Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Thursday, 14 June 2012

Ngồi cùng những người làm vườn Khánh Sơn bên những cây sầu riêng non mới được đưa từ miền nam về, chuẩn bị đem trồng trên rẫy mới. Những cánh lá bé xíu khẽ lay động, lay động như muốn chào một vùng đất mới, một nơi dừng chân mới.

Những câu chuyện về sự tích cây sầu riêng, về một loài cây mới trên đất Khánh Sơn cứ tiếp nối nhau, bên ánh lửa bập bùng trong đêm tối, gợi nhớ một mùi hương không thể lẫn lộn vào đâu được của trái sầu riêng. Cái hương vị nồng nàn, mãnh liệt và đầy quyến rũ ấy khiến ai đã một lần được nếm là khó có thể quên.

Bây giờ, khách ở xa đến thăm xã Sơn Bình được nghe kể chuyện về vườn cây ăn trái của anh Cao Văn Sang. Mới về với Khánh Sơn khoảng hơn sáu năm nay, nhưng anh Sang đã thể hiện là người có sự đồng cảm sâu sắc với mảnh đất này.

Nhìn khu vườn của anh, cảm nhận đầu tiên của tôi là sự bài bản, căn cơ. Bởi trang trại được sắp xếp trật tự, ngăn nắp và đẹp. Cây cối ngay hàng thẳng lối. Cạnh đường vào trang trại là hai hàng cau thẳng tắp, những hàng sầu riêng, chuối, quýt, măng cụt. Cơ ngơi bề thế vậy mà chủ nhân của nó còn rất trẻ, mới chỉ 34 tuổi, chưa có vợ.

Việc trồng cây sầu riêng của Sang buổi đầu nhiều gian khó. Cái khó lớn nhất vẫn là vốn liếng và kỹ thuật. Vốn liếng thiếu thì Sang cùng gia đình chạy vạy, cạy cục để mua giống, khai khẩn, chăm sóc cây non. Kỹ thuật thiếu thì Sang đi khắp nơi tìm tòi, học hỏi. Trong quá trình đó, Sang đã có một quyết định rất quan trọng, đó là đầu tư lắp đặt hệ thống nước tự chảy, từ trên núi cách vườn khoảng gần ba cây số. Cách nghĩ ấy, cách làm ấy đã đem dòng nước mát lạnh từ trong lòng suối đá về chảy chan hòa khắp trên những luống cây. Trong cái nắng gắt mùa hè, đi trong vườn cây trái của Sang, cảm nhận sự trong lành của một không gian xanh mát mới thấy hết giá trị của sức lao động con người.

Sang kể, có một kỷ niệm thật khó quên về giống cây sầu riêng. Ngày ấy, Sang mê cây sầu riêng nên tìm vào tận miền nam mua cây giống. Khi đem về Khánh Sơn, Phòng Nông nghiệp huyện đến kiểm tra, đòi lập biên bản, không cho trồng. Số là, để bảo đảm chất lượng giống cây sầu riêng trên địa bàn, từ năm 1999, huyện Khánh Sơn chỉ mua giống của Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền nam, không chấp nhận giống sầu riêng trôi nổi, kém chất lượng. Sau khi thẩm định cây giống của Sang, huyện cho trồng. Và từ đó, Phòng Nông nghiệp huyện và gia đình Sang ngày càng trở nên thân thuộc gắn bó trong công việc chăm sóc cây sầu riêng.

Những cây sầu riêng của Sang lên rất mạnh, và cũng rất nhanh cho trái. Cây còn nhỏ xíu, tán lá chưa lớn, chưa rộng mà trái lúc lỉu, oằn cành. Vườn sầu riêng của anh Sang trồng giống Moong Thoong, có chất lượng cao. Hiện tại gia đình Sang đang có 1.500 cây sầu riêng; trong số đó 90% cây đã cho trái.

Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Khánh Sơn, kỹ sư Lê Bá Sương nhẩm tính, với số lượng trái hiện có, năm nay, vườn sầu riêng của anh Sang đạt khoảng 100 tấn. Nếu tính giá ở mức thấp là 20 nghìn đồng/kg, năm nay vườn sầu riêng của anh Sang thu khoảng hai tỷ đồng. Quả là một con số đầy ấn tượng trên một vùng đất núi. Đây có phải là cây làm giàu của Khánh Sơn? Tôi cứ băn khoăn mãi với câu hỏi ấy. Bởi trước nay, Khánh Sơn đã từng đau đầu trước câu hỏi lấy cây gì, con gì làm chủ lực cho nông nghiệp địa phương.

Còn nhớ, cách đây hơn chục năm, khắp các nẻo đường Khánh Sơn, đâu đâu cũng rôm rả câu chuyện trồng cây cà-phê, hồ tiêu. Sự giàu có tưởng chừng như đang ở ngay trước mắt với những chùm cà-phê xanh nặng trĩu và giá bán rất cao. Lúc cao điểm, toàn huyện có đến hơn 800 ha cà-phê. Nhưng, giá cả tụt không ngờ, người dân Khánh Sơn không đủ sức đầu tư, cây cà-phê sụp đổ. Vườn vườn trồng cà-phê chết đứng. Người người trồng cà-phê điêu đứng.

Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn Ngô Hữu Giác rất tâm đắc với cây sầu riêng: Là huyện miền núi, nhưng trồng cây gì là một bài toán khó, chúng tôi cứ tìm tòi mãi. Rồi cũng tìm ra được cây sầu riêng. Đây là cây trồng mở ra hướng mới cho người dân Khánh Sơn phát triển kinh tế, vươn lên xóa đói, giảm nghèo...
Năm 1999 trồng thử, đến năm 2006, huyện Khánh Sơn quyết định xây dựng và triển khai thực hiện đề án phát triển cây sầu riêng giai đoạn 2006-2010, nhằm mục đích đưa cây sầu riêng trở thành một trong những cây trồng chủ lực của huyện. Đến nay, Khánh Sơn đã có gần 500 ha sầu riêng; trong số này hiện có khoảng 200 ha cây đã cho trái. Về lâu dài, huyện Khánh Sơn có chủ trương phát triển diện tích trồng sầu riêng đến con số 500 ha là tối đa, không mở rộng thêm nữa mà đi vào đầu tư chiều sâu, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Kể chuyện nghe vắn tắt như vậy, song, để cây sầu riêng đứng được trên đất Khánh Sơn là một câu chuyện thật dài. Bước đầu thấy cây lên tốt như vậy, nhưng biết sau này cây ra trái như thế nào; giá cả, thị trường tiêu thụ ra làm sao... Hàng loạt câu hỏi được đặt ra. Nỗi ám ảnh của cây cà-phê, cây hồ tiêu của những năm trước khiến nhiều người dân Khánh Sơn e dè. Mà e dè cũng phải, bởi vốn liếng bỏ ra có phải nhỏ đâu, có phải thu hồi lại ngay được đâu. Riêng đối với đồng bào dân tộc, người dân chưa quen việc trồng cây ăn trái, khả năng chăm sóc yếu nên cây chết nhiều, huyện phải hỗ trợ cây giống, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc...

Một thực trạng đáng buồn là thương hiệu sầu riêng Khánh Sơn đang bị lạm dụng mạnh. Thời vụ thu hoạch sầu riêng Khánh Sơn là vào tháng 7, tháng 8 hằng năm. Vậy mà trên thị trường mới vào tháng 2, tháng 3 đã có người mang sầu riêng từ các địa phương khác về Khánh Hòa bán và ghi là 'Sầu riêng Khánh Sơn, cơm vàng, hạt lép'. Nhiều người tiêu dùng đã bị lừa. Chất lượng trái sầu riêng bị đánh cắp từng ngày.

Một câu hỏi được đặt ra là ai sẽ là người xử lý và xử lý như thế nào đối với những hành vi vi phạm trực tiếp đến thương hiệu sầu riêng Khánh Sơn đã được pháp luật bảo hộ? Nếu không có biện pháp xử lý kịp thời, thương hiệu sầu riêng Khánh Sơn tiếp tục bị xâm hại. Và như vậy, việc giữ được thương hiệu sầu riêng Khánh Sơn sẽ là công việc hết sức khó khăn.

Giữa những vườn sầu riêng trĩu quả ở Khánh Sơn, trong cái nắng của vùng cao, tiếng con chim chiền chiện hót lảnh lót, nghe xao xuyến thanh bình. Câu chuyện về cây sầu riêng của anh Cao Văn Sang cứ theo tôi mãi. Anh đã đến với vùng cao Khánh Sơn bằng cả tấm lòng. Và đất đã không phụ người.

Sầu riêng Khánh Sơn rất thơm ngon, cơm vàng hạt lép, tỷ lệ cơm 30 - 40%, lại được thu hoạch trái vụ với các địa phương khác trên cả nước nên được khách hàng rất ưa chuộng. Khánh Sơn hiện có hơn 500ha sầu riêng, trong đó 200ha thu hoạch, tập trung chủ yếu ở các xã Sơn Bình, Sơn Lâm, Sơn Trung, Ba Cụm Bắc, thị trấn Tô Hạp. Giá thu mua tại chỗ từ 18 - 35 nghìn đồng/kg tuy thời điểm. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai lên Khánh Sơn đặt vấn đề thu mua với số lượng lớn, trung bình một ngày Khánh Sơn bán khoảng 100 tấn quả. Phòng NN-PTNN cũng làm việc với các siêu thị trên địa bàn tỉnh đưa SRKS vào tiêu thụ.

Thương hiệu Sầu riêng Khánh Sơn đã được đăng ký độc quyền trên toàn quốc từ tháng 3-2011. Thế nhưng, tháng 6-7 vừa qua, nhiều cửa hàng, tư thương ở Nha Trang, Cam Ranh và nhiều địa phương khác vẫn mượn danh SRKS để bán “hàng giả”. Ông Nguyễn Trọng Lâm, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Khánh Sơn khẳng định: “SRKS cuối tháng 8 mới bắt đầu vào vụ thu hoạch và kết thúc vào tháng 10. Không thể có chuyện có Sầu riêng Khánh Sơn ở thời điểm tháng 6-7. Thời gian tới, chúng tôi sẽ kiến nghị Chi cục Quản lý thị trường phối hợp kiểm tra xử lý đối với những trường hợp mạo danh thương hiệu”.

Du lịch, GO! - Theo báo Nhandan, Khanhhoa, ảnh internet
Nói đến Đà Lạt, người ta hay nhắc đến chợ Âm Phủ như một vẻ đẹp về đêm. Tên gọi này xuất hiện từ hồi đèn đường còn chưa có, những người bán đồ ăn khuya tụ tập ở dọc cầu thang từ khu Hòa Bình xuống chợ Đà Lạt.

Mỗi gánh hàng có một ngọn đèn hột vịt thắp bằng dầu lửa, ánh sáng chỉ vừa đủ cho khách thấy gánh hàng có những món ăn gì để lựa chọn. Đêm đến, khi Đà Lạt chìm trong màn sương trắng xóa, nhìn từ xa khu chợ đêm là những đốm sáng bập bùng, le lói của những ngọn đèn dầu và bếp than hồng, gọi chợ Âm Phủ là vì vậy.

Chợ họp từ 7 - 8 giờ tối kéo dài cho đến tận 3 - 4 giờ sáng, khách đến không phân biệt sang hèn, từ những tay chạy xe thồ thức khuya đón khách, người lao công quét đường vừa xong việc, những nhạc công, ca sĩ vừa rời quán bar, vũ trường, đến những cô cậu sinh viên ít tiền lãng mạn, thích lang thang, hay khách du lịch muốn thưởng thức hương vị đêm Đà Lạt.

Quả là thích thú được đến chợ Âm Phủ ăn đêm trong tiết trời lạnh buốt những ngày cuối đông cho đến đầu tháng giêng, dễ được thấy hết cái hay cái đẹp của thành phố này.

Chưa ăn thì thấy lạnh đến run người, ăn xong cảm thấy thật ấm áp. Chợ Âm Phủ xưa nay không bán những món cao sang, cầu kỳ, chỉ là những nồi ốc luộc nóng hổi hay khô cá, khô mực làm mồi uống vài ly rượu gạo, rượu thuốc, hoặc là trứng vịt lộn và những món bún cháo bình thường. Cái thú của chợ là ai nấy có thể thoải mái ra vào, tạt qua ăn một chút lót lòng, ngồi nhâm nhi vài ly rượu, hàn huyên với bạn bè, hay một mình thưởng thức đêm lạnh Đà Lạt.

Bây giờ, chợ Âm Phủ đã được quy hoạch trong khuôn đất khá rộng, nằm dọc từ cửa chợ Đà Lạt đến bùng binh hồ Xuân Hương. Các món ăn khuya ở chợ đêm Đà Lạt cũng phong phú và đa dạng hơn, với đủ các món ăn ba miền như bún bò Huế, mì Quảng, phở Bắc, bánh canh, hủ tiếu Nam Vang... với giá từ 7.000 - 10.000 đồng/tô. Riêng bánh mì ở chợ đêm Đà Lạt đã nổi tiếng từ lâu với món xíu mại cay ngon, giá chỉ 2.000 đồng một ổ. Hai người phụ nữ, một già, một trẻ, vừa nướng bánh, vừa bỏ xíu mại và rau vào bánh mì, nhưng dù khách có mua cả chục ổ một lúc thì cũng chỉ đợi chừng 10 phút là có ngay.

Quanh khu Hòa Bình cũng có các quán ăn đêm đã đi vào tiềm thức của người Đà Lạt và du khách thập phương như miến gà Nga ở đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phở Hiếu đường Trương Công Định, mì Quang Thanh đường Phan Đình Phùng, hoành thánh mì cạnh rạp Ngọc Hiệp, bún bò đường Ấp Ánh Sáng, chè đường Duy Tân...

Có lẽ khó có nơi đâu ta có thể đi dạo thoải mái như ở Đà Lạt. Không xe cộ ồn ào khói bụi, khí trời lại dịu mát, có thể ngắm nhìn cỏ cây hoa lá và đồi núi. Có lẽ chính vì thế mà thú ăn đêm ở Đà Lạt càng trở nên hấp dẫn. Vừa đi dạo ngắm phố đêm, vừa gặm bắp nướng phết mỡ hành hoặc nhâm nhi miếng khoai lang chiên, chuối chiên thơm lừng... Khi đôi chân đã mỏi sau cuộc chinh phục hồ Xuân Hương, có thể dừng lại bên gánh ốc chợ Âm Phủ hay đầu đường Trương Công Định, kêu dăm ba trứng hột vịt lộn, vài đĩa ốc bươu, nghêu luộc ăn với chuối xanh rau thơm chấm với nước mắm gừng, uống xị rượu đế nếp.

Nếu vẫn thấy chưa chắc dạ, hãy làm thêm tô cháo gà. Nhiều người thích ăn phở bò ở Đà Lạt không chỉ vì hương vị phở hơi khang khác mà còn vì ở cách ăn: ai cũng muốn ăn thật nhanh để "đua" với cái lạnh, để mỡ bò không kịp đóng bờ trên vòm miệng.

Nhưng thích nhất là được uống ly sữa nóng thơm lừng mùi đậu xanh, đậu nành hay đậu phộng ở các gánh sữa nằm rải rác trên các con dốc dẫn vào khu Hòa Bình hoặc ven bờ hồ Xuân Hương. Uống sữa đậu nành nóng khi trời lạnh đã trở thành một cái thú của những người dạo phố đêm Đà Lạt. Nhiều người vẫn nhớ lắm hàng sữa đậu nành gần hồ Xuân Hương của ông già với chiếc áo len đỏ đã cũ. Cụ có một cái cassette cũng "cổ lai hy", nhưng tiếng hát Khánh Ly vang lên từ cái máy ấy lại hay lạ lùng. Những hàng bán nước luôn bày sẵn nhiều loại bánh ngọt ăn kèm như bánh su, bánh pía, bánh nướng nhân thơm, nhân dừa để khách ăn lót dạ.

Trên đường Tăng Bạt Hổ ở trung tâm thành phố, bên cạnh hàng nước đậu của chị Hoa còn có các gánh bán hột vịt lộn, kế đó có cháo gà, phở Hiếu cũng mở cửa bán khá khuya. Ngày thứ bảy, chủ nhật, khu Hòa Bình được dành làm phố đi bộ, khách đi chơi về khuya thường tạt qua làm tô phở cho ấm người, hoặc sà xuống gánh hột vịt lộn. Chỗ nào bán thức ăn cũng kèm thêm trà gừng nóng miễn phí, mà dư vị sẽ còn đeo đẳng mãi người đi...

Du lịch, GO! - Theo Khapnamchau
Ai đã từng đi chợ Gò, xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Ðịnh đều có những kỷ niệm đẹp và khó quên.

Theo phong tục thì mỗi năm chợ chỉ họp hai phiên vào ngày mùng 1 và mùng 2 Tết âm lịch. Chợ họp trên một gò đất cao dưới chân núi Hàm Long bên bờ sông Hà Thành đổ ra đầm Thị Nại vì vậy mà gọi là chợ Gò.

< Lễ hội ở Chợ Gò, Bình Định.

Ðiều kỳ thú ở đây là du khách đi hội chợ bị cuốn hút không chỉ bởi cảnh đẹp mà còn do được dự những sinh hoạt văn hóa độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc. Người đi hội chợ mua bán lấy may không mặc cả, không cò kè bớt một thêm hai như chợ hàng hoá ta thường thấy.

Chợ Gò có tính cách hội vui xuân dân gian hơn là phiên chợ. Từ người bán đến khách hàng đều mặc quần áo mới, nói cười vui vẻ, mặt tươi như hoa, các bà các cô phấn son trang sức lộng lẫy như dự lễ cưới. Từ mờ sáng ngày đầu năm chợ đã nhóm, ai đến trước bày hàng trước, ai đến sau kế tiếp thành dãy.

Không ai đứng ra xếp đặt, tổ chức thế mà vẫn trật tự, không hề tranh giành bán buôn theo lối kẻ chợ thông thường. Người bán là những dân cư quanh vùng thu góp trong vườn mớ trái cây, gánh rau cải, vài buồng cau, vài xấp trầu họ đem đến bán lấy hên đầu năm. Người mua không phải là thiếu thức ăn nhưng muốn đem về một cái lộc đầu năm, nhất là gian hàng trầu cau, các cô thường mua cầu may cho năm mới gặp duyên thắm tình nồng.

Vui vẻ nhất là các gian hàng pháo, bán đủ loại nào pháo tre, pháo tống, pháo điển, pháo chuột, pháo dây, pháo thăng thiên, pháo bông... Ðó đây, giọng lái buông chào hàng ngân nga câu vè theo điệu bài chòi:

Mời chư vị giai nhần tài tử
Tới đây nghe tôi thử pháo tre
Của bán ra không phải nói khoe
Thời thực vật sắm vừa túc dụng
Có pháo nhiều đốt mới vui tình
Từ cựu thời bộc trước nhi thinh
Có pháo mới văn minh xuân nhựt
Dưới con cháu cũng vui cũng ức
Trên ông bà khỏi bực khỏi phiền
Nếu như mà cứ giữ tiếc tiền
Lấy gì đặng minh niên hỉ hả...

Các gian hàng bán đồ chơi trẻ em cũng vui nhộn không kém. Ðặc biệt nhất, những sản phẩm làm bằng vật liệu địa phương, thuần túy Việt Nam như gà cồ chút chít nặn bằng đất sét, rỗng ruột, sơn phết xanh đỏ, có lỗ thổi ra tiếng kêu o... o..; trống rung (trống bỏi) thành và cán bằng tre phất bong bóng heo hay da ếch có tra hai cây đính cục chì nhỏ mỗi lần rung tạo âm thanh thật vui tai: thằng nhào lộ; cối xay lúa; cối giã gạo; tướng quân múa võ đều làm bằng tre và gỗ cây gòn. Từ cuối thập niên 60, có xen những đồ chơi bằng nhựa hoặc bằng kim loại như búp bê, xe tăng, tàu bay, súng lục..., có lẽ vì đắt giá hay chưa quen với thị hiếu nên ít thông dụng.

Những gian hàng thức ăn, nước giải khát cũng góp mặt không kém. Các món đặc sản địa phương được khách hàng ưa thích như nem Chợ Huyện của bảy Ù, chim mía ở Lộc Lễ, rượu nếp và rượu gạo ở Trường Thuế (dân chúng quen gọi là Trường Thế đã mãi mãi đi vào ca dao của dân tộc:

Rượu ngon Trường Úc mê ly,
Gặp nem Chợ Huyện bỏ đi không đành.

Ðến với Chợ Gò không những để ăn uống, mua rau quả để lấy lộc, mua pháo để lấy hên đâu năm, hoặc để thưởng thức tài viết chữ "phượng múa rồng bay" trên liễn đối, mà đến với Chợ Gò còn có đủ các trò vui chơi mang màu sắc dân gian như đánh bài chòi, chơi lô tô, giải đáp câu thai, đánh cờ tướng, đá gà... Nếu ai nặng máu đỏ đen thì tha hồ sát phạt ở các sòng bài như xóc dĩa, bầu cua tôm cá, xì lác... nhưng phần lớn họ đến đây để gặp gỡ bạn bè, trao nhau những lời chúc tụng, kéo nhau đi xem chợ và khi mặt trời đứng bóng thì chia tay ra về.

Hội chợ Gò diễn ra tuy ngắn ngủi nhưng ý nghĩa rất lớn vì nó tạo ra không khí vui tươi thoải mái sau một năm miệt mài lao động vất vả và đi vào ký ức người dân nơi đây như một mảng tâm hồn tươi sáng và tìm về với bản sắc dân tộc, tìm về với cội nguồn của chính mình.

Du lịch, GO! - Theo Lukhach24, ảnh internet

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống