Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Monday, 2 July 2012

Khi nhắc đến Hải Hà-Quảng Ninh người ta thường nhớ đến những đồi chè, nương mía, rừng keo, rừng quế v.v.. trù phú.

Nhưng ít ai biết Hải Hà còn có một đảo Cái Chiên thơ mộng, đó là hòn đảo nằm tách biệt với đất liền, trong bản đồ hành chính là xã Cái Chiên, phải đi tàu mất chừng 30-40 phút từ cảng Hải Hà mới ra được đến đảo.


Trong một lần đến Hải Hà, tôi đã may mắn được theo đoàn công tác của huyện ra đảo. Chiếc xuồng nhỏ lướt trên sóng bạc, đất liền xa dần, chỉ thấy trước mắt là những bãi cát trắng, biển xanh biếc, những hòn đảo lớn nhỏ nhô lên từ mặt biển.



Cái Chiên là xã đảo của huyện Hải Hà, đảo nằm cách xa đất liền khoảng 20km. Hiện Cái Chiên chưa có tàu khách thông thương với đất liền. Nếu ai đó muốn đến đảo Cái Chiên phải tự thuê tàu, hoặc qua mối quen biết đi nhờ ngư dân, hoặc nhờ tàu công tác của các ngành chức năng mới đến được đảo.

Sau hơn 30 phút cưỡi trên sóng bạc, Cái Chiên hiện ra trước mắt chúng tôi, đó là một hòn đảo giống như con cá voi khổng lồ nhô lên từ mặt biển, thân dài, mình hẹp. Bước chân lên đảo, tôi thực sự ngỡ ngàng với cảnh sắc nơi đây, một màu xanh trù phú, chim hót líu lo, mọi mệt mỏi sau chuyến đi trên biển chợt tan biến.

Cái Chiên có diện tích 2.500ha, nhưng đa phần là đồi núi và bãi biển; trong đó, chỉ có 108ha đất nông nghiệp cấy lúa và trồng mầu. Cả xã chỉ có 154 hộ và 552 nhân khẩu. Cuộc sống của bà con nơi đây chủ yếu là tự cung tự cấp.

Năm 2011, từ chương trình xây dựng nông thôn mới, Cái Chiên được làm một con đường bê tông dài 5km xuyên suốt đảo và một số công trình khác như: hồ cấp nước Vạn Cả (thôn Vạn Cả), có sức chứa khoảng 36.000m³; hồ Khe Đình (thôn Đầu Rồng) chứa khoảng 18.000m³ nước. Những công trình này sau khi hoàn thành, sẽ đảm bảo nguồn nước sinh hoạt lẫn nguồn nước tưới cho các cánh đồng của cả xã. Đặc biệt, Cái Chiên có bãi biển dài khoảng 2km, cát trắng mịn, đẹp không kém những bãi tắm du lịch hiện nay ở các xã Minh Châu, Quan Lạn (huyện Vân Đồn).

Trên con đường bê tông dẫn vào đảo, anh Phó bí thư Đảng uỷ xã đảo hóm hỉnh bảo tôi: “Còn nhiều điều thú vị phía trước lắm, cậu cứ để tôi làm hướng dẫn viên du lịch cho”. Tôi lấy làm thích thú, hồi hộp…
Quả thực càng đi, càng khám phá mới thấy hòn đảo xinh đẹp này hấp dẫn và thơ mộng. Con đường bao quanh đảo đã được bê tông hoá giúp việc đi lại thuận tiện hơn. Xã đảo rộng trên 108km² nhưng chỉ có 154 hộ dân phân bố thành 3 thôn. Người dân đảo rất thân thiện, hiếu khách. Công việc của họ chủ yếu là đánh bắt hải sản. Trên những bãi triều ven biển thấp thoáng bóng những người dân đi bắt ốc.

Hòn đảo còn khá hoang sơ với diện tích rừng nguyên sinh còn trên 500ha và trong rừng còn nhiều cây gỗ cổ thụ, chim thú như khỉ, lợn rừng, trăn... và đặc biệt rất nhiều loại chim cư ngụ ở đây. Chúng từ khắp nơi tụ họp về làm tổ, sinh sống nên không lúc nào vắng tiếng chim hót. Vì vậy nhiệm vụ bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ rừng và hệ sinh thái được cán bộ xã cùng toàn thể nhân dân đặt lên hàng đầu.

Năm 1998, UBND xã đã vận động nhân dân trồng cây phi lao chắn cát trên diện tích khoảng 2ha ở khu vực bãi biển chính. Rừng phi lao giống như tấm áo mầu xanh ôm lấy bãi biển, mỗi đợt gió thổi hàng cây đu đưa tạo ra khúc nhạc của thiên nhiên thật vui tai.

Bao quanh bãi biển là các đảo nhỏ thuộc xã như: Thoi Xanh, Gò Vàng, Rèm Ba, Hòn Trực. Trên các đảo nhỏ này, không có người ở mà chỉ là những khu rừng nguyên sinh. Xa mờ mờ dưới chân mây là đảo Vĩnh Thực (TP Móng Cái), huyện đảo Cô Tô và các đảo Sậu Đông, Sậu Nam (huyện Vân Đồn).

Đi dọc xuống mặt phía Đông của hòn đảo, một không gian thật lãng mạn hiện ra trước mắt với những bãi cát trắng trải dài. Điều đặc biệt là những bãi cát này chưa có sự tác động nhiều của con người nên vẫn giữ được những nét đẹp thiên tạo vốn có. Trong đó, bãi cát thuộc khu Đầu Rồng là lớn và đẹp hơn cả, với hơn 2km² bờ cát trải dài, thoai thoải, nước biển xanh biếc, là một bãi tắm khá lý tưởng. Dọc bờ biển là rừng phi lao thẳng tắp, xanh mướt soi bóng xuống mặt nước xanh. Buổi chiều sau khi tắm xong, bạn có thể lên rừng phi lao mắc võng nằm thư giãn nghe tiếng sóng vỗ rì rào, tiếng chim hót líu lo…

Đặc biệt hơn, từ bãi Đầu Rồng, bạn có thể tiếp tục đi thuyền qua đảo Thoi Xanh, đây là hòn đảo cũng khá đẹp và hoang sơ với nhiều bãi cát đẹp. Thậm chí từ đó có thể nhìn ra Cô Tô, Hòn Trụi, Hòn Vĩnh Thực (Móng Cái), Núi Sậu (Vân Đồn). Với vị trí ấy, nơi này có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong an ninh quốc phòng biển đảo.

Sau một ngày rong ruổi khám phá đảo và tắm biển, bạn có thể thư giãn bằng việc vác cần ra cầu cảng để câu cá. Ở đây có rất nhiều loại cá và chỉ cần thả mồi một lúc là đã được một bữa nhắm tuyệt vời.



Thực sự Cái Chiên có rất nhiều điều thú vị mà bạn muốn khám phá trong chuyến hành trình của mình. Tuy nhiên, hiện nay du lịch Cái Chiên vẫn đang thuộc dạng tiềm năng do chưa được nhiều người biết đến và trên đảo chưa có điện lưới, giao thông cách trở, chưa có dịch vụ du lịch phục vụ du khách. Vậy nên: Cái Chiên cũng còn thật hoang sơ...

Du lịch, GO! - Theo Đức Hiếu, Công Thành (báo Quảng Ninh).
Gunnar Garfors, 37 tuổi, người Na Uy vừa hoàn thành chuyến du lịch “có một không hai” trong lịch sử - du lịch bốn châu lục chỉ trong một ngày.

Ý tưởng du lịch thần tốc này đến với Gunnar khi anh tham quan Istanbul cách đây vài năm. Thành phố của Thổ Nhĩ Kỳ này nằm giao thoa giữa châu Âu và châu Á với một phần diện tích nằm trên lục địa châu Âu, một phần thuộc lãnh thổ châu Á và được ngăn cách bởi biển Marmara.

Khi đang du lịch Istanbul, Gunnar bất chợt thắc mắc: “Chỉ trong vài giây, mình đã có thể du lịch hai châu lục. Vậy trong một ngày, mình có thể đặt chân đến được bao nhiêu lục địa?”.
Suy nghĩ này cứ quẩn quanh Giám đốc điều hành của kênh Mobile TV Na Uy này và cuối cùng, đến ngày 18/6 vừa qua, anh đã thực hiện chuyến đi cùng với Adrian Butterworth, Giám đốc kênh Adeila của Anh.

Chuyến đi kéo dài 29 giờ nhưng với sự chênh lệch múi giờ nên họ đã thực hiện được kế hoạch du lịch 5 địa danh ở bốn châu lục trong đúng một ngày.

Hành trình của họ đi qua Istanbul (châu Á), Casablanca (châu Phi), Paris (châu Âu), Punta Cana (Bắc Mỹ) và Caracas (Nam Mỹ).

Trong cuộc phỏng vấn mới đây trên CNNGo, Gunnar Garfors chia sẻ nhiều điều thú vị về chuyến tham quan thần tốc này.

“Để thực hiện chuyến đi này, tôi đã có một sự chuẩn bị khá kỹ càng. Phần lớn sự chuẩn bị của tôi liên quan tới việc tìm kiếm các chuyến bay. Sau đó, tôi liên lạc với những người dân địa phương để có thể phỏng vấn họ khi chúng tôi tới nơi. Tôi quen biết họ chủ yếu qua mạng. Những người bạn mới này giúp chúng tôi thăm những địa điểm tuyệt vời, căn dặn những điều nên làm và không nên làm ở các nơi. Chúng tôi quyết định không sử dụng sách du lịch mà chỉ dựa vào những người mới quen”, Gunnar Garfors cho hay.

Chia sẻ về khoảng thời gian thú vị nhất trong chuyến đi, Gunnar Garfors cho rằng, đó là lúc hai người suýt bị bắt ở Casablanca khi phỏng vấn bên ngoài một nhà thờ. Lúc đầu, cảnh sát cảnh cáo nên anh cùng người đồng hành di chuyển ra bên ngoài nhà thờ và cố vờ như đang lạc đường để làm nốt cuộc phỏng vấn. Điều này khiến cảnh sát tức giận và đã đề nghị tống cổ hai người.

Khi được hỏi về khoảnh khắc suýt khiến Gunnar Garfors phải bỏ lỡ mục tiêu của mình, anh cho hay, đó là chuyến bay cuối từ Punta Cana tới Caracas. Máy bay tới sớm 30 phút nhưng không hề có thông báo. Adrian Butterworth phải bỏ bữa ăn vừa gọi và chạy vội vàng cho kịp giờ”.

“Ngoài ra, chúng tôi phải điền ba mẫu giấy tờ khi vào Caracas. Lúc đó, tôi chợt nghĩ, có thể mình sẽ không thể nhập cảnh. Nhân viên hải quan còn gọi cả đồng nghiệp vào khi đóng dấu cho chúng tôi. Hai phút đó dài tựa như 15 phút. Khi chúng tôi vào được thành phố, điều đó thật không tưởng”, Gunnar Garfors phấn khởi nói.

Chia sẻ về những điều thú vị anh đã trải qua sau chuyến du lịch, Gunnar Garfors nói: “Cộng hòa Dominica thật tuyệt vời với những hang động dưới lòng đất và những bể bơi trong vắt như pha lê. Những người bạn mến khách ở Caracas cũng khiến chúng tôi đánh giá cao thành phố này. Mọi người luôn vui vẻ nói cười thân thiện. Mọi người ở đây không bao giờ đúng giờ nhưng chắc chắn, họ sẽ đến. Istanbul thì không thể tin nổi. Chúng tôi được cảnh báo, phần châu Á chẳng có gì để xem nhưng không phải thế. Cuộc sống về đêm và các món ăn thật tuyệt”.

Sau chuyến du lịch có một không hai trong lịch sử này, Gunnar Garfors được thết đãi một bữa tiệc ăn mừng hoàng tráng. Có tới 50 tờ báo, đài phát thanh và kênh truyền hình đưa tin.

Du lịch, GO! - Kim Anh (theo CNNGo), ảnh internet
Ông đặt tên cho đỉnh núi ấy là đỉnh Giời Đánh. Lý do ông gọi đỉnh núi này như thế là bởi hễ mây mù vây kín đỉnh Fan, y rằng ngọn núi này chịu trận. Những tia sét sáng lòa phóng xuống, những tiếng nổ như xé toạc bầu trời, đất đá bay mù mịt.


< Cháy rừng ở Hoàng Liên Sơn, chỉ có Giời mới cứu được.

Đỉnh Đầu Rồng

Tôi đã từng có nhiều chuyến leo Fansipan, luồn rừng Hoàng Liên Sơn (Lào Cai) nhiều ngày cùng “người rừng” Trần Ngọc Lâm và tôi phát hiện ra nhiều khả năng kỳ lạ của ông. Ông là người có khả năng “tiên tri” về những vụ cháy rừng ở Hoàng Liên Sơn. Thực tế, ông là người hiểu nhất về rừng, bởi ông sống hàng chục năm trong rừng. Hiện tượng đốt rừng làm nương, sự quản lý rừng không chặt chẽ của chính quyền, kiểm lâm, nên việc cháy rừng xảy ra hàng năm là lẽ dĩ nhiên, chẳng cần đến tài tiên tri như bà Vanga cũng nói đúng được.

Ông có khả năng “tiên tri” vụ cháy rừng Sapa khủng khiếp vào năm 2010 và đầu năm 2012 này thì đúng rồi, nhưng ngay sau đó, tôi lại được dịp vô cùng ngạc nhiên khi ông “tiên tri” đúng ngày những đám cháy bị dập tắt. 


Nhìn lực lượng cứu hỏa vào rừng, ông chỉ lắc đầu bảo phí công. Lực lượng cứu hỏa chỉ cứu được những đám cháy nhỏ, ở gần, chứ cháy ở tít trong rừng sâu, trên tận đỉnh Fan, thì sức người cũng vô nghĩa.

Cuốc bộ cả ngày mới đến địa điểm cháy rừng, nước không có, không hiểu cứu rừng kiểu gì? Không biết lựa chiều gió có khi còn mất mạng. Hôm trực thăng cứu rừng lên Sapa, ông Lâm cười bảo: “Máy bay chữa cháy rừng Hoàng Liên chả khác nào bọ xít đái vào đống lửa”. Quả thực như vậy. Máy bay tải được tẹo nước, chả thấm vào đâu, nhưng cánh quạt của nó thì thổi cho ngọn lửa cháy mạnh hơn. Phương án chữa cháy bằng trực thăng thất bại.

Hôm đại ngàn Hoàng Liên Sơn cháy như Hỏa Diệm Sơn, các lực lượng cứu rừng đều đã bó tay cả, ông Lâm gọi điện cho tôi bảo: “Mai rừng sẽ hết cháy. Cháu có thời gian thì đi xem đống than trên đỉnh Hoàng Liên”. Kể cũng lạ, đúng hôm sau thì Hoàng Liên Sơn mưa như trút nước, rừng hết cháy. Chả lẽ “người rừng” Trần Ngọc Lâm có tài “hô mưa gọi gió”, chỉ thực hiện chứ không nói suông như dị nhân Nguyễn Vũ Tuấn Anh?
Nhưng rồi, lần dẫn tôi lên đỉnh Hoàng Liên xem rừng vừa ngừng cháy, ông Lâm đã chỉ cho tôi bí mật.

< Ông Trần Ngọc Lâm cởi trần ngồi thiền trong cái lạnh 0 độ trên đỉnh Fan.

Cuốc bộ nửa ngày giời, đến độ cao 2.600m, nơi loài trúc lùn mọc ken dày, ông Lâm chỉ tôi một mỏm núi, mà theo ông, cao đúng 2.800m, về phía Đông so với đỉnh Fan. Đỉnh núi đó, nhìn như ngay trước mắt, nhưng phải mất 2 ngày đi bộ, leo dốc mới tới nơi. Ngoài ông Lâm và đàn khỉ, thì chưa có ai đặt trên lên mỏm núi ấy cả.

Ông Lâm đặt tên cho mỏm núi ấy là đỉnh Đầu Rồng, vì trông xa, nó như đầu của con rồng. Còn dãy Hoàng Liên nhô lên thụt xuống như lưng rồng. Đỉnh Đầu Rồng chính là “thiết bị dự báo thời tiết” của ông. Ngày nào cũng vậy, trước khi đi rừng, ông đều quan sát đỉnh núi đó để phán đoán thời tiết Hoàng Liên Sơn.

< Đỉnh Đầu Rồng.

Nếu mỏm Đầu Rồng xuất hiện một đám mây mù đen xì bao quanh, thì y rằng, một đến hai ngày sau sẽ có mưa. Nếu đám mây mỏng, lơ phơ quấn lấy Đầu Rồng, thì 3-4 ngày sau trời mới mưa. Những trận mưa dội xuống Fansipan sớm hay muộn phụ thuộc vào độ mỏng hay đậm của lượng mây phủ trên đỉnh Đầu Rồng.

Mưa lớn hay mưa bé, mưa ở khu vực nào, nhìn vào đỉnh Đầu Rồng, ông Lâm cũng đoán biết được. Theo khẳng định của ông, nhìn vào đỉnh Đầu Rồng, ông dự báo thời tiết chính xác đến 90%. Kinh nghiệm này được ông Lâm rút ra từ hơn chục năm sống trong hang đá trên độ cao 2.900m, gần đỉnh Fansipan.
Đỉnh Đầu Rồng ở ngay bên trái đỉnh Fan, nên hàng ngày ông đều quan sát nó. Ông cũng truyền lại kinh nghiệm này cho các đồng chí kiểm lâm ở Vườn Quốc gia Hoàng Liên và các đồng chí kiểm lâm sử dụng để dự báo thời tiết cho mỗi chuyến đi rừng.

< Đỉnh Đầu Rồng nhìn từ đỉnh Fan xuống.

Vậy nên, trong mỗi chuyến vào Hoàng Liên Sơn cùng ông Lâm, ông đều ngó xem đỉnh núi đó, rồi mới quyết định có vào rừng hay không. Lúc đang đi rừng, thấy đỉnh Đầu Rồng có “thông tin” báo mưa, là ông giục giã lên đường rời núi. Đỉnh Fan lạnh giá, gặp mưa lớn, để ướt người là mất mạng như chơi.

Điều bất thường nhất trong suốt hơn 10 năm sống trên đỉnh Fansipan mà ông Lâm nhận ra, đó là, suốt cả tháng đầu năm 2010, ông chú ý quan sát từ sáng đến chiều, song không hề thấy đám mây nào bao phủ đỉnh Đầu Rồng.

Băng vẫn đông cứng trong kẽ đá, nhưng mặt đất thì khô cong, các dòng suối ngừng chảy, lá khô lạo xạo dưới chân người. Vào mua khô, đồng bào ở các xã xung quanh lại tích cực vào rừng hạ cây, đốt rừng làm nương, rồi sấy thảo quả, đào lò nung gỗ lấy than hoa, nên đã để xảy ra thảm họa cháy rừng khủng khiếp nhất từ trước đến nay, thiêu mất ngót ngàn ha rừng nguyên sinh quý giá. Vụ cháy rừng đó, sức người là quá nhỏ. Ngọn lửa chỉ dừng lại khi những trận mưa rào như trút nước xảy ra. Đỉnh Đầu Rồng đã báo cho ông Lâm biết về trận mưa lớn đó.

< Núi Giời Đánh. 

Từ nhiều năm nay, ông Lâm vẫn theo dõi đỉnh Đầu Rồng. Nếu trong thời gian dài, đỉnh Đầu Rồng vẫn trong vắt, hiện rõ trước mắt, không có đám mây dù to bằng cái nong quấn quanh, thì nhất định thời tiết khô hanh xảy ra trên một khu vực rộng lớn.

Khi đó, ông Lâm thường thông báo cho lực lượng kiểm lâm. Kiểm lâm sẽ tăng cường quản lý rừng, nghiêm cấm đồng bào đốt nương làm rẫy, cấm khách du lịch đốt lửa trại đêm trên đường chinh phục đỉnh Fan. Vào thời điểm hanh khô, nếu xảy ra cháy rừng, thì số phận đại ngàn Hoàng Liên chỉ còn biết ngóng vào… Trời.

Núi Giời Đánh

< Những vết sét đánh ở núi Giời Đánh.

Đứng ở miệng cái hang ông Lâm trú ngụ trên độ cao 2.900m, ông Lâm chỉ tôi đỉnh núi nham nhở vết sẹo, chỗ đen, chỗ vàng, thậm chí cả mảng núi lở mất. Ông đặt tên cho đỉnh núi ấy là đỉnh Giời Đánh. Lý do ông gọi đỉnh núi này như thế là bởi hễ mây mù vây kín đỉnh Fan, y rằng ngọn núi này chịu trận. Những tia sét sáng lòa phóng xuống, những tiếng nổ như xé toạc bầu trời và tiếp đó là đất đá bay mù mịt.

Ngọn núi Giời Đánh ở ngay trước mắt ông Lâm, cách hang ông ở chỉ độ 400m theo đường chim bay, nên mỗi khi Thiên Lôi nổi giận lôi đình, đầu ông cũng choáng váng. Cái hang ngay trên hang ông trú ngụ là hang của đàn khỉ. Đàn khỉ cũng chui tọt vào hang tránh sét. Cách hang khỉ một đoạn là gia đình nhà gấu ở, cũng chui hết vào hang để bảo toàn mạng sống.

Nhưng thực tế, chẳng bao giờ Thần Sét giáng sang mỏm núi ông Lâm cùng đàn khỉ và gia đình nhà gấu ở. Theo ông Lâm, có thể mỏm núi Giời Đánh có nhiều kim loại, thu hút các tia lửa điện trong những đám mây dồn tụ ngay đỉnh Fan.

< Một mảng núi mới bị sét đánh vỡ ở phía Đông núi Giời Đánh.

Tôi háo hức muốn trèo lên tận đỉnh núi Giời Đánh, xem nơi những vết sét đánh nham nhở có kim loại gì không. Sau khi ông Lâm nhìn mỏm Đầu Rồng, biết thời tiết không có mưa, nên dẫn tôi đi. Tuy nhiên, đỉnh Giời Đánh dốc đứng, toàn đá là đá, không thể trèo nổi. Chỉ có những cây dây leo mọc ra từ kẽ đá. Từng mảng núi bị cháy xém vì Thiên Lôi nổi giận.

Ông Lâm bảo, nhiều lần sét đánh, quả núi bốc hỏa. Nhưng mây vần vũ trên bầu trời, một lát sau thì mưa dội xuống, nên đám lửa lại tắt. Tuy nhiên, năm 1998, đã có một tia sét giáng xuống, lửa bốc lên, nhưng cơn lốc bất ngờ đã cuốn mây đi hết. Không xảy ra mưa, cả ngàn héc-ta đại ngàn Hoàng Liên Sơn đã bị thiêu rụi, để lại hàng loạt “thung lũng chết” trải dọc dãy Hoàng Liên Sơn, dấu tích vẫn còn rõ rệt đến nay.

Du lịch, GO! - Theo Dương Thụy Bình (VTC)

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống