Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Friday, 15 June 2012

UBND tỉnh Lào Cai vừa phê duyệt đề án quy hoạch chung xây dựng đô thị du lịch Sa Pa đến năm 2030. Đề án này có một điểm “nhạy cảm” là sẽ thiết kế và xây dựng một cáp treo dài 6,2km từ ngoại vi thị trấn Sa Pa lên đỉnh Phanxipăng - nóc nhà Đông Dương.

Từng có những tranh cãi gay gắt về việc xây cáp treo lên các di tích, thắng cảnh như Yên Tử, chùa Hương, Tây Thiên... hay các điểm du lịch như Nha Trang, Bà Nà. GS Trần Quốc Vượng từng tuyên bố: muốn xây cáp treo thì phải bước qua xác tôi. Nhưng cuối cùng, tất cả cáp treo đều đã được xây và đưa vào phục vụ du khách. Sau Yên Tử là cáp treo Bà Nà, chùa Hương, Nha Trang và mới đây là cáp treo Tây Thiên (Vĩnh Phúc)...

Dự kiến, cáp treo lên Phanxipăng sẽ dài khoảng 6,2km có điểm đầu tại tổ 11 (thuộc thị trấn Sa Pa), vượt qua thung lũng Mường Hoa kết nối với các điểm du lịch mới và lên đỉnh Phanxipăng ở cao độ 2.900-3.000m. Điểm cao nhất của Phanxipăng hiện nay được xác định cao 3.143m.

Có nhiều luồng dư luận khác nhau quanh đề án này, Tuổi Trẻ đã gặp gỡ và lấy ý kiến của các bên quan tâm để rộng đường dư luận.

* Ông Trần Hữu Sơn (giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Lào Cai):

Tôi không đồng ý.

Tỉnh đã phê duyệt đề án nhưng tôi với tư cách là một nhà nghiên cứu thì không đồng ý. Chủ trương có nhiều tác hại như thế khó thực hiện được.

Cả nước mới có một Phanxipăng, đấy là niềm tự hào khi chinh phục được nóc nhà Việt Nam. Đó là mơ ước cả đời của rất nhiều người, lên đỉnh núi để kỷ niệm ngày cưới. Thậm chí có cả người khuyết tật cũng leo lên Phanxipăng. Đấy là cảm giác được chinh phục. Cả nước chỉ có một đỉnh núi như thế thôi. Phanxipăng là nóc nhà của Việt Nam, nóc nhà cũng chỉ chứa được chừng ấy người thôi, phải để người ta leo lên chứ.

Bây giờ làm cáp treo, ùn ùn kéo lên càng nhiều càng tốt để thu tiền cho doanh nghiệp. Người ta giẫm đạp lên đấy thì còn gì là đỉnh Phanxipăng. Chỗ ấy đa dạng sinh học như thế, đến 10 loại cây đặc hữu của Sa Pa, trên thế giới không có, nếu làm cột cáp treo mà cây bị giẫm lên thì thôi rồi...

Cả một nền văn hóa của người dân tộc thiểu số, người ta đi từ từ, người ta leo núi, người ta chinh phục... ứng xử với núi suốt nghìn năm nay như thế. Giờ tự dưng “ông” cứ ào ào lên như thế. Về văn hóa không được, về môi trường không được. Về lợi nhuận trước mắt có thể có rất nhiều tiền, nhưng về lâu dài là phá hoại cả thế hệ sau.

Đa dạng sinh học sẽ bị phá vỡ. Hàng loạt người lên thì chẳng còn gì nữa. Phải nhớ rằng tài nguyên đất của Sa Pa cực kỳ quý giá, nhiều cây thuốc quý, loại đặc hữu chỉ có thể trồng trên đất Sa Pa. Nếu cứ khai thác bừa bãi như dưới xuôi thì chết. Quỹ đất là tài nguyên không thể tái sinh được.

Người Sa Pa phải nghiên cứu lại và đi theo cách của người Sa Pa để làm du lịch. Du lịch bền vững là gì, là thế hệ này không làm hại đến thế hệ sau. Muốn thế phải đảm bảo hai yếu tố: giữ gìn bản sắc văn hóa và đảm bảo môi trường. Bất cứ mô hình nào ở Sa Pa mà áp dụng như ở dưới xuôi, như ở nước khác nguyên xi thì chắc chắn thất bại. Chỉ có những gì được Lào Cai hóa, Sa Pa hóa mới có thể thành công.

Một ngày nào đó, khi bạn đến Sa Pa không nhìn thấy người dân tộc mặc đồ dân tộc nữa, mà chỉ mặc quần áo người Kinh thì khi đó Sa Pa đã chết.

* KTS Nguyễn Luận (nguyên phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư VN):

Không nên làm cáp treo tới đỉnh.

Tôi đã đọc bản đề án quy hoạch Sa Pa và quan điểm của tôi là nên nhìn sự việc một cách bình tĩnh, trên tổng thể chứ không nên quá giật mình vì khái niệm “cáp treo”.

Trong bản quy hoạch tổng thể mới của Sa Pa này, tôi thấy các nhà quy hoạch đã rút được kinh nghiệm từ những dự án quy hoạch khác, cố gắng tránh những tác động đến khu dân cư tập trung nhất của thị trấn Sa Pa và mở ra những khu vực khác ở phía tây.

Về hạng mục cáp treo, trong dự án chỉ có mấy dòng ngắn ngủi, trong bản đồ quy hoạch chỉ vẽ một đường thẳng cắt ngang thung lũng Mường Hoa nên có thể còn nhiều điều cần phải bàn bạc, góp ý. Tuy nhiên về chủ trương, tôi đồng ý với việc làm cáp treo lên Phanxipăng. Làm cáp treo lên các khu du lịch nổi tiếng trên núi cao là xu hướng phổ biến trên thế giới, và chúng ta có quyền áp dụng những phương tiện khoa học kỹ thuật tiên tiến để phục vụ phát triển du lịch, đồng thời phát triển kinh tế - xã hội.

Vấn đề nhiều người lo lắng là cáp treo có phá vỡ môi trường, cảnh quan, có tác động đến hệ sinh thái của đỉnh núi và vườn quốc gia Hoàng Liên Sơn hay không thì tôi cho rằng đó là vấn đề của quá trình thi công và của các nhà quản lý du lịch. Thi công được giám sát nghiêm ngặt đúng thiết kế, quản lý tốt lượng khách lên xuống, với những yêu cầu ngặt nghèo về bảo vệ môi trường... thì sẽ không có chuyện gì xảy ra đâu.

Về mặt tâm linh, tôi cũng nghe ý kiến cho rằng không nên đặt công trình xây dựng nào trên nóc nhà Đông Dương cả. Nhưng thực tế trên các triền núi này không có một công trình kiến trúc tôn giáo nào như Yên Tử hay chùa Hương, nên việc để cáp treo chạy trên cao không gây cảm giác bất kính hay phản cảm.

Tuy nhiên, nếu bản quy hoạch chi tiết chưa được duyệt, tôi xin góp ý là cáp treo không nên làm lên đến đỉnh Phanxipăng. Đỉnh núi hẹp, không nên và không thể đặt một công trình có kết cấu đồ sộ. Tương tự như Yên Tử hay khu trượt tuyết trên núi Alps, trên Phanxipăng chỉ nên làm cáp treo đến một độ cao nhất định, khoảng hơn 2.000m, để giúp những người yếu sức khỏe vẫn có thể lên đến được một độ cao nhất định để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của dãy núi Hoàng Liên Sơn.

Còn lại, từ nhà ga này lên đến đỉnh núi vẫn phải là quãng đường thử thách, đồng thời cũng là phần thưởng xứng đáng cho những ai có khát khao, ý chí và nghị lực. Cáp treo sẽ mở ra nhiều lựa chọn hơn cho du khách.

* Ông Phùng Văn Khải (nhà thiết kế tour, nguyên giám đốc Hapro Tour):

Quan trọng là sử dụng cáp treo như thế nào.

Tôi chuyên làm tour cho khách châu Âu vào Việt Nam và tôi đã leo Phanxipăng không ít lần, hầu như năm nào tôi cũng leo. Tôi thấy đường mòn lên Phanxipăng giờ đầy rác thải đô thị (chai nước, túi nhựa, vỏ đồ hộp). Với người làm tour, ăn thua là ở ý thức chứ không chỉ ở phương tiện. Tôi tán thành nếu có công ty nào đó hay địa phương đứng ra xây dựng cáp treo lên Phanxipăng. Tôi cho rằng trên cáp treo người ta sẽ khó xả rác hay bẻ cây, đốt lá... như khi leo bằng đường bộ.

Tuy nhiên, với tư cách một người làm tour và một người leo núi (bán chuyên nghiệp), tôi có một lời khuyên và cũng là lời đề nghị với các nhà quy hoạch là không nên thiết kế cáp treo lên đến đỉnh Phanxipăng. Nên làm kiểu base camp - các trại nghỉ trên đường leo Everest. Chỉ cho cáp lên đến một độ cao nhất định, xây dựng các đài, trạm quan sát ở đó với đầy đủ dịch vụ du lịch gọn, vệ sinh, tuyệt đối tuân thủ các quy định chặt chẽ về môi trường...

Chặng đường còn lại phải dành cho các nhà leo núi thật sự có tình yêu thiên nhiên, có khát vọng chiến thắng bản thân và chinh phục những đỉnh cao. Đỉnh cao bao giờ cũng chỉ dành cho số ít người có nghị lực và phẩm chất đặc biệt hơn.

* KTS Hoàng Thúc Hào (giảng viên khoa kiến trúc Đại học Xây dựng Hà Nội, người đã đoạt hàng loạt giải thưởng kiến trúc quốc tế và hiện đang xây dựng nhà cộng đồng cho bà con xã Tả Phìn, Sa Pa):

Cần thận trọng, quan tâm đến đặc thù văn hóa.

Quan điểm của tôi là không nên đưa cáp treo lên thẳng đỉnh Phanxipăng. Bản thân việc khó chinh phục và tiếp cận đỉnh cũng là một điểm hấp dẫn của đỉnh núi này. Không nên làm mất tính văn hóa, tính hấp dẫn, thách thức của nó. Đó là chưa kể đến ở bất cứ vùng đất du lịch nào cũng lưu giữ những giá trị lịch sử và văn hóa lâu đời. Tiếp cận và giải quyết vấn đề này thế nào cũng là một điều phải cực kỳ lưu tâm chứ không nên chủ quan.

Tôi thật sự không thích lắm với ý tưởng làm cáp treo ở khu vực này, dù ở mọi quy hoạch hiện nay đều phải chấp nhận tính đương đại của nó. Nếu lên đến đỉnh thì kết cấu các trụ, bám sẽ ảnh hưởng đến núi rừng, thảm thực vật, tác động đến đời sống sinh vật trong khu vực này.

Với quy hoạch này, tôi nghĩ phải hết sức thận trọng và quan tâm đến đặc thù văn hóa của vùng đất. Các góc lệch, tuyến cáp treo đi qua đều phải tính toán rất kỹ. Thậm chí phải tính toán đến chất liệu, màu sắc của cả hệ thống để có thể hài hòa vào cảnh quan.

Du lịch, GO! - Theo Thu Hà, Hà Hương (TTO)
Du khách thường tìm đến Mẫu Sơn để tìm cảm giác lần đầu tiên thấy băng tuyết trên quê hương, nhưng ở đây không chỉ có tuyết...

Với một chút máu phiêu lưu, du khách sẽ tìm thấy nhiều điều kỳ thú ở đây nhưng phải chịu cảnh đi xuyên rừng, có khi đổ đèo dốc thăm thẳm, rồi lại băng lên những cửa ải hùng vĩ. Nếu đi vào mùa khô phải men theo khe suối, còn mùa mưa phải lần trên các gò đồi cao tránh suối lớn, trơn trượt...

Điểm đến cần khám phá này là khu linh địa cổ Mẫu Sơn thuộc địa phận xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn. Để khám phá linh địa cổ Mẫu Sơn, từ Hà Nội chúng ta có thể đi ôtô khách hoặc xe máy. Nhưng để chủ động và thích hợp với phong cách khám phá thì chúng ta nên đi bằng xe máy bởi hơn 180km không phải là quá xa.

Nên đi vào buổi chiều để tối chúng ta ngủ tại TP Lạng Sơn lấy sức chuẩn bị cuộc hành trình khám phá với hơn 8g. Nên đi với số lượng 4-5 người trở lên và càng mang đồ gọn nhẹ càng tốt.

Lỡ hẹn với... băng tuyết

Lần nào cũng vậy, mỗi khi trời dưới xuôi rét đậm tôi lại nghĩ ngay tới băng tuyết Mẫu Sơn. Nhìn các tấm ảnh cành cây, nhành hoa bị băng tuyết bao phủ trong vắt như pha lê mà người bạn ở Lạng Sơn gửi về khiến tôi không khỏi ước ao được một lần chứng kiến, được tự tay chụp những khoảnh khắc hiếm đó.

< Những hiện vật vương vãi khắp nơi trong khu linh địa.

Có lẽ do chúng tôi chưa bén duyên với sự xuất hiện của băng tuyết Mẫu Sơn. Đợt rét gần đây nhất cậu bạn gọi điện báo xuất hiện băng tuyết, tôi vội vã nhảy lên con Dream “chiến” lên đường. Thế nhưng khi mới tới trung tâm huyện Chi Lăng thì bất ngờ trời xứ Lạng hửng nắng… Một trải nghiệm bất ngờ!

“Đã lên tới đây rồi thì nên đi Mẫu Sơn, chỗ này độc lắm - Linh địa cổ nhé” - cậu bạn vỗ vai tôi.

Từ trung tâm thành phố Lạng Sơn, chúng tôi vượt hơn 20km đến huyện Lộc Bình theo con đường đi cửa khẩu Chi Ma. Tiếp tục đi theo con đường này đến cột mốc kilômet số 7 thì rẽ trái vào một đường đất nhỏ. “Đến đây gửi xe, bắt đầu đi bộ nhé” - cậu bạn chỉ vào Trường tiểu học xã Mẫu Sơn (thuộc thôn Lặp Pịa). Suốt dọc con đường nhỏ chạy men theo sườn núi ước gần 1km chúng tôi nhiều lần giật mình thú vị vì những chú sóc tinh nghịch băng qua đường, chúng quá nhanh nên chẳng chộp được tấm ảnh nào ra hồn.

< Ngôi mộ tổ của dân tộc Dao được khắc chữ Nôm Dao.

Rồi một bãi đá lớn được xếp rất lạ mắt hiện ra trước mắt. Người bạn đồng hành giải thích đó là ngôi mộ tổ của dân tộc Dao, Mẫu Sơn. Ngôi mộ được đánh dấu bằng bảy phiến đá phẳng, cao gần 1m, mặt trước phiến đá có khắc các dòng chữ loằng ngoằng. Anh bạn tôi giải thích đó là chữ Nôm Dao và đây là ngôi mộ tổ của dòng họ Triệu, dân tộc Dao.

Tiếp tục cuộc hành trình qua các loại địa hình từ đường đất rồi đến đường mòn, băng rừng và men theo con đường nhỏ dọc sườn núi, chúng tôi đã đến được khu linh địa cổ Mẫu Sơn.

< Những gì còn sót lại của quần thể linh địa Mẫu Sơn một thời hoành tráng...

Một bãi đất đá trống trải ra trước mắt chúng tôi. Không quá kỳ bí như những gì tôi tưởng tượng về khu linh địa cổ qua câu chuyện người bạn kể trên đường. Đứng ở một vị trí cao đủ bao quát thì có thể hình dung được quần thể linh địa một thời hoành tráng với những nền móng bằng đá, chân cột đá, tường đá, tường gạch, bậc thềm và cả cánh cửa đá…

Những câu chuyện hư cấu

Qua người bạn, tôi được biết thời gian qua có nhiều nhà nghiên cứu lịch sử đã đặt chân tới mảnh đất này. Những nền móng được xác định đó là ngôi đền cổ có từ thế kỷ 10, hai ngôi mộ cổ cũng vậy. Các phiến đá tại khu linh địa cổ này do bàn tay con người đục đẽo, gọt giũa bằng phẳng, các góc của mộ đá vuông thành sắc cạnh, mộ đá có mái che…

< Cối xoay cửa còn sót lại.

Bao phủ xung quanh linh địa này là những câu chuyện hư hư thực thực được truyền miệng khiến hành trình khám phá thêm phần bí hiểm và thú vị. Bất kỳ ai lên đây cũng đều sẽ được nghe câu chuyện kể về phiến đá khóc ra máu. Chuyện kể rằng trong một chuyến đi săn, ông chủ gia đình người Dao vác về một phiến đá kỳ lạ từ khu linh địa cổ, với suy nghĩ đơn giản là dùng vào công việc cá nhân của gia đình.

Thật kỳ lạ là mờ sáng hôm sau, vừa tỉnh giấc ông chủ nhà thấy phiến đá đang rỉ ra những giọt máu. Ông vội vã cùng gia đình thành khẩn cõng phiến đá thiêng lên trả lại chỗ cũ và cầu xin tha thứ. Câu chuyện cứ thế lan truyền mãi trong ký ức của người Dao và các dân tộc khác trong vùng, trở thành câu chuyện kể cho các lữ khách lạc bước lên đây.

< Di tích nền móng đền thờ chính.

Bóng hoàng hôn dần khuất sau bước chân với bao câu chuyện kỳ bí khác. Nào là câu chuyện hoa đào vùng Mẫu Sơn có màu đỏ sẫm vì mảnh đất này được nhuộm bởi dòng máu vô tận từ một câu chuyện tình đầy nỗi oan khiên. Rồi cả lý do tại sao Mẫu Sơn lại nức tiếng với tên một loại rượu mang tên địa danh này…

“Cuối tháng 3 này lại lên nhé, mùa hoa đỗ quyên nở đẹp lắm. Khắp núi rừng sẽ rực bởi sắc đỏ loài hoa này” - cậu bạn hẹn tôi trước khi chia tay.

Khám phá linh địa cổ Mẫu Sơn, Lạng Sơn

Du lịch, GO! - Theo Lam Thanh (TTCN)

Thursday, 14 June 2012

Cách trung tâm huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước hơn 20km, ở xã Đồng Nai có một trảng cỏ xanh rờn đến mênh mông được bao bọc giữa những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn, như cách biệt với thế giới bên ngoài. Đó là trảng cỏ Bù Lạch, một thắng cảnh mang đậm hơi thở của tự nhiên và luôn sẵn lòng níu chân du khách ghé thăm.

< Đồng cỏ xanh xa tít tận chân trời.

Con đường đến với trảng cỏ Bù Lạch quanh co qua những đèo dốc uốn lượn trong rừng càng thôi thúc trí tưởng tượng của chúng tôi về một bức tranh thủy mặc có cả rừng lẫn trảng cỏ mênh mông giữa một vùng trời đất ngoạn mục. Đường đi ngày càng dốc và nhỏ lại, một bên là vách núi, một bên là vực sâu. Hoa sim điểm xuyết một màu tím thơ mộng cho những hàng cây bên đường…

< Câu cá giải trí ở bàu nước giữa trảng cỏ Bù Lạch.

Trong không gian vắng lặng, tiếng gió rì rào quyện lẫn tiếng chim rừng, một trảng cỏ xanh bỗng nhiên hiện ra như đang gợn sóng, uốn lượn trước mắt rồi trải rộng đến vô tận. Chấm phá trong sự kì diệu ấy là một bàu nước trong vắt, phản chiếu nền trời với mấy đám mây bồng bềnh đang lững thững trôi.

Khung cảnh càng trở nên yên bình khi chúng tôi bắt gặp từng đàn trâu đang nhẩn nha gặm cỏ trên trảng cỏ bình yên và rộng lớn. Đằng xa, mấy chú nghé đang nô đùa, làm âm thanh từ những chiếc lon sắt rung rinh dưới cổ thay cho lục lạc vang lên như khúc nhạc trữ tình của núi rừng.

< Bàu nước như một tấm gương phản chiếu giữa trảng cỏ Bù Lạch.

Trên diện tích 500ha, trảng cỏ Bù Lạch thực sự là sản phẩm tuyệt mĩ của tạo hóa nằm giữa chốn thâm sơn cùng cốc với 20 trảng cỏ lớn nhỏ kết nối với nhau. Có trảng rộng chỉ 5 - 10ha, nhưng trảng rộng nhất, đẹp nhất lại lên đến gần 100ha gọi là trảng Lớn. Nét độc đáo ở đây là chỉ có duy nhất một loại cỏ kim đan xen cỏ chỉ mọc là là mặt đất, xanh tốt quanh năm khiến cho du khách không khỏi ngỡ ngàng trước sự sắp đặt đến hoàn hảo của thiên nhiên.

< Vẻ đẹp thanh bình của vùng bàu nước giữa trảng cỏ Bù Lạch.

Trên từng trảng cỏ rộng, thấp thoáng những khóm hoa dại khoe sắc tím sặc sỡ càng tô điểm cho nền cỏ non xanh mượt. Sau những giờ lang thang trên cỏ, du khách có thể đến gần bìa rừng để thưởng thức những trái sim rừng tim tím với vị chua chua, ngọt ngọt rất lạ.

Trảng này nối tiếp trảng kia, xanh ngút ngàn mà vẫn không lẫn được trong những cánh rừng nguyên sinh cũng đang nối tiếp chạy dài, ôm lấy từng trảng cỏ theo một ranh giới rất rõ ràng suốt bao nhiêu năm qua. Đó là hai hệ thực vật không hề xâm lấn nhau mà như sinh ra để cùng tạo nên một vẻ đẹp kì diệu của tạo hóa.

< Những chú trâu nhẩn nha gặm cỏ trên trảng cỏ Bù Lạch 

Chung quanh các trảng cỏ là các làng của đồng bào M’Nông, S’tiêng và Mạ. Các già làng ở đây đều giải thích rằng chữ “lạch” tiếng M’Nông có nghĩa là trảng, trong trảng lại có cái bàu nước nên trảng cỏ Bù Lạch còn có tên là Bàu Lạch. Các già còn luôn ví vùng trảng cỏ rộng lớn này chính là những tấm thảm xanh của trời trải xuống cho các tiên nữ xuống đùa vui vào những đêm trăng thanh. Sau khi vui chơi thỏa thích, các nàng còn khoe làn da trắng ngần với ánh trăng rừng và khỏa mình dưới làn nước lung linh, trong mát…

< Quăng chài đánh bắt cá trên bàu nước.

Chính sự nguyên vẹn và hoang sơ của thiên nhiên đã biến trảng cỏ Bù Lạch trở thành một địa điểm du lịch sinh thái thú vị. Đến đây, du khách có thể chèo thuyền hoặc tản bộ ngắm cảnh, câu cá, cắm trại, chơi đá bóng trên nền cỏ của trảng…

< Khu vực đệm sinh thái giữa rừng nguyên sinh và trảng cỏ.

Vào tháng ba âm lịch, thời điểm chuyển giao giữa mùa khô và mùa mưa, tại bàu nước giữa trảng cỏ còn diễn ra lễ hội Đâm Bàu bắt cá. Lễ hội này thường gắn liền với lễ hội ăn mừng lúa mới của đồng bào các dân tộc trong vùng. Trảng cỏ lúc này lại là nơi để mọi người vui chơi thỏa thích, cùng đốt lửa và nhảy những điệu múa của núi rừng. Du khách cũng có thể đến với những thôn bản của người S’tiêng quanh vùng để tìm hiểu đời sống, phong tục, tập quán của bà con dân tộc, được thưởng thức những món ăn của người bản địa rất hấp dẫn.

< Huyễn hoặc giữa bãi cỏ mênh mông bỗng mọc lên một vài cái cây lẻ loi, xanh tốt.

Tham quan khắp nơi, thỏa sức chiêm ngưỡng vẻ đẹp kì thú của trảng cỏ Bù Lạch từ mọi góc độ, đã đến lúc mỏi chân, du khách chỉ cần nằm dài trên cỏ, hít căng lồng ngực dưới vòm trời xanh bao la, lặng nghe xung quanh tiếng chim kêu vượn hú giữa núi rừng tĩnh mịch… Lòng bỗng nhiên bình yên, biết bao phiền muộn trong cuộc sống thường nhật bỗng chốc tan biến, nhường lại một không gian mênh mông của trời đất, của trảng cỏ Bù Lạch.

Du lịch, GO! - Theo Nguyễn Vũ Thành Đạt - Nguyễn Luân (Báo Ảnh VN)

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống