Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Saturday, 23 June 2012

So với miền Bắc thì không khí phượt ở miền Trung hơi trầm lắng. Do nhiều nguyên nhân khác nhau: núi rừng miền Trung toàn rừng rậm, không có các cung đường ngoằn nghèo trắc trở hoặc những con đèo như thể vút lên trời xanh…

Theo mình còn một lý do rất quan trọng, dân đam mê mạo hiểm xứ con đất ốm o gầy mòn này không có sẵn “đường mòn” để mà dấn bước. Tức, đi đâu? Đến đó có cái gì? Dẫu biết phượt là chinh phục, là khám phá. Nhưng không biết ta khám phá cái gì thì chinh phục chỉ là ngồi lên xe mà chạy. Thật đơn điệu.

Mình xin giới thiệu một nơi để ai ở Đà Nẵng có ý định thử sức với bộ môn này tham khảo. Huyện miền núi Đông Giang được ví như bài học vỡ lòng cho đệ tử phượt xứ Đà Thành.

Bởi nó chỉ cách Đà Nẵng hơn 100km theo hướng tỉnh lộ ĐT604. Vượt qua con dốc Kiền ngoằng ngèo, Đông Giang hiện ra trước mắt ta là những cánh rừng nửa nguyên sơ bạt ngàn, tít tắp. Với mình, Đông Giang có những điều hấp dẫn cù rủ bước chân du khách lãng du.

Đông Giang có nông trường Quyết Thắng với những đồi chè thoai thoải rộng miên man ngắm lút tầm nhìn. Ở đây không chỉ có chè mà còn những “truyền thuyết” nửa thực nửa hư rất thú vị về người lãnh đạo cao nhất thành phố. Với những ai thích tìm hiểu thông tin, muốn hiểu về con người mà kẻ yêu nhiều, kẻ ghét cũng không ít ấy thì hãy tìm hiểu nhé. Hấp dẫn lắm đấy, cứ coi như một món ăn khai vị trên bàn tiệc mang tên Đông Giang.

Đông Giang có ngôi mộ gỗ - nét văn hóa vô cùng độc đáo của người đồng bào Cơ tu. Ngôi mộ nhỏ nằm khuất sau bụi cây ở ven đường. Người con trai hiếu thảo  không quản khó khăn, tỉ mỉ đục đẽo, chạm khắc để xây “nhà” cho người cha đã khuất. Trong mộ có đầy đủ vật dụng cho người về thế giới bên kia như chén, đũa, mâm, bát, gùi đi núi… Đặc biệt nhất là huyệt mộ mới lấp một phần hai.

Người Cơ tu quan niệm, vợ chồng phải luôn sống với nhau dù ở dương gian hay về cõi vĩnh hằng. Nửa huyệt mộ còn lại là nơi an nghĩ của người vợ vào một ngày nào đó. Ngôi mộ không chỉ là văn hóa tâm linh độc đáo của người Cơ tu mà là lời răn dạy về đạo nghĩ vợ chồng, về chữ hiếu thiêng liêng.

Đông Giang có món rượu Tà Vạt (có nơi gọi là Tà Vạc) và ông già Gói – người giữ men say cho đồng bào Cơ tu. Đến Đông Giang mà chưa từng thử rượu Tà Vạt thì coi như chưa đến. Uống rượu Tà Vạt mà không hầu già Gói, nghe già kể về quá trình chế biến món rượu đặc biệt này thì Tà Vạt cũng chỉ là thứ nước chua chua thơm thơm nồng nồng mà thôi.

Già Gói ở thôn Ba Liên, xã A-ting, ngôi nhà nằm sâu trong một con đường đất nhỏ, loanh co. Nếu đi đường, tình cờ bạn thấy một ông già râu tóc bạc phơ, cười mỉm mỉm, vai đeo ống hồ lô to tướng dài ngoằng; đích thị đó là già Gói. Đừng bỏ lỡ cơ hội tiếp chuyện và tiếp rượu với cây men sống của núi rừng Quảng Nam nhé.

Đông Giang có nếp đen – một loại gạo nhưng không hiểu sao người ta gọi là nếp. So với bao anh em đồng môn nền văn minh lúa nước, thì nếp đen như một đứa con nuôi, tình cảm nhưng khác giống loài.

Người Cơ tu trồng nếp đen trên những sườn núi dốc đứng. Không cày, không bừa, không gieo, không sạ, không dặm, không lấy nước, trổ nước. Mà gieo trực tiếp, sương rừng, mụn than chính là nguồn sống cây.

Có lẽ vì vậy mà nếp đen có mùi vị rất khác lạ, thoang thoảng thơm, ngăm đen, ngọt bùi chân thật như chính tính cách người dân nơi đây. Bạn đã bao giờ thưởng thức loại nếp đặc biệt này chưa? Nếu chưa thì còn chần chừ gì nữa. Đừng bỏ lỡ cơ hội nhé, tháng 4, những “rừng” nếp đen ngã nghiêng trong gió, ve vút cảm xúc kẻ lạc đường.

Với mình, Đông Giang tuy gần đó nhưng thật xa, xa bởi những nếp văn hóa, xa bởi thói quen sinh hoạt, xa bởi ánh mắt đăm đăm vừa hồn nhiên vừa buồn thẳm của những đứa trẻ người Cơ tu.
Một lần đến Đông Giang

Du lịch, GO! - Theo Bi Kính Lúp (Nguoiduatin), internet
Tôi thường gặp mấy “ông tây”, khi đến Hải Phòng họ đều chỉ vào bản đồ có chữ “Việt Hải Village”. Cái địa danh mỗi năm thu hút hơn 10 nghìn lượt khách du lịch “tây” đến thăm, nhưng lại chẳng mấy du khách Việt biết tới ngoài mấy gã ưa lãng du.
Đó là xã Việt Hải thuộc huyện Cát Hải (Hải Phòng) - một nơi kỳ lạ với những con người kỳ lạ.

“Nàng công chúa ngủ trong rừng”

Đó là mỹ từ mà khách du lịch nước ngoài trìu mến truyền tai nhau sau những chuyến khám phá Việt Hải. Thật lạ là “nàng tiên” này lại nằm ngủ gần chốn phàm đến vậy, chỉ cách thị trấn du lịch Cát Bà hơn 10km đường chim bay.

< Bên giếng nước cổ.

Theo địa giới hành chính thì Việt Hải được gọi là xã với diện tích 86,25km², còn theo chỉ giới địa lý thì nó là một thung lũng nằm trong vùng lõi của Vườn quốc gia Cát Bà - khu dự trữ sinh quyển thế giới. Cái rẻo đất này nằm lọt thỏm giữa biển khơi, bao bọc bởi núi cao và rừng già của vườn quốc gia nên trở thành một ốc đảo tách biệt với phần còn lại của Cát Bà. Chính vì vậy, Việt Hải còn được người ta gọi là “đảo của đảo”.

Nhận lời đưa tôi thăm Việt Hải, anh bạn vốn là dân thổ địa ở Cát Bà cho biết: Để tới được Việt Hải có hai con đường, một là đường biển xuất phát từ bến Bèo (thị trấn Cát Bà), đi tàu mất khoảng 45 phút. Con đường thứ hai là xuyên qua Vườn quốc gia Cát Bà, lội bộ đường rừng khoảng 8 giờ. Chiếc thuyền gỗ gắn máy phành phạch len lỏi qua những mỏm đá lô xô nơi vịnh Lan Hạ quanh năm nước xanh biếc đưa chúng tôi tiến tới xã Việt Hải.

Tới rồi. Chiếc thuyền cập mạn vào cầu tàu khá kiên cố nối với con đường trải nhựa khiến nhiều người có cảm giác về một xã đảo được đầu tư và... chẳng có gì đặc biệt. Tuy nhiên, điểm đặc biệt là con đường với tổng chiều dài 4,8km mà chúng tôi vừa đặt chân lên là không có một nhánh nào đâm ngang, không thể gọi là đường liên xã, liên huyện vì nó chẳng nối với con đường nào khác.

Bác chủ thuyền đồng thời cũng là xe ôm chở chúng tôi đi tham quan Việt Hải kể: “Ngày xưa (cách đây khoảng 10 năm), ở Việt Hải chưa có đường nhựa như bây giờ. Cái hang mà mình vừa phóng xe máy qua là hang... tụt quần. Sở dĩ có cái tên này là vì hang luôn luôn ngập nước nên người đi qua phải cởi quần áo đội lên đầu cho khỏi ướt.

Có lần, mấy bà đi chợ từ đầu hang này sang, phía bên kia có mấy vị cán bộ huyện đang trên đường vào xã. Họ gặp nhau giữa hang, quá bất ngờ cả hai phía đều kêu “ối” thẹn thùng, còn quần áo đội trên đầu thì rơi tõm xuống nước”. Có lẽ đó chỉ là câu chuyện mà người Việt Hải bịa ra cho vui, nhưng mới cách đây 10 năm mà nghe xa xôi quá.

Chợt nhớ Vũ Minh Thọ - người từng được bình chọn là một trong 11 hướng dẫn viên du lịch giỏi nhất thế giới - có lần nói với tôi: Mới chỉ 10 năm trước thôi, cảnh vật và con người Việt Hải vẫn mang nét thuần phác, hoang sơ hút hồn bất cứ ai một lần ghé qua. Thung lũng nằm gọn giữa bốn bề rừng cây, núi đá của Vườn quốc gia Cát Bà, điểm xuyết là những ngôi nhà tường trình bằng đất, lợp mái lá nằm dựa lưng vào triền núi của người dân như cảnh trong những bộ phim cổ trang Châu Á.

Ngày nay ở Việt Hải nhà ngói, nhà mái bằng đang dần thay thế nhà mái lá khiến những người làm du lịch như Thọ tiếc rẻ. Tuy vậy, người ta cũng hài lòng vì Việt Hải vẫn cơ bản giữ được nét hoang sơ, hữu tình. Những loài hoa, cỏ dại vẫn mọc chen lối, tỏa hương thơm ngát khắp thung lũng. Cheo leo trên những đỉnh núi bao quanh, bóng những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi vẫn vươn cành lá trùm lên khắp xã đảo trong những buổi chiều tà.

Vận động phụ nữ trên đảo cùng đẻ... một năm


< Người Việt Hải vẫn giữ lối sống giản đơn như bao đời nay.

Sống giữa một “ốc đảo” tách biệt nên người Việt Hải cũng có những điểm thật lạ lùng. 60 hộ dân với hơn 200 nhân khẩu quần cư nơi đây vẫn tự cấp, tự túc lương thực - thực phẩm và nguồn thu nhập chính của họ dựa vào “săn bắt, hái lượm” những sản vật từ rừng. Dù sống giữa biển cả, nhưng chẳng người nào ở Việt Hải biết nghề đi biển. Cá họ kiếm được lại chủ yếu ở mấy chiếc đầm quanh đảo. Rất kém cỏi trong việc tiếp cận cơ chế thị trường, người Việt Hải ngày nay cứ như thờ ơ trước câu đánh giá: “Việt Hải là một trong những xã nghèo nhất TP.Hải Phòng”.

Thế nào là nghèo khổ? Dù tôi đã đem hết kiến thức ra trả lời, nhưng vẫn nhận được cái lắc đầu của ông Nguyễn Văn Nghiệp - một lão nông Việt Hải. Ông Nghiệp đưa ra một ví dụ sinh động: “Tôi vốn sinh ra ở Hà Nội, sau bao biến cố cuộc đời trở thành một gã giang hồ lang thang khắp chốn. 40 năm trước, tôi dừng chân ở cái nơi heo hút này rồi lấy vợ, sinh con. Cậu bảo thế nào là khổ? Ở đây không bao giờ lo đói vì trên rừng không thiếu quả cây, cánh đồng phì nhiêu dưới chân núi, cá tôm ngay dưới mấy đầm... Còn không khí ở đây thì tuyệt, tôi năm nay 78 tuổi rồi, vẫn sáng sáng chạy bộ 5km, 40 năm không một lần phải dùng đến một viên thuốc. Thế là chúng tôi sướng chứ!”.

Có lẽ quen “sướng” rồi nên bất cứ cái gì liên quan đến “khổ”, người Việt Hải đều ngại. Sinh con, đẻ cái là một cái “khổ” nên ở Việt Hải người ta rất ngại đẻ. Dân quá ít, người ta lại không chịu đẻ trong khi là xã tách biệt hẳn với các địa phương khác nên mới có chuyện chính quyền vận động các phụ nữ... đẻ cùng năm để các cháu mới sinh ra có thể học cùng một lớp. Chuyện thật như đùa này được chính Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Lợi xác nhận một cách rất nghiêm túc: “Đó là chủ trương của chính quyền xã”.

Dân không... chịu đẻ, chỉ có các cô giáo ở Trường Tiểu học Việt Hải là khổ (Việt Hải không có trường THCS và THPT, các cháu học xong tiểu học được đưa vào Trường nội trú Đồ Sơn - Hải Phòng học theo tiêu chuẩn xã đảo đặc biệt khó khăn). Cô Phạm Thị Thúy Ngọc - hiệu trưởng - cứ than ngắn thở dài: “Chỉ mong người dân... đẻ để chúng tôi có học sinh dạy, chứ cả trường chỉ có 20 học sinh chia đều cho các lớp từ 1 đến 5. Mỗi khi lên lớp, nhìn khắp các dãy bàn chỉ có vài học sinh cũng buồn lắm”.

Nghe câu nói này của cô Ngọc, tôi chợt bật cười khi nhớ lại mới ít phút trước, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Lợi khoe thành tích mà mặt buồn rười rượi: “Xã vừa được nhận bằng khen lần thứ hai của huyện vì thành tích 5 năm liền không có người sinh con thứ ba”. Ở Việt Hải quả thật có nhiều sự lạ đời. Dân số 10 năm qua ở đây không tăng mà lại có xu hướng giảm, trường tiểu học xã đang đứng trước nguy cơ không có học sinh.

Voọc Cát Bà từng là “món ăn” không mấy hấp dẫn

< Khách Tây leo núi.

Ngày nay, người Việt Hải dần quen với cảnh những đoàn du khách nước ngoài từ rừng đi tới, từ biển đi vào ngắm cảnh, xì xồ bàn tán, giơ máy ảnh chụp từ cảnh núi rừng đến căn bếp nhà họ. Bằng chứng là theo báo cáo của UBND xã, năm 2011 Việt Hải đón 12.000 lượt khách, từ đầu năm đến nay có hơn 7.000 người nước ngoài đến du lịch. Nhưng, tiếc thay, báo cáo đó chẳng có dòng nào nói về khách du lịch Việt.
Người nước ngoài đến Việt Hải nói chuyện bằng nhiều ngôn ngữ, nhưng dù là tiếng Anh, Pháp, Đức... có một từ mà khi khách phát ngôn ra, người bản địa đều hiểu là từ “Cat Ba vooc”.

Con voọc Cát Bà là loài linh trưởng quý hiếm, trên toàn thế giới chỉ ở Vườn quốc gia Cát Bà mới có. Chúng hiện chỉ còn khoảng 50 cá thể nên đang nằm trong danh sách 10 loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất thế giới. Phần đông các vị khách nước ngoài tới Vườn quốc gia Cát Bà, lặn lội vượt hàng chục cây số, xuyên qua rừng rồi ra Việt Hải đều mong muốn một lần được nhìn thấy voọc Cát Bà ở đâu đó trên ngọn cây.

Nhắc tới loài voọc Cát Bà nay đã nổi tiếng khắp thế giới, ông Nguyễn Văn Nghiệp bảo: “Cách đây 30 năm, loài này sống đầy ở Việt Hải, chúng kéo từng đàn xuống ăn trộm ngô, khoai của chúng tôi. Khi đó, thỉnh thoảng chúng tôi mới “làm vài con” vì chẳng mấy ai khoái món thịt khỉ hôi rình, trong khi sơn dương, nai, hoẵng cứ tràn ngập ra đấy...”. Nói đến đây, ông Nghiệp thở dài: “Nào có ai biết đấy là loài quý hiếm đến vậy? Đến gần 10 năm nay, tôi chẳng thấy bóng dáng con voọc nào”.

< Khách du lịch đến thăm xã Việt Hải (Cát Hải).

Lối sống tự cấp tự túc, dựa vào rừng ở Việt Hải rồi cũng phải đến lúc thay đổi. Người Việt Hải bao năm qua sống dựa vào rừng, nhưng cũng tàn phá rừng quá mức. Được thiên nhiên ban tặng phong cảnh đẹp, nhưng bao năm qua người dân khá thờ ơ với ngành công nghiệp không khói - du lịch. 10 năm qua, Việt Hải đón hàng chục nghìn lượt khách, nhưng cách “làm du lịch” của người dân mới chỉ dừng lại ở việc bán vài gói mì tôm, chai nước lọc.

Mấy năm gần đây, vài hộ năng động nhất xã đứng ra nhận hợp đồng đưa khách tham quan, ăn nghỉ tại miền quê “đảo của đảo”. Bộ đội biên phòng Hải Phòng cũng vừa triển khai mô hình phát triển du lịch cộng đồng gắn với phát triển bền vững ở đây. Khách du lịch đến Việt Hải ngày càng đông, nhưng hy vọng “nàng công chúa ngủ trong rừng” sẽ không vì thế mà phai mờ nhan sắc. Tiếc thay, điều này quả là không dễ dàng gì...

Du lịch, GO! - Theo Việt Hoà (Laodong)
Trời miền Trung những ngày tháng hai nắng vàng óng ả nhưng không gay gắt bởi gió biển ùa vào mơn mởn, chúng tôi phải mất gần 3 tiếng đồng hồ để chạy xe từ Nha Trang mới đến được cảng Đầm Môn rồi từ đó lên tàu để ra hòn đảo xinh đẹp nằm trong khu vực vịnh Vân Phong có tên Hòn Ông.

Là ngày cuối tuần nhưng tàu ra đảo chẳng có nhiều khách. Anh lái tàu bảo Hòn Ông này rất hiếm có du khách Việt ra ở mà đa số là khách Tây. Khách Tây thì họ đi đến xứ ta để nghỉ dài ngày nên chẳng cần phải đến cuối tuần mà ngày nào họ cũng có thể đi được. Lắc lư trên tàu chừng 20 phút, chưa kịp ngắm hết vẻ đẹp của biển trời nơi tàu đi qua thì đã đến đảo. Anh chàng receptionist tôi gọi ra book phòng kiêm luôn doorman niềm nở ra tận tàu đón, phụ chúng tôi mang hành lý vào phòng.

Nếu ai đó tìm một nơi tiện nghi có máy lạnh, tivi, internet, tủ lạnh, hồ bơi hay club nhạc nhẽo... gì đó thì đây chẳng phải là nơi để đến.

Phòng ở nơi đây chỉ là nơi để ngủ với những tiện nghi đơn giản nhất là cái giường có giăng mùng & cái mền nỉ... cùng cái phòng tắm đơn giản nho nhỏ có chừa mấy ô thông gió mà khi tắm thì gió lồng vào lạnh tê tái.

Cả đảo có chừng hai chục ngôi nhà lá là phòng ngủ được bố trí rải rác nằm ẩn mình dưới những rặng dừa xanh, những bụi tre bụi trúc lao xao lả lơi theo chiều gió... Đơn giản chỉ có vậy nhưng tôi rất thích, tôi thích bởi nó thật sự phù hợp với hòn đảo, thích vì nó thật yên bình, trong lành tĩnh mịch. Du khách Tây ở đây cũng toàn người có tuổi nên ai nấy cũng nhẹ nhàng rất khẽ khàng... chẳng nghe tiếng la hét "dzô dzô, ra ra" như những nơi tôi đã có dịp đi qua...

Biển ở đảo bao giờ cũng đẹp & tôi đã có một buổi chiều lặn ngụp với làn nước trong veo mát lạnh nơi này thỏa thích. Hoạt động cứ diễn ra theo một vòng: tắm biển, nằm dài trên ghế phơi nắng, đọc sách hay chợp mắt ngủ gì đó rồi lại nhảy xuống biển bơi tiếp... Và sau đó về phòng tắm rửa thay đồ rồi lang thang ra cầu cảng, ra quầy bar nho nhỏ ở góc đảo chờ đợi để ngắm hoàng hôn tím ngắt trên đảo ở phía chân trời.

Đây là lần thứ ba trong đời tôi được ngắm hoàng hôn đẹp như vậy. Lần đầu là ở đền Tanah Lot bên Bali, lần thứ hai là buổi chiều hoàng hôn vàng rực đã khiến tôi ngất lịm vì vẻ đẹp của nó ở đảo Boracay & hôm nay là ở nơi đây - hòn Ông xinh đẹp này.

Hoàng hôn ở đảo không kéo dài lướt thướt mà trôi qua rất lẹ... phía xa xa, nơi cuối chân trời ở những rặng núi nghiêng nghiêng kia mặt trời từ tự hạ xuống. Bầu trời chuyển từ vàng sang tím rồi đỏ hồng cùng với những đốm mây trắng gợn xa xa làm cho cảnh hoàng hôn cứ như tranh vẽ... cả đảo lúc này chìm ngập trong màu của hoàng hôn...

Không có lựa chọn nào khác cho ẩm thực ngoài nhà hàng trên đảo nhưng nếu muốn dùng bữa trưa hay tối thì phải book trước chứ không phải lúc nào cũng có thức ăn sẵn. Giá cho bữa ăn trưa mỗi người là 12$ còn bữa tối là 15$ theo thực đơn còn bữa sáng được miễn phí. Ban ngày nếu muốn ăn ở biển Sơn Đừng thì có thể thuê thuyền qua đó ăn cũng rất ngon. Phải nói là nhân viên phục vụ ở đây rất dễ thương và thân thiện, miệng luôn tươi cười & cảm ơn rối rít... chúng tôi gọi thêm đồ ăn vì buổi chiều tắm biển đói quá, phần ăn không đủ no. Vậy là được phục vụ thêm nhưng miễn phí không tính tiền!

Buổi tối ở hòn Ông yên ả vắng lặng lắm! Quán bar nho nhỏ trên đảo không có nhạc, chỉ có tiếng gió rì rào, tiếng những nhánh lá dừa đưa mình theo gió đêm kêu xào xạc & tiếng những chiếc tàu cá ngoài khơi xa kia thi thoảng vọng vào.

Do điện sử dụng trên đảo là máy nổ nên việc sử dụng điện cũng rất hạn chế. Trong phòng chỉ có những bóng đèn nhỏ trên đầu giường cho khách nằm đọc sách rồi thêm cái đèn ở phòng tắm & một cái nữa gọi là bóng chính ngay cửa ra vào. Dọc đường đi đèn cũng rất ít chỉ đủ soi đường để bước... Nằm trong phòng, tôi thả mùng, bật đèn đọc trên đầu giường & chìm mình trong câu chuyện của cuốn sách mang theo... tôi ngủ một giấc ngon lành nhưng trước lúc ngủ đã không quên để đồng hồ báo thức sớm mai 5h dậy đi ngắm bình minh...

5h sáng tôi dậy, theo chỉ dẫn của tấm bản đồ lấy từ nhân viên trên đảo, chúng tôi bắt đầu men theo những vạch sơn chỉ dẫn hướng về tảng đá trên cao nhất của đảo để ngắm bình minh.

Hòn Ông nằm không xa nơi ngắm mặt trời mọc trời mọc đầu tiên ở Việt Nam là Mũi Điện, Phú Yên nên nơi đây theo tôi cũng là điểm ngắm bình minh tới sớm nhất... Đường đi quanh co, buổi sáng tờ mờ nên chúng tôi phải dùng đèn pin để tìm dấu chỉ đường là vạch sơn màu đỏ nhỏ xíu được quệt lên các tảng đá hay thân cây trên đường. Sau 30' xuống dốc lên dốc, cuối cùng chúng tôi cũng đã trèo lên được tản đá cao ấy để chờ đón mặt trời nhú lên nơi biển đông xa xa...

Những sớm mai tôi ở trên đảo trời có nhiều mây nên bình minh tôi ngắm được không hoàn hảo như việc ngằm hoàng hôn tím tôi được thưởng thức lúc chiều tà. Cảm giác lành lạnh của sớm mai giữa biển đảo mênh mông khiến con người ta thấy mình thật dễ chịu, từng làn gió biển thổi xốc vào thật lạnh nhưng trong lành biết mấy... tôi tranh thủ ráng mà hít những hơi dài của khí trời nơi đảo vắng hòng để dành mà thở cho những ngày trở về với Sài phố náo nhiệt ồn ào.

Sớm mai trời mây mù thế nhưng bình mình lên thì trời lại nắng vàng rực rỡ... biển bắt đầu xanh biếc làm cho ai không thích tắm cũng phải mủi lòng... Rồi lại tắm, tắm chán chê lại ngã người trên ghế ngắm biển trời, nhấm nháp ly cafe, thả hồn theo từng trang sách... cứ vậy mà tôi tiếp tục tận hưởng quà tặng của thiên nhiên dành cho hòn đảo hoang sơ không lãng phí từng phút giây nào.

Rồi cũng đến lúc trở về, chia tay hòn Ông hoang sơ xinh đẹp & lòng hứa sẽ quay lại. Đường đi có xa xôi đó, nơi này với nhiều người là chán ngắt nhưng tôi lại thích... bởi tôi yêu chốn yên bình tĩnh lặng nơi đó, tôi thích cái bình dị gần gũi thiên nhiên của hòn Ông, tôi muốn mình được ngồi ngắm màu tím chiếu bên cầu cảng nơi ấy & nhất định phải xem lại cho được cảnh bình minh của ánh mặt trời rực rỡ & hoàn hảo vào sớm mai của một ngày không vướng mây che.

Du lịch, GO! - Theo 24h

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống