Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Monday, 18 June 2012

Có bờ biển dài 134km với gần một nửa số huyện, thành phố giáp biển Bình Định được thiên nhiên ban tặng vô số những thắng cảnh và bãi biển đẹp với hàng chục bãi tắm lớn, nhỏ, có những bãi tắm rộng hàng trăm ha và đa phần còn hoang sơ, chưa được khai thác.

Trong đó có các danh thắng, bãi biển đẹp có nhiều tiềm năng phát triển mạnh loại hình du lịch biển như: biển Quy Nhơn, Ghềnh Ráng, Quy Hòa, Bãi Dài, bán đảo Phương Mai, đầm Thị Nại, Cù Lao Xanh, Hải Giang, Nhơn Lý, Eo Gió, Phú Hậu, Trung Lương, Vĩnh Hội, Tân Thanh, Mũi Vi Rồng – Tân Phụng, Lộ Diêu, Hoài Hương, Tam Quan Bắc…

Hầu hết các bãi biển nơi đây đều còn hoang sơ, cát trắng mịn thoai thoải, nước biển trong xanh và tràn ngập ánh nắng. Các bãi tắm đẹp phân bố nhiều nhất là ở khu vực TP. Quy Nhơn và vùng phụ cận, rất thuận lợi cho việc lập quy hoạch và đầu tư xây dựng thành các cụm, tuyến du lịch khám phá biển đảo.

Theo chuyến lữ hành, chúng ta có một ngày đến đảo Hòn Khô, xã Nhơn Hải, TP. Quy Nhơn, cách đất liền chừng 20 hải lý. Đảo nằm tách biệt, là một điểm du lịch rất mới và lạ lẫm với nhiều du khách. Gọi là Hòn Khô là bởi đảo chẳng có gì ngoài mấy dãy núi đá cheo leo, khô khốc ngoi trên biển. Trên đảo, chỉ có duy nhất một ngôi nhà nằm lọt thỏm sau vách núi. Đó là chốn dừng chân của khách xa để uống ngụm nước, đặt lưng xuống cánh võng nghe miên man biển cả mây trời. Vậy nhưng: Hòn Khô có 2 thứ độc đáo không thể bỏ qua: ngắm san hô dưới biển và leo núi đá.

Hòn Khô không đủ lớn để chứa những nhà hàng, khu dịch vụ dù là nhỏ nhất. Ấy vậy mà lại có sức quyến rũ lạ kỳ! Hằng năm, đảo vẫn thu hút được một lượng khách đáng kể từ các trung tâm lữ hành, khách sạn. Đảo hoang vắng, trơ trọi. Bốn mùa ở đảo là bốn mùa gió biển thi nhau đùa cợt xô đẩy vào vách đá. Những con sóng bạc đầu lại có vẻ thích thú với việc tạo hình cho đá hơn. Chúng miệt mài đêm ngày chăm chút, tỉa tót khiến đá cũng mềm lòng mà uốn éo, ngả nghiêng.

Hòn Khô thật biết chiều chuộng những đôi chân ưa khám phá mạo hiểm. Nó buộc khách xa phải thở hổn hển trèo hết vách này đến dốc khác để rồi trả công bằng cảm giác khi lên tới đỉnh. Ở đó, người ta mới cảm hết được sự khoáng đạt, bao la của biển cả. Phía xa xa là toàn cảnh TP. Quy Nhơn được thu gọn trong tầm mắt…

Để ra đảo, du khách có thể bơi thuyền thúng hoặc chèo xuồng. Cảm giác chòng chành giữa biển khơi khiến chúng ta vô cùng thích thú.Trước khi cập đảo chừng 500m, chúng ta xuống biển xanh trong vắt để tự mình khám phá dải san hô ngay phía dưới. Mực nước ở đây khá nông, trẻ em từ 8 tuổi trở lên không cần biết bơi cũng có thể ngắm nhìn san hô tại đây. Du khách sẽ bị chinh phục hoàn toàn bởi vẻ đẹp kỳ vĩ, độc đáo của cảnh quan thiên nhiên trên đảo với những phiến đá to và nhẵn thín như là một phần của đảo Hòn Khô.

Tạm biệt dải san hô cũng với những chú cá đầy màu sắc bơi lội tung tăng, du khách bắt đầu đổ bộ vào đảo. Chặng đường phía trước quả gian nan khi núi đó xếp chồng tầng lên nhau, khung cảnh hoang dại cùng vẻ đẹp của biển cả đã thúc đẩy người khám phá leo lên tới đỉnh. Từ trên cao cả một vùng biển bao la ngút ngàn tầm mắt hiện ra. Bên dưới đảo, từng đoàn thuyền đánh cá nuối đuôi nhau tạo thành một bức tranh sơn thủy tuyệt đẹp.

Vào mùa biển yên, Hòn Khô lại sở hữu vẻ đẹp quyến rũ hấp dẫn nhiều du khách với bãi cát, rạn san hô sặc sỡ, cỏ xanh mượt như nhung và lạch nước ngọt nứt từ vách đá. Có thể khám phá vẻ đẹp kỹ vĩ, độc đáo của thiên nhiên trên đảo, lại vừa có những phút giây thư giãn tuyệt vời với lặn biển ngắm san hô, hay đi dạo bộ trên đảo… để quên đi những lo toan của cuộc sống. Một ngày trên biển đảo Quy Nhơn thật thú vị!

Ngắm san hô và leo núi đá ở Hòn Khô
Hòn Khô và “Bà Robinson”

Du lịch, GO! - Tổng hợp từ báo Du Lịch, DulichVN, internet
Từ mũi Thanh Thủy chạy vào nam, bờ biển tỉnh Quảng Ngãi xuôi dần ra phía sóng, đến vùng bán đảo Châu My Đông thì gặp dãy núi Long Sơn -Tham Hội theo hướng tây nam – đông bắc ùa về. Như bị khơi xa mê hoặc, núi trượt chân đổ dài lên những khối đá ong, đá đen để tạo thành mũi Ba Làng An (Cape Batangan) hùng vĩ và thơ mộng. Quá mũi Ba Làng An về phía nam là vụng biển Sa Kỳ, giữa Sa Kỳ và Ba làng An là thắng cảnh An Hải sa bàn (mâm cát An Hải).

Không giống như những dải cát hẹp dưới chân mũi Ba Làng An (vốn tạo thành từ trầm tích, lẫn nhiều dăm sạn, đá cuội và sét bột màu xám vàng), trảng cát An Hải khá rộng, thành phần chính là cát thạch anh, hạt tròn đều, từ thô đến mịn, màu trắng ngã sang phớt vàng. Những khi triều xuống, nhìn từ mõm xóm Câu, lọt giữa vụng biển và chân núi là một vùng cát quây tròn như thể chiếc mâm khổng lồ của hóa công bày ra trong bao la trời đất.

Vẻ đẹp của An Hải sa bàn nằm trong tổng thể thiên nhiên diệu kỳ của cả một vùng trời biển khoáng đạt kéo dài từ mũi Ba Làng An đến làng chài An Vĩnh. Ở đây, những đồi núi đá ong, đá trầm tích lô nhô chồm ra biển.

Gió trời và sóng biển tự vạn năm xô vào vách đá, ăn dần chân núi, tạo ra những chớn đá hình cánh cung và nhiều hình thù kỳ ảo trên vách núi. Vương vải khắp nơi là những khối phún xuất thạch màu đen tuyền, vốn là dung nham núi lửa (magma) chảy tràn ra biển từ thuở hồng hoang.

Trong một lần tham gia đoàn khảo sát và làm phim của VTV2 (Đài Truyền hình Việt Nam), say mê vẻ đẹp và thấu hiểu giá trị của các phiến đá Ba Làng An, Phó giáo sư Tiến sỹ Trịnh Dánh (Viện Khoa học địa chất và khoáng sản) – một chuyên gia về thạch học đã đề nghị thành lập ở đây Công viên đá quốc gia đặc biệt, đồng thời đưa vào tour du lịch khám phá các vết tích núi lửa độc đáo trên khắp lãnh thổ Việt Nam.

Tương phản với vẻ đẹp hùng tráng sóng gầm, biển réo của đoạn bờ biển phía bắc, từ làng chài An Vĩnh chạy về nam, qua Mỹ Khê, Cửa Đại, bờ biển đẹp say đắm, ru tình với thoai thoải cát vàng và êm ả dương xanh nối nhau viền theo mé nước.

Tiến sỹ nho học Lê Ngãi, trong tập Quảng Ngãi nhất thống chí, viết về cửa Cổ Lũy và thắng cảnh An Hải sa bàn, như sau:

“Cửa bể Sa Kỳ - Ở phía đông nam huyện Bình Sơn, cách huyện đóng 37 dặm. Cửa bể rộng 14 trượng. Khi thủy triều lên sâu 6 thước, triều xuống sâu 3 thước. Có mỏm đá nhô lên trên mặt nước, đứng xa trông như hình người [...]. Phía nam mõm đá, cảng rộng, thuyền bè đi được. Phía bắc mõm đá hơi hẹp. Phía nam có vũng An Vĩnh. Ngoài cửa có núi Thiết Sơn. Lại có ấp An Hải, cát đá rơi vào bờ bể la liệt từng hàng như hình cái mâm, cũng là một cảnh đẹp trong mười cảnh của tỉnh Quảng Ngãi, gọi là “Mâm cát An Hải”.

Còn đây là miêu tả về An Hải sa bàn của Địa chí Quảng Ngãi, ấn hành năm 2008: “Vùng An Hải phía bắc cửa Sa Kỳ có núi thấp chạy sát mép biển bỗng dưng uốn cong tạo eo lõm vào đất liền. Vùng đất eo lõm này toàn là cát trắng phau. Mùa gió nồm dông thổi vào tạo nên lốc xoáy vun cát lên, đứng trên núi nhìn xuống trông giống hình dáng cái mâm cát khổng lồ rất đẹp, nên gọi là An Hải sa bàn (mâm cát An Hải)”.

Dễ nhận ra những tiểu tiết khác nhau trong các sách vở đời trước, đời sau. Thì vậy, trong cùng một khung cảnh biển trời bao la, phóng dật nhưng mỹ cảm của mỗi thời đại, mỗi con người chẳng thể rập khuôn nhau. Thêm vào đó là những biến đổi của thiên nhiên, cùng cảnh trí do con người tạo tác khiến nhiều khi kim cổ chẳng tương phùng.

Từ ngày Sa Kỳ mở rộng lòng cảng, An Hải sa bàn có phần thu hẹp, nhưng bù lại quang cảnh nơi đây đã trở nên nhộn nhịp với đoàn thuyền đánh bắt khơi xa về cập bến hoặc những chuyến tàu vận tải ngược xuôi giữa đất liền và huyện đảo Lý Sơn. “Mâm cát” có vơi đi một ít, nhưng rừng cây mắm xóm Câu lại dày hơn, đợi lúc triều lên ríu rít lời cây, bóng nước.

Đã có biết bao khách văn chương qua lại chốn nầy, để lại cho đời nhiều vần thơ say đắm. Bài thơ Vịnh An Hải sa bàn, tương truyền của Đạm Am Nguyễn Cư Trinh (1717 – 1767), ca ngợi vẻ đẹp tương giai của khói sóng, gió trăng qua cái nhìn phóng khoáng, hóm hỉnh của thi nhân:

Bàn Cổ xưa kia kế đã thâm
Khéo bày lọc cát đúc thành mâm
Khạc ra cá nhảy đầy Đông Hải
Dọn những mùi ngon rặt nghĩa sâm
Chợ cách hóa nên non nước thế
Đũa giơ rồi rủ gió trăng ngâm
Mời ông điếu tẩu Sa Kỳ tới
Rót chén yên hà để dưỡng tâm.

Còn mấy câu sau đây của thi sỹ tài hoa Phạm Thiên Thư, tác giả Ngày xưa Hoàng thị, Đưa em tìm động hoa vàng, vẽ nên bức tranh sinh động của một eo biển đẹp như mơ:.

Biển cát vàng bên biển nước xanh
Đồi cao cao trắng xếp mây thành
Dã tràng giăng đón trùng dương lại
Sóng cát bay mờ ngọn gió quanh...

An Hải, An Vĩnh, vườn Đình, xóm Câu, ghềnh Cả... Ở đó không chỉ có những khối đá nhẵn lì, những hạt cát long lanh. Lời sóng rì rầm nhắc nhở: Mấy trăm năm trước, thuở ban sơ của Đội Hoàng Sa, chính ở bến biển nầy, những chàng trai quả cảm của các làng chài An Vĩnh, An Hải đã lên thuyền ra giữ đảo xa, đem cây bàng quả vuông, cây mù u, cây nhãn ra trồng lên Bãi Cát Vàng!

Du lịch, GO! - Theo Lê Hồng Khánh (báo Quảng Ngãi), internet
Mùa hè nóng như đổ lửa cũng là lúc những vườn vải quê tôi nhuộm một màu đỏ sậm. Những quả vải đặc sản đang đem đến sự thay da đổi thịt cho mảnh đất Thanh Hà (Hải Dương).

< Trái vải thiều Thanh Hà.

Từ bao đời nay mảnh đất Thanh Hà là một vùng quê trù phú với hoa thơm, quả ngọt quanh năm nhờ phù sa của các con sông Rạng, sông Hương, sông Thái Bình bồi đắp. Gần 200 năm trước, cây vải đầu tiên được đem về đây ươm trồng. Nhờ sự ưu ái của trời đất, thiên nhiên với mảnh đất Thanh Hà giống tốt gặp đất phì nhiêu đã cho ra một sản vật nổi tiếng, để mỗi khi nhắc tới vải người ta lại nhớ ngay đến mảnh đất Thanh Hà.

Nghe các cụ trong làng kể lại, tương truyền người có công đưa giống cây vải thiều về nơi đây là cụ Hoàng Văn Cơm, một người con của mảnh đất Thanh Hà. Năm 25 tuổi, cụ đi buôn bán và giao thương với người Hoa ở Hải Phòng và được ăn quả vải, thấy hương vị ngon nên cụ đã mang 3 hạt về ươm tại vườn nhà. Ba hạt đều nảy mầm nhưng chỉ còn một cây tồn tại, đó chính là cây vải tổ hiện nay.

Vải thiều được ví như một cô gái đẹp nhưng chóng tàn bởi mùa vải chín rộ trong thời gian rất ngắn, chỉ khoảng nửa tháng, từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5 âm lịch. Tuy vậy, mỗi mùa vải lại là một trải nghiệm thú vị đối với bọn trẻ chúng tôi.

Nhớ hồi nhỏ, bố mẹ thường giao cho chị em chúng tôi đi trảy vải, rồi theo mẹ đi bán vải ở chợ huyện. Vải thì rất nhiều nhưng vải nhà tôi vẫn không bao giờ bị ế và cứ mỗi khi bán được hết hàng, mẹ lại tìm mua cho chị em chúng tôi tấm bánh hay mảnh vải may quần áo.

Mùa vải chín cũng là lúc hình ảnh Thanh Hà đẹp nhất, đặc trưng nhất. Dù đứng ở bất cứ nơi đâu trên đất Thanh Hà đều nhìn thấy những chùm vải lúc lỉu chín đỏ. Từ trên cao nhìn xuống, màu xanh của lá vải đã bị màu đỏ của trái vải lấn át, mỗi chùm vải trông như những đĩa xôi được nhuộm màu rất khéo.

Quả vải còn có tên là lệ chi (giọt nước mắt). Tôi chợt nghĩ đến những quả vải chín mọng kia, đằng sau lớp vỏ gai đỏ với màng bọc trắng tinh là giọt nước mắt của đất trời, giọt nước mắt ngọt ngào…

Vải thiều Thanh Hà không to như các loại vải khác, quả chỉ vừa phải, tròn, dày dặn, mịn và có gai lì. Vỏ vải thiều mỏng và không đỏ ối như vải các nơi khác. Bóc quả vải bỏ vào miệng, cắn một cái là răng ngập vào lớp cùi dày trắng nõn. Nhiều khi chẳng thấy hạt vải đâu, phải nhằn tìm để khỏi nuốt phải hạt. Đặc biệt, mùi thơm của vải ăn xong vẫn còn vương vấn mãi.

Trái vải dễ tiêu hóa, an thần. Dùng vải tươi hay khô đều tốt cả. Vải sấy khô cùi đen lại, dẻo quánh, ngọt vô cùng. Khi ăn, ta có cảm giác như ăn một quả táo Tàu thường có vị thuốc Bắc. Được ăn trái vải sấy khô và uống một ly trà nóng ấm thì thật không còn gì thú hơn. Ở Thanh Hà, nhà nào cũng có bình rượu ngâm vải sấy khô.

Cách phân biệt vải thiều Thanh Hà với loại vải lai:

Vải thiều Thanh Hà cỡ ngón chân cái, chùm và quả to khá đều, màu da vải không quá sậm. Khi bóc ra, cùi vải dày, mọng nước. Trong khi giống vải lai quả to mọng, thân thuôn dài, hạt to, còn hạt vải thiều gần như bị triệt tiêu, sun lại chứ không thành hạt như vải lai. Vải thiều khi cho vào miệng sẽ có cảm giác ngọt dịu, thơm mùi đặc trưng chứ không như vải lai có lẫn vị chua.

Du lịch, GO! - Theo Thảo Nga (TTO), VnExpress

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống