Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Sunday, 1 July 2012

Nằm giữa rừng nguyên sinh Đèo Gió (thuộc địa phận xã Nấm Dẩn, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang) trên độ cao gần 1.500 mét, thác Táng Tinh đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của khách du lịch bởi vẻ đẹp hùng vĩ giữa núi rừng đại ngàn.
Từ trung tâm huyện lỵ Xín Mần - thị trấn Cốc Pài, vượt 17 cây số qua những con đèo lắt léo, quanh co, du khách sẽ đến thác Táng Tinh. Qua xã Nà Chì, vượt Đèo Gió đã bắt gặp một vùng rừng nguyên sinh trải dài từ xã Quảng Nguyên đi qua xã Chế Là, về xã Nấm Dẩn tiếp giáp tận huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai.
Rừng nguyên sinh Đèo Gió có diện tích vùng lõi trên 800 ha với nhiều tầng sinh học đa dạng. Rừng có hàng ngàn thực vật rừng quý hiếm được bảo tồn như: Gỗ sến, có cây ngàn năm tuổi, dổi, đinh, táu mật, cùng hàng trăm loài phong lan rừng, thảo mộc, thảo quả, nấm các loại.

Các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã khám phá động thực vật Đèo Gió và xác nhận: Đèo Gió là biểu tượng của rừng nhiệt đới gió mùa còn lại khá nguyên vẹn, chứa nhiều gien quý cần bảo tồn phục vụ lợi ích con người cho cả trước mắt và mai sau.

Nằm trong rừng Đèo Gió là thác Táng Tinh đổ từ độ cao 70 mét xuống tạo thành một tiên cảnh giữa rừng già kỳ vĩ. Năm 2009, quần thể rừng Đèo Gió và thác Táng Tinh được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di sản Thiên nhiên cấp quốc gia.

Thác Táng Tinh còn được gọi là thác Tiên hay thác Gió vì dưới chân thác lúc nào cũng có gió thổi rất mạnh, đưa làn hơi nước mỏng nhẹ bay lơ lửng khắp không gian. Nhìn từ xa, thác Táng Tinh có đôi dòng chảy nên có người gọi là thác Đôi để ghi nhận sự trường tồn bên nhau của nàng con gái bản Mường và con trai Thần Núi sau khi chết theo tuơng truyền.

Người bản địa nói rằng, thác Táng Tinh có từ rất xa xưa, khi con người có thể nói chuyện được với muôn thú và sống chan hòa với nhau giữa núi rừng mênh mông này. Khi đó, người già, người trẻ trong làng đều biết câu chuyện về nàng con gái xinh đẹp của làng và con trai Thần Núi.

Nàng vì phát hiện được bí mật của Thần Nước nên phải chịu tội nếu không thì nước sẽ cuốn trôi cả buôn làng, muôn thú. Chỉ có một cách là nàng phải làm vợ con trai Thần Núi thì mới “xóa” được tội. Nhưng nàng là người còn chàng là rắn. Người không thể lấy rắn. Và nàng đành để lại mẹ già nhờ dân làng chăm sóc rồi lên rừng trầm mình xuống hồ chịu tội với thần linh. Nàng chìm dần, chìm dần trong làn nước trong xanh.

Mái tóc nàng bồng bềnh trong nước rồi vươn lên bờ đá, rớt xuống bên dưới tạo thành dòng thác ngày đêm tuôn trào, đưa nước về bản làng cho người dân sinh hoạt, tưới tiêu. Chim muông hay chuyện vội vàng bay đi báo cho chàng hay. Khi chàng đến nơi thì nàng đã chìm sâu trong nước. Chàng đau khổ quay về rồi ngất lịm trên đường...

Người đời sau vẫn ghi nhớ sự hy sinh của người con gái đem lại sự sống cho dân làng nên đặt tên thác là Táng Tinh. Không biết từ bao lâu, con thác vẫn ngày đêm tuôn chảy giữa rừng già tạo nên một kỳ quan thiên nhiên xinh đẹp. Ngày lễ, các chàng trai, cô gái đến đây vui chơi, tắm mát và cầu nguyện được hạnh phúc trọn đời bên nhau.

Từ độ cao khoảng 70 mét, thác nước đổ xuống trông xa như mái tóc của con gái. Nơi đây cao gần 1.500 mét so với mực nước biển, gió luồn qua rừng, qua rẫy thổi thốc lên tung nước tạo thành những hạt li ti bay vương vãi như làn khói. Ngay tại chân thác, nước ồn ào cuồn cuộn nhưng mặt hồ thì chỉ có những gợn sóng nhỏ lăn tăn.

Tương đương độ cao với thác Đam Bri ở tỉnh Lâm Đồng nhưng thác Táng Tinh không dữ dội mà luôn yên ả, lượt là như nết na người con gái Mường trong truyền thuyết. Nước suối dưới chân thác lặng, yên bình và trong vắt quanh năm, nhìn thấu tận đáy. Suối nông nên du khách cứ thế ùa xuống chơi đùa, chụp ảnh thoải mái nhưng nước rất lạnh nên chỉ đứng một lúc là phải lên ngay.

Một cây cầu cong cong được xây vắt qua suối, từ đây có thể men theo lối đi xi-măng có tay vịn để tham quan một vòng suối và chiêm ngưỡng vẻ hoang sơ nơi rừng già rậm rạp. Vào dịp cuối tuần hay nghỉ lễ, người dân quanh vùng thường rủ người thân, bạn bè đến đây dã ngoạn, vui chơi giữa thiên nhiên hoang sơ hùng vĩ và không khí trong lành để đầu óc thư thái, quên đi những mệt mỏi, ưu phiền.

Từ thác Táng Tinh xuôi dốc chừng 6 cây số là đến Bãi đá cổ nơi người Việt cổ sinh sống có niên đại trên 2.000 năm tuổi ở thôn Nấm Chanh, xã Nấm Dẩn. Bãi đá cổ chia thành 7- 9 vùng quần thể bãi đá được tìm thấy trong vùng có dấu tích người Việt cổ sinh sống. Vùng Bãi đá lớn nhất, trên phiến đá lớn nhất, có các họa tiết để lại nhiều hoa văn, hình họa mang tính phồn thực ghi dấu ấn một thời xã hội Cổ đại mẫu hệ.

Trải qua hàng ngàn năm, đến nay Bãi đá cổ còn rất nhiều điều bí ẩn chưa được giải mã. Các nhà khảo cổ học cho rằng, người Việt cổ trải qua thời kỳ mẫu hệ sinh sống tại đây, phát triển ra sao còn là bí mật. Đến đây, du khách tận mắt chứng kiến và chạm tay lên dấu ấn của ngàn năm...

Cùng với quần thể di sản đá cổ Nấm Dẩn, thác Táng Tinh đang trở thành điểm đến của du khách ưa khám phá và tìm hiểu về lịch sử vùng đất cực Bắc Tổ quốc.

Khám phá thác Tiên

Du lịch, GO! - Theo Liên Ngọc (Cần Thơ online), ảnh internet
Chinh phục bầu trời, thoả mãn ước mơ bay để được ngắm đất nước từ trên cao – đó là điều mê hoặc khiến những người yêu môn thể thao nhảy dù.

< Niềm vui sắp được chinh phục bầu trời của các bạn trẻ.

Được chinh phục bầu trời, được bay lượn như những cánh chim, vùng vẫy giữa không gian bao la, đó là cảm giác có thật mà bộ môn nhảy dù mang lại cho nhưng người hâm mộ. Cùng cảm nhận môn thể thao mới mẻ này qua một chuyến bay của những thành viên CLB Hàng không phía Bắc thuộc Quân chủng Phòng quân không quân.
Vượt chặng đường 160km, sáng sớm, hơn 10 thành viên CLB Hàng không phía Bắc đã có mặt ở núi Linh Trường, xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hoá, tỉnh Thanh Hóa, một điểm bay hấp dẫn, tiềm năng.

Cõng trên mình cả “đội bay” và lỉnh kỉnh đồ đoàn, chiếc xe ôtô gồng mình vượt qua con đường hẹp, ngoằn nghèo với độ dốc lớn. Đứng ở điểm cất cánh với độ cao 250m, phóng tầm nhìn, mới hay sự tinh tường của người tìm ra điểm bay này. Không chỉ là điểm cất cánh, hạ cánh lý tưởng mà đây thực sự là bức tranh “sơn thủy hữu tình” với bãi biển hoang sơ, bờ cát trắng  chạy dài tít tắp, con sông Lạch Trường uốn lượng và những dãy núi nhấp nhô.


< Chuẩn bị "đồ nghề".

Từ những chiếc túi gọn gàng, giờ bung ra những chiếc dù với sải cánh dài, đủ sắc màu rực rỡ. Kiểm tra thiết bị, đường chạy, xác định lại hướng gió, tốc độ gió, nhẩm lại những nguyên tắc kỹ thuật bay, mọi thành viên không khỏi hồi hộp, phấn khích.

Tay vung cao những sợi dây dù, chân guồng gấp gáp chạy ngược chiều gió, khi khoang trống của chiếc dù đã no căng, cũng là lúc bàn chân của họ chới với và rồi cả người lao vút vào không trung bao la. Sau cú tiếp đất đẹp mắt, Tuấn Anh, học viên khóa 1, hồ hởi: “Đây là điểm bay mới nên rất hồi hộp. Khi bay cảm giác rất khó tả, mình giống như những chú chim được mở rộng tầm mắt, nhìn ngắm đất nước tuyệt đẹp”.

Là người luôn tìm kiếm cảm giác mạnh ở những môn thể thao mạo hiểm, nhưng với Tuấn Anh, được bay là một trải nghiệm tuyệt vời nhưng cũng là môn đỏi hỏi người chơi phải vượt qua những hữu hạn của bản thân để chiến thắng nỗi sợ hãi. “Ai chơi môn này đều trải qua nỗi sợ hãi. Lần đầu tiên bay ở ngon núi cao 600m, một mình tự lái, tự chịu trách nhiệm với bản thân, cảm giác thực sự là rất khó tả, vừa sợ hãi, vừa thích thú vô cùng. Nhưng khi đã chế ngự được nó thì rất tuyệt vời”, Tuấn Anh tâm sự.

Là môn thể thao mạo hiểm, tưởng như chỉ dành cho cánh mày râu bạo gan nhất. Nhưng theo hướng chỉ tay của Tuấn Anh, ngước lên trời xanh, phía dưới cánh dù màu cam rực rỡ, cái chấm nhỏ xíu đang bông lơn cùng gió, cùng mây ấy lại là một thục nữ yêu kiều.

Vẫn chiếc mũ phi công nặng trịch trên đầu, Thùy Dương không giấu niều vui khi mình là người có màn tiếp đất gần điểm T thành công nhất, đươc thầy giáo và các bạn hết sức khen ngợi. Thùy Dương chia sẻ: “Mình rất sung sướng. Lần đầu bay ở đây nên hơi run, hồi hồp vì chưa biết địa hình, hướng bay. Lần đầu cất cánh thất bại vì quên động tác - đáng lẽ điều kiện gió như thế này mình phải giật sâu hơn”.

Vui là thế song Thùy Dương chưa thỏa mãn bởi vẫn còn phải phụ thuộc vào sự điều khiển của thầy giáo, và theo cô, chỉ khi nào tự mình xử lý tình huống mới thật sự hài lòng.

Với một “phom” người chuẩn, gương mặt khả ái và rất nữ tính ít ai nghĩ rằng Thùy Dương lại dám dấn thân với môn thể thao mạo hiểm này. Thùy Dương chia sẻ: “Chỉ một lần bay thử với thầy giáo là em mê luôn. Về nói với bố mẹ, bạn bè thì ai cũng ngạc nhiên và đều ủng hộ...

Cái được lớn nhất là thả mình tự do trên bầu trời, được ngắm đồng rộng bằng con mắt thực của mình, không như ngồi trên máy bay. Lời khuyên cho các bạn nữ muốn chơi môn này là phải kiên trì”.

Là một trong 10 học viên đầu tiên của CLB hàng không phía Bắc, sau gần 5 tháng, Dương đã có bảng thành tích khá dày dặn với 14 chuyến bay.

Theo anh anh Phạm Quang Tuấn, trưởng bộ môn dù lượn, nhảy dù bắt đầu du nhập vào Việt Nam từ 2003 và đến thời điểm hiện nay cả nước có 4 CLB, được chia đều cho 2 thành phố là Hà Nội và TP HCM, với số lượng gần 80 phi công. Thời gian gần đây, nhất là khi bộ môn này được trở thành một môn thi ở Seagames thì nhảy dù thực sự thu hút sự quan tâm của giới trẻ.

Nếu như với những người ngoại đạo, nhảy dù, nhất là dù lượn là một môn thể thao vô cùng nguy hiểm, nhưng theo anh Tuấn, cũng như phi đội của mình, thì đây là môn thể thao có tính an toàn cao. “Nhiều người nghĩ đây là môn cực kỳ nguy hiểm nhưng thực tế không phải vậy. Chúng ta đi xe máy nguy hiểm hơn nhiều.

Chính là yêu cầu tính kỷ luật cao, chính xác. Thực ra với người mới, nếu điều kiện thời tiết thuận lợi chỉ cần thì 5-7 buổi là bay độc lập. Sau đó cần nâng cao kỹ thuật”, anh Tuấn chia sẻ.

Vì tính chất mạo hiểm nên người chơi dù phải trải qua quá trình đào tạo khá kỹ càng. Sau các buổi học lý thuyết, nằm lòng những kiến thức như  gấp dù, ngồi dù, học nhảy từ trên cao xuống đất, xử lý trường hợp phát sinh có thể gặp phải khi đang rơi, thì chỉ với 5-7 buổi tập là học viên có thể bay độc lập. Tuy nhiên, đây cũng là bộ môn lắm công phu, ngoài chi phí cho bộ dù từ 15 - 30 triệu đồng thì cũng còn nhiều khâu hậu kỳ không kém phần vất vả, tốn kém.

Hiện nay, để mở rộng môn thể thao này, CLB hàng không phía Bắc đang mở nhiều lớp chiêu sinh miễn phí và điều kiện rất đơn giản, chỉ cần sức khỏe tốt, không bị bệnh tim mạch, đều có thể tham gia các khóa tập bay.

Được chinh phục bầu trời, thoả mãn ước mơ bay để có những trải nghiệm cực kỳ thú vị khi nhìn ngắm đất nước từ trên cao – đó là điều mê hoặc khiến những người yêu môn thể thao này bất chấp hiểm nguy để “phượt” cùng mây gió.

Quê hương dưới cánh dù
Chơi dù lượn ở biển Hoằng Trường

Du lịch, GO! - Theo Lê Hằng (VOV2), internet
Quảng Bình được nhiều du khách biết đến bởi các danh lam thắng cảnh và những bờ biển đẹp làm say đắm lòng người, đặc biệt nơi đây còn có nhiều món ăn khiến ai đã từng được thưởng thức đều nhớ mãi không quên...

Nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đến Quảng Bình tham quan và  thưởng thức những món ăn đặc sản đều có chung nhận xét, hải sản ở Đồng Hới rất phong phú và tươi ngon.
Đúng vậy, thiên nhiên biển trời đã ưu đãi dành tặng cho vùng đất này những miếng ngon, vật lạ với đầy đủ các loại hải sản ở nước ngọt, nước lợ và nước mặn. Bên cạnh đó, những con mực, con tôm, con cá...dưới bàn tay khéo léo của người dân Quảng Bình đã được chế biến thành những sản phẩm ẩm thực ngon thượng hạng. Có lẽ vì vậy, du khách dù đã nếm đủ sơn hào hải vị các vùng miền, vẫn cho rằng món ăn ở đây có hương vị đậm đà riêng.

Đến thị xã Hoa Hồng, khi màn chiều vừa buông xuống, du khách ghé vào đâu đó trong những quán nằm trên dãy kè biển Nhật Lệ là đã có thể cảm nhận và thưởng thức nhiều món biển đầy hấp dẫn. Chỉ với một bếp than nhỏ và cách nấu không rườm rà qua nhiều công đoạn, du khách nhanh chóng được nhâm nhi đủ các loại hải sản như: cá, tôm, sò, nghêu, ốc...theo hai cách là nướng và hấp tùy theo yêu cầu. Đây được coi là cách ẩm thực độc đáo của người dân vùng biển “ăn sóng nói gió” bởi hải sản dù đã nấu chín nhưng vẫn giữ được nguyên mùi vị đặc thù tươi rói, khi ăn thì béo và ngọt sắc.

Trong đó, món sò huyết, hàu, chép chép khi hấp lên thì hăm hắp nước và ngọt lịm; cá mú, cá hanh, cá chim nướng thì tươi ngon và béo ngậy, còn mực thì ngọt và giòn... Đáng nói hơn, thú ẩm thực nơi đây còn gắn liền với không gian và cảnh sắc yên bình của biển Nhật Lệ. Trong không gian của biển trời mênh mông, sông nước hữu tình và gió trời lồng lộng, du khách vừa thưởng thức món ăn dân dã vừa ngắm cảnh hoàng hôn từ từ buông xuống.

Đặc biệt, du khách còn được giới thiệu một trong những món hải sản tươi ngon, bổ dưỡng và được coi là độc chiêu, đó chính là đẻn biển. Có thể nói, món ăn này đã trở thành niềm tự hào của người dân xứ sở và chúng tôi tin rằng, khi thưởng thức đẻn biển, ngay bản thân người bản địa cũng sẽ thấy tự hào với những đặc sản lạ và ngon đến bất ngờ. Tuy được chế biến dưới nhiều hình thức khác nhau, nhưng món đẻn ở thành phố Đồng Hới được nhiều người biết đến nhất là tiết đẻn pha rượu trắng và ram đẻn.

Hãy một lần nhấm nháp hương vị của rượu tiết đẻn thì bạn sẽ cảm thấy cái vị ấm nồng và hơi chát hòa lẫn tạo nên cảm giác rất khó quên. Ngoài rượu đẻn thì ram cũng là một món cực ngon. Vị đặc trưng của ram đẻn nơi đây thật khó để diễn tả hết bằng lời. Với cách làm thật đơn giản, những con đẻn được làm sạch sẽ, băm thật nhuyễn rồi cho gia vị vào trộn đều, sau đó cuốn lá lốt thành từng chiếc ram nhỏ và cho lên chảo rán đều. Khi ấy, du khách sẽ cảm nhận được một mùi thơm bốc lên thật cuốn hút. Một đĩa ram đẻn nóng hổi thơm ngon sẽ khiến du khách bốn phương muốn ở mãi không về...

Ẩm thực Quảng Bình còn phong phú và đa dạng với nhiều món bánh như: bánh bèo, bánh lọc, bánh xèo, bánh đúc, bánh khoái...mà khi du khách thưởng thức đều thấy món nào cùng ngon, cũng khoái và nhớ mãi không quên. Bánh xèo gạo lứt Quảng Hòa là một món ăn có tiếng và được nhiều du khách du lịch tìm mua để thưởng thức.

Bánh được làm từ gạo đỏ, qua nhiều công đoạn chế biến thủ công cho thành thứ nước bột gạo, rồi dùng khuôn tráng bánh và cho thành sản phẩm. Bánh xèo ăn ngon nhất là lúc vừa tráng xong, tráng tới đâu ăn tới đó và ăn kèm với mộng giá, rau sống, bánh đa và nước chấm.

Còn nếu lạc chân về con đường Lê Thành Đồng (Đồng Hới), du khách khó có thể cầm lòng bỏ lỡ cơ hội thưởng thức từng chiếc bánh mới nấu nóng hổi với tên gọi bánh bột lọc. Món bánh bột lọc tôm sông được làm từ hai nguyên liệu chính là bột sắn và tôm.

Sau khi qua nhiều giai đoạn xay, lọc và nhào khá công phu, người làm bánh sẽ có một thứ bột trắng tinh, thơm và dẻo. Đem vắt mỏng bột sắn thành từng miếng vừa miệng ăn, rồi bỏ vào trong mỗi miếng là một con tôm sông đã được rim kỹ cùng vài sợi nấm tai mèo thái mỏng và dùng lá chuối sứ gói bánh chặt lại. Công đoạn cuối cùng là hấp bánh lên cho đến khi bánh chín chuyển sang màu đục trong suốt thì bắt đầu đưa ra khỏi nồi...

Kể về những món ăn dân dã và đặc sản Quảng Bình thì còn rất nhiều, song cũng như bao vùng đất khác, ngoài những món ẩm thực được dùng tại chỗ thì Quảng Bình còn có những sản phẩm ẩm thực phục vụ cho khách du lịch làm quà cho người thân, bạn bè và gia đình. Trong đó, hầu hết các sản phẩm ẩm thực phục vụ du lịch đều gắn liền với những làng nghề nổi tiếng được hình thành và phát triển cùng với đời sống sinh hoạt của cộng đồng dân cư trong lịch sử như: bánh tráng Tân An, xã Quảng Thanh (Quảng Trạch), hải sản khô xã Bảo Ninh, ruốc Hải Thành (Đồng Hới), nước mắm Đức Trạch (Bố Trạch), khoai deo Hải Ninh, rượu Võ Xá (Quảng Ninh)...

Điều đáng nói, các sản phẩm của các làng nghề không chỉ đơn thuần có giá trị sử dụng và phục vụ cho hoạt động du lịch mà ở đó còn kết tinh các giá trị văn hóa truyền thống đang được người dân Quảng Bình lưu giữ và nâng niu.

Du lịch, GO! - Theo Ngọc Lưu (Quảng Bình Online), ảnh sưu tầm

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống