Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Saturday, 2 June 2012

Trên dòng chảy sông Hương, trong hình sông thế núi, trong tiến trình lịch sử, cả trong đời sống văn học và tâm linh, xã Thủy Biều, thành phố Huế, có một vị trí đặc biệt ít được nhận biết để tìm hiểu, nhận thức và có chiến lược khai thác một cách hiệu quả trong đời sống đương đại.

Là một trong 5 xã ngoại thành, nằm ở rìa Tây - Nam thành phố, ba bề bao bọc bởi sông Hương, phía Đông giới hạn bởi đường Huyền Trân công chúa, tiếp giáp xã Thủy Xuân, không một địa danh nào của thành phố Huế có được ưu thế tiếp cận dòng sông này từ nhiều góc độ khác nhau, từ chiều rộng đến chiều cao - xét về góc nhìn thị giác - phong phú đến như vậy.

Thủy Biều rộng 657,3 ha, dân số 9.673 người(1), gồm 7 thôn:
1/ Long Thọ - 2/ Trường Đá - 3/ Đông Phước 1 - 4/ Đông Phước 2 - 5/ Trung Thượng - 6/ Nguyệt Biều - 7/ Lương Quán.

Chiều Đông - Tây trung bình 3550m, chiều Nam - Bắc trung bình 1850 m, địa hình và thổ nhưỡng chủ yếu là bãi bồi do quá trình vận chuyển vật liệu của sông Hương bồi đắp mà thành. Cao độ trung bình biến động từ 5 đến 8 m. Về phía Đông, giới hạn bởi hệ đồi thấp, kéo dài theo hướng Bắc - Nam từ đồi Long Thọ đến đồi Vọng Cảnh, cao độ từ 23 đến 29 m. Đặc biêt, phía Đông - Nam, dãy đồi ven sông Hương có độ cao biến động từ 42 đến 57 m(2). Khu vực này có một địa danh nổi tiếng nhờ vào cái nhìn tinh tế của người Pháp: “Belvédère”(3).

“Belvédère” nằm trên đồi Vọng Cảnh, một địa điểm để chiêm ngưỡng sông Hương cuốn hút du khách khi đến Huế, và cũng từng gây sóng gió trong dư luận cả nước về một ý tưởng có phần vội vã trong chủ trương đầu tư.

Xung quanh Thủy Biều là một vành đai danh lam thắng cảnh và các công trình nổi tiếng cố đô. Ngoài sông Hương huyền thoại chảy vòng quanh xã - và lại chính là khúc quanh đẹp nhất - trong địa bàn xã đã có đồi Vọng Cảnh, gần đấy là lăng Tự Đức. Bên kia sông, từ đồi Vọng Cảnh nhìn sang là điện Hòn Chén nổi tiếng.

Cũng bên kia sông, Văn Miếu, Võ Miếu và danh thắng Thiên Mụ, còn bên này sông là Long Thọ cương, hai địa danh từ lâu đã đi vào ca dao: “Gió đưa cành trúc la đà/ Tiếng chuông Thiên Mụ canh gà Thọ cương”. Trên bờ tả ngạn sông Hương kéo dài từ điện Hòn Chén đến Văn, Võ thánh là địa phận của hai xã Hương Hồ, Ngọc Hồ xanh mướt tre cau soi bóng xuống lòng sông.

Làm nền cho cảnh quan thanh bình ấy là trập trùng những rừng thông như sóng nhấp nhô kết thúc tầm nhìn với núi Kim Phụng sừng sững trấn giữ một phương trời. Ngay trên địa bàn xã còn nhiều di tích chưa được khai thác đúng mức: Hổ quyền, Điện Voi ré, Thành Lồi... cần được đánh thức để sớm đưa vào sự nghiệp phát triển văn hóa, du lịch.

Ngay cả nhà máy xi măng Long Thọ hiện nay, một cơ sở công nghiệp già nua, cũ kỹ đang ngày đêm phun khói lên nền trời thành phố, đã đến lúc cần sớm được di dời. Địa điểm này hoàn toàn có thể dành cho một khách sạn du lịch tầm cỡ bên bờ sông Hương mà về mặt văn hóa, cảnh quan, chắc chắn ưu việt hơn một nhà máy nhỏ đang làm nhiễm bẩn không chỉ bầu không khí trong lành mà còn làm vẩn đục cả cảnh quan thơ mộng của sông Hương. Còn về kinh tế, nếu so sánh kỹ, thu nhập tổng thể chắc gì đã thấp hơn giá trị sản lượng mà nhà máy này đang đóng góp?

Trong quá trình tồn tại và phát triển, Nguyệt Biều, Lương quán (2 trong số 7 thôn của Thủy Biều) đã hiện hữu trong một câu ca xưa đầy bí ẩn: “Bất thực Lương Quán kê/ Bất giao Nguyệt Biều hữu…?” trong “tứ bất…” đang là những ẩn số cần được giải mã.

Trên địa bàn Thủy Biều hiện còn vết tích của một dòng sông cổ:
“Sông Lý Nhân”?, nay đã bị bồi lấp thành một dãy ao chuôm liên hoàn với những cụm cổ thụ lâu đời có giá trị cảnh quan và khoa học.

“Nguyệt Biều - Lương Quán không xa/ Cách một con hói hóa ra hai làng. Thảm thực vật, những cụm cổ thụ và dòng sông này nếu được tôn tạo, chỉnh trang, sẽ mang lại nhiều giá trị cảnh quan trong khai thác du lịch với đầu tư thấp.

Một trong những giá trị nổi bật cuả Nguyệt Biều, Lương Quán chính là đặc sản thanh trà. Không biết từ bao giờ, trái “thanh trà Nguyệt Biều” đã trở thành một đặc sản “không nơi nào có được”. Phải chăng đây là một trong những sản phẩm địa phương từng cung ứng cho đời sống cung đình, hay một giống bưởi quý được di thực từ nơi khác đến, thích ứng với điều kiện thổ nhưỡng hoặc do kỹ thuật bí truyền mà Lương Quán, Nguyệt Biều cho ra một sản phẩm ưu việt đến như vậy?

Với nhận xét của những người từng đi nhiều nơi trên đất nước ta, tất cả những giống bưởi nổi tiếng khắp hai miền Nam, Bắc, từ bưởi Đoan Hùng Phú Thọ, bưởi Diễn - nay thuộc Hà Nội - bưởi Phúc Trạch, Hà Tĩnh đến bưởi Biên Hòa, bưởi năm roi, bưởi da xanh của đồng bằng Nam bộ, không một giống bưởi nào có thể sánh với trái thanh trà Nguyệt Biều, Lương Quán ở Huế. Đặc điểm của thanh trà Nguyệt Biều là ngọt thanh, độ ráo vừa phải, róc vỏ và không có dư vị đắng khi uống nước sau khi ăn. Mùa Trung Thu, thanh trà Nguyệt Biều chế biến thành món nộm tôm mực dùng khai vị trong các bữa ăn không có một loại bưởi nào có thể sánh bằng.

Trải bao biến động, thăng trầm của thế cuộc, kể cả hai cuộc chiến tranh lâu dài và thảm khốc, Nguyệt Biều, Lương Quán dường như rất ít bị tác động. Diện mạo gần như nguyên vẹn bộ mặt một làng quê trù phú ven đô như thời các chúa Nguyễn vào Nam mở đất, hay khi kinh đô Phú Xuân còn ở giai đoạn vàng son. Những khu vườn xinh xắn, ngăn nắp liên tiếp kề nhau, những nếp nhà nông thôn yên bình cư ngụ trong một thiên nhiên xanh rờn hoa trái. Vườn gần như không rào. Những hàng cây xén thấp, phân định vườn nọ với vườn kia, chỉ có giá trị tượng trưng. Đường làng lát bê tông phẳng lỳ, sạch bóng. Không một chiếc lá rụng.

Mùa Xuân, cảnh quan hai làng Nguyệt Biều, Lương Quán trắng xóa màu hoa bưởi ngát thơm. Một hương thơm tinh khiết của đất trời trong tiếng ong bay từ bốn phương về hút mật. Mùa Thu, tháng Bảy, tháng Tám, những cây thanh trà trĩu quả, vươn cành phủ rợp đường làng, lủng lẳng, đong đưa trên đầu du khách. Cảnh thanh bình cứ như đời Nghiêu - Thuấn vậy. Có một cái gì đó trong kho tàng văn hóa làng quê còn được bảo lưu, vẫn hiện hữu trong nếp sống ngàn xưa của Nguyệt Biều, Lương Quán?

Tiếc thay, trái quý thanh trà nay đã thoái hóa, không còn giữ được phẩm chất của ngày xưa. So với thời vàng son, trái thanh trà giờ đây bé lại, da dẻ không còn được mỡ màng như trước, nhiều hạt và hạt to, múi cũng khô xác và mất đi khá nhiều phẩm chất vốn có. Vì sao? Rất có thể do bị lãng quên, do thiếu chăm bón, thiếu thị trường, không mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho người trồng và còn có thể do nhiều nguyên nhân nữa.

Nhưng dù bất cứ vì lý do gì, để cho trái thanh trà Nguyệt Biều bị thui, chột, thoái hóa cũng là đắc tội với tiền nhân. Giản đơn thôi, để có được trái thanh trà ngon ngọt là một ưu đãi của đất trời cộng với công sức nhiều đời mà không phải bất cứ đâu hễ muốn là có được. Nên chăng đã đến lúc cần có chủ trương và một chiến lược lâu dài, thỏa đáng để phục hồi giống cây quý này? Trái thanh trà Nguyệt Biều cần được các nhà khoa học quan tâm, đầu tư kỹ thuật, nghiên cứu, lai tạo, nâng cao phẩm cấp, gia tăng sản lượng, trước hết, cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng nội địa và thị trường du lịch địa phương. Tương lai xa hơn, có lẽ đã phải nghĩ dần đến việc phát triển giống cây quý này thành một mặt hàng xuất khẩu cao giá với thương hiệu và đẳng cấp vượt trội.

Giả thử như có một ngày, hai bờ sông Hương, từ Hải Cát, Hương Hồ, Ngọc Hồ… trở thành những Nguyệt Biều, Lương Quán mới; vào mùa Xuân, những vườn thanh trà dài hàng cây số trải bên sông đồng loạt mãn khai, để sông Hương phô diễn “hai bờ tuyết trắng” nức thơm hương bưởi, hương cau, để sông Hương thực sự trở thành một dòng sông thơm như tên gọi? Và tại sao không? Mở đầu một năm mới, người Huế nô nức rủ nhau du xuân trong ngào ngạt hương thơm, dưới bóng rợp của những thác hoa thanh trà đổ trắng sườn đồi ngả bóng trong lòng sông xanh biếc. Một “Lễ hội đón mùa hoa thanh trà” diễn ra trong những tháng Xuân khác gì “Lễ hội hoa Anh Đào” của người dân đất Phù Tang ở một chân trời phương Bắc? Một sản phẩm du lịch đặc sắc vốn vẫn nằm trong tầm tay thành phố Festival!

Một giá trị hiếm hoi khác của Thủy Biều đang bị lãng phí một cách oan uổng, đấy chính là một khu đồi đất ở cuối làng: “Động Bàu Hồ”.

Động Bàu Hồ là một dãy đồi núi đất ven sông Hương, chiều dài dọc sông khoảng gần 1000m (960), rộng 520m, cao gần 60m (57,1). Thực ra, động Bàu Hồ là một dãy núi đất liên hoàn với đồi Vọng Cảnh, ngăn cách bởi một thung lũng - nơi đặt trạm bơm của nhà máy nước Vạn Niên - thành hai khu đồi tách biệt. Riêng khu đồi Vọng Cảnh, có chiều dài dọc sông khoảng 690m, rộng khoảng 420m, cao 42m. Nếu tính hai khu đồi này trong một hình thế thống nhất, toàn khu là một dãy đồi dọc sông Hương kéo dài đến gần 2 km(2).

Khác với đồi Vọng Cảnh - trong tương quan với sông Hương - từ lâu đã là một trong những danh thắng của Huế, còn khu động Bàu Hồ trở thành một khu nghĩa địa dày đặc mồ mả! Xét về phương diện cảnh quan, khu động Bàu Hồ có tầm nhìn còn đẹp hơn khu Vọng Cảnh nhiều lần. Do độ cao vượt trội, (57m so với 42m) một phía là sông Hương, phía còn lại là một thung lũng ngăn cách với dãy đồi Long Thọ. Vì vậy, đứng trên động Bàu Hồ, người ta có thể nhìn ra bốn phía, tầm mắt hoàn toàn được giải phóng, không có bất kỳ một vật cản nào làm khuất lấp.

Từ đây, tầm nhìn phóng đến Thuận An, đến phá Tam Giang, ra đến biển. Bên kia sông là Long Hồ, Ngọc Hồ, những bờ bãi, làng mạc xanh mướt ven sông Hương. Thấp thoáng điện Hòn Chén, chùa Thiên Mụ và cả Thành Nội, cầu Trường Tiền. Núi Kim Phụng gần như hiện hữu trong mọi hướng, còn xa hơn, ở cuối tầm nhìn là trùng điệp Trường sơn. Đứng ở đây thấy Huế gần như nằm trong vòng tay ôm ấp của xanh biếc núi non. Về phía Bắc, bằng mắt thường có thể nhìn thấy khu công nghiệp Văn Xá, và xa hơn nữa.

Không một địa điểm nào ngắm sông Hương, ngắm Huế đẹp bằng Bàu Hồ. Nếu biết đầu tư, Bàu Hồ sẽ là một trong những danh thắng nổi bật của Huế thu hút khách du lịch, tham quan, không có nơi nào sánh kịp. Theo Nghị Quyết gần đây của HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế, chủ trương quy hoạch lại hệ thống nghĩa trang trong toàn tỉnh, khu đồi quý giá này cần sớm được xem xét để dành đất cho du lịch và văn hóa.

Hiện nay, phía bờ Tây, đối ngạn, Công ty Điện Lực 3, thuộc tổng Công ty Điện lực Việt Nam đang tiến hành xây dựng một khu du lịch lớn: Khu du lịch Về Nguồn với những khu nhà sàn bằng gỗ, hy vọng sẽ giúp cho đoạn sông này của Huế có thêm sinh khí.

Xa hơn, về phía Nam, mỏ đá “Gà Lôi” cũng đang khai thác một ngọn đồi, màu đất đỏ như một vết thương lở lói đã nhiều nằm ngay bên bờ cây cỏ xanh tươi cuả sông Hương. Đứng trên núi Kim Phụng, ở độ cao 435m nhìn xuống, một số khu khai thác đá giữa bạt ngàn thông xanh đang làm cảnh quan cả vùng bị đào xới nham nhở. Đã đến lúc UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và chính quyền thành phố Huế cần hướng sự quan tâm của mình đến môi trường cảnh quan thiên nhiên lưu vực sông Hương như một dạng tài nguyên quý giá có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong sự nghiệp phát triển du lịch nếu không muốn chậm trễ.

Trên cơ sở đó, UBND thành phố Huế nên sớm có chủ trương quy hoạch toàn bộ khu vực với mục tiêu biến Thủy Biều thành một địa chỉ văn hóa - du lịch quyến rũ, đóng góp vào chủ trương xây dựng Huế sớm trở thành một thành phố Festival hấp dẫn của cả nước và của thế giới.

Việc xây dựng khu vực đã nêu nằm trong tổng thể xây dựng hệ thống giá trị du lịch của sông Hương, của thành phố, đang tiềm tàng trong đất đai, trong đời sống cư dân bản địa cần sớm được đánh thức và khai thác.

Không biết có cần phải nhắc lại với nhau rằng quy hoạch là một công việc dài hơi. Một chủ trương đúng, một hệ điều hành hiệu quả với nhiều công sức, tâm huyết, cũng mất khá nhiều năm tháng và tiền của mới hy vọng tiềm năng trở thành hiện thực.

Theo N.T.H
(SDB4-12) Tạp chí Sông Hương

...................................
(1) Số liệu: Website UBND tỉnh Thừa Thiên Huế.
(2) Số liệu “Bản đồ số hóa” của Sở Khoa học - Công nghệ Thừa Thiên Huế.
(3) Belvédère: Tên thường gọi một vòng xoay nhỏ do người Pháp xây từ dựng từ trước 1945, nay vẫn còn. Belvédère nguyên nghĩa là lầu canh, vọng lâu, vọng tháp v.v. (Từ điển Pháp Việt Đào Đăng Vỹ - Nhà sách Nguyễn Trung phát hành 1970 - trang 179).

Friday, 1 June 2012

Dulichgo: Mãi bàn chuyện phượt trong nước, lần này mình "phá lệ" nói chuyện phượt ở các xứ láng giềng do đọc được một bài hay hay, bạn xem nhé:

- Từ TQ, tác giả Nguyễn Đức Quỳnh Dung cùng chiếc xe đạp và hành trang cá nhân, lều bạt, một mình xuyên qua nước Lào, xuôi nam về Vientiane - từ đó vượt sông Mê Kông sang Thái Lan mấy ngày rồi vòng trở về Lào, đến Pakse. Hành trình thiên lý qua xứ sở Triệu Voi giúp tác giả nhận biết, "ngộ" ra nhiều điều thú vị và chia sẻ với bạn đọc. Chúng tôi xin trích giới thiệu một hồi ức nhỏ của tác giả tại miền đất Lào nắng gió

Chia tay mọi người ở nhà nghỉ Thanh Tuyền, tôi đạp xe đến ngã ba. Tại đây nếu rẽ phải theo quốc lộ 13 đi về hướng Pakse; còn rẽ trái thì sẽ đi quốc lộ 12 và sẽ đến hang Tượng Phật Đồng Đen. Suy nghĩ 5 phút, tôi quyết định đi quốc lộ 12. Quyết định này đưa tôi đến bản Thẳm, nơi tôi bị một cú "sét"...

Cột cây số bên đường cho thấy từ đó đến biên giới Việt Nam (cửa khẩu Chợ Lò) khoảng 145 cây số. Tôi đạp xe dọc theo đường lộ, ghé vào một bản mua chuối và sắn, khá rẻ, mỗi thứ một ngàn kip. Tôi thấy một bảng chỉ đường có cả hình vẽ các tượng Phật nhưng lại có tên là Nong Pa Fa, trong khi anh Dũng bảo rằng tên hang là Thẳm Phả cơ mà. Ngoài ra bảng chỉ đường ấy nằm ở cây số 4 và chạy thêm 8,5 cây số nữa là đến, trong khi anh Dũng bảo nó ở cây số 7 và phải đi khoảng 20 cây số nữa mới đến nơi.

Biết là chưa đến hang Thẳm Phả, nơi có Tượng Phật Đồng Đen, tôi vẫn thấy hơi tò mò, muốn chạy vào xem sao nhưng thấy đường đất đỏ mù mịt nên… ngán. Quốc lộ 12 tráng nhựa nên hấp dẫn hơn. Vậy là tôi cứ đi, thỉnh thoảng lại gặp mấy cái bảng chỉ đường vào vài cái hang khác nhưng mãi chả thấy Thẳm Phả ở đâu cả!

Quốc lộ 12 cảnh đẹp hơn hẳn quốc lộ 13 do có núi non sông suối, cảnh đẹp như tranh. Tôi đi thật chậm để ngắm phong cảnh thiên nhiên mà suốt mấy trăm cây số trên quốc lộ 13 chả thể nào thấy được. Dọc đường quốc lộ 12 có rất nhiều hang, trung bình cứ mỗi một cây số là có bảng chỉ đường vào một cái hang nào đó.

Chạy mãi đến cây số 15, thấy đường vào một cái hang, tôi ghé xuống suối rửa mặt và hỏi người bán vé. Vé vào cửa 3 ngàn kip. Nếu tôi muốn ngủ lại trong đó, phải nộp 70 ngàn kip. Tôi nói tôi có lều rồi thì họ xuống giá 50 rồi 25 ngàn kip, cuối cùng họ hạ giá xuống còn 50 ngàn đồng tiền Việt. Chắc hai thanh niên này muốn "níu" tôi ngủ tại đó nên họ xuống giá liên tục. Tôi hỏi hang Thẳm Phả. Họ bảo chính xác là Thẳm Pả Fa và tôi đã đi lố, phải quay lại 12 cây số. Lúc ấy đã 5 giờ chiều.

Tôi vẫn quay lại bởi vì nghĩ mình có thể cắm trại đâu đó trên đường (hơn là phải quay về Thakhet, nơi có nhiều người nghiện, tôi bị “hù dọa” riết nên cũng sợ) Tôi ghé vào một nơi có vài cái lều cạnh bờ sông, hỏi họ ngủ trong một cái lều được hay không. Các bạn có hình dung là đó chỉ là một căn lều mái lá, có trải một cái chiếu thôi mà họ đòi tôi "50 ngàn kip, chắc giá, 40 ngàn cũng không được". Tôi cám ơn và đẩy xe đi thì họ tự xuống giá 30 ngàn. Vớ vẩn!!!

Tôi đạp xe khi trời bắt đầu tối dần, núi trở nên đen thẳm thì đến cây số 6. Giữa cây số 6 và cây số 5 có một cái cầu, ngay chân cầu là một căn nhà gỗ, lúc trưa tôi đi ngang qua thì nó khóa cửa; bây giờ mở cửa, một người đàn ông đang ngồi thổi lửa. Tôi thấy có người dân, có con suối nơi tôi có thể tắm rửa và sau lưng căn nhà gỗ là nơi có thể cắm trại nên dừng lại, đẩy xe xuống bãi cát sông rồi đi lên căn nhà.

Hình như chỉ có một mình anh ta ở trong căn nhà này thôi. Tôi tiến đến chào "Saibadee". Anh ta ngước lên nhìn tôi, mỉm cười, một nụ cười ấm áp trên khuôn mặt chữ điền, được ánh lửa tỏa sáng. Tôi thấy yên tâm với người có nụ cười ấy nên hỏi anh ta rằng tôi có thể cắm trại ngủ ở trên bãi cát không.

Anh ta nói “Dai” (được). Nói ngay mà không cần suy nghĩ nhiều như ở những nơi khác khi tôi hỏi dân bản. Hơi ngạc nhiên nên tôi hỏi lại lần nữa và anh ta cũng lại mỉm cười nhìn tôi và nói “Dai”. Lúc ấy, anh toát ra cái phong thái bề trên như người thầy giáo hay người bố biết tỏng hết mọi ý nghĩ trong đầu một đứa trẻ đang xin phép được làm điều gì đó. Tôi ghét cảm giác này quá, nhưng mà hoàn cảnh lúc ấy của tôi là thế!

Tôi nghĩ, chắc anh chàng có nụ cười đẹp này là ngư dân bởi nơi đây gần sông và cạnh anh ta có cái giỏ bắt cá. Được phép ngủ gần nhà người dân khi trời tối thì tôi thấy mừng rồi. Tôi lúi húi cắm trại. Một thanh niên đi xe máy vào, thấy tôi nên hỏi anh ta gì đó, xong thì dựng xe và đến bảo tôi vào nhà sàn gần đó ngủ. Chỉ vài trăm mét, tôi đi theo xem thử, xui quá có người chiếm cứ rồi. Anh ta lại bảo tôi vào bản Thẳm mà ngủ. Tôi ngại đạp xe nên nói tôi muốn ngủ ở gần sông.

Khi tôi vừa làm xong lều và đang có ý định đến gặp "anh cười đẹp" để xin nước uống thì lại một người đàn ông khác từ bản chạy xe ra bảo tôi đến căn nhà gỗ kia ăn cơm. Tôi bảo tôi muốn xin nước uống. Anh ta bảo có.

Tôi đi theo anh ta lên nhà gỗ. "Anh cười đẹp" bảo chỉ có nước nấu thôi, rồi anh ta lấy nồi nước vừa nấu xong rót vào ca của anh ta và ca của tôi. Họ bảo đó là nước lá ổi, uống cho ấm bụng. "Anh cười đẹp" hỏi tôi người Trung Quốc hay người Anh. Tôi nói người Việt Nam.

Sau đó họ bàn bạc xem tôi sẽ ăn món gì. Tôi thấy người dân bản nói gì đó, anh ta bảo không có. Họ có cá lòng tong và "anh cười đẹp" hỏi tôi ăn cá đó được không. Tôi nói được. Họ bàn bạc nhau và anh ta lúi húi nấu cơm. Tôi bảo muốn đi tắm. Anh ta chỉ xuống khúc sông trước nhà và bảo tôi tắm ở đó. Tôi lắc đầu và chỉ khúc sông trước lều của mình.

Tôi quay về soạn đồ xong thì có vài người dân đến soi cá; vậy là tôi không tắm được bởi thứ nhất tôi không muốn nhiều người biết tôi đang ở đó; thứ hai là tôi chả lẽ đứng tắm trước mặt họ; vả lại tôi tắm gây tiếng động, cá chạy hết, chắc họ chửi tôi. Vậy là tôi cứ ngồi im trên bờ.

Người đàn ông trong bản từ nhà gỗ xuống bảo tôi vào ăn cơm. "Anh cười đẹp" loay hoay trong phòng ngủ một hồi để lôi cái chiếu từ tấm nệm giường ra. Anh ta thật tế nhị. Tôi biết bình thường họ chỉ đặt cái mâm lên sàn gỗ và ngồi ăn chứ không trải chiếu thế này. Sau đó anh đưa cho tôi một rổ cơm và một tô canh, còn anh ta và người kia ăn chung cơm và canh. Tôi thật cảm kích bởi vì tôi vẫn không thể húp chung canh với người khác.

Do được ăn riêng tô nên tôi ăn rất ngon và chén sạch cả tô canh trong khi bọn họ hai người lại ăn không hết. À quên, tôi mang nửa ổ bánh mì mua ở Thakhet ra mời họ. Họ để lên dĩa và cắt thành nhiều khúc. Bánh mì rất ngon nên tôi nhường họ ăn (lúc sáng tôi đã ăn nửa ổ rồi còn gì).

Họ cũng bảo rằng bánh mì rất ngon. Tôi nói bánh mì theo kiểu Việt Nam. "Anh cười đẹp" bảo rằng món ăn Việt Nam thì lúc nào cũng ngon cả. Hai người họ biết nói tiếng Việt một ít. Anh cười đẹp bảo tôi rằng người Việt ăn cơm gạo tẻ nên đẹp, người Lào ăn cơm gạo nếp nên không đẹp. Tôi bảo tôi vẫn thấy người Lào đẹp lắm. Anh ta muốn khen tôi đẹp nên nói thế đấy.

Tôi hỏi hai người rằng ngủ ở đấy có bị "cắt cổ" không (tôi bắt chước người Lào đưa tay lên cổ cưa qua cưa lại), "anh cười đẹp" bảo anh ta là công an.

Lúc ấy có thêm vài người đến và họ hỏi chuyện tôi. Tôi chạy về lều mang sách Việt - Lào ra. "Anh cười đẹp" (đến lúc chia tay tôi mới hỏi tên, anh ta tên là Sầm Ly) bảo 43 tuổi rồi, chưa có vợ con. Hơi lạ nhỉ bởi vì người Lào 15 tuổi đã có gia đình rồi. Sau đó họ ngồi kể chuyện họ đi tỉnh Xiengkuane với nhau bằng tiếng Lào. Dĩ nhiên là tôi không hiểu rồi.

Tôi ngồi ngắm họ. Anh Sầm Ly quả là đẹp. Không phải đẹp như tài tử điện ảnh mà là cái đẹp của sự lương thiện. Tôi mê nụ cười của anh ta là vì nó toát ra sự lương thiện và chân thật, theo đúng kiểu của một người Lào điển hình. Thời buổi này mà có một anh công an như thế thì quả là hơi bị hiếm nên tôi thấy cảm động khi được gặp một người như thế. Do đó đối với tôi anh Sầm Ly quả là rất đẹp!

Tôi xin phép về lều ngủ trước. Lát sau, nghe tiếng vài người nói chuyện lao xao và họ đi về phía lều của tôi. Không muốn nói chuyện với họ, tôi nói vọng ra: “Non leo” (Ngủ rồi). Bọn họ cười và tôi nghe tiếng anh chàng Sầm Ly lặp lại: “Non leo”. Sợ bọn họ bắt tôi dọn lều để vào nhà ngủ, tôi lấy áo đắp lên mặt và ra dáng như muốn ngủ thật. Lúc đó tôi chỉ khóa cửa chống muỗi vì còn muốn ngắm cảnh trước khi ngủ nên từ bên ngoài nhìn vào vẫn thấy. Cuối cùng họ cũng bỏ đi.

Hôm ấy trời gió kinh khủng. May là tôi có ba cái ba lô dằn ở ba góc nếu không chắc bị thổi bay tuốt lên trời luôn rồi. Trời chưa sáng, tôi nghe tiếng anh Sầm Ly ho khúng khắng và mở cửa. Tôi “nướng” đến khi trời sáng thì dậy chui vào bụi giải quyết nhu cầu. Cũng may mắn bởi vì sau đó người dân kéo đến ... xem tôi. Tôi tắm dưới suối xong phải ra dấu cho họ đi nơi khác để tôi chui vào lều thay đồ thì họ mới bỏ đi.

Anh Sầm Ly gọi tôi vào ăn cơm. Tôi ngồi cạnh anh ta cùng hai người đồng nghiệp. Thêm một người nữa đến, anh ta ra dấu bảo tôi ngồi xích lại gần anh ta cho người kia ngồi. Hôm nay anh Sầm Ly mặc quân phục công an nên trông càng đẹp. Dân Lào quả là có một đặc điểm rất lạ. Họ ăn ít và ngủ ít. Không hiểu sao họ vẫn có thể sống được. Mọi người ăn xong và lần lượt đứng lên đi hết. Còn lại có mình tôi và anh Sầm Ly.

Tôi ăn nhiều nên ở lại là đúng rồi. Không hiểu sao anh chàng có nụ cười đẹp vẫn ngồi ăn mãi mà chưa chịu đứng lên thế nhỉ? Anh ta cứ luôn miệng bảo tôi rằng đi xe đạp nhọc lắm nên ăn "im im" một chút (“im” tiếng Lào nghĩa là no). Tôi ngạc nhiên vì thấy anh ta ngồi ăn mãi, chả giống một người Lào tí nào. Tôi cũng ngồi ăn mãi để xem anh ta ăn đến khi nào no.

Có lẽ chúng tôi sẽ ngồi ăn mãi nếu không có một anh chàng bước vào và dụ chở tôi vào bản Thẳm chơi. Bây giờ tôi hiểu vì sao anh Sầm Ly 43 tuổi mà vẫn chưa có vợ. Đơn giản là anh ta không biết “tán gái”. Tôi thích anh ta bởi anh ta có nụ cười lương thiện và tôi cảm thấy anh ta cũng thích tôi nữa. Vậy mà anh ta, ngay cả nhìn tôi cũng không dám nữa; mặc dù cái nhìn của anh ta cũng đẹp như nụ cười của anh vậy.
Anh chàng kia thì đòi chở tôi đi chơi còn anh ta thì bảo anh ta ở nhà làm việc dù hôm đó là Chủ nhật. Tối hôm trước người đàn ông ở bản Thẳm biết hôm sau tôi muốn đến hang Tượng Phật Đồng Đen nên hỏi anh Sầm Ly có đi không (chắc muốn bảo anh ta chở tôi đi), anh ta nói là bận làm việc. Hèn chi không có vợ là phải.

Anh ta đúng là một người đàn ông theo khuôn mẫu cũ, nam nữ thọ thọ bất thân. Tuy nhiên tôi cảm thấy mình được quý trọng, bởi anh ta tôn trọng tôi, không tìm cách chạm vào tôi, không sàm sỡ với tôi như những người khác; dù thế tôi vẫn cảm nhận là anh ta quý tôi lắm. Cái anh chàng kia ngồi nhìn hai đứa tôi ngồi cạnh nhau ăn cơm và ra dấu hỏi gì đó, tôi nghe tiếng Lào dĩ nhiên là không hiểu rồi. Anh Sầm Ly ngồi im không trả lời. Anh ta lấy tay ra dấu hỏi tôi và anh Sầm Ly là một cặp à. Tôi ngạc nhiên bởi vì anh ta mới gặp tôi lần đầu, tự nhiên hỏi thế, tiếng Việt gọi là vô duyên ấy. Tôi bất ngờ và nhìn qua anh chàng có nụ cười đẹp. Anh ta ngồi im chả nói gì cả.

Lúc từ bản Thẳm ra, tôi thu dọn đồ đạc và lấy ra một món đồ sẽ tặng anh Sầm Ly. Tôi lấy cái móc điện thoại có hình một điếu thuốc cháy dở và một cái đầu lâu ra. Tôi dựng xe trước nhà và cầm sẳn món đồ tặng.

Thấy tôi, thay vì ngồi nói chuyện, anh ta lại lúi húi đi… nấu cơm. Tôi ngồi nghỉ trên băng ghế ngoài hàng hiên lộng gió và lấy sổ tay ra ghi chép. Anh ta thỉnh thoảng hỏi tôi gì đó. Tôi không hiểu. Anh ta khen cái món đồ tôi đang cầm trên tay đẹp. Tôi đưa cho anh ta và ra dấu nói là tôi tặng anh ta.

Anh ta lui cui lôi sợi dây có tượng Phật đang đeo trên cổ ra (lúc ấy tôi mới thấy anh đeo sợi dây ấy chứ nếu anh ta không lấy ra thì làm sao biết được) sau đó anh ta móc quà tặng của tôi vào sợi dây tượng Phật đang đeo một cách cẩn thận. Tôi thấy buồn cười quá nên quay nhìn chỗ khác (nếu không tôi phá lên cười mất).

Lúc tôi ngẩng lên, anh ta đi đâu mất tiêu. Rồi tôi thấy anh ta xách một thùng nước từ đâu đi về. Sao không xuống suối lấy nước lên nấu cho gần nhỉ? Tôi sợ tôi mà ở đó thêm thì sẽ đi không nổi bởi vì tôi thật sự quý mến anh chàng có nụ cười và ánh nhìn đẹp này vô cùng.

Nhưng các bạn biết rồi đấy, tôi không thể ở lâu một chỗ được. Tôi mà ngồi ăn cơm chung với anh ta thêm một bữa thì tôi sẽ lại ngủ ở đó thêm một đêm, ngủ ở đó thêm một đêm rồi lại ngủ thêm một đêm nữa... nên tốt hơn là đi càng sớm càng tốt.

Tôi dẹp sổ và đứng lên nói tôi đi đây. Anh ta ngạc nhiên bảo tôi ở lại ăn cơm đã. Tôi nói đã ăn ở bản Thẳm rồi. Anh ta có vẻ ngạc nhiên bởi vì tôi vừa ăn sáng khoảng 8 giờ và lúc ấy mới 11 giờ rưỡi thôi; quả thật cái anh chàng kia rủ tôi ăn lúc 10 giờ rưỡi rồi, lại là món cá nên tôi không thể từ chối.
Lúc ấy anh ta mới hỏi tôi tên gì và tôi mới nhớ ra mà hỏi tên anh ta. Anh ta bảo tên Sầm Ly. Cái tên của anh ta cũng đẹp làm sao! Tôi xin chụp anh ta một tấm ảnh. Không chia sẻ tấm ảnh này với các bạn đâu bởi vì tôi muốn giữ nó cho riêng mình. Anh ta đứng cho tôi chụp xong rồi bảo rằng anh ta không đẹp bởi chỉ mặc quần tà lỏn áo thun ba lỗ và đang thổi lửa nấu cơm. Tuy nhiên khi bạn đã quý mến ai rồi thì dù họ có ăn mặc thế nào, các bạn vẫn thấy họ thật đẹp.

Tôi thật sự quý mến anh công an Lào có tên là Sầm Ly này. Bài viết này được tôi viết sau đó cả tuần lễ nên tôi nói thêm một điều mà tôi không ngờ đã xảy ra với mình, đó là hằng đêm tôi chìm vào giấc ngủ cùng với nụ cười đẹp của anh ta.

Chả lẽ bây giờ tôi quay lại Thakhet và bảo anh ta rằng tôi quý mến anh ta sao?!

Du lịch, GO! - Theo Nguyễn Đức Quỳnh Dung (Thoibaokinhtesaigon)
Mỗi vùng, miền có những kỹ thuật và cách pha chế nguyên liệu nem khác nhau. Song với những người sành ăn, nem cua bể Hải Phòng vẫn là một món ăn tự hào cho ẩm thực Việt.

Trong khi các loại nem được cuốn dài, hình thuôn thì loại nem cua bể Hải Phòng lại đựơc gói to, vuông vắn bằng lòng bàn tay. Với kiểu dáng đặc biệt, không giống ai này, bánh đa cuốn nem đòi hỏi phải có độ dai, khi rán đảm bảo không bị bục. Lúc ăn, vỏ nem giòn tan, thơm nức.

Với sự công phu đó, phải chăng thông qua cách gói nem, người Hải Phòng muốn gửi gắm đến thực khách bốn phương sự chân chất, mộc mạc, phóng khoáng trong tính cách của người dân vùng biển. Và đặc biệt, qua món nem này, người Hải Phòng còn khoe tài làm bánh đa nhất là bánh đa đỏ vốn đã rất nổi tiếng của mình.

Đến Hải Phòng có hai món ăn đã trở thành đặc sản mà khẩu vị ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người dân đất Cảng là bánh đa cua và nem cua. Nét đặc biệt của hai món ăn này là thành phần thịt cua, gạch cua đóng vai trò chủ đạo. Cua bể Hải Phòng không to như nhiều vùng biển khác nhưng bù lại thịt cua rất chắc và thơm ngon.

Để làm nem cua bể, người ta phải rất kỳ công trong khâu lựa chọn cua. Cua được chọn làm nem dứt khoát phải là cua gạch, mình dầy, nặng 0,6-0,8kg/con. Đã gọi là nem thì không thể thiếu các nguyên liệu bắt buộc khác như nấm hương, mộc nhĩ, thịt nạc vai, lòng đỏ trứng gà, hành lá, miến, giá đỗ... cùng các loại gia vị được tẩm ướp trong quá trình chế biến, nhưng với nem cua Hải Phòng thì thịt cua đóng vai trò quyết định và được xem là thành phần chính của nem.

Để có được những chiếc nem thơm ngon, đạt tiêu chuẩn, đòi hỏi phải có kỹ thuật chế biến khéo, trong đó khâu bảo quản nguyên liệu nhất là thịt cua rất khắt khe, bởi môi trường bên ngoài, thịt rất dễ hỏng, biến màu, mất mùi vị. Do vậy, khi làm nem, cua chỉ được làm thịt trước đó khoảng chừng 10-15 phút. Đến công đoạn rán nem cũng phải lưu ý để nem ngập trong mỡ sôi già, liên tục đảo đều các cạnh và điều chỉnh lửa cho phù hợp để nem chín vàng đều, không bị lốm đốm cháy. Có như vậy, khi nem chín, thịt cua mới trắng và hấp dẫn.

Nước chấm nem cũng rất đặc biệt và quyết định một nửa sự thành công của nem. Và cũng chính từ nước chấm nem lại là yếu tố cơ bản tạo ra nét khác biệt giữa những người đầu bếp và các nhà hàng. Thành phần chủ đạo nước chấm nem vẫn là nước mắm nhưng phải là loại thật ngon để pha chế cùng nước đun sôi để nguội cùng dấm, tỏi, ớt, chanh tươi, đường, hạt tiêu và tựu trung phải tạo ra vị chua chua, ngọt ngọt để tôn thêm hương vị đậm đà của nem cua.

Khác với đồ ăn nhanh khác, đã đi thưởng thức nem là thực khách phải chờ đợi một chút. Bởi khi bước vào nhà hàng thì đầu bếp mới bắt tay vào chế biến, đảm bảo món nem được ngon và nóng hổi. Nem cua thường được ăn kèm với bún và các loại rau xà lách, mùi, thơm.

Du lịch, GO! - Theo Afamily, Ngoisao

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống