Bốn cực và một đỉnh là những mục tiêu chinh phục trên đất Việt của nhiều người thích mạo hiểm. Đỉnh Phanxipăng và cực Bắc ở Lũng Cú (Hà Giang), cực Tây ở Apachải (Điện Biên) không ai tranh cãi. Cực Nam đang nảy sinh tranh luận trên các diễn đàn về vị trí của điểm “số 1”, vì đất bồi ngày càng dài ra, và đã chinh phục thì cứ phải đúng điểm cực Nam theo GPS (hệ thống định vị toàn cầu) mới chịu.
Trong bốn cực ấy, vị trí điểm cực Đông là tranh cãi nhiều nhất. Các “chỉ điểm” cho hải đăng Đại Lãnh và điểm mốc ở đó là cực Đông của Việt Nam bị “đập” te tua. Và mọi người bây giờ nhất trí Hòn Đôi ở bán đảo Hòn Gốm mới là cực Đông thứ thiệt, sau khi nhiều đoàn người đi bụi so đo nhau những bức ảnh ghi lại điểm đến bằng GPS. Thời buổi công nghệ cao, không cãi nhau bằng cảm tính hay bản đồ nữa.
< Bình minh trên cực Đông.
Lập luận về việc chỉ tính các cực trên đất liền cũng lại thua. Hòn Đôi, dù trông như đảo, nhưng theo cách tính về thềm lục địa, lại có “chân” gắn với đất liền, mỗi khi thủy triều xuống thấp, nó lại là… đất liền.
Thế nên, cuộc tìm kiếm và chinh phục cực Đông bây giờ quay qua bán đảo Hòn Gốm, ra đảo Hòn Đôi, nhưng vẫn không quên ghé cả Đại Lãnh. Ngọn hải đăng và bãi biển Đại Lãnh vẫn là nơi trú quân cho những chuyến đi về cực Đông bởi cảnh đẹp, vị trí quan sát trên cao, nơi có thể đón ánh bình minh đầu tiên từ xa chiếu vào Tổ quốc.
< Đầm Môn 0km.
Từ Sài Gòn theo quốc lộ 1A, qua Nha Trang rồi vượt qua đỉnh đèo Cả không xa là ngã ba rẽ phải vào cảng Vũng Rô.
Một làng chài đơn sơ nằm uốn quanh bãi tàu cá là thị tứ cuối cùng. Vượt qua ngọn đồi là mũi Đại Lãnh đua ra biển, với hai hàng núi chạy quặp như hai cánh tay ôm lấy bãi tắm nhỏ toàn cát mịn. Trên mỏm núi nhìn ra biển, ngọn hải đăng chắc nịch ngự trị, soi mắt ra biển Đông…
< Cua Huỳnh Đế tại quán ông Mười.
Dưới chân ngọn núi ấy, có một túp nhà ẩn trong bóng cây, với một gia đình duy nhất, nhà ông Mười. Ông là người nổi tiếng với dân trên mạng, và ai đến đây cũng gọi, cũng nhờ. Ông cứ như là trạm trưởng du lịch kiêm hướng dẫn viên, tư vấn viên, và chức năng nhiệm vụ chính là giữ xe, nấu cơm, chuẩn bị món nhậu… tùy yêu cầu của khách. Không đặt trước thì không có. Từ tôm, cua, cá đến bánh mì, rau cỏ... tất thảy phải đặt trước nếu không muốn phải lội ngược ra chân đèo Cả…
Tắm biển, ăn uống ở nhà ông Mười đến tối mịt, ông cầm đèn pin dẫn chúng tôi lên hải đăng “bàn giao” cho anh em gác đèn biển. Ông Thắng, “giám đốc” cây đèn biển này cũng nổi tiếng trên mạng, có lẽ vì các câu chuyện đêm khuya với khách lên thăm. Nào chuyện đời, chuyện nghề, chuyện trồng trọt, chăn nuôi, cải thiện cuộc sống, cải tạo môi trường…
Một đêm sống cảnh người gác đèn biển cũng là một cảm giác thú vị. Nhưng cái thú vị nhất là 4 giờ rưỡi sáng hôm sau leo lên ngọn cây đèn biển này chờ đợi những tia sáng đầu tiên xuất hiện xua dần đêm tối. Trăng, sao vẫn còn lay lắt, dần nhường chỗ cho những tia bình minh hé hắt, tím ngắt cục cựa, oằn đỏ vàng, rồi vùng dậy bừng sáng, chói lòa…
< Đường vào Đầm Môn qua những cồn cát trắng.
Ngược trở lại Vũng Rô, vượt đèo Cả về phía Nam có một ngã ba lớn, đường nhựa thẳng tắp, rồi uốn theo những triền cát trắng mênh mông. Thẳng con đường này 22km là tới Đầm Môn, cũng là một làng chài đơn sơ, đường quê cát mịn.
< Hòn Đôi hiện ra trước mũi thuyền.
Dịch vụ đang hình thành như một ngành kinh tế ở làng cực đông này, có lẽ do ngày càng có nhiều người tới đây. Nào quán ăn, nào đổ xăng, giữ xe, nào thuê tàu…
Chẳng qua cũng chỉ là cái máu mê chinh phục và cái thú đặt chân lên các cực của Tổ quốc mà nhiều người đến đây chứ Hòn Đôi cũng chỉ là một đảo đá nhỏ, gần như hoang vắng. Nhưng rõ là có hoạt động của con người. Nào cờ, nào những chiếc thang chĩa vào các cửa hang, có lẽ để lấy tổ yến, nào những cái chòi canh, quan sát…
< Mốc tọa độ dưới chân hải đăng Đại Lãnh.
Tàu thuyền chỉ có thể đảo vòng quanh, khách không được đổ bộ lên đảo. Những hàng chữ viết nguệch ngoạc bằng sơn trên các phiến đá quanh đảo nhắc nhở như vậy. Mấy chiếc tàu cao tốc của biên phòng neo dưới các chòi và các bác tài công dường như cũng được quán triệt như thế.
Thôi thì đảo vòng quanh ngắm nghía hòn đất cực đông Tổ quốc. Những hòn đá to tổ chảng tự nhiên sắp thành những hình ngộ nghĩnh. Nào hải cẩu, nào bò, cả hình người đứng gác, cứ như có bàn tay ai đó sắp đặt. Những phiến đá to xếp chồng lên nhau, cứ như bung biêng trước sóng gió…
Thuê nguyên một chiếc tàu để ra Hòn Đôi mất 800.000 đồng đến một triệu đồng và đi về phải mất năm tiếng đồng hồ. Gần nhà nhưng xa ngõ, nhìn thấy Hòn Đôi ngay trước mắt đấy mà chạy hoài không tới. Bác tài công giải thích đường thủy phải tính toán chạy theo dòng nước thế nào đó, phải đi vòng vòng, lúc chạy lúc thả dập dồn với sóng mới tới được.
Nhưng đó cũng là thời gian để ngắm con đường biển như đại lộ mênh mông, nước xanh biếc thẳng tắp dẫn ra biển. Trên đại lộ ấy, ngư dân tấp nập đi lại. Nắng chiều xuống, những con tàu nối đuôi lao ra biển câu mực đêm, dần sáng đèn nê ông.
Hòn Đôi là điểm cực đông trên đất liền, cái mũi nhô ra nhất. Từ điểm này nhìn ra xa ngoài khơi còn một huyện nữa: huyện đảo Trường Sa.
Du lịch, GO! - Theo Trương Văn, ảnh W.H (Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần)
Trong bốn cực ấy, vị trí điểm cực Đông là tranh cãi nhiều nhất. Các “chỉ điểm” cho hải đăng Đại Lãnh và điểm mốc ở đó là cực Đông của Việt Nam bị “đập” te tua. Và mọi người bây giờ nhất trí Hòn Đôi ở bán đảo Hòn Gốm mới là cực Đông thứ thiệt, sau khi nhiều đoàn người đi bụi so đo nhau những bức ảnh ghi lại điểm đến bằng GPS. Thời buổi công nghệ cao, không cãi nhau bằng cảm tính hay bản đồ nữa.
< Bình minh trên cực Đông.
Lập luận về việc chỉ tính các cực trên đất liền cũng lại thua. Hòn Đôi, dù trông như đảo, nhưng theo cách tính về thềm lục địa, lại có “chân” gắn với đất liền, mỗi khi thủy triều xuống thấp, nó lại là… đất liền.
Thế nên, cuộc tìm kiếm và chinh phục cực Đông bây giờ quay qua bán đảo Hòn Gốm, ra đảo Hòn Đôi, nhưng vẫn không quên ghé cả Đại Lãnh. Ngọn hải đăng và bãi biển Đại Lãnh vẫn là nơi trú quân cho những chuyến đi về cực Đông bởi cảnh đẹp, vị trí quan sát trên cao, nơi có thể đón ánh bình minh đầu tiên từ xa chiếu vào Tổ quốc.
< Đầm Môn 0km.
Từ Sài Gòn theo quốc lộ 1A, qua Nha Trang rồi vượt qua đỉnh đèo Cả không xa là ngã ba rẽ phải vào cảng Vũng Rô.
Một làng chài đơn sơ nằm uốn quanh bãi tàu cá là thị tứ cuối cùng. Vượt qua ngọn đồi là mũi Đại Lãnh đua ra biển, với hai hàng núi chạy quặp như hai cánh tay ôm lấy bãi tắm nhỏ toàn cát mịn. Trên mỏm núi nhìn ra biển, ngọn hải đăng chắc nịch ngự trị, soi mắt ra biển Đông…
< Cua Huỳnh Đế tại quán ông Mười.
Dưới chân ngọn núi ấy, có một túp nhà ẩn trong bóng cây, với một gia đình duy nhất, nhà ông Mười. Ông là người nổi tiếng với dân trên mạng, và ai đến đây cũng gọi, cũng nhờ. Ông cứ như là trạm trưởng du lịch kiêm hướng dẫn viên, tư vấn viên, và chức năng nhiệm vụ chính là giữ xe, nấu cơm, chuẩn bị món nhậu… tùy yêu cầu của khách. Không đặt trước thì không có. Từ tôm, cua, cá đến bánh mì, rau cỏ... tất thảy phải đặt trước nếu không muốn phải lội ngược ra chân đèo Cả…
Tắm biển, ăn uống ở nhà ông Mười đến tối mịt, ông cầm đèn pin dẫn chúng tôi lên hải đăng “bàn giao” cho anh em gác đèn biển. Ông Thắng, “giám đốc” cây đèn biển này cũng nổi tiếng trên mạng, có lẽ vì các câu chuyện đêm khuya với khách lên thăm. Nào chuyện đời, chuyện nghề, chuyện trồng trọt, chăn nuôi, cải thiện cuộc sống, cải tạo môi trường…
Một đêm sống cảnh người gác đèn biển cũng là một cảm giác thú vị. Nhưng cái thú vị nhất là 4 giờ rưỡi sáng hôm sau leo lên ngọn cây đèn biển này chờ đợi những tia sáng đầu tiên xuất hiện xua dần đêm tối. Trăng, sao vẫn còn lay lắt, dần nhường chỗ cho những tia bình minh hé hắt, tím ngắt cục cựa, oằn đỏ vàng, rồi vùng dậy bừng sáng, chói lòa…
< Đường vào Đầm Môn qua những cồn cát trắng.
Ngược trở lại Vũng Rô, vượt đèo Cả về phía Nam có một ngã ba lớn, đường nhựa thẳng tắp, rồi uốn theo những triền cát trắng mênh mông. Thẳng con đường này 22km là tới Đầm Môn, cũng là một làng chài đơn sơ, đường quê cát mịn.
< Hòn Đôi hiện ra trước mũi thuyền.
Dịch vụ đang hình thành như một ngành kinh tế ở làng cực đông này, có lẽ do ngày càng có nhiều người tới đây. Nào quán ăn, nào đổ xăng, giữ xe, nào thuê tàu…
Chẳng qua cũng chỉ là cái máu mê chinh phục và cái thú đặt chân lên các cực của Tổ quốc mà nhiều người đến đây chứ Hòn Đôi cũng chỉ là một đảo đá nhỏ, gần như hoang vắng. Nhưng rõ là có hoạt động của con người. Nào cờ, nào những chiếc thang chĩa vào các cửa hang, có lẽ để lấy tổ yến, nào những cái chòi canh, quan sát…
< Mốc tọa độ dưới chân hải đăng Đại Lãnh.
Tàu thuyền chỉ có thể đảo vòng quanh, khách không được đổ bộ lên đảo. Những hàng chữ viết nguệch ngoạc bằng sơn trên các phiến đá quanh đảo nhắc nhở như vậy. Mấy chiếc tàu cao tốc của biên phòng neo dưới các chòi và các bác tài công dường như cũng được quán triệt như thế.
Thôi thì đảo vòng quanh ngắm nghía hòn đất cực đông Tổ quốc. Những hòn đá to tổ chảng tự nhiên sắp thành những hình ngộ nghĩnh. Nào hải cẩu, nào bò, cả hình người đứng gác, cứ như có bàn tay ai đó sắp đặt. Những phiến đá to xếp chồng lên nhau, cứ như bung biêng trước sóng gió…
Thuê nguyên một chiếc tàu để ra Hòn Đôi mất 800.000 đồng đến một triệu đồng và đi về phải mất năm tiếng đồng hồ. Gần nhà nhưng xa ngõ, nhìn thấy Hòn Đôi ngay trước mắt đấy mà chạy hoài không tới. Bác tài công giải thích đường thủy phải tính toán chạy theo dòng nước thế nào đó, phải đi vòng vòng, lúc chạy lúc thả dập dồn với sóng mới tới được.
Nhưng đó cũng là thời gian để ngắm con đường biển như đại lộ mênh mông, nước xanh biếc thẳng tắp dẫn ra biển. Trên đại lộ ấy, ngư dân tấp nập đi lại. Nắng chiều xuống, những con tàu nối đuôi lao ra biển câu mực đêm, dần sáng đèn nê ông.
Hòn Đôi là điểm cực đông trên đất liền, cái mũi nhô ra nhất. Từ điểm này nhìn ra xa ngoài khơi còn một huyện nữa: huyện đảo Trường Sa.
Du lịch, GO! - Theo Trương Văn, ảnh W.H (Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần)