Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Tuesday, 12 June 2012

Sự pha trộn khéo léo cùng với việc phong phú về nguyên liệu đã tạo nên các món bún nổi tiếng ở ba miền như bún bò, bún cá, bún chả...

Ngoài món cơm truyền thống thì có thể nói bún là món ăn quen thuộc của người dân Việt Nam. Đi từ Bắc vào Nam, bạn sẽ được thưởng thức rất nhiều loại bún với cách chế biến cũng như hương vị khác nhau, thể hiện tính cách khác nhau giữa các vùng miền.

Sự tinh tế trong món bún của người Bắc

Những món bún xứ Bắc được chế biến rất cầu kỳ, tinh tế, pha trộn nhiều các nguyên liệu với nhau để món ăn đẹp mắt, hấp dẫn và luôn ngon miệng.

Bún thang thể hiện rõ nét nhất sự tinh tế của người miền Bắc. Từ chuẩn bị cho đến nấu thành phẩm, người ta tính được có khoảng 20 nguyên liệu trong bát bún thang. Nào là rau răm, mùi tàu, trứng gà tráng mỏng, lườn gà, giò lụa... được thái mỏng hoặc xé sợi, rắc đều lên trên bát bún trắng, thêm một ít tôm khô. Gia vị ăn kèm phong phú như giấm, ớt, tỏi, hạt tiêu, chanh, một tí xíu mắm tôm.

Các loại bún khác như bún chả, bún mọc, bún đậu mắm tôm.... tuy không nhiều nguyên liệu như bún thang, nhưng sự cầu kì không hề thua kém. Mỗi món ăn đều đòi hỏi người đầu bếp phải chuẩn bị một cách tỉ mỉ, từ lựa chọn nguyên liệu, nấu nước dùng cho đến các loại rau ăn kèm, tất cả phải hòa hợp với nhau để tạo nên một món ăn vừa đẹp mắt vừa ngon miệng.

Không thể thiếu vị cay trong món bún của người Trung

Món bún của người miền Trung đơn giản hơn nhưng cũng được nhiều người ưa thích. Người miền Trung vốn dĩ thích ăn cay, nên các loại bún ở đây không thể thiếu đi cái vị cay đó được.

Đại diện tiêu biểu nhất chính là bún bò Huế, ai từng ăn bát bún bò đúng chất Huế sẽ không quên được cái vị cay của nó. Cái vị cay đem đến cho người ăn chính là ớt, ớt được người bán cho vào một ít trong nước dùng, ngoài ra trên bàn ăn luôn có nhiều loại ớt cho bạn lựa chọn như: ớt băm, ớt sa tế, ớt trái thái lát... Bát bún bò Huế nóng hổi, vừa ăn vừa hít hà, ăn xong thì người đã toát mồ hôi hột.

Ngoài bún bò Huế, các tỉnh ven biển dọc miền Trung còn nổi tiếng với món bún chả cá... nước dùng trong, không cay như bún bò Huế nhưng vị cay lại đến từ chén nước chấm ăn kèm với chả cá. Nước chấm hơi sệt, được pha chế từ đường, nước mắt, tỏi và ớt, cùng với đó là một chén ớt xiêm xanh như thách thức người ăn thử mức độ ăn cay của mình.

Đậm đà vị mắm trong món bún của người Nam

Ngược vào miền Nam, bạn sẽ được thưởng thức nhiều món bún ngon như: bún mắm, bún cá, bún nước lèo... Món bún ở đây không cầu kỳ, được tạo nên từ những nguyên liệu gần gũi trong đời sống của người dân.

Mắm là nguyên liệu chính trong món bún của người miền Nam. Nổi tiếng nhất là món bún mắm, nước dùng được nấu bằng mắm các loại cá trèn, cá sặc, cá lóc, cá linh... có nhiều trên các sông rạch miền Tây. Bún mắm được chế biến với tôm, thịt ba chỉ, mực. Sóc Trăng có món bún nước lèo, hương vị cũng thoang thoảng như bún mắm bởi nước dùng nấu bằng mắm bò hóc - một loại mắm đặc sản của người Khmer sinh sống ở Sóc Trăng, Trà Vinh.

Món bún của người miền Nam thường được ăn kèm với rất nhiều loại rau có quen thuộc trong đời sống của người dân. Chỉ cần đi lang thang một vòng trong vườn nhà là bạn đã có nhiều loại rau tươi ngon đủ cho một bữa ăn, nào là rau đắng, điên điển, bông súng, kèo nèo, húng lủi... Hương vị đậm đà của món bún được kết hợp với nhiều loại rau mang đến cho người ăn một trải nghiệm vô cùng thú vị.

Du lịch, GO! - Theo Huấn Phan (Ngoisao)
Vào những ngày Hè nóng bức, thú vui "phượt đêm" của sinh viên Hà Thành lại rộ lên. Trên các wall của trang cá nhân, các fanpage trên Facebook, bắt đầu xuất hiện những lời mời gọi í ới cho một chuyến "phượt" qua đêm. Để hóng gió. Để tránh nóng. Để cảm nhận những dư âm rất riêng của mảnh đất ngàn năm văn vật…

Thời tiết Hà Nội những ngày Hè nóng bức khiến không khí tại các khu trọ sinh viên càng thêm bức bối. Đặc biệt, với các bạn sinh viên trọ ở những căn phòng có mái lợp bê tông hoặc phòng kín như bưng thì ở trong nhà cả ngày chẳng giúp tránh nóng mà còn là phương pháp "hành xác" tệ hại. Nhưng còn có một Hà Nội về đêm mang một hình dáng khác, hơi thở khác. Những con đường rộng thênh thang, gió mát rượi, không còn cảnh người xe chen lấn, không còn những tiếng còi inh ỏi để xin đường. Mọi thứ bỗng trở nên yên bình tĩnh lặng. Chỉ riêng cái không khí ấy thôi cũng đủ để con người ta thấy thư thái, mát mẻ trong người.

Vừa trở về sau một chuyến "phượt đêm" cùng đám bạn, Trần Thị Anh Trâm (năm thứ tư, Học viện Báo chí - Tuyên truyền) vui vẻ: "Mình từng tham gia nhiều chuyến "phượt" đến các mảnh đất xa xôi song chưa bao giờ lang thang vào buổi đêm, tại Hà Nội. Thấy cô bạn cùng lớp rủ rê, mình đồng ý đi luôn. Chuyến đi ngắn nhưng để lại trong mình nhiều ấn tượng lạ, lần đầu tiên cảm nhận một Hà Nội mát và lặng đến như thế!".

Trong chuyến "phượt" đó, nhóm của Trâm có 6 thành viên, đều là những người bạn thân thiết cùng lớp, cùng trường. Chỉ sau khi í ới nhau qua Facebook và điện thoại, một kế hoạch đã được nhóm lập ra khá tường tận và chi tiết với các điểm "du hý" không thể bỏ qua tại Hà Nội: Bờ Hồ - Nhà Thờ Lớn - cầu Long Biên - chợ hoa Quảng Bá… Đúng 9h tối, cả nhóm tập trung trước cổng trường, điểm danh quân số, phân công xế - ôm. Sau đó, họ tìm một quán trà đá để cùng nhau duyệt lại lịch trình. Khi mọi thứ đã thống nhất, cả nhóm bắt đầu lên đường.

Thay vì ăn uống tại các hàng quán đêm, nhóm của Hân tự túc ăn uống bằng cách mua đồ ăn sẵn ở nhà mang đi. Khi cuộc chơi đã thấm mệt, cảm nhận được cái đói cồn cào, cả hội sẽ du hý tới một không gian thoáng rộng, trải áo nhựa và "đánh chén". Vì đồ ăn chỉ gồm hoa quả, bánh mì, sữa, thịt hộp và vài đồ ăn vặt khác nên không gây khó khăn gì trong quá trình di chuyển.

Hân chia sẻ: "Dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long, mình cũng cùng vài người bạn đi "phượt đêm". Đêm Hà Nội khi đó rực rỡ đèn hoa, không khí hứng khởi, người người ùa ra đường, thậm chí, các vạt đường cũng rải rác người trải áo mưa nằm ngủ. Ấn tượng mạnh từ đó nên muốn tổ chức một chuyến "phượt đêm" khác. Nhân thể đợt này đang nóng nên mình hào hứng rủ bạn bè làm luôn một chuyến".

Không giống như các chuyến "phượt" xa xôi, dài ngày, ai nấy đều phải chuẩn bị rất kỹ đồ dùng, vật dụng cá nhân thì lòng vòng quanh Hà Nội về đêm lại chỉ phải chuẩn bị rất đơn giản. Đó có thể là chút đồ ăn sẵn, một chiếc áo Thu Đông mỏng, một vài chiếc máy ảnh du lịch nhỏ gọn để ghi lại khoảnh khắc, một bình xăng thật đầy để không lo hết xăng vào giữa đêm khuya. Với ngần ấy đồ, họ sẵn sàng lên đường.

Chi phí cho một chuyến đi thế này rất rẻ. Chỉ khoảng 50.000 đồng/người là cả bọn đã thoải mái "phượt". Vì đi đêm nên hầu hết các nhóm đều có cả nam cả nữ, nhằm tăng độ an toàn cho chuyến đi. Không chỉ là những hành trình tránh nóng, gây dựng kỷ niệm, thông qua các chuyến đi thế này, nhiều bạn bỗng bồi đắp thêm tình yêu với Hà Nội.

Là chuyến đi trong thời gian ngắn, song lại tổ chức vào ban đêm nên luôn có những hiểm nguy rình rập. Mai Thị Hoa (Học viện Báo chí - Tuyên truyền) vẫn nhớ như in một phen hú hồn tại Hồ Gươm. Hôm đó, Hoa cùng một bạn nữ trong lớp đi tác nghiệp, hứng lên thế là rủ nhau "phượt" xuyên đêm. Lúc cả hai đang ngồi ở Bờ Hồ thì có một nam thanh niên lân la ra làm quen. Muốn "nắn vía" đối tượng nên cả hai phải nói dối là dân buôn bán ở chợ hoa Quảng Bá. Thế nhưng, nhìn gương mặt non choẹt của cả hai, gã thanh niên không hề tin mà nói thẳng: "Các em nói dối anh thế nào ấy chứ, trẻ như thế này chắc chỉ đang đi học". Không muốn trò chuyện với người lạ, nên cả hai xin phép có việc phải đi.

Mặc dù không gặp nguy hiểm gì song đó cũng là bài học để Hoa cảnh giác, nếu muốn đi "phượt đêm" thì phải có đội hình đông đảo. Để tránh những "tai nạn" có thể gặp chỉ trong chục giờ ngắn ngủi, mỗi đoàn "phượt" sinh viên thường đề ra những nguyên tắc riêng. Song họ vẫn có những nguyên tắc chung nhất. Đó là các bạn gái cần ăn mặc kín đáo để tránh ánh mắt tò mò hoặc gặp phải sự sàm sỡ của những kẻ du đãng. Đặc biệt, để chuyến đi được trọn vẹn, các "phượt thủ" cần mang đầy đủ giấy tờ tùy thân để xuất trình cảnh sát khi cần thiết. Đi đông là phương pháp lựa chọn an toàn nhất mà mọi nhóm phượt đề cao.

Du lịch, GO! - Theo Datviet, Internet
Việt Nam là đất nước không những có bề dày lịch sử văn hóa mà còn được thiên nhiên ưu ái ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, trong đó có những điểm đến rất thú vị.

Nơi mọc trời mọc sớm nhất Việt Nam

Mũi Đôi (mũi Bà Dầu) nằm trên bán đảo Hòn Gốm của vịnh Vân Phong, thuộc địa phận xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hoà là điểm cực đông trên dải đất hình chữ S. Đây là nơi đón ánh bình minh đầu tiên của cả nước.

Với sự ưu ái của tạo hóa, mũi Đôi không chỉ có môi trường sinh thái trong lành mà còn có cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, đặc biệt là những kết cấu đá đã tạo thành những kỳ tác đá muôn hình, vạn trạng. Đến mũi Đôi, dù đứng ở bất kỳ vị trí nào, du khách cũng sẽ có cơ hội nhìn thấy mặt trời dần ló ra trên mặt biển.

Nhìn về phía đông bắc mũi Đôi, du khách sẽ thấy một hòn đảo nhỏ nằm tách khỏi bán đảo Hòn Gốm, đó chính là hòn Đôi.

Trên đảo có rất nhiều khối đá lớn mang hình thù kỳ thú như: hình con khỉ, con hải cẩu, con voi…; trong đó đáng chú ý là hai khối đá lớn nhô hẳn lên cao hình người mẹ và em bé hướng mặt ra biển Đông. Cũng vì lý do này mà hòn Đôi còn được gọi là hòn Đầu.

Mũi Đôi và Hòn Đầu đều là nơi chim yến làm tổ và sinh sống. Năm 2005, Bộ Văn hóa - Thông tin nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ra quyết định cấp bằng công nhận Mũi Đôi - Hòn Đầu là di tích danh thắng cấp quốc gia.

Từ TP. Nha Trang, theo quốc lộ 1A về phía bắc khoảng 80km tới bán đảo Đầm Môn; đi bộ tiếp khoảng 4km nữa, du khách sẽ tới vịnh Cỏ Ống. Do mũi Đôi ở vị trí có nhiều đá ngầm nên từ đây, du khách có thể đi thuyền máy đến gờ đá nằm cách Mũi Đôi khoảng 50m, rồi tiếp tục đi thuyền thúng vào Mũi Đôi.

Đồi cát 'tàng hình'

Đồi cát liên tục thay đổi hình dạng theo giờ, theo ngày và hình dạng sau đều khác hẳn so với trước là đồi cát Mũi Né nằm trải dài trên diện tích gần 50ha, thuộc khu phố 5, phường Mũi Né, TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.

Đồi cát được hình thành từ mỏ sắt cổ tồn tại hàng trăm năm bởi thế mà cát ở đây có rất nhiều màu như: vàng, trắng ngà, đỏ sậm, đỏ nhạt… Việc đồi cát liên tục thay đổi hình dạng tự nhiên là do cùng lúc phải chịu tác động của gió mùa Đông Bắc và gió Tây Nam, kết hợp với hiện tượng sa mạc hóa và sạt lở bờ biển. Vì nguyên nhân này, đồi cát Mũi Né được gọi là đồi cát bay và được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam (Vietkings) công nhận là đồi cát thay đổi hình dạng tự nhiên nhiều nhất Việt Nam.

Đồi cát là nguồn cảm hứng vô tận cho các nhiếp ảnh gia, họa sĩ, thi sĩ… và là khởi nguồn cho môn nghệ thuật mới, độc đáo: tranh cát.

Đến đây, ngoài dịp chiêm ngưỡng vẻ đẹp có một không hai của đồi cát, du khách còn có thể chụp ảnh, vẽ tranh và tham gia một số trò chơi như: chơi golf trên cát, trượt cát bằng ván, đua mô tô trên cát và thưởng thức những món đặc sản của vùng biển Phan Thiết như: mực nướng, gỏi ốc…

Thời gian thích hợp để khám phá đồi cát là từ 5h00 đến 8h00 hoặc từ 17h00 đến tối.

Nơi lạnh nhất Việt Nam

Nơi được xem là lạnh nhất Việt Nam chính là đỉnh Mẫu Sơn – “Đệ nhất hùng quan” của phía Bắc, thuộc huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn, cách TP. Lạng Sơn 30km về phía đông bắc.

Đỉnh Mẫu Sơn nằm ở độ cao 1.541m so với mực nước biển, có nhiệt độ trung bình cả năm là 15ºC và được bao quanh bởi hơn 80 ngọn núi lớn, nhỏ. Đây là nơi cư trú của đồng bào dân tộc Dao, sống chủ yếu bằng nghề trồng trọt, chăn nuôi và nấu rượu.

Gần 100 năm trước, người Pháp đã đặt chân lên Mẫu Sơn và biến nơi đây thành khu nghỉ dưỡng lý tưởng giống Sa Pa, Đà Lạt, Tam Đảo. Bởi vậy mà, trên đoạn đường lên gần đến đỉnh Mẫu Sơn hiện vẫn còn nhiều ngôi nhà cổ mang kiến trúc kiểu Pháp.

Với sự kết hợp hài hòa giữa vẻ đẹp thiên nhiên và văn hóa bản địa, Mẫu Sơn đã và đang trở thành điểm du lịch mát mẻ, lý tưởng đối với nhiều du khách vào những ngày hè oi bức hay tràn ngập băng tuyết vào những ngày mùa đông lạnh giá, khi nhiệt độ xuống dưới 0ºC.

Đến Mẫu Sơn, ngoài dịp chiêm ngưỡng cảnh đẹp, du khách còn có cơ hội tìm hiểu những nét văn hóa đặc sắc của người Dao như: tận hưởng dịch vụ tắm lá thuốc; thưởng thức đặc sản dê núi, lợn sữa quay, vịt quay Lạng Sơn, ếch hương, gà sáu cựa nướng trên than cỏ tranh, cơm lam, thịt kho lá mắc mật, rượu Mẫu Sơn, mật ong, trà Shan Tuyết, đào chuông… và các loại rau rừng mang đậm hương vị vùng Mẫu Sơn như: su su, rau ngót, hoa chuối rừng…

Từ thành phố Lạng Sơn, theo tuyến đường Lạng Sơn - Lộc Bình khoảng 15km đến ngã ba Mẫu Sơn, tiếp tục đi theo con đường núi dài 15km nữa, du khách sẽ lên đỉnh Mẫu Sơn.

Chảo lửa Đông Dương

Được bao quanh bởi những cánh rừng nguyên sinh rậm rạp và những con sông rộng lớn, nhưng Cửa Rào (xã Xá Lượng, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An) nằm cách TP. Vinh khoảng 210km về phía tây bắc lại được biết đến là vùng đất nóng nhất Việt Nam.

Theo anh Nguyễn Xuân Tiến, Trưởng phòng Dự báo, Đài Khí tượng Thủy văn Bắc Trung Bộ: Cửa Rào là vùng lòng chảo nằm tại khu vực đầu nguồn sông Lam - điểm hợp lưu của hai con sông Nậm Nơn và Nậm Mộ bắt nguồn từ đất Lào và nằm trong vùng trung tâm của hướng gió phơn Tây Nam. Gió phơn Tây Nam hình thành từ vịnh Thái Lan, di chuyển theo hướng Tây Nam - Đông Bắc qua Campuchia và Lào. Khi tiếp cận dãy núi Trường Sơn, gió phải tăng tốc để vượt qua, đồng thời trút hết hơi ẩm, gây mưa lớn ở Lào.

Sau khi vượt qua dãy núi, gió bất ngờ trở thành một luồng khí áp đổ xuống vùng Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ theo quy luật cứ hạ xuống 100m thì luồng khí tăng thêm 0,6ºC dẫn đến nhiệt độ tại hai khu vực này ngày càng tăng cao, cao nhất là tại Cửa Rào (có ngày lên tới 43ºC trong khi độ ẩm chỉ có 30%), gây nóng và khô hanh. Gió thường xuất hiện từ đầu tháng 4 đến giữa tháng 9 hàng năm và thường bắt đầu thổi từ 8h00 đến 18h30, mạnh nhất từ khoảng 10h00 đến 16h00 hàng ngày.

Ban ngày nóng là vậy, nhưng ban đêm ở Cửa Rào thời tiết lại rất lạnh. Sau 20h00, nhiệt độ xuống dưới 10ºC. Tuy nhiên, bầu không khí lạnh sẽ nhanh chóng tan biến khi mặt trời lên khỏi ngọn núi cao nhất vào buổi sáng ngày hôm sau. Trên khắp các bản làng, nẻo đường, nắng vàng tiếp tục chiếu chói chang…

Tuy phải hứng chịu thời tiết khắc nghiệt nhưng vì nằm trong khu dự trữ sinh quyển thế giới Tây Nghệ An nên Cửa Rào vẫn được biết đến như một điểm du lịch sinh thái, văn hóa-lịch sử, cộng đồng kết hợp nghiên cứu thú vị với phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, nguyên sơ; nhiều di sản chứa đựng giá trị văn hóa, lịch sử to lớn: đền Vạn-Cửa Rào; bản làng các dân tộc Khơ Mú, Mông, Ơ Đu, Tày, Hoa và nhiều di chỉ khảo cổ thuộc thời đại văn hoá Phùng Hưng như: các loại dụng cụ sản xuất bằng đá, trống đồng, các loại vũ khí bằng đồng…

Đến Cửa Rào, du khách còn có dịp khám phá một số điểm du lịch lân cận như: rừng Săng Lẻ và hang động tại xã Tam Đình (cách Cửa Rào khoảng 10km về phía tây nam), rừng lạnh nguyên sinh và hang động tại xã Tam Hợp (cách Cửa Rào khoảng 10km về phía nam), rừng cây lùn và hang động tại xã Tam Quang (cách Cửa Rào khoảng 20km về phía đông nam), hồ thuỷ điện Bản Vẽ (cách Cửa Rào khoảng 30km về phía bắc)

Từ TP. Vinh (Nghệ An), theo quốc lộ 1A khoảng 30km về phía bắc đến thị trấn Diễn Châu, tiếp tục rẽ trái đi theo quốc lộ 7 khoảng 180km về phía tây bắc, du khách sẽ tới Cửa Rào.

Du lịch, GO! - Theo Vietnamtourism, Internet

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống