Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Saturday, 2 June 2012

Hoang vu, hiểm trở nhưng Đèo Ô Quy Hồ cũng không kém phần quyến rũ.

< Phía xa là biển mây trên thung lũng.

Đèo Ô Quy Hồ hay còn gọi là đèo Hoàng Liên Sơn hoặc đèo Mây nằm trên tuyến quốc lộ 4D cắt ngang dãy Hoàng Liên Sơn. Đèo nối liền hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu, đỉnh đèo cũng chính là ranh giới giữa hai tỉnh.
Tương truyền ở vùng núi này, trước hay hiện diện một loài chim có tiếng kêu da diết, gắn với huyền thoại về câu chuyện tình yêu không thành của một đôi trai gái. Từ đó, theo thời gian, chính tiếng kêu ô quy hồ của loài chim ấy đã được đặt thành tên cho con đèo hoang dại ở độ cao gần 2.000m này.

Đèo Ô Quy Hồ có cung đường đèo dài ngoằn nghoèo trên quốc lộ 4D và giữ kỷ lục về độ dài tại vùng núi Tây Bắc Việt Nam - gần 50km.

< Đường lên Ngải Thầu, Y Tý , Lào Cai thực sự nguy nan trong mùa mưa. Con đường hiện đang được xây dựng, với 15km đường đất trong diện dễ bị sạt lở, khiến việc đi lại dù là trong mùa khô cũng vất vả.

< Một khúc cua đẹp lên Ngải Thầu.

Độ cao, sự hiểm trở và chiều dài của Ô Quy Hồ khiến đèo từng mệnh danh là "vua đèo vùng Tây Bắc".

< Đường về Dền Sáng, Lào Cai. Con đường quanh co trên thửa ruộng. Tháng 9 là thời gian lý tưởng cho các “tay săn lúa”.

Đỉnh đèo Ô Quy Hồ giữa mây núi ngút ngàn còn được gọi với cái tên Cổng Trời. Những năm trời lạnh, đỉnh đèo Ô Quy Hồ có thể phủ kín băng tuyết.

< Đường về La Phán Tẩn.

< Những khúc cua không mấy xa lạ trên Tây Bắc.

< Những con đường chìm trong hoa, đường lên Mộc Châu, Sơn La.

Con đèo Ô Quy Hồ trước kia khi chưa được làm rất hiểm trở, lại chứa đựng nhiều câu chuyện rùng rợn như chuyện hồ thần rình bắt người khiến ít người dám qua lại nơi này.

Tuy nhiên, hiện nay, tuyến đường đèo được nâng cấp tốt, trở thành một cung đường xe cộ đi lại nườm nượp. Để đi từ Hà Nội đến Lai Châu, nhiều người chọn cách đáp tàu hỏa lên Lào Cai rồi đi xe khách vượt đèo Ô Quy Hồ.

Mặc dù vậy, với một bên là vực sâu hun hút và phía còn lại thường là vách đá dựng đứng, đèo Ô Quy Hồ vẫn là một thử thách đối với các tài xế đường dài.

Du lịch, GO! - Theo Zing
Sông Cu Đê nằm ở phía tây bắc TP.Đà Nẵng quanh năm xanh ngắt, là nơi tuyệt đẹp cho những ai thích khám phá cảnh sông núi hữu tình.

< Trên dòng Cu Đê.

Được hình thành từ hai nhánh sông Bắc và sông Nam, bắt nguồn từ dãy Trường Sơn hùng vĩ, dòng Cu Đê nhờ vậy quanh năm trong xanh, uốn lượn qua các dãy núi ở xã Hòa Bắc (H.Hòa Vang) trước khi hòa mình vào Biển Đông ồn ào sóng gió tại cửa biển Nam Ô (Q.Liên Chiểu). Theo cố nhà văn, nhà Quảng Nam học Nguyễn Văn Xuân, vùng đất Nam Ô là nơi ghi dấu ấn công cuộc mở cõi về phương Nam của ông cha ta. Ngày ấy từ bắc vào nam có đến hai con đèo qua Hải Vân đệ nhất hùng quan.

Đường đèo hiện nay gọi là Hải Vân hạ đạo và một Hải Vân thượng đạo băng qua xứ U Bò, xuống Quán Sảng thuộc khu vực Bầu Bàng, Trường Định (xã Hòa Liên, H.Hòa Vang) bây giờ. Và đây cũng là nơi người dân trong vùng còn lưu truyền những câu chuyện đẫm chất huyền thoại về vị tướng của nhà Trần đã liều mình giữ chân người Chiêm Thành trong cuộc truy đuổi giành lại Huyền Trân công chúa. Vị tướng này được người dân Nam Ô suy tôn làm tiền hiền, ngôi mộ của vị tướng hiện vẫn còn khá nguyên vẹn.



Không xa ngôi mộ còn có miếu Bà, nơi người dân cho rằng đây chính là nơi thờ vọng Huyền Trân công chúa. Tại làng Nam Ô còn có Lăng thờ cá Ông mà dân chài Nam Ô cho rằng được xây dựng hơn 300 năm trước và trong đó còn lưu giữ hàng chục chiếc hũ sành lớn nhỏ chứa hài cốt cá... Tại đây cũng còn vài chiếc giếng vuông, nước trong và ngọt đến lạ, dù có cái nằm ngay sát biển.

< Cồn Án (có người gọi là cồn Đình) giữa sông Cu Đê, nơi đàn cò đông cả ngàn con về đậu mỗi chiều tối.

Khi đã nắm ngọn nguồn vùng đất cuối sông, chúng ta hãy lên thuyền, ngược dòng Cu Đê về thượng nguồn. Xuất phát từ làng Thủy Tú, phía trên cầu mới Nam Ô nối hai P.Hòa Hiệp Nam và Hòa Hiệp Bắc thuộc Q.Liên Chiểu đang hoàn thành, con thuyền máy nhỏ nhẹ nhàng rẽ sóng, đưa chúng ta lên khu vực Bầu Bàng - nơi dòng sông Bắc trong xanh, mát rượi chảy tràn trên cơ man là sỏi. Ở những con suối nhỏ, nước chỉ mấp mé nửa cổ chân.

Sỏi ở các con suối này tạo thành lớp, dệt thành những tấm lưới sỏi đủ màu sắc, khi những bước chân người giẫm lên chúng phát ra những âm thanh lạo xạo rất vui tai. Nếu muốn hòa mình vào thiên nhiên hoang sơ và trải nghiệm cuộc sống của người dân C'tu hiện tại thì đến thôn Tà Lang và Giàn Bí (xã Hòa Bắc, H.Hòa Vang).

< Du khách xuống thuyền ngược dòng Cu Đê.

Ở đây có món ốc đá tuyệt hảo, vào những đêm trăng, trời trong xanh, gió mát rượi, ngồi giữa đất trời vừa ngắm trăng, vừa nhâm nhi món ốc này quả thực thú không gì bằng; hoặc ghé thuyền vào các làng chài ven sông mua cá đối nấu cháo. Chưa hết, người dân vùng này còn chế biến món gỏi cá ăn với các loại rau rừng cũng ngon khỏi chê.

Du lịch, GO! - Theo Nguyễn Hữu Trà (Thanh Niên)

Cửa tấn của dòng Cu Đê

Nếu như phần lớn sông ngòi ở khu vực phía nam thành phố Đà Nẵng thông dòng với nhau rồi tập trung rót nước qua cửa sông Hàn theo hướng nam-bắc, thì mạng lưới các con sông ở địa bàn phía bắc thành phố lại theo dòng Cu Đê đổ nước ra vịnh Đà Nẵng theo hướng tây-đông.

< Sông Cu Đê vào đoạn chảy gần Nam Yên, Hội Yên.

Bắt nguồn từ dãy Bạch Mã nối liền giữa vùng núi phía tây thành phố Đà Nẵng với tỉnh Thừa Thiên-Huế, con sông Bắc chảy dần theo hướng tây-đông trên địa bàn xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang. Nước của dòng sông Bắc còn được tiếp thêm sức bởi một chi lưu chảy từ phía bắc xuống là sông Cha Nay. Lưu vực sông Bắc còn nhiều cánh rừng hoang sơ được khoác lên vẻ đẹp thiên nhiên hoang dã với những địa danh như Tà Lang, hố Giếng, lỗ Cối (thượng, hạ), thác Xếp, Nà Mùn, Đá Bò, khe Mun, thác Rễ, khe Giao... Ở khu vực sông Bắc có vàng sa khoáng.

Ngay trên địa bàn xã Hòa Bắc, còn có một con sông khác ở phía hữu ngạn, mang tên sông Nam. Dòng sông Nam bắt nguồn từ phía tây, chảy qua những khu rừng có rất nhiều loại gỗ quý, rồi hợp lưu với sông Bắc tại vị trí cầu Sập thuộc thôn Giàn Bí, tạo nên dòng sông Cu Đê tiếp tục chảy ra biển. Tên cầu Sập xuất phát từ chỗ ở đây có một cây cầu đã bị sụp đổ từ hồi chiến tranh, nên trước đây dân địa phương cũng gọi luôn tên thôn là thôn Cầu Sập.

Lưu vực sông Nam và sông Bắc rất phù hợp cho việc hình thành các khu du lịch sinh thái. Đặc biệt, hai thôn Tà Lang, Giàn Bí của người Cơtu ở trên địa bàn này cũng là một điểm nhấn văn hóa rất đáng được bảo tồn và phát triển.

Từ chỗ nhập lưu của hai chi lưu sông Bắc - sông Nam, sông Cu Đê chảy theo hướng tây-đông, qua các xã Hòa Bắc, Hòa Liên thuộc huyện Hòa Vang rồi chảy về quận Liên Chiểu, đi qua ranh giới giữa hai phường Hòa Hiệp Bắc và Hòa Hiệp Nam để đổ nước ra vịnh Đà Nẵng tại cửa Nam Ô, cách chân đèo Hải Vân chừng 5km. Một số tài liệu cổ chép tên sông Cu Đê là sông Câu Đê, chẳng qua là do cách đọc khác âm trên cùng mặt chữ Hán mà thôi. Tổng chiều dài của sông Cu Đê tính từ vị trí bắt đầu ở xã Hòa Bắc về tới biển là 38 km, lòng sông rộng chừng 160-200m, diện tích lưu vực khoảng 426km2.

< Sông Cu Đê ở đoạn cầu Nam Ô.

Sông Cu Đê chảy trên địa bàn xã Hòa Bắc đã góp phần tạo nên nhiều phong cảnh hấp dẫn ở vùng ven sông. Khởi đầu của dòng Cu Đê là vũng Bọt ở ngã ba sông. Xuống phía dưới là thác Ba, thác Dài rất thơ mộng. Tiếp đến là một cái vịnh nước khá dài và rộng, nước xanh ngắt với lòng sông khá sâu, có nhiều loài cá to sinh sống, ven bờ cây cối xanh um xỏa bóng che mát rượi dòng sông. Thượng nguồn sông Cu Đê có khá nhiều loài cá, trong đó chủ yếu là cá bám đá vây bằng, chình hoa, phao, chạch đá, chạch đuôi đỏ, bống đen, bống đá. Tiếp tục xuôi dòng, có một bãi sỏi rộng khoảng vài hécta nằm về phía hữu ngạn, với những lùm cây rù rì chen lẫn đá sỏi trông như một “thạch mộc trận”, gọi là Bến Sạn.

Khi chảy qua xã Hòa Liên (cũng thuộc huyện Hòa Vang), dòng Cu Đê còn được mang tên là sông Trường Định, do dân địa phương gọi theo tên thôn Trường Định nằm ở ven sông mà nên.

Trường Định là thôn thuộc xã Hòa Liên, có diện tích tự nhiên 1.071,11 ha, với 220 hộ dân và 983 nhân khẩu cư trú (số liệu thống kê tháng 9-2009). Địa thế Trường Định một bên là núi, một bên là sông, hơi bị cách ly với bên ngoài nên thường được ví như ốc đảo. Nhưng từ tháng 10-2008, cầu Trường Định được khởi công xây dựng ở ngay bến đò thôn, đến nay đã vào giai đoạn gần kết thúc, nên thế ốc đảo sắp được phá vỡ, đúng như tên gọi Trường Định thể hiện mong muốn cuộc sống ổn định bền lâu.

Đất Trường Định là nơi ngày xưa chúa Nguyễn đã từng đóng quân, có hành cung Trường Định. Tại thôn Trường Định, còn nhiều dấu vết của hành dinh Bến Giá thời chúa Nguyễn. Trên địa bàn xã Hòa Liên, thỉnh thoảng dân địa phương còn tìm thấy những hiện vật liên quan việc đóng quân dưới thời chúa Nguyễn như mâm đồng rồng 5 móng, độc bình cổ, ấm chén, kiếm cổ. Tên gọi một số địa điểm ở xã Hòa Liên vẫn còn ghi dấu về thời kỳ đó như Vườn Đồn, Vườn Lẫm (kho), Vườn Hành (hành cung). Trong Đồng Khánh dư địa chí cuối thế kỷ XIX, Trường Định là một trong 31 xã thôn thuộc tổng Hòa An Thượng, huyện Hòa Vang.

< Cửa Nam Ô trên sông Cu Đê.

Trong thời chống Pháp và chống Mỹ, Trường Định là mảnh đất thường xuyên gánh chịu bom đạn ác liệt, nhưng vẫn chuyên nuôi giấu các chiến sĩ cách mạng. Quân địch đã nhiều lần kéo đến Trường Định càn quét, quấy phá, bắt bớ, đàn áp nhân dân. Địa phương này là đơn vị anh hùng của huyện Hòa Vang.

Rời huyện Hòa Vang, dòng Cu Đê tiếp tục xuôi về địa bàn quận Liên Chiểu. Tại đây, sông còn nhận được một số chi lưu nhỏ ở vùng hữu ngạn. Do hạ lưu sông Cu Đê đi qua làng Thủy Tú cũ (nay là các tổ dân phố 31, 32, 33, 34, 35, 36, 37 thuộc phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu), nên từ xưa dân địa phương gọi đoạn này là sông Thủy Tú. Ở đây gần biển, nên trong sông đã xuất hiện một số loài cá từ vùng cửa sông di cư vào như cá căng, cá mú và đặc biệt có cả những loài quý hiếm như cá chình hoa, cá ngựa xám.

Ngày trước, đàn ông làng Thủy Tú sinh sống bằng nhiều nghề, cả việc lên rừng lẫn xuống biển, nhưng nhiều nhất là khai thác thủy sản trên dòng Cu Đê. Phụ nữ Thủy Tú thường đảm nhận việc tiêu thụ sản phẩm thu được ở các chợ quanh vùng, và mua sắm vật dụng sản xuất, sinh hoạt cho gia đình.

Dòng Cu Đê chảy hết trên phần đất ngang qua các làng cũ Thủy Tú (bờ bắc), Xuân Dương (bờ nam, nay là các tổ dân phố từ số 39 đến số 47 thuộc phường Hòa Hiệp Nam), Nam Ô (nay là các tổ dân phố từ số 21 đến số 38 thuộc phường Hòa Hiệp Nam) thì đổ ra vịnh Đà Nẵng. Nơi sông đổ ra biển gọi là cửa Cu Đê. Tọa độ vùng cửa sông Cu Đê được xác định là 16°7’25” vĩ độ bắc và 108°8’37” kinh độ đông. Cửa sông Cu Đê còn được gọi là cửa sông Thủy Tú, cửa biển Nam Ô, nhưng không phổ biến.

Thời Nguyễn ở thế kỷ XIX, chiều rộng cửa Cu Đê đo được 25 trượng (khoảng 106 mét tây, mỗi trượng đo chiều dài tương đương 4,25m), thủy triều lên sâu 4 thước 5 tấc (1,91m), thủy triều xuống sâu 3 thước (1,27m). Tại đây, đầu triều vua Gia Long đã cho lập “tấn biển” Cu Đê, đặt một viên “thủ ngự” và cắt cử “thủ dân” để tuần phòng ngoài biển, xét hỏi việc đi lại. Đến năm 1851, tấn Cu Đê bị cho là “cửa biển nông hẹp, ngoài biển đã có tấn Đà Nẵng”, vì vậy vua Tự Đức bỏ tấn Cu Đê, rút viên tấn thủ đi nơi khác, còn thủ dân thì giao về làng chủ quản ghi vào sổ đinh để làm sai dịch.

Dù chỉ khoảng nửa thế kỷ tồn tại với tư cách là một tấn biển, nhưng cửa Cu Đê trở thành một phần của lịch sử hệ thống hải phòng ở vịnh Đà Nẵng, và tên gọi cửa tấn Cu Đê đã ăn sâu vào tâm khảm mọi người, là niềm tự hào từ bao đời nay của người dân vùng cửa sông phía bắc thành phố Đà Nẵng.

Theo báo Đà Nẵng
Nằm trên địa bàn huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước, Vườn Quốc gia (VQG) Bù Gia Mập không chỉ là nơi bảo tồn các nguồn sinh quyển ở Đông Nam Bộ mà từ đây còn có thể tìm hiểu văn hóa dân tộc bản địa của người S’tiêng, M'Nông cũng như khám phá những tiềm năng du lịch sinh thái độc đáo.

< VQG Bù Gia Mập là một trong hai VQG của Việt Nam nằm trong vùng sinh thái rừng khô của trung tâm Đông Dương, thuộc hành lang ưu tiên bảo tồn của Tiểu vùng Mekong.

VQG Bù Gia Mập có tổng diện tích 26.032ha, trong đó diện tích vùng đệm là 15.200ha nằm trên 3 xã: xã Bù Gia Mập, xã Đắk Ơ (tỉnh Bình Phước) và xã Quảng Trực (tỉnh Đắk Nông). VQG thuộc vùng đất thấp của Nam Tây Nguyên với hệ thống sông suối gồm các dòng Ðắk Huýt chảy dọc theo biên giới Việt Nam - Campuchia, Ðắk Sa, Ðắk Ka và suối Ðắk K'me.

< Thác Lưu Ly trong VQG Bù Gia Mập.

VQG Bù Gia Mập là nơi có chức năng bảo tồn các loài động vật, thực vật hoang dã và nguồn dược liệu quý hiếm... để phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, giáo dục môi trường và phát triển dịch vụ du lịch sinh thái.

< Rừng lồ ô xen cây gỗ là một hệ sinh thái đặc trưng của VQG Bù Gia Mập.

Ngoài ra, VQG Bù Gia Mập còn là rừng phòng hộ đầu nguồn đảm bảo nguồn nước cho những hồ chứa của thủy điện Sork Phu Miêng, Cần Đơn, Thác Mơ.

< Đồng bào dân tộc S'tiêng sinh sống ở VQG Bù Gia Mập.

Hiện tại, VQG Bù Gia Mập có 724 loài thực vật nằm trong 326 chi, 109 họ, 70 bộ thuộc 6 ngành thực vật khác nhau. Ðặc biệt, nơi đây còn mang đậm nét của rừng nguyên sinh với nhiều loài cây thuộc họ dầu và cây gỗ quý hiếm như cẩm lai, gõ đỏ, mun, lát hoa, gỗ mật, thạch tùng, giáng hương, trắc và hàng trăm giống cây dùng làm thuốc.

< Chim hồng hoàng, một loài chim quý thường sinh sống sâu trong rừng VQG Bù Gia Mập.

Bên cạnh đó, đây còn là nơi cư trú của các loài động vật hoang dã, trong đó có nhiều loài được ghi trong sách đỏ Việt Nam như gấu chó, báo gấm, sói lửa, bò tót, bò rừng, gà tiền mặt đỏ, gấu ngựa, voi, chà và chân đen... Do còn mang đậm nét hoang sơ của rừng nguyên sinh với rừng dầu rụng lá theo mùa, rừng lồ ô xen cây gỗ, nên VQG Bù Gia Mập là nơi cư trú lí tưởng của nhiều loại động vật thuộc bộ linh trưởng như khỉ đuôi lợn, khỉ mặt đỏ, khỉ vàng, voọc ngũ sắc, voọc xám...

< Con đường phục vụ tuần tra và khám phá trong rừng nguyên sinh VQG Bù Gia Mập.

Theo kết quả nghiên cứu gần đây, VQG Bù Gia Mập là một trong hai VQG của Việt Nam (VQG Yok Don) nằm trong Vùng sinh thái Rừng Khô trung tâm Đông Dương của hạ lưu sông Mekong và thuộc hành lang ưu tiên bảo tồn của Tiểu vùng Mekong.

Thực tế thì Khu Bảo tồn Thiên nhiên Bù Gia Mập đã được chuyển hạng thành VQG theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ từ 27/11/2002. Vừa qua, tại thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước, đã diễn ra hội thảo bảo tồn đa dạng sinh học VQG Bù Gia Mập và khu vực giáp ranh tỉnh Đắc Nông.

< Bữa cơm đơn giản và thân mật của đồng bào dân tộc S'tiêng và cán bộ kiểm lâm trong một chuyến đi kiểm tra rừng.

Các chuyên gia thuộc Viện Sinh học Nhiệt đới cho biết, VQG Bù Gia Mập hứa hẹn sẽ là một trung tâm đa dạng sinh học của Khu vực và trên thế giới, bởi nó nằm ở vùng chuyển tiếp giữa Tây Nguyên xuống vùng đồng bằng Đông Nam Bộ.

< Đội kiểm lâm VQG Bù Gia Mập tuần tra bảo vệ rừng. 

Vì thế, đa dạng sinh học nơi đây vừa mang tính đặc trưng của khu vưc Tây Nguyên, vừa mang tính đặc trưng của miền Đông Nam Bộ. Cho nên, nơi đây có thể có nhiều loài mới nếu được nghiên cứu kĩ lưỡng. Vì vậy, rất cần một chính sách hợp lí để hài hòa giữa nhu cầu sử dụng tài nguyên trong cộng đồng bản địa và việc bảo tồn tài nguyên thiên nhiên.

Ông Kiều Đình Tháp, Giám đốc Trung tâm Giáo dục và Dịch vụ Môi trường Rừng - VQG Bù Gia Mập cho biết, Trung tâm đã triển khai kế hoạch tuyên truyền giáo dục thông qua việc phối hợp với các bà con dân tộc quanh vùng cùng chung tay bảo vệ, quản lí nguồn tài nguyên, sinh thái rừng. Điều này sẽ góp phần gìn giữ và phát triển văn hóa bản địa kết hợp với du lịch sinh thái tại cộng đồng vùng đệm VQG Bù Gia Mập, một phần giải quyết được việc làm cho lao động tại chỗ.

< Một tháp canh rừng của VQG Bù Gia Mập.

Hiện nay, với trên 20 dòng suối, thác nước lớn nhỏ chạy quanh vườn như thác Đăk Mai, thác Sông Bé, thác Lưu Ly và nhiều hang động như hang Nai, hang Dơi… VQG Bù Gia Mập đang là một địa chỉ du lịch sinh thái rất hấp dẫn cho những du khách thích thể thao mạo hiểm và khám phá thiên nhiên hoang dã. Ngoài giá trị cảnh quan, sinh thái, VQG Bù Gia Mập còn là khu di tích lịch sử quan trọng về thời kì kháng chiến chống Mỹ, bởi chính tại nơi đây, địa danh Bù Gia Mập đã đi vào lịch sử với nhiều trận đánh ác liệt của quân và dân miền Ðông Nam Bộ.

Dạo chơi giữa những tán rừng nguyên sinh của VQG Bù Gia Mập, chúng tôi cảm nhận được không khí mát lạnh như đang tỏa ra từ những cành cây, ngọn lá. Thoảng đâu đó trong khu rừng, tiếng một chú khướu cất lên lảnh lót làm vang động cả núi rừng yên tĩnh… Đó là một cảm giác rất thú vị dành riêng cho mỗi du khách khi đến với VQG Bù Gia Mập vào những ngày hè này.

Du lịch, GO! - Theo Bưu điện VN

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống