Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Saturday, 16 June 2012

Tôi trở lại Hương Trà bằng ký ức của hơn 20 năm trước, trên con đường đất băng qua những vườn thanh trà trĩu quả ven con sông Bồ thơ mộng để đến làng Lại Bằng, xã Hương Vân. Một xã tiếp giáp núi và đồng bằng, nơi đã ghi lại dấu ấn lịch chống giặc ngoại xâm của Thừa Thiên Huế - địa đạo Khe Trái.

Hồi ấy chỉ có một con đường khá rộng đủ hai làn xe chạy từ Văn Xá đến Lại Bằng, còn lại là đường nhỏ, muốn đi thì phải đi qua chiếc cầu ván thô sơ hoặc cầu được bắc bằng hai thanh đường ray tàu hỏa, người đi phải thuần thục nếu không sẽ bị rơi tỏm xuống hói nước. Thị trấn Tứ Hạ ngày ấy cũng chỉ lưa thưa vài chục ngôi nhà và dăm ba hàng quán cũ kỷ bên đường quốc lộ. Con sông Bồ chảy qua thị trấn tôi đã được nghe tên, nhưng chưa nhìn ngắm, chiêm ngưỡng hết vẻ đẹp của nó. Bởi muốn nhìn hết vẻ đẹp đó thì phải kỳ công để tìm được cái bến, nhưng lại bị cây và cỏ dại che khuất hai bên bờ, không sao nhìn rõ hết vẻ đẹp của dòng sông.

Giờ những điều đó đã về với ký ức của 20 năm trước. Con sông bây giờ đẹp hẳn ra, con đường chạy dọc sông Bồ uốn lượn quanh dòng sông và cầu Tứ Phú bắc qua sông, điểm nối thông thương giữa Hương Trà và Quảng Điền, và là nơi thưởng ngoạn, ngắm nhìn cảnh đẹp trù phú thơ mộng của sông Bồ. Không phải dùng xe, tôi tản bộ dọc theo sông và đi lên cầu, đứng trên cao nhìn xuống trông con sông Bồ mới đẹp làm sao, nhìn thị Trấn Tứ Hạ tấp nập người và dòng xe cuồn cuộn, những ngôi nhà mới mọc lên sau những con đường được xây dựng theo quy hoạch của huyện Hương Trà. Nhìn mà bỗng lại miên man nhớ về thị trấn Tứ Hạ, cái thị trấn của một thời nhỏ bé đến tội nghiệp chứ không phải khang trang, quy mô như bây giờ.

Hương Trà là huyện nằm cửa ngõ phía bắc thành phố Huế, được bao bọc bởi hai con sông nổi tiếng của xứ thần kinh, sông Bồ và sông Hương. Hai con sông này nối liền từ núi rừng Trường Sơn và xuôi về phá Tam Giang tạo nên diện mạo, một nét văn hóa của cư dân hai bên sông và hình thành đôi trục giao thông đường thủy, tạo điều kiện thuận lợi cho sự thông thương, phát triển kinh tế xã hội, văn hóa của Hương Trà. Đây một thời từng là một trong những trung tâm chính trị, văn hóa của Việt Nam qua nhiều thế kỷ.

Từ thời tiền sử, những người Việt cổ sinh sống trên vùng đất này đã biết đẽo những chiếc rìu bằng đá, biết làm nên những chiếc trống đồng Phù Lưu, đó là những dấu tích của nền văn hóa Cồn Bàu, Sa Huỳnh có niên đại trên dưới 2000 năm mà các nhà khảo cổ học đã tìm thấy ở thôn Phụ Ổ, xã Hương Chữ. Thời vua Trần Anh Tông (năm Đinh Tỵ - 1307), Hương Trà thuộc địa phận Hóa Châu của xứ Thuận Hóa, vốn được mang tên Kim Trà. Đến năm 1558, Đoan Quốc Công Nguyễn Hoàng vào trấn thủ xứ Thuận Hóa đã đổi tên Kim Trà thành Hương Trà đến ngày hôm nay.

Hương Trà, vùng đất đã sinh ra nhiều người con yêu nước, nhiều tấm gương trung nghĩa là niềm tự hào của nhân dân cả nước. Điển hình như Đặng Huy Cát, người đã cùng Tôn Thất Thuyết tổ chức dân binh và căn cứ địa ở Cồn Phân Trận, Văn Xá để đánh Pháp và bị kết án “trảm giam hậu”, sau đó ông chết trong nhà lao. Con trai của ông là Đặng Hữu Phổ, cùng cha tham gia chống Pháp với Tôn Thất Thuyết, sau cuộc nổi dậy không thành, Đặng Hữu Phổ bị Pháp xử chém ở bên đò Quai Vạc vào năm 1885; rồi cháu ông Đặng Hữu Hoài, người đã tham gia cuộc nổi dậy của Thái Phiên và Trần Cao Vân phò vua Duy Tân chống Pháp vào năm 1916.

Cuộc nổi dậy bất thành, Đặng Hữu Hoài cùng vua Duy Tân chạy về đầm Hà Trung thì bị quân Pháp bắt và đày ra Côn Đảo. Người cùng làng với Đặng Huy Cát, cùng làm quan dưới thời vua Tự Đức, người được đánh giá là “nhân tài làm rạng rỡ nước non”, đó là Đặng Huy Trứ. Ông là nhà quân sự, nhà ngoại giao giỏi, nhà giáo dục, nhà văn hóa kiệt xuất, nhà thơ lớn, là người sáng lập nghề nhiếp ảnh đầu tiên của Việt Nam và là người tiên phong trong chống tham nhũng dưới thời vua Tự Đức. Đến những năm 1920, nhiều người con của Hương Trà đã tham gia các tổ chức tiền thân của Đảng như: Nguyễn Khánh Toàn, Bùi Công Trừng, Hà Thế Hạnh...

Và trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ cứu nước, nhiều tên đất, tên làng, tên núi, tên sông của Hương Trà còn vang chiến công hiển hách trong lịch sử chống giặc ngoại xâm như chiến khu Dương Hòa, Khe Điên, địa đạo Khe Trái, Hòn Vượng, Trò Trái, Mõm Xanh, Lại Bằng, La Chữ, Thanh Lương, Văn Xá, Tứ Hạ...

Hương Trà là nơi có nhiều danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng, nơi được các vua chúa nhà Nguyễn chọn để xây lăng mộ, đền đài như lăng Gia Long, lăng Minh Mạng, Văn miếu triều Nguyễn, điện Hòn Chén, phố cổ Bao Vinh và nhiều ngọn núi đẹp góp phần tô thêm danh thắng kinh thành Huế như núi Duệ, núi Thương, núi Kim Phụng...

Ngoài ra, vùng đất này còn có nhiều sản vật từ vườn, nhiều làng nghề truyền thống đã góp phần xây dựng nên vùng văn hóa xứ Huế như quýt Hương Cần, thanh trà Lại Bằng, củ kiệu La Chữ, chè Hải Cát... và các sản phẩm từ bàn tay tài hoa của những người thợ thủ công như bún Vân Cù, cốm nếp An Thuận, nón lá Triều Sơn, bột gạo La khê, gạch ngói Nam Thanh, khảm xà cừ Bao Vinh...

Trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm, nhân dân Hương Trà chịu nhiều gian khổ, hy sinh để tham gia kháng chiến, đánh giặc giữ làng, giữ nước. Sau ngày đất nước thống nhất, Hương Trà đã thực hiện công cuộc đổi mới, từng bước phát triển kinh tế, xây dựng nền văn hóa tiến tiến đậm đà bản sắc dân tộc, từng bước hội nhập quốc tế cùng tỉnh và cả nước.

Trong phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, Hương Trà có điều kiện thuận lợi là nằm trên trục giao thông xuyên Á, tuyến hành lang kinh tế Đông Tây lớn nhất của tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng và nối Lào, Đông Bắc Thái Lan qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo với cảng Chân Mây - Lăng Cô và Đà Nẵng, đồng thời nằm trên trục phát triển đô thị chủ đạo của tỉnh. Vì vậy trong phát triển đô thị, tỉnh nhà đã xác định Hương Trà là một thị xã trong chùm đô thị vệ tinh, cùng với thành phố Huế, Hương Thủy, Phú Vang tạo thành các đô thị động lực của Thừa Thiên Huế.

Với tổng diện tích tự nhiên 52,205.2 ha, tổng dân số 113,000 người, mật độ dân số khoảng 215 người/km2. Trong 5 năm, từ 2005 - 2010, nền kinh tế Hương Trà đã tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững, tốc độ tăng bình quân đạt 17,7% năm; tổng giá trị sản xuất tăng 2,56 lần; thu nhập bình quân đầu người 1,170USD/năm, tăng gấp 2 lần so với năm 2005(2); thu ngân sách năm 2010 là 54,741 tỷ đồng, đạt 135% so với dự toán tỉnh giao(3). Hương Trà đang từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, văn hóa - xã hội tiếp tục được phát triển.

Trong giai đoạn 2005 - 2010, sự phát triển về kinh tế xã hội đã đem lại những cú hích quan trọng trong việc xây dựng và chỉnh trang diện mạo, cảnh quan của Hương Trà. Với những điều kiện thuận lợi, và từ thực trạng hệ thống cơ sở hạ tầng thị trấn Tứ Hạ, các vùng miền trên địa bàn, Hương Trà đã định hướng kế hoạch phát triển đô thị đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020 với nhiều mục tiêu. Trong đó tập trung xây dựng huyện Hương Trà trở thành thị xã với vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội với tỉnh, khu vực và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung mà Tứ Hạ mở rộng là đô thị hạt nhân.

Cùng với thị trấn Tứ Hạ, xã Bình Điền cũng sẽ được xây dựng trở thành thị trấn và là trung tâm kinh tế, văn hóa, dịch vụ của các xã miền núi, là đầu mối giao thông, giao lưu trong huyện, tỉnh; đóng vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội cho các xã ngoại thị khu vực miền núi. Ngoài ra, Hương Trà còn đề ra mục tiêu tăng cường xây dựng và phát triển đô thị hóa các xã vùng ngoại thị khu vực đồng bằng như Hương An, Hương Chữ, Hương Vinh, các xã miền biển và đầm phá nhằm tạo các cụm đô thị vệ tinh thuộc đô thị Hương Trà.

Với mục tiêu đó, huyện Hương Trà đã đưa ra các chỉ tiêu trong giai đoạn 2010 - 2015 như sau: 1. Về kinh tế - xã hội: Tổng thu ngân sách đến 2015 đạt 90-100 tỷ đồng; Thu nhập bình quân đầu người đạt 2,300- 2,400USD; Tăng trưởng kinh tế đạt 20%; Tỷ lệ hộ nghèo dưới 4%. 2. Về phát triển đô thị: Dân số toàn đô thị đến năm 2015 là 120,000 - 150.000 người; Tỷ lệ đô thị hóa đạt 60%; Tỷ lệ phi nông nghiệp nội thị đạt trến 75%...

Để đảm bảo nguồn vốn thực hiện dự án phát triển kinh tế, đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật, cùng với nguồn vốn đầu tư của tỉnh và Trung ương đầu tư cho đô thị, Hương Trà tập trung huy động mọi nguồn vốn từ ngân sách và nhân dân tự đóng góp, trong đó phát huy tối đa nguồn lực của địa phương, đẩy mạnh chương trình đổi đất lấy cơ sở hạ tầng. Bên cạnh, Huyện cũng đang xây dựng cơ chế thu hút đầu tư, huy động sự tham gia của các thành phần kinh tế theo hướng đầu tư và phát triển đô thị.

Tổng quan các dự án đầu tư giao thông, cấp nước, hạ tầng văn hóa xã hội, công nghiệp, điện, sản xuất dịch vụ, các dự án khu đô thị mới... trên toàn địa bàn huyện Hương Trà giai đoạn 2011 - 2012 trong đề án phát triển với tổng số tiền từ các nguồn vốn đầu tư là 1,526.959 tỷ đồng. Giai đoạn 2013 - 2015 với tổng số tiền đầu tư là 3,826.4 tỷ đồng; trong đó nguồn ngân sách của tỉnh và Trung ương là 755.4 tỷ đồng; ngân sách địa phương 8.0 tỷ đồng; từ nguồn viện trợ, doanh nghiệp và nhân dân là 3,063 tỷ đồng(4).

Rồi đây, khi những con số, những định hướng, kế hoạch của huyện Hương Trà trở thành hiện thực, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế, xã hội được xây dựng trong mục tiêu phát triển đô thị sẽ làm nên một diện mạo Hương Trà hoàn toàn khác. Nhiều vùng đất sẽ được chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang đô thị công nghiệp và những người quen làm nông nghiệp được đào tạo nghề giờ chuyển sang mua bán, dịch vụ. Các khu phố của trung tâm Tứ Hạ được quy hoạch theo từng nhóm ngành.

Những vùng ven đô có đất màu mỡ được quy hoạch cho những vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng sinh thái, vùng rau xanh an toàn, hoa cao cấp và cây cảnh các loại sẽ được mở rộng và quy mô hơn. Trong tương lai, Tứ Hạ sẽ là khu là đô thị trung tâm với hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đô thị mở, xanh - sạch, văn minh, hiện đại và chỉ tiêu phấn đấu là khu đô thị loại IV của thị xã Hương Trà trong tương lai.

Cùng với trung tâm Tứ Hạ, các xã vùng đồng bằng như Hương An, Hương Vinh, Hương Hồ sẽ được mở rộng, đầu tư chỉnh trang đẩy nhanh tiến trình đô thị hóa. Xã Hương Chữ sẽ phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, vùng lúa cao sản, vùng lạc thâm canh, và là vành đai rau xanh cùng với việc trồng hoa quả, chăn nuôi đa dạng, gắn với công nghiệp chế biến cung cấp thực phẩm cho vùng nội thị và thành phố Huế. Hương Trà cũng đã quy hoạch đối với các vùng ven biển và đầm phá.

Các vùng này lấy kinh tế thủy sản làm trọng tâm gắn kết với sản xuất nông - lâm- ngư nghiệp và các ngành nghề khác. Đặc biệt, xã Hải Dương được chú trọng, tập trung ngành mũi nhọn đó là cụm công nghiệp, làng nghề chế biến hải sản. Các vùng ven biển, đầm phá được đầu tư xây dựng phát triển với thế mạnh du lịch của vùng cùng các điểm du lịch bờ biển, khu rừng ngập mặn Rú Chá. Bên cạnh các vùng kinh tế đồng bằng, vùng đầm phá, ven biển... vùng đồi núi có lợi thế về đất đai cũng được đầu tư phát triển nông- lâm- nghiệp theo hướng trồng rừng kinh tế, thâm canh cây công nghiệp xuất khẩu cao su, hồ tiêu, cây ăn quả.

Gắn việc trồng rừng mới, trồng cây lâu năm bảo vệ, chăm sóc độ che phủ rừng và môi trường sinh thái. Cùng với chăn nuôi gia súc, gia cầm, kinh tế trang trại tại vùng miền núi, Hương Trà tiếp tục đẩy mạnh đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp Bình Điền và các cơ sở dọc theo Quốc lộ 49, đẩy mạnh quá trình đô thị hóa của vùng. Trong đó việc quy hoạch chung và lập đề án thành lập thị trấn Bình Điền và quy hoạch khu dân cư trung tâm của các xã.

Bây giờ, hình ảnh về một Hương Trà của những năm cuối cùng của thế kỷ trước và đến những năm 2000 - 2002 của thế kỷ XXI này, từ nhà ở dân sinh đến cảnh quan đô thị với cảnh nhếch nhác, thoáng chút tiêu điều ấy đã không còn. Trong tôi vẫn còn nỗi ám ảnh ngày xưa ấy, là nỗi sợ hãi mỗi lần đi trên đoạn đường từ thị trấn Tứ Hạ vào thành phố Huế, lòng luôn bất an vì những nguy cơ tại nạn rình rập, như đang rập rình từng phút từng giây. Ngày đó, hệ thống đèn chiếu sáng trên đoạn đường này chưa có, đường xá thì nhỏ hẹp với những lổm chổm ổ gà, ổ voi.

Thế nhưng, chỉ trong vài năm trở lại đây, Hương Trà đã thay da đổi thịt, những con đường mới được mở ra với quy hoạch hoàn chỉnh cùng những ngôi nhà mới với những cụm công nghiệp đang dần hình thành. Đặc biệt, dòng sông Bồ thơ mộng đã được trả lại vẻ đẹp vốn có của nó khi con đường được mở ra chạy dọc theo dòng sông và một khu phố mới xuất hiện cùng những hàng cây xanh soi bóng xuống dòng xanh. Tôi đang đi trên con đường này, đang hình dung về một khu đô thị mới Tứ Hạ. Trước mắt tôi, thị xã Hương Trà trong tương lai đang được xây dựng với những con đường rộng thênh thang qua đi ký ức của một thời chật hẹp. Xa xa những những khu công nghiệp, những cụm công nghiệp với các nghề truyền thống của vùng đất có văn hóa lâu đời bên dòng sông Bồ được sống lại.

Với những điều xác tín đã được xây dựng trong Đề án phát triển đô thị giai đoạn 2010- 2015 và định hướng đến năm 2020 của Ủy ban nhân dân huyện Hương Trà; cùng với sự quyết tâm của các cấp, của cán bộ và nhân dân, chắc chắn một ngày không xa Hương Trà sẽ trở thành một thị xã lớn mạnh, phát triển trong chùm đô thị vệ tinh của Thừa Thiên Huế như thành phố Huế, Hương Thủy, Phú Vang. Nhiều người cũng như tôi đang chờ ngày ấy và mong được trở lại Hương Trà để ngồi bên con sông Bồ viết bài thơ còn dang dở của những ngày sống ở Hương Trà, những ngày của riêng sông.

Du lịch, GO! - Theo Tường Thi (Tạp chí Sông Hương)
Vùng đồng bằng châu thổ sông Cửu Long khi mùa lũ về, phần lớn đồng ruộng, bờ vùng, bờ thửa, kinh thủy lợi… đều bị ngập nước. Chuột cũng tự di chuyển đến một nơi mới để định cư. Nông dân vốn không ưa lũ chuột phá hoại mùa màng, nhưng lại rất khoái thịt chuột. Đây là cơ hội tốt để săn chuột đồng…

Ngoài đồng ruộng, khi lúa chín vàng, chuột tung ra cắn phá dữ dội. Khi bị thuốc hoặc bị bẫy, chuột chỉ tiêu hao một ít. Để diệt trừ chuột, nhiều người sử dụng các biện pháp để tiêu diệt như: bẫy rập, đánh bã thuốc, ví cù khi gặt lúa, xông khói vào hang...
Ngoài cửa hang chính người ta đặt rọ, bao nhiêu chuột trong hang bị ngộp khói phải chui vô rọ. Đó là những cách bắt chuột vào mùa khô.

Ở Đồng Tháp Mười và khu Tứ giác Long Xuyên, khi mùa lũ về, ngoài biện pháp khắc phục hậu quả lũ lụt, nông dân còn tham gia sắm sửa “đồ nghề” để săn bắt chuột đồng. Vũ khí săn bắt chuột thường được người dân địa phương tự tạo như: súng săn chuột tự chế, bằng gỗ có kích cỡ giống súng trường, thay cho đạn là mũi tên bằng thép cứng.

Dây làm bằng loại thun co giãn. Súng săn chuột có tầm đi nhanh, trong khoảng cách từ 5-6 m rất chính xác. Còn chĩa đâm chuột được làm bằng những thanh sắt (thép) dài từ 1,5-2 tấc, có một đầu nhọn, đầu kia được tra vào một đoạn tre hoặc cây tầm vông dài khoảng 4-5 m…

Sau khi chuẩn bị sẵn sàng súng săn, chĩa đâm, phương tiện xuồng, còn có thêm đàn chó… Mục tiêu đã chọn là những lùm cây trên đồng nước, đàn chó đi đầu uy hiếp không cho chuột xuống nước ém quân để làm mồi cho những mũi tên, mũi chĩa của người săn. Tiếp tục truy kích hết lùm cây này đến lùm cây khác.

Kết quả sau buổi săn chuột, mỗi người bắt được bình quân cũng vài ba chục con chuột đồng. Đây là những món ăn ngon miệng và cũng là nguồn thu nhập phụ của nhiều gia đình lúc nông nhàn.

Hai em Trần Văn Phú và Trần Văn Lợi, xã Hòa Bình, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp, cho biết: “… Săn chuột đồng mùa lũ mê lắm. Hai anh em tôi đi một buổi kiếm không dưới 50 con chuột, vừa cải thiện được bữa ăn hằng ngày, vừa có nguồn kinh tế phụ đáng kể cho gia đình”.

Anh Lê Thành Tâm, xã Tân Mỹ, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp, bộc bạch: “Tôi có hai đứa con trai lớn, với hai cây chĩa, một súng săn và hai con chó mực. Đi săn theo những lùm cây, bụi cỏ, gò cao… sau khoảng 4 giờ, chúng tôi bắt gần 70 con. Giá bán chuột đồng cho thương lái dao động trên dưới 40.000 đồng/kg. Nhờ nghề săn chuột đồng mà người dân vùng sâu Đồng Tháp Mười có nguồn thu nhập đáng kể…".

Bên cạnh việc săn chuột bằng súng, chĩa đâm, nông dân vùng ĐBSCL còn áp dụng phương pháp chất chà và đặt chít bắt chuột, hiệu quả mà lại an toàn cho người. Với cách này, nông dân thu gom rất nhiều chuột, vừa góp phần bảo vệ mùa màng, vừa cải thiện bữa ăn cho gia đình và cũng là nguồn thu nhập phụ đáng kể cho các nông hộ...

Cây chít bắt chuột là một cái hom dài khoảng 5 tấc, đặt ngay miệng hang. Sau đó, đổ nước vào hang, chuột bị ngộp nước chạy ra khỏi miệng hang và chui ngay vào cây chít. Người đặt chít tha hồ bắt chuột.

Cây chít gồm thân hom được giới hạn bởi 2 vòng sắt của lon sữa bò có khoảng cách gần 2 tấc. Lon sữa được cắt một vòng sắt dưới đáy làm nòng, một phần thân lon được cắt thành những hình tam giác làm miệng hom.

Từ miệng đến chân cách 1,7 tấc. Thân hom được kết bằng những thanh tre vuốt nhọn đầu để cắm sâu vào đất dài hơn 1,5 tấc nhỏ dần về phía đầu hom. Đầu hom được cột túm chặt bằng dây ni-lông không cho chuột thoát ra ngoài. Khi chuột vào bẫy, mở dây để chuột chạy vào bao để bắt sống.

Người chất chà bắt chuột thường chọn một số nhánh chà bằng cây tạp, đọt tre, trúc... buộc lại từng bó, mỗi bó độ chừng một ôm người, chiều dài tuỳ loại chà khoảng từ 1-2 m, với số lượng hơn một chục bó...

Các bó chà được chất đống lại quanh gốc dừa, gốc chuối, bờ kinh và nhất là gần những nơi chuột thường qua lại kiếm ăn. Diện tích để chất chà khoảng 20 m2. Khi chất xong, rải vào một ít lúa, gạo, bắp, đậu, khoai... để nhử chuột, rồi dùng rơm, tàu dừa, cỏ khô... phủ lên để tạo hơi ấm cho chuột vào làm ổ.

Anh Trần Văn Tươi, ở xã Phú Cường, huyện Tam Nông, vui vẻ bộc bạch, mỗi lần dỡ chà, gia đình anh bắt cũng được 20-30 con. Có lần dỡ trúng kiếm cũng được hơn 50 con, bán được cả trăm ngàn đồng.

Hiện nay, có rất nhiều thương lái đến tại đồng để thu mua chuột đem đi tiêu thụ tại các chợ huyện, thị xã, thành phố… Anh Hoàng ở thị trấn Tràm Chim, huyện Tam Nông, có hơn 7 năm trong nghề mua bán chuột đồng, cho biết, thông thường, vào đầu tháng 4 âm lịch là anh bắt đầu đến các cánh đồng của huyện Thanh Bình, Tam Nông, Hồng Ngự, Tân Hồng, Tháp Mười, Cao Lãnh… để thu mua chuột đồng. Sau đó, chở đến các chợ huyện, thị xã, thành phố của An Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp… để tiêu thụ. Bình quân mỗi ngày, anh mua và bán từ 50-60 kg chuột đồng. Đến cuối tháng 8 âm lịch hằng năm là hết mùa mua bán chuột đồng.

Anh Nguyễn Văn Minh, xã Phú Thọ, huyện Tam Nông, cho biết, thịt chuột đồng thơm ngon nhất là vào cuối vụ hè thu, nên chuột đồng tiêu thụ rất mạnh và bán rất có giá. Các món ăn được chế biến từ thịt chuột đồng như: chuột xào củ kiệu, luộc cơm mẻ, chuột chiên - nướng - khìa, chuột quay lu… rất thơm ngon.

Nghề săn bắt chuột và mua bán chuột đồng đang giúp nhiều nông dân vùng đồng bằng châu thổ Cửu Long có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống lúc nông nhàn; đồng thời giải quyết được việc làm cho người lao động nông thôn, góp phần tiêu diệt loài chuột bảo vệ mùa màng…

Du lịch, GO! - Theo Trọng Trung (Cà Mau Online)
Đứng dưới một thung lũng sâu, cỏ lau ngập đầu, cây cối hoang sơ, ngước nhìn lên, du khách sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước một dòng thác cao khoảng 20 m đang cuồn cuộn đổ xuống. Đó là thác Cửa Thần, nơi có cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp gắn liền với một giai thoại thú vị.

Thác Cửa Thần hay còn gọi là thác Ba Tầng thuộc địa phận xã Tà Nung, Đà Lạt, Lâm Đồng. Độ cao của thác chừng 15 mét, ngày đêm cuồn cuộn xối xả tạo nên một dòng suối bạc trắng, nhìn tựa như chòm râu của vị thần.
Vượt qua thác Cửa Thần, ở phía bên trái đỉnh thác Cửa Thần, từ khu rừng nguyên sinh có một nhánh suối dẫn nước về hòa nhập dòng suối chính, nguồn nước trong lành thả mình dạt dào trên nền đá hoa cương được thiên nhiên sắp xếp thành ba tầng,người Srê gọi là Liang Pe Knũ - thác Ba tầng.

< Đường vào thác Cửa Thần khá khó đi.

Tương truyền rằng, vùng đất này xưa kia được bà con bộ tộc SRê sinh sống theo kiểu du canh du cư. Có năm đến mùa giáp hạt, thiếu cái ăn, cả Bon (Bon là đơn vị cư trú của người SRê) phải sống trong cảnh đói nghèo. Vì vậy, già làng cùng các thanh niên trai tráng phải đi vào rừng tìm cái ăn cho dân.

Sau khi băng qua nhiều núi, nhiều rừng, già làng mệt, ngồi xuống nghỉ thì bỗng trông thấy một vị thần hiện ra trên đỉnh thác. Vị thần dắt già làng đến vách núi có hai bờ đá cao vút như cái cổng khổng lồ, tới một hồ nước lớn. Tại đây già làng và các chàng trai tráng đã bắt được rất nhiều cá tươi đem về cứu đói cho dân.

Kể từ đó bà con bộ tộc SRê gọi dòng thác này là Liang Mpông Yàng - có nghĩa là Thác Cửa Thần. Dòng nước của thác từ trên cao ngày đêm cuồn cuộn xối xả tạo nên một con thác bạc trắng, nhìn tựa như chòm râu của vị thần đã cứu dân.

Vượt qua thác cửa thần, du khách tiếp tục được khám phá một cụm thác khác cách đó không xa phía bên trái đỉnh thác Cửa Thần.

Từ khu rừng nguyên sinh một nhánh suối dẫn nước về hoà nhập dòng suối chính, nguồn nước trong lành thả mình dạt dào trên nền đá hoa cương được thiên nhiên sắp xếp thành ba tầng, qủa là nên thơ và quyến rũ, người SRê gọi là Liang Pe Knũ - thác Ba tầng.

Nếu cứ tiếp tục ngược theo dòng suối chính, vượt qua ghềnh đá cheo leo, luồn mình qua những lùm cây nguyên sinh, nước vẫn cuồn cuộn trải mình trên nền đá hoa cương. Khi vừa khi thấm mệt du khách lại được tận hưởng vẻ đẹp của một thác nước thấp hơn, nhưng rộng hơn và cũng êm ả hơn mang tên Liang Pe KBít – Thác Khát vọng - theo bà con đó là tên của một loài cá có cánh chuyên sống nơi thác ghềnh.

Cứ mỗi chiều xuống nó lại búng nhảy lên mặt nước để ngắm nhìn vẻ đẹp của đất trời, và để tận hưởng cái không khí trong lành của núi rừng thiên nhiên… phải chăng loài cá ấy đang có khát vọng thoát lên khỏi mặt nước.

Cụm thác nước vừa kể là một tiềm năng du lịch bấy lâu đang bị lãng quên mặc dù chỉ cách Đà Lạt khoảng 17km về hướng Tây Nam, thuộc xã Tà Nung, một xã có gần 60% dân cư là đồng bào dân tộc thiểu số.

Cụm thác Cửa Thần vẫn còn hoang sơ như bao đời nay chưa thay đổi gì. Nếu được khai thác đúng mức thì sẽ biến vùng đất này trở thành một địa chỉ du lịch sinh thái kết hợp khám phá văn hóa dân tộc bản địa rất hấp dẫn.

Hiện tại con đường từ thác Cam - Ly dẫn về Tà Nung đã được trải nhựa, (chỉ còn lại vài ba km do địa hình hiểm trở đang thi công dang dở) rất thuận tiện để du khách đặt chân đến khám phá và chinh phục vẻ đẹp của thiên nhiên và đời sống của bà con bộ tộc Srê giữa đất trời Nam Tây Nguyên này.

Lộ trình đi: Từ trung tâm thành phố - 3 tháng 2 - Hoàng Văn Thụ - qua thác Cam Ly - Vạn Thành qua khỏi sân bay (bỏ 2 ngã 3 đi thẳng) - Tà nung - rẽ trái vào đường đất chừng 800m nữa là đến thác.

Hỏi đường: hỏi thác Vọng thì người địa phương biết chứ hỏi Cửa Thần ít ai biết.
Chuẩn bị: giày, áo ấm, thuốc chống muỗi, cần câu...

Du lịch, GO! - Tổng hợp

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống