Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Monday, 2 July 2012

Theo Tỉnh lộ 623B từ thành phố Quảng Ngãi về hướng tây khoảng 20 cây số, rẽ vào hướng nam khoảng hơn mươi phút chạy xe  nữa là du khách  đã đến địa phận  xã Nghĩa Sơn - một xã giàu truyền thống cách mạng của huyện Tư Nghĩa.

Nơi đây, cộng đồng người dân tộc Hrê sống hiền hoà dưới những nếp nhà nằm rải rác ven một dòng suối lớn, bốn mùa rì rào dòng nước trong xanh, tưới mát cho những thửa ruộng bậc thang chạy uốn lượn theo những sườn núi thấp. Đấy là suối Lâm.

Để thưởng ngoạn nét độc đáo của suối Lâm, du khách sẽ tiếp tục cuộc hành trình của mình thêm mấy cây số nữa bằng xe máy. Để xe lại nơi đầu dốc, du khách bắt đầu chuyến du lịch khám phá bằng một cuộc leo núi ngược lên đầu nguồn của con suối.

Gọi là leo núi, nhưng thực chất là đi bộ qua một con dốc nhỏ chừng vài mươi phút đường rừng. Đầu nguồn suối Lâm đã hiện ra trước mặt khách, một bức tranh sơn thuỷ hữu tình. Một dãy núi cao, sừng sững uy nghiêm với những cây cổ thụ già nua trầm mặc soi bóng xuống dòng suối xanh chảy len lỏi qua những phiến đá được bào mòn qua năm tháng (ảnh). Du khách như đắm mình trong cái hoang dã của thiên nhiên.

Suối Lâm được bắt nguồn từ huyện Minh Long, chảy qua dãy núi cao và xuyên qua những khu rừng già được nhân dân địa phương ở đây bảo vệ rất nghiêm ngặt. Vì thế, dòng suối được những cây cổ thụ già nua chắt chiu từng giọt nước. Hiền hoà tưới tắm cho những thửa ruộng vùng cao. Vào mùa khô, ở ngoài kia nhiệt độ có thể làm cho du khách bức bối nhưng khi vào đến đây, dòng suối như một cái máy điều hoà nhiệt độ khổng lồ xua tan hoàn toàn cái nóng bức.

Đến đây du khách có thể thư giãn bằng nhiều cách. Có người lại thích thú lần theo những tảng đá để đi ngược dòng suối, khám phá vẻ đẹp của đầu nguồn. Có người lại ngâm mình vào những vực nước sâu mà tung tăng lặn ngụp, tận hưởng cái mát lạnh của dòng nước suối. Có người lại thích thú đi ven dòng suối, sục vào các kẽ đá để tìm những con ốc đá đen nhánh, có người với cái kính lặn và khẩu súng bắn cá tự chế để sục tìm từng con cá suối để chuẩn bị cho bữa trưa. Có người lại mắc võng dưới tán lá rừng, nằm đong đưa thả hồn lãng đãng với những vòm lá xanh miên man, bất tận.

Buổi trưa, những món ăn được bày ra trên những chiếc lá chuối rừng. Ngoài những món đem theo, còn có món ốc đá và cá suối nấu với rau min (tầm phục) du khách tự tìm lấy. Húp chén canh ngọt mát, cắn miếng ốc đá sậm sật ngọt thanh nơi đầu lưỡi dưới tán lá rừng mát lạnh, nghe tiếng nước róc rách của dòng suối mà lòng du khách như thăng hoa, bao muộn phiền của cuộc sống thường nhật gần như tan biến.

Du lịch, GO! - Theo Nho Vũ (báo Quảng Ngãi), internet
Cứ đến tháng Ba, những người con xa quê luôn nhớ về những chiều vác cần đi câu ếch. Nhớ món ếch đồng xào dứa trong bữa cơm giữa nơi làng quê đến nao lòng.

Tháng Ba, khi bông lúa vụ xuân đang vươn mình ngậm sữa để dâng cho đời hạt ngọc trắng ngần thì cũng là lúc nước trên đồng tụ về những chiếc ao bên cạnh ruộng lúa. Cá đồng, ếch, nhái và nhiều loài thủy sinh cũng theo nước tập trung về trú ngụ để tránh cái nắng nóng của mùa hạ đang đến gần.

Chiều nhạt nắng, người dân xứ Quảng quê tôi lại vác cần câu ra đồng, tìm đến những chiếc ao um tùm lau sậy để câu ếch. Dụng cụ câu ếch thường là chiếc cần trúc nhỏ hơn ngón chân cái người lớn với chiều dài khoảng trên 2m được nối với sợi dây cước. Bên cạnh đó còn có chiếc vợt lưới để đón lấy ếch trước khi rơi trở lại ao.

Không giống như câu cá và những loài thủy sinh khác, câu ếch không cần dùng lưỡi câu mà chỉ cột mồi vào sợi dây cước. Mồi câu là nhái đồng, thỏi cao su… hay có thể là một đóa hoa vạn thọ to chừng bằng ngón tay cái buộc chặt vào đầu sợi dây để dẫn dụ ếch.

Người câu cứ việc đong đưa chiếc cần sao cho thỏi mồi luôn di động trên mặt nước thế là ếch ta liền nhảy vồ tới đớp. Chỉ chờ có thế là nhấc nhẹ chiếc cần lên cao và đưa vợt đón lấy những chú ếch béo tròn, tránh giật mạnh sẽ làm cho ếch rơi trở lại ao trong tiếc nuối khôn nguôi.

Khi bị nhấc lên khỏi mặt nước, theo phản xạ tự nhiên, ếch cố ngậm chặt mồi và bám hai chân trước vào nơi tiếp giáp giữa mồi và sợi dây câu đến khi nhận ra bẫy thì đã nằm gọn trong vợt.

Với người dân quê thì có nhiều cách bắt ếch, nhưng thú nhất vẫn là đi câu và bắt ếch bằng tay lúc chúng đang giao phối khi những cơn mưa đầu mùa tắm mát ruộng đồng. Nhưng thịt ếch ngon nhất vẫn là tiết tháng Ba với câu nói cửa miệng: “Ếch tháng Ba, gà tháng Mười”.

Với gà thì tháng mười là thời điểm thu hoạch lúa mùa, tha hồ nhặt thóc rơi vãi, nên thịt rất béo và thơm ngon. Và tháng Ba là thời điểm ếch có nhiều thức ăn sâu bọ và côn trùng, còn là khoản thời gian tích tụ năng lượng cần thiết cho mùa sinh sản  nên ếch luôn mập tròn, thịt rất thơm ngon.

Thịt ếch có thể làm nhiều món như: ếch nướng sả ớt, xào lăn, xào mướp, nấu cháo… nhưng có lẽ hấp dẫn nhất vẫn là món ếch đồng xào dứa.

Ếch sau khi câu về, rửa sạch, chặt bỏ đầu và bàn chân, mổ bụng rồi chặt miếng nhỏ vừa ăn, rửa qua nước gừng và để cho ráo. Sau đó, chuẩn bị đầy đủ gia vị như: muối, tiêu, đường, mỳ chính, nước mắm… ướp với thịt ếch.

Dạo quanh vườn nhà chọn hái trái dứa vừa chín và gọt sạch, bỏ lõi rồi cắt miếng vừa ăn. Kiếm ít hành lá cùng với các loại rau thơm ưa thích. Đun nóng chảo dầu ăn cùng với hành tím và tỏi đã băm nhỏ và cho thịt ếch vào xào chín rồi mức ra đĩa. Tiếp tục làm nóng dầu ăn để xào dứa rồi cho thịt ếch trở lại chảo, đảo nhanh tay và nhấc xuống khỏi bếp, múc ra đĩa, rắc hành lá và rau thơm lên trên thế là ta đã có món thịt ếch xào dứa.

Đĩa ếch đồng xào dứa như mời gọi với màu vàng của dứa và thịt đã chín, màu xanh của hành lá và các loại rau thơm cùng với màu đỏ tươi của vài lát ớt thái mỏng để tăng thêm vị cay… khiến ta không thể ngó lơ nơi khác.

Gắp miếng thịt ếch cho vào miệng như đang thưởng thức cả hương đồng gió nội với vị ngọt thơm của thịt ếch, thơm nồng của tỏi, hành tím, vị cay dịu của tiêu… cùng với vị ngọt xen lẫn vị chua thanh thoát của dứa. Thật là “cả đất trời đang nằm gọn trong ta” như những “thi sĩ vườn” vẫn thường ngâm nga khi được nhấm nháp món khoái khẩu này. Miếng dứa cũng ngon không kém làm thỏa lòng cả những thực khách sành ăn.

Phụ nữ khéo tay chỉ cần dăm con ếch do chồng, con câu về cùng với rau trái trong vườn nhà là có thể chế biến thành món ăn “hút” cơm. Có đĩa thịt ếch xào dứa, các ông liền mang ra mái hiên nhà rồi hú gọi vài người hàng xóm là đã có một bữa nhậu thịnh soạn.

Nhiều người khi chế biến món ếch đồng xào dứa đã cho thêm thịt heo và mộc nhĩ, nhưng với người dân quê tôi thì chỉ cần thịt ếch và dứa cùng với vài loại gia vị là đã “hút” cơm, “bắt” rượu lắm rồi… Và cứ đến tháng Ba, những người con xa quê luôn nhớ về những chiều vác cần đi câu ếch. Nhớ món ếch đồng xào dứa trong bữa cơm giữa nơi làng quê đến nao lòng.

Du lịch, GO! - Theo Trang Thy (báo Quảng Ngãi), ảnh internet
"Dính câu rồi. Chắc to đây, nhìn nó kéo oằn dây câu là đủ biết", sau câu reo của anh Hải, nhóm người hiếu kỳ kéo đến xem cá. Bờ sông dọc đại lộ Võ Văn Kiệt đoạn qua quận 5, TP HCM, nhộn nhịp hẳn dù đồng hồ đã chỉ 23h.

< Các cây cầu trên đường Phạm Thế Hiển (quận 8), Nguyễn Văn Linh (quận 7) cũng được dân nghiện câu đêm chọn đến.

Do bờ và mép nước cạn khá xa nên thu dây câu chừng non một phút, anh thanh niên 25 tuổi nhà ở quận 6 mới kéo con cá lên bờ. Con cá trê to bằng cổ tay cắn câu giãy đành đạch, thân mình lấm lem bùn và cát. "Con này ít nhất cũng nửa kg. Hôm nay vô mánh rồi", Hải vừa nói vừa dùng chiếc khăn, cẩn trọng tháo con cá ra khỏi lưỡi câu rồi cho vào chiếc xô nước rọng cá đã được chuẩn bị sẵn.


Người hiếu kỳ và đám trẻ bu xem vừa trầm trồ vì con cá to. Cách đó vài bước chân, cũng trên kênh Tàu Hủ - Bến Nghé dọc theo trục đại lộ Võ Văn Kiệt, một nhóm câu khác nhộn nhịp không kém bởi anh Tuấn cùng lúc cắm 4 cần câu đã dính được một con cá trê khá to.

"Đã đến giờ cá ăn mồi nha bà con. Từ đầu hôm đến giờ chờ hoài không thấy, bây giờ cá bắt đầu cắn câu rồi đây", người đàn ông vừa cười nói, vừa nhanh tay móc lại mồi là một chú dế vào lưỡi câu rồi ném dây xuống nước. Sợi dây dài khoảng 30 mét tung xuống dòng nước đen thẳm vì xa ánh đèn.

Không may mắn như hai người bạn câu, Lâm Ngọc Tân nhà ở quận 8 thả dây gần một giờ đồng hồ mà vẫn chưa được con cá nào. Ngồi cùng Tân, anh Bảy nhà ở quận Tân Phú cũng chậc lưỡi, vỗ đùi tiếc nuối khi cá đã cắn câu nhưng lại giật trượt.

Tại Sài Gòn, thú câu cá đêm thường bắt đầu từ 19h và kéo dài đến nửa đêm, thậm chí đến 2h sáng. Dân câu cho biết, theo thói quen, sau khi rời công sở, họ về nhà tắm rửa và dùng cơm tối xong là lên đường. Hành trang cho chuyến đi câu là mấy chiếc cần, một hộp đồ nghề gồm dây câu, lưỡi câu, hộp mồi và chiếc thùng dành để chứa thành quả.

< Mồi câu thường là dế.

Nơi tập trung người câu đông nhất là kênh Tàu Hủ, cầu Bà Tàng quận 8, một số cây cầu trên đường Nguyễn Văn Linh quận 7. Sau khi đến bãi câu, những người đi câu chọn vị trí phù hợp, vị trí này thường đã được chọn sẵn. Người đi câu thường xuyên thuộc lòng và nhường nhau chỗ câu chứ không tranh giành. Chuyện "chỗ đó của anh Sáu, mỏm đá kia là của chú Tùng" như được dân câu đêm mặc định.

Giải thích cho việc tại sao không câu ngày mà lại câu đêm, anh Đỗ Minh Khiêm ở quận 6 cho biết, đơn giản chỉ vì đêm là lúc mọi người rảnh rỗi và cá dễ ăn mồi. "Tôi bắt đầu thú vui này đã hơn nửa năm và thật sự cảm thấy thích thú. Cả vợ tôi và nhóm bạn thi thoảng cũng có mặt cùng nhau câu cá", anh Khiêm nói.

< Cá cắn câu chủ yếu là trê và lóc. Tùy con nước và may rủi. Hôm may mắn, người câu có thể thu hoạch đến vài cân.

Cùng "mê" câu như anh Khiêm nhưng chọn điểm ở quận 7, Minh Tuấn cho hay, nhiều đêm trời mưa anh cũng mặc áo mưa hoặc cầm ô ôm cần. "Cảm giác cần rung lên khi cá cắn câu, hay kéo lê con cá to lên bờ thật thú vị. Tôi đã bỏ hẳn thói quen nhậu nhẹt cùng bạn bè để ra sông", Minh Tuấn nói.

Cá mà dân câu thu hoạch được chủ yếu là cá trê, loại cá da trơn, thịt dai, giá trị kinh tế không cao nhưng háu ăn nên dễ mắc câu. "Thi thoảng cũng có người câu được cá lóc (cá quả) nhưng số lượng không nhiều. Đêm nào trúng thì được 2-3 kg, không thì cũng đủ chế biến mồi lai rai cùng chúng bạn", anh Nam ở quận 8 cho biết.

Gọi là thú vui nhưng trong mươi người đi câu đêm có non nửa có thêm thu nhập nhờ nghề "chim trời cá nước". Ông Sáu nhà ở quận 4 là một trong số đó. Không cười đùa lúc câu như các bạn trẻ, ông Sáu chọn một góc riêng, lặng lẽ móc mồi, cắm câu. Mỗi đêm ông kiếm được gần 100.000 đồng tiền bán cá.

< Người trẻ xem câu cá đêm là thú vui. Nhưng một số người xem đây là kế sinh nhai.

"Tui già rồi, ở nhà cũng buồn. Ra đây ngồi chơi mà lại kiếm được tiền thì còn gì sướng bằng. Chỉ bữa nào bệnh tui mới nghỉ", ông Sáu nói.

Theo dân câu Sài Gòn, để thực hiện được thú vui, trước tiên người chơi phải sắm cần. Cần giá thấp nhất cũng có giá từ 1,5 triệu đồng. Nếu câu cá trê dùng lưỡi chuyên câu cá trê và câu cắm; câu cá lóc thì phải câu rê.

Du lịch, GO! - Theo Thiên Chương (VnExpress), internet

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống