Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Thursday, 21 June 2012

Sau nhiều chuyến đi lang tang khắp mọi nơi với sự khởi đầu chỉ là cuốn sổ ghi chép dày đặc các hướng dẫn, đường đi với các nơi dự định sẽ ghé cùng chiếc máy ảnh Cannon 490 còi... thì dần dần, bọn mình cũng được nâng cấp hành trang với cái máy tính bảng MID cũng... còi chả kém.

< Bình minh ở Cà Ná.

Vậy nhưng các thứ "còi bép" vẫn giúp mình dễ dàng hơn trong việc tìm đường, nhanh chóng và thuận lợi hơn trong việc xem bản đồ hành trình. Trời thường: những chuyến đi tuyệt vời lần lượt vượt qua với hàng ngàn bức ảnh cả xấu lẫn đẹp... nhưng cũng đủ phần nào gợi lên "cái hồn" của những nơi đã đến và chắn chắn rằng sẽ là điều khó quên đối với bọn mình, cũng là một cẩm nang nhỏ với các bạn đã đọc bài.

Rồi hai tháng trước, mình tậu được cái netbook Samsung NC110 khá chiến bắt sóng wifi rất mạnh. Cái này đã giúp bọn mình tiếp cận đường đi dễ dàng hơn nữa và nó trở thành một món hành trang không thể thiếu trong các chuyến phượt. Chưa hết, sau một thời gian tự xoay sở thì hồi tuần rồi: bọn mình lại tậu được chiếc máy ảnh Nikon Coolpix L120 mới cóng, mười bốn chấm, siêu zoom 21... và hiện thời vẫn đang tập tành với "con chộp" mới.

Với con máy ảnh này thì có lẽ chuyện "đổ thừa" máy còi bép... ít có cơ hội. Cộng với cái tripod đã được trang bị từ trước thì bi giờ thì có thể zoom các thác hay hẻm núi thật xa để kéo lại gần khi mình không thể đến tận nơi được. Có lẽ nó cũng sẽ giúp mình thu giữ các cảnh vật với màu sắc ảnh tốt hơn ở các chốn siêu hoang dã, ảnh panorama... Thậm chí có thể chụp luôn những ảnh nghệ thuật với người mẫu lãng mạn, tóc xoã tung bay trên đồi cát hoang sơ hay bên khe thác tung bóng bụi nước ven rừng, hay nhỡ?

Tán phét mà chơi, chủ yếu thì "đồ nghề" cho các chuyến du phượt đã tạm ổn. Netbook gọn nhẹ dùng xem bản đồ - truy cập net nếu có wifi và duyệt xem trước trước các hình ảnh rõ ràng hơn. Ngoài ra máy cũng sẽ là phương cách ghi lộ trình lý tưởng cho chuyến hành trình. Cái Cannon cũ sẽ vẫn trực chiến chủ lực để "nửa kia" chộp ảnh ven đường - vẫn ăn ảnh tốt. Con Nikon mới mình sẽ sử dụng thêm khi vào được các chốn có cảnh vật thiên nhiên mê hồn.

Vỏ ruột sau của chiếc Win100 vừa thay sau chuyến rồi, rất tốt do từ hồi về chuyến cuối cùng đến nay vẫn cứng căng. Vỏ ruột trước cũng còn ngon, không hề gì - Nhông sên dĩa mình vừa mua nguyên bộ Mạnh Quang, vừa đem ra tiệm thay cho chắc cú trong chuyến hành trình lần sau. Máy móc, đèn đuốc trước sau đều "mạnh phẻ", vậy là ổn.

Mà chuyến sau sẽ đi đâu nhỉ? Mình xin tiếc lộ nhỏ rằng chuyến này bọn mình có thể sẽ qua các địa danh như thị trấn Liên Nghĩa, Nam Ban, Đình Văn, Tà Hine, đèo Đại Ninh, Bắc Bình, Bàu Trắng...

Khi nào đi thì chưa biết chắc... nhưng rõ ràng là nếu sức khoẻ ok, quan trọng nhất là nếu thời tiết tốt, quang mây (vì bây giờ là mùa mưa: bạn cũng biết nguy hiểm thế nào nếu gặp mưa lớn trên các ngõ đường rừng hay trên đèo - lở đất một phát là mất xác luôn đấy)... là có thể tạo ra ngay cái sự "lên đường".

Lỡ đam mê cái sự hoang dã chốn thiên nhiên, lỡ ham hố cái chuyện phượt phẹo rồi thì một hai tháng lại cứ phải "làm một chuyến". Thôi thì cũng là thú ham vui lành mạnh mà, chỉ tiếc là thú vui đến trễ chứ nếu sớm hơn mươi năm thì còn sức quậy quọ nhiều hơn so với bây giờ.

Mong sẽ sớm có chuyện khởi hành, về lại có khối thứ kể bà con nghe chơi, đỡ buồn... để rồi biết: quê hương mình đẹp lắm, con người vùng cao ở xứ mình vẫn chân chất xiết bao...

Điền Gia Dũng - Du lịch, GO!
Theo trang mạng Globalgrasshopper, một địa chỉ quen thuộc của dân phượt - du lịch, Việt Nam có 10 địa danh mà khách quốc tế không thể bỏ qua.

Bán đảo Sơn Trà

Sơn Trà là một đặc ân mà thiên nhiên đã hào phóng ban tặng cho Đà Nẵng. Với dáng nhoài người vươn ra biển, Sơn Trà là một bức bình phong khổng lồ che chắn bão giông cho thành phố.

Nằm cách trung tâm thành phố 10 km về phía Đông Bắc, bán đảo Sơn Trà với độ cao 693 m so với mực nước biển; giống hình một cây nấm: đầu nấm là núi Sơn Trà và thân nấm là bãi cát bồi, lắng đọng, tạo nên những bãi cát vàng đẹp đẽ, trong lành.

Đây còn là một khu bảo tồn thiên nhiên đa dạng và phong phú, được bảo vệ theo chế độ rừng cấm quốc gia, nổi tiếng là nơi có thảm thực vật đặc sắc với nhiều loại thú rừng quí hiếm như hươu, nai, khỉ, vượn, đười ươi, voọc chà vá, gà mặt đỏ... cùng cảnh vật thiên nhiên vô cùng quyến rũ.

Đến bán đảo Sơn Trà, du khách có khá nhiều bãi tắm đẹp để lựa chọn: bãi Bắc, bãi Nam và bãi Phật... Dân gian đồn rằng, các vị tiên từ trên trời thường chọn bãi cát nơi đây để giáng trần, ca múa, đánh cờ với nhau... nên Sơn Trà còn có tên là Tiên Sa.

Đến nay, bán đảo Sơn Trà vẫn hoang sơ, nhưng với mục đích đưa bán đảo tuyệt đẹp này phục vụ ngày một nhiều hơn cho du lịch, chính quyền thành phố Đà Nẵng đã tiến hành quy hoạch lại khu vực này với nhiều dịch vụ hấp dẫn. Nơi đây có những khu resort như Furama, Sunny Beach, Olalani, hay Silver Shore Hoàng Đạt trải dài hàng chục km. Ngoài ra, sau khi có con đường ven biển đi vòng quanh bán đảo, nơi đây đang phát triển các khu nghỉ mát và casino cao cấp. Núi Sơn Trà có Suối Tiên và suối Đá đẹp và hoang sơ.

Lăng tẩm nhà Nguyễn

Ðó là các lăng vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Ðức (ở đây còn có lăng mộ vua Kiến Phúc), Dục Ðức (ở đây còn có mộ hai vua Thành Thái, Duy Tân), Ðồng Khánh và Khải Ðịnh. Theo ý đồ quy hoạch kiến trúc kinh đô nhà Nguyễn vào đầu thế kỷ XIX, các khu lăng tẩm ấy nằm trong một vùng khá riêng biệt ở phía Tây Huế.

Các vua triều Nguyễn đều xây dựng lăng mộ cho mình ngay khi còn sống vì quan điểm sống gởi thác của nhà Nho và triết lý sắc không vô thưởng của nhà Phật. Các khu lăng mộ xây sẵn có hai chức năng: là nơi khi thỉnh thoảng còn sống các vua lui tới để vui chơi và nơi chôn cất khi họ mất.

Tất cả các lăng điều được xây dựng, quy hoạch theo đúng triết lý phong thủy phương Đông: bất cứ lăng nào cũng tuân thủ các nguyên tắc sơn triều thủy tụ, tiền án hậu chẩm, tả long hữu hổ ... tạo nên kiến trúc rất đẹp và thơ mộng. Tuy niên, trong số đó, lăng vua Khải Định được xem là đẹp nhất.

Đảo Phú Quốc

Đảo Phú Quốc hay còn gọi là Đảo Ngọc, là hòn đảo lớn nhất của Việt Nam, cũng là đảo lớn nhất trong quần thể 22 đảo tại đây, nằm trong vịnh Thái Lan. Đảo Phú Quốc cùng với các đảo khác tạo thành huyện đảo Phú Quốc trực thuộc tỉnh Kiên Giang.

Trên đảo có rất nhiều bãi tắm đẹp. Sóng biển êm dịu, cát vàng óng ánh, không gian yên tĩnh, tạo cảm giác thư thái. Thời điểm đến Phú Quốc tuyệt nhất là từ tháng 10 đến tháng 3.

Khi đến với biển Phú Quốc, du khách không chỉ được đắm mình trong màu ngọc bích mát rượi, mà còn có thể trải nghiệm cảm giác phiêu lưu mạo hiểm khi lặn xuống đại dương, ngắm nhìn những rặng san hô rực rỡ sắc màu...

Hiện, ở bờ phía Đông của đảo vẫn còn dấu tích của trại giam hơn 40.000 tù binh, là nơi mà những người Việt Nam yêu nước bị Pháp và Mỹ bắt giam.

Đồng bằng sông Cửu Long

Lượng phù sa màu mỡ của sông Cửu Long đã mang lại cho vùng đất nơi đây những thảm thực vật đa dạng. Không chỉ mạnh về nông nghiệp, khu vực đồng bằng sông Cửu Long còn là một khu bảo tồn thiên nhiên rộng lớn.

Tới đây, du khách có cơ hội khám phá cuộc sống, hoạt động thường ngày của người dân và ngắm nhìn phong cảnh đa dạng: những cánh đồng lúa bát ngát, con lạch, con kênh uốn lượn bao bọc lấy những gò đất nổi trước khi chảy ra biển.

Theo Luke Nguyễn, Đại sứ ẩm thực Việt tại Australia, du lịch bằng thuyền dọc dòng sông Cửu Long là độc đáo và thú vị nhất để tìm hiểu mảnh đất này. Tuy nhiên, cũng khá mạo hiểm khi bạn phải chòng chành trên những con thuyền nhỏ xíu, mong manh và lướt qua một mạng lưới kênh rạch chằng chịt trước khi đến được những phần xa xôi của dải đất Tây Nam Bộ. Ngoài ra, du khách có thể ngồi xe lam ở thị xã Tân Châu (An Giang), cưỡi bò thong dong qua những cánh đồng lúa yên bình, thơ mộng...

Song, tới đồng bằng sông Cửu Long rồi thì không được phép bỏ qua chợ nổi - đặc trưng của vùng Tây Nam Bộ. Các khu chợ nổi họp trên rất nhiều nhánh sông của dòng Mekong, là nơi cư dân lao động và kiếm sống. Nổi tiếng nhất trong số đó là chợ Cái Bè. Khu chợ phong phú sắc màu các loại hoa quả như dưa hấu, thanh long, măng cụt cùng nhiều thức quà miệt vườn thay đổi theo mùa.

Đèo Trạm Tôn

Sa Pa là thị trấn vùng cao ở Tây Bắc Việt Nam; nổi tiếng với phong cảnh đẹp như tranh vẽ với núi non trùng điệp, thung lũng xanh ngắt, những ngôi làng truyền thống của các dân tộc thiểu số, rừng tre và những đồng ruộng bậc thang.

Để cảm nhận được hết vẻ đẹp của nơi đây, du khách cần phải lên Đèo Trạm Tôn hay Cổng Trời - đỉnh đường bộ cao nhất Việt Nam (2.050m so với mực nước biển), là ranh giới giữa hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu. Đèo thuộc quốc lộ 4D như con rắn dài ngoằn ngoèo len lỏi giữa dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ - nóc nhà Đông Dương.

Cũng là địa điểm kỳ thú ở Sa Pa, Thác Bạc rất hút khách du lịch trong và ngoài nước. Nếu du khách đủ sức khỏe, hãy tham gia hành trình leo lên đỉnh Phan-xi- păng để có có hội tận hưởng những khung cảnh hùng vĩ và không phải nơi đâu cũng có.

Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng

Phong Nha - Kẻ Bàng là khu bảo tồn thiên nhiên đã được UNESCO chính thức công nhận và cũng là nơi có hang Sơn Động lớn nhất thế giới cùng khoảng 300 hang động khác nhau.

Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng tọa lạc tại huyện Bố Trạch và Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, cách thành phố Đồng Hới khoảng 50 km về phía Tây Bắc và thủ đô Hà Nội khoảng 500 km về phía nam. Diện tích vùng lõi của vườn quốc gia là 85.754 ha và một vùng đệm rộng 195.400 ha.

Đặc trưng của vườn quốc gia này là các kiến tạo đá vôi rộng (khu vực này là một vùng đá vôi rộng tới 2.000 km vuông), hang động, các sông ngầm và hệ động thực vật quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ thế giới. Các hang động ở đây có tổng chiều dài khoảng hơn 80 km…

Về Sơn Động, bên trong hang là hồ nước ngầm nằm sâu 13m so với mặt đất cùng vô số thạch nhũ và băng đá. Ngoài ra, nơi đây còn có hang Tiên Sơn, hang Thiên Đường... Chưa kể, hồi tháng 3 vừa qua, sau khi thám hiểm trong rừng đá vôi, đoàn thám hiểm hang động Hoàng gia Anh do tiến sĩ Howard Limbert dẫn đầu và người dân địa phương đã phát hiện thêm 7 hang động mới.

Theo Ban Giám đốc Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, 7 hang động này nằm trên hai tuyến đi bộ khác nhau là tuyến Đại Ải và tuyến Đại Cáo, nơi rất ít người qua lại. Một số hang đã được đoàn thám hiểm đặt tên như: hang Cơn Chay, hang Gió, động Hai Cửa, hang Kỳ… Nhiều hang có độ sâu hàng trăm mét, với suối chảy mạnh phía trong, khiến đoàn không thể ngay lập tức tiếp cận.

Hiện, quần thể hang động ở Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đang nắm giữ nhiều kỷ lục như: khu vực có hệ thống hang động nhiều nhất; có nhiều hệ thống sông ngầm nhất; hang động có vòm động rộng lớn nhất; hang động khô có chiều dài nhất; động Thiên Đường có cầu gỗ dài nhất và có hệ thống thạch nhũ độc đáo nhất.

Vịnh Hạ Long

Nổi trên mặt nước biển là khoảng 2.000 đảo và mỏm đá vôi với đủ hình thù và kích cỡ khác nhau, rất thu hút khách du lịch trong và ngoài nước... là sơ lược ban đầu về Vịnh Hạ Long.

Vịnh Hạ Long là một vịnh nhỏ thuộc phần bờ Tây vịnh Bắc Bộ tại khu vực biển Đông Bắc Việt Nam, bao gồm vùng biển đảo thuộc thành phố Hạ Long, thị xã Cẩm Phả và một phần của huyện đảo Vân Đồn. Vịnh có diện tích khoảng 1.553km² bao gồm 1.960 hòn đảo lớn nhỏ, phần lớn là đảo đá vôi, trong đó vùng lõi của Vịnh có diện tích 334km² quần tụ dày đặc 775 hòn đảo.
Sự kết hợp của môi trường, khí hậu, địa chất, địa mạo, đã khiến vịnh Hạ Long trở thành quần tụ của đa dạng sinh học bao gồm: hệ sinh thái rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới và hệ sinh thái biển, ven bờ với nhiều tiểu hệ sinh thái. Chưa kể, 14 loài thực vật đặc hữu và khoảng 60 loài động vật đặc hữu đã được phát hiện trong số hàng ngàn động, thực vật quần cư tại Vịnh.

Năm 1994, Vịnh Hạ Long được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới lần thứ nhất. Năm 2000, nơi đây lại được công nhận là di sản địa chất thế giới. Và mới đây nhất, tối 27/4 vừa qua, ông Bernard Weber, Chủ tịch New7Wonders, chính thức trao Bằng chứng nhận và biểu tượng Vịnh Hạ Long - kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới.

Hiện, để thưởng ngoạn cảnh sắc hữu tình ở Vịnh Hạ Long, du khách có thể đi bằng thuyền gỗ truyền thống, bằng cano hoặc thậm chí là bơi...

Chùa Một Cột

Nằm giữa trung tâm thủ đô Hà Nội, Chùa Một Cột được xây dựng từ năm 1049 với mục đích tái hiện giấc mơ của Vua Lý Thái Tông về một ngôi đền bay lơ lửng trên một ao sen. Ngôi chùa được thiết kế độc đáo trên một trụ đá trong hồ nước, được coi như một biểu tượng của thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến và là ngôi chùa độc đáo nhất Việt Nam.

Trải qua năm tháng, Chùa Một Cột đã được trùng tu sửa chữa nhiều lần. Đời Lý Nhân Tông (1072 - 1128), năm Anh Vũ Chiêu Thắng 5 (1080), vua cho đúc chuông treo ở chùa gọi là “Giác thế chung” (chuông thức tỉnh mọi người) và một tòa phương đình bằng đá xanh cao 8 trượng. Nhưng vì chuông quá nặng nên phải để dưới đất, do vậy đánh không kêu. Chỗ ruộng để chuông thấp, có nhiều rùa đến ở gọi là Quy Điền. Khi quân Minh bị nghĩa quân Lam Sơn bao vây ở Đông Quân, Vương Thông đã cho phá hủy quả chuông nay để đúc vũ khí (1426).

Năm 1954, trước khi rút quân, Pháp cho tay chân đặt thuốc nổ phá Chùa Một Cột. Sau ngày tiếp quản thủ đô (10/10/1954) Bộ Văn hóa đã có một đợt trùng tu lớn là Chùa Một Cột và Chùa Diên Hựu. Vì thế, ngôi chùa hiện nay là được phục dựng nguyên bản ban đầu sau khi bị phá hủy.

Ngoài ra, cuối năm 2011, UBND quận Ba Đình (Hà Nội) lập đề cương kế hoạch đầu tư dự án tu bổ, tôn tạo Chùa Một Cột theo hướng: bảo tồn Tam Quan, Tam Bảo, Nhà Mẫu, hồ Linh Chiểu; phục dựng nhà Tổ và xây dựng nhà Tăng kết hợp bếp, vệ sinh phục vụ sinh hoạt của nhà chùa; nâng cấp sân vườn, cảnh quan di tích… Dự kiến, tổng mức đầu tư là 31 tỷ đồng và dự kiến hoàn thành vào quý I/2013.

Ghềnh Đá Đĩa

Dù không nổi tiếng như các thắng cảnh khác của Việt Nam, Gềnh Đá Đĩa lại là một kỳ quan thiên nhiên được kiến tạo từ đá bazan núi lửa, tạo thành các trụ đá xếp dựng đứng như những chiếc đĩa vô cùng lạ mắt và có thể nói là có một không hai ở Việt Nam.

Ghềnh Đá Đĩa có diện tích khoảng 2 km vuông, chỗ hẹp nhất 50 mét; nơi dài nhất 200 mét; nằm ở xã An Ninh Đông, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, cách thành phố Tuy Hoà khoảng 40km.

Đá ở đây dựng đứng theo từng cột, liền khít nhau, có tiết diện hình lục giác hoặc hình tròn. Từ trên cao nhìn xuống trông giống như một tổ ong khổng lồ vì kết cấu lạ mắt của các dãy đá.

Lần theo các bậc tam cấp tự nhiên do đá tạo nên, du khách xuống tận chân đá đĩa để tận mắt thấy sự tạo hoá của thiên nhiên làm nên một công trình nghệ thuật mà cứ như chính bàn tay con người tạo ra. Đến với danh thắng này, nhiều người đều liên tưởng đến những hình thù được làm bằng đá ở đảo Phục Sinh - Chile hay Cánh đồng Chum - Lào, khác nhau là những công trình đá trên do chính bàn tay con người tạo ra và đến nay nó vẫn đang là một ẩn số đối với các nhà nghiên cứu.

Cố đô Huế

Là biểu tưởng tiêu biểu cho các loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống của Việt Nam, Cố đô Huế từng là trung tâm của vương triều Nguyễn và là tập hợp của một loạt các ngôi chùa, cổng chào, dòng suối, phòng ốc, vườn thượng uyển và lăng tẩm... Cung Thái Hòa và Trường Sanh là hai trong số những kiến trúc đẹp nhất ở đây.

Quần thể di tích Cố đô Huế được công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 1993.

Du lịch, GO! - Theo Thuỳ Dung (Datviet)
Trước khi đi đăng ký kết hôn, phải “đặt cọc” với chính quyền xã 2 triệu đồng và còn nhiều chuyện phi lý khác nữa tưởng chừng không còn tồn tại nhưng lại đang diễn ra tại một miền quê đất Kinh Bắc.
.
Đám cưới là ngày trọng đại trong cuộc đời mỗi người. Bất cứ cô dâu nào cũng muốn mình thật lộng lẫy trong chiếc váy trắng tinh khôi để bước lên xe hoa. Tuy nhiên, không ít người ngạc nhiên trước câu chuyện một xã lại có quy định cấm cô dâu mặc váy cưới. Được biết, nếu vi phạm “lệ” này, gia đình họ sẽ bị phạt tiền và mất danh dự với làng xóm. Điều đáng nói đó là chuyện tưởng phi lý đó đã và đang tồn tại ở một miền quê vùng Kinh Bắc.

Một chiều chủ nhật, cậu bạn tên Trung, học cùng trung học phổ thông “alo” tôi ra quán cà phê để đưa thiếp cưới.


Ra đến nơi, Trung và vợ sắp cưới đã có mặt từ trước. Sau khi nói chuyện rất vui vẻ, tôi buột miệng khen: “Bạn gái cậu dáng đẹp như thế này chắc mặc váy cưới thì hết chê rồi”. Tôi vừa nói dứt lời, hai vợ chồng Trung nhìn nhau cười đầy ẩn ý. Trung nhăn mặt bảo tôi: “Tiếc là đám cưới vợ tớ không được mặc váy”.

Muốn cưới phải đặt cọc 2 triệu

Cậu bạn nghiêm nghị cho biết, đó là quy định của xã. Nếu ai vi phạm thì coi như mất tiền và danh dự với cả làng. Tò mò, tôi quyết định theo đôi vợ chồng trẻ về quê để tìm hiểu “lệ” làng này.

Quê Trung là làng Phù Lãng (Quế Võ, Bắc Ninh) nằm cạnh con sông Cầu thơ mộng với nghề gốm truyền thống đã nổi tiếng trên cả nước. Từ lâu, chúng tôi đã biết về gốm Phù Lãng và cũng từng đến vùng đất này. Tuy nhiên, đến tận bây giờ, chúng tôi mới biết có một nét “văn hóa” có một không hai: Cô dâu không được mặc váy cưới.

Trung dẫn chúng tôi về nhà chơi như đã hẹn. Sau bữa cơm trưa ấm cúng cùng gia đình, ông Minh, bố đẻ Trung cầm cuốn sổ khoe với PV về những đồ lễ mà ông đã sắm sửa, chuẩn bị lo đám cưới cho cậu con trai lớn. Bỗng dưng Trung hỏi: “Bố đã chuẩn bị tiền đặt cọc để tuần sau con đi đăng ký kết hôn chưa ạ”.

Thấy chúng tôi khó hiểu, Trung phân trần: “Mình chỉ đặt cọc hai triệu đồng vậy thôi chứ cưới xong lại được lấy về. Nếu gia đình nào mà không thực hiện theo nếp “văn hóa” mới sẽ bị phạt số tiền đó. Nhà mình cũng không có ý định vi phạm nhưng nó là quy định rồi. Lâu nay ai tổ chức đám cưới cũng làm vậy, nên mình cũng phải làm theo”. Tôi nghĩ bụng, chẳng lẽ việc đăng ký kết hôn lại như kiểu cầm đồ trên phố?.

Được biết, xã Phù Lãng có năm thôn. Người dân trong xã từ trẻ đến già đều thuộc như lòng bàn tay cái quy định về đám cưới văn hóa mới. Trong đám cưới, gia đình không được bày thuốc lá, không được bày bánh kẹo. Đặc biệt nhất, cô dâu không được mặc váy mà thay bằng chiếc áo dài truyền thống. Thanh niên trong xã bây giờ hay gọi đùa đó là chiến dịch “ba không” cho văn hóa. Trẻ con lên năm lên bảy có khi đọc vanh vách quy định như bảng cửu chương. Cái quy định ấy đã thành “lệ” ở vùng đất này.

“Lệ” được hiện thực bằng cách “đánh” trên kinh tế và danh dự của mỗi gia đình nên ai cũng phải tuân theo. Được biết, mức phạt ai không chấp hành là hai triệu đồng. Số tiền ấy bắt buộc phải nộp khi đôi uyên ương tới xã làm thủ tục đăng ký kết hôn.

Bác Minh cho biết: “Việc làm này chẳng khác nào mấy ông xã nắm dao nắm đằng chuôi. Gia đình nào vi phạm quy định của xã thì không thể lấy lại số tiền đã đặt cọc. Và đương nhiên, gia đình đó cũng phải chịu cảnh lời ra tiếng vào. Còn những người nào sau đám cưới được đến lấy lại tiền cũng coi như lấy lại danh dự cho cả gia đình, dòng họ”.

Mặc váy cưới là “bôi bẩn” uy danh dòng họ?

PV tiếp tục tìm đến nhà vợ chồng Trần Văn Tuấn (SN 1989) và Phạm Thị Phương Hiền (SN 1988). Đôi bạn trẻ này đang tất bật chuẩn bị cho đám cưới. Trên chiếc phông treo trước rạp, chúng tôi thấy ảnh cưới của đôi vợ chồng trẻ có cảnh cô dâu mặc váy.

Chưa kịp thắc mắc thì Tuấn đã nhanh miệng nói luôn: “Chị định hỏi về cái váy cưới phải không? “Lệ” xã không cho mặc váy vào ngày cưới nhưng chụp ảnh thì thoải mái”. Tôi quay sang Tuấn cười, hỏi đùa: “Nhìn vợ em mặc váy cưới xinh vậy mà không dám mất hai triệu đồng diện váy cưới à?”, Tuấn gãi đầu bảo, thực ra số tiền đó so với một đám cưới không đáng gì cả.

Kể cả mất 5 - 10 triệu đồng cậu cũng không “ngại” nhưng nhà có mấy bác đều làm trên ủy ban xã. Tuấn sợ làm trái quy định gây khó cho người thân. Hơn nữa, việc vi phạm quy định gây mất danh tiếng cho dòng họ, gia đình. Suốt ngày phải chịu sự xì xào của thiên hạ. Họ sẽ nói rằng, bố mẹ không biết dạy con. Tuy nhiên, thời gian gần đây, ở xã Phù Lãng đã bắt đầu có một “cuộc cách mạng ngầm” của những cô dâu mang tính cách nổi loạn. Họ là những cô gái lấy chồng “thiên hạ” (những người lấy chồng không ở trong xã Phù Lãng - PV).

Những cô gái này dám mặc váy cưới vì họ lấy chồng xã khác, đăng ký kết hôn ở quê chồng. Ở đó, chính quyền chưa “cập nhật” được những quy định “oái oăm” này. Nguyễn Thu Hường (SN 1991 Thôn Đồng Sài, Phú Lãng) là một điển hình. Cô lấy chồng bằng tuổi ở xã bên cạnh. Vì là cháu gái cả trong gia đình, lại cưới đầu tiên nên ông bà nội của Hường muốn cô mặc áo dài truyền thống theo quy định ở xã. Việc làm này sẽ làm gương cho các em sau này.

Tuy nhiên, khi nghe những lời góp ý của ông bà, cả Hưởng và chồng đều không chịu. Vợ chồng này vẫn quyết tâm mặc váy trong ngày cưới. Ngày cưới đã định trước, không thể hủy hôn nên ông bà nội Hường đã dàn xếp với gia đình thông gia không cho xe hoa đến đón dâu. Họ làm như vậy chỉ với mục đích dọa cô cháu ương ngạnh.

Tưởng rằng sẽ ngăn cản được ý định phá lệ làng của đôi trẻ, nhưng trong lễ rước dâu, Hường vẫn mặc váy cưới, ngồi trên xe máy hồn nhiên tươi cười về nhà chồng. Hỏi Hường về quy định “ba không”, cô cười thỏ thẻ: “Các chị khác lấy chồng ở xã này thì phải chịu thôi.

Bọn em bây giờ lấy chồng nơi khác đều bảo nhau mặc váy. Dần dần muốn các cụ thay đổi quan niệm đi. Đời con gái chỉ có một lần mặc váy lên xe hoa, nếu cấm thì còn gì là cảm giác cưới nữa. Hơn nữa, mặc áo dài cảm thấy mình không được lộng lẫy như người ta”.

Hầu hết những người thuộc thế hệ ông bà của Hiền, Tuấn và Hường đều cho rằng, mặc váy không “vừa mắt” bằng mặc áo dài. Chiếc áo dài vừa kín đáo, vừa gọn gàng, lại thể hiện được truyền thống của người Việt Nam.

Hường kể, ông nội cô mắng: “Chiếc váy cưới dưới thì lòa xòa, trên thì hở hết cả thịt da. Mày mặc vào trông người chẳng ra người, ngợm chẳng ra ngợm mà cũng đua đòi”. Tuy nhiên, những thế hệ như bố mẹ cô thì lại thấy được sự thiệt thòi của con cái khi ngày cưới không được mặc váy. Nhưng, một chút tôn trọng người già, một chút e ngại đã khiến họ tặc lưỡi chiều theo ý của những con người đã ở cái tuổi gần đất xa trời. Không có ông bà sao có bố mẹ, có các con.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Tiến Lên, phó chủ tịch UBND xã Phù Lãng cho biết: “Quy định trên không phải do chúng tôi tự đặt ra mà do người dân đề nghị, lấy ý kiến đa số người dân. Từ đó, thông qua hội đồng nhân dân để đưa nó thành quy chế của địa phương. Việc làm này thực hiện nếp sống văn hóa mới”.

Theo ông Liên, người dân ở đây nói với UBND rằng, do địa hình của địa phương, đường đất bẩn và bụi, mặc váy phủ xuống đường sẽ chẳng khác nào cái chổi sể quét đường. Thứ hai, do phương tiện đi lại trước đây hầu như chỉ có xe máy, mặc váy cưới mà ngồi xe máy thì vừa không thẩm mỹ lại mất an toàn. Thứ ba, người dân quê nhìn cái váy sẽ thấy lạc lõng với cuộc sống nghèo khó.

Hơn nữa, hầu hết người dân cho rằng, áo dài truyền thống mặc vừa đẹp, vừa gọn gàng phù hợp với điều kiện của địa phương. Nếu bây giờ đại đa số họ bảo hủy quy định cấm mặc váy cưới thì chính quyền địa phương sẽ làm ngay. UBND xã không tự đặt ra quy định và cũng sẽ không tự phá bỏ quy định.

Du lịch, GO! - Theo Nguoiduatin, internet

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống