Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Sunday, 8 July 2012

Trên đỉnh Hải Vân. Có một khúc miền Trung đã ghi dấu, in hình vào ký ức ai đó bằng những buổi chiều được tô màu xanh ngọc và cam tối.
Là chiều Sáo Cát nơi thôn Đồng Dương với bản nhạc của mưa, là hoàng hôn tím ngắt trên vịnh Lăng Cô...

Chiếc xe dần bỏ lại sau lưng phố Hội lắc rắc mưa bay, một Sơn Trà ươm mình trong màu nắng, một khúc Hải Vân chìm ngập trong mây mù. Dưới chân bờ bắc con đèo là vịnh Lăng Cô huyền thoại.
Ở đó có làng chài Lộc Hải, nhỏ bé và lặng lẽ trong bức tranh “biển trong núi”, ngôi làng tôi đã bao lần ước được đặt chân đến sau lời kể của bạn năm nào.

< Chiều Sáo Cát.

Bên này vịnh là con đường đi quanh đầm Lập An, dài khoảng vài ba kilômet. Mưa vẫn lắc rắc rơi khiến “một vòng xe quanh đầm” trở nên hối hả. Đầm còn có tên khác là An Cư ở phía bắc dãy Bạch Mã, khá kín và kéo dài nằm gần như theo hướng Bắc - Nam. Màn mưa mỏng liêu trai buông hờ hững lên những chòi canh và lồng nuôi thủy sản lác đác khắp trên mặt đầm. Cảm giác như đang lạc vào một không gian mênh mang, hư ảo nào đó.

Hình như chỉ có duy nhất chúng tôi đang lặng lẽ đi men theo con đường sũng nước quanh đầm. Con sóng bồng bềnh len lỏi qua những dãy cọc, những hàng rào lưới giăng như ma trận, khiến bức tranh Lập An trở nên mê hoặc. Dưới chân núi ngựa trắng, những mái nhà thấp thoáng biết đâu sẽ là Hói Mít, Hói Dừa?

Rời đường lộ để vào làng chài Lộc Hải, chiếc xe chạy ngoằn ngoèo trên con đường đầy cát sỏi và vỏ ốc. Hỏi khá nhiều lần mới tìm đến được nhà thờ Sáo Cát. Nhà thờ nhìn ra biển, yên tĩnh và thanh bình.

Bỏ xe lại trên con đường cát phủ đầy dây muống biển, hai đứa leo vào con thuyền đang nằm say ngủ sau một ngày dài ra biển. Bọn trẻ con Lộc Hải tò mò nhìn mấy người khách lạ một chút rồi lại tiếp tục nhào lộn, đuổi bắt, nghịch sóng. Một ngư dân vừa xếp xong lưới đi về phía chúng tôi, xin lửa châm thuốc và bắt chuyện rất tự nhiên. Ly rượu cay trên chiếc thuyền cạn uống vào như xua tan giá lạnh của cơn mưa chiều đang bắt đầu rơi.

Trước cửa nhà thờ Sáo Cát có một dãy hàng quán đơn sơ của dân thôn Đồng Dương, chủ yếu bán đồ nhậu cho người làng. Những người phụ nữ thường dọn hàng từ lúc 2-3g chiều, chuẩn bị lò nướng cá trích, mực tươi, rau ghém, bánh đa. Vài món ăn dân dã cùng chai rượu là có thể lai rai cả chiều.

Tôi trở lại Sáo Cát vào chiều hôm sau khi cơn mưa lớn đang kéo về ngoài biển. Ngồi trong lều ngắm những giọt mưa lách tách chảy trên mấy cây cột chống, mùi than củi, cá nướng ấm sực, ngào ngạt. Chúng tôi đã ngồi như thế, rất lâu, từ khi biển mịt mùng trong màn mưa trắng đục tới lúc nắng lên, những con thuyền máy lại theo chân ngư dân ra biển.

Chiều Sáo Cát trở nên bận rộn bởi tiếng cười của trẻ con, tiếng chuyện trò rầm rì của thanh niên làng, tiếng máy thuyền nổ lẫn vào tiếng sóng biển.

Chúng tôi lên đèo Hải Vân, trong một cuộc chạy trốn cơn mưa lớn đuổi theo từ Bạch Mã. Lạ kỳ thay, lên đến đỉnh đèo thì trời quang mây tạnh. Thiên hạ đệ nhất hùng quan, bên này mặt trời đang xuống núi, bên kia thành phố đã lên đèn. Mấy chiếc lô cốt cũ kỹ, trầm mặc trong chiều muộn. Có nhiều người dừng chân nơi đây, nhưng hình như ai cũng vội vàng.

Một con đường dẫn lên núi, hơi bị đám cây bụi mọc ngổn ngang che lấp, có lẽ vì ít có người đi qua. Con đường dài khoảng 2km, chạy vòng và lên cao dần, dẫn lên cột vi ba đứng ngạo nghễ trên đỉnh núi. Càng lên cao, càng bị choáng ngợp. Một vọng cảnh đài tuyệt hảo cho Hải Vân quan.

Trên đỉnh Hải Vân. Một bên là Đà Nẵng trong màu xanh huyền hoặc. Con đường xuống đèo uốn lượn như một dải lụa trắng trong chiều muộn mắc vào lưng núi xanh rì. Những bãi cát trắng phau lãng mạn và tình tứ nằm ôm chân núi. Đây sông Hàn, kia cầu Thuận Phước vắt mình ngang biển, những con đường, tòa nhà lung linh trong ánh đèn.

Trên đỉnh Hải Vân. Một bên là hoàng hôn đang buông mình trên dải núi sẫm màu chiều. Có phải đầm Lập An đang ánh lên những vạt nắng cuối cùng? Ở đâu, dưới những chân núi xa xăm mờ kia, là bãi biển thôn Đồng Dương của những buổi chiều mưa giăng lất phất. Chiều bình yên quá, liệu đến bao giờ tôi mới quên được Lăng Cô?

Du lịch, GO! - Theo Yến Thanh (TTO) và nhiều nguồn ảnh khác
Phượt là cách tiếp cận cảnh đẹp - văn hóa các vùng miền sâu sát nhất. Tuy nhiên: cách du lịch bụi này cũng tiềm ẩn nhiều hiểm nguy nếu người đi không cẩn thận.

Đã từng có lần trong nhóm đi chơi vùng thượng nguồn sông Mã (Thanh Hóa), một đôi nam nữ chở nhau bị ngã xe máy khiến người bị gãy chân, người kia gãy tay. Một nhóm khác đi Lũng Cú, Hà Giang chạy xe máy ban đêm, một bạn ngủ gật nên bị tai nạn.

Đau buồn nhất là việc một cô gái trẻ mới 20 tuổi đã tử nạn tại Cao Bằng hôm 15/9. Khi dừng lại rửa chân tại đập tràn Háng Thoan, xã Đầm Thủy, cách thác Bản Giốc chừng 6km, N - tên cô gái - đã bị trượt chân ngã xuống nước không cứu được...

Liên tiếp những vụ tai nạn xảy ra gần đây trên đường đi phượt (tự đi chơi ở nơi núi rừng hoang dã) khiến nhiều bạn trẻ giật mình vì sự chủ quan lâu nay.

D. Chương, Hà Nội, cho biết tháng vừa rồi đã đi chơi ở bốn cung đường khác nhau nhưng đều thuộc Tây Bắc. Mỗi cung chạy xe máy tới 600km trong ba ngày. “Có khi chúng tôi đi những nhóm tới 30 người. Ai cũng trẻ tuổi nên ít nhiều đều bốc đồng, vì vậy rủi ro rất dễ xảy ra”.

Diễn đàn ttvnol.com cũng nóng lên vì những ý kiến về chuyện chủ quan khi đi du lịch. Bạn có nick Ksw bức xúc: “Khi đi đoàn đông, mặc dù đã có người trưởng đoàn nhưng một số thành viên không chịu tuân thủ. Ví dụ đã qui định đi tốc độ vừa phải để bám đoàn nhưng có người lại phóng rất nhanh, đến nơi sớm hơn hoặc về nhà trước cả đoàn. Khi đi chơi lại tách riêng không báo cho đoàn biết”.

Toet, một cô gái nổi tiếng vì sự cứng rắn khi làm trưởng đoàn phượt, nói: “Đã có ai tự hỏi mình đã có bản lĩnh đi lại? Liệu mình đã có thể tự lựa chọn điểm đến, lịch trình, đã tự quyết định thời điểm lên đường một cách sáng suốt?”

“Tự lo cho bản thân và tôn trọng ý kiến tập thể - D. Chương nói - Khi tự tổ chức đi chơi với nhau cần tôn trọng nhau để lo cho nhau. Kinh nghiệm đi xe máy chẳng hạn, không chỉ người chạy xe mà người ngồi sau cũng phải có kỹ năng. Khi chạy nhanh ôm cua nếu người ngồi sau không để ý, chỉ cần lắc người một cái là ngã xe ngay...”.

Còn theo lời một thành viên tên Thắng, tất cả những kinh nghiệm phượt đều được đúc kết rất nhiều trong diễn đàn du lịch, trước khi đi đâu đó bạn nên vào tìm hiểu kỹ, hỏi ý kiến những người đi trước. Anh Dương, một dân phượt có tiếng, nói: “Nếu được chuẩn bị tốt kỹ năng sống và học hỏi thêm kinh nghiệm thì có thể giảm thiểu được tai nạn một cách đáng kể”.

Ngoài ra: chuyện lạc rừng, lở núi, lũ quét và đặc biệt là tai nạn giao thông đang là những nguy hiểm rình rập dân phượt trên những chặng đường. Chưa kể đến những 'xui xẻo' mà có đụng chuyện mới biết như các kinh nghiệm là dân phượt đã truyền tai nhau như những 'bửu bối' trên đường:

1/ Hàng trắng!

Hôm chúng tôi đi Lũng Pô về, đang ở ga Lao Cai thì có một thanh niên nhờ giữ giúp một cái cặp cứng, loại của cán bộ đi họp hoặc của xã hội đen đựng tiền, đựng hàng. Tay này buổi tối trong ga mà đeo khẩu trang, hóng chuyện cũng không phải mà cua gái cũng không phải. Tôi cứ nghĩ hắn là người quen của ai trong nhóm. Lân la một lúc rồi lãng ra.

Đúng lúc tôi đang nghi vấn và nói chuyện với mọi người thì hắn đi lại nhờ giữ giúp cái cặp. Cái cặp bé xíu chứ có phải nặng nề mang vác gì cho cam mà gửi. May mà chúng tôi cảnh giác và thẳng thừng từ chối. Hôm sau có người ở Lao Cai báo là tối qua công an có vây bắt một nhóm buôn lậu ma túy. Chưa thể nói là chính hắn nhưng xét thấy xác suất khá cao. Vì vậy anh chị em đi chơi nhớ cảnh giác, không nhận gửi hàng hoặc gửi con từ người lạ. Lòng tốt không đúng chỗ dễ bị tai họa không đáng có.

Hồi bạn tui làm trên Sơn La, lúc xe đưa về kể là có bà già lên thăm con trai, lúc về con dâu buộc vào quanh bụng một gói to bảo là thuốc, cứ mang về bên dưới đó cho con. Bà mẹ già có biết gì, đến khi bị bắt mới biết toàn là ma túy.

2/ Vấn đề mà các bạn đi xe ô tô nên tránh:

- Ở cửa khẩu Cầu Treo cách đây mấy năm có vụ như thế này mà một thằng bạn tôi đã dính đòn oan, nằm 3 tháng mới được thả! Nó đi công tác từ Lào về, trưa ăn cơm ở quán gần cửa khẩu. Đỗ xe ngay cạnh quán. Ăn xong ra xe chạy về HN...

Đi cách cầu Treo chừng 50km, tự dưng thấy công an ách lại. Một ông ngó nghiêng rồi chui sâu vào gầm xe cạy cạy lịch kịch một tý và lôi ra một bọc nhỏ, trong đó là 1 bánh heroin và 1,2 kg thuốc phiện tươi. Tụi nó gói trong một cái bọc, gắn băng keo với mảnh nam châm to và dính vào gầm xe. Nó bị bắt. Nằm ở Vinh mất 3 tháng mới được minh oan. Nhưng được vạ má sưng, vợ ly dị, mất việc ở cơ quan nhà nước. Hóa ra là mấy chú "hàng trắng" ở Lào về, làm cái trò này. Các chú nếu thấy êm là sẽ mặc áo CSGT giả bộ chặn xe và bí mật lấy hàng ra.
Trò này cực kỳ ác độc! Không biết trên Sơn La có vụ như này chưa chứ cầu Treo đã có mấy vụ rồi đấy.

Hàng trắng đi qua đây nghe đâu vẫn ít hơn bên cửa khẩu Nậm Cắn - Kỳ Sơn, còn có vùng nào giáp ranh biên giới VN - Lào tại đất Nghệ dân buôn chơi toàn hàng nóng, lấy hàng cứ dùng dao chặt như chặt thịt.

3/ Một ít kinh nghiệm đi đường miền Tây Nam Bộ:

- Đường miền Tây rất tốt, bằng phẳng không đèo dốc, ngoài QL1A xe cộ dập dìu ra các đường khác tương đối vắng vẻ có thể thoải mái chạy xe không cần tập trung lắm, nhưng phải nhớ một điều là khi thấy xuất hiện một chiếc xe thô sơ nào đó do bất cứ ai điều khiển trên đường thì phải đặc biệt chú ý đến nó và giảm tốc độ đến mức có thể vì nó có thể chuyển hướng bất cứ lúc nào và không có gì báo trước cả!

- Nếu tiếp tục đi sâu vào các đường làng thì sẽ có những cái cầu không có lan can, gặp những cái cầu này thì bất kể nó rộng hẹp thế nào các bạn cũng nên tuân thủ nguyên tắc "một mình ta qua một cầu". Không có gì phải gấp gáp cả, một va quẹt nhẹ nhàng trên cầu là đến 80% đưa ta xuống sông.

Mà đã lỡ xuống sông thì lội vào, không đáng sợ lắm nhưng cái sợ nhất là xe sẽ xuống theo, có điều người thì bao giờ cũng xuống trước. Tui từng chứng kiến một thằng bé khoảng 14-15 tuổi bay xuống sông, cái xe đạp của nó theo sau may mà không trúng nó.

- Khi đi xe 2 bánh qua các phà nhỏ (phà không chở ô tô) sẽ có cảnh chen chúc. Chuyện này là chuyện thường ngày, không đi cũng không được vì nếu cứ lựa phà lớn mới qua sông thì còn gì là đi phượt nữa. Lúc đó phải tuyệt đối không mất bình tĩnh dù có ra đến giữa sông mà gặp gió to cũng phải ngồi cho êm đừng quýnh quáng mà toi cả đám.

- Các cụ ở miền Tây có truyền cho kinh nghiệm rằng: Khi rơi xuống sông thì việc đầu tiên là phải đảm bảo giữ mình nổi được đã sau đó nương theo dòng nước trôi đi để giử sức rồi tìm cách vào bờ sau, không cố lội vào bờ khi chưa đảm bảo rằng mình đủ sức bơi đến đích.

4/ Cẩn trọng tránh tai nạn giao thông khi đi phượt:

Những nhóm phượt Y Tý thường lưu ý điều này: Trời sáng sớm sương rất dày hạn chế tầm nhìn, đường Tây Bắc thì đèo núi nhiều lại hay sạt lỡ. Vì vậy cần tránh nôn nóng mà chạy nhanh thì rất nguy hiểm. Nhanh đâu chưa thấy, lỡ may sẩy chân thì nặng nhẹ gì cũng mệt.

Cứ xem bất cứ thể loại chuyên nghiệp nào, họ cũng đều cẩn thận. Ví dụ leo núi, không chuyên như ta thì cứ leo nên nhiều khi khá nguy hiểm. Còn dân chuyên nghiệp thì họ có đầy đủ dụng cụ đồ nghề, lại được tập luyện chu đáo, nên nhìn thì có vẻ nguy hiểm nhưng thật ra lại rất an toàn. Do vậy, anh chị em nên có tinh thần phượt chuyên nghiệp trong việc đi lại. Muốn phượt sâu, phượt rộng, phượt lâu thì phải rất lưu ý vấn đề an toàn. Đi đường xa nên có mũ bảo hiểm vừa vặn, thoải mái. Tránh loại mượn tạm cứ năm bảy phút lại phải sửa sửa, chỉnh chỉnh rất nguy hiểm.

Thêm một việc nữa là nghe điện thoại. Vừa rồi có ông anh vừa đi vừa nghe điện thoại, bị giựt té đập mặt xuống đường. May là sau khi khâu vá chỉ cần ăn cháo 1 tuần là đi làm lại được.

Từ giờ cho đến mùa xuân năm sau sẽ là đợt cao điểm cho những chuyến đi phượt, và việc tổ chức đi sao cho an toàn trở thành mối quan tâm hàng đầu.

Du lịch, GO! - Tổng hợp từ TTO, Yume và nhiều nguồn khác
Nếu cháo lươn là đặc sản nức tiếng của phố Vinh, thì miến lươn đang dần "lên ngôi" như để tôn vinh loài cá da trơn sinh sống trên ruộng đồng xứ Nghệ này. Trong danh sách 15 món ngon vừa được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam lập đề cử lập kỷ lục châu Á, thì miến lươn Nghệ An hiện diện như một món ẩm thực độc đáo vì không quá phụ thuộc vào cách chế biến, cách ăn, mà chủ yếu là từ cái thơm ngon, ngọt bùi, săn chắc, mát bổ... của thịt con lươn.

Miến lươn Nghệ An được biết đến và yêu thích có lẽ bắt đầu từ thú ẩm thực của khách ngoại tỉnh đến và lưu lại đây, thưởng thức món cháo lươn xong, đổi vị bằng món miến lươn vốn phổ biến từ lâu ở các vùng đồng bằng miền Bắc, và đã phải thốt lên lời xuýt xoa thán phục trước món ăn "thường tình" nhưng đã đem lại một ấn tượng ẩm thực thú vị bất ngờ.

Và, không biết tự bao giờ, miến lươn Nghệ An đã trở thành một "món ngon Hà Nội", được không những khách trong nước mà cả nước ngoài tìm thưởng thức. Và phải chăng chính vì chủ yếu phụ thuộc vào nguyên liệu là lươn của đồng ruộng Nghệ An nên ở Hà Nội, những quán trưng biển "Miến lươn Nghệ An" rất hiếm gặp được dù đây là món ăn được yêu thích? Ấy là vì quán muốn "đứng" được thì phải kỳ công tìm mối nhập lươn chính phẩm tươi ngon từ Nghệ An!

Khác với món cháo lươn, miến lươn không quá đậm vị cay và ngoài nguyên liệu chủ đạo là thịt lươn và miến, dứt khoát phải có thêm mộc nhĩ. Miến lươn được chế biến theo hai dạng tùy nhu cầu thực khách. Đó là miến lươn xào và miến lươn nước (sử dụng nước dùng).

Riêng với món miến lươn xào, có thể là món nhâm nhi cùng với rượu quê rất "vào". Miến lươn Nghệ An còn được coi như là một sự kết hợp ẩm thực mang phong vị miền Trung và Bắc Hà, do sợi miến đồng hành trong các món ẩm thực xưa nay thực đa dạng và phong phú chỉ ở phía Bắc.

Cũng thật khó "định vị" món miến lươn có ở vùng miền nào trước, nhưng hẳn nên danh nên tiếng món "miến lươn Nghệ An" thì dứt khoát phải là người sành ăn và nhanh nhạy kinh doanh từng được thưởng thức ở Nghệ An mới dụng công chế biến để đẩy nó lên thành một thương hiệu như bây giờ.

Đặc sản con lươn Nghệ An đang là một "bí ẩn" về chất lượng thực phẩm của nó. Nhưng có lẽ, lươn ngon Nghệ An khởi phát chủ yếu ở vùng đồng ruộng trung du chịu tác động hai "cực" thiên nhiên đặc thù khắc nghiệt: nắng nóng gió Lào mùa hạ và giá rét cắt da mùa đông; con lươn chống chịu, tồn tại và sinh sản rồi tận hiến cho con người một đặc sản độc đáo, góp phần vào danh sách các món ẩm thực đậm hồn người Việt, mang cả triết lý "âm dương" phương Đông trong cách chế biến món ăn vừa ngon vừa bổ.

Cũng có người cho rằng, con lươn của vùng Bắc Trung bộ đều có chất lượng như nhau, nhưng do đồng ruộng Nghệ An rộng lớn nên sản lượng lươn nhiều, người ta lấy nó làm "đại diện"?! Dù sao, người Nghệ An cũng có quyền tự hào và hy vọng vào món miến lươn trong hành trình quảng bá ẩm thực Việt Nam đến với khu vực và thế giới.

Danh sách 15 món ngon được đề cử lập kỷ lục châu Á có: Bún thang Hà Nội; bánh đa cua Hải Phòng, cơm cháy Ninh Bình, phở, bún chả, chả cá Lã Vọng, bún bò Huế, mì Quảng, miến lươn Nghệ An, phở khô Gia Lai, bánh canh Trảng Bàng, bánh khọt Vũng Tàu, gỏi cuốn và cơm tấm Sài Gòn, bánh cóng Sóc Trăng.

Du lịch, GO! - Theo Đình Sâm (Nghệ An Online), internet

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống