Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Wednesday, 23 May 2012

Người ta lưu truyền rằng nếu ai đi ngược lại những lời nguyền hay những giao ước của làng thì sẽ phải gánh chịu những bất hạnh hôn nhân, thậm chí vợ chồng còn âm - dương cách trở...

Quy ước lạ lùng

Làng Thượng Lỗi nằm ngay trong địa giới một phường của thành phố Nam Định. Những người lạ đến nay đi chẳng ai biết được trong ngôi làng cổ hơn nghìn năm tuổi này lại tồn tại một sự giao ước khiến cho rất nhiều đôi tình nhân dù rất yêu nhau nhưng chẳng thể đến được với nhau.
Ngồi một vài quán nước trong làng, hỏi chuyện những người trẻ tuổi, chẳng ai rõ nguồn gốc sâu xa của giao ước này nhưng họ đều nhớ nằm lòng lời dặn dò của cha mẹ và các bậc cao niên, nếu có yêu ai thì tránh xa người làng cận kề Tức Mặc. Nếu làm trái với lời dặn này thì hậu quả không lường hết được, hoặc chết, hoặc chẳng thể hạnh phúc đến đầu bạc răng long.

Theo lời những người trong làng, cách đây chưa lâu, một người đàn ông ở Thượng Lỗi lấy vợ làng Tức Mặc đã qua đời bị bạo bệnh. Điều đáng nói là đây không phải trường hợp đầu tiên đoản thọ mà được cho là vì làm trái với giao ước bao đời của tổ tiên. Có đôi nam nữ vì quá yêu nhau nhưng vấp phải sự ngăn cản quyết liệt của 2 bên gia đình đã dắt díu nhau đi nơi khác để mong được trăm năm hạnh phúc. Nào ngờ, người làng nghe tin họ cũng đột nhiên mắc bệnh lạ mà chết...

Hỏi thăm quanh làng cổ Thượng Lỗi, không phải không có những đôi trẻ bất chấp mọi lời ngăn cản của mọi người, quyết định tìm đến với nhau và vẫn đang sống bình yên, hạnh phúc. Tuy nhiên, theo cách giải thích của các cụ cao niên tóc bạc da mồi thì đó là những gia đình di cư từ nơi khác đến. Chính vì vậy, họ không chịu sự chi phối của giao ước kia.

Tìm lời giải từ truyền thuyết

Theo sự chỉ dẫn của người làng, chúng tôi tìm vào nhà cụ Trần Khắc Xưởng, 84 tuổi, một trong những vị cao niên còn minh mẫn. Dù đang rất mệt mỏi với những căn bệnh tuổi già nhưng cụ Xưởng vẫn nhờ cụ bà đỡ dậy để kể cho chúng tôi nghe ngọn nguồn của giao ước cấm trai gái lấy nhau của 2 làng Mặc - Lỗi.

Từ khi còn là một cậu bé tóc còn để chỏm, cụ Xưởng đã nghe ông nội và bố kể lại rằng, làng Thượng Lỗi là quê hương của một vị nữ tướng tài ba chuyên đánh trận dưới nước tên là Phạm Thị Côn Nương.
Bà giỏi giết giặc và có khí tiết hơn người nên luôn được 2 chị em vua bà Trưng Trắc, Trưng Nhị tin tưởng, trọng dụng. Trong thời gian đi theo 2 Bà Trưng đánh quân Nam Hán, bà Côn Nương đã trở thành nỗi khiếp sợ của quân thù.

< Ở Làng Thượng Lỗi và Tức Mặc đêu thờ một bát hương, được gọi là bát hương chị em thờ bà Côn Nương và Lý Triều Công.

Đến năm Quý Mão 43, khi quân Nam Hán cử tướng Mã Viện sang nước ta thì Hai Bà Trưng thất thủ, bà Côn Nương cũng nhảy xuống sông tuẫn tiết. Cảm phục lòng quả cảm của vị tướng này, người dân Thượng Lỗi đã lập đền thờ...

Cũng theo lời kể của cụ Xưởng thì hơn 1.000 năm sau, vào năm 1138, có viên quan Lý Triều Công được triều đình cử đi đánh giặc đang chiếm đóng ở gần làng Thượng Lỗi. Khi ngang qua làng, thấy đền thờ bà Côn Nương, viên quan liền vào khấn vái để mong bà phù hộ cho trận đánh tới sẽ thắng lợi. Vị nữ tướng đã hiển linh nên trận đánh đó Lý tướng quân ca khúc khải hoàn.

Nhớ ơn bà Côn Nương, Lý Triều Công quay trở lại đền bà dâng hương cảm tạ. Sau khi Lý Triều Công mất, dân làng Thượng Lỗi biết ơn ông đã đánh tan giặc dữ, đem lại bình yên cho xóm làng nên cũng lập đền thờ.
Rồi người làng đưa cả 2 vị tướng vào thờ phụng ở đình làng và coi họ như chị em dù bà Côn Nương hơn ông Lý Triều Công hơn nghìn năm tuổi.

Chiêu một ngụm nước trà, cụ Xưởng kể tiếp: "Kể từ ngày đó đình làng tôi có 2 bát hương thờ 2 vị thành hoàng gọi là bát hương chị và bát hương em. Nhờ sự phù hộ của 2 vị thần mà nhiều đời sau làng Thượng Lỗi mưa thuận gió hòa, làm ăn phát đạt, nhà nào cũng sung túc.

< Cổng đình làng Tức Mặc.

Thấy vậy, người làng Tức Mặc ở kế bên sang xin dân làng chúng tôi một bát hương trong đình về thờ để được cùng hưởng phúc. Dân làng tôi quyết định cho làng Tức Mặc bát hương ông Lý Triều Công. Tuy nhiên khi tổ chức lễ rước thì người làng Tức Mặc lại lấy nhầm bát hương thờ bà Côn Nương".

Kể từ lúc đó, người dân hai làng cũng kết nghĩa ruột rà, máu mủ. Các cụ cao niên 2 làng đã có giao ước rằng, trai gái hai làng sẽ không lấy nhau mà coi nhau như anh em ruột thịt. Ai làm trái giao ước này sẽ bị trừng phạt và gặp bất hạnh hôn nhân.
Một đồn mười, mười đồn trăm, những câu chuyện mang đầy màu sắc huyền bí như vậy đã khiến cho trai gái 2 làng Tức Mặc - Thượng Lỗi lo ngại mà chẳng dám kết duyên chồng vợ.

Hiện tại, cứ ba năm một lần, vào những năm Tý, Mão, Ngọ, Dậu, dân hai làng lại rước bát hương từ làng này sang làng kia thăm nhau. Mỗi lần rước kiệu lại mở hội lớn tưng bừng trong hai ngày, gọi là lễ giao hiếu. Cứ thay phiên nhau mà làm, lần này Thượng Lỗi rước qua thì lần tới Tức Mặc rước lại. Những ngày hội ấy mỗi làng lại chọn ra những trai thanh gái lịch đảm đương việc rước lễ.

Du lịch, GO! - Theo báo Dân Việt, YuMe, internet
Mặt trời vừa ló lên phía chân trời, đoàn người rước Phật từ chùa ra cột mốc đánh dấu chủ quyền Việt Nam. Những em bé mặc màu áo hải quân, lần đầu tiên được chứng kiến lễ Phật đản trên đảo Trường Sa lớn, mắt tròn xoe cứ ngỡ cảnh tượng trong mơ...

Trường Sa - Trái tim - chiếc lá bồ đề

Lễ Phật đản tại Trường Sa lớn không ồn ào, náo nhiệt như từng thấy tại đất liền. Đoàn rước khoảng hơn 100 người từ chùa tới cột mốc đánh dấu chủ quyền khoảng vài chục mét.
Đại đức Thích Giác Nghĩa rưng rưng với từng lời kinh cầu xin đức Phật độ trì cho quốc thái, dân an, cho Hoàng Sa - Trường Sa vĩnh viễn thuộc chủ quyền Việt Nam trời yên, biển lặng.

Một buổi lễ trầm mặc, diễn ra từ 5g30 tới 7 giờ sáng thì kết thúc. Lúc đó, mưa bắt đầu trút xối xả xuống đảo. Đảo lúc đó như được tắm gội bởi một thứ nước thiêng đầy linh nghiệm mà đức Phật ban cho.

Những em bé chạy vội nép dưới tán bàng vuông cạnh hiên chùa, mấy chú lợn ỉ mắt híp cũng lon ton chạy theo. Chẳng ai nghĩ đây là đảo xa xôi giữa muôn trùng sóng nước. Một hồi còi tàu vang lên giục giã. Một con tàu tiếp viện rời cảng hú lên chào các cư dân trên đảo. Tôi chưa bao giờ nghe được thứ âm thanh kỳ diệu đến thế.

Thị trấn Trường Sa lớn (thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) được mệnh danh là “thủ đô” của Quần đảo Trường Sa. Nhìn từ trên cao, Trường Sa lớn giống hình trái tim màu xanh giữa đại dương mênh mông.

Cũng có thể hình dung như chiếc lá bồ đề mà đức Phật ban tặng Việt Nam trên đường ngài đi độ trì cho chúng sinh.Những con sóng dường như mỗi ngày bồi đắp thêm đất cát để trái tim - chiếc lá bồ đề to thêm, đậm sắc xanh.

< Những cư dân nhí trên đảo Trường Sa lớn.

Cơn mưa đúng hôm lễ Phật đản không ngờ kéo dài suốt cả ngày. Đại đức Thích Giác Nghĩa hướng về bức tượng Phật ngọc đẹp tọa giữa ban thờ Phật nói: “Đây là món quà đặc biệt của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tặng chùa Trường Sa”.

Trời mưa mỗi lúc một nặng hạt, tôi ngồi trong ngôi chùa giữa biển khơi chợt thấy nhịp tim mình thổn thức. Như thể máu truyền từ đất liền tiếp sức cho những ai đặt chân tới đảo xa của Tổ quốc.

Nghe kể, đêm trước ngày tổ chức lễ Phật đản, các đệ tử của thầy Giác Nghĩa từ đất liền gọi ra khóc hu hu vì muốn ra cùng sư phụ. Ở Khánh Hoà, Đại đức Thích Giác Nghĩa trụ trì 2 chùa lớn là Vạn Đức và Phước Trí, khoảng gần 50 đệ tử (trong đó có nhiều người có học vị tiến sỹ từng tu nghiệp ở nước ngoài về) và cả vạn phật tử khác.

Ấy thế mà, chính thầy Giác Nghĩa ở tận Trường Sa xa xôi lại động viên các đệ tử và phật tử cố gắng tổ chức một lễ Phật đản ở đất liền ấm cúng. Phần thầy ở đảo xa cũng tổ chức lễ Phật đản đầu tiên thật ý nghĩa.
“Thầy sẽ ở lại nhiều năm để hành trì tu niệm tạo sự tâm linh của đảo. Trong lễ Phật đản ở đây tuy không có nhiều hoa quả tươi như đất liền, nhưng đổi lại mọi thứ rất ấm áp”, Đại đức nói.

Những linh hồn người Việt

Ít người biết, 7 hộ dân sinh sống trên đảo, có 2 hộ theo Thiên Chúa giáo. Ấy thế mà không ở đâu như chùa Trường Sa. Ngay trong lễ Phật đản, những hộ dân khác đạo vẫn nhiệt tình tham gia trang hoàng chùa và chuẩn bị cho buổi lễ.

Tuy khác đạo, các hộ dân hằng đêm vẫn lên chùa tâm giao với thầy Giác Nghĩa để nghe giảng đạo. Nơi phần máu thịt biên cương của Tổ quốc, ranh giới giữa tôn giáo, miền quê bỗng xóa nhòa.

Tôi cứ thầm nghĩ, phải chăng người dân sống giữa trái tim-lá bồ đề nên tâm can từ bi hỉ xả. Thực ra, mỗi hòn đảo trong Quần đảo Trường Sa - Hoàng Sa trong phạm vi Tổ quốc, đâu chả giống hình trái tim hoặc lá bồ đề. Nhìn trên hải đồ, đôi khi lại hình dung những biên đảo ấy giống đàn con của mẹ Âu Cơ đang bơi về đất liền, về với đất tổ.

Theo Đại đức Thích Giác Nghĩa ra đảo tu niệm lần này có thầy Thích Ngộ Thành. Thầy Thành sau thời gian lên chùa làm phận sự, rảnh rỗi còn tham gia đá bóng, đá cầu với lính đảo.
Từ ngày có chùa Trường Sa, sáng sớm tinh mơ, giữa thinh không lại vẳng tiếng kinh, lời kệ, chuông chùa. Những âm thanh của cõi thiền khiến cán bộ chiến sỹ và người dân thấy ấm lòng.

< Tượng Phật ngọc do Thủ tướng tặng chùa Trường Sa lớn.

Vừa rồi, đảo khánh thành nhà tưởng niệm Bác Hồ uy nghiêm ngay cạnh đài liệt sỹ. Hôm tôi đến thắp nén hương trên bàn thờ Bác, mấy chiến sỹ trẻ đang giảng giải cho các em bé về ý nghĩa bài thơ Thần “Sông núi nước Nam vua Nam ở...” của Lý Thường Kiệt ngay trước lối vào.

Đại đức Thích Giác Nghĩa là trụ trì đầu tiên của chùa Trường Sa lớn. Tuy nhiên, thầy Nghĩa đã từng có nhiều chuyến đi tới các đảo khác để làm lễ cầu siêu. Mỗi chuyến đi và ngay cả khi thầy neo đậu tại đảo Trường Sa lớn có vô vàn sự kiện khó lý giải.

Như chuyến đi cầu siêu năm 2010 trên đảo Sinh Tồn, khi buổi lễ đang tiến hành, nhiều máy ảnh bỗng dưng ghi được những hình hài huyền bí. Gần đây, trên đảo Trường Sa lớn, lúc thầy Giác Nghĩa đang nằm võng nghỉ ngơi dưới ánh trăng, thầy như còn thấy nhiều lính đảo hy sinh còn về đưa võng trêu thầy suốt mấy tiếng đồng hồ.

< Đại đức Thích Giác Nghĩa dưới hiên chùa.

“Lúc đó, thầy thấy rất vui. Hiện trên đảo có rất nhiều âm khí, nhiều vong linh người Việt đã khuất từ xa xưa", Đại đức giảng giải. Nghe kể lại, chùa mới xây này làm trên nền chùa cũ có niên đại lâu đời.

Hôm tôi đến Trường Sa, dù trời mưa to, đúng ngày nghỉ, nhưng có thể hình dung những ánh mắt trong veo của các em bé qua khung cửa lớp học. Mấy cậu bé mân mê chiếc mũ kê-pi có cài ngôi sao. Tiếng còi tàu cập bến hoặc chào tạm biệt lại rúc những nhạc điệu du dương (không giống còi tàu thường vẫn nghe).

Sao tôi thèm muốn những khoảnh khắc này đến kỳ lạ. Nghe thầy Giác Nghĩa nói: “Trăng ở đảo Trường Sa lớn đẹp lắm, không gian thảnh thơi. Giờ đây, bên cạnh hình ảnh người lính cầm súng đứng gác bên cột chủ quyền, còn có hình bóng đức Phật từ bi, lá bồ đề hình trái tim nồng nàn, nhân hậu”.

Tôi hình dung những lời kệ cứ ngân nga, ngân nga mãi trên đảo quê hương.

Du lịch, GO! - Theo báo Tienphong, internet
Du lịch Cửa Lò trong cái nắng trải dài bãi biển chúng ta có dịp đến Nghệ An để thưởng thức rất nhiều món hải sản hấp dẫn, mang đặc trưng của vùng biển miền Trung. Song ấn tượng nhất có lẻ là bát canh ngao mang đủ vị chua, chát, cay, mặn như thách thức.

Ngao nấu canh có thể chúng ta được ăn khá nhiều lần nhưng với cách nấu tại vùng biển Cửa Lò thì rất là tuyệt. Từ nguyên liệu, gia vị cho đến cách chế biến đều đem đến cho người thưởng thức những cảm nhận mới lạ. Có lẽ, chính những đặc trưng ẩm thực vùng miền đã khiến bát canh ngao trở nên ấn tượng với du khách gần xa. Trong cảm nhận chung của du khách, bát canh ngao bình dị ăn kèm cà muối như xua đi cái nắng gắt gao của miền Trung đồng thời khiến chuyến đi thêm phần thú vị.

Thông thường người Hà Nội nấu canh ngao, hến bao giờ cũng luộc sơ, tách bỏ vỏ chỉ lấy phần thịt nấu canh. Canh ngao Cửa Lò khiến chúng ta tròn mắt ngạc nhiên khi bắt gặp những con ngao còn nằm nguyên trong vỏ. Sau phút ngỡ ngàng ban đầu ta lại thấy thích thú với tô canh ấy. Thú vị nhất là việc vừa xì xụp húp canh vừa đưa tay nhặt ngao, nhẩn nha tận hưởng phần thịt ngao tươi, ngọt, dai dai còn nguyên vị biển.

Gia vị cho món canh ngao tại đây cũng thật khác biệt. Thông thường bát canh ngao chua của người Hà Nội dùng me, thêm chút hành hoa thì bát canh ngao Cửa Lò lại xuất hiện rất nhiều gia vị mới lạ. Vị chua được tạo ra bởi quả chay phơi khô. Người dân ở đây không dùng hành lá nấu canh mà thay vào đó là lá lốt, lá dấp cá. Chính vì vậy, nếu là người khảnh ăn du khách sẽ khó mà thích nghi với hương vị đặc biệt của bát canh. Ấn tượng nhất có lẽ là vị chát được tạo bởi đôi ba quả sung. Chính vị chát nhẹ dịu, duy nhất có trong bát canh ngao Cửa Lò này đã tạo sự khác biệt, gây tò mò với nhiều du khách khi tới đây.

Rời vùng biển Cửa Lò, chúng ta sẽ mang theo rất nhiều tiếc nuối, tiếc vì phải rời xa biển trở lại với cái nắng nóng của phố xá, tiếc vì chưa có dịp tận hưởng hết những đặc sản nơi đây…

Du lịch, GO! - Theo Dulich Nghean, internet

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống