Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Thursday, 21 June 2012

Ngon, lạ miệng, giá cả hợp với túi tiền giới bình dân là điều mà đa số thực khách khi ghé vào các quán ăn trong những lần đi qua Bảy Núi, An Giang.
Bánh canh bò viên là một trong những món ăn đặc sản của vùng sơn cước có nhiều cái ngon kết hợp lại.

Đầu tiên phải kể đến loại gạo thơm đặc biệt Neang Nhen, đặc sản vùng Bảy Núi được xay ra bột làm bánh canh theo công thức thủ công gia truyền.

Để có những cọng bánh canh đòi hỏi người bán phải qua nhiều công đoạn. Từ khuya, chủ quán phải thức dậy để xay gạo được ngâm trong đêm, xay xong giằng bột cho khô nước, kế tiếp là nhồi bột, cán, cắt mỏng tạo nên sợi bánh nhỏ trắng phau mềm, dai, mang đậm vị ngọt của thổ nhưỡng.

Kế đến là nồi nước súp hỗn hợp được ninh nhừ từ xương heo, xương gà, tôm khô, cá… những tinh túy trong nồi nước súp cho ta hương vị đậm đà, bổ dưỡng. Nhưng cái ngon nhất là bò viên. Bảy núi là xứ sở bò vỗ béo, món ngon từ thịt bò được chế biến thành bò viên đã khẳng định vị trí món ăn ngon ngọt mang phong cách địa phương vùng Bảy Núi này. Bò viên được cắt làm đôi có màu đỏ hồng nằm bên cạnh là những đoạn  hành gọi mời hấp dẫn. Cho miếng bò viên nhẫn nha nhai, thịt vừa dòn dai, thơm ngọt đậm đà của bò sơn cước.

Húp muỗng nước súp nóng, mồ hôi tuôn ra, bao nhiêu mệt nhọc bụi đường tan biến. Bên cạnh đó, với lối tiếp khách bình dị, mến khách của chủ tiệm tạo thêm hương vị tô bánh canh bò viên càng thêm ngọt ngào.

Du lịch, GO! - Theo Phúc Lộc (Laodong)
Xin nói trước là chuyện chinh phục đỉnh Fansipan không "xoàng" tí nào cả. Có đủ cung bậc của một chuyến chinh phục thật sự: sự gian khổ, nguy hiểm, tính khắc nghiệt của thời tiết...

So với Phú Sĩ, đỉnh núi cao nhất nước Nhật, đỉnh Fansipan "nhà ta" chỉ kém có khoảng 600m chiều cao, nhưng lại hiểm trở hơn nhiều do có nhiều đèo cao dốc đứng

Ba hướng đi cho nhà thám hiểm

Có ba con đường tương ứng với ba độ khó để leo lên đỉnh Fansipan. Một cái "tua" 2-3 ngày với mức độ "phụ nữ mặc váy cũng có thể đi đến đỉnh" như có người đã nhận định, là đi theo con đường từ Trạm Tôn lên đỉnh rồi lại quay về đường cũ, cấp độ được cho là "dễ thở" hơn cả. Một số công ty du lịch gần đây thường quảng bá cho hành trình này với các tên gọi như "Tour lên đỉnh Fansipan dành cho U50" hay "Fansipan dành cho mọi người".

Thực chất thì hành trình này cũng không quá dễ cho những người không thường xuyên luyện tập thể thao. Ở Trạm Tôn, nay là cổng vườn quốc gia Hoàng Liên, cao 1.934m so với mặt nước biển, phải mất một ngày mới có thể lên đến một trạm nghỉ ở độ cao 2.828m. Sang ngày hôm sau là chuyến chinh phục đỉnh Fansipan ở độ cao 3.143m rồi quay về lại Trạm Tôn.

Hành trình này, theo chiếc máy GPS mang theo bên mình, giám đốc tiếp thị công ty Vietmark Trương Hoàng Phương đo được là 8,36km mỗi lượt đi, về. Hơn tám cây số đường rừng núi là không phải "dễ nuốt". Ít đèo dốc hiểm trở, nhưng cảnh vật đơn điệu vì du khách chỉ được nhìn ngắm cảnh ngút ngàn là rừng trúc.

Hành trình bốn ngày gian khó hơn là đi theo đường "sống lưng" của dãy Hoàng Liên Sơn chinh phục đỉnh Fansipan theo lối đi từ Trạm Tôn rồi quay về thung lũng Mường Hoa, suối Cát Cát, theo sườn đông của dãy Hoàng Liên. Hành trình dài 19,5km với cảnh vật được mở ra thêm những rừng đỗ quyên, rừng tùng, rừng thảo quả bạt ngàn mê mỏi. Thế nhưng, lộ trình của chuyến hạ sơn không đơn giản chút nào vì thường là len theo những con suối, vách đá men bờ vực với những tảng đá rêu phong trơn trượt.

Nếu muốn tăng cường "cảm giác mạnh" hơn nữa thì đi theo lộ trình ngược lại, nghĩa là xuất phát từ Cát Cát rồi về Trạm Tôn. Nhiều du khách khi đi theo lộ trình này đã phải oà khóc nức nở như được "hồi sinh" khi đặt chân lên tới đỉnh.

Một hành trình mà theo các hướng dẫn viên leo núi kỳ cựu ở đây chỉ có khách Tây dám thực hiện, đó là đi trong 6 ngày từ Dốc Mít, Bình Lư, lên đến đỉnh. Đây là lộ trình rất nguy hiểm, chỉ có dân leo núi chuyên nghiệp với những trang bị cần thiết mới có thể chinh phục được.

Mùa đẹp cho chuyến đi

Cũng như núi Phú Sĩ, Fansipan không phải mùa nào trong năm cũng có thể chinh phục được. Chuyện leo núi vốn tối kỵ là trời mưa rào, nên mùa mưa không được ai chọn. "Mùa đẹp" để chinh phục là mùa khô, từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau.

Thế nhưng, không phải ngày nào trong khoảng thời gian này cũng có thể leo núi. Thời tiết vùng này "đỏng đảnh" không kém gì những cô gái mới lớn. Có những ngày khô hanh, gió khô thổi từ sườn tây dãy Hoàng Liên Sơn, những ngọn gió mà người ta thường gọi là gió Ô Quy Hồ, khô nóng không thua gì gió Lào.

Với những trận gió này, đã từng có những du khách leo núi mà trên người chỉ mặc độc nhất... chiếc quần lót! Thời tiết này rất nguy hiểm cho du khách vì dễ xảy ra nạn cháy rừng. Mà rừng thì bạt ngàn là rừng trúc lùn, khi đã cháy thì khó mà dập tắt.

Những lớp mùn rất dày do lá cây lâu ngày rơi rụng tích tụ, không phân huỷ được do thời tiết, cũng sẽ tạo nên những đám cháy ngầm như những trận cháy trong rừng tràm của vùng U Minh trước đây.

Thời tiết đẹp nhất cho chuyến đi chính là một đợt "nghỉ ngơi" giữa hai trận gió mùa Đông bắc. Gió mùa Đông bắc, sau khi thổi xuống Hà Nội, lại ngược lên, men theo sườn đông của dãy Hoàng Liên Sơn mà lên Fansipan, mang theo những luồng không khí lạnh và những trận mưa. Không chỉ là sương mà có cả những trận mưa rào, mưa đá.
Nhiệt độ có lúc xuống dưới 0 độ là nước đóng băng. Thời tiết rất lạnh và những trận mưa rào sẽ làm ngập nước những con suối, mà đường đi phần lớn men theo các con suối.
Thường du khách nên dự trù thời gian cho chuyến đăng sơn của mình dôi ra vài ngày để dự phòng cho sự thất thường của thời tiết, có thể hoãn lại chuyến đi chờ lúc thời tiết tốt. Đã có những chuyến đi phải bị bỏ dở vì những cơn gió mùa Đông bắc bất ngờ ập về.

Khoảng thời gian lý tưởng để thưởng lãm Fansipan chính là tháng 2. Khi đó, mưa giảm, ít lạnh, hoa đỗ quyên nở rộ. Trời trong xanh, có nắng, mây la đà xuống thấp, cảm giác như được "đằng vân" bay bổng. Một ngày nắng "trên đỉnh phù vân" là điều biết bao nhiêu người từng ao ước khi chinh phục Fansipan.

Khát vọng chinh phục

Núi Phú Sĩ, biểu tượng của nước Nhật, hàng năm thu hút trung bình khoảng 25 triệu du khách, mang về cho nước Nhật khoảng 1,5 tỉ đô la Mỹ. Những lúc cao điểm, có đến 400.000 người rồng rắn kéo nhau lên đỉnh núi. Phú Sĩ là một biểu tượng tinh thần, một trường học dạy cho thanh thiếu niên Nhật khát vọng chinh phục. So với Fansipan, ngọn núi này dễ chinh phục hơn do dốc rất thoải, chẳng cần phải dùng giày đinh hay dây để leo.



Đa số những người từng đặt chân lên đến Fansipan đều vỡ oà cảm xúc. Có người thì hét thật to, có người nhảy cẫng lên vì sung sướng, có người oà khóc, có người ôm hôn thắm thiết khối tháp cột mốc đỉnh như thể ôm hôn một cột mốc mới của cuộc đời mình. Thế nhưng theo con số thống kê của trạm kiểm lâm vườn quốc gia Hoàng Liên, mỗi tháng trong mùa leo núi, chỉ có khoảng 600 - 1.000 du khách đến với ngọn núi này. Theo thống kê của Đức Minh, một trong những công ty chuyên đưa khách lên đỉnh, tỷ lệ khách Tây leo núi chiếm đến khoảng 70% và trong số 30% khách nội địa còn lại, số khách đến từ miền Nam chiếm đến 80%.

Hầu như chẳng có ai tự mình tìm đường lên tới đỉnh mà đều phải nhờ đến sự hỗ trợ của các công ty du lịch cho việc ăn, ngủ, khuân vác đồ đạc.

Tuy nhiên, vì là "tua" xương xẩu, nên thường các công ty cũng ngại đưa khách lên đỉnh. Đa số các "tua" đưa lên đỉnh Fansipan thường phải kèm theo các chuyến đi thăm các bản làng người dân tộc thiểu số miền Tây Bắc, như dạng bán bia kèm mồi thời bao cấp.

Ông Đoàn Đức Minh, giám đốc công ty Đức Minh, thổ lộ: "Khách đi về an toàn mình mới yên tâm. Ban đêm, thấy mưa gió sấm chớp, khách mất ngủ trong rừng đã đành, mình ở khách sạn cũng mất ngủ vì lo. Chỉ cần một khách bị ngã gãy chân là phải huy động một bác sĩ và cả chục nhân viên khuân vác để nhanh chóng chuyển khách xuống thị trấn để chữa trị..."

Gian khổ, khó khăn, nhưng đó mới chính là yếu tố làm nên sự hấp dẫn của một chuyến đi. Và Fansipan vẫn sừng sững như một lời thách đố đối với những người mang nhiều khát vọng chinh phục.

Du lịch, GO! - Theo Vietmark Co, internet
Có người thích mùa xuân – mùa của cỏ cây hoa lá đâm chồi nảy lộc, mùa của áo lụa tung tăng, nụ cười rạng rỡ. Lại có kẻ cứ mong đông lạnh về, để trùm áo ấm dấng thân trên những vùng biên ải xa xôi, rét buốt. 
Mùa thu cũng làm cho bao trái tim thổn thức với lá vàng bay bay cùng sự cô đơn đượm buồn.
.
< Dạo chơi quanh hồ bằng thuyền độc mộc.

Còn tôi thì thích mùa hè chói chang, nóng bức. Mùa lý tưởng để đắm mình dưới dòng suối mát lạnh trong veo, hay thỏa chí vùng vẫy giữa biển khơi hiền hòa. Mùa của những người trẻ, vác ba lô, vứt lại sau lưng sự ngột ngạt chốn thị thành, để hòa mình với thiên nhiên, để thấy cuộc đời cần lắm những phút giây ý vị.

< Nếu có một chút tài "ngoại giao", bữa tiệc dã ngoại sẽ có thêm món cá nướng tươi ngon.

Đà Nẵng, thành phố của núi và sông, của trung du và đồng bằng, là nơi không cần quá mười phút để chọn cho mình một bãi cát trắng nên thơ. Và cũng chừng đó thời gian để dựng lều cắm trại bên con suối nhỏ róc rách nằm sâu trong hốc núi u minh tĩnh mịch.

< Mùa này, nước rút, xuất hiện những bãi cỏ mượt mà. Còn gì thú vị hơn khi được tung tăng đùa giỡn trên những tấm thảm tự nhiên ấy nhỉ.

Xin giới thiệu một địa điểm dã ngoại khá lý tưởng cho những ai có ý định “bỏ phố về non”: Hồ thủy lợi Hòa Trung.

Hồ Hòa Trung thuộc địa phận 2 xã Hòa Ninh và Hòa Liên, cách đường DT602 (đường đi Bà Nà) gần 7km. Tuy không xa khu dân cư nhưng lại khá tách biệt. Được bao bọc bởi những ngọn núi, nước hồ trong xanh quanh năm, có rất nhiều đồi mồ côi hay còn gọi là đảo nổi, đẹp như một bức tranh thủy mặc.

< May mắn hơn nếu bạn đi trúng mùa sim chín rộ.

Gần thượng nguồn, có một ngôi làng nhỏ, nhưng do chính sách di dời giải tỏa nên dân cư đã định cư nơi khác. Đó là địa điểm tuyệt vời để cắm trại qua đêm.

Muốn ra ngôi làng bỏ hoang với lúp xúp những mái nhà nhỏ bé ấy có thể đi bằng đường bộ ven theo các sườn núi. Nhưng Bi Kính Lúp khuyên mọi người nên đi đường thủy, vừa đỡ vất vả lại được ngắm toàn cảnh. Cảm giác cứ như kẻ sĩ lên Lương Sơn Bạt ấy, chòng chành thuyền tre, tự do tự tại.

Ở đây có một làng chài nhỏ, người dân rất thân thiện và tình cảm, bạn có thể nhờ họ chèo thuyền dạo chơi, hoặc giúp đỡ một vài chuyện nho nhỏ cho chuyến “định cư” nơi sơn cốc.

< Phong cảnh bình dị.

Có lẽ, dã ngoại đã qua thời "vàng son" của nó. Trào lưu mới đã xuất hiện. Nhưng dù sao, đây cũng là bộ môn hấp dẫn với những ai thích đổi gió một chút cho cuộc sống của mình.

Hãy thử tưởng tượng, cảm giác nằm trên một đồng cả xanh, ngữa mặt lên trời hít không khí trong lành của núi rừng, rùng mình một chút bởi cơn gió thấm đẫm hơi sương, trong một đêm trăng rằm sáng vằn vặt.
Thú vị không? Còn hơn cả thú vị ấy nhỉ!

Du lịch, GO! - Theo Bi Kính Lúp (Nguoiduatin)

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống