Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Tuesday, 5 June 2012

Người bản địa đứng từ Lang Biang nhìn xuống, thấy dòng chảy ngoằn ngoèo của suối Lạch vẽ lên thung lũng vàng những đường chỉ tay tài hoa lạ lùng của Yàng. Còn chúng tôi lại muốn được khám phá ngọn nguồn lãng mạn của những đường chỉ tay huyền bí ấy trong một chuyến du ngoạn “trekking” bằng xe máy.

Tự tình Bonour C

Từ Đà Lạt chạy đến trung tâm xã Lát-Lạc Dương, gặp hướng rẽ trái có bảng “Suối Vàng”. Ngày nắng, ven đường vào suối rộ lên hình ảnh những làng Bonour C- làng dệt thổ cẩm nổi tiếng của người Chill dưới chân núi Lang Biang. Từ đây, dòng chảy thổ cẩm bản địa trở thành sản phẩm lưu niệm mang dấu ấn riêng cho du lịch Lâm Đồng nói chung.

Dù thổ cẩm ở Lang Biang rẻ như bèo nhưng một phụ nữ Chill phải dệt 2 ngày mới được một chiếc giỏ lưu niệm bằng thổ cẩm và mất một buổi sáng để gùi bộ từ làng lên đỉnh Lang Biang mà bán chỉ với giá 20 ngàn đồng trở lại; một tấm ùi (thổ cẩm nguyên thảm 2x1m) mất cả tuần dệt cũng chỉ 80 - 100 ngàn đồng. Hình ảnh những phụ nữ Chill ngồi gầy sòng đánh bài bên gánh thổ cẩm ế khách trên Lang Biang không còn lạ.

Gần đây, người Lạch đồn với nhau rằng, nhiều con dân của làng uống nước suối Lạch nên được Yàng phú cho giọng hát hay, người thì đi xuống phố làm ca sĩ (như Bonneur Trinh, Kră Jãn Đich, Ka Ut), lứa thì ở lại làng mở nhóm văn nghệ cồng chiêng, làm du lịch như: K’Blin, Kră Jãn Tham... Nhiều người nổi tiếng, kẻ mua được xe hơi. Nghe cũng mừng. Nhưng đâu phải ai cũng uống được dòng nước trên khúc suối lảnh lót của Yàng đâu! Vào khu du lịch Lang Biang hôm nay, gặp trẻ con Lạch và người già đi theo vòi khách xin tiền cũng nhiều.

Có một dạo, dân nhiếp ảnh chọn xã Lát là một điểm màu mỡ để sáng tác ảnh nghệ thuật. Nhiều giải ảnh quốc tế lấy đề tài, nhân vật từ đây. Nhưng buồn nỗi, họ cũng tập cho trẻ con người Lạch biết ngửa tay xin tiền trước ống kính du khách.

Cận cảnh Dankia

Đường men theo dòng suối Lạch hấp dẫn nhiều hơn bởi vẻ hoang dã của nó. Hai bên đường là những ngọn đồi trọc cỏ xanh rờn bình yên, những bầy ngựa nhởn nhơ gặm cỏ. Thỉnh thoảng trên dốc cao, có chiếc Simson thồ rau cải, sú... cao ngất tẹt khói phá vỡ cái lặng yên núi đồi.

Hành trình trên đường mòn ngược dòng suối Lạch gợi nhớ những dòng hồi ký của nhà thám hiểm A.Yersin năm 1893, có đoạn miêu tả Dankia thật lãng mạn: “Khi nhìn thấy cao nguyên Lang Biang, điều đập mạnh vào mắt tôi trước tiên là địa hình. Cả một vùng rộng lớn gồm nhiều ngọn đồi nằm kề bên nhau, nối tiếp nhau, chế ngự lẫn nhau, sườn đồi này dốc thẳng đứng, sườn đồi kia nằm thoai thoải trên mặt đất. Những thung lũng rộng và sâu nhiều hay ít chia cắt núi đồi dợn sóng, len vào giữa là con đường nối liền Dankir (Dankia) với Đà Lạt!”.

Và Dankia nhìn từ xa

Trên con đường chúng tôi đi qua, có ngọn đồi trọc, nơi đáp những cánh dù lượn của nhóm Vietwings. Cánh dù của Francoise, một huấn luyện viên Pháp vừa đưa nữ du khách tên Châu (Việt kiều ở Washington DC) bay ra giữa không gian thoáng đãng. Qua bộ đàm, chúng tôi còn nghe thấy tiếng reo hò hài lòng của Châu. Lát sau, Linh, Long cùng bung dù bay. Họ đang cảm Dankia từ ngọn gió hắt lên từ thung lũng còn thơm mùi cỏ lá rừng và mùi bùn của bầy trâu lấm.

Đã hiểu vì sao mỗi cuối tuần, Mỹ Linh, Duy Long và nhóm bạn bay dù của tôi lại nhảy xe, mang theo túi ngủ lên Lang Biang để tìm cảm giác bay bổng, có phần mạo hiểm qua những cánh dù lượn. Đức - một hướng dẫn viên bộ môn leo núi công ty Hồng Bàng Travel cho biết: “Bay lên nhìn xuống dòng nước suối Lạch thật tuyệt. Có hôm mải mê với phong cảnh bên dưới, bị một cột khí trở mưa hút cánh dù lên cao vài ngàn thước. Hết hồn. Phải trở về mặt đất ngay!”. Suýt nữa thì anh bạn tôi đã... gặp Yàng!

Dòng nước chảy qua chân núi cao nhất Nam Tây Nguyên đang thách thức người ta chinh phục bằng nhiều cách khác nhau. Với chúng tôi, Dankia đang mê hoặc những du khách mang dòng máu khám phá bằng sức hút mãnh liệt và bí ẩn của mình.

Nguyễn Vinh

Đi bằng cách nào?

- Thuê xe máy ở chợ Đà Lạt: 70.000 đồng/ chiếc (nên thuê tại khách sạn để tránh bị lừa bởi những dịch vụ trôi nổi bên ngoài).
- Đi Dankia: theo hướng đi xã Lát, gặp bảng “Suối Vàng” rẽ trái đi Dankia (cách Đà Lạt, 18-25km)
- Lên Lang Biang: vé xe Jeep 25.000 đồng (từ cổng khu du lịch núi Lang Biang).
- Giá bay dù lượn: 600.000 đồng/ lượt/ người Việt hay 50 USD người nước ngoài, bay có bảo hiểm.

Liên hệ:

Mỹ Linh: (090)3396923,
Duy Long: (090)3825607.
Tìm hiểu thêm về bay dù lượn:www.vietwings-hpg.com.

Du lịch, GO! - Theo SGTT
Nằm ngay sát Quốc lộ 70, thác Phong Hải (Bảo Thắng-Lào Cai) như một dải lụa trắng lấp lánh ánh bạc, mềm mại. 

Người ta nói, dải lụa ấy mềm mượt như suối tóc của thiếu nữ và trên mái tóc đó được gắn rất nhiều đá hoa cương.

< Thác Phong Hải (Bảo Thắng-Lào Cai).

Thác cao chừng 4 - 6m, rộng khoảng 10m và ẩn trong màu xanh của rừng cây. Tuy thấp nhưng dòng chảy của nước không hiền hòa mà cuồn cuộn đổ xuống từ trên cao, đập mạnh vào những tảng đá dưới chân thác làm tung lên hàng ngàn bọt nước trắng xóa.

Nếu có mặt ở thác tầng 1 bạn sẽ thấy thác đẹp như một bức tranh nhiều màu sắc, màu trắng trong tinh khiết của nước, màu tím của đá, tất cả sẽ làm bạn khó quên. Nghỉ ngơi một lát, bạn đi tiếp đến điểm thác tầng 2 là điểm lý tưởng để thưởng thức dòng nước sạch trong mát và có thể dùng lực chảy của dòng nước để mát-xa đôi bàn chân sau chặng đường dài đi bộ.

Đến thác Phong Hải, bạn sẽ cảm nhận được sự hùng vĩ trong sự bình yên, hoang sơ của miền sơn cước, không khí trong lành, tinh khiết mà man mác hương hoa rừng, tất cả sẽ là những giây phút khó quên để một lần đến rồi lại muốn nhiều lần đến nữa.

Tuy thác Phong Hải chưa được du khách biết đến, nhưng nếu được đầu tư và mở rộng con đường vào thác chắc sẽ nhiều du khách trong và ngoài tỉnh sẽ đến tham quan. Hy vọng, đây sẽ là điểm du lịch hấp dẫn ở Bảo Thắng.

Du lịch, GO! - Theo Ngọc Bằng (Lào Cai Online)
Nói đến Kinh Bắc, ngoài quan họ, bánh phu thê, bánh tẻ, ít người biết ở mảnh đất “Em ơi buồn làm chi, anh đưa em về bên kia bờ sông Đuống” còn một đặc sản dân dã rất ngon và độc đáo: nem Bùi.
Nem Bùi được khai sinh ở làng Bùi, xã Ninh Xá, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Trải qua bao thăng trầm, vài năm trở lại đây nem Bùi dần có mặt trên thị trường và trở thành món ẩm thực ngon, rẻ, đồng thời là món quà trao tay ý nghĩa cho bạn bè, người thân sau mỗi dịp ghé qua Bắc Ninh.

Cuối tuần, chúng tôi về thăm vùng Kinh Bắc cổ kính và quyết định lang thang một ngày ở mảnh đất làng Bùi để hiểu rõ ngọn nguồn của nó. Làng Bùi nằm bên bờ sông Đuống thơ mộng dần hiện ra trước mắt với con đường bêtông chạy thẳng tắp giữa cánh đồng. Mới vào đến đầu làng đã nghe mùi thơm của thính lan tỏa ngào ngạt khắp nơi như một nét đặc trưng chỉ thấy ở làng nem Bùi. Cuộc sống ấm no, sung túc của người dân, mà chủ yếu do nghề làm nem mang lại như hiển hiện ra trước mắt.

Sau nhiều lần hỏi đường chúng tôi cũng tìm được đến nhà nghệ nhân Nguyễn Văn Đối. Ông Đối năm nay đã gần 80 tuổi và là một trong số ít những nghệ nhân làm nem lâu năm hiện còn sống.

Sau nụ cười hồn hậu, chén nước chân quê chào đón những vị khách trẻ phương xa, ông Đối tự hào cho biết: “Nhà tôi làm nem từ ba đời nay. Nói về xuất xứ của nem Bùi thì phải nhắc đến ông cụ sinh ra tôi. Ngày trước, mỗi khi trong làng có cỗ bàn, các cụ thường thái nhỏ thịt mỡ sống và ăn với bánh đa. Sau lần đó ông cụ nhà tôi nghĩ ra cách ngâm gạo, rang lên, rồi xay nhỏ bằng cối xay để tạo ra thính trộn với thịt, dần món ăn được hoàn thiện và nem Bùi cũng ra đời từ đó".

Theo dòng thời gian, nem Bùi ngày càng được nhiều người biết đến và kinh tế nhiều hộ gia đình cũng phất lên nhờ làm nghề này.

Ra đời gần 100 năm, món ăn đặc sản vùng Kinh Bắc đã trải qua bao thăng trầm, đến hôm nay ông Đối tự hào tâm sự: “Ngoại trừ nem Phùng (Hà Tây cũ) có nét khá giống với nem Bùi, miền Nam, miền Trung hay chính vùng Bắc bộ này cũng không nơi đâu có nem Bùi như quê tôi”.

Chúng tôi ghé thăm cơ sở làm nem của gia đình anh chị Hà - Cương, một điểm làm nem Bùi lớn trong làng. Anh Cương cho biết gia đình đã làm nem khoảng 10 năm, mỗi ngày có thể làm khoảng 500 chiếc để giao ở Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương và một số hàng quán gần nhà.

Nem Bùi sử dụng trong ngày là ngon nhất, nếu bảo quản trong tủ lạnh thì được 2-3 ngày, nếu nem được đóng gói trong túi nilông sau đó hút chân không thì để được lâu hơn. So với thu nhập ở vùng nông thôn và so với những nghề khác thì nem Bùi đem lại nguồn lợi khá cao cho người làm nghề. Nhưng để làm ra những chiếc nem Bùi, người làm nghề cũng rất vất vả.

Để làm nem phải lấy nguyên phần hông con lợn. Phần thịt nạc và thịt mỡ để sống, chỉ riêng phần bì là luộc chín rồi thái nhỏ tất cả, nêm gia vị tỏi ớt, bột ngọt trộn đều với thính nóng, sau đó để chín thịt, tiếp đến nắm chặt nem thành quả nhỏ bọc trong lá chuối.

Ngày nào cũng phải dậy từ 2g-3g sáng để lấy thịt từ chợ về, làm liên tục đến khoảng 7g-8g. Làm xong phải đi giao hàng ngay, hiếm thấy gia đình nào làm nem vào buổi trưa và chiều trừ khi khách đặt hàng lấy ngay lúc đó.

Dọc trên con đường quốc lộ chạy từ Cầu Hồ - Thuận Thành đi Hải Dương đâu đâu cũng thấy biển hiệu nem Bùi bán buôn và bán lẻ, nhiều người mua xong bóc một cái mang vào quán bia ăn thử. Thật thú vị khi trong những ngày hè oi bức có được đôi ba cốc bia ngồi nhâm nhi với chiếc nem Bùi thơm ngon, ăn cùng lá sung, lá đinh lăng chấm tương ớt.

Một số người bán nem ở đây kể vài năm gần đây, một số người Việt sống ở nước ngoài khi có dịp về nước cũng tranh thủ mua nem Bùi mang về ăn và làm quà. Chúng tôi tạm biệt làng Bùi sau cái vẫy chào thân thiện của những người bán hàng cùng vài chiếc nem mang về Hà Nội. Có lẽ chẳng bao lâu nữa, thương hiệu nem Bùi sẽ bay xa khắp nơi và sẽ nổi tiếng như bánh phu thê vậy.

Du lịch, GO! - Theo NGUYỄN HẢO - VƯƠNG BÍCH (TTO)

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống