Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Tuesday, 3 July 2012

Tây Côn Lĩnh là một đỉnh núi trên khối núi thượng nguồn sông Chảy ở phía tây tỉnh Hà Giang, thuộc huyện Hoàng Su Phì, cách thị xã Hà Giang 146 km.

< Phong cảnh hùng vĩ và đẹp đến nao lòng.

Với độ cao 2419 m, đây là đỉnh cao nhất vùng Đông Bắc Việt Nam và là một trong những đỉnh núi cao nhất Việt Nam. Trên đỉnh núi có mốc trắc địa. Dưới chân núi là rừng nguyên sinh á nhiệt đới còn được bảo tồn. Tây Côn Lĩnh xưa nay được coi là dãy núi thiêng của người dân tộc La Chí.

Tây Côn Lĩnh gọi là “huyền thoại” bởi đây là cung đường khó của vùng Tây Bắc với bao hiểm nguy, vất vả rất cần ý chí lòng quyết tâm và tính đồng đội. Phong cảnh ở đây hoang sơ đẹp mê hồn bởi mây núi hoa cỏ...

Có người đã từng nói: “...Nếu qua được Tây Côn Lĩnh, bạn sẽ là người có số má trong giới phượt…” -  vậy mà họ đã chinh phục cung đường huyền thoại này chỉ với những chiếc xe đạp.

Và, Tây Côn Lĩnh hẳn là điều ấp ủ của bao kẻ “nghiện phượt”.

< Chúng tôi chạy trên cánh đồng, nhảy qua các hòn đá, phi qua suối... và hân hoan như những đứa trẻ...

< Vượt qua những khúc quanh lầy lội...

< ... những chặng đường khó đi bằng tất cả sự hăm hở và quyết tâm.

“Xe đạp vượt Tây Côn Lĩnh”, mới chỉ nghe qua đã thấy xa ngái núi non nơi biên cương cực Bắc Tổ quốc, một thử thách, đam mê của những kẻ ưa khám phá mạo hiểm.

Mọi thứ mông lung và mờ ảo, không ai biết trước sẽ có những chuyện gì nơi rừng thiêng nước độc.

Trên chiếc yên xe đạp, chúng tôi đã leo dốc sỏi đá, băng qua những đoạn đường lầy lội hiểm nguy, rẽ cây rừng lấy lối đi trong đêm mù mịt mưa gió, vấp ngã và ngập trong bùn lầy.

< Sẽ không ai trong chúng tôi quên được cảm giác tuyệt vời khi sáng mở cửa lều nhìn ra ngoài thấy bên kia biển mây là mặt trời le lói leo lên qua đỉnh Tây Côn Lĩnh.

< Bù lại những khó khăn gian khổ, chúng tôi có nhiều trải nghiệm và cảm xúc bồi hồi khi chinh phục được thiên nhiên và say mê với cảnh đẹp quê hương.

Sau tất cả, chúng tôi được đền đáp bằng những trải nghiệm không thể quên, bằng những cảnh đẹp hùng vĩ mê hồn.

Sẽ không ai trong chúng tôi quên được cảm giác tuyệt vời, khi sáng mở cửa lều nhìn ra ngoài thấy bên kia biển mây là mặt trời le lói leo qua đỉnh Tây Côn Lĩnh.

Tây Côn Lĩnh, đi để thấy quê hương mình đẹp lắm.
Tây Côn Lĩnh, đi để biết sức người là không giới hạn.

Du lịch, GO! - Theo Kienthuc.net
Nói đến các món ăn chế biến từ thịt lợn của người dân tộc vùng cao thì có rất nhiều như thịt lợn thui, thịt lợn nướng, lợn gác bếp… mỗi cách chế biến lại có hương vị đặc trưng riêng của núi rừng, tuy nhiên thịt lợn muối chua lại được người dân xứ Mường coi là món ăn truyền thống của địa phương mình.

Trước kia muốn ăn thịt chua phải lên bản Mường, nhưng hiện thịt chua được bày bán rất nhiều tại thị trấn Thanh Sơn. Thịt chua ở đây được lấy từ trong hộp, bày ra chiếc mẹt nhỏ có lót lá chuối và lá sung. Miếng thịt khô ráo, miếng nào miếng nấy mỏng vừa, đều tăm tắp, có những vân chỉ màu hồng đậm trông chín mà bắt thính.

Ngày thường gia đình người Mường nào cũng có vài ống thịt chua, nhưng dùng phổ biến nhất vẫn là dịp có khách đến chơi nhà. Món ăn bình dị đã trở thành niềm tự hào của người dân xứ Mường (Thanh Sơn, Phú Thọ).

Ấn tượng ban đầu khi khách tới nhà là được người dân địa phương nơi đây bê ra một mâm thịt lợn muối chua và một rổ lá, khi ăn phải dùng tay cuộn lá với thịt. Khách phương xa tới chơi cũng không thật khó đoán ra được đây là món ăn truyền thống của người dân địa phương nơi đây.

Thịt chua Thanh Sơn được làm từ hai nguyên liệu chính: thịt lợn và thính gạo. Thịt lợn dùng để làm món thịt chua phải là loại lợn lửng của người Mường. Loại lợn này thường chỉ nặng 15-30kg, thịt ít mỡ và rất thơm. Lợn lửng của người Mường nuôi tự nhiên, quanh năm được thả rông ăn củ và trái cây rừng ngoài rừng nên thịt rất săn chắc và ít mỡ.

Theo kinh nghiệm của người dân địa phương, lợn sau khi làm thịt được treo lên cho ráo kiệt nước. Lòng, thủ, chân được cắt ra để riêng, toàn bộ xương được rút hết. Thịt ráo được đem thái nhỏ từng lát rồi ướp muối và gia vị để có vị đậm đà. Nếu muốn thịt chua nhanh thịt có thể đem luộc tái rồi mới đem thái.

Với món thịt chua, việc làm thính tuy đơn giản nhưng rất quan trọng, quyết định sự khác biệt và tạo nên vị chua cho thịt. Để làm thính người ta đem gạo rang vàng lên, sau đó giã thật nhỏ và trộn đều với thịt.

Công đoạn ủ thịt chua cũng cần đến đôi tay khéo léo và kinh nghiệm của người chế biến. Công đoạn này có thể mất 10 ngày tới nửa tháng. Thịt chua được cho vào những ống tre to, dưới đáy và đầu miệng ống bắt buộc phải có vài lá ổi hoặc lá sung đã rửa sạch. Sau đó thịt được lèn chặt bằng những nẹp tre gài chéo nhau.

Tiêu chuẩn của thịt lợn muối chua là phải giữ được màu sắc tươi của thịt, màu vàng ươm của thính gạo rang ôm chặt lấy từng miếng thịt trông hấp dẫn. Đặc biệt, thịt lợn muối chua Thanh Sơn để lâu vẫn không bị mất màu mà vẫn giữ nguyên được hương vị.

Thưởng thức hương vị thịt chua mới thấy hết cái tài của người dân tộc Mường nơi đây. Mùi vị không lẫn với bất kỳ món ăn nào khác. Cái vị bùi của thịt, giòn giòn của bì, chua chua của thính gạo lên men cùng vị chát lá sung, lá ổi, cay cay của tương ớt, ăn mãi mà không biết ngấy.

Trong những ngày nắng nóng, món thịt chua chín tới ăn kèm với lá sung chấm tương, nhấm nháp cùng chút rượu ngô thì không gì sánh bằng. Và đọng lại trong mỗi du khách sau khi thưởng thức hương vị thịt chua không chỉ là âm vị của món ăn mà còn là cái tình của người dân xứ Mường gửi đến khách du lịch gần xa.

Du lịch, GO! - Theo Thảo Nga (TTO), internet
Không đi xe đạp nên không cảm nhận được điều thú vị khi leo dốc Hà thành. Không cao nhưng vẫn là dốc, dốc trong phố Hà thành là vậy đó.
Đúng vậy, nếu không đi xe đạp thì chẳng bao giờ biết được phố Hà Nội, đường Hà Nội nhiều dốc đến thế. Dốc nhỏ nhỏ, ngắn ngắn thôi, rất đúng chất Hà Nội, nhưng cũng đủ để người đi xe đạp cảm thấy sức nặng của pê đan. Bài viết của một "người đạp xe" là một góc khám phá dễ thương về đường và phố Hà Nội, nơi có nhiều... dốc.

Nhân đọc một bài viết  về Hà Nội đêm, động lực khám phá một phần của Hà Nội đêm được thực hiện ngay. Bắt đầu xuất phát từ lúc 21h, nai nịt gọn gàng với mũ bảo hiểm, áo có mũ, giày thể thao, quần áo thể thao loại mỏng và không quên mang theo cái máy ảnh, tôi  ra đường để cảm nhận cái lạnh đang dần xuống từ 30 độ lúc trưa và ngay lúc này chỉ chừng 20 độ.

Đạp chừng 8km lên tới Bờ Hồ, lúc này đồng hồ chỉ 21h20, nhanh thật, mình đạp lên chân rồi, người không còn thấy ê nữa mà đã quen với cái yên bé tí rồi. Thời tiết đẹp quá, trời se lạnh nên xuất hiện nhiều hàng quà đi rong như: ngô luộc, khoai luộc và bánh bao,… một vài góc phố hiếm hoi đã có những hàng ngô nướng, chưa phải mùa ngô nếp nhưng dường như cái quán nướng ấy mọc lên để mời mọc và hứa hẹn mùa ngô nếp béo ngậy đang đến gần.

Mải đi và hoà nhập vào sự sôi động của phố phường đang còn sáng đèn, dòng người vẫn tấp nập nên quên mất là mình vừa đi qua mấy con dốc ngắn.

Chỉ cảm nhận được sức nặng của cái pê đan và sức ì của xe khi đi vào mấy con dốc cực ngắn ấy, và khi và chỉ khi đi xe đạp ta mới có cái cảm nhận là dốc ấy.Đầu tiên phải kể đến con dốc  khi ra khỏi nhà là cái dốc ngắn lên cầu đôi đầu làng Định Công, qua con dốc đầu tiên chưa mất nhiều sức vì đang sung, con dốc thứ hai là qua đường tàu để ra đường Giải Phóng, bắt đầu thênh thang và lên tốc độ để đua với xe máy đi chậm. Tốc độ lên đến 22km. Lại dốc nữa, dài nhưng độ dốc không cao chỉ chừng mấy độ, từ từ đi chậm rồi dừng hẳn để chờ cái đèn đỏ ở ngã tư Kim Liên – Lê Duẩn.

Vượt qua ngã tư lại dốc xuống, lại dài nhưng không dốc. Qua cổng công viên Thống Nhất ở đường Trần Nhân Tông để rẽ vào phố Quang Trung là dốc ngược lại cua, đèn xi nhan không có nên phải đưa tay ra hệt như về quê hay bị các bác đi xe đạp bất thình lình giơ tay xin đường rồi rẽ luôn gây ra không ít tai nạn… vừa giơ tay xin đường ngoái lại thấy mấy cái xe con đang đi chậm lại tỏ ý nhường đường cho cái xe đạp duy nhất trên đường sang an toàn.

Cái phố Quang Trung thế mà lắm dốc lại lắm đèn đỏ đèn xanh. Rời Quang Trung sang Hai Bà Trưng được rảnh chân khi thả con dốc tương đối dài từ ngã tư Hai Bà Trưng – Bà Triệu cho đến nếu hết thì cứ phải là Hilton Hotel… rẽ vào Phố Hàng Bài đang bon bon được ít thì lại lên dốc để đến Đinh Tiên Hoàng. Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục dường như là cái dốc lớn nhất và phải đi thật chậm vì đỉnh dốc là lối vào khu chợ đêm Hà Nội, người và xe cộ đông đúc, đi một vòng quanh cái đài phun nước rồi lượn tiếp Hàng Gai… Điện Biên Phủ lại dốc qua đường tàu… sao lắm dốc thế!!! Không đi xe đạp nên không cảm nhận được cái máy của con xe máy cũng phải gồng lên để cõng chủ của nó qua dốc, không cao nhưng vẫn là dốc, dốc trong phố Hà Nội là vậy đó.

Lan man quá về những con dốc vặt ấy người ta lại nghĩ bài này viết về Dốc Hà Nội.  Cũng xác định là lần đầu tiên tôi đi xe đạp ra phố ban đêm nên chỉ đi chừng giờ đồng hồ sẽ về, để đêm sau vạch rõ cung đường đi sẽ tiếp tục hành trình khám phá đêm Hà Nội.

Đã vài lần tôi lang thang đêm Hà Nội rồi nhưng đã lâu lắm rồi, từ ngày còn là sinh viên, mấy người rủ nhau đi lần mò đêm Hà Nội theo những câu văn của cố nhà văn Băng Sơn, lần mò từ Ga Trần Quý Cáp đến gầm cầu Long Biên, rồi chờ đợi chầu chực để được thưởng thức cái món “bốc mả” hấp dẫn không thể nào quên, rồi chân gà luộc phố Hàng Dầu, hay Cửa Nam, xôi phố Cấm Chỉ, nay thì có xôi Yến bán suốt đêm phục vụ thực khách chơi đêm.

22h, phía trước là Quảng trường Ba Đình, vòng qua Hoàng Văn Thụ mới cảm nhận được cái tĩnh lặng của phố vắng. Lại về Hoàng Diệu để qua Phan Đình Phùng, đi qua trường cũ tình xưa giờ đã thành trường khác. Bốt Hàng Đậu vào Hàng Cót lại dốc, đi mãi mới thấy có một chú bé đi xe đạp bé tí mà phóng như bay, lạng lách đánh võng đua với xe máy… tuổi trẻ tài cao.

22h30, tượng đài Lý Công Uẩn vẫn còn người đang tụ từng tốp với nhau, vài chú bé đi patanh rất điệu nghệ, bên kia là Tháp Rùa điện nháy liên hồi, thỉnh thoảng đường phố lại rộn  lên những tiếng nổ phát ra từ mấy chiếc xe thể thao phân khối nhớn của dân chơi dạo phố. Phố  Hà Nội lúc nào cũng đều đều tiếng xe máy và ôtô đi không chút vội vã. Dừng xe lại, ngồi trên bậc tam cấp dưới chân tượng đài ngắm mấy đứa trẻ  chơi patanh và nghỉ ngơi, tôi chờ tới đêm xuống hẳn rồi mới trở về.

Đêm xuống, người dần thưa, tôi đạp xe một vòng bờ Hồ rồi xuôi Bà Triệu. Phố Gia Long rồi Bà Triệu là con phố dài nhiều cây, chỗ rộng chỗ hẹp không đều nhau và có đến 2 cái dốc lớn. Và không biết có phải ngẫu nhiên hay cố tình mà ngay tại cái dốc Bà Triệu nổi tiếng ấy lại có rất nhiều hàng bán xe đạp?! Một sự tình cờ chăng?? Cuối đường Bà Triệu để rẽ vào đường Đại Cồ Việt lại một con dốc nữa, đường xá nay đã được tôn cao lên nhiều, nhớ lại thời học sinh đi xe đạp đi học vẫn mướt mồ hôi khi qua mấy con dốc phố Bà Triệu ấy.

23h45 về đến nhà sau khi đã đi tổng cộng đúng 30km loanh quanh phố Hà Nội đêm, chưa cảm nhận được cuộc sống đêm Hà Nội mà chỉ nhận ra được rằng phố Hà Nội có rất nhiều dốc. Thú vị thật!

Du lịch, GO! - Theo phuot.vn, internet

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống