn núi cao đã làm cho Bảo Lộc càng thêm xinh đẹp, bao la, trù phú.

< Men theo lối đi phí trái để xuống thác, qua một cổng nhỏ bằng cây khá điệu đà.

Do có khí hậu mát mẻ quanh năm nên đây là nơi lý tưởng để xây dựng các khu du lịch nghỉ dưỡng.
< Nhìn qua tán lá, ngắm trộm nàng công chúa giữa rừng. Chẹp, nàng đẹp mê tơi!

Ngoài ra, trước chuyến đi này mình còn nghe vài bạn nhắc đến các thác và suối ở Đại Lào, cụ thể là KDL Thác Bảy Tầng và Suối Cát. Tuy nhiên do eo hẹp thời gian, phần khác cũng do đau đầu gối trái (nguyên nhân do túi treo xe va đập vào gối chiều hôm trước, lúc nhận phòng) nên mình ngại cuốc bộ vào các thác này - vậy là buộc phải bỏ bớt.
< Những bậc thang với dốc khá cao. Hiện giờ đi xuống thì không si nhê, hồi lên sẽ thấy bải oải cái thân già, he he...

Xong bữa sáng, bọn mình về phòng khách sạn thu dọn đồ đạc, rời thành phố và tiếp tục cuộc chơi. Lộ trình hôm nay sẽ theo QL20 đi Di Linh - Từ Di Linh sẽ theo QL28 hướng về Mũi Né qua đèo Gia Bắc - Hàm Thuận Bắc - QL1 - rẽ ngã 3 núi Tà Zon - xã Thiện Nghiệp - Mũi Né. Nhưng trước tiên thì phải ghé trạm xăng làm một phát cho đầy, xong rồi muốn đi đâu thì đi, thoải mái.
< Cảnh tịch mịch, thần tiên xung quanh. Tiếng thác vọng từ phía dưới lên đây nghe ì ầm.

< Bà xã gọi: "Nhanh lên". Chẹp, từ từ chứ, tua nhanh quá thì phim mau hết...

QL20 đoạn từ Bảo Lộc lên Di Linh không quá nhiều xe. Gọi là "lên" vì dốc khá nhiều do Bảo Lộc chỉ cao hơn tầm nước biển khoảng 500m, còn Di Linh là 1000m - vậy nên lên dốc nhiều cũng không lạ (Từ Di Linh nếu lên Đà Lạt sẽ cộng thêm hơn 500m nữa).

< Lại "nổi máu dê", mình ngắm trộm nàng sơn nữ lần nữa. Trượt chân một phát sẽ được theo nàng luôn đó nghen.

Do dự tính trước trong đoạn này sẽ ghé thác Bobla nên khi vừa đến địa phận xã Liên Đầm thì bọn mình chủ ý dõi mắt tìm bên phải QL20 để kiếm đường vào thác. Chỉ sau 2 lần hỏi người dân địa phương ven đường thì đã đến đúng nơi: Cổng vào KDL thác Bobla đây rồi.
< Cua trái rồi cua phải, bọn mình vẫn theo các bậc đá xuống dốc đều đều.

Đồng bào các dân tộc bản địa sinh sống trên vùng đất này đã xem thác Bobla là biểu tượng của sự bất khuất, là sức mạnh của cư dân miền sơn cước, quê hương của chàng Liang Dăm, người đã có công đánh đuổi quân Chăm từng kéo lên quấy nhiễu, giày xéo buôn làng.
< Có đoạn lởm chổm đá thía này: một loại rêu Nhật Bản, không trơn và thật mướt.

Thác Bobla thuộc xã Liên Ðầm, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Ðồng, cạnh quốc lộ 20, cách trung tâm thị trấn Di Linh 6 km, cách Ðà Lạt khoảng 90 km trên đường đi thành phố Hồ Chí Minh. Người ta cho rằng suối Ðạ Riam cùng dòng thác Bobla như nàng Sơn nữ bấy lâu ngủ quên giữa rừng sâu.
< Cây cầu nhỏ qua cái thác đầu tiên, nhỏ thôi - như một khúc nhạc dạo đầu.

Mãi cho đến khi ngành Du lịch Lâm Ðồng đầu tư vào đây nhiều tỷ đồng thì nàng sơn nữ ấy đã bắt đầu được đánh thức: Bobla bắt đầu đón khách tham quan từ năm 2000 và những năm sau đó dần được hoàn thiện thêm cơ sở vật chất.
< Hốc cây nhìn thông qua bên kia triền suối.

Những khó khăn tồn tại ngay cả khu vực cận thác: Công ty chủ quản phải tốn một khoản tiền không nhỏ để đền bù khi buộc phải giải tỏa 2 ha cà phê của dân. Hiện tại thì với diện tích đất trống, Khu du lịch Bobla phải tiến hành gieo ươm 5000 cây rừng để tiến hành trồng rừng trở lại, tạo nên môi trường tự nhiên cần thiết.
< Xuống thêm một lần dốc nữa: tiếng thác ì ầm cho biết đã rất gần rồi.

Cũng trong tương lai, nơi đây còn phải được đầu tư nhiều mới trở thành khu du lịch hấp dẫn như làm cáp tời (hic, mình oải cái này - may mà chưa có), cầu treo và nhà rông dành cho khách tham quan chụp ảnh.
< Thác Bobla đây: mờ ảo trong làn bụi nước mịt mù.

Thông tin chính ngạch là vậy, nhưng lại cũng có tin rằng Công ty Dalat Toserco của ông Châu Trung Linh cũng đang lập dự án xây dựng một... thủy điện 7MW cách đầu thác chừng 3 cây số, trên dòng suối chính Da Riam!
< Cây cầu nhỏ vắt ngang phía hạ nguồn. Đứng ngắm thì OK nhưng chụp ảnh thì chịu: vừa chói ánh mạt trời, vừa đầy những hạt nước li ti cứ phả vào mặt.

< Phía sau lưng thì ổn... nhưng chỉ có suối.

Mẹ ôi, 7MW chả là cái đinh gì cả so với những thủy điện vài trăm megawatt ở các nơi nhưng tác hại khi có thủy điện thì chưa ai dám khẳng định là không ảnh hưởng gì đến thắng cảnh tuyệt đẹp mà CTy đã đầu tư và đang quản lý. May mắn là đến nay, cái dự án hư hư thật thật ấy có vẻ đang dậm chân tại chổ, không động tịnh gì.
< Tựa như những thác khác vùng Tây Nguyên: dòng nước vàng đục mang nhiều phù sa.

Vào cổng rồi, mình thấy ngay một mặt bằng thoáng mát với nhiều cây lớn với các lối đi quanh co, giữa các thảm cỏ là ghế đá. Do không phải ngày chủ nhật hay lễ tết nên vắng, chỉ có bọn mình thôi. Dẫn xe vào nhà gởi xe: mình đóng 20k phí tham quan + tiền xe cho anh bảo vệ rồi theo lối nhỏ xuống thác.
< Ráng lách vào mép trái thác để chụp ảnh - nước rất nhiều, đổ ì ầm ngày đêm.

Đường xuống như nhiều chữ Z xếp chồng, lát đá tảng trông khá tự nhiên với cây cỏ và rêu phong phủ đầy. Cứ một chặng là có chổ nghỉ chân: từ phía trên này xuống tới dưới thác có 3 nơi nghỉ. "Nghỉ" vì đường xuống thì dễ dàng nhưng leo dốc lên sẽ "phê", bao giờ cũng thế mà.
< Vài cái đầu voi giả, đúng ra cái hồ nhỏ này phải ngập nước cho đến cổ voi.

Tuy nhiên, cái "phê" này là xác đáng vì du khách đã được tưởng thưởng một con thác đẹp, rất đẹp tại Di Linh. Thà rằng vậy còn hơn kiểu phá vỡ cảnh quan bằng cách lắp hẳn một thang máy đưa khách lên và xuống như ở thác ĐamB'ri, cái thang mà bất kỳ du khách hay nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp - nghiệp dư nào khi chụp ảnh thác đều phải... cho nó ra rìa, phải né tránh nó bằng mọi cách vì trông nó thật thô thiển!

< Hai chú voi còn lại phía ngoài thì ok. Nếu không có con voi nào cả thì cũng... không đáng tiếc.
Nửa kia "dụ" mình trèo lưng voi để chụp - Thôi mà bà xã ơi: cái sự "trèo" để dành cho chốn khác...

< Thác đẹp nhưng chưa lần nào bọn mình chụp tệ như lần này! Trời khiến cả thôi. Đã tậu được con netbook soi đường, bi giờ thì chờ có con máy chộp kha khá, đúng là "được voi đòi... hai bà Trưng"!

< Cuộc chơi nào rồi cũng đến hồi kết, bi giờ thì bọn mình trở lên...

Không mất nhiều thời gian xuống dẫu nhiều đoạn mình dừng lại ngắm cảnh vật tuyệt vời chung quanh. Lối đi được vây chặc bởi cây rừng hai bên, tiếng chim ríu rít cùng tiếng rỉ ra của côn trùng nhưng những khúc nhạc bất tận của thiên nhiên. Thiên nhiên ở đây đẹp như tranh vẽ, thác nước nằm gọn trong khu rừng nguyên sinh còn lưu giữ nhiều cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi.
< Thở dốc do mệt, mình ngắm cảnh để tăng thêm sức lực, tựa như tăng cường bằng nước "bò húc".

Rồi đường xuống sẽ gặp một khúc ngoặc - mình nhìn thấy chổ này có một thác nhỏ chắn ngang đường xuống, có một cây cầu nhỏ bắt ngang. Xuống thêm một đoạn dốc nữa thì tiếng rào rào của thác lộ rõ dần, lớn hơn nữa... và thác Bobla kia rồi: Giữa một khoảng trống của 3 bên là vách núi, nước từ trên cao ầm ầm đổ xuống tạo thành cái hồ.
< Nhưng nói thật: thăm thác Bobla rồi sẽ tiếc, nhưng "tiếc" đây là tiếc do mình không ở được lâu.

Các hạt nước li ti bay mù mịt như một màn sương mù dày buổi sớm mai. Hai bên thác là vách đá cao phủ rong rêu, rễ cây cổ thụ buông xuống bên dòng suối chảy lặng lờ, len trong những tảng đá, hai bên bờ cây cỏ, hoa dại nở quanh năm... Tất cả tạo nên vẻ đẹp vừa nguyên sơ, vừa huyền hoặc của núi rừng cao nguyên Di Linh.
< Chốn nghỉ chân, khi lên mới có tác dụng, he he...

Dưới chân thác là một hồ lớn do dòng nước đổ lâu ngày tạo thành. Từ hồ này, nước chen qua các kẻ đá chảy thành dòng suối quanh co rồi mất hút trong những vạt rừng. Lợi dụng địa thế dòng suối nên CTy khai thác đã dựng hẳn một cây cầu nhỏ như cánh cung nối hai bờ.
< Ngoáy nhìn trộm cô tiên lần nữa trước khi rời xa...

Khách đến đây có thể đứng nhìn trực diện vào dòng thác đẹp đổ ì ầm ngày đêm. Từ đây, nhìn trang mé trái là những con voi dù chỉ bằng... xi măng nhưng khá thật - to có, nhỏ có, một vài con phun nước bằng vòi trong khá ngộ nghĩnh.
< Lên thêm một đoạn thì thấy các cô "thứ thiệt": một nhóm bạn trẻ xuống thăm thác.

Công bằng mà nói thì thác có phần kiến tạo thêm do bàn tay con người, không hoàn toàn hoang dã như nhiều thác nước bọn mình đã đến. Tuy nhiên Bobla vẫn đẹp vì người ta đã sửa đổi theo cung cách thuận lợi hơn cho người viếng thăm mà không cần đến những thiết bị quá hiện đại.
< Và cả người chăm sóc vườn. Anh cười to "chụp ảnh trả tiền đó nha", hi hi...

Một điều đáng tiếc là do hướng thác lần này ngược với ánh mặt trời (ngược sáng), phần khác cũng do bụi nước tung mịt mù (máy cứ tự động lấy nét vào những hạt nước li ti này, còn ống kính thì liên tục phủ sương) nên ảnh thác lần này là những ảnh... xấu nhất so với những thác trước nay đã ghé. Đành vậy, ước mơ về một máy ảnh chuyên nghiệp hơn so với cái Cannon Powershot A490 còi này đã có từ trong vài chuyến đi trước nhưng tài chính chưa cho phép, ngóng chờ tương lai thôi.

< Vường cây phía trên có khá nhiều gốc cây độc đáo như thế này.

Thỏa thuê "tắm sương" cho đến hơn 9h thì bọn mình trở lên. Mệt vì ngược dốc nhưng chóng lại sức với những khoảng ngừng bước nghỉ chân, lại phê với khung cảnh hoàn hảo của thiên nhiên xung quanh. Mãi tận nửa đường lên mới thấy một nhóm trẻ phía trên đi xuống, có lẽ một nhóm học nào đó tại địa phương.


< Tán phét cùng anh quản lý. Biết lộ trình mình sẽ đi nên anh nói sơ qua về QL28, cả cái thác Lilian mà bọn mình dự định sẽ ghé.

Nhận lại xe và trò chuyện với anh quản lý một hồi, mình từ giả thác hướng về Di Linh - Lúc này là 9h42 phút sáng ngày 12 tháng 5/2012.

Còn tiếp
Điền Gia Dũng - Du lịch, GO!

Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10 - Phần 11 - Phần 12 - Phần 13 - Phần 14 - Phần 15

Sunday, 20 May 2012

Đây là nơi mà vùng cao Sơn La hiện ra đẹp như bồng lai tiên cảnh, đầy hùng vĩ, thơ mộng.
Đây cũng chính là nơi có những cô giáo miền xuôi lên công tác để dạy chữ cho trẻ em thôn bản, nơi cuộc sống của người dân vẫn còn muôn vàn khó khăn.

Xã Suối Tọ có tổng diện tích tự nhiên là 14.048 ha có 9 bản với 507 hộ, 3447 nhân khẩu cơ cấu dân tộc với 100% đồng bào Mông sinh sống. Đây là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Phù Yên tỉnh Sơn La.

Đường lên Suối Tọ chẳng khác nào đường lên trời. Suối Tọ là lãnh địa của người Mông. Những bản làng chìm nghỉm trong đại ngàn pơ-mu, ở độ cao trên dưới 2.000m so với mặt nước biển. Trên độ cao này, quanh năm mây mù bao phủ, khí hậu ẩm ướt, giá lạnh.

< Mùa đông thời tiết khắc nghiệt sương mù cả ngày. Học sinh 100% là người Mông.

Có ba hướng để vào khu vực này: Hướng thứ nhất đi từ Phù Yên, lên xã Suối Tọ, rồi cứ đường rừng mà đi. Hướng thứ hai từ xã Háng Đồng của huyện Bắc Yên và hướng thứ ba từ xã Bản Mù của huyện Trạm Tấu.

< Cổng trường trung học cơ sở Suối Tọ.

< Nơi đây có độ dốc cao người dân chủ yếu trồng ngô và lúa nương.

< Nơi đây có phong cảnh thật hùng vĩ.

< Một gia đình đông con.

< Rừng ở Suối Tọ.

Du lịch, GO! - Tổng hợp từ VnExpress
Cù Lao Chàm, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam có kiểu “chào quý khách” không giống ai. Họ chào bằng hai câu treo ở cổng chợ: “Không phát túi ni lông cho người mua hàng” và “Xách giỏ đi chợ- phong cách của người nội trợ”.
Rất cụ thể, không hoa hòe hoa sói, đó là tính cách của người dân ở Cù Lao Chàm. Thay vì chỉ một câu chào xã giao treo ở đầu bến cảng, Cù Lao Chàm còn kèm thêm hai câu mang tính vừa cảnh báo lại vừa khuyến cáo như trên. Nói “không” với túi ni lông một cách quyết liệt và triệt để.

Để loại được một thứ vật dụng rất tiện lợi này ra khỏi đời sống của hàng trăm hộ dân nơi đây là điều không hề dễ dàng, nếu không nói là quá khó, điều đó đòi hỏi cả chính quyền lẫn người dân đều phải hợp tác và thực hiện một cách tự giác, đầy ý thức.


< Xách giỏ đi chợ-phong cách của người nội trợ ở Cù Lao Chàm.

Nói như ông Nguyễn Sự, Bí thư thành ủy Hội An: “Sự hợp tác của người dân và chính quyền để thực hiện một chủ trương nào đó nó cũng giống như hai người tát nước bằng gàu sòng vậy. Cả hai cùng kéo chứ không thể người kia kéo còn người nọ đứng nhìn thì nước sẽ không lên ruộng được!”.

Từ câu chuyện nhà xí

Chỉ hai năm sau khi được công nhận là Di sản văn hóa thế giới (2001), Hội An đã đón vị khách thứ 1 triệu nhưng Cù Lao Chàm khi ấy gần như bị khách du lịch bỏ quên. Hòn đảo này như một cô gái đẹp nhưng chỉ biết rón rén đứng nhìn cuộc  thi hoa hậu vì không có đủ những điều kiện cần thiết để tham gia cuộc tranh tài nhan sắc với bạn bè.

< Những tấm biển "nói không với bao nilon" tràn ngập khắp các ngõ ngách của Cù Lao Chàm.

Những nhà quản lý thị xã Hội An khi đó đã sớm nhận ra viên ngọc Cù Lao Chàm bị che mờ bởi một lớp bụi mà chỉ cần lau sơ qua thì mọi ánh mắt sẽ đổ dồn về phía ấy. Nhưng  làm gì để viên ngọc kia được lấp lánh và hấp dẫn du khách thì đó là một bài toán không dễ giải đối với các nhà quản lý. Là bởi, mang tiếng là dân thị xã Hội An nhưng 600 hộ dân Cù Lao Chàm vẫn được xếp vào diện “vùng sâu vùng xa”.

Sự cách trở về không gian địa lý đã kéo theo nó rất nhiều phiền toái. Mỗi một thói quen của người miền biển nơi đây là một cản ngại lớn trong việc thu hút du khách. Chuyện làm “quận công” là một ví dụ.

Còn nhớ năm 2002, tôi theo chân đoàn “liên ngành” của thị xã Hội An ra Cù Lao Chàm để kiểm tra tình hình triển khai xây dựng hố xí cho dân ở đây. Ông Nguyễn Sự lúc ấy còn làm chủ tịch thị xã, quần xăn móng lợn, bước thoăn thoắt, ông đến từng nhà, hỏi cặn kẽ về nguyện vọng cũng như những phản ứng của dân trước quyết định của thị xã Hội An đồng loạt triển khai xây dựng nhà vệ sinh trong từng gia đình.

Nhiều người già, mặt rầu rầu: “Hồi mô chừ quen ra biển “ị” cho … mát rồi, giờ bắt làm việc đó ở trong nhà xí, răng chịu nổi, ông chủ tịch? Với lại, tiền mô mà làm nhà xí, mỗi cái đến 2 triệu lận?”.

Ông Sự quả quyết: “Không quen rồi sẽ quen, cứ tập cho quen, còn tiền làm nhà xí thì thị xã cho không!”. Ba tháng sau, ông Sự và “đoàn liên ngành” lại ra Cù Lao Chàm, đến từng nhà kiểm tra. Gia đình nào cũng xây nhà xí nhưng là để … chứa củi! Lại kiên trì vận động, lại thuyết phục dân không nên ra bãi biển để xả bậy.

Cách 30 phút xuồng máy mà không gian giữa Cù Lao Chàm và phố cổ di sản ấy mới diệu vợi làm sao. Họ mãi mãi đứng bên lề di sản nếu như không có những cuộc bứt phá quyết liệt của chính quyền thành phố.

Làm nhà vệ sinh cho mỗi gia đình cũng chỉ là bước khởi đầu để biến Cù Lao Chàm trở thành điểm đến lý tưởng cho hàng trăm ngàn du khách mỗi năm khi họ đến với Hội An. Bây giờ thì câu chuyện vận động làm nhà vệ sinh ở Cù Lao Chàm ngày nào đã thành chuyện cổ tích.

Đến nói “không” với túi ni lông

Tôi trở lại Cù Lao Chàm với một tâm trạng nghi hoặc bởi nỗi ám ảnh về câu chuyện dùng nhà xí để chất củi từ 10 năm trước. Và tôi thật sự bất ngờ khi chứng kiến một Cù Lao Chàm “lột xác” hoàn toàn dù cảnh và người ở đây chẳng thay đổi là bao.

Chị Phạm Thị Mỹ Hương, chủ của một homestay nhớ lại: “Cách đây 3-4 năm, chả ai dám qua đêm với Cù Lao Chàm đâu. Chừ thì khác rồi, túi ni lông hết nổi lềnh bềnh nơi bến cảng rồi, san hô cũng bắt đầu hồi sinh rồi. Dĩ nhiên là du khách đã bắt đầu tấp nập đến với Cù Lao Chàm”.


< Tình nguyện viên hướng dẫn du khách sử dụng “túi sinh thái”.

Ông Nguyễn Sự kể lại câu chuyện về túi ni lông từ hơn 3 năm trước: “Nghe tin UNESCO có kế hoạch kiểm tra để công nhận Cù Lao Chàm là khu dự trữ sinh quyển thế giới, một cảm giác bất an cứ lởn vởn trong đầu tôi. Không thể trở thành khu dự trữ sinh quyển thế giới mà túi ni lông và rác giăng khắp bãi biển như thế này được!

Tôi nêu ý kiến với một số ông lãnh đạo đầu ngành của Hội An và chính quyền xã Tân Hiệp “hay là ta dẹp quách túi ni lông ở Cù Lao Chàm?”, lập tức ai cùng “à” lên thật to và nhất trí ngay. Dĩ nhiên, để các ông ấy “à” lên và nhất trí như thế  thì mình cũng phải phân tích về tác hại của túi ni lông và đưa ra một số giải pháp chứ không nói lơi khơi được. Ý tưởng dẹp túi ni lông cứ thôi thúc chúng tôi phải làm cho bằng được”.


< Người dân Cù Lao Chàm được tặng giỏ nhựa và cam kết không sử dụng túi nilông.

Việc đầu tiên để dẹp túi ni lông ở Cù Lao Chàm là … họp dân. Dân bây giờ rất ngại họp hành. Ấy thế mà nghe họ bàn chuyện dẹp túi ni lông, nhà nào cũng có người đại diện, thậm chí có nhà đi hai người. “Không phải họ đến cuộc họp để giơ tay nhất trí hoàn toàn chủ trương dẹp túi đi lông đâu, họ đến để hỏi đấy”. Chủ tịch  xã Tân Hiệp Nguyễn Văn An, nhớ lại.

Vậy nên, trong cuộc họp, nhiều người hỏi ngang: “Rứa thì lấy chi mà đựng cá, đựng rau mỗi khi đi chợ đây?”. Những câu hỏi như thế đã được chính quyền Hội An tiên liệu. Và câu trả lời sẽ là: “Thưa các cô, các dì, có “nó” đây ạ!”. Miệng giải thích, tay trao ngay mỗi gia đình hai chiếc giỏ nhựa để đựng thức ăn khi đi chợ, trao ngay hai cặp lồng bằng nhựa và inox để đựng cháo, đựng chè.


< Giấy báo- một trong những vật dụng thay thế núi ni lông ở Cù Lao Chàm. 

Trong Hội An, một cuộc phát động rầm rộ do Đoàn TNCSHCM chủ xị, vận động toàn dân tặng báo cũ, may thành túi để gửi ra Cù Lao Chàm. Rồi lá chuối, lá bàng bị bỏ quên ngày nào giờ chợt thức dậy để góp phần vào việc xua đuổi túi ni lông. Rồi nhà máy xử lý rác thải cũng đã gấp rút xây dựng và đưa vào sử dụng tại Cù Lao Chàm, khiến cho rác và túi ni lông không có điều kiện làm “bẩn mắt” du khách nữa. Cấm cái nọ nhưng mở cho dân một lối thoát khác, đó là cách làm của một chính quyền “vì dân” vậy.

< Một cháu bé theo bố mẹ đi tắm biển buổi chiều ở đảo Cù Lao Chàm cũng giúp bố mẹ xách túi nilon tự huỷ (đựng quần áo).

Nghe tôi khen dân Cù Lao Chàm quá tự giác trong việc “dẹp loạn” túi ni lông, chị Trần Thị Thu bán chè đầu ngõ, nói: “Cái gì mà mang lại lợi ích cho dân thì họ tự giác thực hiện ngay chứ giỏi giang gì chú em. Trước đây, hàng ngày chị vẫn dùng túi ni lông để đựng chè, giờ bỏ nó, thấy cũng bất tiện, nhưng bù lại, mình bán được nhiều chè hơn do khách du lịch ra đây ngày càng đông hơn”.

Chả cần triết lý dông dài gì, hễ khách du lịch ra đảo nhiều thì bán được nhiều chè, bán được nhiều cá tươi và các loại hải sản khác. Cuộc sống của người dân sẽ được cải thiện hơn.



< Tất cả là vì một Cù Lao Chàm đảo xanh, biển xanh, sạch sẽ như thế này!

Túi ni lông vắng bóng trên Cù Lao Chàm, dải san hô quanh đảo đã hồi sinh trở lại, con cá con mực cũng tìm cách “trở về” với người dân sau bao năm chúng bị xua đuổi bởi nạn ô nhiễm môi trường. Hòn ngọc ấy đã bắt đầu phát sáng để có thể hút du khách về với mình ngày một nhiều hơn. Lần đầu tiên trong cả nước, một hòn đảo “quê mùa” đã dám nói lời vĩnh biệt với túi ni lông, chuyện có thật mà ngỡ như trong cổ tích. Mà đâu chỉ dừng lại ở Cù Lao Chàm, cả Hội An cũng bắt đầu tập nói “không” với túi ni lông kia đấy!

Hiện tại, TP.Hội An đang triển khai thí điểm mô hình nói không với túi nilon ở 2 phường. Đây là một trong những bước khởi đầu trong đề án liên kết. Hi vọng rằng, với sự quan tâm của các tổ chức, hệ thống chính quyền, sẽ dần có nhiều môi trường trong sạch hơn, không chỉ là vùng biển đảo mà ngay cả trên bờ.

Du lịch, GO! - Theo Báo Quảng Ngãi, Laodong, internet

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống