Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Saturday, 7 July 2012

Cậu tôi sắp về hưu, nhớ quê miền Bắc thường tuyên bố: “Tao về quê”. Nghĩ lúc lại bảo: “Một năm tao về quê sáu tháng, ở đây đi câu sáu tháng. Đi câu hồ, câu suối, câu biển, câu gành, câu xa... ghiền lắm”. Nghe chuyện đi câu thôi cũng đủ ghiền rồi.

Sườn núi Thương Diêm, Phước Diêm, cảng Cà Ná, vịnh Vĩnh Hy, Sơn Hải, xóm 7 Vĩnh Hảo, bãi san hô Mỹ Tân, bãi san hô Thái An là những điểm câu biển, câu ghềnh nổi tiếng. Câu ở biển phải theo con nước; nước lừa, nước ròng cá ít ăn; nước lớn cá ăn nhiều hơn. Phải chọn địa thế để đứng, câu ghềnh đứng dang nắng là chuyện bình thường.

Mê nhất là những chuyến câu đêm. Nhóm câu thường xuất phát lúc 3g chiều, đến nơi nắng đã tắt, cứ thế vừa câu vừa nhậu lai rai xuyên đêm.

Hôm tôi được “bám đuôi” đi câu ở Sơn Hải là một ngày nắng chói chang. Thôn Sơn Hải thuộc xã Phước Dinh, huyện Ninh Phước, cách Phan Rang vài chục cây số về phía nam. Xe theo quốc lộ 1 về hướng Cà Ná, cách Phan Rang khoảng 15km thì rẽ trái ở Phước Nam, rồi chạy thẳng qua Phước Lập, Bàu Ngư xuống Sơn Hải.

Lúc về theo con đường ven biển chạy từ Sơn Hải, Vĩnh Trường, về Từ Thiện, Phú Thọ. Cậu tôi giới thiệu bãi biển Phước Hải, đồi cát Phước Dinh, cây neem đã đem lại màu xanh cho vùng đất được mệnh danh “sa mạc của sa mạc” này.

Ninh Thuận của tôi là đây - những cung đường đầy nắng gió, không khí buổi sớm mát lạnh, bầu trời cao xanh ngăn ngắt, những tán me mùa này lên búp non xanh, xương rồng vợt gai nở hoa hai bên đường đi. Có những đoạn đường bị cắt làm đôi từ trận lụt lịch sử tháng 11-2008, cả đoàn phải đi vòng, đẩy xe lên những dốc cát cao như một con đê khiến “kẻ bám đuôi” ưa mạo hiểm càng thêm khoái chí.

Qua sông Sơn Hải đầy rác, con đường thu hẹp lại đến khi trước mặt chúng tôi chỉ còn là một đồi cát lớn. Bình linh xoan mọc đầy trên cát như những bông hồng xanh biếc. Vượt qua đồi cát, chúng tôi men theo ghềnh đá và chỉ 15 phút sau biển đã hiện ra xanh ngắt trước mặt.


< Biển Sơn Hải tuyệt đẹp.

Tháng 9 đến tháng 2 âm lịch hằng năm, mùa gió bấc cũng là mùa câu ghềnh, câu nổi. Khi những cơn bão, áp thấp dồn dập ngoài khơi xa, biển động, cá đổ vào ăn gần bờ, lúc đó đi câu thường thắng lớn. Có những ngày đi câu phải gánh cá về vì xách không nổi.

Mùa này khoái nhất là câu cá dổi, cá năng. Mùa bấc còn câu cá vược, cá kẽm; khi câu vào đàn, một buổi câu được cả vài chục ký. Tháng 3, tháng 4 ta khi gió đông nam thổi, bắt đầu những trận nắng bạc người cùng những trận mưa dữ dội, kéo dài đến tận tháng 8, đi câu không còn cái thú gánh cá về nhưng vào những ngày nước lớn cũng có thể bội thu.
Mùa gió đông nam là mùa câu chìm, câu cá hanh, cá mú, cá hồng, cá bè trang, cá mó, cá trao tráo. Những ngày mưa, ôm cần trong mưa cũng có cái thú riêng.

< Ôm cần trước biển.

Cuộc câu bắt đầu, còn với tôi là cuộc rong chơi từ ghềnh đá này qua ghềnh đá khác. Trong khi các tay câu nhanh chóng chuẩn bị đồ nghề và ngồi đồng ôm cần từ giờ này qua giờ khác, tôi mê mẩn với phong cảnh biển đẹp mê hồn. Mỗi góc nhìn lại thấy biển hiện lên một vẻ diễm lệ khác nhau. Những bụi ngọc nữ biển mọc lên lúp xúp từ những hốc đá cằn cỗi, hoa trắng lá xanh biếc trong nắng. Trong lùm cây, người ta đặt những chiếc bẫy nhỏ để bẫy loài dông cát.

Ghềnh đá là nơi sinh sống của những con ốc đủ màu, ốc mượn hồn, cua nhiều loại, những con cầu gai giống những chú nhím xù lông nằm lọt thỏm trong hốc đá, vô số cá nhảy có màu da giống như những tảng đá mọc rêu.

Hôm nay là một ngày nước ròng và trong vắt, cả buổi sáng các cần thủ chỉ câu được vài ba con cá hiếu, cá tà ma và cá thia lia, đủ cho bữa trưa dã chiến. Bếp chụm trong một hốc đá, chẳng mấy chốc bữa trưa đã sẵn sàng. Còn phải nói: món cá nấu chua với lá me non và cà chua, ăn cùng với nước mắm ớt đã trở thành một trong những món ngon nhất mà tôi từng được ăn.

Sau bữa trưa, các tay câu nằm nghỉ ngơi trên ghềnh đá. Biển chỗ thì xanh thẳm êm đềm, chỗ thì sóng ào ạt tung bọt trắng. Không gian yên tĩnh lạ lùng, nếu có chú ý lắng nghe cũng chỉ nghe tiếng sóng đánh vào ghềnh đá và tiếng gió thổi qua những khe núi.

Tôi hài lòng núp dưới một hốc đá mát lạnh, ngâm chân trong dòng chảy nước mặn tưởng tượng mình đang thư giãn ở một spa thiên nhiên hạng nhất...

Du lịch, GO! - Theo Thu Giang (TTCN)
Trong số những báu vật bị lãng quên sườn Tây Yên Tử có Ngọa Vân am, nơi Phật Hoàng Trần Nhân Tông, đệ nhất tổ của thiền phái Trúc Lâm về cõi niết bàn.

Con đường mòn này từ lâu chẳng có ai đi và gần như mất dấu. Sau nhiều lần bị lạc, 10h tối, chúng tôi quyết định ngủ lại trong rừng sâu để sáng lại tiếp tục lên đường, cuối cùng chúng tôi cũng lên được am Ngọa Vân.

Bên sườn núi, còn có một ngôi nhà bỏ hoang. Đây là chỗ trú qua đêm cho những du khách muốn khám phá những điều kì bí chốn rừng sâu này. Ngôi nhà nhìn ra sườn núi, vẻ đẹp yên tĩnh thanh bình khiến ai cũng xao xuyến.

Để đến am Ngọa Vân, con đường thú vị là đi qua dốc Đô Kiệu, theo lối Thông Đàn. Xuất phát từ Hà Nội, bạn hãy đến làng Trại Lốc (Đông Triều - Quảng Ninh).

Đoạn đường trước khi đến dốc Đô Kiệu không quá khó đi vì phần lớn là đi theo lối mòn nhưng con dốc Đô Kiều thì dựng đứng, không có bậc.

< Ngôi nhà hết sức lên thơ của vợ chồng ông lão chăn bò gần bãi đá Chồng.

Tương truyền xưa kia kiệu của vua Trần khi đi theo lối này, đến đây cũng phải dừng lại, vì vậy tên khởi thủy của nó là Đỗ Kiệu.

Gần tới Ngọa Vân là chặng đẹp nhất. Trúc bạt ngàn ken thành một đường vòm dài thăm thẳm, ngẩng lên không thấy ánh ngày đâu.

Ngọa Vân có vẻ giống mảnh vườn sơn cước hơn là một chốn tu hành. Ở đây, cái gì cũng nhỏ. Chùa nhỏ, bệ đá, đài sen nhỏ, am tháp và cả con voi đá duy nhất còn lại cũng đều bé nhỏ.

Bên trong là bệ thờ được làm bằng một phiến đá nguyên khối dài hơn hai mét, trên đó đặt pho tượng một nhà tu hành nằm nghiêng, tay chống thái dương trong tư thế nhiếp định. Đây chính là Điều ngự Trần Nhân Tông – vị tổ thứ nhất của thiền phái Trúc Lâm.

Sử cũ chép: Tháng 7/1299, Trần Nhân Tông truyền lại ngôi báu, lên núi Yên Tử xuất gia. Nhà vua chọn Ngọa Vân làm nơi ẩn cư. Ngọa Vân không có những công trình đẹp tỉ mỉ khiến chúng ta thán phục, không rộng lớn, kì vĩ mà thực sự là chốn tu hành, thiền định, dành cho những ai muốn tìm lại bản ngã của mình.

Am Ngọa Vân chùa Hồ Thiên & một chuyến du lịch cuối năm.

Du lịch, GO! - Theo Xzone
Lần đầu tiên tôi nhớ Yên Minh, ấy là lúc ngồi trên chiếc xe khách chuồng gà vào một ngày sương giăng mịt mùng. Người tài xế phanh xe lại giữa con đường với những hàng thông nến như ở châu Âu, và tất cả hành khách trên xe chờ tôi thò cổ ra ngoài cửa kính... chụp ảnh.

Yên Minh đã ám ảnh tôi từ lúc đó, bằng hình ảnh sương mờ mây phủ khắp những rừng thông, những ngọn núi mờ xa và con đường cong cong không đếm được có bao nhiêu khúc cua tay áo liên tiếp nối nhau.

Yên Minh cách TP Hà Giang khoảng 100km về phía đông bắc, đường 4C chạy từ Cán Tỷ lên tới trung tâm phố huyện ngang qua ba xã: Bạch Đích, Na Khê, Lao Và Chải. Ở phía Yên Minh, núi vẫn xanh và thông mọc khắp lưng chừng trời, tràn thung lũng, khác hẳn với vẻ xám xịt của núi đá tai mèo khi rời khỏi thị trấn đi về phía Đồng Văn.

Đường 4C qua Yên Minh thoáng nhìn rất “lành”, nhưng chạy xe mới thấy thật khó mà đo được độ nguy hiểm. Con đường mềm mại như một dải lụa vắt quanh sườn núi, nép mình dưới rừng thông, những dãy núi xanh thật xanh, những ngôi nhà nhỏ xinh nằm cheo leo trên lưng núi.

Vẻ bình yên và lặng lẽ của Yên Minh dễ làm tay lái người lữ hành phấn khích, tốc độ chạy xe trong màu xanh bình yên có lẽ vì thế cứ tăng dần đều. Đôi khi trong màn sương mù ảo mộng, “chiến mã” cứ đi và đi, tay lái ngoắt và ngoắt để rồi phải giật mình thảng thốt khi bắt gặp một chiếc xe đi ngược chiều.

Windy là người đầu tiên chỉ cho tôi biết có một thảo nguyên xanh ở Lao Và Chải, cách trung tâm huyện Yên Minh khoảng 12km đường xuôi về phía đồng bằng. Nếu đi lên thì thảo nguyên này nằm sau một khúc quanh khá khuất, không dễ nhận thấy. Đây là một nơi cực kỳ lãng mạn và lý tưởng để dân “phượt” dừng chân pha cà phê, chuyện phiếm và nghe nhạc.

Đó đơn giản chỉ là một sườn núi cỏ xanh mướt, dốc nghiêng nghiêng xuống thung lũng. Ở sâu bên dưới là mấy ngôi nhà nằm nép mình dưới một rừng tre nhỏ hay sau bờ rào tre mộc mạc, con đường mòn lặng lẽ đi vòng ra phía sau rừng tre, dắt vào một căn nhà khác của người Mông. Một căn nhà khác nữa nằm giữa một vườn hoa dong riềng đỏ, nơi cứ vài phút lại thấy có người đi ra đi vào, âm thầm, nhẹ nhàng, bí ẩn.

Với dân “phượt”, thảo nguyên này đã trở thành một điểm phải dừng chân trên đường rong ruổi qua Yên Minh. Một người bạn của tôi từng đi quá nơi này tới 40km đường vẫn quyết tâm quay lại để kiếm tìm cho mình khoảnh khắc thư giãn dịu dàng.

Những tấm hình chụp thảo nguyên đã trở thành hình ảnh “đóng đinh” của Yên Minh - nơi có rừng tre, rừng thông, trời xanh, con đường mòn và những ngôi nhà trình tường. Một Yên Minh bình yên và lặng thầm êm ái, đến nôn nao cả cõi lòng.

Không biết đã bao lần tôi dừng chân lại ở thảo nguyên ấy. Có những lần vội vã vì mưa bão, sương mù, tôi chỉ biết đứng trên mép đường và ngắm nhìn thảo nguyên sũng ướt.

Mấy cô bé, cậu bé người Mông đi chăn bò, chăn dê ngang qua, tò mò nhìn tôi cười khúc khích khi tôi hỏi chúng trưa nay ăn gì. Chỉ có cơm trắng gói trong lá chuối và nước lọc. Tôi cho chúng mấy cái kẹo, có điều gì cay cay dâng lên trong mắt.

Cũng có lần chúng tôi dừng lại ở thảo nguyên, lâu rất lâu. Không ai đi từ trung tâm Hà Giang lên đến địa đầu Đồng Văn với khoảng 150km đường mà mất tới 12 giờ trong trường hợp không có sự cố gì. Lần đó, tôi và các bạn đồng hành đã dừng lại ở thảo nguyên tới hơn nửa ngày, chúng tôi đun cà phê trong tiếng nhạc êm ái, chuyện trò với các cụ ông, cụ bà và đám trẻ cứ thoắt ẩn thoắt hiện từ trong rừng tre, nơi góc nhà trình tường hay bờ rào đầy hoa dong riềng đỏ thắm.

Tôi nằm duỗi mình trên trảng cỏ xanh mượt. Gió thổi rừng tre xào xạc. Trời Yên Minh xanh ngăn ngắt. Bóng những cây thông in trên nền trời kiêu hãnh, tạo nên một khuôn hình tuyệt đẹp. Không phải vô cớ mà thảo nguyên xinh xắn nhưng xa xôi cách trở này trở thành địa điểm chụp ảnh cưới lý tưởng cho biết bao cặp đôi Hà thành. Không phải vô cớ mà lần nào đi tới Đồng Văn các bạn tôi cũng nhất định dừng chân chốn này, dù chỉ vài phút.

Và thật sự tôi luôn nhớ về Yên Minh, bằng những mảnh ký ức rời rạc. Một Yên Minh có phiên chợ chủ nhật chiều cuối năm rét đến tê người, ánh mắt của người thanh niên ôm gà xuống chợ, gùi củi trĩu trên vai ám ảnh. Một thảo nguyên xanh đến nao lòng, núi xanh, rừng xanh, nắng vàng và tôi áo tím...

Du lịch, GO! - Theo Giang Nguyên (TTO), internet

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống