Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Thursday, 12 July 2012

Nhắc đến Điện Biên, có lẽ ấn tượng nhất là quần thể di tích lịch sử chiến trường Điện Biên Phủ gắn với chiến dịch 56 ngày đêm “khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt” để làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Nhưng nhiều người còn chưa biết đến một cơ sở cách mạng đã góp phần to lớn làm nên chiến thắng lịch sử vẻ vang của dân tộc là hang Mường Tỉnh nằm tại bản Trống, xã Sa Dung, huyện Điện Biên Đông. Nơi đây vào những năm 1945- 1954 đã diễn ra nhiều sự kiện cách mạng quan trọng góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ.

Sau gần 60 năm, trải qua nhiều biến thiên, thay đổi nhưng hang Mường Tỉnh vẫn giữ được những giá trị lịch sử ghi dấu tháng năm hào hùng trong quá khứ.

Đến đây, du khách được trở về với lịch sử, sống lại với những sự kiện của dân tộc, của những người đã đồng cam cộng khổ, trèo đèo lội suối băng rừng đưa đường cho cán bộ, bí mật hoạt động luồn sâu vào lòng địch. Tại đây, Ban cán sự Đảng Lai Châu đã được thành lập và biến nơi đây thành một cơ sở cách mạng để phát triển phong trào trên địa bàn xã Sa Dung cũng như trên toàn huyện Điện Biên Đông.

Hang Mường Tỉnh đã chứng kiến sự trưởng thành của Đảng và phong trào cách mạng trên địa bàn huyện, đồng thời trở thành chứng tích lịch sử đánh dấu tình đoàn kết, gắn bó của nhân dân Điện Biên Đông với nhân dân Lai Châu - Điện Biên trong cuộc kháng chiến chống Pháp chung của toàn dân tộc. Nhiều cán bộ Đảng viên đã trưởng thành từ đây và góp phần làm nên trang sử vẻ vang cho dân tộc Việt Nam. Đây thực sự là một nơi lý tưởng để giáo dục cho thế hệ trẻ mai sau về tinh thần yêu nước, lòng tự tôn dân tộc và tiếp bước cha anh để xây dựng và bảo vệ đất nước.

Hang Mường Tỉnh gồm có 3 ngăn chính. Đi qua cửa hang hẹp sẽ là ngăn ngoài cùng với diện tích khoảng 600m2, cao tầm 20m. Ở ngăn này vòm hang không có nhiều tạo hình phong phú nhưng điểm nổi bật là có không gian khá rộng lớn với nền đất bằng phẳng. Đây là nơi lý tưởng để Đảng ta lựa chọn làm nơi tổ chức các cuộc họp có sức chứa được hàng trăm người mà vẫn giữ được bí mật.

Để vào được ngăn thứ 2 phải trườn mình qua một đường hầm xuyên đá tự nhiên. Vào bên trong, không gian ngăn 2 khá hẹp với diện tích khoảng 20m2, xung quanh là các bức tường bằng đá với những hốc đá nhỏ, ăn sâu vào lòng núi là nơi cất giấu tài liệu của cách mạng. Bằng sự tài tình của thiên nhiên, trong ngăn thứ hai có hệ thống bàn làm việc, giường ngủ hoàn toàn bằng đá được sắp xếp tự nhiên nhưng rất hợp lý. Quanh đó, thiên nhiên tạo nên hình thù những con vật hết sức ngộ nghĩnh như hình chó cảnh, hình chim muông, hình con sóc... nhìn rất đáng yêu. Đây là nơi vừa bí mật vừa đảm bảo an toàn khi có biến cố xảy ra.  Tại đây có một đường nhỏ xuyên lên đỉnh núi, các chiến sĩ có thể theo đó chui ra ngoài rừng tránh sự phát hiện của địch.

Ngăn thứ 3 được tạo hóa ưu ái nhất với những thạch nhũ từ trên cao rủ xuống lấp lánh, óng ánh và những rèm phủ bằng đá. Trong lịch sử, đây là nơi cất giấu vũ khí, lương thực của quân ta. Phòng cất giấu vũ khí rộng khoảng 30m2  đảm bảo việc cung cấp vũ khí cho bộ đội, du kích ta trong các cuộc chống càn, chiến tranh du kích cũng như tổng công kích giải phóng Điện Biên lần thứ nhất năm 1953. Và đây cũng chính là nơi thư giãn, nghỉ ngơi của các chiến sĩ cách mạng sau mỗi trận chiến.

Đến với hang Mường Tỉnh, du khách không chỉ được trở về với lịch sử hào hùng của dân tộc mà còn được chiêm ngưỡng một hang Mường Tỉnh tuyệt đẹp, khí hậu trong lành, ẩn mình trong núi đá vôi hùng vĩ. Vào buổi sáng sớm, du khách tham quan hang Mường Tỉnh sẽ ngỡ như đang ngắm nhìn bức tranh thủy mặc lãng mạn của thiên nhiên. Đỉnh núi cao chập chờn, ẩn hiện trong màn sương mờ huyền ảo với những đám mây thấp thoáng, bồng bềnh. Khi sương tan, mây dâng cao dần để lộ nền trời trong xanh và trả lại nguyên hình ngọn núi hiên ngang đã từng vững chãi che chở cho đội xung phong Quyết tiến năm nào.

Di tích lịch sử cách mạng hang Mường Tỉnh là một tài sản vô cùng quý giá, là thông điệp của quá khứ để lại cho thế hệ mai sau. Hang cần được bảo vệ, đầu tư phát triển để gìn giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử đồng thời khai thác hợp lý, biến nơi đây thành một điểm du lịch giàu ý nghĩa nhân văn. Nếu được quan tâm đầu tư xứng đáng, chắc chắn hang Mường Tỉnh sẽ thu hút khách du lịch trong và ngoài nước khi đến với Điện Biện.

Du lịch, GO! - Theo Tinmoi, ảnh internet
Cao 1,58 m, nặng khoảng 45 kg. Chỉ nhìn sơ qua người phụ nữ bé nhỏ này, chắc ít ai nghĩ chị đã chạy xe môtô PKL vượt qua chặng đường đến cả 10.000km và chinh phục những cung đường trên khắp dải đất hình chữ S này.

Nói đến Tina CLB môtô Hà Nội, những tín đồ đam mê xe phân khối lớn (PKL) tại Hà Nội nói riêng và trên cả nước nói chung không lạ gì. Người phụ nữ nhỏ nhắn “bé hạt tiêu”, nhưng đam mê môtô PKL và đặc biệt thích tự mình rong ruổi khắp nơi bằng môtô với những hành trình dài.

Là thành viên nữ duy nhất tại CLB môtô Hà Nội, với nick name Queentina (tên thật Nguyễn Thị Thanh) chị đã có chuyến phượt xuyên Việt mà nhiều đáng mày râu cũng phải ngưỡng mộ. Cùng với chiếc môtô, chị đã đi phượt tại nhiều nước trên thế giới như: Canada, Mỹ, Lào, Campuchia và gần đây nhất là Srilanka và Pháp.

< Tina là thành viên nữ duy nhất trong CLB mô tô Hà Nội.

Giới chơi xe PKL Hà Nội hay gọi chị với cái tên thân mật Tina. Sinh năm 1964, theo chị kể thì ngay từ nhỏ đã có tính cách hơi ngang ngạnh, thích làm những điều mà thông thường phụ nữ không làm. "Hồi nhỏ tôi từng nhiều lần đi xe đạp bám vào ôtô chạy hàng km", chị kể. Những năm 80, Tina xung phong đi bộ đội. Bốn năm trong quân ngũ càng khiến chị thêm mạnh mẽ, có lẽ cái “chất lính” đã rèn luyện nên một Tina bây giờ - luôn đam mê, tìm tòi và khám phá những điều mới.

Sau khi chuyển ngành từ quân đội về làm tại công ty dịch vụ ngoại thương xuất nhập khẩu chuyên bán xe máy cũ của Nhật, niềm đam mê chơi xe máy của chị bắt đầu nhen nhóm.

< Ai bảo phụ nữ không phượt được bằng xe PKL?

Đam mê dòng xe PKL và sử dụng xe côn tay đã được 20 năm, ban đầu chị chọn những xe côn tay loại vốn chỉ dành cho nam giới để đi làm như: Mink, Simson S51, Win100… rồi đến Suzuki FX125, Honda CB400 sau này chị chuyên dùng hai chiếc xe là Kawasaki Estrella 250cc và Honda VTX 250cc, vì theo chị hai mẫu xe này vừa tầm hơn với phái nữ, nó cho mình cảm giác dễ chinh phục hơn những anh chàng PKL khác. Với hai chiếc môtô này, chị Tina thường xuyên dùng chúng để du ngoạn khắp nơi.

Với sở thích chạy xe phân khối lớn rong ruổi khắp nơi, chị Tina cho biết chủ yếu vẫn là đi khám phá những vùng miền, văn hóa cũng như cảnh đẹp của mọi miền chứ không chỉ riêng niềm đam mê tốc độ. Nhiều năm nay, năm nào chị cũng có vài cuộc phượt khắp nơi, xa nhất thậm chí sang cả những vùng miền xa lắc của nước Mỹ.

< Một tấm bản đồ hành trình của Tina.

Ở Việt Nam chị từng một mình một “ngựa” - trên chiếc VTX 250 chị đã chạy trên khắp các cung đường; từ Hà Nội tới TP HCM, rồi đến tận mũi Cà Mau hoặc khắp các tỉnh Tây Bắc hay lên tận địa đầu tổ quốc Lũng Cú (Hà Giang)…

Theo chị Tina, "Sử dụng xe máy để phượt thì quả là tuyệt, bạn có thể thoải mái vào các ngóc ngách bản làng để ngắm cảnh mà không hề thấy bất tiện mà ngược lại.

Thật may mắn tuy đã 48 tuổi nhưng sức khoẻ vẫn cho phép mình thực hiện những chuyến đi thành công tới đích, tuy nhiên là phụ nữ, nhất lại chạy phượt một mình, đôi khi xe trục trặc giữa đường mà không có bạn đồng hành là cả một vấn đề, hoặc đơn giản chỉ cần chống chân sơ ý mà xe bị đổ thì với sức vóc con gái bạn rất vất vả để xoay sở với chiếc xe PKL to kềnh càng, do vậy phải tính toán kỹ lưỡng mỗi hành động cũng như công việc chuẩn bị cho trước mỗi chuyến đi để về đích an toàn.”

Trong tất cả những chuyến phượt ở khắp nơi, từ Châu Mỹ, Châu Âu đến những nước Châu Á theo chị Tina không có nơi nào đẹp và hùng vĩ như tổ quốc mình. Nếu để nói đến chuyến đi đáng nhớ và nhiều kỷ niệm nhất, chính là chuyến phượt xuyên Việt vào đầu năm nay mà chị cùng một người bạn nước ngoài vừa trải qua. Với thời gian 12 ngày rong ruổi từ Hà Nội đến mũi Cà Mau trên chiếc môtô VTX, đi qua bất cứ tỉnh nào chị đều được những người bạn đam mê môtô PKL trên khắp cả nước đón tiếp và giúp đỡ hỗ trợ.

Với hành trình gần 2000 km xuyên Việt, nhất là đối với một người là phái nữ, đủ biết nghị lực của chị lớn thế nào. “Trong chuyến đi dài nhất ấy, có biết bao khó khăn xảy đến, nhiều khi cảm giác mình đi bằng nghị lực. Nhưng được ngắm nhìn cả một chặng đường dài với bao điều kỳ thú cũng như cảnh đẹp của dải đất hình chữ S, mình lại cảm thấy sảng khoải và khỏe lên nhiều, đó chính là động lực thôi thúc mình hoàn tất chuyến hành trình xuyên Việt.”


< Cùng người bạn đồng hành trong một chuyến phượt.

Một người bạn thân tại Mỹ có cùng sở thích phượt bằng xe phân khối lớn và thích khám phá những cung đường giống mình. Chị cũng đã cùng người bạn thuê chiếc BMW R1000GS đi từ Canada sang Mỹ, “ Mỗi chuyến đi là một trải nghiệm thú vị đáng nhớ, mỗi đất nước mỗi vùng miền là những nét văn hoá khác nhau.

Chị đã từng xuyên 10 ngàn km từ Canada ngang qua nước Mỹ sang bờ tây California, mỗi bang đều để lại những ấn tượng mạnh mẽ về thiên nhiên, con người và cuộc sống. Ở Mỹ mỗi bang, mỗi vùng miền thời tiết khác nhau. Có nơi rất nóng, có nơi lạnh cắt da thịt, khi mình chưa kịp thích nghi với cái nóng thì giá lạnh ập tới nên chuyến đi ấy bị cảm cúm thường xuyên", chị nhớ lại.

Không chỉ gặp vấn đề thời tiết, giao thông ở nhiều nơi trên đất nước rộng lớn này cũng có nhiều quy định phức tạp. Chuyến đi ấy chị từng bị cảnh sát giao thông Mỹ phạt vì chạy chậm hơn tốc độ quy định.

Tina chia sẻ, một mình giữa cao nguyên hoang vắng, có lúc sợ gặp cướp, sợ ma. Hay như ban ngày có lúc rét mướt, sương mù, chẳng may hỏng xe, dính đinh thì rất nguy hiểm. "Hoặc chỉ cần bùn lầy xe bị đổ là mình không thể dựng lên được vì quá nặng. Nhưng cũng rất may là chưa gặp phải những sự cố ấy", chị nói thêm.

Chị đang ấp ủ ước mơ được đến bang Alaska (Mỹ) một lần, tuy nhiên thời tiết ở đó quá lạnh nên sợ không đảm bảo sức khoẻ. Người phụ nữ nhỏ nhắn này cũng mơ lập một đội phụ nữ chơi xe PKL và lập một website về phụ nữ đam mê phượt bằng môtô PKL mang tên bikergirl.vn. Để thông qua website này, các bạn nữ có thể giao lưu gặp gỡ, học hỏi trao đổi kinh nghiệm cho nhau để cùng thắp sáng những đam mê, cùng làm nên những hành trình đầy thú vị.

< Tina đã đi khá nhiều nơi trên thế giới bằng môtô PKL.

Nhìn người phụ nữ bé nhỏ, rắn rỏi thoăn thoắt dắt xe đi, tiếng pô PKL nổ giòn và lướt vào dòng người đông đúc. Tôi vẫn thấy thật khó tin khi ở tuổi xấp xỷ 50, người ta vẫn còn sức lực và đam mê nhiều đến thế...?

Kết nối...

Autonet: Xe phân khối lớn thường chỉ dành cho sở thích của nam giới, vậy lý do nào đã đưa chị đến với niềm đam mê rất nam tính này?

Tina: Thực ra ban đầu mình cũng không nghĩ gì đến phân khối lớn hay phân khối nhỏ, chỉ đơn giản là cần một chiếc xe máy để ngao du khám phá những vùng đất mà mình muốn đến, tuy nhiên việc leo trèo trên những cung đường khó hoặc dốc cao hay những chặng chạy dài trường kỳ cần đến một con xe bền bỉ và sức vóc tốt nên lựa chọn một chiếc xe máy phân khối lớn là một nhu cầu cần thiết, thực ra ở Việt nam một con xe 400cc đã có thể gọi là phân khối lớn nhưng ở châu âu hoặc ở Mỹ thì nó chỉ là một chiếc xe tương đương với xe wave nhà mình bởi hệ thống đường xá của họ tốt hơn ở ta rất nhiều.

< Ở tuổi xấp xỷ 50, người ta vẫn còn sức lực và đam mê nhiều đến thế...?

Do phải dùng xe PKL để di chuyển thường xuyên  nên không biết từ bao giờ pkl đã ăn sâu thành thói quen, không biết dùng từ "đam mê" thì có đúng không nữa.

Autonet: Chị đã từng chạy những loại xe gì và chiếc xe nào khiến chị phải lòng nhất?

Tina: Trước đây, chắc cũng phải 20 năm về trước mình cũng chạy qua vài dòng xe tay côn như Simson S51,Win 100, Minsk, Suzuki FX… vì tính cách hơi con trai mà, gần đây mình chuyển sang Honda CB400, CB250, Strella250 và hiện tại mình đang chạy VTR250. Mình thấy chiếc xe Honda VTR 250 này khá nhỏ gọn và phù hợp với vóc dáng nhỏ nhắn của mình, nó rất thích hợp chạy trong phố nhưng cũng đủ khoẻ để đi phượt đường trường.

Du lịch, GO! - Theo Nguyên Anh, Việt Hùng (Autonet)
Từ thủ phủ Lào Cai lên Sa Pa vốn đại đa số du khách sẽ đi theo con đường chính chỉ 30km và đã được cải tạo tiện nghi, rộng thênh thang bốn làn xe chạy băng băng. Nhưng nhìn lên bản đồ, cung đường từ Lào Cai lên Y Tý có vẻ hứa hẹn nhiều điều kỳ thú, bởi sẽ ngược theo dòng sông Hồng.

Quê của người Hà Nhì

Xúc động biết bao những điểm khởi đầu, dù là khởi đầu một dòng sông, con suối khi nhập vào đất mẹ. Và dù không có ý định lên tới tận A Mú Sung, nhưng chúng tôi vẫn quyết đi men bờ, ngược dòng sông chở nặng phù sa nuôi dưỡng cả vùng châu thổ sông Hồng từ hàng triệu, hàng vạn năm nay để được chiêm ngưỡng những cảnh sắc của vùng biên thuỳ phóng khoáng.

Nơi đó là huyện Bát Xát, lừng danh bao năm nay với chất men say của rượu Sán Lùng nấu từ mầm thóc, nơi có những địa danh tuy xa xôi nhưng gắn bó với rất nhiều trái tim ưa mạo hiểm và theo chủ nghĩa xê dịch, đó là Y Tý, quê hương của cộng đồng Hà Nhì có kỹ thuật dựng nhà trình tường độc đáo. Rồi Mường Hum với dòng suối xưa kia nổi danh bởi độ hung dữ mỗi mùa mưa rừng về.

Chỉ rời khỏi thủ phủ Lào Cai vài cây số, cảnh vật đã thay đổi hoàn toàn, không còn nữa hào hoa phố thị, không còn cảnh mua bán biên mậu, chỉ miên man núi rừng, và ở một bên đôi lúc lại gặp dòng sông Hồng hiện ra dưới tầm nhìn. Đường lên Bát Xát cho tới nay vẫn là cung đường khó, cua tay áo liên tục, khi dốc ngược thẳng lên đỉnh trời, khi sầm sập lao xuống vực sâu.

Chạy trên đường tỉnh lộ thì có cái thú ngắm mây trời, còn rẽ xuống các con đường nhỏ để vào bản thì hơi vất vả nhưng lại được hoà mình vào cuộc sống của cư dân bản địa Hà Nhì, Dao, Mông…

Trong lúc đám nam thanh niên đã tỏ ra khá nhanh nhẹn để tiếp cận tiện nghi thì nữ giới ở đây gắn bó với truyền thống quê hương hơn nhiều. Những cậu thanh niên chúng tôi gặp ở mỏm đá đầu bản đang đeo tai nghe, gật gù theo nhạc của điện thoại, cạnh đó là lũ trẻ chơi đùa với một que gỗ quay sát đất, một kiểu chơi nhảy dây giống trẻ em miền xuôi.

Nhà đẹp như trong cổ tích

Những ngôi nhà trong cộng đồng Hà Nhì từ bao đời nay vẫn có dáng vẻ độc đáo riêng, tất yếu tạo nên những khuôn hình rất đẹp trong ống kính. Nhà tường đất vàng rộm như sắc màu của rơm ngày mùa, vuông vắn và xinh như cổ tích vẫn được dựng nên giữa núi rừng, chỉ đáng tiếc đa phần mái nhà không còn được lợp rơm, rạ như xưa, mà thay bằng tôn công nghiệp, tuy tiện ích nhưng rõ ràng làm mất đi bản sắc truyền thống một cách đáng buồn.

Cũng là người Hà Nhì nhưng kiểu cách dựng nhà ở đây khác hẳn với mạn Lai Châu, Điện Biên, điển hình là cụm cư dân ở A Pa Chải, nơi được biết tới như điểm cực Tây của đất nước, ở đó nhà dựng bằng gỗ, có gian chính và gian phụ hai bên, đủ để hàng chục người cùng ngồi uống rượu với câu “cù li cù la” tức “có đi có lại”.

Đã biết bao dân phượt phải chắp tay xin hàng trong những bữa rượu ở bản Hà Nhì, cũng biết bao trái tim của các lớp thanh niên miền xuôi phải rung động vì vẻ đẹp thanh tú của thiếu nữ Hà Nhì.

Tại vùng Bát Xát này, nhà của người Hà Nhì khác hẳn, trình bằng đất sét, càng lâu theo thời gian càng cứng như bêtông, chống lại mọi tác động của nắng mưa. Trong một bản khác, chúng tôi xúm xít quanh người đàn ông đang cặm cụi dùng dao, rựa để đẽo một cái cày, kỹ thuật không tinh xảo gì nhưng thao tác thành thục như trăm năm trước ông bà tổ tiên ông ta vẫn làm để khai phá các thửa ruộng bậc thang.

Cũng rất ngộ khi từ xưa tới nay người ta chỉ nhắc tới danh thắng ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái mà không biết ruộng bậc thang Bát Xát cũng có vẻ diễm lệ không thua kém, khi thấp thoáng sau tán tre rừng, khi lồ lộ chào mời ven đường tỉnh lộ. Những dải ruộng bậc thang cứ men theo đường mà phô bày vẻ đẹp, chỉ tới khi qua Mường Hum, theo đường Bản Khoang để nhập về đèo Ô Quy Hồ thì những tán rừng nguyên sinh của dải vườn quốc gia Hoàng Liên Sơn mới chiếm lĩnh hoàn toàn tâm trí khách viễn du.

Ngay cả cung leo núi từ Sa Pa lên đỉnh Fansipan cũng không phải lúc nào cũng bắt gặp tán rừng hoang sơ và um tùm như ở địa phận Bản Khoang. Con đường trải nhựa như thắt lại, mất hút trong tầm khuất của tán cây xanh, đôi chỗ mở bừng ra khoảng trời trên cao để ánh nắng xuyên xuống soi tỏ mặt người.

Cứ miên man đi xuyên dưới tán rừng như vậy, chợt tới một lúc vỡ ra cả mảng trời xanh, đèo Ô Quy Hồ đã hiển hiện trước mắt. Và chỉ cần đi thêm vài cây số nữa là đã về tới Sa Pa. Nơi đó, những người bạn của chúng tôi đang chờ với nồi thắng cố thơm ngào ngạt, sưởi ấm không gian đêm giá lạnh bằng vị hoa hồi, thảo quả… làm nóng sực lòng người.

Cách dựng nhà trình tường

Phương cách làm nhà trình tường của đồng bào Mông ở thôn Hồng Ngài rất đặc biệt. Theo ông Vàng A Sử, dân tộc Mông, năm nay 44 tuổi, Chủ tịch UBND xã Y Tý, thì trước khi làm nhà trình tường, các gia đình người Mông phải xem ngày giờ tốt, chọn miếng đất lành bằng phẳng, rộng cỡ 40 - 50 m2, rồi mổ gà nấu xôi cúng tế, cầu mong cho ngôi nhà mình sắp làm sẽ bền vững, thọ tới trăm năm.

Để có bốn bức tường đất bao quanh nhà cứng như thép nguội, đạn bắn không thủng, bà con phải chọn loại đất núi có độ kết dính cao. Trước khi giã đất, đồng bào Mông ở thôn Hồng Ngài phải đi chọn loại đá núi bằng phẳng ở các con suối, khe sâu, đem về đặt móng cho tường nhà. Móng được đặt ngay trên mặt đất bằng mà không phải đào sâu xuống lòng đất như người dưới xuôi xây nhà, sau đó chọn ván khuôn đặt xuống nẹp lại cho chắc như ta đổ bê-tông.

Nếu ngôi nhà định làm có diện tích 40 m², thì tường phải dày cỡ 40 cm. Sau khi đặt móng, đặt khuôn, đồng bào cào đất núi đã chọn vào thúng, rành đổ vào khuôn gỗ ván, rồi cầm chày gỗ giã cật lực, giã đến khi nào đất kết dính chắc đét lại với nhau, tháo khuôn ra mà không rơi lả tả thì được.

Hết tầng lượt thứ nhất, bà con tháo khuôn đặt tiếp lượt tầng thứ 2, mỗi lượt tầng ván khuôn cao cỡ 40 cm, rồi đổ đất giã tiếp cho kết dính thật chặt với lượt tầng vừa làm xong. Cứ như thế, ròng rã hằng tháng trời, tường đất của ngôi nhà rộng 40 m² mới làm xong.

Thường thì mỗi ngôi nhà làm cao 5-6 lượt tầng ván khuôn là đủ, cá biệt có gia đình làm cao 7-8 tầng khuôn. Nhiều nơi như bên Pha Long, huyện Mường Khương, đồng bào làm cao tới chín tầng ván khuôn. Trình xong tường chung quanh, đồng bào lấy gỗ kháo, sồi, pơ-mu hoặc dổi làm khung nhà bên trong tường. Toàn bộ bốn bức tường không có chỗ nào bổ trụ, mà đã có các cột gỗ bên trong chống đỡ.

Làm khung nhà xong, bà con bắt đầu lợp mái. Trước đây, đồng bào Mông ở thôn Hồng Ngài thường lợp bằng cỏ gianh hoặc rơm rạ, có khi lại lợp bằng gỗ cây pơ-mu bóc ra thành từng lớp rất bền vững. Sàu này, từ khi có Chương trình 135 của Chính phủ, nhà trình tường của bà con đã được "hiện đại hóa" lợp bằng phi-brô-xi-măng.

Nhà trình tường của đồng bào Mông ở Y Tý, Bát Xát khi làm xong có một cửa ra vào ở chính giữa nhà và một cửa phụ ở đầu hồi nhà bên trái, hoặc bên phải để ra chuồng trâu, chuồng ngựa phía sau.
Ngoài ra, đồng bào còn làm thêm một, hoặc hai cửa thông gió ở bên trái, hoặc bên phải lối ra vào, nhìn xa như lỗ con tò vò. Nhà trình tường của người Hà Nhì ở Y Tý làm tương tự như đồng bào Mông, nhưng mặt tường bên trong và bên ngoài được giã, mài nhẵn và mịn trơn.

Bên trong nhà của người Hà Nhì, đồng bào còn làm thêm một bức tường phụ cũng bằng đất nện chạy song song với tường chính ở cách cửa ra vào khoảng 1,5 m. Sau bức tường phụ này là bếp và giường ngủ của người làm chủ gia đình. Nhà của người Hà Nhì đa số là hình vuông, khác với nhà hình chữ nhật của người Mông.

Về mùa đông, cho dù trời rét xuống độ âm, trong nhà đồng bào vẫn ấm. Còn về mùa hè, nếu nắng nóng đến 37°-38°C, ngồi trong nhà đồng bào vẫn mát mẻ. Chất lượng của nhà trình tường thì khỏi nói, trâu bò húc vào tường không rung rinh, đạn AK bắn gần không thể thủng, một người to khỏe lấy hết sức bình sinh đạp cả hai chân, bức tường nhà vẫn trơ trơ.

Đứng ở trên cao nhìn xuống, những ngôi nhà trình tường của đồng bào các dân tộc xã Y Tý trông giống như những cây nấm khổng lồ mọc bên sườn núi, rất xinh đẹp và ngoạn mục.

Du lịch, GO! - Theo Thái A (SGTT),Voyagersapa, internet

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống