Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Wednesday, 6 June 2012

Mùa hè, lên Sapa tránh nóng thật chẳng có gì tuyệt vời hơn. Đây là một điểm du lịch nổi tiếng, mời bạn cùng chúng tôi cập nhật những kinh nghiệm mới nhất cho chuyến đi này nhé.
Sapa cách Hà Nội 370 km, khí hậu ở đây thường mát mẻ, vào mùa hè, trời không nắng gắt còn mùa đông, nhiệt độ xuống thấp, có năm có băng tuyết chính vì thế nên đây có thể coi là nơi đi du lịch rất hợp lý cho bạn để trốn cái nóng mùa hè này. Chuyên mục xin có 1 số kinh nghiệm về du lịch Sapa xin chia sẻ với các bạn.

Phương tiện đi lại

Từ Hà Nội bạn có 2 phương tiện là tàu hỏa và xe ô tô để lên đến Sapa:
Tàu hỏa: Một ngày có 3 chuyến khởi hành Hà Nội – Lào Cai với các giờ chạy là: 19h40, 20h35 và 21h50. Bạn sẽ mất 8 tiếng để lên đến Lào Cai. Vào các mùa cao điểm bạn nên liên hệ trước với các đại lý bán vé tàu đi Sapa để đặt vé khứ hồi, tránh trường hợp bạn sẽ không thể mua vé về Hà Nội.

Giá vé một chiều HN – Lào Cai dao động từ 135.000 đồng/người đến 515.000 đồng/người tùy theo vé mà bạn lựa chọn là giường nằm hay ghế ngồi. Bạn nên ra thẳng ga Hà Nội để mua vé, tốt nhất là trước đó khoảng 3-5 ngày, nếu đi được vào các ngày trong tuần thì sẽ không lo bị hết vé. Nếu mua giường nằm, bạn có thể chọn tầng 1 để dễ dàng di chuyển. Nếu đi cùng gia đình, hãy đăng ký cả một khoang để thuận tiện trong việc quản lý hành lý.

Điểm lưu ý đặc biệt, bạn phải đọc kỹ thông tin trên vé về số toa, số phòng, tránh trường hợp nhầm lẫn (cùng số phòng nhưng khác số toa) sẽ rất phiền phức khi bạn đổi lại sau đó.
Từ ga Lào Cai bạn đi xe bus lên Sapa với giá khoảng 50.000 đồng/người.

Ô tô: Bạn có thể lựa chọn một trong 2 hãng xe được đánh giá là tốt nhất hiện nay cho hành trình Hà Nội – Lào Cai là xe Vietbus và xe Hưng Thành. Xe giường nằm, điều hòa với giá vé khá mềm, chiều Hà Nội - Lào Cai trung bình là 150.000 đồng đến 180.000 đồng/ người, từ Lào Cai lên Sapa là 50.000 đồng/người.

Chuyên mục có lời khuyên với các bạn có con nhỏ đi cùng thì nên lựa chọn phương tiện là tàu hỏa vì độ an toàn cao hơn cũng như không bị gò bò như ô tô, nhất là các bạn bị say ô tô vì đường lên Sapa rất dốc và quanh co.

Tại Sapa, nếu bạn có nhu cầu tự mình lái xe đi khám phá các địa điểm vui chơi thì bạn có thể thuê xe máy để chủ động đi lại với giá khoảng từ 150.000 đồng đến 200.000 đồng/ngày (xăng bạn tự đổ).

Khách sạn

Ở Sapa có rất nhiều khách sạn với nhiều mức giá khác nhau để bạn có thể lựa chọn. Đắt nhất là Victoria, Châu Long, khách sạn hạng vừa có SapaView, Thien Ngan, Holiday, FansipanView... hạng chuẩn có Pinocchio, Sapa Star Light, Công đoàn... Các khách sạn này đều có giá cả phù hợp theo loại lựa chọn và rất chuyên nghiệp.

Thông thường khách sạn lớn nào cũng có nhà hàng và cũng có phục vụ ăn sáng buffet miễn phí (bao gồm trong tiền phòng), suất chỉ khoảng 90.000-100.000 đồng/khách là trung bình (ăn theo set menu), hoặc tự chọn (A la cart) thì sẽ đắt hơn, nhưng đồ ăn đảm bảo hơn và cũng sạch sẽ hơn.

Ăn

Ăn sáng: Quán phở gà ta đối diện bến xe thị trấn hoặc vào trong chợ Sapa có quán phở nhà sàn ăn ngon rất ngon và giá cả phải chăng.

Ăn trưa – tối: Có hai quán được nhiều người bản xứ giới thiệu có tên là Dũng hoặc Hoa Đào đồ ăn ngon, giá cả vừa phải hoặc một loạt các hàng ăn ở bên hông nhà thờ Sapa. Đặc biệt rau ở Sapa rất ngon, thích hợp với không khí se lạnh vào buổi tối bạn có thể gọi món lẩu gà để ăn và thưởng thức vị ngọt của rau Sapa.

Ăn đêm, vặt: Ăn đồ nướng, trứng nướng, thịt xiên ỏ một loạt các hàng vỉa hè gần nhà thờ (đường đi lên núi Hàm Rồng) và đoạn Hồ. Số lượng đồ nướng ở đây phải nói là bạt ngàn.

Nếu chỉ định ăn thử mỗi thứ một ít thì đảm bảo khi đứng lên bạn cũng phải căng đẫy bụng rồi. Mà nếu có chọn ra một số loại để ăn thì khi về bạn sẽ tiếc hùi hụi, bởi đồ nướng ở Sapa, mỗi thứ đều được tẩm ướp với hương vị khác nhau, chẳng có món nào giống món nào đâu.

Ví như món bò cuốn cải mèo, hẹ tươi chẳng hạn, vị đắng đặc trưng của cải mèo sẽ làm bạn phải “nhăn nhó” nhưng không thể dừng ăn, hay củ khoai tím bở tơi ngọt lừ và cả món đậu phụ nhự hơi “khó ăn” lúc ban đầu nhưng khi quen rồi thì lại đâm nghiện, rồi thì một loạt chả cá hồi, chả tôm, chả mực, lòng phèo, cơm lam, bí bao tử….

Uống

Ở Sapa có hàng loạt các quán café với view tuyệt đẹp. Bạn có thể chọn một quán café sang trọng với không khí tĩnh lặng bên trong các nhà hàng hay một quán café nằm trên vỉa hè, bên hông nhà thờ, chợ Sapa để có thể thỏa sức ngắm quang cảnh đường phố Sapa.

Chơi

Núi Hàm Rồng ngắm những thảm hoa trên đường đi. Khi tới Sân Mây, bạn sẽ có dịp phóng mắt để nhìn toàn cảnh thành phố từ trên cao. Núi cao gần 2.000m so với mực nước biển, nằm ở khu trung tâm.

Bản Cát Cát - cách trung tâm khoảng 12 km. Là bản làng nghề du lịch lớn ở Sapa. Vào bản thăm quan bạn có thể mua được những món quà lưu niệm nho nhỏ để về làm quà cho người thân.

Thác Bạc là dòng thác đổ xuống từ trên cao, bọt tung trắng xóa nên được gọi tên như vậy. Thác Bạc có độ cao hơn 200 mét, là thượng nguồn của dòng suối Mường Hoa với độ cao 1.800 m nằm dưới chân đèo Ô Quy Hồ. Đứng trên đỉnh núi Hàm Rồng ở trung tâm thị trấn Sapa có thể nhìn thấy thác Bạc trắng xóa vào những hôm trời quang và đây cũng là nguồn gốc tên gọi của thác.

Từ trên khe núi cao, dòng nước ầm ầm đổ xuống, bọt tung trắng xoá như những đóa hoa vì vậy được người dân gọi là thác Bạc. Khu vực Thác Bạc là một trong những nơi tuyết rơi dày nhất tại Sapa, vào tháng 3 năm 2011, khu vực thác có tuyết phủ dày tới trên 10cm.

Cầu Mây cách Sapa khoảng 17 km. Cây cầu nổi tiếng bằng dây mây này bắc qua con sông Mường Hoa ầm ào cuồn cuộn, giờ đã có một cây cầu bằng gỗ, vững chãi và an toàn hơn.Nếu như may mắn đến vào lúc sương mù cuộn từ dòng Mường Hoa lên phủ kín Cầu Mây, bạn thấy mình như đang bồng bềnh trong mây.

Bãi đá cổ Sapa là khu di tích có diện tích khoảng 8 km2 nằm tại thung lũng Mường Hoa, trên địa bàn ba xã Hầu Thào, Sử Pán và Tả Van huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai.Bãi đá trải rộng 8km² với gần 200 khối đá là một di chứng về sự xuất hiện của người tiền sử ở đây.

Ở đây xuất hiện những hoa văn kỳ lạ trên đá với nhiều hình dạng: bậc thang, hình người, con đường, chữ viết... có những rãnh tròn khá giống biểu tượng mặt trời, có hình nam nữ giao phối - biểu tượng sự sinh sôi, và rất nhiều những vạch kẻ lạ mắt.

Bản Tả Van (bản du lịch lớn ở Sapa) với dịch vụ homestay cho khách du lịch. Ở Tả Van bạn có thể được thưởng thức các điệu múa mang đậm tích chất dân tộc Giáy và có thể tham gia múa sạp cùng với người dân trong bản.

Từ Tả Van, bạn có thể liên hệ với 1 số người dân tộc để vào bản Tả Phìn để tận mắt thăm quan cuốc sống thường nhật của những người dân trong bản cũng như tham gia vào các trò chơi như bập bênh, xích đu… với các trẻ em ở bản.

Khi đêm xuống, thành phố bé xíu trở nên đẹp một cách huyền ảo. Đi trong sương mù trên những con dốc, ngồi sưởi bên bếp than hồng, ăn trứng gà nướng chấm với bột nêm sẽ đem lại cho bạn những cảm giác thật tuyệt vời.

Một số lưu ý nhỏ cho bạn: nếu sau một ngày đi chơi bạn cảm thấy mệt mỏi, đừng ngần ngại mà hãy thưởng thức ngay dịch vụ tắm lá người Dao và massage chân ở đây để xua tan đi mọi mỏi mệt trong người. Chi phí 1 lần dịch vụ vào khoảng 200.000 đồng/lần.

Du lịch, GO! - Theo Afamily.vn
Cuối tuần bạn rủ vào vườn hái mận. Tôi ngạc nhiên vô cùng: “Đà Lạt làm gì còn mận để hái! Nhà mình ở gần Trại Hầm đây, có thấy vườn mận nào đâu!?”. Bạn tôi trả lời thích thú: “Cứ tin đi! Rồi sẽ thấy mận chín cả vườn tha hồ mà hái đấy”. Quả thật, có một Đà Lạt khác khi nhìn từ những gốc mận này.

Chúng tôi chạy xe xuống ngã ba Chi Lăng, rẽ vào khu Mê Linh ở đó có nhà chị Tâm nằm trên đường Trương Văn Hoàng, một không gian xanh mở ra với những luống hoa cúc được chăm chút cẩn thận trong nhà kính và những gốc mận đang mùa chín rộ chung quanh nhà. Vừa dựng xe, ới chủ nhà một tiếng, những người bạn của tôi là khách quen gia chủ cứ thế trèo lên cây mận mà hái, vừa hái vừa ăn.

“Đàn bà con gái có khác, thấy món gì chua chua ngọt ngọt là mê!” -Chị Tâm mang giỏ, rổ, cây sào và ghế ra vườn cười nói vui vẻ. Thì ra bạn tôi trèo cây giỏi nên tuần nào chị Tâm cũng nhờ bạn đến hái giúp cho vì đang mùa mận chín rộ.

Nếu bạn đứng dưới những gốc mận này bạn sẽ cảm nhận vẻ đẹp của một loài cây trái mà các nhà khoa học xếp vào một loại “siêu thực phẩm mới” rất hấp dẫn. Bởi theo nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học Mỹ, mận cực kỳ giàu các chất chống ôxy hóa và phytonutrients, có tác dụng ngăn ngừa nhiều bệnh tật trong cơ thể. Ngoài tính giải nhiệt, giàu vitamine thì quả mận còn chứa một lượng lớn acid neochlorogenic và chlorogenic, có khả năng chống ôxy hóa cao, đặc biệt là loại bỏ rất tốt các hóa chất, độc tố superoxid ra khỏi cơ thể, các hóa chất này được cho là nhân tố chính phá hủy các tế bào gây ung thư cho cơ thể.

Mận chứa nhiều vi chất nên chỉ cần ăn từ 2 - 3 quả mận nhỏ mỗi ngày là đủ. Mận cũng rất ít năng lượng và hoàn toàn không có chất béo. Điều quan trọng là không nên gọt vỏ mận, nên ăn cả vỏ vì có rất nhiều chất chống ôxy hóa ở phần vỏ ngoài của quả mận. Mận cực kỳ giàu các chất chống ôxy hóa và phytonutrients, có tác dụng ngăn ngừa nhiều bệnh tật trong cơ thể. Ngoài tính giải nhiệt, giàu vitamine thì quả mận còn chứa một lượng lớn acid neochlorogenic và chlorogenic, có khả năng chống ôxy hóa cao, đặc biệt là loại bỏ rất tốt các hóa chất, độc tố superoxid ra khỏi cơ thể.

Đứng giữa những gốc mận xù xì trong buổi sáng trong lành, những quả mận chín còn phủ đầy phấn trắng  kết thành chùm trông thật bắt mắt, chỉ khi bàn tay bạn chạm vào thì trái mận mới bóng lên. Lựa những quả thật chín, có màu tím sẫm và hơi mềm, cắn vào một miếng bạn sẽ cảm nhận vị ngọt lịm trên đầu lưỡi thật khó quên. Với những quả mận vừa độ chín, mọng nước khi ăn vào giòn tan, có vị ngọt lẫn chua và không gì thích thú bằng ăn ngay tại vườn.

“Đây là hoa quả sạch không phải thuốc thang gì đâu, các em cứ ăn thoải mái nhé!” – Chị Tâm rộng rãi mời mọc. Có vài chùm mận rất đẹp chị Tâm bảo để dành cho khách Sài Gòn vài hôm nữa lên chơi. Chị Tâm giới thiệu: Vườn mận này chỉ dành cho bạn bè, người thân, khách gia đình đến thăm, thưởng thức và khi họ đi xa hễ nhớ đến anh chị là nhớ đến những gốc mận xum xuê trĩu quả.

Không phải là giống mận có lịch sử lâu đời được du nhập vào Ðà Lạt từ thập niên 30 do ông Louis Piere nhập vào Việt Nam, ban đầu được trồng ở Trại thực nghiệm Dankia sau đưa về trồng đại trà ở trong nhà vườn Ðà Lạt,  trồng nhiều là Trại Hầm, Trạm Hành, Trại Mát, Ðịnh An, với 4 giống cơ bản là hồng Vân Nam xanh, Vân Nam đỏ, mận Trại Hầm và mận Pháp.

Mận Trại Hầm đã đi vào quá vãng rồi, vườn mận nhà chị Lưu Thị Minh Tâm có tuổi thọ hơn 10 năm, là giống mận lấy từ Cao Bằng nhưng sinh trưởng ở Đà Lạt cho trái rất to và thu hoạch quanh năm, chín rộ vào 2 mùa cao điểm tháng 5 và tháng 11 âm lịch.  Chị Tâm cho biết: “Chúng tôi chỉ trồng mận chơi thôi, cây dễ trồng, chăm sóc không khó lắm, 3 năm thì cây cho quả, càng về sau cây càng cho nhiều quả và đẹp mắt giống như cây cảnh cho đẹp nhà”.

Hiện nay, nhà chị Tâm thu hoạch mận hàng tuần, không kịp hái thì mận chín rụng đầy gốc. Mỗi lần hái được 30 - 40 kg với giá 15 -25 ngàn đồng/kg, chị Tâm bán tại nhà hoặc bỏ mối cho những người bán trái cây để ăn tươi là chính. Chị Tâm cho biết thêm: “Từ vườn mận này để “trồng chơi” và “thu nhập chơi” thôi chứ nhà chị không trồng kinh doanh, nếu trồng kinh doanh thì cũng có hiệu quả kinh tế, có điều cây mận tỏa ra tán rộng, chiếm nhiều đất, mà đất ở thành phố lấy đâu ra nhiều để mà chơi một vườn mận như thế này!”. Nhà chị Tâm có khuôn viên đất đai rộng nên vườn mận vẫn chiếm vị trí ưu tiên để đem niềm vui tinh thần cho gia đình, bạn bè.

Dưới những gốc mận, anh chị Tâm quây lưới để nuôi vịt ngan, chúng tôi đùa rằng gia đình chị Tâm có mô hình “Trên mận –dưới ngan” rất độc đáo!”. Chị Tâm tự hào khoe rằng, vườn mận hơn 10 năm tuổi này có nhiều người ở Đà Lạt đến xin chiết cành nhân giống nhưng những cây mận đời sau lại không cho nhiều quả như mận vườn nhà chị. Và đúng như vậy, chỉ trong chốc lát, chúng tôi đã vặt từ trên cây xuống 40 kg mận, những quả mận to, mọng nước và còn phủ nhiều phấn. Mọi người tha hồ nếm, tha hồ chụp ảnh cảm thấy một chuyến du lịch khám phá vườn tược Đà Lạt thật hấp dẫn.

Du lịch, GO! - Theo DIỆU HIỀN (Lâm Đồng Online)
Như một định đề quen thuộc, con gái ở đâu cũng đẹp, nhưng con gái bên sông lại dường như có cái gì làm ta vẩn vơ xao xuyến nhiều hơn.

Phải chăng dòng sông ấy chính là em, em chính là dòng nước ấy, êm hoà chuyển động, nhẫn nại, chịu thương chịu khó và nồng nàn hương cỏ dại, hương phù sa đang đắp đổi ngoài kia, vĩnh hằng.

Mỗi dòng sông đều mang trong lòng nó một dã sử, một huyền tích xa xôi. Sông Hồng với hai màu đỏ xanh nơi cội nguồn trước khi làm cuộc chia tách dữ dội và dịu êm xuống vùng hạ lưu bát ngát, tạo nên bức tranh tình yêu một màu huyền thoại giữa nàng công chúa Tiên Dung với chàng Chử Đồng Tử cả đời vận khố.

< Thiếu nữ Huế trên dòng Hương Giang.

Sông Hương, Con sông dùng dằng con sông không chảy/Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu, lại là hiện thân của một nàng thôn nữ duỗi dài thân thể óng ả của mình ra cho chàng trai mãi đi dò tìm để rồi khi tìm đến vùng nhạy cảm nhất, loài cây Thạch xương Bồ bất chợt đâm chồi.

Tên gọi là Hàn nhưng con sông miền Trung ấy bao giờ cũng nóng bỏng cái sự tích tiên sa, những nàng tiên một lần sa xuống cửa biển tháo bỏ xiêm y nô đùa giỡn sóng và không kịp quay trở lại trời nữa.

Rồi sông Bé, sông Đồng Nai, sông Sài Gòn, sông Hậu, sông Tiền... Mỗi dòng sông là mỗi câu chuyện xa gần đều có dính đến tình yêu, đến bóng hình con gái như thể nếu không có cái bóng hình rất mềm rất thơ đó thì sông sẽ chẳng còn là sông.

< Cô gái La Ha bên dòng Nậm Mu.

Dòng sông và con gái. Đó là chủ đề muôn thuở của thi ca. Và đó cũng là nội dung muôn thuở của các cuộc cãi vã không phân thắng bại.

Cuộc cãi vã thứ nhất còn chưa dính líu gì đến sông nước. Đó là cớ sao tình yêu của các cô gái vùng đồng khô cỏ cháy như dải đất miền Trung nắng khét lại mãnh liệt hơn hẳn các cô gái vùng đồng bằng, đô thị? Phải chăng mảnh đất càng cằn khô thì trái tim con gái, như một định luật sinh học lại như một lý lẽ tâm hồn, càng phì nhiêu màu mỡ để chống lại cái khô cằn đó.

Cho nên con gái nơi ấy không yêu thì thôi, đã yêu là yêu nồng nàn, yêu dâng hiến không so đo tính toán gì cả. Cuộc cãi vã này phần thắng thường thuộc về những chàng trai đã có thời đóng quân, hành quân qua tất cả các vùng đất đó.

< Em gái bên sông Nho Quế.

Cuộc cãi vã thứ hai lại đặc sệt mùi sông nước. Đó là tại sao con gái ven sông lại đẹp hơn con gái các vùng đất khác? Điều này chưa được khảo chứng nhưng cũng dấy lên những tranh luận khá xôm trò mà phần thắng lại thường rơi vào những anh chàng đa cảm, đa tình có dính dáng tới văn thơ.

Họ lập luận say đắm rằng, đẹp là phải, sao lại không đẹp một khi những dòng sông đó đã chảy xuyên qua các vùng đất, xuyên qua các vùng văn hóa, xuyên qua các vùng khí hậu, cảnh sắc rồi kết tủa, ướp hương vào thân thể, vào tâm hồn con gái sống bên cạnh dòng chảy của nó.

< Mò rêu nơi thượng nguồn sông Mã.

Họ sẽ càng đẹp, một cái đẹp khu biệt không ở đâu có được khi bốn mùa xuân hạ thu đông được gió sông tràn về ve vuốt khuôn mặt, tấm thân, ánh nhìn cho xa xăm, cho tròn lẳn, cho bung mở đến vô cùng cái khoáng đạt thiên nhiên, cái mặn mòi của nắng gió đất trời, cái xôn xao của bờ sông bãi mía in hình trong mắt. Một cái đẹp tần tảo như đôi bờ cần lao, một cái đẹp lẩn khuất thật xa thật gần như không có mà lại đang hiện hữu.

< Nụ cười tươi của o du kích đang băng rừng vượt sông.

Nhưng đó vẫn là cái đẹp bên ngoài do hình sông thế núi tạo nên. Cái đẹp bên trong của các em mới là điều đáng nói. Đó là vẻ đẹp buồn. Buồn của hoàng hôn, buồn của mặt nước khi đông về, buồn của nỗi chia ly tiễn chàng ra trận trên triền đê, buồn nhìn hoa gạo rụng, buồn của cánh buồm đơn côi trôi về nơi xa tít, buồn man mác, buồn dịu nhẹ, buồn đợi chờ, nhẫn nại, cái buồn làm thần thái các em trở nên thánh thiện, nữ tính lên biết chừng nào.

Đã có chục năm bám trụ bên bờ sông Sài Gòn, cái đẹp của các cô du kích, các cô giao liên, pháo binh, đặc công, thông tin, quân y..., tuy hiểu rằng là cái đẹp ảo, cái đẹp do trận mạc và cái chết tạo nên, nhưng hình dáng các em với cái nhìn thăm thẳm, bộ bà ba đen, chiếc khăn rằn quấn cổ vẫn mãi ám ảnh trong tôi như một vẻ đẹp thuần khiết, kiêu hùng, làm mềm đi những cánh rừng úa héo, làm dịu đi những cái chết đau thương, làm cuộc chiến tranh tự vệ trở nên có ý nghĩa hơn thật nhiều.

< Cô gái bên dòng Nậm Mô.

Để rồi con sông trở về với dòng sông tuổi thơ, tuy vẻ hoang mạc mênh mang đã hanh hao đi nhiều lắm trước vóc dáng công nghiệp, hình hài đô thị đang mọc lên, nhưng thi thoảng vào những ngày giáp Tết, ra sông ngồi, tôi lại run người lên khi bắt gặp một vài bóng hình con gái đang cắt cỏ ở chân đê, đang xuống sông gánh nước, gội đầu... Vẫn lẳn tròn, vẫn thuần mùi rơm rạ, tro trấu, vẫn xa xăm, thăm thẳm, ướp hương và mơ hồ như thế.

Vẻ đẹp vui đã quý, vẻ đẹp buồn còn quý hơn, nó thỏa mãn cái tính thích chở che của đấng mày râu và nó là tài sản vô giá của con người. Em đứng đó, mỏng manh, tóc bay, nhòa dần trong chiều muộn dõi nhìn theo bước chân chàng đi xa… Thử hỏi trên đời còn có bức tranh nào đẹp, buồn và rung động đến tận tâm can như thế!

Du lịch, GO! - Theo Chu Lai (Danviet), internet

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống