Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Friday, 15 June 2012

Đến Bến Tre, bạn có thể tha hồ lênh đênh trên xuồng, nếu chán thì tạt vào cù lao, hái trái cây, bắt cá, thưởng thức vọng cổ hay ngả lưng trên chiếc võng rợp bóng mát đánh một giấc ngon lành.

< Cầu Rạch Miễu hiện là biểu tượng mới của Bến Tre.

Di chuyển

Có 4 hướng đến Bến Tre, một là từ Sài Gòn, hai là từ các tỉnh Nam bộ, ba là từ các tỉnh miền Trung và bốn là từ các tỉnh miền Bắc. Song để tiện lợi, hầu hết du khách miền Bắc và miền Trung đều chọn Sài Gòn làm điểm trung chuyển. Vì thế có thể chia làm hai hướng đến Bến Tre là từ các tỉnh miền Nam và Sài Gòn.

Phương tiện công cộng:

Tại Sài Gòn, bạn có thể mua vé đi Bến Tre ở bến xe miền Tây, giá vé dao động từ 50.000 – 100.000 đồng.

Song rất ít du khách chọn hình thức này mà thường chọn mua tour tham quan một ngày do các công ty du lịch cung cấp với giá dao động từ 250.000 – 350.000 đồng/người (bao gồm tiền xe, tiền ăn, tham quan một số điểm).

Phương tiện cá nhân:

Từ Sài Gòn đi Bến Tre có 3 hướng, một là từ vòng xoay Phú Lâm, hai là đại lộ Nguyễn Văn Linh và ba là cao tốc Trung Lương (mất khoảng 1 giờ).

Ưu điểm của việc di chuyển bằng xe máy là dễ di chuyển giữa các nơi và số tiền bỏ ra cho chuyến đi không nhiều, tầm 200.000 đồng/người.

Bến Tre có ít điểm tham quan, chỉ một ngày là có thể khám phá hết nên thông thường du khách sẽ chọn tour một ngày. Một số khác thích sinh hoạt chung với người dân (xin ngủ nhờ nhà dân). Du khách ở tỉnh xa kết hợp vài tỉnh lân cận trong 2-3 ngày.

Đến Bến Tre vào mùa nào

Mùa nào Bến Tre cũng đẹp, song nếu đi vào những tháng hè (tháng 6, 7, 8), bạn sẽ được chiêm ngưỡng bức tranh nhiều màu sắc cũng như thưởng thức hàng chục loại trái cây nổi tiếng như măng cụt, sầu riêng, chôm chôm...

< Tận mắt chứng kiến quy trình chế biến kẹo dừa.

Có hai lễ hội lớn ở Bến Tre là hội đình Phú Lễ và Lễ hội nghinh Ông vào tháng 3 và tháng 11 âm lịch.

Khách sạn, nhà nghỉ

Rất ít du khách có ý định qua đêm ở Bến Tre. Dù vậy, nếu thích, bạn có thể ở tại các khách sạn, nhà nghỉ thuộc thị xã Bến Tre với mức giá từ 100.000 – 350.000 đồng.

Đặc sản của Bến Tre

Nhắc đến Bến Tre, du khách sẽ nghĩ ngay đến vị thơm, béo, đậm đà của kẹo dừa cùng hàng loạt các sản phẩm từ dừa khác như dầu dừa, xà phòng dừa, thủ công mỹ nghệ…Hay các món như bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc cùng hàng loạt cây ăn trái như cam, quít, sầu riêng, chuối, chôm chôm, măng cụt, mãng cầu, xoài cát, bòn bon, khóm, vú sữa, bưởi da xanh...

Các điểm tham quan

Điểm tham quan nổi bật của Bến Tre là 4 cồn Long, Lân, Quy, Phụng. Điều đó tạo nên sự khác biệt trong chuyến đi của bạn là đi bụi bằng đường tàu, xuồng trên kênh rạch thay vì đường bộ.

Trong khi thuyền lênh đênh trên nước, bạn có thể tùy ý chọn một cồn để vào tham quan (giá vé là 20.000 đồng/cồn/người).

< Du thuyền ở những dòng kênh nép mình dưới hàng dừa xanh ngát.

Điểm chung của tất cả các cồn là những con đườn đất uốn lượn, những vườn trái cây xum xuê trái, bạn có thể mua vé vào vườn ăn thỏa thích hay mua về làm quà. Ngoài thưởng thức trái cây, hình thức be mương bắt cá rồi chế biến thành món ngon cũng sẽ thu hút bạn.

Xét về kiến trúc, trong 4 cồn, nổi bật nhất là cồn Phụng với di tích Đạo Dừa rộng khoảng 1.500m². Nổi bật nhất trong cụm kiến trúc này là sân 9 con rồng; tháp Hoà bình và một cái đỉnh lớn.

Gợi ý cách thức tham quan 4 cồn như sau: Sau khi đến Mỹ Tho, thưởng thức bữa sáng với hủ tíu Mỹ Tho thì đến bến thuê tàu. Từ giá vé và số người mà bạn thỏa thuận giá cả với chủ tàu. Nên tham quan một vòng 4 cồn trước rồi từ từ quyết định tập trung tại một cồn để ăn uống, thư giãn.

Có thể mang theo thức ăn, nước uống hay thuê các cơ sở kinh doanh tại đây nấu bữa trưa. Giá tham khảo khoảng 50.000 – 70.000 đồng/phần ăn.
Nên kết hợp đi tàu lớn trên sông lẫn bè nhỏ trong cách con kênh nhỏ để cảm nhận hết vẻ đẹp của vùng đất này.

Bên cạnh tham quan các cồn trên, bạn có thể tắm biển tại cồn Tiên thuộc xã Tiên Long, huyện Châu Thành hay bãi biển Thừa Đức thuộc Bình Đại. Cả hai bãi biển đều là nước đục song bạn sẽ được trải nghiệm cái thú của việc tắm trong hương trái cây ngào ngạt.

< Sầu riêng Cái Mơn vàng ươm, ngọt lịm.

Sau khi thỏa thích đủa nghịch với nước, bạn có thể đi dạo đường rừng, bơi xuồng len lỏi trong rừng ngập mặn, ngắm gần 500.000 con cò, vạc cùng với rừng chà là, thảm thực vật tại sân chim Vàm Hồ. Hay nếu chưa thỏa mãn với vườn trái cây ở các cồn, bạn có thể ghé thủ phủ trái cây của Bến Tre - vườn trái cây Cái Mơn.

Ngoài ra, tại Bến Tre cũng có nhiều di tích Phật giáo (chùa Hội Tôn, chùa Tuyên Linh, chùa Viên Minh) và mộ của các nhân vật nổi tiếng (Nguyễn Đình Chiểu, Võ Trường Toản, Phan Thanh Giản và nữ tướng Nguyễn Thị Định) để bạn tham quan, tìm hiểu.

Nên mang gì khi đi Bến Tre?

Có thể diện bất kỳ loại trang phục nào khi đến Bến Tre.
Các vật dụng, kem chống nắng, chống muỗi.
Nếu thích hay muốn tiết kiệm, có thể mang theo đồ ăn, nước uống.

Một số cung đường thường gặp:

Sài Gòn – Long An – Vĩnh Long – Bến Tre
Sài Gòn – Vĩnh Long – Bến Tre
Sài Gòn – Bến Tre – Cần Thơ
Vũng Tàu - Sài Gòn - Long An - Bến Tre.

Du lịch, GO! -  Theo Infonet, internet
Với những sinh viên ít tiền hay người lao động nghèo thì một tô hủ tiếu thêm cục xương có dính ít thịt giá 8.000-10.000 đồng cũng đủ cho một bữa no.

Nếu ai đã từng ở Sài Gòn và hay thức đêm chắc chắn sẽ không thể quên được những âm thanh “lóc cóc lóc cóc…” quen thuộc vào lúc nửa đêm hay gần về sáng. Thứ âm thanh đó cứ len lỏi trong từng con hẻm nhỏ, những ngóc ngách của các khu phố. Theo sau đó là những tiếng xe đạp lạch cạch của người bán hủ tiếu gõ.

Âm thanh của xe hủ tiếu được vang lên từ hai thanh gỗ hoặc kim loại đập vào nhau. Tiếng gõ hủ tiếu rất riêng, không lẫn với những tiếng xèng xẹt…xèng xẹt…” của những người bán phục linh, sương sáo, hay tiếng “lét két…lét két…” của những chàng trai làm nghề tẩm quất.

Bấy lâu, không ít người cứ bảo món ăn này xuất xứ từ đất nước Chùa Tháp láng giềng vì thường nghe "hủ tíu Nam Vang". Kỳ thực, vậy mà... chẳng phải vậy! Cái tên hủ tíu/hủ tiếu, vốn bắt nguồn dựa trên nền của món ăn mà người Tiều (Triều Châu) gọi là cổ chéo (hủ tiếu), nghĩa gốc: bánh sợi. Sợi bánh hủ tiếu thường được sấy khô, lúc chuẩn bị ăn mới chần nước sôi và chần mỡ hành phi cho mềm, thơm, bùi, béo. Và cũng tương tự phở cực kỳ phổ biến ở Bắc Bộ, món hủ tiếu ngoại lai dần được Việt hóa theo bao cung cách khác nhau để trở thành đặc sản quen thuộc "đậm đà tính dân tộc" trên dải đất cong cong hình chữ S.

Đa số những người ăn hủ tiếu là giải quyết cơn đói bụng tạm thời trong lúc gấp hoặc những người đi chơi, đi làm về khuya tìm chút gì lót dạ cho dễ ngủ khi những hàng quán khác đã dọn hết. Ít ai lại chọn hủ tiếu gõ làm bữa ăn chính. Nó trở thành một thói quen ăn đêm của nhiều người vì vừa đơn giản, vừa vừa bình dân lại phù hợp với mọi túi tiền

Vào những năm đầu thế kỷ 21, giá một tô hủ tiếu gõ chỉ 2.000 đồng, sau này vì giá cả mọi thứ đều lên thì hủ tiếu gõ cũng tăng lên 5.000 đồng. Cho đến thời điểm hiện tại, thì giá của nó cũng vẫn thuộc diện bình dân nhất. Một tô đủ chất  có thêm cục xương có dính ít thịt mà chúng ta vẫn hay gọi là xí quách thì giá sẽ là 8.000 -10.000đ. Với những sinh viên ít tiền hay những người lao động nghèo thời bão giá thì đó cũng là đủ cho một bữa no.

Đã có thời tôi trọ cạnh một gia đình làm nghề bán hủ tiếu gõ quê ở Quảng Ngãi. Cuộc sống của họ cũng đều đều như tiếng gõ rao của xe hủ tiếu. Một cái bàn nhỏ, dăm ba chiếc ghế con đặt trên vỉa hè, mấy chồng bát đũa Trung Quốc… Công việc của họ ngày nào cũng vậy. 12h vợ chồng chị đẩy quán ra bán ở con hẻm đầu ngõ. 19h thì dọn đến khu chợ rau bán đến quá nửa đêm. Chị vợ thì ngồi một chỗ chuẩn bị món cho khách còn anh chồng chạy khắp ngõ ngách gõ cốc cốc để tiếp thị. Bát hủ tiếu khi đến tay khách luôn đảm bảo nóng hổi.

Anh chồng kể, tính trung bình, mỗi ngày có khi phải đi bộ hàng chục cây số để mời khách. Hồi mới vào thành phố, thỉnh thoảng vẫn bị lạc đường. Có lần, nghe khách gọi hủ tiếu, mừng quá, chỉ biết chạy, tới khi bưng đến thì quên nhà. Tìm mãi, khi bát hủ tiếu lạnh ngắt, đầy cả nước mưa mới gặp được khách. Định bụng bê về đổi bát khác thì vị khách gọi giật lại: cùng cảnh với nhau cả mà, nguội một chút nhưng no là được anh ạ. Đến lúc vị khách ăn xong lấy tiền anh mới nhìn kỹ thì cũng phận “dép rách, áo vá” như mình cả. Cầm đồng tiền mà cứ thấy không dám nhìn thẳng vào mặt nhau.

Cùng họ hàng với hủ tiếu gõ còn có một loại hủ tiếu nữa mà chỉ nghe qua đã đủ để nói lên nhiều điều xoay quanh cái chữ nghèo, đó chính là Hủ tiếu thất nghiệp. Đây là loại hình gắn liền với Dân Nam "bản địa". Chẳng hạn, trong một xóm nghèo của người miền Nam, một gia đình nào đó đang "thất nghiệp" và nhận thấy đầu hẻm đang còn trống bèn bày ra đó vài cái bàn, cái ghế, đặt thùng "nước lèo" ít "phụ tùng" rồi "nổi lửa" bán hủ tiếu "thất nghiệp" với chất lượng và giá cả cũng tương đương với hủ tiếu gõ.

Người bán hủ tiếu thất nghiệp và người ăn hủ tiếu thất nghiệp thường là người cùng xóm quen thân lâu đời, do vậy khi bị "kẹt"chưa có việc làm có thể ra ăn rồi "ký sổ" khi nào đi làm có tiền sẽ "thanh toán." Có lẽ chính vì vậy mà người Nam gọi hủ tiếu đầu hẻm là hủ tiếu "thất nghiệp”. Suy cho cùng thì dù có gọi tên nó như thế nào, hủ tiếu gõ hay hủ tiếu thất nghiệp thì đó cũng là thứ thuộc về: những góc khuất trong lòng thành phố.

Du lịch, GO! - Theo Vân Thiên (Nguoiduatin), internet
Bà chủ quán độ gần 50 tuổi với cái giọng đặc sệt xứ Quảng còn cho biết: Không chỉ có cháo lòng mà hầu hết mọi thứ ở nơi đây đều khá bình dân, bởi những Tây ở đây phần lớn cũng thuộc diện “Tây bình dân” với sở thích là... “tiêu tiền lẻ”.

Nếu như Hà Nội nổi tiếng với nhiều con phố gắn liền với “văn hóa hàng quán” của Đồng bằng Bắc bộ như: Hàng Gà, hàng Mành, hàng Chiếu... thì phố Sài Gòn lại được nhiều người nhắc đến với những cái tên gắn liền với từng dân tộc nghe qua thấy ngồ ngộ như: phố Tàu, phố Miên, phố Hàn... mà nổi tiếng nhất có lẽ phải kể đến “phố Tây balô”.

Dù không chính thức nhưng cái tên này từ lâu đã trở thành một từ rất quen thuộc đối với dân Sài Gòn. Thậm chí tạp chí hướng dẫn du lịch có uy tín trên thế giới là Lovely Planet (hành tinh đẹp) cũng đã đưa con phố này vào danh sách hướng dẫn cho khách quốc tế đến TP.Hồ Chí Minh.

Với vị trí nằm ngay giữa trung tâm Q1-TP.HCM, “Phố Tây” được “phân lô” trong khu tứ giác: Phạm Ngũ Lão - Đề Thám - Bùi Viện - Đỗ Quang Đẩu. Bên cạnh những tòa nhà cao tầng sang trọng và những đường phố rộng rãi, tấp nập xe cộ qua lại, khu phố Tây Phạm Ngũ Lão lại tỏ ra bình dân và khiêm tốn với những dãy phố, con hẻm hẹp và dài đặc trưng của đất Sài Gòn.

Lần lại lịch sử của khu phố này qua một số tài liệu còn lưu lại thì được biết, “phố Tây” hình thành vào khoảng năm 1986, khi có một vài nhóm du khách Pháp, Nhật, Mỹ tình cờ cùng tập trung về lưu trú tại đây. Lý do họ chọn khu này có lẽ vì gần chợ Bến Thành, lại ở trung tâm thành phố nên việc đi lại dễ dàng tiện lợi.

Trong ký ức của nhiều người thì ngày đó, những con đường, ngõ hẻm trong phố khá yên tĩnh. Dọc theo đường Phạm Ngũ Lão là nhà ga xe lửa (nay là công viên 29/3), cỏ mọc xanh um như một cánh đồng nằm ngay trong lòng thành phố. Hàng quán thì lèo tèo vài tiệm phở và quán bún bò bình dân.

Khách Tây đổ về ngày một nhiều, khu phố này cũng dần biến đổi để thích nghi với nhu cầu của một vùng “chuyên biệt” cho Tây. Đủ các dịch vụ du lịch, từ cho thuê xe máy, xe đạp đến làm đẹp, ăn uống... cho đến cả “móc túi”, “gái mại dâm” cũng dần nở rộ.  Chỉ cần bước chân ra khỏi khách sạn là có thể bắt gặp tất cả.

Đặc biệt từ năm 1993, khi được nhắc đến trong tập sách du lịch Lonely Planet (nổi tiếng trên 150 quốc gia), nhiều nhóm khách “du lịch bụi” từ Nhật, Pháp, Úc, Anh, Tây Ban Nha... đã đưa nó vào “điểm hẹn” của họ khi đến Sài Gòn. Các vị khách này thường đeo ba lô hành lý đi lòng vòng tìm chỗ nghỉ ngơi, ăn uống, thấy vậy người dân ở đây bèn gọi là “Tây ba lô”. Tên phố ra đời từ đó.

5h30 chiều, tôi ghé vào bar Cyclo trên đường Phạm Ngũ Lão. Giá cả ở đây cũng phù hợp với một số du khách không dư dả nhiều về tiền bạc. Đến khoảng 7h tối, khi bên ngoài đèn đường bắt đầu bật sáng, thì trong bar, nhạc cũng bắt đầu chát chúa. Nhiều đôi trai Tây gái ngoại, cả trai Tây gái Việt dìu dắt nhau nhún nhảy, tiếng bước chân lẫn vào những tiếng cười nói, những tràng tiếng anh “bồi” hoặc những câu tiếng Việt lơ lớ.

Sau gần hai giờ đồng hồ thử làm “Tây balô” trong bar tôi mò ra ngoài tìm một tô cháo lòng. Giữa khu phố có tên khá sang trọng này, chỉ phải trả 15.000 đồng cho một tô cháo là một cái giá khá bất ngờ với nhiều người.

Bà chủ quán độ gần 50 tuổi với cái giọng đặc sệt xứ Quảng còn cho biết: Không chỉ có cháo lòng mà hầu hết mọi thứ ở nơi đây đều khá bình dân, bởi những Tây ở đây phần lớn cũng thuộc diện “Tây bình dân” với sở thích là... “tiêu tiền lẻ”. Họ đến nước mình du dịch theo hình thức du lịch tự túc, không thông qua các công ty du lịch. Tiền thì lấy từ nguồn trợ cấp thất nghiệp của chính phủ nên việc tiêu pha cũng khá dè xẻn.

Đánh mắt sang ông Tây râu tóc vàng hoe đang xì xụp húp cháo cạnh tôi bà cười cười bảo: “Ông” này tên là Philip, tuần trước vừa mới đặt chân đến đây thì bị một ả cave vờ ngọt nhạt ôm eo, sờ soạng rồi móc túi cho bằng sạch.

May mà còn sót lại tí tiền trong ba lô không là “móm”... Bà chủ quán đang còn hào hứng kể thì Philip đã húp xong tô cháo, đứng dậy xòe ra 15.000 đồng gấp sẵn. “Ông Tây” nhìn tôi nhoẻn miệng cười rồi xách ba lô đi ra lề đường vẫy một chiếc xe. Tôi không nhìn theo nữa nhưng cũng biết đó không phải là một chiếc taxi bởi có một cái giọng lơ lớ vang lên: “Xe ô ơm... xe ô ơm.”

Vậy nhưng khu phố tại phường Phạm Ngũ Lão, nơi thu hút khách du lịch nước ngoài đi du lịch theo kiểu tự túc – với bình quân mỗi ngày đón khoảng 1.900 lượt khách, đem về nguồn thu hơn 8.000 tỉ đồng mỗi năm! Đây là nguồn thông tin từ bản Hoạch định phát triển phố du lịch Phạm Ngũ Lão trong giai đoạn 2010 – 2020 do trường Đại học Kinh tế TPHCM và UBND quận 1 thực hiện.

Du lịch, GO! - Theo Phạm Khoa (Tạp chí Người Đưa Tin, Thesaigontimes)

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống