Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Saturday, 23 June 2012

Sáng mờ sương, chiếc xe loại UAZ 469 huyền thoại chở chúng tôi xuyên qua những trảng cát lúp xúp bụi cây, những đầm phá nhỏ xen giữa các triền đồi thấp. 

Sau chừng 20 phút chạy từ sân bay Cam Ranh, đã thấy trước mặt một vùng trời nước. Vịnh Cam Ranh tĩnh lặng như nàng tiên nằm ngủ yên lành giữa những triền núi thẳm xanh, dù phía xa kia Biển Đông không ngơi sóng gió.

Đặc trưng địa lý khu vực Đông Nam Á với thềm lục địa ngắn, dốc, biển ăn sâu vào đất liền thể hiện rất rõ nơi vùng đất này. Biển đang mênh mông, khi vào đến đây chợt gặp bán đảo Cam Ranh như cánh tay vươn dài, với núi Ao Hồ thuộc phần nam của dãy núi Đồng Bò sừng sững, cao gần 500m án ngữ, bao bọc lấy một vùng nước rộng bên trong. Dường như thấy rằng chừng ấy cũng chưa đủ chở che, thiên nhiên đã kiến tạo thêm một hòn đảo nằm ở đầu mút bán đảo Cam Ranh – đảo Bình Ba, án ngữ nơi cửa vịnh cùng tên.

Ở phần cuối vịnh Bình Ba về hướng tây bắc, biển đột nhiên thu hẹp lại thành một eo nước nhỏ, hai bên là hai mũi đất cao – Mũi Điện và Mũi Hời. Xuyên qua eo Bé là vịnh Cam Ranh mênh mông, thẳm sâu nhưng tĩnh lặng.

Thiên nhiên đã dành cho Cam Ranh một thế núi biển ngọa hổ tàng long. Thế nên, từ lâu vùng đất hiểm trở này đã được sử dụng vào mục đích quân sự. Sau khi khởi sự công cuộc thực dân tại Đông Dương vào nửa cuối thế kỷ XIX, người Pháp đã chọn Cam Ranh để xây dựng quân cảng. Trong cuộc chiến tranh Nga – Nhật hồi đầu thế kỷ trước, khi quân Nga liên tiếp thất trận ở Thái Bình Dương, Nga hoàng Nicholas II đã lệnh cho Đô đốc Zinovy Rozhestvensky chỉ huy Hạm đội Baltic sang Thái Bình Dương tiếp viện. Đội tàu Baltic đã làm một chuyến hải trình từ Đại Tây Dương xuống cực nam châu Phi rồi vòng lên Ấn Độ Dương. Sau khi vào Biển Đông, vào năm 1905, Đô đốc Rozhestvensky đã chọn Cam Ranh làm nơi đồn trú trong chừng một tháng trời để chuẩn bị cho trận hải chiến tại eo biển Tushima.

Khi bóng dáng những chiến hạm của Nga vừa khuất giữa mịt mù sóng nước Biển Đông cũng là lúc người Pháp ráo riết biến Cam Ranh từ một quân cảng nho nhỏ thành căn cứ quân sự lớn, phục vụ cho các chiến dịch thực dân khắp Đông Nam Á. Kể từ giờ phút đó, Cam Ranh với địa thế đắc địa hiếm hoi bên bờ Biển Đông luôn giữ vai trò là quân cảng quan trọng của Pháp. Sau này, người Mỹ cũng đã xây dựng Cam Ranh thành căn cứ không quân, hải quân lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Lúc cao điểm, có tới hơn 30.000 quân Mỹ và đồng minh cùng các đội tàu khu trục, hộ tống, tàu đổ bộ và máy bay tuần tra, tiêm kích, cường kích đóng ở Cam Ranh.

Sau ngày đất nước thống nhất, Cam Ranh dần trở thành một căn cứ quân sự lớn của Liên Xô, làm thế đối trọng với quân Mỹ tại căn cứ Subic ở Philippines. Vào thời điểm năm 1986, có tới hơn 6.000 người Nga bao gồm quân nhân, kỹ sư, công nhân đóng tại Cam Ranh, kèm theo đó là một đội tàu hùng mạnh, với khu trục hạm, tiểu khu trục, tàu hộ tống, tàu ngầm hạt nhân và tàu cao tốc. Tháng 5 năm 2002, quân nhân Nga cuối cùng rời Cam Ranh, chấm dứt thời kỳ hiện diện của các lực lượng quân sự nước ngoài tại quân cảng này. Người Nga rời đi, nhưng Cam Ranh với thế núi chở che biển cả vẫn giữ nguyên giá trị chiến lược đặc biệt của mình.

Đến Cam Ranh lần này, chúng tôi không có ý định tìm hiểu nhiều về lịch sử của quân cảng vốn được mệnh danh là “pháo đài bên bờ Thái Bình Dương”. Chúng tôi đến đây để “yết kiến” hai vị vua Đinh Tiên Hoàng và Lý Thái Tổ.

Tên của hai vị hoàng đế thuộc thời kỳ đầu của kỷ nguyên độc lập dân tộc giờ đây được đặt tên cho hai chiến hạm tối tân nhất của một lực lượng Hải quân đang trên đường hiện đại hóa – hai tàu hộ vệ tên lửa lớp Gepard 3.9.

Khi chiếc UAZ 469 còn ở trên triền dốc xa, chúng tôi đã thấy bóng dáng những chiếc tàu xám trên nền nước ửng hồng buổi bình minh. Có thể dễ dàng nhận ra hai chiến hạm Đinh Tiên Hoàng và Lý Thái Tổ qua vóc dáng đồ sộ, cũng như lớp vỏ thép nhẵn nhụi vốn là đặc trưng của những tàu chiến tàng hình, nằm giữa những chiến hạm nhỏ hơn, thuộc các lớp Molniya, đậu theo đội hình gần đấy.

Tàu Gepard 3.9 được đóng tại Nhà máy Zelenodolsk ở nước Cộng hòa Tatarstan thuộc Nga. Đây là loại tàu chiến hiện đại, có khả năng tàng hình và hỏa lực rất mạnh, với hệ thống vũ khí chống ngầm, chống hạm và phòng không ứng dụng các công nghệ mới nhất. Tàu được thiết kế để chịu các điều kiện đại dương khắc nghiệt nhất và có thể hoạt động liên tục trong nhiều ngày liền. Hiện nay, chỉ mới có Nga – nước sản xuất – và Việt Nam đưa vào biên chế hải quân loại tàu này.

Chiếc Gepard 3.9 đầu tiên chính thức được biên chế vào Lữ đoàn 162 thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân đóng tại Cam Ranh vào tháng 3/2011 và được đặt tên theo người anh hùng đã bình định 12 sứ quân để lên ngôi vua – Đinh Tiên Hoàng. Chiếc thứ hai được biên chế vào cùng đơn vị hồi tháng 8/2011, và mang tên vị vua dời đô Lý Thái Tổ.

Như vai trò của hai vị hoàng đế thuộc thời kỳ đầu của kỷ nguyên độc lập, hai chiến hạm Gepard 3.9 mang tên Đinh Tiên Hoàng và Lý Thái Tổ đóng vai trò tiên phong trong công cuộc hiện đại hóa quốc phòng của Việt Nam, với ưu tiên hướng tới Hải quân và Không quân. Chủ trương này đã được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng – Đại tướng Phùng Quang Thanh nêu rõ vào ngày 3/8/2011: “Phương hướng xây dựng quân đội sẽ theo hướng cách mạng, chính quy tinh nhuệ, từng bước hiện đại, trong đó Hải quân, Phòng không – Không quân, Thông tin liên lạc, Tác chiến điện tử… đi thẳng vào hiện đại để bảo vệ đất nước”.

Quân đội sẽ từng bước được hiện đại, riêng Hải quân và Không quân sẽ được hiện đại hóa nhanh chóng. Trong xu hướng đó, sắp tới đây, các chiến hạm Gepard tân tiến hơn, với các tính năng chiến đấu mạnh mẽ hơn, sẽ được bổ sung vào lực lượng Hải quân Việt Nam. Song song đó là các nỗ lực tự chế tạo tàu chiến và tên lửa đã, đang và sắp được triển khai.

Lúc tới thăm quân cảng Cam Ranh, chúng tôi đã tận mắt chứng kiến không khí hối hả trên công trường xây dựng căn cứ cho tàu ngầm lớp Kilo. Sau vài năm nữa, một lữ đoàn tàu ngầm hiện đại sẽ chính thức ra mắt tại đây, như chính tuyên bố của Đại tướng Phùng Quang Thanh vào ngày 3/8/2011: “Trước mắt, trong 5, 6 năm tới, ta sẽ có một lữ đoàn tàu ngầm với 6 tàu hiện đại”.

Trong căn phòng nhỏ nằm giữa thân chiến hạm Lý Thái Tổ, Thượng úy Nguyễn Hải Dương dán mắt vào màn hình radar, bên tai anh, chốc chốc lại vang lên khẩu lệnh của Thuyền phó – Thiếu tá Nguyễn Đình Giảng từ phòng chỉ huy trên cao vọng về: “Mạn phải 30, góc tầm 45, mục tiêu bay vào…”. Trên màn hình xuất hiện tín hiệu chiếc máy bay mục tiêu lúc này đang đảo vòng trên bầu trời vịnh Cam Ranh. Chiếc máy bay lúc ẩn lúc hiện, như cố tìm cách thoát ra khỏi “vùng phủ sóng” của radar, nhưng bất kể thế nào, Dương và tổ chiến đấu của anh vẫn khóa chặt được “con mồi”. Nếu đây là thực tiễn chiến đấu, chàng sĩ quan trẻ chỉ cần nhấn nút phát hỏa là mục tiêu bị hạ.

Nguyễn Hải Dương vốn là học sinh chuyên toán ở Nghệ An. Thế rồi tình yêu biển đã thôi thúc anh gia nhập Hải quân. Sau khi ra trường, anh nhanh chóng trở thành một chuyên gia súng pháo, tên lửa cừ khôi trên các tàu tên lửa. Chuẩn bị cho tiến trình hiện đại hóa Hải quân nhanh chóng, Nguyễn Hải Dương cùng nhiều sĩ quan thuộc thế hệ trên dưới 30 tuổi như anh đã được chọn đào tạo bài bản để tiếp nhận loại tàu chiến hiện đại Gepard 3.9. Từ khi lên tàu mới, Dương như chú đại bàng biển mọc thêm cánh. Những kỹ năng chiến đấu của anh và đồng đội không ngừng được hoàn thiện. Chỉ sau một thời gian ngắn, Dương và đồng đội đã làm chủ được con tàu.

Trong chừng hai tiếng đồng hồ, lực lượng trên hai chiến hạm Lý Thái Tổ và Đinh Tiên Hoàng đã thực hành bài bắn hạ mục tiêu trên không. Mục tiêu là một chiếc tàu lượn bay rất cao, ẩn hiện giữa những quầng mây xám trên biển.

Các vị trí chiến đấu từ chỉ huy tàu, sĩ quan tính hiệu, sĩ quan cao xạ, súng, pháo, radar và tên lửa đã phối hợp với nhau nhuần nhuyễn, dồn tất cả hỏa lực vào mục tiêu. Thuyền phó Nguyễn Đình Giảng cho biết: “Đinh Tiên Hoàng, Lý Thái Tổ thuộc thế hệ tàu chiến hiện đại, có khả năng tác chiến độc lập trên biển rất cao. Chiến thuật được áp dụng với loại tàu này cũng có nhiều khác biệt so với truyền thống.

Thế nên, việc đào tạo cho các sĩ quan chỉ huy là rất quan trọng. Anh em chúng tôi ở đây đều là những sĩ quan từng kinh qua các lớp tàu tên lửa thế hệ trước, giờ được đào tạo rất kỹ càng ở trong và ngoài nước nên làm chủ phương tiện rất nhanh. Sau hai năm đào tạo, giờ đây từ sĩ quan chỉ huy tàu tới sĩ quan các bộ phận đều đã thành thạo các kỹ năng chiến đấu”. Còn Thượng tá Đỗ Quốc Tuấn – Thuyền trưởng tàu Đinh Tiên Hoàng chia sẻ: “Không chỉ tiếp thu các thao tác kỹ thuật để điều khiển tàu từ các chuyên gia Nga, anh em còn dịch thuật tài liệu, nghiên cứu các bài tập chiến thuật mới để hoàn thiện kỹ năng chiến đấu. Trên cơ sở chiến thuật của nước ngoài, chúng tôi kết hợp với chiến thuật của Việt Nam, đặc biệt là từ kinh nghiệm chiến đấu của các thế hệ cha anh, để áp dụng vào loại tàu chiến hiện đại này”.

Rời quân cảng Cam Ranh vào buổi chiều muộn, khi buổi thao luyện vừa kết thúc, chúng tôi cảm nhận được nhiệt tình và quyết tâm của các anh qua từng cái bắt tay chắc nịch. Từ những chiếc “xuồng tên lửa”, giờ đây các anh đã bước lên những chiếc tàu chiến tối tân, đại diện cho một lực lượng Hải quân Việt Nam hiện đại.

Từ chốn cỏ lau, Đinh Bộ Lĩnh đã dấy binh dẹp loạn, lên ngôi hoàng đế, đem thái bình thịnh trị khắp cõi trời nam, đặt nền móng vững chắc cho một quốc gia độc lập. Lý Thái Tổ dời đô từ chốn chật hẹp ra chỗ mênh mông, cũng với quyết tâm tạo nên một chỗ đứng vững chắc, một vị thế đĩnh đạc cho nước nhà trong bối cảnh vừa thoát khỏi sự đô hộ của phương Bắc. Trên tinh thần đó, hai chiến hạm Gepard 3.9 ở quân cảng Cam Ranh, mang hiệu hai vị hoàng đế thuộc thời đầu của kỷ nguyên độc lập dân tộc, là một minh chứng cho quyết tâm không gì lay chuyển được, là biểu trưng cho ý nguyện của toàn dân Việt Nam trong việc bảo vệ vững chắc từng tấc đất, tấc biển mà cha ông ngàn xưa để lại.

Tên vịnh Cam Ranh có nghĩa là “bến nước ngọt”, nằm ở cực Nam của tỉnh Khánh Hòa phía Nam Việt Nam, là đỉnh tột cùng nhô ra nổi bật nhất của đường bờ biển hình vòng cung phía Đông Nam Việt Nam, là vị trí yết hầu chiến lược kiểm soát cả Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Khoảng cách từ vị trí này đến tuyến hàng hải quốc tế ở hai đại dương nói trên chỉ bằng hải trình một tiếng đồng hồ, vì thế Cam Ranh có vị trí chiến lược hết sức đắc địa, từ trước đến nay vẫn luôn là vị trí giành giật tất yếu của các nhà quân sự.
Vịnh Cam Ranh bốn bề được bao bọc bởi một quần thể núi đá cao khoảng 400m, ăn sâu vào đất liền 17km, rộng 6km, diện tích thủy vực rộng hơn 100km 2 .

Độ sâu trong vịnh bình quân từ 16 đến 25m, chỗ sâu nhất đến 32m, là một trong những cảng nước sâu tự nhiên có giá trị nhất thế giới. Trong vịnh có thể đỗ được hàng trăm tàu cỡ lớn hàng vạn tấn, kể cả tàu sân bay.

Nội cảng được phân thành hai khu vực là cảng quân sự và cảng thương mại, trong đó cảng quân sự nằm ở thị trấn Cam Ranh bờ phía đông, sâu 14m, có 6 cầu tàu chính, xưởng đóng tàu có thể sửa chữa các tàu cỡ lớn và đóng tàu cỡ nhỏ, còn có kho chứa dầu, kho đạn dược và kho quân nhu đảm bảo cơ sở vật chất, hệ thống trinh sát điện tử và thông tin cũng tương đối hoàn thiện. Khu ngoại cảng hay còn gọi là đảo Bình Ba, sâu trung bình từ 10 đến 22m, tương đối thuận tiện, có đường sắt và đường bộ liền nhau.

Du lịch, GO! - Theo Châu Minh Linh (Báo Petrotimes), ảnh internet
Đây là những dòng nhật ký của Jenny Coad, một du khách nước ngoài ghi lại những cảm xúc của anh về cuộc hành trình vòng quanh đất nước Việt Nam. Bài viết được đăng trên Dailymail.

"Đến Đông Nam Á, những người bạn thường hỏi tôi rằng “Bạn sẽ đi đâu?”, và tôi nói rằng, “Tôi đến Việt Nam”. Với riêng tôi, Việt Nam đẹp kỳ lạ nhưng rất giản dị, mộc mạc - vẻ đẹp thật khéo níu giữ người khác.

Dải đất hình chữ S với đường bờ biển dài cùng nhiều bãi cát mịn, những hòn đảo nhiệt đới luôn khiến tôi nao lòng trước phong cảnh hữu tình nơi đây. Thật khó để quên đi những kí ức đau buồn về cuộc chiến tranh giữa hai nước; chúng sẽ để lại dấu ấn không thể phai nhòa. Nhưng thật kì lạ, bất cứ khi nào tôi hỏi người dân ở đây rằng họ cảm thấy thế nào về những du khách Mỹ, thì đều nhận được câu trả lời giống nhau, đó là: Họ luôn chào đón chúng tôi.

Hà Nội là điểm khởi đầu trong chuyến đi của tôi. Thời điểm tôi ở đây đúng vào dịp người Việt Nam đón Tết Nguyên đán. Thời tiết lúc này khá lạnh nhưng có vẻ như cái sự nhộn nhịp chuẩn bị Tết đã khiến họ quên đi cái giá rét. Lòng tôi thấy vui vui và bớt ngột ngạt hơn khi ngắm những cành đào đỏ thắm, cây quất vàng ươm trên đường. Vào dịp Tết, mọi người trong gia đình sum vầy, tưởng nhớ về tổ tiên, giành cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất, chúc mừng thầy cô và tặng những đồng tiền may mắn cho trẻ em. Tôi vui sướng khi được một cụ già mừng tuổi và đương nhiên, tôi không quên mang nó bên mình như một đồng tiền may mắn.

Có rất nhiều nơi để tham quan nhưng tôi không có đủ thời gian. Tôi đã đi thăm Lăng chủ tịch Hồ Chí Minh - nơi cất giữ thi thể của Người. Khi đi thăm Nhà tù Hà Nội - nơi các chiến sĩ làm việc, tôi có cảm giác kinh hoàng trước những hình ảnh được tái hiện trước mắt. Hà Nội 36 phố phường là một khu phố cổ, được thành lập từ thế kỷ 11, luôn luôn đông đúc bởi các giao dịch buôn bán. Nhưng làm thế nào mà người dân nơi đây vẫn giữ được nét thanh lịch, tao nhã vẫn là bí ẩn với tôi.

Đến với Hà Nội, ấn tượng sâu đậm nhất trong tôi có lẽ là những món ăn đường phố. Có rất nhiều quán ăn vỉa hè, mọi người ngồi trên ghế nhỏ bằng nhựa và thưởng thức những tô cháo, bát bún riêu, chiếc chân gà nướng hay tô phở nóng hổi... Nếu có dịp đến Hà Nội, hãy thử cảm giác này và bạn có thể tìm thấy chính mình khi thưởng thức tô phở Hà Nội đó. Phở Hà Nội - món ăn sẽ khiến tôi nhớ mãi không quên.

Nhớ lời khuyên của người bạn, tôi đã có phút giây thư thái khi được thả hồn mình cùng những bãi biển đẹp và hang động kì vĩ ở Hạ Long. Tôi đã được trải nghiệm và khám phá những nét đẹp nguyên sơ của vịnh Hạ Long thơ mộng, một bức tranh thuỷ mặc khổng lồ vô cùng sống động với hàng ngàn đảo lớn nhỏ dần hiện ra trước mắt tôi...
Đây thực sự là điểm đến kì diệu.

Sau khi rời Hạ Long, tôi di chuyển vào Huế và Hội An - nằm ở vùng duyên hải miền Trung. Ấn tượng đầu tiên trong tôi là không gian nơi đây thật nhẹ nhàng, thoáng đãng hơn so với sự ngột ngạt ở Hà Nội.
Ở Huế, bạn có thể tham quan nhiều tàn tích của quá khứ khi các vị vua cai trị, các lăng tẩm, đình miếu, am thờ… Lăng Tự Đức được thiết kế rất công phu, cầu kì, phong cảnh sơn thủy hữu tình và là một trong những lăng tẩm đẹp nhất của vua chúa nhà Nguyễn.

Lăng Khải Định được xây dựng từ năm 1920 ngay sau khi Khải Định lên ngôi. Về kiến trúc, lăng được người đời sau đặt ra ngoài dòng kiến trúc truyền thống thời Nguyễn bởi sự pha trộn kiến trúc Đông Tây Kim Cổ lạ thường với các tác phẩm nghệ thuật ghép tranh sành sứ độc đáo.

Hội An - một thành phố nhỏ dịu dàng, yên ắng nằm sát con sông Thu Bồn lãng mạn. Người dân Hội An nơi đây hiền hòa, dễ mến. Họ buôn bán nhỏ dọc trên những con phố dài với những ngôi nhà gỗ cổ xưa, tạo cho tôi cảm giác êm đềm, dễ chịu. Khi màn đêm buông xuống, dọc trên các con phố nhỏ hiền hòa là những dãy đèn lồng lung linh huyền ảo. Nó đem lại cho tôi một cảm giác khó quên, cảm giác ấm cúng, yên bình đến khó tả…

Tôi cũng có dịp ghé thăm địa đạo Củ Chi trước khi đặt chân đến Sài Gòn. Đây là hệ thống địa đạo nằm sâu dưới lòng đất và tôi phải bò lom khom để di chuyển trong đường hầm. Cuộc sống dưới địa đạo thiếu ánh sáng, ẩm ướt, nóng bức; tôi thật khâm phục ý chí và sự dũng cảm của những người dân, chiến sĩ đã hết lòng chiến đấu, hi sinh vì Tổ quốc của các bạn.

Nếu bạn muốn chơi đùa với cát trắng, biển xanh thì bạn sẽ không thể bỏ qua bãi biển Phan Thiết tuyệt đẹp hay đảo Phú Quốc - đảo du lịch lớn nhất Việt Nam cùng nhiều ngọn núi đồi, dãy rừng nguyên sinh cùng hệ sinh thái vô cùng phong phú.

Cùng sự náo nhiệt, nhịp sống sôi động của những con người đất Sài thành, tôi có dịp trải nghiệm, tìm hiểu thêm về phong tục, về con người thân thiện nơi đây. Nếu sự nhẹ nhàng, thanh lịch của người Tràng An luôn làm tôi cảm thấy ấm áp thì sự tươi trẻ, năng động của con người nơi đây lại khiến tôi thấy rạo rực và bồi hồi với sự mến khách rất riêng.

Trước khi kết thúc chuyến hành trình du lịch Việt Nam, tôi có dịp ghé thăm Côn Đảo. Phải công nhận rằng, nơi đây thật sự là thiên đường của nghỉ dưỡng và khám phá thiên nhiên. Với bãi biển riêng cùng làn nước trong xanh, hệ sinh thái phong phú, những gì đẹp nhất như hiện ra trước mắt tôi. Nơi đây tôi cảm thấy rất ấm áp, thư thái tâm hồn khi hòa mình cùng bầu trời trong xanh hòa bình.

Người ta thường nói, các hòn đảo nhỏ của Côn Đảo quây quần bên nhau tựa như một chuỗi ngọc trên biển cả mênh mông. Mỗi hòn đảo lại có một vẻ đẹp riêng, hòn to, hòn nhỏ, hình dáng khác nhau, viền xung quanh những hòn đảo lớn là những bãi cát mịn, chói lòa ánh nắng. Thật tiếc khi tôi chưa có dịp thăm thú hết các đảo nơi đây nhưng chắc chắn, tôi sẽ còn quay lại để thưởng thức hương vị của thiên đường.

Khi trở về đất nước của mình, tôi sẽ kể với những người bạn của tôi về đất nước xinh đẹp của các bạn, về con người thân thiện, dễ mến; về những món ăn tôi không thể quên; về những trải nghiệm thú vị; vẻ đẹp lãng mạn, nên thơ, ngọt ngào như hương vị của thiên đường. Và giờ đây, tôi đã sẵn sàng để hát lời khen ngợi đất nước quyến rũ này!"

Du lịch, GO! - Theo Jenny Coad (Nguoiduatin)
Hôm nay là ngày đi học cuối cùng của con tôi, trước khi lớp mẫu giáo của con được nghỉ hè. Các bậc phụ huynh được mời đến dự liên hoan chia tay với lũ trẻ, và suốt cả buổi, các bà mẹ rôm rả có mỗi một chủ đề – sẽ đi nghỉ hè ở đâu.

Nhà thì đi Phú Quốc, nhà thì đi dọc bờ biển miền trung, nhà thì đi Hà Nội để từ đó đi tiếp Sa Pa, Hạ Long, lại có cả mấy nhà đi du lịch nước ngoài. Kế hoạch nào nghe cũng “hoành tráng” cả. Ai cũng tâm lý, kỳ nghỉ này vừa là thưởng cho đứa con cưng của mình một năm ngoan ngoãn, cũng vừa là dịp để bố mẹ thoát khỏi công việc bừa bộn mệt mỏi, để được ăn chơi hưởng thụ một chút. “Làm cả năm, cũng phải xả láng một tí cho sướng đời chứ tội gì”.

Chắc các bạn cũng giống nhóm “bà tám” chúng tôi, đều đang suy tính cho kỳ nghỉ hè sắp tới. Bản thân tôi cũng trông ngóng đến kỳ nghỉ này...

Cả nhà tôi đều thích biển, ra bờ biển nằm lè phè, ăn hải sản, bơi ì oạp, còn gì thích bằng. Nhưng tôi muốn chia sẻ với các bạn một chút thôi: mình hãy cùng “du lịch xanh” nhé.

Các bạn đừng mắng tôi nhiều chuyện,  tôi xin hứa là du lịch xanh không có nghĩa là bạn phải thoả hiệp mức “phè phỡn” của mình đâu. Nhưng sao du lịch mà cũng phải “xanh” vậy?
Du lịch là một trong những ngành bán lẻ lớn nhất trên thế giới. Mỗi năm, toàn thế giới có khoảng 900 triệu khách du lịch quốc tế, (chưa kể các khách du lịch nội địa), tiêu xài khoảng trên 1 ngàn tỉ đôla, tức là khoảng 3 tỉ đôla mỗi ngày.

Chắc các bạn cũng khó hình dung, ngành du lịch là một trong những ngành có nhiều tác động nhất lên môi trường. Có ba tác động chính. Thứ nhất, nó làm cạn kiệt các nguồn tài nguyên vốn đã khan hiếm: ví dụ nguồn nước.

Nước được sử dụng cho các khách sạn, bể bơi, sân golf, công viên nước. Một sân golf trung bình ở các nước nhiệt đới như Thái Lan hay Việt Nam mỗi năm dùng lượng nước bằng với 60.000 người dân địa phương.

Hơn thế nữa, khách du lịch luôn có xu hướng sử dụng nhiều nước khi đi du lịch hơn là khi ở nhà (Bạn có thú nhận là bạn cũng có tâm lý này không?). Trung bình mỗi khách du lịch sử dụng từ 400 – 1.500 lít nước mỗi ngày, trong khi ở nhà, trung bình mỗi người chỉ dùng khoảng 150 lít.

Ngoài ra, với đặc tính theo mùa, nhiều nơi vào mùa cao điểm có lượng người sinh sống cao gấp 10 lần so với mùa thấp điểm, gây áp lực lên các nguồn tài nguyên địa phương như năng lượng, thực phẩm, và các nguyên vật liệu khác.

Thứ hai, du lịch gây ra các vấn đề ô nhiễm như bất cứ ngành công nghiệp nào khác. Mỗi tháng có khoảng 2,5 triệu chuyến bay cất cánh trên toàn cầu, tức là khoảng hơn 80 ngàn chuyến mỗi ngày. Khách du lịch chiếm 60% những người đi lại bằng máy bay và du lịch hàng không là nguyên nhân gây hiệu ứng nhà kính lớn nhất, làm trầm trọng thêm tình trạng biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, tình trạng vứt rác bừa bãi là nguyên nhân lớn gây ô nhiễm môi trường. Rất nhiều danh lam thắng cảnh đẹp thường là ở các vùng nghèo, các khu vực xa xôi hẻo lánh, nên cũng không có hệ thống xử lý rác thải, và các điểm du lịch biến thành các bãi rác khổng lồ.

Thứ ba là các tác động vật lý: Các khu phong cảnh đẹp, như bờ biển, sông hồ, núi, rừng, thường là những khu vực tự nhiên có hệ sinh thái phong phú, đa dạng sinh học cao, và các hoạt động du lịch làm suy thoái các hệ sinh thái này:

Do xây dựng các công trình lớn, các hoạt động khai thác cát, gỗ, phá rừng, phá bờ biển làm khách sạn, các dịch vụ du lịch ngoài biển gây huỷ hoại rạn san hô và hệ sinh thái biển nói chung và các nguồn thuỷ hải sản, các tuyến trekking xuyên rừng nguyên sinh gây phá huỷ môi trường hoang dã của các loài.

Và những thói quen xấu của người đi du lịch: Các bạn thử nghĩ xem, có phải khi đi du lịch các bạn thường lười mang theo vật dụng cá nhân như dầu gội đầu, bàn chải, kem đánh răng... mà thường phụ thuộc hết vào khách sạn. Bạn có biết mỗi năm các khách sạn lớn trên thế giới tiêu thụ khoảng hơn 600 triệu chai dầu gội và xả.

Và phần lớn mỗi chai chỉ được dùng một chút là lại bỏ đi, thải hàng đống nhựa và hoá chất ra môi trường. Rồi thì ai cũng lấy mấy tờ bản đồ hay quyển hướng dẫn du lịch miễn phí, hết chuyến đi lại vứt đi. Bao nhiêu cây bị chặt để in hàng triệu cái bản đồ và sách hướng dẫn chỉ được dùng một lần đó!

Lại “quan trọng hoá vấn đề” rồi. Cả năm được có kỳ nghỉ hè mà cũng định “o ép” hả? Tất nhiên là tôi không có ý định đó rồi. Tôi chỉ muốn các bạn cùng tôi lập một kế hoạch du lịch xanh thôi.

Chọn khách sạn: Bạn hãy chọn khách sạn có dịch vụ tiết kiệm nước và năng lượng. Bạn sẽ giúp tiết kiệm được 20% nước và 40% năng lượng so với khách sạn thông thường. Website của khách sạn chắc chắn có thông tin này đấy.

Thu xếp hành lý: Bạn hãy mang hành lý gọn nhẹ bao gồm những vật dụng cần thiết. Và tốt nhất là bạn mang đồ “toiletries” của mình. “Bật mí” là đồ của khách sạn cũng không phải là loại tốt đâu, nhiều khi cũng không hợp với tóc hay da của bạn. Và nhớ dùng máy ảnh kỹ thuật số nhé.

Hãy là một khách du lịch nhiều thông tin: Khi bạn đã quyết định đi du lịch ở đâu thì nên lên một hành trình thật kỹ càng, rồi tìm thông tin về những nơi mình cần đi trên mạng. Thay vì lấy nguyên cả quyển hướng dẫn, bạn hãy tìm và in ra những trang thật sự cần thiết, hoặc cái bản đồ. (Nhớ sử dụng giấy một mặt khi in nhé!)

Thay đổi thói quen: Nhân tiện nói đến in, tôi biết là rất nhiều các bạn hiện nay đã dùng vé máy bay điện tử.
Như thế cũng là “xanh” lắm rồi, so với loại vé in mấy liên ngày xưa. Nếu sắp tới tất cả vé máy bay đều là vé điện tử, thì ngành hàng không toàn cầu có thể tiết kiệm đến 3 tỉ đôla mỗi năm đấy. Tuy nhiên, bạn còn có thể làm tốt hơn thế nữa, bằng cách không in cả vé điện tử ra, mà chỉ lưu code vé máy bay, ký hiệu chuyến bay, giờ bay vào điện thoại di động, rồi đưa cho nhân viên lúc làm thủ tục.

Khi ở khách sạn, bạn hãy cố gắng chỉ yêu cầu thay khăn tắm, ga giường khi nào thấy cần thiết. Ngành công nghiệp khách sạn dùng 65 ngàn lít nước cho một phòng trong một năm cơ đấy. Bạn nên bật điều hoà ở mức vừa phải. Và nhớ tắt hết các thiết bị điện trong phòng khi ra ngoài. Tôi rất ghét nhiều người có cái thái độ “đằng nào cũng trả tiền phòng rồi!”.

Hãy hỗ trợ kinh tế địa phương: Phần lớn các địa điểm du lịch đều ở những địa phương còn nghèo. Bạn hãy chọn ăn ở những nhà hàng địa phương, mua quà lưu niệm của địa phương thay vì đồ làm ở nơi khác hoặc đồ nhập khẩu.

Du lịch mùa cao điểm: Nếu bạn có thể chủ động thời gian nghỉ phép, bạn nên tránh du lịch mùa cao điểm. Chắc các bạn đã nghe bao nhiêu chuyện về mỗi dịp 30.4 hay 2.9, mọi người ùn ùn kéo nhau đi nghỉ.

Lần nào cũng lặp lại tình trạng đi nghỉ mà chỉ chuốc thêm bực bội: Giá phòng nghỉ, giá ăn uống thì bị đội lên đến mấy lần, chất lượng dịch vụ thì kinh khủng, mà ai cũng vẫn phải cắn răng chịu đựng. Những bãi biển thì hầu như chả ai bơi được vì đông quá. Chưa kể việc các con đường cửa ngõ ra vào thành phố thì tắc nghẽn hàng giờ liền, đi nghỉ như vậy thì còn mệt hơn ở nhà.

Tôi rất hiểu là khi đi nghỉ, ai cũng muốn được sung sướng. Nhưng tôi chắc là một kế hoạch du lịch xanh cũng không làm cho kỳ nghỉ của bạn kém vui, mà nó lại giúp bạn giảm chi phí, và bạn cũng cảm thấy hài lòng vì mình đã giúp cho cả cộng đồng địa phương và bảo vệ môi trường. Hãy làm một công dân thời thượng biết bảo vệ môi trường, đi du lịch xanh với tiêu chí hãy đừng lấy đi cái gì ngoài những bức ảnh, hãy đừng để lại gì ngoài những dấu chân.

Chúc các bạn có một kỳ nghỉ tuyệt vời, và biết đâu, nhà tôi lại “chạm trán” với nhà bạn trên một bãi biển nào đó. Khi đó các nhà chúng ta sẽ cùng giao lưu và “tám” tiếp nhé.

Du lịch, GO! - Theo Hoàng Thị Minh Hồng (SGTT), ảnh internet

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống