Bài viết liên quan

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...

Auto scrolling

Giới thiệu bản thân

Bản quyền thuộc Công ty du lịch Việt Nam. Powered by Blogger.

Search This Blog

Monday, 16 July 2012

Đêm đến, bên ánh lửa bập bùng, trong tiếng mã la vang vọng lay sông gọi núi, khi men rượu đã ngấm, khi ánh mắt chẳng thể rời nhau, khi cái lòng lưu luyến với bao điều muốn nói, muốn gửi gắm yêu thương, vậy là từng đôi, từng cặp lẳng lặng dìu nhau về phía nhà sàn. 
.
Trong không gian thinh lặng, ấm cúng, họ nằm cạnh bên nhau, gửi trao cho nhau niềm thương và nỗi mong ước, những khát vọng về một mái ấm gia đình êm đềm, đủ đầy, hạnh phúc… 
Vào cuộc, PV Chuyên đề ANTG mới rõ tục "ngủ thảo" của người Raglai ở tỉnh Ninh Thuận là mỹ tục ẩn trong nó nhiều ý nghĩa sâu xa chứ không "tệ nạn" như ai đó lầm nghĩ.

Như câu chuyện các cô sơn nữ người Thái, người Mèo, người H'mông "tắm tiên" ở vùng cao Tây Bắc, khi biết người Raglai ở 2 huyện miền núi Ninh Sơn và Bác Ái thuộc tỉnh Ninh Thuận có tục "ngủ thảo", chúng tôi  nhanh chóng lên đường. Không ngất ngây, mê đắm sao được khi nhiều người râm ran rằng với tục ngủ thảo ấy, chàng trai khi thích cô sơn nữ xinh đẹp nào đấy sau ánh mắt chan chứa xuân tình trao gửi, chỉ việc chờ tối đến gõ cửa và từ đây sẽ thỏa ước mơ được chung chăn chung gối với người đẹp miền sơn cước?!

Làng Ma Oai dưới chân núi Tà Năng (xã Phước Thắng, huyện Bác Ái) một chiều tháng 6 đón khách trong khung cảnh buôn làng bình yên đến lạ. Trong tiếng mã la vui nhộn (nhạc cụ bằng đồng như cồng chiêng ở Tây Nguyên nhưng không có núm, vỗ bằng tay chứ không gõ bằng dùi), nghe hỏi chuyện "ngủ thảo", nghệ nhân Pi-năng Thị Tâm, nữ nghệ nhân tinh thông nhiều nhạc cụ cổ truyền của tộc người Raglai, là niềm tự hào của buôn làng, nhoẻn miệng cười bật mí rằng từng có một thời, chàng trai cô gái người Raglai trước khi thành vợ thành chồng đều trải qua những đêm ngủ thảo: "Ngủ thảo là ngủ chung với nhau để tâm tình, để hiểu nhau rồi yêu nhau chứ không được làm chuyện vợ chồng bậy bạ".

Tục ngủ thảo có từ bao giờ, nghệ nhân Pi-năng Thị Tâm cùng những người già Raglai ở làng Ma Oai không ai rõ, chỉ biết rằng đó là tập tục đẹp được duy trì qua hàng trăm mùa rẫy trong tộc người, là tập tục đón khách khác giới nghỉ chân qua đêm tại nhà mình: "Nguyên gốc tục này chỉ dành cho nam nữ gặp nhau trong những đêm trăng sáng khi làng có hội, như lễ ăn đầu lúa, lễ cưới, nhất là lễ bỏ mả…" - già làng Pi-năng Tư, ngoài 70 tuổi, nói.

Giọng trầm trầm, già làng Pi-năng Tư cho biết khi đã phải lòng nhau, những đôi trai gái "ngủ thảo" không chỉ ngủ một đêm mà rất nhiều đêm để thổ lộ, chuyện trò, tỏ bày hết lòng mình với nhau, để thấu hiểu lòng nhau, để khi biết rằng chẳng thể sống rời nhau, thường thì đôi trẻ sẽ đi đến hôn nhân. "Sau những đêm ngủ thảo, nếu không ưng thuận, không hiểu được nhau thì đôi trai gái chia tay. Nhưng lòng vẫn giữ những kỷ niệm đẹp, không có chuyện oán trách, dỗi hờn. Không là tình yêu thì là tình bạn trong sáng".

Tại xã vùng cao Ma Nới thuộc địa phận huyện Ninh Sơn, Chamaléa Âu - già làng và cũng là nghệ nhân duy nhất ở Ma Nới biết làm và khảy đàn chapi, loại nhạc cụ cổ truyền của người Raglai mà "ai nghèo cũng có" và khi rung lên thì "đong đầy hồn người Raglai (Giấc mơ Chapi - Trần Tiến), có tâm tình khác. Ông nói ngày trước, chẳng nề hà chuyện gái-trai, hễ thích nhau, ấn tượng nhau thì cô gái chủ động mời chàng trai "ngủ thảo" hay ngược lại: "Thường thì khi trai gái mời nhau ngủ thảo nghĩa là họ đã phải lòng nhau rồi. Khi "ngủ thảo" với nhau, không bao giờ có chuyện chàng trai hay cô gái nay "ngủ" với người này, mai "ngủ" với người khác. Người như vậy là không đứng đắn, không nghiêm túc. Người như vậy đi đến đâu cũng bị mọi người xa lánh, đuổi đi, không chấp nhận được".

Sẻ chia của lão nghệ nhân Chamaléa Âu cũng như nhiều già làng Raglai khác ở núi rừng Ninh Sơn - Bác Ái như vẽ ra trước mắt chúng tôi không gian êm đềm trong đêm thanh vắng giữa núi rừng bạt ngàn, hùng vĩ. Trong những mái  tranh nhà sàn đơn sơ, từng đôi trai gái sau những rung cảm đã dìu nhau, nằm bên nhau, cùng chìm trong cõi mộng yêu thương với những sẻ chia, những tỏ bày mong ước về một mái nhà đơn sơ ấm êm hạnh phúc với đàn con khỏe mạnh. Trai gái Raglai đến với nhau trong những đêm "ngủ thảo" chỉ đơn giản như thế thôi. Chân tình, giản dị, trong sáng như ánh trăng soi trên mặt nước!

Đêm Ma Nới se lạnh. Bên ánh lửa bập  bùng, bên ché rượu cần ngào ngạt hương lúa rẫy, thơm mùi rừng, đậm mùi rừng, nghệ nhân Chamaléa Âu cho biết, thường thì trai gái Raglai gặp nhau, mời nhau "ngủ thảo" trong những đêm làng làm lễ bỏ mả. Người Raglai quan niệm lễ bỏ mả là những ngày vui bởi đây là thời điểm mà người chết không còn bị thần đất đai giam cầm trong không gian đen tối. Lễ bỏ mả là thời điểm người chết được tự do, được lên khỏi mặt đất, được người sống đãi đằng cho ăn uống no say và quan trọng nhất là được siêu thoát về với ông bà tổ tiên… Vui với niềm vui của người chết nên trong những đêm bỏ mả, người Raglai cùng làng và người đến từ những làng khác cùng nhau tấu mã la, hát đối đáp, uống rượu cần... Đây cũng là dịp để trai gái các làng lân cận gặp gỡ, tìm hiểu, trao đổi tâm tình với nhau với những ước mong nên duyên nên lứa.

Khi đến xã vùng cao Phước Chiến ở huyện Bác Ái, chúng tôi được một số già làng hồi ức vào những đêm bỏ mả, bà con Raglai ở các xã lân cận như Phước Thắng, Phước Đại… đổ về chung vui như hội. Lúc này, hàng chục ghè rượu cần được trải dài tại rừng ma (nơi chôn người chết) với thịt cá, rau rừng ăm ắp. Trong khi những người già, người lớn tuổi tề tựu uống rượu, ăn uống, hút thuốc thì thanh niên các làng đến giao lưu, tìm hiểu và hát giao duyên, hát đối đáp, biểu lộ tài năng sử dụng các loại nhạc cụ dân gian cũng như trao gửi tâm tình với người khác phái bằng các loại đàn môi… Trong quá trình giao lưu ấy, nếu thấy hợp mắt, thấy cảm mến, thấy cái lòng lưu luyến, đôi trai gái sẽ trò chuyện với nhau, cùng nhau tấu mã la và sau cùng mời rủ nhau "ngủ thảo".

Sau những đêm ngủ thảo, sẽ có nhiều đôi lứa tâm đầu ý hợp nảy sinh tình yêu. Thường thì sau giai đoạn ấy, cô gái bắt chồng (người Raglai theo chế độ mẫu hệ, con gái chủ động bắt chồng, con sinh ra lấy họ mẹ) bằng cách về thưa với bố mẹ để người lớn quyết định chuyện trăm năm. Lúc này cha mẹ phía chàng trai lẫn cô gái sẽ hỏi các bậc cao niên trong làng xem mối quan hệ ấy nếu tiến đến hôn nhân có vi phạm những nguyên tắc loạn luân, trùng huyết thống hay không. Nếu không thì đến lượt các yếu tố ngoại hình, tính nết, sức khỏe của chàng trai, cô gái… mới được hai bên gia đình xem xét!

Và khi không có gì trở ngại, từ đây nhiều cặp trai gái "ngủ thảo" ngày nào trở thành vợ chồng và sinh con đẻ cái. Điều này phản ánh quy luật trong sinh có tử, trong tử có sinh, sự sống bắt đầu từ cái chết trong đêm bỏ mả của người Raglai: Khi một người chết đi đã mở ra cơ hội, khai sinh sự sống cho nhiều người khác tiếp tục gia nhập cộng đồng.

Đêm ngủ thảo là nét sinh hoạt văn hóa trong sáng, mang đậm tính triết lý nhân sinh của người Raglai là thế. Những người già Raglai mà chúng tôi tiếp xúc đều khẳng định trong những đêm ngủ thảo, trai gái có thể ngủ với nhau đến sáng nhưng luật tục cấm mọi hành vi quá trớn, đi ngược với thuần phong mỹ tục, sự trong sáng của đêm ngủ thảo. Chúng tôi hỏi già làng Pi-năng Tư: "Nếu đôi trai gái không giữ được mình thì chuyện gì sẽ xảy ra?". Già ôm bụng cười khùng khục, nói nếu đôi trẻ ăn cơm trước kẻng, thường thì làng phía cô gái sẽ lên án tội lỗi của chàng trai và phạt nặng, buộc anh chàng quá đà phải nộp heo, nộp trâu cho làng và cho cả gia đình cô gái mà anh ta mạo phạm: "Làng phạt vạ nặng lắm. Làng phạt heo, phạt gà để đãi làng. Rồi phạt dòng họ của đứa trai đứa gái, buộc phải làm lễ tạ lỗi vì làm xấu mặt làng xóm, ô uế dòng họ…".

Cùng chung sẻ chia ấy của già làng Chamaléa Âu, ông Đá Mài Soai, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Ma Nới khẳng định "ngủ thảo" không như người ta đồn đoán xằng bậy, suy diễn trật giuộc rằng trai gái thích thì cứ việc tìm để ngủ chung với nhau rồi mai này đường ai nấy đi, chẳng có bất kỳ ràng buộc gì.

"Tục ngủ thảo của đồng bào rất trong sáng, không có chuyện vượt rào. Ngủ thảo để thanh niên nam nữ tìm hiểu nhau thôi, cháu ơi! Không có chuyện đứa trai xấu bụng nào chăm chăm mời con gái của làng ngủ thảo để làm  chuyện bậy bạ đâu. Khi đứa trai ở làng khác đến giao lưu với cô gái ở làng sở tại, khi đồng ý ngủ thảo, cô gái xem giò chàng trai rất kỹ. Nếu anh ta không khỏe mạnh, không vỗ mã la hay, không có dáng vẻ của người đàn ông tháo vát, săn bắn giỏi, không được những người ở làng quý mến… thì sẽ không nhận lời ngủ thảo đâu" - ông Đá Mài Soai, bộc bạch.

Người Raglai xem tình dục rất thiêng liêng, có thần linh giám sát. Ai vi phạm những điều cấm kị trong hôn nhân như quan hệ bất chính, quan hệ tình dục bừa bãi, quan hệ tình dục tiền hôn nhân mà nhiều người gọi nôm na là "ăn cơm trước kẻng"… bị xem là làm theo, nghe theo lời ma quỷ xúi giục và sẽ bị làng phạt rất nặng. Các già làng kể rằng người phạm tội sẽ bị trưởng làng bắt úp mặt xuống đá rồi quất bằng roi lên khắp cơ thể, lên lưng, mông, bắp chân trước sự chứng kiến của đông đảo dân làng. Không những thế, có vùng đôi trai gái vi phạm còn bị buộc phải vào chuồng heo, vục mặt xuống máng ăn cám heo vì cho rằng chỉ có loài súc vật như con heo, con chó mới quan hệ tình dục bừa bãi. Nếu tái phạm sẽ bị đuổi ra khỏi làng.

Luật tục Raglai trừng phạt cho cái tội chửa hoang, "ăn cơm trước kẻng" là vậy. Vì sợ phạt, sợ xấu hổ với người thân, sợ làm cho dòng họ bị ô danh, sợ bị những dòng họ khác chê cười và quan trọng nhất là sợ xúc phạm thần linh (Yàng)… nên khi "ngủ thảo", cả chàng trai-cô gái luôn ý thức chuyện giữ mình. Điều này cho thấy sức mạnh của tín ngưỡng, của niềm tin tâm linh và luật tục vô hình đã điều chỉnh, duy trì đạo đức truyền thống xã hội của người Raglai trong một chừng mực nào đó nhiều khi có hiệu quả hơn pháp luật.

Bà Katơ Thị Sính ở thôn Maty, xã Phước Tân, huyện Bác Ái, cho biết bên cạnh việc xử tội nặng với những cô gái chửa hoang, những đôi trai gái "ngủ thảo" nhưng làm chuyện vợ chồng, luật làng luật tộc Raglai cũng nghiêm cấm và xử phạt nặng những người cùng huyết thống kết hôn với nhau, dẫu rằng đôi trai gái ấy tính theo dòng họ mẹ dù xa mấy đời.

Luật cũng quy định người cùng một họ, cùng nhánh cũng không được lấy nhau. Bà Katơ Thị Sính bật mí những lệnh cấm ấy có từ ngàn xưa và nay vẫn được những lớp con cháu đời sau tuân thủ nghiêm ngặt: "Ở palơi (làng), nếu ai phạm arih (tội nặng nhất, tội loạn luân) thì làng sẽ bị Yàng (thần linh) phạt nặng, làm cho đau bệnh, dịch bệnh, làm cho hạn hán mất mùa. Vì tội loạn luân là tội nặng nhất nên người phạm tội sẽ chịu hình phạt nghiêm khắc nhất".

Cần nhấn mạnh rằng trong quá trình tìm hiểu về vấn đề hôn nhân của người Raglai nói chung, tục ngủ thảo nói riêng, chúng tôi biết được rằng người Raglai ở Ninh Thuận sống rất chuẩn mực. Những vấn đề đi ngược với những nền tảng đạo đức sống như loạn luân, quan hệ tình dục bừa bãi, ngoại tình… và hẳn nhiên, quan hệ tình dục trước hôn nhân hiếm khi xảy ra. Và cũng cần nói rõ rằng tồn tại đến đầu những năm 90, tục ngủ thảo - nét văn hóa đặc sắc đồng thời là cách để người Raglai luôn nhắc nhau phải sống đẹp, sống có tâm hồn… ngày nay hầu như không còn nữa.

Những năm sau này, trước sự xâm nhập, tấn công của nhiều luồng văn hóa khác nhau, những giá trị truyền thống của tộc người Raglai dần mất đi, quan hệ tình dục tiền hôn nhân xảy ra ngày càng nhiều dần làm tan rã những giá trị truyền thống. Chính những chuyển biến không mong đợi ấy mà tục "ngủ thảo" bị lợi dụng, biến tướng nên dần bị lãng quên, để rồi "ngủ thảo" nay đã ngủ vùi trong ký ức của những người Raglai.

Du lịch, GO! - Theo T.Dũng – H.Sơn (ANTG), internet

Sunday, 15 July 2012

Đó là thứ bánh được làm từ gạo chiêm dâu – giống lúa địa phương vùng quê Nghệ An. Hạt gạo màu đỏ sẫm được ngâm ủ theo một bí quyết riêng. Và xay bằng cối đá quay tay để cho ra một thứ bột gạo không yêu cầu thật mịn như bột tráng bánh cuốn, bánh phở.

Trên bếp lò chuyên dụng đắp đất đỏ rực lửa, là một hoặc hai cái nồi lớn. Miệng nồi cỡ 30 – 40cm, trải khuôn vải tròn để tráng bánh, nắp vung cao đậy nồi được quấn giẻ cẩn thận nơi quai xách. Một chậu sành đựng bột loãng, một cái vá múc bột – cũng là dụng cụ dùng để dàn bột đều trên khuôn tráng được làm từ nửa vỏ quả dừa khô. Một thanh tre cật dài cỡ 40 – 50cm bản rộng dùng để lấy tấm bánh đến độ chín. Kèm theo là một ống nứa tròn cỡ cổ tay, dài độ 40 phân, để cuộn tấm bánh cho lành lặn.

Và nữa, không thể thiếu một tô vừng đen hoặc trắng tuỳ sở thích, mỗi lần đổ bột lên khuôn, dàn đều rồi rắc dày những hạt vừng lên. Bánh chín phồng, người tráng khéo léo lấy ra và đặt lên tấm đan nan tre, nứa theo từng hàng, từng chục đưa ra phơi khoảnh sân trước nhà.

Đủ nắng, bánh khô quắt trong suốt lấm tấm những hạt vừng thì dỡ ra xếp từng chồng chờ xuất cho các mối tiêu thụ. Một quy trình muôn thuở không thay đổi, trừ những ngày mưa bão.

Khắp các chợ quê Phủ Diễn (Diễn Châu – Nghệ An), phiên chợ nào cũng đông khách xúm xít quanh bà hàng bánh tráng nướng. Một cái nồi đất rực than hồng, bà hàng khéo léo vừa quạt vừa trở bánh. Bánh quạt khéo chín phồng rộm, có màu hồng hơi sẫm dậy mùi thơm ngào ngạt của gạo quê, của những hạt vừng dày đặc. Bẻ miếng bánh thơm giòn nhai chậm rãi là một thích thú thật dân dã của con trẻ. Không chỉ trong các chợ quê, mà ngay trong bất cứ hàng phở, hàng bún xáo nào cũng không thể thiếu những chồng bánh đa nướng này. Bánh cũng là món đưa cay rất bình dị của đàn ông miền quê ven biển. Dân dã hơn, các bà các chị khi sà vào hàng phở trong chợ còn bẻ vụn tấm bánh cho vào tô, rồi xì xụp ngon lành...

Chiếc bánh đa vừng Phủ Diễn dày dặn, trở thành món quà quê mộc mạc của mỗi phiên chợ mẹ mua về cho con trẻ. Cũng là món quà quê khá ấn tượng với người Nghệ xa quê.

Du lịch, GO! - Theo Lê Bá Liễu (SGTT), internet
"Lên đỉnh Tà Sùa không giống như leo Phu Song Sung ở bản Xà Hồ gần đấy, Phu Song Sung đường dễ đi hơn nhiều và người dân trong bản ai cũng có thể dẫn đường lên núi cho bạn. Còn với Tà Sùa, cả bản chỉ có một vài người từng là thợ săn hay những người già làng mới biết đường lên núi. Và đỉnh Tà Sùa thì chắc chỉ những thợ săn kỳ cựu nhất mới có thể đã từng đi qua".

Tôi biết đến dãy Tà Sùa lần đầu khi đọc bài viết của nhà báo Đỗ Doãn Hoàng về “Những cô Phùa sống giữa mây cao”. Nơi ấy có người con gái mang vẻ đẹp trời không tạo ra được, người không tạo ra được, với cuộc sống bình lặng như một triền núi xa xa. Rồi đến những cánh rừng pơ mu bị tàn sát bởi thần lửa và bởi lâm tặc.

Cái dãy núi phân chia Yên Bái và Sơn La ấy vẫn mang một sức sống ngầm cuộn chảy bên trong. Vẫn có những bản người Mông nhà phủ trong sương, với bếp lửa nấu rượu xình xịch khi xuân về tỏa khói pơ mu thơm đượm như nhang trầm.

Chúng tôi tìm đường lên dãy Tà Sùa một ngày đầu năm mới...

< Đường vào bản Tà Xùa.

Vào bản Tà Sùa

Để lên dãy Tà Sùa, bạn cần vào bản Tà Sùa thuộc xã Bản Công huyện Trạm Tấu, Yên Bái. Cần chú ý ở điểm này , vì xã Bản Công của huyện Trạm Tấu bao gồm 5 thôn (bản), đó là: Tà Chử, Tà Sùa, Khấu Chu (Kháo Chu), Sán Chá và Bản Công. Lúc đầu, do chưa biết đường, chúng tôi tìm vào đến tận thôn Bản Công (gồm Bản Công dưới và Bản Công trên). Và như vậy không đúng đường, nên phải quay lại. Sự lầm lỡ này cộng với con đường trơn như mỡ ngày mưa đã làm thiệt hại một ngày đường của cả đoàn.

< Điểm trường ở Tà Xùa.

Từ trung tâm huyện vào bản Tà Sùa chừng 7 cây số. Ngày khô ráo, con đường này đi lại không quá khó, chỉ trừ những cây số cuối đường dốc vào bản. Nhưng ngày mưa, như mọi con đường vùng núi cao, tuyến giao thông độc nhất xuống huyện này thách thức với mọi người dân trong bản. Vào đến bản, chúng tôi tìm vào nhà một người Mông dẫn đường có tên là Vảng.

Có một điều đáng để nói là những ngôi nhà trong các bản (Bản Công, Bản Tà Sùa...) của người Mông nơi đây đều làm rất to và rộng. Từ những ngôi nhà làm chưa lâu lắm, mái phi-brô xi măng hãy còn sáng sủa, cho đến những ngôi nhà mái lợp ván gỗ phủ một màu nâu đen của khói, bụi và cả thời gian. Đi qua điểm trường Tà Sùa, tất cả đều vắng vẻ - ngày tết và cũng là ảnh hưởng của đợt lạnh nên học sinh được nghỉ.

< Phàng A Vảng và cô con gái thứ hai.

Nhà của Phàng A Vảng cũng là một ngôi nhà tương đối rộng rãi. Nền đất cao ráo, vách hoàn toàn bằng gỗ. Không khí mùa xuân đã tràn về trên những cây mận nở hoa trắng xóa và cả cây đào khoe những chồi nụ hồng chúm chím sau nhà. Trời vẫn đang rất lạnh và sương mù bao phủ. Bếp lửa trong nhà Phàng A Vảng vẫn cháy bập bùng, vừa để sưởi ấm, vừa để đun nấu.

A Vảng đang ngồi tẽ ngô. Ông bố của bốn đứa con này khoảng chừng 36-37 tuổi. Đứa con gái lớn nhất năm nay mười bảy tuổi, đã đi lấy chồng. Cô con gái thứ hai hiện đang học lớp tám. Lúc mọi người vào nhà là lúc cô bé đang đun một nồi cám to. Cậu con trai thứ ba học lớp sáu, đang đi chăn trâu. Còn cô bé út ít mới hai tuổi, vừa khỏi ốm dậy, vẫn chân đất chạy quanh nhà trong giá rét. Lúc thì nép sau lưng bố, lúc thì ôm cổ chị tò mò nhìn đoàn khách lỉnh kỉnh ba lô với đồ đạc.

< Những bức tranh chì màu rực rỡ của cô bé gái.

Cũng như những ngôi nhà người Mông nơi đây, nhà của A Vảng với ngô gác trên mái, khoai sắn chất trong góc nhà. Ở vị trí bàn thờ, có bốn túm lông gà. Tết năm mới của người Mông không như của người Kinh (ngày 1/1) mà vào ngày đầu tháng Chạp (1/12 âm lịch).

Trong ngày Tết, lông của con gà trống sau khi thịt cúng tổ tiên sẽ được bó thành các túm nhỏ để dán lên tờ giấy nơi để bàn thờ. Ở một góc nhà của A Vảng, có rất nhiều bức tranh chì màu, vẽ các hình hoa rất đẹp.

Cô con gái thứ hai bẽn lẽn cười khi bố chỉ cho mấy anh em tác giả của những bức tranh làm bừng sáng cả góc nhà ấy. Gần đó còn một tấm giấy in lớn dành cho "Kế hoạch phòng chống thiên tai tại hộ gia đình" năm 2009 với những phần viết nội dung thực hiện bằng nét chữ khá trẻ con. A Vảng bảo sáng nay vừa chở vợ xuống trung tâm huyện đi họp phụ nữ. Chúng tôi lắc đầu khi nghĩ lại đoạn đường trơn trượt và dốc từ trung tâm vào Tà Sùa này.

Bên bếp lửa, anh em giới thiệu xong, quay lại vấn đề chính nhờ A Vảng dẫn lên đỉnh Tà Sùa. Anh đúng là người đã dẫn đoàn của người bạn trước đó leo lên. Dự định ban đầu là sẽ thuê mỗi người dẫn đường 150 nghìn cho một ngày đường. Tuy nhiên, nếu A Vảng khá thẳng thắn và thật bụng, thì anh bạn Phàng A Đu đi cùng lại khá mưu mẹo và có máu làm ăn. Những câu tiếng Mông của A Đu đã ép giá cả chuyến đi thành 1 triệu đồng.

< Con đường tắt từ nhà A Vảng đi qua nương lúa đang mùa nước.

Đầu giờ chiều, cả đoàn bắt đầu lên đường, sau khi đã chuẩn bị thêm nồi niêu, rau và gạo. Năm anh em năm chiếc ba lô, hai bao tải đựng đồ của A Đu và A Vảng cũng được buộc dây rất khéo không khác gì ba lô đeo. Cô bé út hai tuổi của A Vảng khóc nức nở đòi theo bố. Thế nhưng chỉ duy nhất có chú chó vàng là chẳng cần xin phép, cứ thế lẽo đẽo chạy theo suốt con đường.

Chúng tôi đi tắt, men theo bờ ruộng bậc thang để ra đường lớn, nhưng con đường này lại lầy lội bùn và trơn trượt, chẳng nhấc gót giày lên được. Đành phải leo lên đường mòn bên đồi làm ta-luy ven đó để đi.

< Đoạn đường sạt lở với cây cầu tạm bằng thân cây rừng.

Con đường đất này vốn do dân trong bản tự làm, được nhà nước hỗ trợ tiền. Rộng chừng 2-3 mét bề ngang. Mỗi mét chiều dài được hỗ trợ 30 nghìn đồng. Nhà nào làm đủ sức làm được bao nhiêu thì nhận bấy nhiêu. A Vảng bảo, đợt này đang mưa dầm, cộng thêm việc bà con lấy nước từ suối vào ruộng nên nước tràn từ trên cao xuống, con đường trở nên lầy lội khó đi.

Đêm trên điểm cao 2200m

Hết đường, bắt đầu dốc lên, cũng là lúc bắt đầu vào đến rừng. Đường vẫn trơn, và dốc càng lúc càng cao.

< Những cây dương xỉ rất lớn.

Đây là con đường bà con trong bản thường dùng để đi rừng lấy gỗ, đánh bẫy, hái các loại cây quả. Hơi ẩm cao và mồ hôi đổ ra cả vì đồ đạc lẫn cái mỏi. Nhiều đoạn dốc cao quá đầu, không có cả chỗ đặt chân, đành phải bám rễ hoặc cành cây để leo lên.

Dưới tán cây, sương vẫn phủ mờ mịt, cái màu xanh mờ mịt của cây cỏ và sương mờ xóa nhòa dần ranh giới giữa mọi người. Không còn phân biệt miền núi và vùng xuôi, không còn phân biệt tiếng Kinh hay tiếng Mông nữa. Vừa đi vừa thở. Đến đoạn nào bằng phẳng, A Vảng lại dừng lại để mọi người ngồi nghỉ.

< Những khối gỗ lớn bị bỏ lại trong rừng.

Lác đác trên đường đi mới gặp một vài thân cây lớn. Còn lại đa số là cây nhỏ, lá to rộng. Những cây dương xỉ cao 5-7 mét, lá rộng dài hơn cả thân người, phủ xanh um tùm. Con đường mòn bám quanh theo sườn núi đá cứ thế lúc lên lúc xuống. Thỉnh thoảng lại có những khối gỗ vuông vức nằm lẫn trong bụi cỏ cây bên đường. Chắc vài năm trước chúng được xẻ ra, nhưng sau không ai đủ sức mang về, nên đành để lại. Những đoạn đường sạt lở, dân bản đã chặt cây làm cầu, những súc gỗ vuông vức này đôi đoạn cũng được dùng để làm cầu bắc qua lối mòn chênh vênh một bên là vách núi một bên là vực sâu ấy. Nếu giả sử có rơi xuống, chắc mẩm rằng cũng chẳng tan xác được, vì cây bụi, cỏ lau lách và đủ loại cây nhỏ mọc rất nhiều. Chắc cũng chỉ bầm dập mà bị thương thôi.

< Dãy Tà Sùa bắt đầu hiện ra dưới tán cây rừng.

Con chó vàng của Phàng A Vảng vẫn lẽo đẽo chạy theo, lúc vượt lên trước, lúc tụt lại sau. Đến một đoạn nghỉ, A Vảng nhất quyết đuổi nó về. Anh bảo cho nó theo, sợ nó lại dính bẫy thú của ai đó thì khổ. Thỉnh thoảng, có những đoạn vách đá chờm ra, tạo thành những vòm hang lớn. Người đi rừng, những lúc lỡ đường, sẽ nghỉ đêm tránh gió mưa, sương lạnh được ở đấy. Chúng đủ cao và đủ rộng để có thể đốt lửa sưởi và nằm nghỉ qua đêm.

Càng lên cao, bầu trời xanh lộng gió và tấm thảm mây trắng bồng bềnh càng lúc hiện ra càng rõ. Các đỉnh cao của dãy Tà Sùa bắt đầu lộ dần. Dãy Tà Sùa, ranh giới tự nhiên giữa Yên Bái và Sơn La như lời A Vảng nói có ba đỉnh cao chạy dọc chếch theo hướng bắc nam.

Theo hướng nhìn từ Trạm Tấu nhìn sang Sơn La, thì phía tay phải (phía bắc) là đỉnh cao nhất nơi có dựng cột cờ Việt Nam. Phía tay trái (phía nam) là đỉnh cao thứ hai, trên đó còn sót lại gốc của cột cờ dựng từ thời Pháp thuộc.


< Những gì còn sót lại sau những đợt cháy rừng.

Lời người già kể lại là khi đó người Pháp bắt dân trong vùng phải chở vật liệu lên để dựng cột cờ này. Hiện giờ, phần gốc còn lại của cột cờ vẫn rất lớn. Đỉnh cao thứ ba là đỉnh nằm ở giữa. Có thể coi đây là đỉnh tạm nghỉ nếu muốn lên một trong hai đỉnh kia.

Suốt đường đi, rất nhiều mảng rừng trơ trọi. Vụ cháy rừng đợt đầu năm tuy không to bằng mấy năm trước nhưng vẫn góp phần làm rộng thêm cái mảng trống hoang hoác của từng mảng rừng nơi đây.

Những đợt cháy rừng, bà con trong vùng được huy động để chữa cháy, tuy nhiên, phần hỗ trợ của nhà nước xem ra không thấm vào đâu. A Vảng kể lại mấy năm trước, có một lần được hỗ trợ hơn chục cân gạo cho hơn nửa tháng đi dập lửa.

< Cây pơ mu đường kính hơn thân người giờ chỉ còn lại gốc.

Hỏi A Vảng về gỗ pơ mu, anh bảo tí nữa sẽ chỉ cho thấy cây pơ mu duy nhất còn sót lại ở khu vực này. Hiện tại, pơ mu non đang được nhân giống để trồng lại. Những cây pơ mu hiếm hoi mà chúng tôi còn thấy được hiện giờ chỉ là những gốc cây cháy trơ trụi, hoặc những gốc cây to hơn thân người nằm đã bị cưa cụt từ lâu.

Trong một lúc nghỉ, A Vảng tranh thủ lấy dao tách lấy một nắm vỏ pơ mu, bảo là để đến tối dừng lại nhóm lửa. Dù gốc cây đã khô quắt, nhưng lớp gỗ pơ mu vẫn thơm được mùi dầu. Khi đốt lên, mùi khói thơm đượm tựa như ta đốt hương, đốt trầm vậy.

< A Vảng bóc lấy một ít lớp gỗ pơ mu để đốt buổi tối.

Càng lên cao, cây to càng vắng bóng. Chỉ còn những cây cỏ lúp xúp ngang đầu người. Biển mây trắng càng lúc càng mở rộng. Nắng chiều vàng, trời xanh ngắt và mây trắng mênh mông.

Không phải là mây ở trên cao, mà là màn mây bông giăng kín dưới thấp. Cái góc nhìn mà thường nhật có lẽ chỉ khi ngồi trên máy bay mới thấy. Nhưng khi ngồi trên máy bay thì không thể nào hít căng lồng ngực luồng gió thổi lồng lộng, và có thể hét vang trời vang núi.

Chiều xuống rất nhanh, và trong phút chốc xung quanh chìm trong bóng tối. Chúng tôi cố gắng lần mò trong ánh đèn pin đến được một vùng đất rộng ở độ cao chừng 2200m. Trăng cuối tháng chưa lên. Nhưng một bầu trời đầy sao, nhiều đến nhòa cả mắt. Và gió thổi cuồn cuộn. Gió khắp mọi hướng. Chiếc lều to vừa dựng lên, chưa kịp chốt xuống đất, nhoáng một cái đã bị cuốn bay mất. May mà cơn gió tan nhanh, anh em hì hục chạy xuống tít dưới mới mang được lều lên. A Vảng và A Đu tranh thủ chặt củi để mang về đốt.

< Biển mây trắng bắt đầu hiện ra.

Gió mạnh, củi khô, lửa nhóm lên cháy bừng bừng. Bữa tối có thịt gà, canh rau cải luộc với muối. Nồi cơm nấu tuy hơi cháy, nhưng đói và mệt. Ai cũng ăn được 4-5 bát. Vừa ăn vừa cười sung sướng bảo, ở nhà thì ăn 1-2 bát đã sợ béo, thấy ngấy. Lâu lắm rồi mới ăn ngon lành thế này dù rằng cơm thì gạo xấu, canh rau chỉ toàn muối.

Trăng bắt đầu nhô lên, biển mây bạc bừng sáng. Bầu trời đầy sao và đầy gió. Thật tiếc là không ai mang theo tripod, không thể cầm máy để chụp biển mây. Đành đặt máy nằm cố định để chụp được vầng trăng sáng. Có lẽ còn lâu lắm mới được ở lại giữa thiên nhiên như vậy.

< Đêm trăng trên dãy Tà Sùa tại độ cao 2200m.

Đun thêm một ca cà phê. Lửa ấm, và gió mát lạnh người. Cà phê nóng hổi. Có lẽ cái thú của những chuyến đi là những lúc tự tạo ra được cho mình sự tiện nghi ấm cúng ở giữa thiên nhiên hoang dã. Không phải tự nhiên mà trẻ con, đứa nào cũng thích nhóm lên một đống lửa, và được thả vào đó một cái gì đó để đốt bùng cháy. Cái tình yêu hoang dại ấy vốn có sẵn trong tất cả mọi người, và bất cứ khi nào gặp điều kiện là sẽ cháy bừng lên.

Đến gần nửa đêm, mọi người mới chìm vào giấc ngủ

Trên đỉnh dãy Tà Sùa

Sáu giờ sáng. Bình minh trên cao đến thật nhanh. Làn gió sớm thổi mát lịm. Không khí trong lành lan tỏa khắp mọi nơi. Từng tia nắng tách qua làn mây rọi xuống thành từng luồng sáng, tựa như ánh sáng thiên đàng chiếu rọi khắp nhân gian.

< Bình minh trên dãy Tà Sùa.

Xung quanh vẫn là một biển mây trắng với những đỉnh núi lô nhô lúc lặn lúc ngụp trong mây. Ở độ cao 2200m, chỗ chúng tôi đứng đã cao hơn hẳn biển mây, thế nên nắng đến rất nhanh và chẳng mấy chốc rất gay gắt. Nếu như không có gió mang hơi mát thổi đến, hoặc đi vào mùa khô thì thực sự ở trên cao này không hề dễ dàng gì. Và điều này cũng lý giải tại sao đêm qua bầu trời nhiều sao và trong đến thế. A Vảng bảo rằng, ở đây quá cao, nên lúc nào cũng nắng. Lúc này ở dưới bản Tà Sùa chắc chắn vẫn có thể đang có mưa cùng với cái lạnh và ẩm ướt của sương mù.

Sau bữa sáng, chúng tôi đi tiếp con đường cắt qua các đỉnh núi trọc lốc với lác đác những gốc thông non mới được trồng lại. Ở đây, đất được chia cho các hộ dân để trồng thông. Mỗi một héc ta nếu trồng xong thông, năm đầu tiên được hỗ trợ 3 triệu đồng. Năm tiếp theo nếu vẫn chăm sóc tốt thì được hỗ trợ chừng 1-2 triệu. Còn năm thứ 3 là 1 triệu. Từ năm thứ tư trở đi, mỗi năm được chừng 3-500 nghìn đồng.

< Đường lên dãy Tà Sùa như sống lưng một con khủng long khồng lồ.

Nhà A Vảng cả năm 2010 vừa rồi cũng nhận trồng 1 héc ta. Tuy nhiên, nhìn trên một diện tích lớn các gốc thông non sống sót không nhiều, thì có thể thấy rằng việc trồng, chăm sóc, cũng như giám sát ở đây không phải dễ dàng gì. Anh cũng bảo rằng, nếu trong quá trình trồng và chăm sóc, nếu để cháy xảy ra mà không xác định được nguyên nhân hay người gây ra cháy, thì gia đình trồng trên diện tích bị cháy đó sẽ bị phạt. Mấy năm trước, đã từng có trường hợp bị đưa ra xét xử vì cố tình làm cháy khi đi nương.

Đường đi càng lúc càng lên cao, thêm được chừng hơn 100 mét cao. Thấy rằng không còn đủ sức lên tiếp, một số anh em đành quay lại vị trí dựng lều đêm qua ngồi đợi. Vậy là chỉ còn lại 4 người tiếp tục leo lên đỉnh. Đi hết đoạn đường này là bắt đầu đến được đoạn đường gian khổ nhưng cảnh đẹp tuyệt vời. Từ đây chỉ toàn là những con đường chênh vênh mỏng manh như sống mũi ngựa vắt từ đỉnh núi này sang đỉnh núi khác. Cũng không thể cố kéo thêm ai đi lên cùng, bởi lẽ nếu có ai mà cố tham đi lên thì cũng chẳng thể nào đỡ cho nhau đi.

< Con đường rải đá trắng trên sống lưng dãy Tà Sùa.

Trong cuốn "Everest - Đỉnh cao nghiệt ngã" có viết rằng, đường leo lên đỉnh Everest chẳng ai có thể giúp được cho ai. Mỗi người chỉ có thể cố gắng tự lo được cho riêng bước chân của mình đã là cố gắng lắm rồi. Có những khi thấy người đi bên cạnh ngã xuống, nhìn thấy mà cũng không đủ sức và cũng không dám kéo họ lên vì biết rằng nếu làm vậy chính mình cũng sẽ nằm lại mãi. Tuy nhiên, đó là câu chuyện ở độ cao hơn 8000 mét, nơi mà chỉ riêng việc thở đã là một kỳ tích. Còn ở đây, trên cái con đường mong manh này, gió xung quanh thổi ù ù, người lúc nào cũng như muốn chao đi. Ở cái nơi mà cây to không lớn nổi vì gió thổi này, mỗi câu nói như cũng bị gió thổi bạt đi mấy mét trước khi tới được tai người bên cạnh. Ở nơi này, mỗi người cũng tự nhắc mình và nhắc lẫn nhau, nhớ đi cẩn thận. Đoạn nào không đứng thẳng lên được thì cứ thế mà dùng cả tứ chi lẫn với mông mà đi. Tay tóm được vào gốc cây bụi nào là phải tìm mọi cách để túm, đế nắm, để mà bấu víu.


< Vách đá dựng đứng.

Cái khó khăn thì là như vậy, nhưng cái đền đáp lại thì không gì sánh nổi. Con đường đi như vắt trên sống lưng của con khủng long khổng lồ, uốn mình từ đỉnh này sang đỉnh khác tạo nên dãy Tà Sùa vẫn được phủ một màu xanh rừng núi ngút ngàn. Vẫn lúc cuộn mình uốn lượn để tạo ra những thung sâu ngập trong mây mờ trắng xóa, tựa như chốn ở của thần tiên. Cái cảm giác được đứng ở trên cao thật cao và cảm thấy mình thật nhỏ bé trước thiên nhiên được hòa lẫn với tình yêu ngập tràn dành cho một vùng đất hẻo lánh của tổ quốc.

Núi đá ở dãy Tà Sùa có một loại đá màu trắng rất đặc trưng. Loại đá trắng mà ta có thể thấy ở các hiệu bán đá ốp lát. Những vỉa đá lớn lộ dần ra theo mưa gió thời gian. Có cả những đoạn người dân trong vùng trước đây thường lên tìm lấy đá, mang từng khối lớn về bản để bán. Những đoạn đường chênh vênh trên cái sống mũi ngựa đi lên dãy Tà Sùa này nhiều đoạn như được rắc một lớp đá trắng. Nó gợi hình dung tới câu chuyện cổ tích NaUy về Hansel và Gretel, với con đường có những viên đá trắng lấp lánh dưới anh trăng. A Vảng nhặt cho tôi một viên đá như thế, nó trong tựa như những tinh thể thủy tinh xếp lớp cuộn vào nhau.

Tranh thủ lúc nghỉ, A Đu hái mấy quả nho nhỏ màu tím thẫm, gần giống như quả phúc bồn tử, ăn có vị chua chua ngòn ngọt. Hỏi tên thì A Đu cũng lắc đầu, chỉ biết là ăn được theo kinh nghiệm. Gần đó có 1 bụi cây gần giống như vậy, nhưng quả màu đỏ tươi. A Đu bảo đừng có ăn, ăn không được đâu. Lại thêm một kinh nghiệm đường rừng không được đặt tên như thế.

Đi đến đoạn cả vách đá dựng đứng chừng hơn hai chục mét, không có đường nối sang đỉnh bên cạnh. Buộc phải men theo vách, lần bám để đu xuống. A Vảng vẫn cười và bảo đường này đám dê vẫn chạy qua được. Nhìn xung quanh không hề thấy bóng con nào. Cũng không dám không tin, đành cứ thế ngửa mặt lên trời mà bám vách lần dần xuống, chứ tuyệt không dám nhìn xuống phía dưới sâu hun hút. Các bác làm phim hành động có muốn làm những đoạn phim leo núi như của Holywood thì cũng chỉ cần đến đây là thừa cảnh mà quay. Qua được đoạn này, ngẩng đầu nhìn lên thì thấy hai anh chàng A Vảng với A Đu là chỉ còn như hai chấm nhỏ xíu ở tít phía trước.

< Những đỉnh núi chìm khuất trong biển mây.

Đi mải miết chừng 1 tiếng rưỡi, thì tới được độ cao 2500m. Đến đây thì A Vảng mới kể hết rằng đoàn trước đó cũng chỉ lên được tới đỉnh cao thứ 3 trong ba đỉnh cao nhất của dãy Tà Sùa. Và nếu muốn đi thêm 1 trong đỉnh kia thì tối thiểu cũng phải thêm 1 ngày nữa và đồng nghĩa với việc còn phải mang đồ đạc đi theo. Ngồi xuống thở một chút với biển mây trắng tràn ngập dãy núi phủ xanh. Nhìn lại đoạn đường gập gềnh trên sống núi chon von. Chúng tôi đành quyết định sẽ chỉ đi lên tới điểm cao thứ 3 đó.

Con đường vẫn tiếp tục, càng lên gần tới đỉnh, càng nhiều bụi cây cao và dày rậm. Các bụi trúc mọc khá dày. A Vảng chỉ cho một bãi phân gấu khô. Ở bản Tà Sùa, mọi người vẫn kể cho nhau nghe về câu chuyện của một gã trai Mông trong bản, người đã từng bị gấu tát mất mũi, cắn nát tai chừng mười năm trước. Gấu bình thường ít khi tấn công người, và thường lẩn tránh người. Nhưng khi nuôi con nhỏ, gấu mẹ khá hung dữ. Gã trai Mông khi ấy đã bắn bật gấu mẹ xuống vực. Tưởng gấu đã chết, nên lần xuống để tìm.


< Biển mây nhìn từ trên đỉnh dãy Tà Sùa.

Nào ngờ, gấu tỉnh dậy, quay lại tấn công. Gã nằm áp sát xuống đất để tránh những cái tát của gấu mẹ, đến lúc chán, gấu mẹ bắt đầu bỏ đi thì gã lại phạm một sai lầm là ngẩng đầu dậy để nhìn xem sao. Gấu phát hiện ra gã chưa chết, liền quay lại cắn xé. Tai và một phần mặt của gã mất đi là vì thế. Thợ săn trong bản giờ vẫn còn, nhưng thú săn thì đã ít đi nhiều.

Bám vách cheo leo và dừng đứng, leo thêm chừng 1 tiếng nữa. Tới 11h30, cả 4 anh em lên được tới đỉnh có độ cao 2650m. (Thiết bị thay đổi chỉ số liên tục dao động xung quanh mốc 2650m, lúc tăng lúc giảm). Niềm vui cũng đã ngập tràn. Từ đây bước một chút là đã sang đất Sơn La. Nhìn lên phía Bắc là hướng về đỉnh cao nhất của dãy Tà Sùa, phía Nam là đỉnh cao thứ hai. Hai đỉnh này là hai nơi có hai cột cờ của ta và của Pháp. Mong sao cho con đường từ Trạm Tấu sang Bắc Yên sớm hoàn thành không chậm hơn dự kiến.


< Đánh dấu, ghi tên 4 anh em lên tới một đỉnh của dãy Tà Sùa. Và bãi đá làm mốc nơi chôn dấu mốc.

Chúng tôi lấy giấy bút ra ghi lại thời điểm, ghi lại tên bốn anh em rồi cho vào hai lần túi ni lon (vốn là hai túi đựng kẹo), hàn kín lại rồi chôn xuống đất ở vị trí bằng phẳng nhất trên đỉnh. Sau đó lấy vài tảng đá nhỏ xung quanh xếp lại cẩn thận lên trên. Hi vọng rằng nếu lần sau có đoàn nào lên sẽ đào thấy tờ giấy ấy. Còn nếu có dịp quay lại, nhất định sẽ mang theo 1 chiếc hộp chắc chắn để làm nơi ghi dấu cho các đoàn đi sau. Cách đó không xa, trên một thân cây khô nhỏ bên cạnh, mấy anh em còn nhìn thấy một sợi dây đeo máy ảnh hiệu Fujifilm. Không biết là ai đó đi trước đã cố tình buộc lại đây làm dấu kỷ niệm.

< Cô Phùa bé nhỏ của bản Tà Sùa.

Ngồi nghỉ ngơi một lát, chụp mấy kiểu ảnh để làm kỷ niệm trước khi máy cạn pin. Hơn 12h trưa, chúng tôi bắt đầu quay xuống. Con đường về Tà Sùa chừng 6 tiếng đồng hồ đi liên tục để về đến nhà Phàng A Vảng. Cả nhà đã ngồi quây quần bên bếp lửa chờ đón mọi người trở về.

Chúng tôi rời Tà Sùa, tuy chưa gặp được những cô Phùa như trong bài viết từng được đọc, nhưng chúng tôi đã gặp được những cô Phùa nhỏ nhắn, xinh xắn sống trên những ngọn núi chìm đắm giữa biển mây. Những con người ấy đang tiếp tục cuộc sống ở vùng đất mang tên Núi Cao (Tà Sùa) này và vẫn không ngừng thổi bùng lên cuộc sống giữa núi và mây.

Du lịch, GO! - Theo Hoàng Hà Mai (Whitelie Opera blog).

Công ty du lịch

Công ty du lịch >>> Siêu thị mevabe dành cho mẹ và bé ,quần áo trẻ em >> thời trang trẻ em
Lên đầu trang
Tự động đọc truyện Dừng lại Lên đầu trang Xuống cuối trang Kéo lên Kéo xuống