Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Tuesday, 10 July 2012

Hình ảnh quen thuộc của một gã con em chân truyền phái lang bang, độc hành cùng Dream "chiến", mặc định thương hiệu với chiếc túi bạt đeo bên hông xe, trong đó thò ra ngạo nghễ một chiếc điếu cày… đã trở nên ấm áp, thân thuộc với biết bao kẻ mà dòng máu xê dịch luôn chạy rần rật trong huyết quản.

Trong những đêm rượu dài bất tận cho đến cữ tàn canh tận mạn rừng thẳm, trong bầu không khí liêu trai mờ mờ đặc quánh khói thuốc lào trên những bản làng heo hút vùng biên ải… chân dung một lão giang hồ được phác lên, đầy đặn dần, mà nét vẽ luôn chỉ là sự kiêu bạc nhưng hào sảng. Nhưng mấy ai biết được hành trình vinh quang của một thương hiệu lại nhiều nút quanh co thú vị đến vậy?

Kỳ 1: Cú "đú" mạng hờn tủi và sự ra đời cái tên Du Già


< "Chúng thuỷ giai Đông tẩu. Đà giang độc Bắc lưu". Cái cách đi, cái cách sống, cái cách xê dịch ngược đời của Du Già lại đem vinh hạnh cho sự đi lại.

5h sáng ngày 30/12/2004, trời Hà Nội mưa dày kỳ quái. Giá rét căm căm. Hơn chục chiếc xe máy đủ mọi thể loại nằm ngả ngốn dưới lòng đường. Trên vỉa hè, hơn hai chục nhân mạng, già có trẻ có đứng co ro trong những bộ áo mưa, nép vào nhau tránh gió quất. Ai cũng nai nịt đến tận chân răng. Nhiệt kế ngoài trời lúc ấy chỉ 10 độ C!

5h15, một con Minsk đỏ đích thị đóng dấu Cường Minsk phành phạch đỗ vào nhập hội. Box Du Lịch trên mạng ttvnol.com hồi đó kể ra cũng thuộc dạng Lương Sơn Bạc, trai quái gái dị cũng nhiều hạng, nhưng cái gã mới đến thì thực sự là cực quái. Gã ấy trạc 40 tuổi, vận chiếc áo ba-đờ-suy dạ Liên Xô cũ, mũ cối Tàu, áo mưa bạt quân đội, quần quân khu nhưng lại đi giày… môka, và mùi rượu thì nồng nặc át cả gió mùa. Gã đi một vòng quanh cả nhóm như thị sát, mắt ánh lên vẻ ngạc nhiên, tủm tỉm cười gật gù.


Trưởng nhóm giới thiệu "Đây là bác Dương, thành viên mới của box" trong sự xăm soi của cả nhóm mà thành viên đa phần đều là sinh viên, công chức, tưởng đâu là người nhà có con trốn đi chơi lén lên điệu cổ về. Người cứng tuổi trong box Du lịch hồi đó cũng có nhiều, ông chủ hãng thời trang Ivy ham chơi đầu trọc nhìn như trộm cướp, Vụ phó Vụ Thương mại điện tử Thanh Hải ham đi nhưng lúc nào cũng chỉ biết tìm vui nghẹn ngào đứng tiễn anh em lên đường… nhưng chẳng có ai giống lão này cả.

Tuyến đường thăm thẳm, nhọc nhằn, trơn trượt lên Hà Giang khi đường mới còn đang làm dở dang hồi ấy không làm mọi người trong đoàn bớt nghi hoặc về cái nhân vật kỳ lạ này. Sự mặn chuyện, nhiệt tình, chu đáo của gã lại càng khiến đám gái già trong nhóm càng thêm hoài nghi. Họ quen sống trong sự đều đặn và an toàn, giờ có một ông người chả phải mà phỉ cũng không nhảy xổ vào nhóm thì làm sao chịu được.

Rồi đỉnh điểm của sự hoài nghi diễn ra khi đến Thanh Hà, lão rẽ ngang dẫn đầu một nhóm bỏ đoàn đi tắm nước nóng. Lão chỉ thủng thẳng một câu "Qua Thanh Hà không ngâm nước nóng thì phí một đời", thế là lũ trẻ chúng tôi mê tơi bám theo lão. Trưởng nhóm kiêm trưởng ban đời sống khi ấy là một chị gái già cũng cỡ ngoại 30 phát điên phát rồ lên khi về đến Hà Giang mà chẳng thấy đoàn đâu, mà trong đoàn còn bao em gái trẻ, nhỡ đâu…

Thế rồi trong cái đêm tịch mịch ở thị xã Hà Giang ấy, chi bộ quá lứa nhỡ thì đầy hoài nghi ấy đi đến một quyết định đau thương: cái lão tên Dương ấy rất khả nghi, mà chuyến đi này có nhiều chị em, lại xuyên qua mạn vùng biên, nhỡ đâu lão lại bán quách một cô sang biên giới, và già như thế ai còn đi chơi nữa… Vì sự an toàn chung của cả đoàn thể, cần phải trục xuất lão ra khỏi nhóm.

Sáng sớm ngày cuối năm ở Hà Giang trời trong veo. Mọi người vừa ăn sáng vừa thắc mắc không biết cái lão kỳ quái kia biến đi đâu cả đêm. Tiếng con Minsk nổ phừng phừng tiến về quán là câu trả lời. Lại thêm một sự kỳ quái! Sau yên xe của lão là một mỹ nhân xinh như mộng. Lão đĩnh đạc bước vào gọi 2 bát phở. Mỹ nhân xinh như mộng kia e thẹn ngồi bên cạnh lão, lau thìa lau đũa đầy sự dịu dàng.

Lũ gái già lại được một phen phát điên lên, còn lũ trẻ trai chúng tôi cũng được một phen sướng điên lên khi lão thong thả giới thiệu mỹ nhân người Hà Giang ấy sẽ đón năm mới cùng chúng tôi trên Đồng Văn. Tôi vác chai rượu ra kính lão một ly trong sự lườm nguýt của đám vì-cẩn-trọng-mà-ế-đến-già kia. Tôi mặc kệ! Tôi chỉ sống bằng niềm tin rằng cứ hễ gã nào mà có mỹ nhân kè kè bên cạnh đích thị là gã hay! Tôi cũng biết rằng đây là chén rượu ly biệt, vì chỉ vài phút nữa thôi, quyết định đau thương của chi bộ sẽ chia lìa chúng tôi!

< "Thuốc lào Tiên Lãng chỉ ngon trong sương rừng Chế Tạo".

Lão ham chơi tên Dương hơi sững người khi thấy trưởng nhóm trả lại tiền đóng góp và nhã nhặn gợi ý lão nên tách đoàn. Nhưng lão lại mau chóng cười tủm tỉm, tạm biệt anh em rồi một mình một mỹ nhân một Minsk lên đường. Tôi ngơ ngẩn nhìn theo, tiếc nuối có, ghen tỵ có, một bóng áo hồng đang khuất trong khói xe Minsk mù mịt tiết trời lạnh…

Bẵng đi độ hơn tuần trăng, bỗng nhiên trên box Du Lịch, một cái nick có tên Du Già kèm theo cái avatar chẳng giống ai xuất hiện. Cái nick đề chữ "Thành viên mới" ấy gửi cho tôi một câu chào "Lâu lắm mới thấy chú đấy!? Lặn kỹ quá, anh vẫn nhớ cái trơn trơn, tròn tròn của chú. Nhớ chuyến Lũng Cú chứ!? Anh tặng chú ngàn sao luôn vì chặng Du Già-Mậu Duệ-ĐồngVăn. Chắc hôm đó có động lực ngồi sau!!!

Con BEO của chú mà phi đường đấy chắc nhục lắm nhỉ? Không vỡ máy là may đấy. Hôm rồi, anh chạy lại cung đó, đã quá !!! Chỉ có dân du lịch điên mới tuôn vào bụi rậm. Nhưng thực sự là phê tợn".
Tôi biết đấy chắc chắn là Dương tiên nhân!

< Ở cái góc hoang hoá vắng lặng, nghèo khó và bị lãng quên trên cung đường Mậu Duệ-Du Già này, cái tên Du Gia đã ra đời.

Du lịch, GO! - Theo AutoPro, internet

Du Già - Thương hiệu "xê dịch" (P1)
Du Già: Độc phách Thung Nai (P2)
Du Già: Thuỷ thượng phiêu trên dòng Nho Quế (P3)
Chị Ngọc Minh - người phụ nữ trung niên, có giọng nói trong vắt đầy ma lực, đôi chân dài leo núi thoăn thoắt như gái bản, tình nguyện đưa tôi xuống Chúng Chải. 
Chị Minh được mệnh danh là “người con của núi”, đã hơn 20 năm lăn lộn ở miền đất này. Chị từng là trưởng phòng văn hóa huyện Xín Mần, vì yêu thích nghiên cứu văn hóa các dân tộc ít người nên xin nghỉ chế độ sớm để đi bản, nhằm hoàn thành những công trình còn dang dở.


Những người con của núi

Lục tìm trong tư liệu quý của mình, chị Minh khoe: “Tôi sẽ viết về đồng bào dân tộc ít người sinh sống trên quê hương mình. Công trình mà tôi đặc biệt quan tâm chính là đồng bào dân tộc Phù Lá. Cho đến nay, người Phù Lá trên cả nước chỉ có khoảng hơn 100 hộ dân.

Sinh sống chủ yếu ở các bản nhỏ, thuộc dãy núi Hoàng Liên Sơn – Tây Côn Lĩnh, bao gồm các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang. Trong đó, bản Chúng Chải, xã Nàn Xỉn, huyện Xín Mần, (Hà Giang) được xem  như cái “nôi” của người Phù Lá của nước  ta, với hơn 50 hộ dân sinh sống”.

Từ trung tâm huyện Xín Mần, chúng tôi đi hơn 50km nữa mới đến bản Chúng Chải. Nhiều đoạn đường  dường như mới chỉ nổ mìn phá núi, san ra lấy mặt phẳng. Hơn 10km đường rẽ vào Chúng Chải, với chúng tôi thực sự là một cuộc vật lộn. Ngày chợ đường biên mốc 5, từng tốp người dân tộc La Chí, Phù Lá... đi chợ về. Lưng họ còng xuống vì những quẩy tấu đựng đầy hàng hóa, nặng trĩu.

Ông Giàng Mìn Xèng, Trưởng bản Chúng Chải sang năm mới sẽ tròn 50 tuổi. Ông là con cưng của Chúng Chải, được coi là giỏi giang, hoạt bát hơn người. Bằng chất giọng lơ lớ, chưa sõi tiếng phổ thông, ông Xèng lan man kể chuyện: “Tao làm cán bộ xã nhiều quá nửa số tuổi của mình rồi, nhưng chưa bao giờ phải xuống bản của người Phù Lá để giải quyết mâu thuẫn gia đình. Người dân tộc Phù Lá không bao giờ cãi, chửi nhau! Ốm đau thì đi bệnh viện, không nhờ thầy cúng  đâu”.

Tết của người Phù Lá gần giống với người Kinh.  “Ngày Tết chúng tao cũng có bánh chưng,  gạo nếp nương  làm bánh chưng thì ngon phải biết. Nhà nào nghèo, được nhà giàu chia bớt thịt lợn, gạo nếp. Dân tộc Phù Lá để thức ăn lên bàn thờ, cúng ông bà, tổ tiên vào ngày mồng một Tết. Những ngày sau đó mặc đẹp để đi đến nhà anh em, họ hàng thăm hỏi nhau và uống rượu. Tao cũng tranh thủ ngày Tết, đến từng nhà nói tâm sự với “chúng nó”, bảo không đẻ nhiều con, phải cho trẻ con đi học đầy đủ nhé!” ông Xèng kể:

Ông Xèng đứng trên mảnh nương trước nhà mình, chỉ ra bãi đất rộng tên là Xín Chải và nói: “Đây là chỗ sinh hoạt văn hóa, nơi giao lưu của những anh em dân tộc Phù Lá, La Chí, Tày, Nùng và dân tộc Mông… Những ngày xuân , cán bộ xã cho làm chiếc đu lớn lắm, trai gái của bản kéo nhau ra đó giao lưu, tự tình. Nhiều đôi yêu nhau, lấy nhau cũng từ bãi Xín Chải đấy cán bộ à!”.

Ông Lý Đình Quý, Phó Bí thư xã Nàn Xỉn, là người con của dân tộc La Chí cũng tự hào khi kể về những người Phù Lá ở Chúng Chải. “Bà con các dân tộc trong xã Nàn Xỉn tuy còn nghèo, nhưng tình đoàn kết thì không có ở đâu bằng. Nhà có việc, cả bản sẵn sàng xắn tay giúp đỡ nhau. Đồng bào Phù Lá có đặc tính đoàn kết cao hơn những người dân tộc khác. Họ tự may quần áo, tự tay thêu những hoa văn rất tinh tế lên trang phục của mình. Con trai, con gái Phù Lá không có ai tảo hôn, ép hôn càng không”.

Khao khát một con đường

Qua Tết Nguyên đán 1 tháng sẽ đến lễ hội “cúng thần rừng” của người Phù Lá. Ông Xèng bảo: “Cái Tết này là quan trọng nhất đây. Từ xưa, chính quyền xã cùng nhân dân tập trung ở một khu rừng cấm trên sườn núi. Cử ra một người ăn mặc theo nghi lễ, cúng “thần rừng”, cầu mưa thuận gió hòa... Nó quan trọng nhất bởi để kết nối mọi người lại với nhau. Bà con Phù Lá dù mang họ khác nhau, nhưng dứt khoát là anh em chung một ngôi nhà lớn có tên là Chúng Chải”.

Xong buổi “lễ cúng rừng” đầy màu sắc huyền bí, trang nghiêm, họ nhắc nhau phải biết trồng rừng, bảo vệ rừng. Đặc biệt, trong ngày cúng rừng và 3 ngày sau đó, người Chúng Chải không ai được phép chặt cây, hái rau, làm nương... Họ quan niệm rằng, làm thế là phản bội lại lời hứa đối với “thần rừng”, lễ cúng  rừng sẽ không linh thiêng nữa.

Theo ông Quý: “Xã Nàn Xỉn có 8 thôn bản sống rải rác trên độ cao 2.000m so với mực nước biển. Thời tiết khắc nghiệt nên tỉ lệ đói nghèo của bà con nơi đây cao nhất huyện. Bản Chúng Chải cũng nằm trong diện đói nghèo, cần được cứu trợ. Cán bộ cứ nghĩ xem, con đường hơn 10km đi vào xã Nàn Xỉn bao nhiêu năm nay chưa làm được, đi lại khó khăn như thế? Bà con không nghèo sao được? Cán bộ dưới xuôi, thầy cô giáo cắm bản... lên đây, trụ lại được phải có một tấm lòng cao hơn ngọn núi Gia Long kia”.

Tôi thấy lòng nặng trĩu, khi nghe tâm sự của bà Sùng Thị Lình, vợ Trưởng bản Giàng Mìn Xèng. “Ở trên núi mới thấu hiểu được tiếng thác lũ thượng nguồn ào ạt, ập đến vào mùa mưa đáng sợ đến thế nào? Mùa màng theo dòng lũ mà cuốn trôi về xuôi hết, chỉ còn lại đất đá chơ vơ, bạc màu. Những cơn gió mùa đông dài lê thê, rít gào hun hút trên mái nhà hằng đêm. Rồi chưa kể, năm nào trời không “ưng bụng”, mưa nhiều làm đất đai cạn kiệt, không có cây gì trụ nổi. Đến mùa khô, đi cả ngày cũng không tìm ra được giọt nước nào? Ở Chúng Chải, đêm nào cũng rét căm căm, sương muối trút xuống từng tảng, chẳng cây gì mọc nổi, bà con nghèo, đói cũng phải thôi” – bà Lình nói.

Còn ông Xèng lạc quan: “Nghèo mỗi năm giảm đi được một chút rồi đấy. Năm nào thiên tai khắc nghiệt, mất mùa thì tỉ lệ nghèo mới cao. Nhưng cái quan trọng nhất là bà con rất đoàn kết, thương yêu nhau.

Cuộc sống mà cứ được cười suốt ngày, biết đùm bọc lẫn nhau thì nghèo chẳng nề hà đâu. Tao đố cán bộ đón được bà con Phù Lá về xuôi ở được 1 tháng đấy, chắc chắn “nó” không chịu được đâu. Người Phù Lá, sống phóng khoáng quen rồi”.

Ông Xèng lúc nào cũng cười nói oang oang, ngay cả lúc ở trong nhà. “Tao ở trên núi, phải nói to quen rồi. Cứ đứng từ đỉnh núi bên này, gọi người ở đỉnh núi kia, tập trung họp lại, nghe cán bộ truyền đạt thông tin về chủ trương, chính sách, pháp luật của nhà nước... mãi  rồi nói to lúc nào không biết?”.

Sắp chia tay, ông Xèng nói với chị Ngọc Minh: “Cán bộ về huyện, nhớ nhắn với ông chủ tịch làm cho Chúng Chải một con đường tử tế nhé. Chúng Chải bây giờ đã có người đủ tiền mua xe máy để không phải dậy từ 3 giờ sáng xuống chợ phiên nữa”.

Đứng từ Chúng Chải cao xanh, trên đỉnh Tây Côn Lĩnh hùng vĩ, tôi thấy mình nhỏ bé. Gió chiều lồng lộng thổi, đám sa mộc nghiêng ngả. Lúc chúng tôi sắp rời Chúng Chải, có 2 người phụ nữ lạ mặt từ Bắc Hà sang chơi. Hỏi ra mới biết, họ cũng là người dân tộc Phù Lá, có mẹ lấy chồng sang huyện Bắc Hà – Lào Cai. Người Phù Lá là vậy, dù ở bất kỳ đâu vẫn thường xuyên liên lạc với nhau.

Du lịch, GO! - Theo Thu Trang (Báo Gia đình & Xã hội)
Rời xa những ồn ào nơi phố phường tấp nập để hòa mình vào khoảng lặng mênh mông của lao xao gió lộng chen trong màu xanh mướt của những luống rau, những hàng đậu, thả bước dưới làn cát mỏng của dòng sông Hồng phù xa… và tận hưởng nhiều hơn thế những cảm giác bách bộ sông Hồng khi mùa cạn về.

Bãi giữa sông Hồng (thuộc phường Nhật Tân, Tây Hồ) được giới trẻ biết đến như một điểm lý tưởng bởi quang cảnh thơ mộng, hoang sơ với bãi cát trải dài, thảm cỏ xanh bát ngát, những cánh đồng lau um tùm và dòng sông Hồng mênh mang chảy về chân trời xa tắp.

Nhiều nhiếp ảnh gia đã chọn nơi này để sáng tác, để tìm cho mình cảm giác bình yên sau những ngày làm việc mệt nhọc, các đôi tình nhân đến chốn này tìm cảm hứng "phiêu" trong mỗi bức ảnh cưới. Còn nhiều bạn trẻ tìm đến đây để khám phá, tìm tòi, thưởng ngoạn cảnh đẹp...

Góc thanh bình

Một nơi hoàn toàn khác trong con mắt bao người sống ngay trong lòng Hà Nội, hoàn toàn xa lạ với những gì gọi là phồn hoa đô hội của chốn kinh kỳ, hoàn toàn gần gũi với thiên nhiên, với trời mây sông nước... đó chính là bãi giữa sông Hồng. Một địa điểm đã trở nên quá quen thuộc với dân phượt nói chung và giới trẻ Hà Nội những năm gần đây.

Bãi giữa là tên gọi quen thuộc cho dải đất phù sa màu mỡ nổi lên ở chính giữa sông Hồng, đoạn chảy qua Hà Nội (từ cầu Chương Dương, phường Phúc Tân, Hoàn Kiếm đến phường Nhật Tân, Tây Hồ). Từ trên cầu Long Biên, cây cầu với tuổi đời hàng trăm năm lịch sử, bạn có thể nhìn thấy bãi giữa với những bãi cát trải dài và những lạch nước nhỏ uốn quanh, những con thuyền nằm gối mình trên dòng sông tĩnh lăng, giữa ngút ngàn những xanh mướt của cây trái hoa màu.

Dọc bờ sông là những trảng cỏ cao hơn đầu người, những cánh đồng lau sậy đu đưa theo gió, những đồng hoa, những ruộng rau, những vựa trái cây tươi ngon. Cũng từ đây, những gánh hoa quả đã đổ ra chợ đầu mối và tỏa ra khắp các nẻo đường đô hội của Hà Thành.

Bãi giữa sông Hồng sau những đợt phù sa, đã tạo nên những dáng vẻ thôn quê, đẹp như ca dao và đầy chất thơ như cổ tích. Đạp xe trên con đường mòn gập ghềnh uốn lượn, du khách tự có một cảm giác rất kỳ lạ, có lúc như đi giữa lòng miền Trung ruột thịt, có khi như đang đi giữa những con đường đất nhỏ ven kênh của đồng bằng Nam bộ, có lúc thì man mác lam chiều trầm tư như vùng đồng bằng trung du phía Bắc, hay những vùng chiêm trũng Bắc bộ. Những cây trái ven lối mòn như chìa ra để khoe với du khách về những giọt mồ hôi một nắng hai sương.

Một dịch vụ nơi đây được số đông giới trẻ yêu thích là cưỡi ngựa trên những thảm cát mênh mông. Đây là điểm duy nhất ở Hà Nội có dịch vụ cho thuê ngựa để cưỡi và chụp ảnh. Chỉ với vài chục ngàn đồng cho một lần thuê là du khách có thể rong ruổi khắp bãi giữa, tận hưởng cảm giác thư thái, phiêu lưu, khám phá. Bình thường, những chú ngựa được thuần dưỡng thẩn thơ gặm cỏ góp phần tạo nên một khung cảnh thiên nhiên hết sức yên bình. Trong bãi giữa có một lối đi dẫn ra bãi tắm, đây là địa điểm thu hút khá đông người dân trong những ngày hè nắm bức, hoạt động từ 3h chiều đến tối.

Những ngày đẹp trời cho đến những ngày nắng gắt, bãi giữa đều không ngớt bóng người. Bình yên và thảnh thơi là cảm giác chung của mỗi người khi đặt chân đến đây. Ai ai cũng như được trở về với tâm hồn, với thiên nhiên hoang dã, với cái dịu ngọt và xanh mát của cây cỏ, để lấy lại chút cân bằng trong cuộc sống mệt mỏi xô bồ.

Và những mảnh đời trên sông

Bãi giữa sông Hồng cũng là chốn quần tụ của những mảnh đời khốn khó, nương tựa vào nhau. Chẳng biết từ bao giờ, bãi giữa trở thành “chốn nương thân” của những số phận lam lũ đang cố gắng bám trụ trên mảnh đất giữa lòng thủ đô này. Họ là những người dân nghèo từ các nơi trôi dạt đến và dựng bè sống trôi nổi. Trong xóm, mỗi hộ gia đình sống trong một chiếc bè nổi. Để nổi được, người dân dùng các thùng phi kết lại với nhau thành bè, bên trên mái lợp bằng những tấm gỗ tạp thu nhặt được.

Nhìn trên các mái nhà đầy những quần áo rách che chắn, các tấm nhựa đủ màu, cả những tấm nilon xếp ốp lên nhau ngổn ngang đủ biết ngôi nhà được làm theo kiểu chắp vá, hở chỗ nào che chỗ đó. Bao năm qua, những nhà bè nổi, tạm bợ nằm im lìm bên bờ sông, dập dềnh qua bao mùa mưa lũ với vẻ chịu đựng và bình thản trôi đi cùng nhịp ngày, nhịp lũ, hết mùa lại đến mùa, hết ngày lại đến ngày, mặc kệ phía hai bên bờ kèn nhau bằng bê tông và sự bon chen hối hả.

Lonesome - một thành viên của diễn đàn nguoidulich.info chia sẻ: “Mãi đến hôm nay thì tôi mới hiểu, tại sao những con người nơi tôi mơ đến đó, họ lại phải bỏ tiền, bỏ thời gian để lên phi cơ bay hàng mấy nghìn cây số, để được đến nơi này, để được đốt lửa nướng khoai, để được “Mải mê đuổi một con diều. Củ khoai nướng để cả chiều thành tro” hay để có cảm giác “Chiều nay hồ Tây có giông/ Ta ngồi trên sóng mà không thấy chìm” như mấy câu thơ của nhà thơ tài hoa bạc mệnh Đồng Đức Bố ...”.

Và cũng như anh, biết bao nhiêu con người khi đặt chân tới bãi giữa sông Hồng bỗng dưng chợt ngỡ ngàng như tìm lại được chính con người mình sau những bon chen của cuộc sống: “Cả sáu bảy năm sống giữa lòng thủ đô hoa lệ, những tên phố, tên đường đã trở nên quen thuộc, những tập tục đã dần dà như một thói quen, nhưng bất ngờ thay, có một nơi lọt giữa lòng trời, lọt giữa lòng phố, lại tạm bợ, hiu hắt và đầy thân phận đến thế.

Nơi ấy sao mà giống tôi đến vậy, sự giống nhau về thân phận và chút gì kiêu bạc, bất chấp sự chực chờ của cuồng nộ lũ lụt, bão giông... Đó chính là bãi giữa sông Hồng”.

Du lịch, GO! - Theo Mai Hoàng (báo Du Lịch), ảnh internet

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống