Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Thursday, 12 July 2012

Thành phố Đà Lạt nổi tiếng với ba làng hoa truyền thống có thâm niên gần nửa thế kỷ qua. Trồng hoa không chỉ là một nghề mưu sinh của những người dân nơi đây mà còn góp phần làm đẹp cho đời, tạo nên thương hiệu “hoa Đà Lạt” nổi tiếng khắp nơi.

< Vườn hoa cúc vàng rực tại làng hoa Thái Phiên.

Nói đến nghề trồng hoa ở Đà Lạt, nếu không nhắc đến những cái tên Thái Phiên, Hà Đông và Vạn Thành sẽ là một thiếu sót. Đây chính là ba làng hoa được mệnh danh là cái nôi của nghề trồng hoa phố núi. Những làng hoa có gốc tích hàng chục năm và nổi tiếng với những loài hoa cúc, hoa hồng, đồng tiền, ly ly… khiến không ít người mê mẩn, đắm say.
Điều đặc biệt, ba làng hoa này không nằm xa nội ô thành phố Đà Lạt nên du khách có thể dễ dàng tìm đến tham quan, tìm hiểu.

< Một góc làng hoa Vạn Thành.

Trong gió trời se lạnh, chút nắng hanh vàng mùa đông phố núi, du khách có thể thoải mái chụp hình trong những vườn hoa cúc vàng rực ở làng hoa Hà Đông, Thái Phiên. Nếu không thích sắc màu rực rỡ ở những vườn cúc “thập cẩm” đủ màu vàng, tím, trắng… bạn cũng có thể tìm đến những vườn cúc trắng tinh khiết mà người dân quen gọi với cái tên rất sang trọng: cúc kim cương cũng rất hấp dẫn.

< Ở làng hoa Thái Phiên.

Có truyền thống khá lâu đời, hai làng hoa Thái Phiên và Hà Đông xuất hiện từ khi người miền Bắc di cư vào Đà Lạt từ những năm 1950 - 1960. Gặp đất lành, những lớp người di cư đầu tiên đã chọn nghề trồng hoa ở quê hương thử nghiệm trên miền đất mới và hình thành những làng nghề như ngày nay.

< Hoa hồng Vạn Thành nổi tiếng nhất Đà Lạt.

Người trồng hoa bản tính dễ dãi, chân chất nên chỉ cần bạn giữ ý không bẻ hoa, làm gãy cành hay giẫm lên hoa là có thể thoải mái ghi lại những hình ảnh yêu thích. Đến tham quan vườn hoa, bạn còn có thể được người làm vườn giới thiệu sơ về kỹ thuật trồng hoa trong nhà kính, lịch sử hình thành những làng hoa truyền thống - nơi họ đã gắn bó hàng chục năm để mưu sinh.

< Sắc màu hoa đồng tiền.

Phố núi cũng rất nổi tiếng với hoa hồng. Để được thỏa thích ngắm loài hoa này, bạn có thể đi theo đường thác Cam Ly, về làng hoa hồng Vạn Thành - nơi trồng hoa hồng nhiều nhất tại Đà Lạt. Từ trên cao nhìn xuống, làng hoa trườn theo thung lũng dài dọc con suối Cam Ly màu mỡ. Đây là vương quốc của hoa hồng với những vườn hoa hồng nhung, hồng ánh trăng, hồng cánh sen… rộng hàng hecta trong những ngôi nhà kính hiện đại, tránh nắng gió.

< Thu hoạch hoa cẩm chướng ở làng hoa Vạn Thành.

Hoa hồng trổ bông quanh năm nên bạn có thể đến tham quan bất cứ lúc nào. Đến đây, bạn sẽ được tận mắt chứng kiến người dân thu hoạch hoa hồng vào sáng tinh mơ hay buổi chiều chập choạng, cách họ chăm sóc hoa hay khung cảnh nhộn nhịp đóng gói, chuyển hàng cho các xe đến thu gom hoa chuyển đi các tỉnh tiêu thụ...

< Chăm sóc nụ hoa chờ ngày thu hoạch ở làng hoa Thái Phiên.

Đặc biệt hơn, trong dịp diễn ra Festival hoa Đà Lạt (30-12-2011 - 3-1-2012) sẽ có một “tour du lịch hoa” dành cho những du khách yêu hoa. Không chỉ dừng lại ở những điểm đến làng hoa truyền thống, tour du lịch hoa còn được mở rộng với những điểm đến mà mới chỉ nghe đã rất hấp dẫn. Đó là những công trình bằng hoa được các khu du lịch, đơn vị doanh nghiệp tự thiết kế nhằm hưởng ứng nhu cầu tham quan của du khách trong dịp festival.

Có thể kể đến một số điểm đến rất lãng mạng như Ngôi nhà hoa hồng (khu du lịch Đồi Mộng Mơ), Ngôi nhà tình yêu, Vườn hoa giai nhân (khu du lịch Thung Lũng Tình Yêu), Đồi hoa bất tử rộng 1 ha, Đồi hoa tím hai mộ (khu du lịch Hồ Than Thở)…

Ngoài ra tour du lịch này cũng có một số điểm mới, khá lạ lẫm đang chờ du khách khám phá đến phút chót như thiền hoa ở thiền viện Trúc Lâm, khám phá cà phê Hoa Bách Hợp (khu du lịch Rừng hoa Đà Lạt), khách sạn hoa (khách sạn Ngọc Lan)…

Du lịch, GO! - Theo Nguyễn Dũng (TTO)

Wednesday, 11 July 2012

Không khí và cảnh quan của Trà Vinh hết sức êm đềm với nét cổ kính của chùa chiền, hàng cây trăm tuổi và phố xá yên tĩnh. Nghỉ hè mà về Trà Vinh cũng có nhiều điều thú vị.
Từ TP.HCM đi Trà Vinh chỉ mất 3 giờ qua đoạn đường 130 km nhờ có quốc lộ 60 qua Mỹ Tho, cầu Rạch Miễu (Tiền Giang - Bến Tre) và bắc Cổ Chiên (so với đi quốc lộ 1 qua Vĩnh Long mất tới 4 giờ với 200 km).

Ao Bà Om mát rượi

Ao Bà Om còn gọi là ao Vuông (vì có hình vuông vức, rộng khoảng 4 ha), nằm ngay cửa ngõ ra vô TP Trà Vinh. Từ lộ cái ngó vô đã thấy hàng cây cao rậm rạp che phủ bóng mát cả một vùng rộng lớn. Theo con đường nhỏ vô ao, khách sẽ bất ngờ vì ao lớn quá, phải gọi là hồ thì đúng hơn. Từ bờ này ngó qua bờ kia muốn mút tầm mắt, đi bộ thì mỏi chân mới giáp chu vi. Nước ao trong leo lẻo và đong đầy quanh năm tạo cảm giác sung túc.

< Cổ thụ hàng trăm tuổi rợp bóng mát.

Trên mặt ao có bông sen, bông súng; dưới cá lội tung tăng và tha hồ sinh sôi nảy nở vì có bảng “cấm câu cá”. Khách tới ao dù đang nóng nực cũng cảm thấy mát mẻ. Trẻ nhỏ thì cứ muốn nhảy ùm xuống tắm cho đã. Càng mát mắt hơn khi nhìn xung quanh ao, hàng cây cổ thụ trăm tuổi bao phủ xung quanh như trải bóng dài xuống mặt nước, bốn bề một màu xanh ngát.

< Du khách đến ao Bà Om chụp hình thiệt đẹp.

Đi dưới hàng cây rợp mát, ngắm gốc cây bự ngộ nghĩnh lòi trên đất, nghe tiếng gió thổi rì rào, khách tưởng như đang đi giữa khu rừng cổ thụ xuống tới một thung lũng hiền hòa giữa chốn thần tiên.

Dạo ao Bà Om xong, khách có thể ghé qua chùa Âng (Angkorajaborey) cổ kính ở kế bên, chiêm ngưỡng kiến trúc độc đáo của ngôi chùa có tuổi đời hàng trăm năm này. Rồi lại bước qua kế bên, vô Bảo tàng Văn hóa dân tộc Khmer để tìm hiểu cuộc sống của hai dân tộc anh em Kinh - Khmer từ thuở xa xưa thời lập quốc.

Thành phố công viên

< Những con đường rợp bóng cây xanh.

Nét độc đáo của Trà Vinh là hầu như toàn bộ phố xá đều nép mình dưới bóng cây sao, dầu, me cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm. Các tuyến đường nội ô, trong khuôn viên cơ quan, trường học, nhà dân… đâu đâu cũng có cây cổ thụ sừng sững che bóng mát. Cây xanh đã đi vào tâm thức người dân nên họ đã đặt tên đường theo tên cây như đường Hàng Me, đường Hàng Sao, đường Cây Dầu Lớn…

Vì nhiều cây xanh cổ thụ nên Trà Vinh còn được mệnh danh là “thành phố công viên” cũng không ngoa. Ban đêm, khách có thói quen đi bộ cứ thả mình theo những con đường ô vuông như bàn cờ, dưới bóng cây cổ thụ sẽ thấy mình như đang đi trong vườn Tao Đàn ở TP.HCM.

Thành phố thường ngủ sớm, mới 9g đêm mà xe cộ đã vắng hoe. Đi bộ một mình cũng hơi… sợ ma. Nhưng đi trên vỉa hè rộng mát, nghe tiếng lá cây lao xao trong gió thổi, hòa với tiếng ve kêu rộn rã đêm hè, khách sẽ thấy cái đầu căng của mình bỗng chốc giãn ra như mới được… xông hơi.

Rời nội ô về hướng cầu Long Bình, khách sẽ thích thú đi theo công viên bờ sông ra tận vàm sông cái, gió lúc nào cũng thổi đến mát lạnh.

Cặp bờ sông, khách sẽ tò mò tìm hiểu cuộc sống trên ghe, những gia đình gắn bó cả đời trên sông nước, ngắm nhìn cảnh người mẹ trẻ đùa giỡn với con thơ, tiếng cười nắc nẻ vui như bắp nổ giòn tan trong khoang thuyền; nghe tiếng mấy ông trò chuyện rôm rả trên mui ghe, chuyền tay nhau ly rượu đế, nhấm nháp con khô cá đuối và ngước mặt lên trời nhìn ngắm ánh trăng khuya.

Không khí mát mẻ, nhịp sống êm đềm, cảnh vật nên thơ, sông nước dạt dào, lại thêm đi bộ mỏi chân nên về khách sạn là ai nấy cũng “làm” một giấc ngon lành tới sáng...

Ông Võ Thanh Tuấn, giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch (Sở Văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh Trà Vinh), cho biết ngoài ao Bà Om, chùa Âng, Bảo tàng Văn hóa Khmer… tỉnh đã quy hoạch những tuyến điểm du lịch hấp dẫn khác như: đền thờ Bác Hồ (xã Long Đức), biển Ba Động, khu di tích Cồn Tàu (đường Hồ Chí Minh trên biển - huyện Duyên Hải), cù lao Long Trị, vườn sinh thái Cầu Kè…
Trà Vinh còn có những đặc sản ngon nổi tiếng như: bún nước lèo, bánh tét Trà Cuôn, cá kèo kho gợt, cá khoai nấu ngót, nước mắm rươi, lẩu canh chua bần…

Du lịch, GO! - Theo TTO
Tôi cá rằng, cả Việt Nam mới chỉ có một chợ như thế. Chợ họp suốt đêm ngày trên một sườn núi cách biệt với khu dân cư. Chợ bán cua đá, đặc sản miền sơn cước nhưng nếu ai có hứng, người trong chợ sẽ mở cuộc thi kỳ lạ nhất thế giới: Cuộc thi hút thuốc lào.

< Chợ cua đá bên sườn núi.

Chợ trên sườn núi

Chợ cua đá có tên gốc là chợ cua đá trắng nằm bên sườn núi trên đỉnh Thung Khe thuộc xã Phú Cường (Tân Lạc, Hòa Bình). Chợ được dựng tạm bằng tre lứa phủ bạt và chủ chợ nơi đây hầu hết là bà con người Mường bản địa. Chợ nằm tiếp giáp với huyện Mai Châu nên số nhiều đặc sản dân tộc được quy tụ về đây để bán cho người qua đường.

Theo ông Bùi Văn Đòn, chợ cua đá trắng có từ rất lâu đời nhưng thực sự khởi sắc từ khi xây dựng quốc lộ 6. "Thời xưa, đây là dốc núi trùng điệp nên các cụ chỉ bán những thứ lặt vặt như cơm lam, rau rừng cho những đội tiều phu", ông Đòn cho hay.

Bây giờ chợ đã khác xưa, hàng hóa cái gì cũng có nhưng chủ yếu vẫn là các đặc sản dân tộc bản địa. Chợ phục vụ số nhiều người qua đường, khách du lịch qua đỉnh Thung Khe.

Theo quan sát của chúng tôi, chợ tập trung khoảng 20 lán trại được dựng tạm bợ bằng tre nứa, bên trên phủ bạt. Phía sau các lán trại đều có bếp lò để thổi nấu. Phía dưới là thung lũng và lác đác một vài ngôi nhà sàn phía bản Mường. Ban đêm, từ dưới các thung lũng nhìn lên đỉnh Thung Khe, người ta chỉ thấy những ánh đèn dầu leo lét hắt ra từ các lán trại và màu khói từ bếp lò sát cạnh sườn núi bốc lên.

Ông Đòn bảo: "Chợ này đặc biệt lắm, họp suốt đêm ngày không ngơi nghỉ một giây phút nào, trừ khi trời bão to gió lớn. Ai qua Thung Khe mà không ghé chợ cua đá thì coi như để mất một niềm vui lớn".

Ông Đòn cũng cho biết, chợ cua đá là điểm dừng chân nghỉ ngơi không thể thiếu của dân đi "phượt". Dọc đường gió bụi Tây Bắc, chỉ có chợ cua đá là đáp ứng đủ mọi nhu yếu phẩm và chỗ để "tín thác" niềm vui về cuộc sống dân dã cho những người xa quê.

Chợ bán cua đá

Quả thật, không tự nhiên mà dân bản gọi đây là chợ cua đá, bởi từ khi chợ được thành lập cũng là lúc người ta đem đặc sản cua đá miền sơn cước đến bán.

Bà Bùi Thị Én đã có mặt ở đây từ khi quốc lộ 6 làm xong, bao nhiêu năm nay, không ngày nào chợ thiếu mặt hàng cua đá. Bà Én bảo: "Cua đá chỉ giã nấu canh, chứ mua về kho hay rang thì không ăn được, cứng lắm".

Theo người dân xã Phú Cường, có thời gian người ta theo nhau lên núi bắt cua ở những khe suối hiểm trở. Cua đá sống ở những khe mát lạnh nên để bắt được không phải dễ, người ta phải có mẹo dụ cua ra ngoài để bắt giống như nghề câu cáy dưới đồng bằng.

Ở Thung Khe, những người bắt cua đá được gọi là thợ. "Nghe có vẻ dở hơi nhưng đúng là như vậy đấy. Con cua đá nó sống trong khe suối, tay sắt mới thò vào mà bắt được, phải có kỹ thuật nhử nó ra ngoài, mà nhử được nó ra để bắt thì phải có kinh nghiệm", bà Én cho biết.

Con trai bà Én, anh Bùi Văn Quán cũng đã làm nghề bắt cua đá được tròn 10 năm nay. Anh bảo, bây giờ cua đá ít hơn trước, bắt cũng khó hơn nên giá cả phải cao hơn. Mấy năm trước, 1 cân cua đá chỉ có 30 nghìn, bây giờ tăng lên 60 nghìn hoặc cao hơn nữa.

Anh Quán cho hay, người bắt cua đá bây giờ cũng ít dần rồi. Chủ yếu người bên huyện Mai Châu đi bắt rồi chuyển xuống chợ Thung Khe này. Có ngày họ chuyển xuống cả tạ cua, nhưng có khi chỉ được tròn trĩnh 10 cân cho cả chợ.

Sở dĩ lúc bắt được ít, lúc bắt được nhiều vì loài cua này rất tinh. Con nào "cắn mồi" một lần mà bị thợ "vồ" trượt là không bao giờ bắt được nữa. "Đã có người đứt ngón tay vì cua đá rồi, càng nó như gọng kìm cắp là đứt tay như chơi", anh Quán cho biết.

Theo các chủ trại chợ Thung Khe, cua đá nhập về chưa bao giờ ế hàng, vào mùa hè, khách du lịch phải đặt trước mới có. "Cua đá ăn ngon, ngọt hơn cua đồng nhiều, lại bổ và mát nên có khi hàng trăm nghìn một cân vẫn không có hàng để bán", bà Én cho hay.

Ngoài ra, chợ cua đá còn nổi tiếng với lan rừng, ngô luộc, cơm lam và các loại rượu dân tộc, cung tên và các loại nỏ để săn bắn cùng chim cảnh, sóc bay.

Thi hút thuốc lào

Còn một điều bất ngờ và kỳ lạ nhất mà chúng tôi từng gặp mà chỉ ở chợ cua đá mới có, đó là thi hút thuốc lào. Tuy nhiên, thể lệ thi mới là điều đáng thú vị ở khu chợ ven sườn núi này.
Bao giờ cũng vậy, ông Bùi Văn Đòn sẽ là "giám khảo" của cuộc thi kỳ quái và có hại này. Ông bảo: "Thi thuốc lào là tự phát thôi, không cấp nào tổ chức cả, chúng tôi cũng chỉ thi cho vui mà thôi".

Theo ông Đòn, cuộc thi thuốc lào sẽ diễn ra bất kỳ lúc nào khi ai đó "gạ" nhau. Có khi một nhóm chục người chia làm 2 đội, có khi 2 người thi với nhau hút liên tục bằng điếu ục (ống điếu thông dụng của dân tộc Mường - PV), ai say trước, người ấy thua cuộc.

Phần thưởng cho người chiến thắng có khi là vài chục nghìn, có khi chỉ là bắp ngô hoặc ống cơm lam, có khi không có gì vì chỉ để đọ đẳng cấp. Người đến thi không được phép gian lận, mà phải châm đóm đốt thuốc thành tro, rít cho thuốc thụt hẳn xuống nỡ mới được ngừng hơi. Trong cuộc thi ấy, có người say ngay từ bi thuốc đầu tiên, nhưng cũng có nhiều cao thủ, hút chục phát liền mà không hề hấn gì.

Ông Đòn bảo chúng tôi: "Thi cho vui thôi chứ nhỡ chính quyền phát hiện không biết họ có phạt không? Với lại, thi hút thuốc lào là thói quen xấu, chúng tôi sẽ hạn chế dần chứ cứ để tồn tại thì có anh chết vì bệnh sĩ".
Ông cho hay: "Chợ cua đá Thung Khe là nơi để chúng tôi buôn bán, tuy nhỏ lẻ nhưng là nét văn hóa dân tộc hết sức có ý nghĩa với người dân. Chợ chủ yếu phục vụ khách qua vùng Tây Bắc, chợ cũng là nơi dừng chân nghỉ ngơi cho những ai chồn chân mỏi gối hoặc ốm đau dọc đường".

Du lịch, GO! - Theo Kienthuc.net, internet

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống