Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Thursday, 5 July 2012

Trong chuyến công tác tại Sơn La, điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là ở cao nguyên Mộc Châu xinh đẹp. "Ám ảnh" bởi câu nói "Gái Mường Tè, chè Tô Múa" (đại ý con gái Mường Tè rất xinh đẹp và chè Tô Múa rất ngon), chúng tôi mượn một chiếc xe máy khảo sát các xã vùng sâu của huyện.

Thật bất ngờ, chuyến đi đã trở thành một cuộc du khảo vô cùng thú vị. Đặc biệt, chúng tôi đã được chứng kiến một trong những bí ẩn về văn hóa mà cho tới giờ vẫn chưa có câu giải thích thỏa đáng. Đó là hệ thống những động hang ma ở các xã Mường Sang, Tô Múa, Suối Bàng...
Anh Mùi Văn Thanh - người Thái, cán bộ huyện Mộc Châu chỉ đường, để đến các động "hang ma" có hai cách. Một là thuê thuyền men theo sông Đà từ Hòa Bình lên Sơn La.

Tới gần bến đò Lồi, xã Suối Bàng sẽ thấy hai bên vách đá có những hang động sừng sững và những khu mộ thuyền cheo leo trên vách đá. Còn nếu đi đường bộ thì cứ theo Tỉnh lộ 101 đến trung tâm xã Tô Múa rồi "tụt dốc" theo con đường đất khoảng 18 km mới đến Suối Bàng. Từ trung tâm xã tới hang động gần nhất là khoảng 4 km.

Nơi không có... nghĩa địa

Không hổ danh là cung đường "vừa đi vừa múa", chúng tôi phải trầy trật ngã lên ngã xuống vài chục lượt mới vượt qua được con đường vừa trơn vừa gồ ghề, quanh co, liên tục cua tay áo, mặt đường lổn nhổn đá núi để vào trung tâm xã Tô Múa.
Từ đây vào tiếp Suối Bàng đường có đỡ hơn một chút. Khởi hành từ trưa, song cũng phải đến khi mặt trời khuất núi chúng tôi mới tới được Ủy ban xã.


Thật may mắn, Chủ tịch xã Mùi Văn Chời tiếp đón chúng tôi rất nồng hậu. Trong bữa cơm thân mật, cụ Mùi Văn Khương, năm nay đã hơn 70 tuổi, ở bản Khoang Tuống, xã Suối Bàng cho biết, ngày xưa khu vực này khách đến đây không bao giờ thấy nghĩa địa bởi vì  đó là vì tập tục người chết sẽ được an táng vào các quan tài bằng nguyên một cây gỗ đã được đục rỗng ruột rồi bằng cách nào đó mà... treo lên các vách đá. Hầu như bản nào của Suối Bàng cũng có các động hang ma và các quan tài bằng gỗ ở trên đó cả.


Thâm nhập động hang ma

Nghe chúng tôi đề đạt nguyện vọng được tìm hiểu các động hang ma, Chủ tịch Chời sau một hồi ngẫm nghĩ, rồi gật đầu: "Tôi cũng có ý định khảo sát những động ấy từ lâu mà chưa có dịp. Các anh nên nghỉ sớm để mai lấy sức mà đi".

Tờ mờ sáng hôm sau, chúng tôi vừa mở mắt đã thấy Chủ tịch Chời nai nịt gọn gàng. Ông còn mang thêm gần chục dân quân đeo bi đông nước và balô đựng thức ăn như xôi, gà cùng cả chăn, bạt... Chủ tịch Chời bảo, đỉnh Củm Tây cao gần 1.000m. Ngay cả những tiều phu lão luyện nhất cũng chưa mấy ai lên tới đỉnh. Cho nên phải chuẩn bị kỹ càng, phòng khi phải ngủ lại giữa rừng.

Cũng may do có thâm niên leo đường rừng, nên chúng tôi cũng không đến nỗi bị bỏ quá xa. Đường lên đỉnh Củm Tây dốc cực kỳ, có nơi gần như phải áp mặt vào vách đá và rướn người lên từng mét một. Chỉ vừa qua khỏi con dốc thứ nhất mà ai cũng muốn đứt hơi. Hết bám vào những vách đá leo lên lại chui vào những quãng rừng rậm rạp chằng chịt dây leo rất khó đi, người đi trước phải kéo người đi sau, từng bước một mà vượt lên.
Có những đoạn dốc dài đến nỗi, ngay cả các dân quân sau khi leo được chừng một nửa cũng phải... nghỉ giữa hiệp. Chừng 1-2 phút để lấy lại sức, chúng tôi lại cắn răng leo tiếp.

Cuối cùng thì "động ma" lớn nhất Suối Bàng cũng hiện ra trước mắt. Cửa hang ở độ cao khoảng 700m, nơi được cho là còn cất giữ nhiều mộ thuyền nhất. Người dân địa phương gọi đây là hang ma Khoang Tuống II. Hang mái đá hình vòm ếch, thoáng rộng, sâu vào chỉ khoảng từ 3 đến 4m, chiều dài khoảng 16m, tạo thành mái vòm nhiều nấc, đỉnh vòm cao nhất khoảng 20-25m, còn chỗ kê quan tài có mái cao chỉ khoảng vài ba mét, mưa rừng không thể hắt đến nơi đặt mộ thuyền.

Theo lời của các dân quân cùng đi thì những quan tài hình thuyền này trước đây hầu hết được kê gác lên các mỏm đá nhô sát với trần hang, phía dưới có những đoạn cột chống, đầu đẽo chạc, hoặc giá đỡ từng chiếc quan tài một cách chắc chắn. Nhưng có thể do thời gian, động đất, lở đá mà tệ hại nhất là những kẻ "mộ tặc" đã đến nơi này săn tìm báu vật và đang tâm quăng những chiếc quan tài treo này xuống nền hang. Nhiều mộ thuyền đã bị vỡ thành nhiều mảnh, phía trong lòng mộ thuyền có nhiều vỏ ốc núi, lá rừng khô... Do ở chót vót trên đỉnh núi nên nhiều chiếc quan tài còn gần như nguyên vẹn. Đích thân Bí thư Thu và Chủ tịch Chời đứng ra làm nghi thức xin phép tiền nhân khuất mặt cho chúng tôi vào động với nhang đèn, bánh trái và những lời khấn vái thành kính.

Cố gắng dẹp bớt nỗi sợ hãi, tôi gồng mình lật một cỗ quan tài lên để... xem bên trong có gì. Một chiếc chiều dài khoảng 1,7m, rộng chừng 0,45m, lòng rộng 0,30m nghĩa là thi thể người chết sẽ được "yên giấc" trong khối gỗ dày tới 15mm! Bên cạnh có chiếc quan tài bé hơn dài 1,2 m, lòng rộng 0,30m. Tất thảy những quan tài trên đều được làm từ gỗ đinh thối. Đây là loại gỗ quý có độ bền cao. Quan tài được trang trí những hoa văn họa tiết rất cầu kỳ và hai đầu đều được đục hình đuôi én. Trong lòng quan tài, phần đặt đầu người chết được khoét hình lòng bát.

Sở dĩ những quan tài này được gọi là mộ thuyền bởi chúng đều được tạo từ một thân gỗ nguyên cây. Những người thợ đã xẻ dọc thân một cây gỗ có đường kính tầm hơn 1m rồi dùng đục khoét sâu vào mỗi bên chừng 0,30mm. Mỗi nửa này có thể trở thành một thân thuyền độc mộc.

Tại động Khoang Tuống II còn 18 bộ quan tài gỗ nằm vất vưởng, chồng đống ngang dọc khắp mặt hang. Trong đống ngổn ngang đổ nát còn 2 mộ thuyền chứa những mẩu xương người. Một chiếc đựng bên trong một hộp sọ có cả xương hàm và bộ răng là của người lớn, độ tuổi khoảng 36 - 42, cùng với vài ba mẩu xương đùi, xương ống chân, mảnh vụn xương chậu. Một chiếc mộ thuyền nhỏ hơn đựng nửa hộp sọ không còn nguyên vẹn, có lẽ là hộp sọ của trẻ nhỏ (chừng 10 tuổi).

Theo một thống kê chưa đầy đủ, chỉ riêng xã Suối Bàng của huyện Mộc Châu đã có tới hàng chục động hang ma như trên. Mỗi động ít thì có dăm ba chiếc mộ thuyền, nhiều lên tới vài chục chiếc. Ngoài ra còn có ở các xã Mường Sang, Tô Múa, Tân Lập...

Bí ẩn việc đưa gỗ nặng lên cao…

Có lẽ cũng cần nói qua về vấn đề dân tộc học ở đây. Chiếm 90% dân số của xã Suối Bàng người dân tộc Thái. Vẫn theo cụ Mùi Văn Khương, câu chuyện người Thái định cư ở đất này được cụ, kị truyền lại hàng trăm năm trước là từ một cuộc thi bắn cung tên tại nơi có ngọn núi đá Pa- kỉ- sút (tiếng Thái, dịch ra tiếng Kinh có nghĩa là ngọn núi Cắm Tên).

Cách đây hàng trăm năm, người Xá (dân tộc Khơ Mú ngày nay) và người Thái cùng ở trên mảnh đất Mộc Châu. Người Xá bắn tên rất giỏi đã thách người Thái bắn tên lên vách đá để xác định chủ quyền vùng đất. Nếu mũi tên của bên nào bắn cắm vào vách đá nghĩa là thần núi, thần đất thuận cho ở, còn bên nào thua phải đi khỏi mảnh đất này.

Người Xá dùng tên có bịt đồng ở đầu mũi tên nên bắn vào vách đá thì bị nảy ra, còn người Thái lấy sáp ong dính vào đầu mũi tên nên khi bắn vào vách đá, mũi tên đã dính lại. Từ đó, người Thái được ở lại trên mảnh đất này, còn người Xá phải ra đi. Giữ đúng lời giao đấu là không được sinh sống hay săn bắn, trồng trọt nơi đây nữa nên khi chết, người Xá không được chôn cất trên mảnh đất này mà lấy thân gỗ to, khoét bỏ ruột để đưa người chết vào trong rồi treo lên các vách đá. Vì thế, những mộ thuyền tìm được trên các hang núi được cho là của người Xá.

Ông Phạm Việt Hùng, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Mộc Châu cho biết các mộ thuyền trong hang mộ có niên đại ít nhất khoảng 600 năm, quan tài được làm bằng loại gỗ đinh thối. Nhiều khả năng người ta chọn loại gỗ này vì mùi khó chịu của gỗ sẽ làm thú rừng không lại gần.

Điều đầu tiên mà bất cứ ai khi được tiếp xúc với khu mộ thuyền ở Suối Bàng chính là câu hỏi, "tại sao người ta có thể đưa được những khối gỗ nặng 400 - 500 kg lên độ cao cả ngàn mét để an táng cho người chết?".

Giả thuyết đầu tiên được đặt ra là những người được an táng dạng này thường là những quan lang hoặc những người có chức sắc trong bộ lạc người Xá thời ấy. Khi chết, họ sẽ được khiêng, rước lên các động đá. Và các dân phu cũng sẽ dùng cưa, rìu để hạ những cây gỗ gần đấy để an táng cho các vị này. Song có một vấn đề là hầu như tất cả các mộ thuyền ở đây đều bằng gỗ đinh thối. Vậy nhưng khi chúng tôi tiến hành khảo sát thì hầu như không thấy một dấu hiệu nào thể hiện nơi đây có một gốc đinh thối nào cũng như những dấu tích thể hiện loài cây này đã từng hiện diện tại đây!?

Giả thuyết thứ hai là người Xá đã dùng thuyền chở gỗ đinh thối từ các khu vực khác, tập kết tại khu bến phà Vạn Yên (nay thuộc xã Tân Phong, Phù Yên, Sơn La) rồi lại chuyển tiếp tới bến đò Lồi. Từ đó sẽ được chuyển tới các động hang ma.

Song câu hỏi ở đây là những khối gỗ nặng với 400-500kg, trong khi chúng tôi di chuyển người không cũng trầy trật mới có thể leo tới nơi thì những người bản địa bằng cách nào có thể mang được chúng lên tít cao như vậy? Nếu quả thật giả thuyết này là chính xác thì có thể nói người Xá cổ xưa đã có trình độ vận chuyển gỗ thuộc hàng... siêu cao thủ!

Một bí ẩn nữa là trong chuyến khảo sát mới đây tới một hang mộ cổ đã bị... kẻ khác khai quật, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Mộc Châu đã lượm được một đoạn xương ống tay và mấy miếng bát cổ. Điều lạ lùng là đoạn xương ấy lại dài hơn nhiều so với xương ống tay của những người cao lớn bây giờ. Điều ấy đã đặt ra giả thuyết mà chưa ai tìm được câu trả lời thỏa đáng: Người xưa có thể trạng to lớn hơn người bây giờ?

Những bí ẩn trên có lẽ sẽ phải mất nhiều thời gian, công sức của các nhà khoa học, các nhà dân tộc học lẫn các nhà khảo cổ. Tuy nhiên, sau một thời gian chinh phục các động hang ma này, chúng tôi nhận thấy một thực trạng là đến thời điểm này thì hầu hết các điểm mộ thuyền ở xã Suối Bàng đã bị khai quật, không còn nguyên vẹn.

Theo anh Nguyễn Đức Nguyên - cán bộ Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Mộc Châu, những hang mộ đã bị khai quật ở Suối Bàng trên có bàn tay của kẻ săn lùng cổ vật. Những hang mộ trên thường nằm rải rác ở trên các núi đá cao, dốc, lại ở rất xa khu dân cư nên theo anh Nguyên, triển khai các phương án bảo vệ là rất khó khăn. Tới thời điểm này việc  giữ gìn những mộ thuyền trên có sự đóng góp rất tích cực của lực lượng Công an xã.

Tuy thế, rừng xanh núi đỏ mênh mông, cố gắng mấy thì Công an xã cũng không thể căng người ra để ngày đêm "gác" ở trước mỗi cửa "hang ma" được.

Du lịch, GO! - Theo Minh Tiến - Đức Tuấn (ANTG), ảnh internet
Những năm gần đây, mỗi khi hè về chùa Hoằng Pháp (Hóc Môn- TP.HCM) cũng như rất nhiều chùa trong nước đều tổ chức các khóa tu mùa hè cho giới trẻ.

Đây là dịp giới trẻ được tham gia các hoạt động vui chơi bổ ích và nâng cao đạo đức lối sống cho bản thân.

< Vào chùa tham gia khóa tu giúp giới trẻ khơi dậy tình thương yêu, sự hiểu biết và niềm an lạc.

Để hiểu hơn về các khóa tu cho giới trẻ, phóng viên đã có dịp trao đổi với Thượng tọa Thích Chân Tính, trụ trì chùa Hoằng Pháp, nơi có khá đông các bạn trẻ tìm đến tập tu.
Cho con đi tu mùa hè

Trau dồi nhân cách, sống có ích cho bản thân

Thưa Thượng tọa xuất phát từ đâu mà chùa Hoằng Pháp tổ chức các khóa tu mùa hè, khóa tu niệm Phật cho các bạn trẻ?

Với mục đích đem lời dạy của đức Phật đi vào cuộc sống, góp phần chuyển hóa những nỗi khổ niềm đau, định hướng nhân cách, khơi dậy tình thương yêu và sự hiểu biết, ước mong mang đến niềm an lạc, hạnh phúc chân thật cho tất cả mọi người không phân biệt giới tính, tôn giáo, tuổi tác...

Trong những năm qua chùa Hoằng pháp đã hết sức cố gắng, tạo mọi điều kiện tổ chức các khóa tu học Phật pháp, trong đó có khóa tu mùa hè dành cho học sinh-sinh viên trên khắp cả nước.

Theo Thượng tọa điều các bạn trẻ hiện nay cần và mong muốn là gì?

Sự nghiệp vững vàng, gia đình hạnh phúc, hay hơn nữa là lý tưởng phụng sự xã hội, dựng xây đất nước... là một trong những ước vọng, khát khao chính đáng của mỗi con người.

Thế hệ trẻ cũng vậy! Tuy nhiên, với chiều hướng chú trọng giá trị vật chất, xem nhẹ giá trị đạo đức, một bộ phận thanh thiếu niên đã không tự định hướng, làm chủ được những ước vọng của bản thân, nên rất nhiều trường hợp rơi vào vòng xoáy của hố sâu tội lỗi.

Vì vậy, làm sao để các bạn trẻ có thể định hướng cho những ước muốn của mình, trau dồi nhân cách đạo đức, sống có ích cho bản thân, gia đình, xã hội... chính là điều chùa Hoằng Pháp hướng đến nhiều nhất trong các khóa tu.

Các bạn trẻ đến đây được tham gia các hoạt động gì thưa Thượng tọa?

Ngoài các thời giảng pháp, tu học trong thời khóa ấn định, nhà chùa cũng chú ý đến những chương trình ngoại khóa như: trò chơi tập thể, giao lưu văn nghệ... tạo sự tươi mới, gắn bó tình cảm, chia sẻ tình người trong từng lời ca tiếng hát mang đậm chất nhân bản, nhân văn của Phật giáo.

Song song đó, những chương trình chuyên đề về tâm lý đạo đức học Phật giáo, phương cách ứng xử, tâm lý tuổi trẻ, giáo dục giới tính, tình yêu hôn nhân gia đình... được lần lượt trình bày bởi các vị tu sỹ, các nhà tâm lý có trình độ.

Chùa là ngôi trường đạo đức

Rất nhiều phụ huynh băn khoăn không biết cho con tham gia các khóa tu mùa hè tại chùa có nên hay không? Thượng tọa nghĩ sao?

Quý vị thử nghĩ điều nào sẽ có lợi ích thiết thực hơn nếu 10 thanh niên được đến chùa tìm hiểu đạo đức, hoàn thiện nhân cách, rèn luyện kỷ năng sống... và 10 thanh niên được gia đình cho đi du lịch, vui chơi, ăn uống, hưởng thụ...

Chúng ta cần nên có cái nhìn đúng đắn về giá trị tâm linh của một ngôi chùa. Các nước Phật giáo Nam truyền (Thái Lan, Tích Lan, Miến Điện, Lào, Campuchia) chùa không chỉ phục vụ tín ngưỡng đơn thuần mà còn là ngôi trường đạo đức, nơi lưu giữ nếp sống tốt đẹp của bao thế hệ tổ tiên.

Vì thế, thanh niên nam nữ rất tự hào khi được đến chùa, được học tập và lắng nghe những lời hướng dẫn tận tâm của chư Tăng. Hình ảnh vị nữ thủ tướng Thái Lan, vị tổng thống Tích Lan chấp tay cúi chào các vị lãnh đạo Phật giáo trên toàn thế giới trong đại hội Vesak 2012 tại trụ sở Liên Hiệp Quốc tại Thái Lan là điều mà các bậc phụ huynh, những người trí thức cần nên suy ngẫm.

Có nhiều bạn trẻ không thích đến chùa tham gia các khóa tu nhưng bị gia đình bắt phải đi nên các em cảm thấy rất tù túng?

Đi chùa là quyền cá nhân của con người. Nhà chùa rất tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của tất cả mọi tầng lớp. Tuy nhiên, không vì lý do tự nguyện, xem đó là tự do cá nhân rồi dần dần xa rời truyền thống tâm linh tốt đẹp nơi cửa Thiền.

Vấn đề giáo dục con em có thói quen đến chùa tham dự khóa tu học đạo đức là việc làm hết sức cần thiết và cấp bách nhất là trong bối cảnh xã hội phức tạp như hiện nay. Thế nhưng, làm thế nào để con em vui vẻ đến chùa là điều các bậc phụ huynh nên lưu ý.

Tuy vậy, vẫn có những trường hợp cá biệt. Một số bạn trẻ được chuyển hóa tích cực mà nguyên nhân chính là do gia đình “dụ” đi tham dự khóa tu. Sau lần đó, các bạn đã rất hoan hỷ tham gia và không ngần ngại nói với gia đình “mỗi mùa hè con sẽ đi du lịch trong chùa”.

Xin cảm ơn Thượng tọa!

Du lịch, GO! - Theo Bee.net
Dưới chân đồi Cù Lao là cây cầu Xóm Bóng vắt ngang cửa sông Cái, cửa ngõ dẫn vào thành phố biển Nha Trang. Đứng trên cầu nhìn về phía đông, du khách rất thích thú trước hai cụm đá nằm gần nhau có chu vi khoảng 100m2 trông như hòn non bộ khổng lồ giữa trùng dương.

Đó chính là Hòn Chữ, cụm đá trời sinh gắn liền với những ký tự cổ được người dân xứ Trầm Hương truyền rằng là mật đồ dẫn đến một kho báu cổ.

Thành thục khua mái chèo đưa khách rời bến sông đến thăm Hòn Chữ, bà Nguyễn Thị Hồng, người có thâm niên bơi bạn hơn 10 năm qua (chèo đò đưa những thợ thuyền ra tàu cá), cho biết: “Người nói Hòn Chữ là tảng đá trời sinh, kẻ bảo nó lăn từ trên di tích Tháp Bà..., nói chung có nhiều thuyết về sự hiện diện của khối đá nhưng điều mà ai cũng biết là trên ấy có những ký tự cổ. Đây chính là căn nguyên của tên gọi Hòn Chữ”.

Trên hải trình vượt sóng đến Hòn Chữ, chúng tôi gặp ngư dân Trần Mười, 67 tuổi, lúc ông vừa rời Hòn Chữ trở về tàu đánh bắt cá ngừ của gia đình.

Chỉ vào cái miếu nhỏ vốn là đền thờ Thánh Mẫu do những người đi biển tạo lập nằm ẩn bên trong cụm đá, ông Mười bật mí từ bao đời qua, dân biển sở tại có tục trước khi dong khơi thường ra Hòn Chữ khấn lạy, cầu mong được thuận buồm xuôi mái, kéo lưới nặng tay.

 “Những ký tự cổ trên Hòn Chữ bí hiểm lắm, hồi còn bơi bạn, tôi đã nhiều lần chở các nhà nghiên cứu lịch cử trong và ngoài nước đến tham quan và đọc chữ xưa nhưng ai nấy đều bất lực trong việc giải mã” - ông Mười tiết lộ: “Lúc sinh thời, cụ Quách Tấn (nhà văn Quách Tấn) nói rằng lối chữ hình như những con nòng nọc nối đuôi nhau trên Hòn Chữ được cổ nhân gọi là Khoa Đẩu tự, có lẽ là chữ cổ của người Chiêm Thành. Điều lạ là không chỉ người Chàm mà ngay cả những nhà thông cổ ngữ, cổ tự cũng không đọc được”.


Các bậc cao niên ở vùng biển Khánh Hòa kể rằng lời truyền vào những đêm trăng sáng, dân thuyền lưới ở tầm xa nhìn vào thấy khối đá phát ra luồng ánh sáng ma quái nên tin đá thiêng có thần lực, có kho báu bằng vàng ròng ẩn dưới ấy. “Không ít kẻ mon men nuôi ý định mở chiến dịch rà soát cụm đá tìm vàng nhưng khi vừa đặt chân lên thì kẻ bị sóng cuốn, người bị trượt chân gãy tay, vỡ đầu... Vài bận như thế, chẳng còn ai dám nuôi mộng tưởng tìm vàng ở khối đá thiêng”.

< Bà Hồng chèo thuyền đưa khách đến tham quan Hòn Chữ.

Ông Chiêm Văn Mao, nhà ở đường Tháp Bà, cho biết hồi còn nhỏ có nghe ông nội kể từng có lần bắt gặp đoàn người Chăm đi trên thuyền rồng đến cúng khối đá vào giữa khuya. Thấy lạ dân chài lưới kéo đến thì họ lên thuyền đi mất, từ đó không thấy trở lại. “Về sau mọi người đồn đại dòng chữ nòng nọc là kim chỉ nam về một kho báu khổng lồ mà các vua Chàm xưa muốn trao cho hậu thế. Tiếc rằng do chẳng ai giải mã được các ký tự cổ nên bí ẩn của kho báu chìm theo thời gian” - ông Mao trăn trở.

Giữa trùng dương bao la, đứng dưới chân khối đá khổng lồ nhô lên trên biển và nhìn ngắm những dòng chữ cổ ngàn năm ẩn chứa những bí mật chưa được kiến giải, cảm giác thật vi diệu. Chẳng biết Hòn Chữ có giấu vàng thật hay không nhưng tự vẻ đẹp và những bí ẩn của nó cũng đã là kho báu bằng xương bằng thịt, là niềm tự hào của người dân thành phố biển Nha Trang.

Du lịch, GO! - Theo N. Thành Sỹ (Báo Congan), ảnh sưu tầm

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống